Phần I: Về An Thái
Chương 37

Có lẽ suốt cuộc đời dài, không bao giờ An có những kỷ niệm xót xa và đáng chán cho bằng kỷ niệm ngày cưới.
Từng đọc khá nhiều bài thơ ca tụng đêm hợp cẩn, niềm vui vu qui, An so sánh những gì đã đọc với những gì mình trải qua, thấy buồn cười cho tài vẽ vời của thi sĩ. An đã ráng nghĩ tất cả mọi người đều hân hoan hạnh phúc trong ngày vu qui, chỉ riêng có mình là bất hạnh. Nhưng qua kinh nghiệm của Thọ Hương, và suy luận khách quan từ kinh nghiệm mình, An cương quyết nghĩ rằng các thi sĩ cổ kim đã lừa dối những người đọc nhẹ dạ. Nhất là những cô gái tuổi cập kê! Sau tiệc cưới An trở về phòng tân hôn như một cái xác biết đi và biết giả bộ cười. Những gì cô phải đảm đương gánh vác từ sáng tới giờ vượt quá sức chịu đựng của thân thể yếu đuối. Nhiều đêm trước cô không ngủ được. Ngày đám cưới cô phải phụ giúp việc nấu nướng, tiếp chuyện với những bạn bè và người đến mừng. Cô phải cố làm ra vẻ vui tươi, liến thoắng, hoạt bát, thông minh, e thẹn, ngúng nguẩy... nghĩa là làm đủ thứ kệch cỡm theo đúng đòi hỏi của vai cô dâu hạnh phúc. Nhưng có hai công việc nặng nề nhất đối với An là: chiều theo các nghi thức phức tạp và dài dằng dặc do ông thấy cúng đưa ra, và phải gặp Huệ.
Hình như để an ủi cho ông thầy cúng (không được Nhạc giao tổ chức lễ tiếp ấn) trại chủ đã ủy nhiệm cho ông đứng ra thay mặt nhà trai lo liệu tất cả nghi thức lễ lạc của đám cưới. Chỉ sung sướng ra mặt vì sự tín nhiệm lý thú này. Lâu nay Chỉ vẫn có ác cảm với thầy giáo. Nay được tự tay xếp đặt chuyện cưới xin ngay trong nhà đối thủ, tự bày vẽ cách thức cúng bái cho đối thủ và con gái tuân hành, có khác nào được đi săn ngay trên đất cấm. Có lẽ vì thế mà Chỉ đã bày vẽ quá mức đòi hỏi. An và Lợi quì đến ê cả đầu gối, lạy hết bàn thờ này đến bàn thờ khác, dâng rượu và lạy tạ gần như khắp mọi người có tuổi.
Cuộc gặp gỡ Huệ trong tiệc cưới cũng tạo ra những xúc động mạnh mẽ trong tâm hồn An. Cô sợ nhất là gặp Huệ, cô sợ bị Huệ nhìn với đôi mắt khinh bỉ, thù ghét. An tưởng tượng những gì Huệ sẽ nghĩ về mình, nên trước khi phải gặp Huệ, cô đã cố tập trung tất cả những định kiến, hiềm nghi, ngộ nhận tai hại nhất về Huệ để làm tấm khiên chống đỡ. Cô nhắc đi nhắc lại mãi cho nhập tâm: Anh ấy xem thường ta nghèo, anh ấy lạnh nhạt với ta. Từ trước đến nay anh ấy chưa bao giờ nhớ tưởng đến ta. Vậy thì việc gì mà ta sợ gặp anh ấy. Mà giả sử anh ấy có yêu thương ta thực nhưng bị trại chủ ngăn cản không dám cùng ta nên vợ chồng, thì anh ấy chỉ là con người tầm thường, con người hèn nhát. Ta càng phải trang điểm thật đẹp để anh ấy phải tiếc nuối, hối hận. Chính ý nghĩ phải làm cho Huệ tiếc nuối là liều thuốc an thần giúp An giữ được khá đủ bình tĩnh khi bước vào tiệc cưới. Thiên hạ trầm trò khen An đẹp, An sung sướng, và nhìn về phía Huệ xem đôi mắt ấy có biểu lộ sự khâm phục, và sự tiếc nuối hay chưa. Lúc đó Huệ quay mặt về phía cống Chỉnh nên An không nhìn được gì. Cô tiến gần, tiến gần Huệ hơn. Cô đã có thể nhìn sâu vào mắt Huệ. Lúc anh đưa tay nhận chung rượu từ tay An, và bàn tay run run chạm nhẹ vào ngón tay út của An, cô đọc thấy trong ánh mắt ấy không phải sự khâm phục, cũng không phải sự hối hận nuối tiếc, mà là sự thương xót ái ngại, sự tuyệt vọng đến bi phẫn. An lạnh cả người, bàng hoàng tự hỏi: "Thế là thế nào? Đôi mắt ấy, vẻ mặt ấy, bàn tay run run ấy, lời nói ấy, tất cả không có chút kiêu ngạo hờ hững nào, Huệ giấu được tình cảm với ai khác, nhưng không thể giấu được An. Cô suýt bật khóc vì xúc động. Khi giọt nước mắt đọng trên khóe và chực lăn xuống má, cô phải tránh nhìn về phía mọi người, giả vờ đưa tay lên gạt mồ hôi trán để che giấu sự đau đớn. Cơn bão ấy qua đi, để lại những dư ba bùi ngùi. Lòng An bần thần, hoang mang.
Trở về phòng tân hôn, An bải hoải, chán nản như vừa chạy qua khỏi một vùng tha ma đầy bóng tối. Hai vai An mỏi rần, người hâm hấp sốt. Mỗi lần bước đi bắp chân nhức nhối. Và điều bất ngờ nhất, là An bị ra kinh nguyệt sớm hơn thường lệ.
°

