Chương 5
Quỳnh Ngọc

     hìn vào tấm gương cao bằng đầu người trong buồng tắm, Quỳnh Ngọc thấy nhú trong lòng một niềm kiêu hãnh lớn lao. Nàng đẹp thật !
Diên mạo đã đẹp, thân thề còn đẹp hơn nhiều. Có lẽ nàng là nữ nhân viên Biệt vụ duy nhất –cũng có lẽ là phụ nữ Việt duy nhất- có vòng ngực đúng 98 phân, nghĩa là không thua mỹ nhân núi lửa Tây phương. Làn da trắng nõn làm nổi bật màu đen của tóc, và của đôi mắt đen láy, lông mi dài cong vút, màu đỏ tự nhiên của môi không cần thoa son, của gót chân xinh xắn tròn trịa và màu hồng khêu gợi, của cặp nhũ hoa vươn ra phía trước.
Bất giác nàng cảm thấy xấu hổ và nóng ran lên mặc dầu đang dội nước lạnh.
Trên da thịt nàng, dường như còn vết tay mơn trớn của Văn Bình. Một mãnh lực dị thường đã xô nàng vào phòng chàng, bắt nàng nằm yên, tay chân bất động, trong khi xiêm áo bị ném dần lên ghế. Toàn thân nàng run lên lần nữa. Nàng nhắm mắt lại, nghĩ đến Văn Bình.
Nàng biết chàng không thể yêu đương được mãi vì còn công việc, còn tổ quốc, song nàng vẫn sẵn sàng dâng hiến cho chàng những báu vật của tuổi đôi mươi còn thơm mùi trinh tuyết. Đêm nay, nàng theo chàng ra Hànội, dấn thân vào cảnh hiểm nghèo. Không hiểu hai người còn sống sót để trở về Sàigòn hay sẽ bỏ thân bên kia bức màn tre, nàng không dám nghĩ thêm nữa. Vì vậy, nàng cần yêu, yêu say mê, yêu đắm đuối.
Mặc quần áo xong, Quỳnh Ngọc rắc nước hoa Diorissimo lên tóc, cầm cái xắc da lớn để trên bàn đêm, rồi mở cửa bước ra ngoài. Đột nhiên nàng đóng cửa lại, buông mình xuống ghế bành, nét mặt trầm tư.
Nàng mở xắc rút ra một khẩu súng Browning nhỏ xíu, cán mạ vàng. Loại súng tí hon này có thể giết người chính xác trong vòng ba thước. Sau khi kiểm điểm bì đạn, Quỳnh Ngọc bỏ vào túi sau quần din. Nàng bấm một nút bí mật ở quai xắc, cái quai bật tung ra khỏi xắc để lộ ra một con dao lò xo. Kéo dao ra, nàng lắc nhẹ một cái, lưỡi dap mảnh mai vọt khỏi cán. Nàng lia dao gần một sợi tóc, tuy không đụng lưỡi sợi tóc vẫn đứt làm đôi. Lúc nàng khoa dao, tiếng gió rẹt rẹt nổi lên, thứ thanh âm đặc biệt của kiếm báu được rút ra khỏi vỏ. Với con dao sắc như nước này, nàng có thể hạ thủ những gã đàn ông nặng cả trăm kilô, cừ khôi về võ thuật.
Cất con dao vào trong quai xắc, nàng lững thững ra thang máy. Môrít giao cho nàng một việc tế nhị, nàng quyết làm tròn. Không để ý tới luồng mắt soi mói của những người đàn ông sang trọng mặc com lê thẳng nếp nhìn chăm chăm vào ngực nàng như muốn bóc trần ra. Quỳnh Ngọc rảo bước ra đường. Đám thực khách thượng lưu này chắc vào gian phòng ăn lộng lẫy của lữ quán, mệnh danh là phòng Raja, chưa được 150 ghế, để thưởng thức những món ăn Pháp và rượu vang Pháp chính hiệu.
Quỳnh Ngọc cũng muốn kéo Văn Bình vào một góc phòng ăn, vừa uống sâm banh vừa nắm tay chàng âu yếm, song nàng không được quyền du hí. Nàng là nhân viên sở gián điệp, phải đặt công tác lên trên hết.
Thở dài, nàng gọi tắc xi. Vừa trèo lên, nàng khựng người lại. Tài xế lái qua một cái xe đen, trên xe bước xuống hai người đàn ông mặc sơ mi rộng thùng thình, bỏ ngoài quần, bên hông cồm cộm. Quỳnh Ngọc bảo tài xế chạy một quãng rồi dừng lại. Qua kiếng hậu, nàng thấy rõ hai người lạ mặt nghênh ngang tiến vào khách sạn Royal. Một hồi chuông SOS reo lên trong trí, nàng bắt tắc xi quay vòng lại.
Hối hả, nàng trèo cầu thang lên lầu. May nàng đi giày thấp nên không trượt ngã. Nàng thấy hai người lạ mặt khệnh khạng từ thang máy bước ra, nện đế giày cồm cộp về phía phòng Văn Bình. Biết có việc chẳng lành, nàng rón rén đi theo. Cũng may, hành lang vắng tanh, không có một ai.
Hai người lạ mặt đạp tung cửa phòng Văn Bình, súng chĩa một loạt, kèm theo tiếng hô dọa nạt :
-Dơ tay lên.
Văn Bình đang lúi húi đóng va li nên không kịp phản công. Môrít dựa lưng vào tường, còn bận nâng ly huýt ky đấy ắp lên miệng. Hai tay cao thủ của làng do thám quốc tế vô tình bị mắc kẹt như con cá đút đầu vào rọ.
-Dơ tay lên.
Tuy bị mắc kẹt, Văn Bình và Môrít không hề biến sắc. Môrít thản nhiên hỏi :
-Các anh có cho tôi đặt ly rượu xuống bàn không hay là phải đưa cả ly  rượu lên đầu ?
Đó là kế mọn của chàng song hai người lạ cũng khôn không kém. Một người cười rộ :
-Hừ, Môrít đừng làm trò quỉ thuật nữa. Cứ dơ cả tay lẫn ly lên. Còn anh kia, đợi ai nữa.
Quay mặt lại, Văn Bình thoáng thấy Quỳnh Ngọc đi ngang qua cửa. Nàng rút khẩu súng tí hon ra khỏi xắc không biết từ lúc nào. Văn Bình nháy mắt, nàng nhắm bàn tay cầm khí giới của tên đứng gần nàng và lảy cò.
Tiếng súng nổ rất nhẹ, chỉ lớn hơn tiếng nút bấc văng khỏi cổ chai sâm banh. Bị đạn vào ngón tay cái, nạn nhân kêu lên :
-Trời ơi !
Tuy bị đau, y không chịu bỏ súng. Y định nhả đạn thì Văn Bình đã phóng chân phải ra, nhanh như tên bắn. Ngọn cước thần sầu của chàng rơi đúng ngón tay bị thương của y, khẩu súng ru lô 9 ly to tướng văng xuống sàn gác, lót đệm ni lông không nghe tiếng động.
Cùng trong lúc ấy, tên lạ mặt thứ hai bóp cò, lấy Môrít làm mục phiêu. Môrít quả không hổ danh là đệ nhất đại diện của ông Hoàng trên đất Thái. Chàng phóng người nằm rạp xuống sàn, viên đạn cắm vào cuốn lịch treo trên tường. Văn Bình đã phi thân sát tên cầm súng, hoành tay phát ra một cú atémi. Chàng không muốn hạ thủ y nên chỉ đánh nhẹ. Tuy vậy, y  cũng lảo đảo rồi ngã sóng soài vào khay huýt ky, ly cốc chạm vào nhau vỡ loảng xoảng. Một cú atémi thứ hai hạ nốt tên bị thương vào ngón tay.
Môrít vội đóng cửa phòng để Quỳnh Ngọc gác bên ngoài. Văn Bình lục túi một tên, rút ra một tấm thẻ lát tích trên có những dấu đỏ chóe. Môrít giật mình :
-Hừ, nhân viên của đại tá Arun rồi.
Văn Bình hỏi :
-Arun là ai ?
-Phó chỉ huy Mật vụ.
Quỳnh Ngọc hé cửa nói vào :
-Các anh yên tâm, không có ai đâu.
Văn Bình hỏi ra :
-Dưới đường, còn đứa nào nữa không ?
Quỳnh Ngọc đáp :
-Còn một nữa. Cái xe màu đen đậu bên kia đường. Anh thấy chưa ?
Nhìn qua cửa kính, Văn Bình nhận ra một chiếc Fiat cỡ lớn nằm chềnh ềnh dưới một thân cây cành lá xum xuê. Trời nhá nhem tối, xe cộ chạy như mắc cửi song chàng vẫn thấy rõ một người mặc sơ mi đỏ, ngồi vắt vẻo trước tay lái, miệng phì phèo thuốc lá.
Chàng gọi :
-Hêlen.
Quỳnh Ngọc đáp :
-Dạ.
Nàng thò đầu vào. Văn Bình dặn Môrít :
-Quỳnh Ngọc và tôi xuống trước, hạ tên tài xế. Khi tôi lái xe vòng sang bên này đường, anh xuống thì vừa.
Văn Bình khoác tay Quỳnh Ngọc ra khỏi lữ quán. Khi đi qua quầy tiếp tân, chàng trả chìa khóa phòng, kèm thêm hai chục đôla. Nhân viên khách sạn cung kính hỏi :
-Thưa, còn hành lý của ông nữa.
Văn Bình khoát tay :
-Mai tôi sẽ quay lại lấy.
Chàng không muốn rềnh rang sợ lộ. Va li của chàng không đựng đồ quí, hoặc giấy tờ quan trọng, mất thì thôi, chàng sắm cái khác.
