Chương 10

Viên Hiến Binh Pháp lần lượt mở tất cả các gói để kiểm soát thư từ gởi lậu và các đồ quốc cấm. Thư từ phải đưa riêng cho tên cai tù kiểm duyệt trước khi đến tay người nhận.
Tên cai dõng dạc gọi tên từng người theo địa chỉ ghi ở ngoài giỏ. Mỗi người được gọi phải chạy thật nhanh qua khoảng sân rộng chừng hai mươi thước để kịp nhận quà và tránh cho cai tù khỏi cầm lâu nặng, mỏi taỵ Hắn có thể ghét giận mà thả rơi một giỏ đồ tiếp tế tan vỡ không hề thương hại.
Mỗi một tên gọi lên là một lần xào xáo chen chúc bên ngoài. Hiến Binh phải ra roi quất xối xả vào đám đông để đàn áp. Làn sóng người chứa đựng trong một biên giới vô hình do ngọn roi da phân định, thỉnh thoảng lại vỡ lở, để ngã té chồng chất lên nhau, như ngọn nước sông mùa lụt cứ lăm le đục thủng con đê.
Những kẻ được quà đã bắt đầu vượt ra sân, tụm năm, tụm ba, sửa soạn ăn trưa. Những nắm cơm đỏ rắn chắt đã bị bóp nát để khám xét, những son thức ăn ngon lành đã bị quậy lên, trông dơ bẩn, nhất nhất mọi vật đều bị kiểm duyệt tỉ mỉ.
Có hai người được gọi ra nhưng không lấy "culi". Họ là nạn nhân của những bức thư mà người nhà đã vô ý bỏ vào trong giỏ thay vì đưa tay cho tên cai. Họ sẽ không được nhận quà mà lại còn bị cấm cố ba ngày nữa.
Tân lo ngại vì đợi mãi vẫn không thấy gọi đến tên mình. Không khéo vợ Ở nhà chưa biết luật lệ lại vô ý bỏ thư vào "culi" thì mang họa. Bây giờ Tân không mong nhận culi nữa mà lại trông cho liên lạc được nhắn với ai về nhà báo trước kẻo sợ tai vạ.
Đoàn người đi bới cơm cũng thưa dần và cánh cửa đã từ từ khép chặt sau khi thu xách đồ ăn cuối cùng của một kẻ đến chậm. Đáng lẽ thì cửa đóng rồi vì đã hết giờ song hình như người mang cái xách ấy đến lại là một bóng người tha thướt nên tên cai cũng không nỡ.
Mọi người sắp thức ăn ra như một phiên chợ ngoài trời. Lúc nầy mới rõ ai thân với ai và những ai là bà con ruột thịt với ai. Có nhiều người lại "cọng tác" với nhau để làm thành một mâm cơm thịnh soạn. Họ ăn uống mộ cách thân mật thích thú, cố quên bớt cái cuộc sống của nhà tù.
Tên Cai đi rảo từ mâm nầy qua mâm khác. Hắn biết rõ culi" nào béo, cái nào gầy, cho nên hắn đi đến đâu là anh em "khổ chủ" phải mời mọc rất ân cần để tránh hậu họa. Được cái hắn cũng dễ dãi, giản dị, nên đến nơi nào hắn cũng ăn sơ sơ và hết vòng thì chắc hẳn dạ dày cũng đầy.
Sáng hôm nay Tân đợi mãi không thể nào gặp được một bạn nào đi hành dịch ở ngoài để có thể nhắn tin được. Khổ một nỗi là nếu nhắn tin mà nhà lao biết được cũng chết. Bởi vì như thế cũng có thể buộc vào tội liên lạc trái phép.
Tân định nói trước với tên cai, song hễ trông thấy hắn, định nói lá hắn lại phớt như "ăng lê". Cứ trông nét mặt chì, môi thâm tím, mày rậm, cặp mắt lưu manh của nó cũng đoán được con người nó ra sao rồi.
Hắn đòi hỏi hối lộ Ở những tù nhân mà Tân thì không có gì để cho hắn cả, như vậy là chắc là không xong. Nhà Tân không phải là một tiệm kim hoàn để có thể nhắn về bảo đánh cho nó chiếc nhẫn năm, bảy chỉ. ân cũng không phải là chủ hiệu buôn để nhắn về nhà gởi biếu cho hắn đôi giày, chiếc mũ...