*

Lợi bước nhẹ vào phòng với nụ cười nửa bẽn lẽn nửa lém lỉnh. Mặt anh còn đỏ rần vì bị bạn bè ép rượu không thể từ chối được. Anh nhìn An, thấy vợ ngồi ở mép giường, tay mân mê mép chiếu hoa, mặt cúi xuống như ngượng nghịu. Lợi khép nhẹ cửa phòng lại. Cánh cửa xoay êm, nhưng lúc ập vào khuôn gỗ, lại kêu một tiếng két khá lớn. Lợi hơi lo người ngoài biết dụng ý của mình, dùng hai tay nâng cánh cửa lên một chút để dễ cài then hơn. Xong đâu đó, Lợi bước nhẹ về phía vợ. An vẫn không ngước đầu lên. Lợi tưởng An giận, cười nhỏ rồi bào chữa:
- Tụi nó ép quá, anh không thể từ chối được. Nhưng anh cũng có cách riêng để khỏi phải gục tại chỗ. Anh giả vờ đưa cao ly rượu nốc cạn, thực sự là đổ hắt ra phía sau. Tụi nó say, đèn lại mờ, nên không nhận ra anh ăn gian. Ủa, sao em chưa thay áo?
An hiểu cái lúc mình lo lắng nhất đã đến, lúng túng đưa tay lên hàng cúc áo để giữ chặt lại. Lợi tưởng vợ vâng lời mình, hấp tấp hỏi:
- Em muốn thay cái áo nào? Cái áo lụa nhé? Hay là cái áo nhiễu vàng?
An ngước lên nhìn Lợi, hơi chạnh lòng thương hại chồng vì vẻ sốt sắng của anh. An lễ phép đáp:
- Cảm ơn anh. Em tự đi thay lấy cũng được.
Lợi rụt rè đề nghị:
- Nhưng anh thích em mặc cái áo nhiễu vàng. Để anh đi khép cửa sổ bấc lại. Khiếp, đêm nay gió lạnh quá.
An bước về phía sau tấm màn thay quần áo. Sự hồi hộp lo sợ khiến mồ hôi cô vã ra ướt đẫm cái yếm trắng. Điều cô lo sợ nhất là mỗi lúc kinh nguyệt ra càng nhiều hơn. Bên ngoài tấm màn, Lợi đang đóng lại hai cánh cửa sổ. An cảm thấy nhớp nháp khó chịu, nhưng không dám xuống phía bếp để rửa ráy, vì ngại ngùng. Cô lo sợ liếc ra phía ngoài, thấy Lợi đi đi lại lại giữa khoảng cửa sổ và cửa lớn, như đang nôn nao chờ đợi điều gì. An lau qua thân thể, rồi mặc cái quần đen và cái áo nhiễu vàng như Lợi dặn. Cô vừa bước ra khỏi màn thì Lợi đã hấp tấp bước nhanh đến ôm chầm lấy An, siết thân thể mềm yếu của vợ trong hai cánh tay. Lợi áp má lên tóc An, rồi áp mũi hít say sưa hương tóc. An trân người vì sượng sùng và vì sợ hãi. Cô hoang mang không biết phải làm gì để gỡ hai cánh tay tham lam của chồng. Mà quả thực Lợi quá tham lam. Hình như anh chưa dám tin An đã thực sự thuộc về mình, vẫn còn tưởng tất cả chỉ là mơ ước, người con gái hiện đang thu người khép nép trong lòng mình còn là một ảo ảnh. Cho nên Lợi dùng bàn tay phải mân mê, sờ soạng khắp mặt mũi, thân thể vợ, làn da mịn màng, hương thơm ấm áp, cái cổ tròn, đôi vú nhỏ và mềm, trái tim đập gấp, đôi tai xinh xắn nép sau làn tóc mượt, hơi thở dồn dập, và cả đến mùi mồ hôi toát ra từ nách áo, anh muốn căn cứ vào tất cả những thực hữu cụ thể ấy để trọn vẹn tận hưởng niềm hãnh diện. Lợi vừa áp mặt vào ngực, vào nách vợ vừa lẩm bầm như người say:
- Em là của anh. Từ nay em là của anh. Có thực sự như vậy không An. Em đã là của anh phải không? Trời ơi. Anh sung sướng quá. Em đã là vợ anh. Tất cả tấm thân này là của anh sao?
An muốn ngộp thở vì sợ hãi, không nói được lời nào. Cả người cô tê dại, một thứ cảm giác xa lạ lan ra khắp người An, nhất là lúc Lợi áp mặt vào ngực cô - An cũng không biết Lợi đã tháo hàng cúc chiếc áo nhiễu vàng từ lúc nào. Lúc lấy được đôi chút ý thức, An mới nhận ra hoàn cảnh đáng bẽ bàng của mình. Chiếc áo nhiễu đã rơi xuống đất, trên thân thể An chỉ còn cái quần đen và chiếc yếm trắng. Da thịt An lồ lộ từ khuôn mặt phấn sáp, chiếc cổ cao, đôi vú nhỏ, và phần trên của bụng. Lợi vẫn ôm riết lấy An, mặt dụi vào cặp vú trần. Mỗi lần Lợi chạm vào đầu vú, An lại thấy buốt ở ngực, rồi cảm giác nhức buốt dần dần tan loãng ra, thành một niềm tê dại, thành một khoái cảm lăn tăn truyền từ chân tóc đến mấy đầu ngón chân. Mắt An nhắm lại, như sợ thấy tất cả những gì đang diễn ra. Sợ thấy mình say dại, trơ trẽn trước ánh đèn!
Lợi dìu An đến chỗ giường, hai tay vẫn mơn man khắp phần trên của thân thể vợ. An sợ hãi không biết điều gì sẽ xảy ra nữa. Thấy Lợi đưa tay lần giải lưng quần. An chợt nhớ đến những lời chửi rủa tục tĩu giữa những người vợ lính. Cô hoang mang tự hỏi: Hóa ra tất cả những điều ghê gớm ấy đều có thực hay sao? Vợ chồng nào rồi cũng phải bắt buộc ân ái với nhau như vậy, giao hợp với nhau chẳng khác nào tất cả giống đực và giống cái trên đời giao hợp để sinh đẻ, truyền giống mà tồn tại. Cùng với sự sợ hãi, An cảm thấy thân thể mình nhớp nháp hơn. Cô nắm lấy bàn tay Lợi. Lợi khựng lại, ngơ ngác hỏi:
- Em sợ đèn sáng hả?
An vừa thở vừa nói:
- Đừng anh! Em sợ lắm.
Lợi cố cười gượng, bảo vợ:
- Có gì mà sợ. Vợ chồng ai cũng phải thế cả!
An nhất định nắm lấy tay Lợi, giọng van nài:
- Để hôm khác đi anh. Hôm nay em không được khỏe.
Lợi nhất định không tin lời An, bảo vợ:
- Em, đừng nói dại. Đêm nay là đêm hợp cẩn mà!
An vội nói mau:
- Nhưng em có kinh.
Lợi giật mình khựng lại, đăm đăm nhìn An. An giận đến run cả người vì cái nhìn hoài nghi ấy. An gắt gỏng hỏi:
- Anh không tin em ư?
Đôi tay Lợi dần dần nới lỏng. Giọng Lợi có vẻ thất vọng, chán nản, Lợi nói:
- Không. Anh tin em chứ. Khiếp. Sao anh cảm thấy ngột quá. Ta mở cửa cho thoáng khí một chút nhé.
Lợi không chờ An bằng lòng, tiến về phía cửa sổ. An phải vội vơ chiếc áo nhiễu khoác lên người. Trong sự thay đổi của Lợi, An cảm thấy có gì hơi tàn bạo và thô lỗ. An chưa dám tin ở cảm tưởng ấy, vì từ trước đến sau, lời lẽ của chồng vẫn ôn tồn nhã nhặn. Tuy thế, An vẫn cảm thấy có một vết thương nào đó trên tình vợ chồng, vết thương nhỏ và kín đáo như một vết rạn. Đêm đó, đêm tân hôn, hai vợ chồng nằm xoay lưng vào nhau, và cũng thao thức chờ gà mau gáy sáng.
°