Một mình trong phòng, Môrít bế hai nhân viên mật vụ Thái lên giường, nện cho mỗi đứa một atémi rồi kéo chăn lên cổ. Hai mật vụ viên sẽ ngủ một vài giờ nữa mới tỉnh. Khi ấy, chàng đã cao chạy xa bay. Chàng lượm mảnh ly vỡ, ném vào va li, khóa lại. Xonh xuôi, chàng ra cửa sổ theo dõi Văn Bình.
Cặp tình nhân nhẩn nha bước ra đường giữa tiếng kèn, tiếng thắng ken két. Quỳnh Ngọc tiến lại phía đầu xe cho tên tài xế thấy nàng. Nàng đoán không sai, y ló cổ ra ngoài cửa xe, ngắm nàng từ đầu xuống chân bằng con mắt tóe lửa thèm muốn.
Nàng lại gần y, giọng ỏn ẻn :
-Xe đại tá Arun phải không anh?
Y gật đầu, mắt híp lại :
-Phải, sao cô biết.
-Tôi là bạn của Arun.
Nàng tì tay lên cửa xe. Y dại dột nắm lấy bàn tay trắng muốt của nàng. Văn Bình đứng sau Quỳnh Ngọc mà y không biết. Chàng chộp tay y, giật mạnh. Y ngã chúi vào cửa xe, chàng giáng xuống một đòn, y bất tỉnh luôn.
Văn Bình trèo lên xe, mở máy. Xe hơi mật vụ có khác, chàng chỉ vặn khóa là động cơ kêu ròn, ngọt sớt. Chàng vòng qua đường, Môrít ba chân bốn cẳng xuống đường. Văn Bình tống ga xăng, phóng thẳng một mạch.
Dọc đường, chàng hỏi :
-Chúng mình đi đâu ?
Môrít nói :
-Tôi sẽ đưa anh tới một ngôi nhà kín đáo.
Quỳnh Ngọc xen vào :
-Khlong Hualam phải không?
Môrít đáp :
-Phải.
Văn Bình nói :
-Bây giờ anh tính sao ? Mật vụ Thái bám sát thế này, sợ chúng ta lộ mất.
Môrít nhìn qua cửa xe, giọng lo lắng :
-Tôi cũng sợ như vậy.
Đột nhiên Quỳnh Ngọc nói to :
-Văn Bình, anh đậu lại cho em xuống.
Văn Bình sửng sốt :
-Em đi đâu ?
-Em tới gặp Arun.
-Để y nhốt em vào khám ư ?
Môrít cười to :
-Anh đừng lo. Arun không dám đụng tới Quỳnh Ngọc đâu.
Văn Bình hỏi thêm:
-Em đến Arun làm gì?
Giọng nàng cương quyết:
-Đến để bảo y không được cho người đi bắt Môrít nữa.
Văn Bình cười ngất:
-Hừ, em làm như Arun là ý trung nhân không bằng.
Mặt Môrít vụt nghiêm nghị:
-Anh không biết đấy thôi. Arun còn quí Quỳnh Ngọc gấp mười thế nữa.
Giọng Văn Bình đổi khác, pha hằn học:
-Té ra Quỳnh Ngọc có người yêu làm đại tá Mật vụ Thái. Như vậy anh em mình còn sợ gì nữa.
Quỳnh Ngọc cau mày:
-Em không thích đùa đâu. Arun yêu em, điều đó em không phủ nhận. Nhưng em có yêu lại không, là chuyện khác. Nếu được cầm tay em, Arun có thể hy sinh cả tính mạng, chứ không như anh, chiếm được lòng em, được đời em, mà còn kênh kiệu và ghen tuông bóng gió.
Môrít nói:
-Quỳnh Ngọc nói đúng. Arun say nó như điếu đổ. Chính tôi đã bố trí cho Arun gặp nó, và chết mê, chết mệt vì nó.
Quỳnh Ngọc quắc mắt:
-Ai cho phép anh gọi em là nó. Anh phải gọi là em, hoặc là cô, nghe chưa ?
Môrít xua tay :
-Thôi, tôi sợ rồi, xin lỗi cô Ngọc.
Nét mặt tươi tỉnh trở lại, nàng nói :
-Các anh về Khlong Hualam đi, em đến thẳng văn phòng đại tá Arun.
Văn Bình cầm tay nàng :
-Đừng giận anh, tội nghiệp.
Quỳnh Ngọc nhìn chàng bằng đôi mắt ướt :
-Bao giờ em dám giận anh. Em chỉ sợ mai kia công tác hoàn thành, anh lại bỏ em thôi.
Văn Bình nín thinh. Chàng không dám hứa với nàng. Quỳnh Ngọc lẳng lặng xuống xe, vẫy tắc xi. Chờ tắc xi của nàng khuất sau ngã tư, Môrít mới ngồi trước tay lái, thay Văn Bình, lái vòng vào một đường hẻm. Hai người không trò chuyện với nhau nữa. Một lát sau, Môrít nói:
-Lúc nãy, anh ghen đùa hay ghen thật đó?
Văn Bình thở dài:
-Tôi cũng không biết nữa. Không khéo tôi yêu nàng cũng nên. Sau bao năm lăn lộn, bây giờ tôi mới chiêm nghiệm lời dặn của ông Hoàng là đúng: chớ đùa ái tình với nhân viên trong Sở.
-Tôi cho mọi việc đều do định mạng an bài. Anh lấy được nàng còn gì bằng. Nàng đã đẹp lại đoan chính, còn anh, anh là điệp viên số một của Sở. Song tôi sợ giữa đường đứt gánh mà thôi.
Văn Bình bâng khuâng rút thuốc Salem ra hút. Môrít lái xe đến một công viên tối om, đậu lại. Gần đấy, chàng thấy một chiếc Dauphine sơn trắng. Trông trước, trông sau, không thấy tài xế, Môrít nhanh nhẹn mở cửa xe, nối giây công tắc. 5 giây đồng hồ sau, động cơ nổ ròn. Môrít sang số, chạy biến vào bóng tối.

*

Qua rạp chiếu bóng Chalerm Khetr, gần cầu Yosay, Quỳnh Ngọc ra hiệu cho tắc xi dừng lại. Nàng ném cho tài xế 10 baht (1), nàng rảo bước lại một tiệm cà phê cũ kỹ. Nàng đi thẳng vào trong, đến cánh cửa trên đề chữ “phòng riêng “ thì đẩy vào.
Bên trong, một người đàn ông cao lớn, ngồi hút xì gà cạnh tổng đài điện thoại.
Y mở to mắt nhìn nàng:
-Đây là phòng riêng của chủ nhân. Cô hỏi ai?
-Tôi hỏi Arun.
-Arun là ai, tôi không biết. Có lẽ cô lầm địa chỉ rồi. Tiệm giải khát này không có ai tên là Arun.
Quỳnh Ngọc dằn cái xắc xuống bàn:
-Tôi không có thời giờ ỡm ờ với anh nữa. Arun ở lầu ba, phòng 17. Anh gọi điện thoại lên cho đại tá, nói có người quen muốn gặp ngay.
Y lắc đầu, vẻ mặt lo sợ:
-Đại tá đang bận việc, tôi không dám gọi. Trái lệnh, tôi sẽ bị bỏ tù. Ít nhất là một tuần vào xà lim. Tôi xin cô tha cho.
Quỳnh Ngọc quát:
-Nếu anh còn trù trừ, tôi sẽ bắn nát óc.
Nàng rút súng ra, lên đạn đánh soạch. Gã cao lớn run lẩy bẩy:
-Thưa cô là ai?
Nàng đáp, giọng hách dịch :
-Hêlen. Cứ trình với đại tá là có cô Hêlen. Đại tá sẽ không bỏ tù anh, trái lại còn thưởng tiền anh đi coi thoát y vũ nữa.
Y lẩm bẩm :
-Hêlen, Hêlen.
Nàng giục :
-Mau lên. Tôi sửa soạn bắn đây này.
Ngón tay nàng đặt vào cò. Y lập cà lập cập, ấn phít điện thoại :
-Xin cô cất súng đi, em xin gọi.
Giọng nói gắt gỏng của Arun cất lên oang oang :
-Gì thế ? Mày không biết tao đang bận à ?
-Thưa …
Quỳnh Ngọc dằng lấy ống nói :
-Em đây, Hêlen đây.
Giọng Arun trở nên hiền khô:
-Hêlen đấy à ? Trời, tôi tìm cô mãi. Cô bảo thằng gác đưa lên phòng tôi ngay.
Quỳnh Ngọc trèo lên cầu thang gỗ lên lầu ba. Tiệm cà phê là một trong các trụ sở bí mật của Mật vụ Thái. Arun đã lừa nàng lên phòng y một lần. Trong phòng Arun có một cái giường sắt nhỏ, sơn màu kaki, kiểu nhà binh, trải nệm cao su dày một tấc. Arun định cưỡng ép nàng, song nàng nhất định cự tuyệt, và nàng đã thắng.
Arun chờ nàng ngoài cửa phòng, vẻ mặt ngạc nhiên :
-Có việc gì gấp thế, Hêlen ?
Nàng ngồi phịch xuống ghế bành, ném cái xắc lên bàn :
-Tôi đến để bắn anh đây.
Arun biến sắc :
-Hêlen loạn trí rồi. Tôi làm gì đâu mà cô đòi bắn.
Nàng thở dài, nhìn Arun bằng luồng mắt đầy khổ não. Arun cao một thước sáu, người béo thu lu, da ngăm ngăm đen, lông mày chổi xể, miệng cá ngão, răng vàng ệch bám đầy chất nicôtin. Y mặc sơ mi ngắn để lộ những bắp thịt mềm nhũn chứng tỏ y chỉ ngồi trong phòng, thích rượu chè, gái đẹp, và lười hoạt động.