Chín giờ khi hắn mở cửa phòng "chính trị" cho các phạm nhân ra đi bách bộ, trông thấy mặt hắn có vẻ nghiêm nghị, Tân lại càng phát ghét và thôi không nhờ nữa.
Vừa đi bách bộ Tân vừa suy nghĩ rồi tưởng tượng đến hoàn cảnh mình được "culi" ở nhà trưa naỵ Nếu có một cái thư giấu bên trong thì sẽ ra sao! Nhưng rồi Tân lại tự bảo:
- Có lẽ nào mình lại đen như thế được. Đã vào tù rồi, không lẽ lại bị nhốt trong nhà tù nữa!
Tân không tin rằng mình sẽ đen như thế. Song rồi lại rùng mình nhận xét:
- Hễ khi nào mình không tin điều gì xảy đến thì sẽ gặp điều ấy đến. Mỉa may thay!
Xưa nay Tân thường bị cái oái oăm như thế!
Cả đoàn cứ tự động bước đều theo vòng tròn giữa sân lao, không cười, không nói. Từ trong văn phòng, qua lớp cửa kính, lão Hiến Binh đề lao cũng đứng với tên cai nhìn ra đám người đi bách bộ.
Trông cái đám người "đi dạo sáng trăng" giữa ban ngày, nghĩ cũng buồn cười. Mỗi người là chủ một gia đình một sự nghiệp, có một công ăn việc làm, có bổn phận, có trách nhiệm, bỗng nhiên lại hẹn nhau đến đây để ăn không ngồi rồi, ngày ngày phí sức trong cuc đi bách bộ "vệ sinh" này và chờ cha, mẹ, vợ, con bới cơm đến tiếp tế.
Mỗi người đang suy nghĩ đến một việc và nếu họ kể ra thì sẽ thu góp được nhiều chuyện hay lắm.Trí óc Tân chỉ nghĩ quanh quẩn bên chiếc culi trưa ấy và bức thư không kiểm duyệt. Bây giờ Tân lại cố cho mình không là rủi để mong sự thật trái ngược lại, song trí óc không tưởng tượng theo như thế.
Trưa hôm ấy, mãi đến nửa buổi phát culi mới trông thấy một giỏ mây trắng còn mới tinh, bị bỏ riêng ra một bên. Từ trong hiên, những con mắt đợi chờ đều cố nhận cho ra culi ấy. Những người hàng ngày có nhận tiếp tế thì biết rõ màu sắc, hình thể cái giỏ của mình rồi. Chỉ còn Tân, cố tập trung đôi mắt vào cái nhãn đề tên ngoài giỏ song không tài nào đọc được. Tuy thế linh tính Tân vẫn bảo là cái giỏ ấy của mình.
Nó của Tân bởi vì nó mới nhất, nó mới được bới đồ ăn lần đầu. Có lẽ sáng nay nó còn nằm ngoài chợ Đông Bạ Bàn tay đã mua nó phải là bàn tay Hường bởi vì nó vừa ý Tân quá. Nó của Tân, bởi vì nó chưa quen thuộc, nó còn e lệ, nó phải đứng riêng. Chắc là người ta cần để riêng để rồi sẽ đưa cho Tân sau.
Tân vẫn tin như thế! Nhưng có tiếng gọi từ sân lao:
- Tân! Thằng Tân đâu rồi.
Tân biết là chuyện chẳng lành. Mọi người ngừng ăn để nhìn Tân đang đi đến trước mặt lão Cai. Lạnh như tiền hắn bảo Tân:
- Lấy chiếu chăn vào xà lim ngaỵ Mầy có biết người nhà dấu thư và không đưa qua kiểm duyệt?
Tân bào chữa:
- Thưa anh, tôi mới vào và có lẽ người nhà không biết...
- Không thưa gì cả! Vào xà lim ngaỵ Tao cho mày nhận culi để ăn là may lắm rồi.
Tân tức giận tràn hông nhưng không nói gì thêm nữa.