*

Liên tiếp mấy hôm sau An được dịp chứng kiến khả năng thích ứng nhạy bén của chồng để hòa nhịp với cuộc sống bình thường. Đối với người khác, làm điều gì không đúng với sự thực tự nhiên người ta dễ ngượng ngịu, vấp váp, ăn nói ú ớ, bào chữa vụng về. Nhưng với Lợi thì sự thực chính là điều phải làm. Anh hết sức tự nhiên khi đỏ mặt lúng túng trước các lời bông đùa của bạn bè. Người thì bảo:
- Trông cặp mắt mất ngủ của nó kìa. Phải điều độ nghe bạn!
Người thì bảo:
- Sao mới có mấy hôm mà nó gầy xọp thế.
Lợi không cải chính, còn cố ý khiến bạn bè hiểu lầm rằng mình đã quá say duyên mới quên cả giữ gìn sức khỏe. Được dịp cho mọi người cười hô hố, và lúc nào cũng vậy, Lợi cười dòn hơn, to hơn các bạn.
Khi chỉ còn hai vợ chồng, thì Lợi cư xử khác hẳn. Anh cau có, cáu gắt. An không biết phải nói gì để Lợi hiểu rằng biểu lộ sự cau có trong trường hợp như vậy là thiếu tế nhị. An tin rằng Lợi không có kiên nhẫn để suy nghĩ cho thấu những ràng buộc phức tạp ấy. Vì thế, An nuối tiếc, rồi lại hối hận vì đã nuối tiếc.
Cuộc sống chung với một người đàn ông, chia sẻ với nhau những điều vụn vặt, tầm thường, và riêng tư, cuộc sống đó mới đầu không khỏi có những vấp váp, bất tiện. An không quen ngủ chung giường với người khác. Không quen nghe tiếng ngáy, và đôi khi tiếng ú ớ mê sảng giữa đêm khuya. Không quen để cho người nào choàng tay lên ngực mình, gác chân lên vế mình. Những va chạm, ràng buộc mới mẻ ấy, An cảm thấy khó chịu, mà không thể nào tránh được.
Liên tiếp mấy đêm cô không chợp mắt, hết trăn trở lại nằm yên đếm thầm để dỗ giấc ngủ. Lợi vô tâm!!!4406_37.htm!!! Đã xem 403332 lần.

Phần I: Về An Thái
Chương 3

Truyện SÔNG CÔN MÙA LŨ ---~~~cungtacgia~~~---