Nàng dằn từng tiếng :
-Anh nói anh yêu tôi, anh sẵn sàng hy sinh tất cả vì tôi. Lời cam kết của anh chỉ là láo khoét. Arun, nếu thật tình anh yêu tôi, tại sao anh lại cho người theo bắt Môrít.
Hiểu ra, Arun cười tủm tỉm :
-Ồ, Hêlen lầm mất rồi. Bắt Môrít có can dự gì tới mối tình của tôi đối với Hêlen.
-Sao không can dự ? Anh không biết tôi là nhân viên của Môrít hay sao?
-Biết lắm chứ. Môrít là cấp trên của Hêlen, có dính líu nào đâu tới mối tình hai ta, trừ phi …
-Anh đừng ghen ngược. Anh dư biết giữa Môrít và tôi không có gì hết. Anh còn biết tôi ghét hắn ghê gớm. Chẳng qua anh là kẻ bạc tình. Anh lợi dụng tôi, đến khi không cần nữa thì vứt bỏ. Trót dại yêu anh, tôi mới khổ sở thế này. Tôi phải giết anh, giết anh rồi tự vẫn.
-Ô hay, ô hay, tôi xin thề với Trời là vẫn yêu Hêlen như hồi mới gặp. Hêlen quên rồi sao, tôi đã quỳ xuống lạy Hêlen, xin được ban một cái hôn mà Hêlen không chịu. Hêlen đẹp như tiên giáng trần, tôi phụ Hêlen sao được. Tôi thú nhận một phần là ghen tuông với Môrít, ghen tuông với kẻ có diễm phúc ở gần đệ nhất mỹ nhân, song phần chính Môrít bị theo bắt vì hắn phạm tội giết người.
-Anh quá ghen tuông nên trông gà hóa cuốc. Căn cứ vào đâu anh dám đổ tội sát nhân cho Môrít?
-Hắn đã đánh nhân viên của tôi thập tử nhất sinh, hắn còn dùng độc thủ làm một nhân viên khác bể lá lách mà chết.
-Anh nói dối.
Arun thở dài, ném xuống ghế một tập giấy đánh máy:
-Hêlen đọc hồ sơ này sẽ biết tôi nói dối hay không. Y sĩ đã ký chứng nhận nạn nhân bị đá mạnh vào bụng. Hêlen ơi, tôi nói dối là gì, vì nói dối thì mất Hêlen. Nếu Hêlen biết tôi dành những cảm tình sâu sắc nhất cho Hêlen thì sẽ không dằn vặt tôi nữa. Đây này, Hêlen nhìn xem.
Arun lấy trong ngăn kéo ra một cái hộp cạt tông lớn, rồi tiếp:
-Hêlen nhìn xem. Cái hộp này đựng giấy phạt xe của Hêlen trong vòng 3 tháng. 3 tháng mà hơn một trăm giấy phạt. Tôi phải nói khéo với bên Cảnh sát giao thông, người ta mới làm lơ cho. Tuần trước, Hêlen đâm cả vào xe hơi ông bộ trưởng Ngoại giao, tôi phải mang đầu đi xin. Hêlen cần nước hoa, tôi phải điện sang Ba lê, mua gởi về ngay bằng phi cơ. Hêlen …
Quỳnh Ngọc dậm chân, giọng rưng rưng:
-Còn gì, anh kể nữa đi. Anh có biết nỗi khổ của tôi đâu. Môrít bênh vực tôi nên nhân viên của anh bị nạn. Nhân viên của anh toàn là bọn hiếu sắc, thấy gái như mèo thấy mỡ. Anh có cho phép đụng tới tôi không mà y dám trói tôi vào chân giường rồi …
Một giọt nước mắt lăn trên gò má. Bị cảm xúc mạnh mẽ, nàng đẹp gấp bội. Arun xao xuyến đến cực độ, bàn tay hơi run run. Y giục:
-Rồi sao?
-Rồi y xé áo em ra.
Arun hỏi dồn :
-Hêlen có việc gì không ?
Nàng òa lên khóc :
-Không, vì Môrít về kịp.
Nàng mở xắc lấy cái áo rách đặt lên bàn Arun. Y nói, giọng buồn bã :
-Tôi không ngờ. Thôi, tôi xin lỗi Hêlen. Vì Hêlen, tôi sẽ can thiệp cho Môrít được tự do. Để tôi hỏi xem hắn bị giữ tại đâu.
-Môrít chưa bị bắt. Tôi vừa gặp hắn xong. Hắn nhờ tôi xin lỗi anh về việc thiếu nhã nhặn với hai nhân viên Mật vụ tới bắt hắn tại lữ quán Royal.
Arun la lên :
-Trời, hắn lại đánh nhân viên của tôi nữa. Như thế, thì không nương tay được. Tôi phải …
-Anh vừa hứa không bắt Môrít kia mà.
-Nể Hêlen, tôi tha tội cho hắn, không tóm cổ nhốt vào xà lim. Nhưng tôi sẽ trục xuất hắn, không cho ở lại phút nào trên xứ Thái nữa.
Quỳnh Ngọc đứng dậy, giọng khẩn cầu :
-Arun, đã thương thì thương cho trót. Môrít là một gã lưu manh, không vừa đâu.
-Vì hắn lưu manh, tôi phải đuổi hắn về nước.
-Cũng như Arun, tôi mong hắn cút đi cho rảnh mắt. Nhưng anh ơi, tôi đã nói, hắn không vừa đâu. Lúc nãy gặp tôi, hắn cất tiếng dọa làm tôi xanh mặt.
Arun sốt ruột :
-Dọa làm sao ?
Quỳnh Ngọc lắc đầu :
-Thôi, chào anh, tôi đi đây. Gieo gió tất gặt bão, tôi không phàn nàn gì hết.
-Hêlen phải nói để tôi giúp cho. Kẻ nào chạm tới lông chân Hêlen, tôi sẽ vằm ra trăm mảnh báo thù.
-Anh không vằm nổi Môrít đâu. Gặp tôi, hắn dọa nếu bị mật vụ trục xuất, hắn sẽ phúc trình với ông Hoàng về việc tôi bỏ việc, chạy theo đại tá Arun.
-Không hề gì. Tôi sẽ thanh minh với ông Hoàng giùm cô. Ông Hoàng rất mến tôi.
-Ông Hoàng mến anh đã đành, song tôi sẽ bị đuối.
-Hêlen làm việc với tôi.
-Anh nói dễ quá. Tôi là công dân Việt, Môrít chỉ dơ ngón tay lên là tòa đại sứ đòi thông hành lại, bắt tôi hồi hương.
-Cần gì. Tôi sẽ bảo đảm Hêlen nhập quốc tịch Thái.
-Khổ lắm. Môrít còn nhiều thủ đoạn bẩn thỉu hơn nữa. Tôi nói với hắn rằng tôi bất chấp, tôi sẽ từ chức, tôi sẽ bỏ Việt tịch thì hắn cười mà đáp : hà, hà, Hêlen nói giùm với thằng Arun của Hêlen rằng tôi sẽ gởi thư cho bà vợ.
Arun giật nảy mình :
-Tôi sẽ cho vợ tôi biết đó là thư nặc danh, vô giá trị.
-Chao ôi, Môrít đã lén chụp được mấy bức hình tai hại. Anh còn nhớ cái đêm anh hẹn với tôi trong khách sạn không ? Hắn chụp được lúc anh cởi áo tôi. Hắn dọa chỉ cần gởi những bức ảnh này là tôi mất việc, anh cũng bỏ đời.
Arun rít lên :
-Môrít, đồ chó má.
Nàng cũng rít theo :
-Hắn chó má như thế đấy. Theo tôi, anh nên nghe hắn hơn.
-Hắn muốn gì ?
-Ồ, hắn chỉ xin anh cho hắn được tự do, không bị bắt, không bị trục xuất.
Đại tá Arun thở dài sườn sượt :
-Thôi, Hêlen về đi. Tôi sẽ làm hắn thỏa mãn. Nhưng rồi hắn biết tay tôi.
-Em can anh. Môrít nói hễ hắn bị nạn ở Thái lan, bạn hắn sẽ công bố những bức ảnh bí mật. Hắn bảo anh có bổn phận bảo vệ an ninh cho hắn.
Tức tối, Arun cầm cái đĩa gạt tàn thuốc lá ném xuống đất. Quỳnh Ngọc cười thầm trong bụng song bề ngoài nàng vẫn làm vẻ đau đớn. Nàng lại gần viên sĩ quan si tình, đặt bàn tay trên vai y. Y cầm tay nàng hôn. Nàng cúi xuống, hôn phớt trên trán y.
Arun ngây ngất:
-Bao giờ chúng mình gặp nhau? Đêm nay được không?
-Chưa được đâu. Đêm nay em còn phải gặp hắn để điều đình cho xong đã. Hẹn anh tối mai. À, tối mai em học võ, tối mốt vậy. Em sẽ làm anh thỏa mãn.
-Đúng hẹn đấy, Hêlen.
Nàng hôn gió một cái thật kêu rồi mở cửa ra ngoài. Trong phòng, đại tá Arun bấm nút vô tuyến, ra lệnh :
-Alô, phân ban Hành động phải không? Đại tá Arun đây. Hãy bãi bỏ các cuộc theo dõi và bắt bớ Môrít. Nghe không ? Bãi bỏ hết. Nói với sứ quán Việt Nam rằng những chuyện vừa xảy ra chì là hiểu lầm. Môrít vẫn được ở lại Thái lan.

*

Ngồi gác chân lên bàn, Văn Bình uống rượu như hũ chìm. Càng uống, mặt chàng càng tái, những tia sáng tóe lửa ra khỏi mắt. Môrít quay mặt vào tường, hì hục lau khẩu súng bị hóc đạn.