Nhìn những vật dụng và thức ăn của vợ bới vào, Tân bùi ngùi cảm động. Những món ăn quen thuộc nấu đặc biệt cho Tân, những quà tráng miệng, trái cây, bánh ngọt, gói thuốc lá thơm, cái tăm xỉa răng, vài chiếc khăn mù xoa thay đổi, ve dầu Bạc Hà, tất cả nói lên niềm âu yếm không bờ bến của người vợ hiền, Tân đưa tay lau những giọt nước mắt và tự bảo:
- Không biết trong thư Hường nói những gì!
Ngả lưng xuống sàn xi măng ẩm ướt lành lạnh, Tân gác tay lên trán suy nghĩ. Nhìn vòm trần kiên cố Tân cảm thấy như nghẹt thở dưới sức ép nặng trĩu của khối bê tông cốt sắt.Tất cả cái xà lim trông như một cái huyệt mả không hơn không kém. Tân rùng mình nhắm mắt để xua đuổi những hình ảnh dễ sợ.
Tiếng kiểng buổi sáng thức dậy vang lên, điếc tai, khó chịu. Tân muốn nằm lì và kéo thêm giấc ngủ để bù lại những ngày sống ở ngoài xà lim phải làm tạp dịch nhọc mệt. Nhưng đôi mắt tỉnh như sáo, không thể nào ngủ được.
Tân uốn mình nghe từng khớp xương kêu răng rắc. Cả người mệt mỏi khó chịu. Nhìn chiếc chiếu thấy ẩm ướt, Tân lật chiếu lên xem xét. Một lớp hơi ẩm đọng lại quá dày, chẳng khác gì có người đổ nước chùi nhà chưa khô.
Tân vụt đứng dậy cố tránh cái sàn xi măng ghê tởm ấy. Nhìn qua lỗ thông hơi, tầm mắt bao quát được một góc sân không nhỏ.
Người qua kẻ lại, hoạt động náo nhiệt. Những tiếng chổi quét lá ở sân xào xạc, những tiếng va chạm của thùng sắc đổ rác, tiếng gọi người đi hành dịch, tiếng quát tháo của lão cai và muôn ngàn tiếng ồn khác náo động không gian.
Tên lính da đen, tay cầm súng, đạn đã lên nòng, đến mở cửa xà lim đối diện với xà lim Tân. Lần đầu tiên không ai ngăn cấm Tân được nhìn tận mặt tên tử tù đang chờ ngày hành quyết.
Mọi ngày hễ vào giờ mở cửa cho hắn ra làm vệ sinh và đi bách bộ là tất cả mọi người trong lao phải tránh xa hoặc bị nhốt vào buồng. Hôm nay Tân được mục kích tường tận khung cảnh sinh hoạt đặc biệt nầy.
Người lính đen chĩa mũi súng và đi cách sau tên tử tù sáu bước. Hắn mang chiếc thùng rác đi trước. Người hắn chỉ mặc có mỗi một chiếc xì líp, chân mang đôi dép cũ. Hắn không được mặc áo quần và có thêm vật dụng gì ngoài hai cái lon sắt đựng thức ăn.
Cửa xà lim hắn đã mở. Nhìn vào bên trong trống trơn. Trên sàn xi măng, một manh bố đã rách nát. Người ta sợ không dám để một vật gì có thể dùng cho hắn tự sát được. Đèn điện treo thật cao, không có giây lòng thòng, bóng đèn có bọc lưỡi thép phòng khi vỡ khỏi rơi mảnh chai. Chén dĩa ăn được thay thế bằng lon sắt. Áo quần bị tịch thu.
Trong suốt thời gian chống án, từ ngày hắn bị Tòa xử tử hình cho đến ngày Tòa Thượng Thẩm xử lại, mất khoảng sáu tháng, hắn phải bị nhốt riêng trong xà lim đặc biệt này.
Tắm rửa xong hắn trở về xà lim quét dọn. Sắp đặt đâu vào đấy, hắn lại được mười lăm phút đi bách bộ cho khỏi liệt chân.
Tân nhìn kỹ mặt hắn và nhận thấy một vẻ thơ ngây non nớt. Trạc tuổi hắn khoảng mười tám, hai mươi, thoạt trông qua không ai ngờ hắn là một kẻ trọng tội, có án tử hình được!