Đồng hồ dạ quang treo trên nóc tủ đã chỉ 9 giờ tối. Từ nãy đến giờ, hai người không nói với nhau nửa lại. Tâm trí Văn Bình để tất cả cho Quỳnh Ngọc, người con gái nhí nhảnh mà chàng có cảm tình tha thiêt.
Chợt có tiếng xe đậu ngoài cổng. Hai người đều nói :
-Quỳnh Ngọc về.
Nàng xô cửa vào, trên môi nở nụ cười kiêu hãnh. Môrít đút khẩu súng vào thắt lưng :
-Arun bằng lòng cho tôi ở lại rồi, phải không?
Nàng giật mình :
-Phải, sao anh biết.
Môrít cười :
-Trông nụ cười của cô là biết ngay. Vả lại, tôi đưa Văn Bình về đây là có dụng ý. Arun biết địa chỉ này từ lâu. Chúng tôi chờ mãi không thấy nhân viên mật vụ tới, điều đó có nghĩa là Arun đã bại trận.
Quỳnh Ngọc khen :
-Anh giỏi thật.
Môrít nhún vai :
-Arun không phải tay cà mèng. Hắn thua cô lần này, nhưng lần sau sẽ không thua cô nữa. Cô đi rồi, tôi cũng rút vào bí mật, nếu không hắn sẽ tìm cách ném tôi xuống sông Chao Phya, và dìm mất xác.
Ném điếu thuốc qua cửa sổ, Văn Bình hỏi :
-Chúng mình đi chưa ?
Nhìn đồng hồ, Môrít nói :
-Mới 9g15, còn 10 phút nữa. Đúng 10 giờ, ta phải có mặt tại đường Prajathiphatai. 11 giờ, lên đường rời Vọng các. Bây giờ, tôi xin nhắc lại những điều tôi nói lúc nãy, những điều tôi làm đúng theo chỉ thị của ông Hoàng.
Chính phủ Thái không ưa cộng sản, nhưng vì lý do riêng không thể ra mặt công kích Bắc Việt. Thâm tâm người Thái là tìm cách tống khứ phần lớn dân Việt thân cộng đang làm ung thối miền đông bắc sát Lào, được coi là đầu cầu thâm nhập nguy hiểm của Bắc kinh và Hànội.
Một số Việt kiều đã được hồi hương về Hải phòng. Một số khác không về vì được tin những toán về trước bị nhà đương cuộc Bắc Việt đối xử tàn nhẫn như tịch thu tiền bạc, nữ trang, phân tán tới các công trường lao động. Cộng sản bèn bí mật tiếp xúc với chính phủ Thái, xin cho một phái đoàn Việt kiều qua Hànội để điều tra hư thật.
Pháu đoàn này gồm 10 người, toàn là phần tử thân cộng, Quỳnh Ngọc chài được tên trưởng đoàn tên là Phạm Bài. Trong số đoàn viên, có một người diện mạo và dáng dấp hao hao như Văn Bình. Đêm nay, ta sẽ đánh tráo cho Văn Bình gia nhập phái đoàn. Nếu Phạm Bài nghi ngờ, Quỳnh Ngọc sẽ tìm cách ru ngủ hắn.
Văn Bình cắt lời :
-Arun không biết ư ?
Môrít đáp :
-Arun không biết vì việc này nằm trong thẩm quyền bộ Ngoại giao mà sở Tình báo lại cạnh tranh ráo riết với cơ quan Mật vụ của Arun. Với sự sắp xếp của chính phủ Thái, phái đoàn sẽ đáp máy bay riêng, nói là đi Chieng Mai, kỳ thật bay thẳng ra Hànội. Tôi hy vọng kế hoạch trà trộn của ta sẽ thành công.
Nhiệm vụ tôi đến đó là hết. Tôi không biết anh sẽ làm gì và gặp ai ở Hànội. Đêm chủ nhật sau, phái đoàn quay về, anh sẽ gặp tôi đúng 12 giờ tại đây. Nếu anh và cô không hỏi thêm gì nữa thì chúng ta lên đường.
Quỳnh Ngọc tắt đèn, căn phòng tối đen như mực. Môrít ra trước, vào ga ra lấy xe. Chiếc DS 19 sơn đen phóng nhanh trên con đường vắng tanh. Qua một rạp xi nê, Môrít dừng lại cho Quỳnh Ngọc xuống. Nàng nắm tay Văn Bình :
-Lát nữa, mình gặp nhau.
Rồi, quay lại Môrít, nét mặt nghiêm trọng :
-Chào anh, em đi. Em gởi lời chào chị và “bà dì “.
Một luồng khí lạnh bốc lên trong xương sống Môrít. Chàng sang số, chạy từ từ, tâm hồn bâng khuâng. Bỗng chàng thở dài:
-Lạ nhỉ? Chưa bao giờ Quỳnh Ngọc chào tôi một cách bịn rịn như thế. Nói ra thì là dị đoan, song tôi cảm thấy …
Chàng nín bặt.
Rồi chàng tiếp, giọng trầm trầm:
-Xin lỗi anh Văn Bình. Lẽ ra, tôi làm nghề nhà văn mới hợp. Nhiều khi, tình cảm vu vơ tràn ngập tâm hồn. Trước giờ lên đường, có thái độ bi quan là điều tối kỵ.
Văn Bình gạt đi:
-Anh muốn người gián điệp phải như hòn đá hay sao? Trong đời, tôi đã xuống tay hạ sát cả trăm người, đôi lúc tôi coi như không, nhưng cũng có nhiều lần run tay, tâm thần xúc động. Chính tôi, khét tiếng là có trái tim bằng sắt mà đã rớt nước mắt. Với anh, tôi chẳng giấu làm gì, nếu không vì ông Hoàng, vì say mê nghề nghiệp, tôi đã bỏ Sở lâu rồi. Lúc nãy, anh bùi ngùi là đúng. Chúng mình không phải là kẻ lái ẩu, trên giốc phóng bừa bãi bất kể sống chết mà chính là tài tử đu bay, hai mắt bịt kín, mười lăm thước bên dưới là sàn bê tông, xảy tay là mất mạng. Hàng ngày, chúng mình biết chết mà vẫn phải biểu diễn cho khán giả ngồi xem. Một đêm kia …
-Trong một giây đồng hồ thiếu bình tĩnh hoặc giây bị đứt, chúng mình lao đầu xuống đất.
-Và tan ra từng mảnh. Tuy nhiên, anh đừng lo. Chuyến đi này,  tôi sẽ cố gắng hết sức để giây đu không đứt.
Môrít cười gượng:
-Tôi cũng mong thế.
Xe hơi vòng một công viên, rồi tiến vào đại lộ Prajathiphatai. Đại lữ điếm Thái Hotel cao sáu từng -một công trình kiến trúc tân kỳ của thủ đô Vọng các- đứng sừng sững giữa khu đất rộng, đèn thắp sáng trưng như muốn thách thức với bầu trời đen kịt, loáng thoáng những ngôi sao yếu ớt và buồn ngủ.
Môrít lái sát lề. Đồng hồ tay Môrít chỉ đúng 10 giờ 1 phút rưỡi. Môrít chỉ tòa nhà đen thui bên trái:
-Tăng Minh ngụ trong bin đinh này. Y là giáo sự đại học, thân cộng số một, vừa ở Pháp về. May cho anh, y về đây một mình, vợ đầm còn ở Ba lê. Y tính kênh kiệu, thích cô đơn nên rất ít bạn, hoặc nói đúng hơn, không có bạn nào. Y có tật mê gái, và Quỳnh Ngọc đã làm quen với y dễ dàng.
-Tăng Minh quen ai trong phái đoàn không?
-Không. Phạm Bài cũng không quen y. Vì điều kiện an ninh, các đảng viên cộng sản ở đây thường đeo mặt nạ che kín trong hội nghị. Phạm Bài chỉ biết Tăng Minh qua tấm hình. Vả lại, việc tuyển chọn phái đoàn là do chi bộ cộng sản Bắc Việt ở đây phụ trách. Họ tiếp xúc riêng từng người cử vào phái đoàn, rồi gởi danh sách cho bộ Ngoại giao. Phạm Bài không quen ai hết.
-Có thể Tăng Minh quen ai đó ở Hànội không? Quen một bộ trưởng chẳng hạn.
-Tôi không biết. Cầu mong y không quen ai. Nếu quen thì nguy to.
Môrít ngưng bặt.
Từ cửa bin đinh, một người đàn ông cao lớn vừa đi ra. Môrít nói:
-Y đấy. Anh trông giống không?
Tuy ở xa, và tối, Văn Bình cũng nhận ra hình vóc và dáng đi của người lạ mặt. Một tay thọc túi quần, một tay đưa điếu thuốc lên miệng, chấm đỏ lập lòe trong đêm tối. Văn Bình đùa:
-Tôi ngửi thấy mùi bạc hà. Chắc y cũng nghiện Salem như tôi.
Tưởng bạn nói thật, Môrít nhổm người lên:
-Mũi anh thính quá. Tăng Minh là một tay nghiền Salem, và rượu huýt ky. Nghĩa là giống anh như đúc. À quên, còn bệnh mê gái nữa. Duy khác một điều: y chỉ giỏi ôm lưng đàn bà ném lên nệm cao su mút, hoặc xoay tròn trên sàn nhảy chứ không biết bắn súng, phóng dao, thậm chí không biết quả đấm đìa réc nữa.
-Y dạy ở đâu?
-Trường đại học Chulalongkorn nhưng y đã nghỉ rồi. Bị cưỡng ép từ chức, anh hiểu không? Y tuyên truyền nhiều quá quên cả dạy, sinh viên làm rùm beng, bộ Giáo dục phải cho y nghỉ hè dài hạn không lương. Y chuyên về tâm lý học. Về khoa này, chắc anh chẳng thua ai, chứ đừng nói là thua y. Có lẽ anh còn hơn y về tán dóc nữa. Nhớ nhé, Tăng Minh có thói quen uống sữa buổi sáng. Uống sữa tươi, một ly to tướng, không xúc miệng bằng huýt ky, hoặc tiêu thụ hàng lít cà phê đen như ông Z.28 đâu. Ra ngoài đó, sáng dậy đòi rượu thì hỏng bét. Trước khi phái đoàn lên đường, chi bộ ở đây đã gởi báo cáo tỉ mỉ cho Hànội biết lý lịch từng người, kể cả tính tốt và tật xấu.
Còn cái này nữa, anh nhớ nốt: Tăng Minh đau mũi kinh niên, suốt ngày phải dùng mù soa.
-Còn món ăn thường ngày của y?
-Y thích nhậu nhẹt theo kiểu Ba lê. Thích nói tiếng Pháp. Thích nhắc lại những kỷ niệm êm đềm trong thời gian du học tại Mạc tư khoa. Nhờ phúc ấm, anh cũng đã hoạt động ở Nga sô nên cũng biết mặt mũi phi trường Vờnucôvô (Vnukovo), con sông Mốtcôva (Moscova), và đại lộ Gọtki (Gorky) ra sao.
-Có lẽ tôi còn thạo hơn y nữa. Tôi còn biết phi trường Vờnucôvô tối câm, không một ánh lửa, sợ gián điệp Tây phương chụp hình. Sông Mốtcôva buồn thiu, bờ tráng xi măng, đại lộ Gọtki -đường Tự do của thủ đô Nga sô - bề ngang sáu bảy chục thước, hai bên toàn nhà tám từng mới cất, cùng một kiểu bin đinh đau mắt. Đó là ban ngày, còn ban đêm …
-Tôi hỏi thật anh, anh đã nếm mùi ái tình ở Mạc tư khoa chưa?
-Rồi. Chán mớ đời, anh ạ. Con gái toàn đeo tạp dề dài lê thê, đi ủng cao su, đầu quấn khăn to tướng. Họ mặc quần áo rộng thùng thình, không ai nhận ra đâu là ngực, đâu là bụng nữa. Ôi chao, các ổ thanh lâu đắt tiền ra phết.
-Hừ, chuyến này có Quỳnh Ngọc đi kèm, chắc anh không dám mò xuống Khâm thiên, hay Vạn thái nữa.
-Anh nói đúng. Lần trước, tôi gặp nhiều ả khéo đáo để, song họ không còn ở Khâm thiên, Vạn thái nữa. Anh có thể tìm thấy ở giữa Hàng Đào. Không nói dối anh  đâu, tuần sau tôi mang về cho vài bộ ảnh, cũng từ 32 đến 64 kiểu, không kém gì anh mua trên đại lộ Rama ở đây, hoặc trong hành lang Eden ở Sàigòn vậy.
-Hà, hà.
Môrít nín bặt, hai mắt đăm đăm nhìn về phía trước.
Tăng Minh đứng trên lề đường, dưới ngọn đèn sáng, mắt liếc ngược xuôi. Một phút sau, biết chắc không bị ai theo, y  rảo bước sang bên kia lề đi nhanh về phía Môrít đậu xe.
Môrít huých vai bạn:
-Cá sắp vào rọ rồi.
Chờ Tăng Minh tới gần xe, Văn Bình đẩy cửa. Khoảng đường này bị bóng cây bao phủ nên Tăng Minh không thấy gì hết. Y bước lùi lũi, sát vào mái hiên, dường như sợ ánh đèn bắt gặp.
Y mặc com lê màu sẫm, đội mũ phớt vành to, trên miệng còn nửa điếu thuốc cháy dở. Tiếng giày đế da gắn cá sắt gõ cồm cộp trên lề đường vắng hoe.
Văn Bình móc túi lấy gói thuốc. Tăng Minh còn cách chàng hai thước. Chàng gọi:
-Này ông.
Y dừng lại, vẻ ngờ vực lóe trong đôi mắt sáng quắc. Văn Bình nói:
-Xin ông chút lửa.
Tấn kịch xin lửa này đã diễn ra hàng chục lần trong nghề điệp báo quốc tế. Gián điệp Sô viết giả vờ xin lửa hút thuốc để bắt cóc bác sĩ Linsờ (2) tại tây Bá linh. Đến lượt gián điệp Việt giả vờ xin lửa.
Tăng Minh chìa điếu thuốc cháy dở cho chàng, rồi bước thẳng. Nhanh như chớp, chàng vung bàn tay trái vào mặt y. Ngón atémi “đệ nhất cao thủ “của chàng quật y ngã, êm như ru. Chàng bước tréo sang bên, hứng cây thịt nặng trên 70 kilô đang xỉu xuống, rồi lôi sềnh sệch về phía xe hơi, cửa sau há miệng đen ngòm.
Chiếc DS 19 thấp lè tè vọt ra khỏi lề.
Ngồi ở băng sau, Văn Bình lột quần áo Tăng Minh, mặc vào. Môrít hỏi vọng:
-Vừa không?
Văn Bình chắt lưỡi:
-Khổ quá, đi giày không vừa. Chân tôi 42, y chỉ độ 40 là cùng.
-Dùng tạm giày anh vậy.
-Giày tôi đóng ở Sàigòn, có tên hiệu dưới gót. Thôi được, để tôi gỡ miếng da ra.
-Còn quần ?
-Bề dài thì vừa vặn. Nhưng còn bụng. Tăng Minh ăn hút nhiều quá nên vòng bụng rộng hơn của tôi một gang.
-Phiền nhỉ. Mặc rộng sợ chúng nó nghi ngờ. Hay là …
-Anh muốn tôi tháo miếng vải thêu tên tiệm may rồi khâu vào bên trong vét tông của tôi phải không?
-Đúng thế.
Văn Bình xé soạt một tiếng. Chàng nhét mảnh vải vào túi trên, rồi lúi húi dốc hết đồ trong túi nạn nhân ra. Tăng Minh mang theo một ví tiền dày cộm, và một xâu chìa khóa lớn. Chàng lẩm bẩm :
-Quái, bỏ chìa khóa vào túi làm gì cho nặng !
Cầm chùm chìa khóa lên xem, chàng thấy ba cái dẹt, bốn cái tròn, hình thù quái dị. Một ý nghĩ khác thường thoáng qua óc, chàng định bàn với Môrít song lại nín lặng.
-Đến nơi chưa ? Chàng hỏi.
Môrít tống mạnh ga xăng, chiếc DS chồm lên :
-Còn một cây số nữa. Tôi bỏ anh xuống gần rạp xi nê Krung Kasem, chỗ Quỳnh Ngọc xuống hồi nãy. Anh nhớ địa chỉ chứ ? Số 1045. Cầu thang bên trái. Lên đến lầu ba, quẹo sang tay mặt. Phòng số 19
-Cám ơn anh, tôi nhớ.
-Chuẩn bị đi. Một phút nữa, tôi dừng xe.
Văn Bình thấy lòng nao nao. Nao nao không vì sợ hiểm nghèo –vì trong đời, cái chết là cơm bữa đối với Z.28- mà vì chàng sắp được gần Quỳnh Ngọc.
Môrít nắm chặt bàn tay Văn Bình :
-Tuần sau, hai đứa mình gặp nhau. Tôi sẽ dẫn anh đi xem thoát y vũ. Thứ giựt gân hạng nhất, hoàn toàn cởi hết chứ không úp úp mở mở như ở Sàigòn của anh đâu. Nếu anh cần, tôi giới thiệu với anh những cái mông thật tròn, thật cứng và thật tốt.
-Còn tôi, tôi sẽ biếu anh 2 xấp hình ly kỳ nhất Bắc Việt.
Văn Bình bước xuống đường.
Một tích tắc sau, chiếc DS của Môrít đã biến vào bóng đêm mù mịt của đế đô Vọng các. Môrít lái ngược lên phi trường Đồn mương. Được nửa đường, chàng rẽ vào một con đường đất. Chạy được  một quãng, thấy hiện ra sừng sững một tòa biệt thự cổ, tứ phía tường cao kín mít. Cổng trại mở rộng, chàng phóng vào trong sân. « Bà dì », thiếu phụ đứng tuổi, nhân viên ban Biệt vụ, đợi chàng trước ga ra, một ngôi nhà nhỏ lợp tôn uốn, nằm khuất dưới cây si to lớn.
Môrít tắt đèn pha, thiếu phụ chạy tới. Chàng nói :
-Chào chị Hải.
Thiếu phụ đáp :
-Chào anh. « Nó » đâu ?
Môrít mở cửa sau, lôi Tăng Minh xuống. Y bị đánh bất tỉnh, nằm thẳng đơ trên nền cỏ ướt. Môrít dặn thiếu phụ :
-Tôi bận độ 15 phút. Phiền chị pha cho tôi ly cà phê. À, mình phải ở lánh trong trại chừng một tuần, chờ họ về. Chị có mang đủ đồ hộp theo không ?
Thiếu phụ gật đầu :
-Tôi chở đầy thùng xe Fiat, ăn nửa tháng cũng chưa hết.
Môrít khiêng Tăng Minh vào trong nhà xe. Chàng bật đèn, đóng kín cửa sổ, rồi lục trong góc ga ra lấy ra một cái xẻng. Nền ga ra bằng đất mềm, chàng đào loáng trong mấy phút được một cái hố sâu nửa thước, vừa đặt cái hòm.
Chàng gói Tăng Minh vào cái bạt ni lông, sửa soạn ném xuống hố, đột nhiên một mùi là lạ bắt chàng dừng tay.
Đó là mùi long não.