Tân cố tìm trên nét mặt hắn một sự đau khổ hay buồn bực nhưng tuyệt nhiên không thấy. Trông điệu bộ hắn hút cái tàn thuốc lá một cách ngon lành, người ta tưởng hắn là một gã thư sinh yêu đời.
Không biết hắn mang tội gì nhưng Tân bắt đầu thấy có thiện cảm đối với hắn. Lòng thương hại dâng lên dào dạt. Tân muốn có cách gì gởi qua cho hắn ít quả lê táo và gói thuốc lá thơm. Tân muốn tâm sự với hắn để biết rõ tội trạng, hoàn cảnh và chia xẻ nỗi đau khổ của hắn. Tân nghĩ:
- Có lẽ khi loài người đến tận cùng đau khổ thì lại dửng dưng không cảm thấy đau khổ nữa!
Tên lính gác ra hiệu đuổi hắn vào xà lim. Tân bùi ngùi cảm động và lo ngại cho số phận của hắn.
°
Mỗi khi thấy bọn lính lê dương, mũ trắng, đậu chiếc xe GMC trước cửa nhà lao vào buổi chiều, là không ai bảo ai, tất cả phạm nhân đều ngừng hoạt động để quan sát. Nếu gặp lúc sau khi điểm danh đã đóng cửa rồi, thì nhất định nơi bất cứ lỗ thông hơi, khe cửa, lổ tò vò nào, hướng về sân lao, đều có những con mắt rình nhìn. Bởi vì họ biết rõ là tám mươi phần trăm những lúc ấy chỉ là lúc đem tù đi bắn.
Mỗi lần ở một vùng quê nào bị phá phách, hoặc là cầu sập, đường đứt, hay đồn bót bị tấn công, thế là ngày hôm sau, tùy theo tính cách quan trọng của sự thiệt hại, và cũng là tùy theo mối căm tức của "quan tây" có thẩm quyền, bọn lính mũ trắng đưa xe hơi đến hốt một số tù nhân. Khi năm người, khi ba người, đàn ông có, đàn bà có, nhiều nhất là mười người.
Chiều ấy bọn Lê dương đến lấy mười phạm nhân quê quán ở Hương Trà. Sự lựa chọn hơi khó khăn, vì cần lấy những người ở ngay trong làng Triều Sơn Tây là nơi vừa xảy ra vụ phá hoại đường rầy xe lửa. Nếu thiếu thì lấy thêm những kẻ ở làng kế cận song cần nhất là phải xem kỹ lai lịch các phạm nhân, lựa những kẻ "vô danh tiểu tốt" để khỏi có thân nhân khiếu nại.
Hơn năm giờ chiều mà vẫn lựa chưa đủ số. Bọn người lần lượt ra sân ngồi đợi co ro dưới gốc cây bàng, xếp hàng hai trước sự kiểm soát của một tên mắt xanh mặt đỏ. Vẫn còn thiếu một người! Nét mặt ai ai cũng có vẻ ngơ ngác buồn buồn. Họ run lên chắc là vì rét lạnh chớ không phải vì sợ.
Giờ phút ấy thì có lẽ chưa ai biết rõ mình sẽ phải bị đưa đi đâu mà dù cho có nghi ngờ gì đi nữa thì họ cũng cố xua đuổi những ý nghĩ xấu xa để cầu lấy một sự may mắn cho mình.
Tên gác lao đi mở cửa các khám lần lượt đến khám "chính trị". Một luồng gió lạnh buốt từ phía bờ sông Hương đưa lên. Mọi người đều cảm thấy rởn ốc bởi cái không khí chờ đợi phập phồng ấy. Viên cai tù gọi lớn:
- Trần Văn Xuân đâu? Và xoay lại nói với gã Lê dương bằng tiếng Pháp.
- Tên nầy ở Văn Xá cũng gần Triều Sơn Tây.
Trăm con mắt đều đổ dồn về phía Tân vì Xuân nằm cạnh Tân. Xuân là em bé trạc mười sáu tuổi vừa bị bắt vào chừng hai tuần chưa được thân nhân tiếp tế và vẫn sống chung với Tân.