Mở bạt ra, chàng nhìn kỹ người chết. Phát atémi thứ nhì của Văn Bình đã làm nạn nhân nghẹt thở, lưỡi lè ra, da mặt tím ngắt, một tia máu đen trào ra mép. Giáo sư đại học Tăng Minh có con mắt đa tình, đôi môi đĩ thõa, và khung mặt xinh trai chỉ còn là xác chết sám ngoẹt, tròng trắng mở ra trừng trừng chứa đầy ngạc nhiên và tức tối, mớ tóc rối bù phủ trên cái trán xưng húp.
Mùi băng phiến từ bộ com lê cũ kỹ của y toát ra. Bộ âu phục rẻ tiền và sờn chỉ của Tăng Minh làm chàng ngạc nhiên. Tăng Minh vốn là kẻ ăn diện, áo quần đầy tủ, lẽ nào y ra Hànội với bộ com lê xấu xí, vứt xó từ lâu trong tủ còn thơm mùi long não.
Môrít thừ người nghĩ ngợi.
Chàng lấp đất lại thật nhanh, chặn một miếng ván lên trên. Thiếu phụ bưng ly cà phê nóng hổi xuống. Chàng uống cạn một hơi, rồi nói :
-Tôi phải về Vọng các ngay bây giờ. Quá ba giờ sáng, nếu tôi chưa về, tức là bị nạn. Chị phải điện gấp cho ông Hoàng, sau đó hủy điện đài, và trốn vào tòa đại sứ, chờ chỉ thị Sàigòn.
Giọng chị Hải run run :
-Anh đi đâu?
-Tôi nghi trong vụ này có một vài bí ẩn. Tôi phải khám phá cho bằng được, nếu không Văn Bình và Quỳnh Ngọc phải chết.
-Tôi sẽ đi giúp anh một tay.
-Chị phải ở đây. Nếu tôi không về, chị nhớ dặn nhà tôi vào sứ quán với chị. Biết thế này, tôi đã bắt chuớc Văn Bình không lấy vợ nữa. Chị dặn giùm nhà tôi giữ gìn cái thai trong bụng.
Mặt thiếu phụ tái đi:
-Ơ kìa, anh say rượu hay sao mà nói toàn chuyện gở thế. Hoạt động ở Vọng các, đâu phải ở Hànội mà anh sợ?
Môrít cười nhạt:
-Tôi mến chị và trọng chị như chị ruột, song chị là đàn bà nông cạn, biết một không biết hai. Tôi không say đâu, tôi tỉnh lắm. Tôi đã hứa với thằng anh con Quỳnh Ngọc là bảo vệ em nó, dầu phải trả bằng sự hy sinh nào. Tôi có cảm tưởng là vì tôi mà nó mang thân vào chỗ chết. Chính tôi giới thiệu nó vào ban Biệt vụ, chị nhớ không? Cũng chính tôi đề nghị nó ra Hànội với Văn Bình. Và cũng chính tôi yêu cầu ông Hoàng đưa hai người vượt bức màn tre bằng đường Vọng các. Tôi phải gánh hết trách nhiệm. Chào chị, tôi đi đây.
Môrít gài số hai, phóng tuột ra đường. Thiếu phụ thẫn thờ đưa bàn tay lên chùi mắt.
15 phút sau, chàng lái qua đường Parjathiphatai. Tòa nhà Tăng Minh chìm trong bóng đêm dày đặc. Sương khuya phủ trắng một vùng. Chàng đậu xe trong hẻm rồi đi bộ lại.
Trước nhà, chàng không thấy ai.
Đó là một bin đinh gồm nhiều phòng, cho thuê tháng. Người thuê đều có chìa khóa riêng mở cửa sắt bên dưới. Chàng loay hoay trong một phút với xâu chìa khóa giả. Cánh cửa sắt được lau dầu thường xuyên mở ra không gây tiếng động. Chàng khép lại, thong thả trèo cầu thang xi măng lên lầu.
Tăng Minh ở lầu 2, trong căn phòng cuối. Môrít tái mặt khi thấy ánh đèn trong phòng Tăng Minh hắt ra nhợt nhạt. Chàng vặn nhẹ quả nắm.
Bên trong không khóa.
Chàng đẩy mạnh vào.
Một người đàn ông lạ mặt đang lom khom trước tủ áo, vụt quay lại. Thấy Môrít, y khựng người. Môrít luồn tay vào trong áo nhưng người lạ rút súng nhanh hơn. Y quát bằng tiếng Thái trọ trẹ:
-Đứng im. Hai tay dơ lên.

*

Văn Bình ngẩng nhìn số nhà.
1045. Đúng số Môrít dặn. Một ngọn đèn vàng ệch 30 oát được treo lủng lẳng bên cạnh bảng số. Cửa ra vào bằng gỗ sơn xanh, nhiều chỗ tróc hết sơn.
Đối với khác chơi đêm, số nhà 1045 là một ổ thanh lâu ấm cúng. Trên lầu hai, khách sẽ gặp những cô gái phục sức kỳ quặc: mặc toàn đồ voan đen, áo rộng thùng thình phủ từ vai xuống mắt cá, mở sau lưng bằng một hàng cúc dài. Trong sự kỳ quặc đã có sự thích thú vì phía sau làn vải mỏng hơn giấy bóng, và có những lỗ mắt cáo, các cô gái không mặc gì hết. Lối phục sức này làm người đàn bà khêu gợi hơn khỏa thân hoàn toàn. Khách có thể hút á phiện, đánh bạc giải sầu, hoặc coi phim đặc biệt, coi những màn thoát y trắng trợn nhất thế giới.
Lầu hai và lầu ba khác nhau một trời một vực. Nếu lầu hai là sào huyệt mãi dâm thượng lưu, sực nức mùi nước hoa, mùi mồ hôi, mùi da thịt trần truồng, mùi rượu mạnh, mùi thuốc sát trùng, suốt đêm ồn ào như ong vỡ tổ thì ngược lại một màn im lặng vô hình bao phủ lầu ba.
Lên hết cầu thang bên trái, Văn Bình có cảm giác lạc vào một tòa nhà vắng, chủ chết đã lâu, hiện không người ở. Mạng nhện giăng đầy tường, màu vôi trắng loang lổ đã ngả sang màu vàng, một màu vàng khó tả.
Các cửa phòng đều đóng im ỉm. Ở hành lang -một hành lang sâu thăm thẳm, gió lạnh xoáy vào làm kẻ yếu bóng vía dựng tóc gáy - chỉ có một ngọn đèn vàng mười nến trần truồng, lắc lư cuối sợi giây đen lòng thòng, giống như thủ cấp của người bị treo cổ chao đi, chao lại trên thòng lọng.
Văn Bình dẫm lên tấm thảm ni lông rêu phong kín mít. Gót giày của chàng bị lún xuống rêu. Chàng tưởng như một bàn tay bí mật giữ chân chàng lại.
Thái độ bình tĩnh, chàng đến phòng 19. Con số 19 được viết nguệch ngoạc bằng phấn trắng học trò trên nền gỗ bẩn thỉu. Chàng đặt ngón tay vào chuông điện.
Một tiếng rè rè nổi lên bên trong. Không cần ngó quanh, chàng biết những cặp mắt vô hình đang theo dõi chàng từng bước.
Hai phút sau, cánh cửa mở ra nhè nhẹ.
Trong phòng tối om.
Chàng nghe tiếng người thì thào:
-Nung sarm hab (3).
Chàng đáp, giọng đủ nghe:
-Yee sib (4).
Đèn điện được bật lên. Chàng nhận ra Quỳnh Ngọc đang đứng với một gã gày nhom, nét mặt giang hồ, đôi môi mỏng dính tương phản với cặp kiếng cận thị gọng đồi mồi to tướng, xập xuống trước mũi. Chàng biết là Phạm Bài.
Quỳnh Ngọc cất tiếng, nghiêm nghị:
-Chào đồng chí Tăng Minh. Đồng chí lại chậm ba phút.
Không nói lời nào, Phạm Bài xô cửa sang phòng bên. Tám người –năm đàn ông, ba đàn bà – đang ngồi trò chuyện nho nhỏ trên ghế sa lông. Thấy Tăng Minh, mọi người quay lại song không đứng dậy.
Phạm Bài nhìn đồng hồ tay:
-Còn năm phút nữa chúng ta lên đường. Tôi xin nhắc lại nội quy của cuộc tham quan đặc biệt này: tôi là trưởng đoàn, các đồng chí được đặt hoàn toàn dưới sự điều khiển của tôi. Nữ đồng chí Thái Phượng làm phó trưởng đoàn –y vừa nói vừa chỉ Quỳnh Ngọc- yêu cầu các đồng chí triệt để tôn trọng kỷ luật. Sở dĩ chúng ta phải tuyệt đối thận trọng vì bộ Ngoại giao Thái chấp thuận cho chúng ta ra Hànội, song một vài cơ quan khác không đồng ý.
Ngoài ra, phe địch cũng muốn phá hoại cuộc tham quan này. Chúng có thể bắn súng, ném lựu đạn bất thần (Văn Bình cười thầm ). Khi nào phi cơ tới vùng trời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta mới tạm yên tâm. Các đồng chí cần hỏi thêm gì nữa không?
Không ai lên tiếng. Phạm Bài ra lệnh:
-Yêu cầu các đồng chí nộp hết giấy tờ căn cước trong mình cho nữ đồng chí phó trưởng đoàn.
Văn Bình chạm vào da Quỳnh Ngọc khi trao giấy tờ của Tăng Minh cho nàng. Nàng hơi run run, có lẽ vì khoái cảm. Văn Bình phải tránh luồng mắt của nàng, trong lòng lo ngại. Yêu nhau bậy thật, chàng nhủ thầm. Nếu nàng không chế ngự nổi cảm xúc, sớm muộn hai người cũng bại lộ. Nàng cần nhớ chàng là giáo sư Tăng Minh, không phải Văn Bình tức điệp viên Z.28. Và nàng là tình  nhân của đoàng trưởng Phạm Bài.
Lòng chàng xe lại.
Phạm Bài khoát tay ra hiệu. Cả bọn -trừ một người đàn ông, tóc hoa râm- lùi lũi theo cửa riêng, xuống đường bằng lối sau. Ngoài sân, một chiếc xe chở hàng kiểu Vônvaghen đã đậu sẵn. Phạm Bài trèo lên băng trước với Quỳnh Ngọc.
Tài xế lái lên trường bay Đồn mương. Cách phi trường chừng nửa cây số, một chiếc cam nhông bít bùng khác chạy ngược chiều, nháy đèn ra hiệu. Theo lệnh Phạm Bài, mọi người xuống xe, dồn lên cam nhông. Năm phút sau, đoàn hành khách được đưa thẳng vào phi đạo, không phải qua quan thuế.
Một nhân viên bộ Ngoại giao Thái cầm đống căn cước mà mọi người nộp cho Quỳnh Ngọc, trèo lên phi cơ, đi qua các hàng ghế hỏi tên họ, và so với ảnh căn cước. Đến trước Văn Bình, y dừng giây lâu, nhìn đi nhìn lại. Y định hỏi gì song lại thôi. Văn Bình hú hồn. Nếu y là bạn của Tăng Minh thì kế hoạch hỏng bét.
Xong xuôi, y trao cho Phạm Bài một cái phong bì trong đựng chiếu khán chung cho phái đoàn. Trước khi xuống phi cơ, y còn ngoái lại nhìn Văn Bình lần nữa, trên mặt hiện rõ vẻ ngơ ngác và băn khoăn. Văn Bình điềm nhiên châm thuốc lá.
Ngọn đèn đỏ trước phòng phi hành bật lên “No Smoking. Fasten Your Belt” (5), giòng chữ chàng đã đọc hàng ngàn lần lại hiện ra trước mắt. Chàng dụi tàn thuốc, kéo dây lưng, buộc lại. Quỳnh Ngọc ngồi phía trên, cạnh Phạm Bài. Mùi tóc nàng thơm thơm thoảng vào mũi chàng.
Máy bay cất cánh.
Thế là xong. Xong màn mở đầu của vở trường kịch đùa rỡn với thần Chết.

*

Nghe tiếng quát “dơ tay lên”, Môrít tuân theo, nhưng không phải để đầu hàng. Khẩu Colt Super 38, nòng sáng xanh, chĩa về phía chàng không làm chàng sợ vì chàng thấy ống hãm thanh đen sì, to tướng, nhô ra dài ngoằng ở đầu súng. Địch dùng silencieux, điều này chứng tỏ không phải nhân viên công an Thái. Y cũng ở trong làng gián điệp bí mật như chàng.
Chàng nhún vai:
-Ban đêm, anh vào phòng tôi làm gì? Ăn trộm chăng? Tôi báo trước là không có tiền.
Địch cười nhạt:
-Hừ, anh đóng kịch vụng quá. Anh không phải là Tăng Minh.
-Anh lầm đúng hơn. Nếu anh cần coi căn cước, tôi đưa anh xem ngay.
Y quát:
-Không được bỏ tay xuống. Mày không lừa nổi tao đâu. Đồ chó săn của chính phủ bán nước.
Môrít đoán biết y là ai rồi. Chàng chỉ sợ Arun chơi khăm. Một khi Arun dính vào, chàng khó thoát. Sàigòn với Vọng các là bạn, Arun có thể giết chàng mà ông Hoàng phải khoanh tay vì sợ làm mất lòng đồng minh Thái lan.
Nhưng sự việc lại khác. Người lạ tưởng chàng là phản gián Thái.
Y lắc nòng súng, vẻ mặt dữ tợn :
-Lùi vào tường, quay lưng ra.
Môrít nhếch mép cười ngạo mạn :
-Để anh tước súng phải không? Tôi có hai khẩu, mất khẩu dưới nách, tôi còn khẩu ở thắt lưng.
-Câm miệng, không tao bắn nát lưỡi.
Môrít quay lại. Chàng nín thở nghe tiếng giày người lạ dẫm lên thảm cói. Trong chớp nhoáng chàng hình dung tướng mạo của đối phương để tìm kế phản công : một thanh niên vạm vỡ, cao gần một thước bảy, nặng chừng 75 kilô –nghĩa là vào hạng gạo cội của làng đánh đấm- mắt đỏ như máu, lông mày dựng ngược, mũi cà chua, mồm mím lại, một cái thẹo chạy từ mép ra mang tai bên trái, cổ to như cột nhà, vai dày đủ sức khiêng bổng một cái xe hơi, ngực nở sau làn vải ni lông huyết dụ, cánh tay dài như vượn, ngón tay sần sùi đặt lên cò súng một cách thành thạo.
Đối phương là kẻ có sức mạnh phi thường. Song Môrít nhận thấy y phản ứng chậm chạp, nặng nề, chưa phải là tay giết người chuyên nghiệp. Lưỡi dao bá phát bá trúng của chàng nằm ép dưới ngực toát ra hơi lành lạnh. Vốn ghét dùng súng, chàng chỉ chơi dao. Nếu chàng mang súng thì đâu đến nỗi bị dồn vào tường như bây giờ. Chàng tin địch sẽ hớ hênh, tạo điều kiện ngàn năm một thuở cho chàng.
Tiếng giày đến gần, đến gần thêm nữa. Giọng y sắc như dao cạo :
-Đứng yên, nghe không. Tao không chủ tâm giết mày đâu, nhưng nếu mày cử động …
Không chờ địch nói hết, Môrít đã phản công. Địch đã phạm phải lỗi lầm căn bản của phương pháp dùng súng khi tới gần chàng. Nhanh như máy điện tử, chàng quay ngược lại, chân phải phóng ra một ngọn cước kinh hồn. Y né đã nhanh nhưng cái đá của Môrít xẹt tới như lằn chớp, trúng vào cườm tay cầm khí giới. Khẩu súng bị đá văng vào trong tủ áo. Biết nguy, địch vớ ngay cây đèn đêm bằng đồng nặng chĩu để trên bàn. Y giựt một cái mạnh, sợi giây đứt lìa ra, cái đèn biến thành võ khí tấn công cực kỳ nguy hiểm.
Thấy Môrít bước lên, y xoạc chân ra như xuống tấn, vận sức vào cánh tay giáng cây đèn vào đầu chàng. Với khối thịt 75 kilô, cây đèn có thể đập óc chàng nát ngướu, phương chi địch lại am tường phép đánh kiếm kenđô tinh vi của võ sĩ Nhật.
Không dám khinh thường, Môrít phải nhảy tréo sang bên để tránh, song địch đã chuyển cây đèn phạt vào hông chàng. Lần này, chàng phải nằm lăn trên sàn nhà, cuộn tròn lại, dùng một thế nhu đạo cực hiểm tống mũi giày vào bụng y.
Mũi giày của Môrít được gắn một miếng thép nhọn hình tam giác, khi xử dụng cũng ghê gớm như lưỡi dao. Miếng thép sắc lẻm cắm vào bao tử địch, ngọt sớt như xuyên qua đất sét. Y thét lên một tiếng, mùi máu làm y hăng đòn, mắt y  đỏ lại đỏ hơn lên. Môrít bồi thêm một cái đá thứ hai vào mạng mỡ, địch vẹo người quạt cây đèn vào chân chàng. Suýt nữa xương chân của chàng bị dập bấy. Chàng không bị thương nặng nhờ tấm thảm cói bị kéo sộc khiến địch loạng choạng, ngón đòn sát nhân trượt ra ngoài.
Môrít nhảy bổ vào người y, tóm lấy bàn tay cầm đèn bẻ gập xuống. Xương gẫy kêu răng rắc. Địch ngã ngồi trên thảm, thở hồng hộc như con heo bị thọc huyết. Môrít bẻ mạnh thêm nữa. Y rên lên :
-Đau quá, trời ơi.
Chàng tát vào mặt y :
-Mày là ai ? Ai sai mày tới ? Mày vào phòng Tăng Minh làm gì ? Nói mau, không tao bẻ luôn xương chân.
Bồ hôi toát ra đầm đìa pha lẫn với máu. Y van vỉ :
-Đau quá, anh tha cho tôi.
-Vậy thì khai đi.
-Tôi không biết gì hết. Người ta sai tôi đi.
-Đến đây làm gì ?
-Để xem Tăng Minh có mặc bộ com lê màu xanh sẫm không.
Môrít vụt hiểu :
-Trong bộ com lê có gì?
Y suýt soa:
-Tôi không biết.
-Ai sai mày tới ?
-Tôi không dám nói. Người ta giết tôi mất.
Môrít nghiến răng :
-Thế thì được. Tao sẽ bẻ nốt tay trái.
Y run lên cầm cập:
-Vâng, tôi xin nói.
-Ai, nói mau.
-Saratiên.
Môrít bàng hoàng như bị ai đánh vào đầu. Chàng không lạ gì Saratiên. Y đứng đầu một tổ chức khủng bố bí mật. Tổ chức này liên lạc mật thiết với cựu thủ tướng thân cộng Pờrađi bị hất khỏi chính quyền sau một cuộc đảo chánh, hiện sống ở nước ngoài và nuôi ảo vọng trở về. Ông Hoàng đã ra lệnh cho chàng theo dõi bọn Saratiên. Mật vụ Thái cũng muốn đè bẹp Saratiên.
Saratiên quan hệ như thế nào với Tăng Minh? Tại sao Saratiên muốn Tăng Minh mặc bộ com lê cũ ra Hànội? Chàng phải tìm ra manh mối.
Chàng nhìn thẳng vào mắt địch:
-Saratiên đợi mày ở đâu?