Xuân đứng dậy cầm chiếc nón lá đã rách tơi bời bước theo tên Lê dương ra sân để điền vào chỗ thứ mười còn trống.
Rồi tiếng xe GMC gầm thét chạy một cách căm hờn như để cướp lại thời gian đã mất quá nhiều trong việc lựa chọn vừa qua.
Tân cảm thấy mộ nỗi buồn khó tả trước cuộc chia tay với những người đồng hương trong hoàn cảnh vô cùng bi đát ấy. Cả khám đều im lặng. Những người đã dành nhau trông ra sân qua các lỗ thông hơi và khi cửa cũng trở về chỗ âm thầm. Tất cả như tự động mặc niệm cho các bạn đồng khám xấu số.
Thường thường muốn biết chắc chắn là những bạn ra đi như thế đã chết hẳn hay chưa thì phải đợi ba bốn ngày sau, khi tên đề lao cho lệnh tịch thu áo quần đồ đạc của kẻ vắng mặt, để đem đi thiêu hủy. Nhưng việc ấy chỉ là một sự kiện để xác định ức đoán không mấy khi sai của anh em trong nhà lao.
Lần lần bầu không khí trong khám trở lại bình thường. Kẻ chăm chú viết thư nhắn gia đình tiếp tế, người cặm cụi làm đơn chạy chữa để xin về, đôi ba nhóm đánh cờ tướng trên sàn gạch hoặc là hội họp nhau để hút thuốc lào đoán chuyện thế sự.
Rồi bỗng nhiên giữa lúc không ai chờ đợi thì cánh cửa khám lại mở rộng để trả Xuân về lại. Lúc ấy vào khoảng chín giờ tối. Nét mặt Xuân có vẻ thất vọng áo não. Cả bọn im lặng đợi cho cửa đóng lại và tên gác khám đi xa mới dám tụ tập quanh Xuân để hỏi chuyện. Xuân nghẹn ngào, sững sờ một hồi mới nói được.
- Chúng nó đưa bọn tôi ra giữa đường Văn Xá An Hòa rồi một thằng đi vào đồn đón các ông Sĩ quan Lê dương. Họ trói chúng tôi vào những cột giây thép dọc theo đường xe lửa và bịt mắt. Dân chúng tò mò có kẻ đến xem nhưng chỉ đứng xạ Viên thông ngôn cho biết là đường sắt qua vùng ấy vừa bị phá tất nhiên dân địa phương phải chịu trách nhiệm. Và để cho một bài học, họ sẽ bắn bọn tôi, làm gương.
Xuân ngồi im lặng một hồi như để ôn lại những công chuyện khủng khiếp vừa xảy ra quá lộn xộn trong trí óc và tiếp:
- Rồi không hiểu sao họ lại thả bớt năm người, trong đó có tôi. Họ để cho chúng tôi chứng kiến vụ xử bắn năm người kia. Trời ơi! Thật là đau đớn!
Xuân gục đầu xuống khóc, vì xúc cảm nặng nề. Mọi người im lặng.
Ông già Chương an ủi:
- Thôi, thế là năm cậu thoát khỏi rồi, không phải đi nữa đâu!
Nhưng Xuân nói gượng qua nước mắt:
- Chúng nó dặn ngày mai năm giờ sáng sẽ đến đưa bọn tôi đi.
- Chúng nó dọa đấy! Không bao giờ có chuyện lạ như vậy đâu.
Đêm ấy Tân không thể nào ngủ được. Có lẽ vì nằm bên cạnh Xuân, bao nhiêu linh tính, cảm giác gì của Xuân đều truyền qua cho Tân. Xuân thao thức, suy nghĩ, nằm xuống rồi lại ngồi dậy như bị cào xé ngấu nghiến bởi một ma lực lạ kỳ. Không hiểu vì Xuân bị cảm xúc mạnh trước những cảnh quá rùng rợn mà Xuân đã phải chứng kiến hay là riêng Xuân đang có một linh tính gì báo trước rõ rệt cho mình hắn biết mà thôi.
Xuân nói nhỏ với Tân:
- Anh ạ, em cảm thấy thế nào ấy! Gan ruột cứ nao nao không yên tĩnh. Chắc đêm nay là đêm cuối cùng của đời em. Anh không biết rõ nên không tin chứ em nhất định thế nào cũng chết ngày mai!
Xuân vừa nói vừa lục soạn trong cái giỏ mây đựng đồ dùng... Tân nhận thấy có một cái gì khác thường trong giọng nói, trong nét mặt của Xuân.
Hình như con người khi đứng trước ngưỡng cửa của cõi chết thì riêng họ tự biết được rõ. Thường thường những người sắp chết chống lại rất mãnh liệt với tử thần. Họ xua đuổi những ý nghĩ hắc ám để hy vọng một sự may mắn lắm lúc rất viễn vông.
Tên tử tù biết rằng ngày mai sẽ bị xử bắn lúc rạng đông, đã được cơm no rượu say rồi song vẫn hy vọng đạn không nổ hay là một cuộc đảo chính xảy ra ngay lúc sắp bắn để rồi có kẻ hiệp sĩ hét lên một tiếng chận đứng những tay súng.
Xuân thì lại khác. Không biết trong thâm tâm đang có những cảm giác gì, nhưng thấy nét mặt Xuân bi quan, thụ động, cam tâm phục tòng một định mệnh dù là hà khắc. Tân nghi ngờ biết đâu Xuân đang tìm một lối thoát.
Không phải chỉ nhốt một người vào một chiếc xà lim kiên cố, lột trần truồng, không cho mang theo vật dụng gì cả, là họ không tìm ra lối thoát đâu. Nhiều người vì một ẩn tình khó hiểu, một oan ức không chịu nổi, phải cắn lưỡi tự tử. Rất có thể Xuân sẽ tự tử trong đem nay trước khi trời sáng để tránh khỏi cái chết rùng rợn ở pháp trường.
Tân tự thấy khó xử. Nếu biết người bạn mình ngày mai sẽ bị bắn và nếu người bạn ấy muốn tự thoát trước thì phải làm thế nào. Tân cũng chỉ là người đồng cảnh ngộ. Có hơn chăng chỉ ở chỗ không bị chọn trong số mười người ấy thôi. Nhưng mà một ngày kia biết đâu phiên của Tân sẽ đến.
Khuyên Xuân hãy nuôi một hy vọng hão huyền thì trẻ con quá và vô lý trước một sự thật đã quá rõ ràng. Tìm cách ngăn ngừa đừng để cho Xuân tự tử ví dụ viện lẽ rằng "tự tử là hèn mạc" thì nhất định không đúng tí nào trong trường hợp này.
Tân không hiểu mình sẽ phải làm gì nhưng vẫn tự động theo dõi Xuân từng cử chỉ. Chưa bao giờ Tân đưa đám một người bạn thân hay sơ mà lại bỏ về nửa chừng vì tự thấy như mình làm không tròn một nhiệm vụ. Huống gì đây, biết Xuân sẽ chết, Tân cần phải thức với Xuân để cầm bạn trong những giờ phút cuối cùng. Phá tan sự im lặng Xuân nói:
- Em chỉ biết nhờ anh chứ không còn có ai nữa. Ngày nào anh có ra về được thì ghé lại Phước Tích nhắn với mẹ em rằng em đã chết trong trường hợp anh biết. Quê em ở Phước Tích. Mẹ em bán bún bò gần chợ. Anh cứ hỏi tên bà Kiểm Lư là gặp. Em không có lấy một cái gì làm tin ngoài bức thư nầy nhờ anh trao hộ và có lẽ mẹ em cũng sẽ nhờ anh đọc nữa. Như vậy là em mang ơn anh vô cùng!
Nghĩ một chút để đè nén sự cảm động, Xuân nói tiếp:
- Hôm qua có người cho em đòn bánh nếp, đã ăn hết nửa. Em gởi lại anh dùng!
Sáng hôm sau cũng đoàn Lê dương ấy trở lại đón năm người để đưa đi bắn tiếp. Ba ngày sau có lệnh tịch thâu vật dụng cá nhân của Xuân để thủ tiêu. Cũng ngày hôm ấy có thêm một phạm nhân ở sơ Mật thám đưa lên, khai tên là Trần văn Xuân, quê quán ở Văn Xá.