Y lắp bắp:
-Đúng 11 giờ rưỡi, trước lữ quán Trocadero, đại lộ Suriwongse.
-Khẩu hiệu?
-Không cần khẩu hiệu vì y biết mặt tôi. Saratiên đi xe Fiat màu vàng.
-Có mấy người?
-Saratiên ngồi sau. Phía trước có tài xế.
-Y dùng khí giới gì?
-Tôi không biết. Dường như trong xe có hai khẩu tiểu liên.
Môrít đứng dậy. Chàng nhìn đồng hồ. 11 giờ 15. Đi ngay bây giờ, Môrít có hy vọng gặp Saratiên. Chàng ngó tên nhân viên của Saratiên, tỏ vẻ thương hại. Chàng không muốn giết y, song y còn sống, kế hoạch của chàng sẽ hỏng. Phản gián Thái tìm ra y, sẽ phăng ra Tăng Minh liên lạc với Saratiên. Văn Bình sẽ bị khó dễ.
Nhìn thấy tia mắt dữ dội của Môrít, y mếu máo:
-Töi khai hết rồi, anh tha cho tôi.
Không đáp, Môrít cúi xuống, sống bàn tay của chàng phạt ngang vào yết hầu. Y ngã xuống tấm thảm, giãy lên đành đạch rồi tắt thở.
Môrít khóa trái cửa, thản nhiên xuống đường. Chàng phóng một mạch tới đại lộ Suriwongse.
Còn hai phút tới 11 rưỡi.
Nhận thấy một chiếc Fiat đậu sát lề, Môrít lững thững bước tới, một tay bỏ trong túi quần nắm chặt khẩu súng Colt Super 38.
Đi qua xe, còn cách hai thước, Môrít gọi to:
-Saratiên.
Người tài xế ló đầu ra. Môrít nã một phát trúng đầu. Chàng chĩa súng qua cửa sau, nhả đạn. Gã đàn ông lực lưỡng ngồi trên băng gục xuống chết không kịp trối. Môrít tiến sát, bắn thêm một phát nữa vào mặt y.
Ba phát súng bắn qua ống hãm thanh chỉ gây tiếng động nhỏ, chung quanh không ai nghe thấy. Môrít trở lại xe DS, trên miệng nở nụ cười khoái trá.
Chàng vừa ngồi trước tay lái, chưa kịp mở máy thì cảnh hỗn loạn diễn ra. Một chiếc xe hơi đen không biết từ đâu tới phóng vụt qua, tóe những tia lửa đỏ ối. Tacata … tacata … tiếng súng tiểu liên. Cánh tay trái của Môrít bại đi. Biết trúng đạn, chàng nghiến răng ấn đề ma rơ, tống ga rượt theo.
Một tràng đạn nữa bắn vỡ nát kiếng trước của chiếc DS. Mảnh kiếng văng tung tóe vào mặt chàng khiến chàng mù tịt, không thấy gì nữa. Không chịu thua, chàng ấn lút ga xăng. Kim tốc độ chỉ trên một trăm. Chàng phóng nhanh hơn, bốn bánh xe nghiến ken két trên đại lộ Suriwongse vắng tanh.
Còn cách chiếc xe đen một quãng ngắn, chàng rút súng. Tay trái bị đạn giữ vô lăng, tay phải chàng nhả đạn. Viên đạn 9 ly bắn trúng lốp trái, phía sau. Chiếc xe lạng sang bên, chàng bắn phát nữa, trúng vỏ bên phải. Chiếc xe loạng choạng đâm vào cột đèn rồi thắng gấp lại, trên xe nhảy xuống hai bóng đen.
Môrít hụp đầu xuống để tránh băng tiểu liên nã qua khung kiếng vỡ. Chàng mở cửa xe, lăn xuống đường nhựa. Mặc dầu toàn thân nhức nhối, chàng vẫn còn đủ sáng suốt nhận ra hai bóng đen quì trên vỉa hè, một đứa cầm súng lục, một đứa đang thay gắp đạn mới vào khẩu tiểu liên.
Bụp … bụp …
Môrít nã liền hai phát. Hai bóng đen ngã soài trên đất.
Chờ một phút, không thấy gì Môrít trèo lại lên xe, lái lên trường bay Đồn mương. Máu chàng chảy ra như xối, ướt sũng áo sơ mi. Tay trái bị liệt hoàn toàn, chàng phải cầm vô lăng bằng tay phải. Mắt chàng hoa lên song chàng cứ tiếp tục chạy trên 150 cây số một giờ.
Chàng phóng như điên vào trong trại. Chị Hải rú lên khi thấy mình mẩy chàng đầy máu. Chàng lảo đảo xuống xe, vịn vào thiếu phụ, bước khập khiễng vào nhà. Vào đến sa lông, chàng ngã lăn ra.
Thiếu phụ bật đèn, quỳ xuống coi vết thưong. Nàng tái mặt khi thấy sơ mi Môrít đen sì thuốc súng. Nàng hỏi, giọng lo lắng:
-Môrít, anh việc gì không?
Chàng đáp:
-Tôi không biết bị mấy viên đạn cả thảy, nhưng tôi bị mất máu nhiều lắm.
-Anh chờ tôi một lát. Tôi lái xe đi tìm bác sĩ.
Môrít lắc đầu:
-Không kịp đâu, chị Hải.
Mắt thiếu phụ rơm rớm:
-Không có y sĩ, anh sống sao nổi.
Môrít cười gượng:
-Chị đừng sợ, tôi khỏe lắm. Chị xuống ga ra lấy bộ com lê của Tăng Minh lên đây cho tôi.
Khi thiếu phụ đặt bộ quần áo nhàu nát và dính đất lên ghế, Môrít nói:
-Chị lấy gối kê đầu tôi, và đỡ tôi dậy.
Chàng đau nhói ở ngực song cố làm vẻ thản nhiên. Chàng xé toang làn vải bọc trong vét tông, đưa cho thiếu phụ:
-Chị xem có gì không?
Nhìn kỹ một hồi, thiếu phụ đáp:
-Không.
Chợt nghĩ ra, chàng nói:
-Chị mang va li đựng hóa chất cho tôi.
Thiếu phụ bưng ra một cái va li da nặng, bên trong đựng đầy chai lọ. Chàng dốc một chai thuốc vàng lên vải. Không thấy gì, chàng đổ luôn mấy chai thuốc khác.
Thiếu phụ la lên :
-Thấy rồi, anh ạ.
Ngay chỗ dán tên tiệm may mà Văn Bình xé bỏ Môrít thấy hiện ra những giòng chữ li ti. Một bức thư bí mật! Lấy kiếng hiển vi đọc, chàng  giựt mình sung sướng, quên mất những vết thương chí tử trong người.
Chàng nói với thiếu phụ:
-Thư của bọn Saratiên gởi mật vụ Bắc Việt xin giúp đỡ để tiến hành cuộc đảo chính. Chị lấy máy chữ chép ra giấy cho tôi.
Thiếu phụ nhìn chàng:
-Không, anh để tôi chở anh đi bệnh viện đã.
Môrít quắc mắt:
-Chị là thuộc viên của tôi, chị phải tuân lệnh. Tôi không chết được đâu. Nếu tôi chết nữa, cũng là chuyện thường. Bức thư này liên quan tới vận mạng hàng triệu người. Và trước hết là vận mạng của Quỳnh Ngọc và Văn Bình. Phải chết để cứu họ. Tôi sẵn sàng chết, chị hiểu chưa?
-Thưa anh, tôi hiểu.
-Thì chị còn đợi gì mà chưa thi hành lệnh tôi.
-Tôi không thể thi hành lệnh anh được, dầu anh là cấp chỉ huy trực tiếp. Theo điều lệ, thuộc viên có quyền cãi lệnh thượng cấp trong trường hợp thượng cấp mất sáng suốt hoặc ở trong trường hợp nguy ngập. Anh đang bị thương nặng. Tuân lệnh anh, thì anh phải chết. Tôi không muốn anh chết. Anh phải sống để phục vụ đất nước.
-Chị gàn dở quá.
-Tôi không gàn dở đâu. Nào anh ngồi dậy để tôi dìu anh ra xe.
-Chị Hải! Tại sao chị hy sinh đời chị, bỏ hết lạc thú gia đình nhà cao, cửa rộng, vàng bạc đầy két để lao đầu vào nghề tình báo bạc bẽo, cọ sát với tử thần? Tại sao chị không nghĩ đến lấy chồng? Tại sao chị không bắt chước các bạn gái của  chị, mở nhà thuốc, khai thác mảnh bằng dược sĩ quốc gia mà chị tốt nghiệp ưu hạng, trường đại học Ba lê?
-Vì đất nước còn đau khổ.
-Đấy, vì đất nước còn đau khổ chị phải hy sinh. Tại sao chị không cho phép tôi làm giống chị?
-Tôi không muốn lý luận thêm với anh nữa, máu anh ra nhiều quá.
-Tôi cũng vậy. Nếu chị cố tình trái lệnh, tôi sẽ tự tử.
Môrít rút lưỡi dao trong áo ra, kề mũi vào tim. Thiếu phụ nghẹn ngào:
-Vâng, tôi xin nghe anh. Giờ anh muốn tôi làm gì?
-Chị chép bản mật thư ấy đi. À, xin chị cho tôi một phát mọt phin.
Thiếu phụ thở dài, nước mắt trào hai bên gò má. Nàng nấu kim, chích mọt phin cho Môrít xong mang máy chữ lại, gõ lóc cóc. Môrít ngồi yên, lưng dựa vào đống gối bông. Chàng biết không còn sống lâu nữa. Nếu đi bệnh viện, chàng có hy vọng thoát chết, song ở Hànội hai người bạn thân của chàng sẽ chết.
Chàng đặt tay trước ngực. Máu cứ trào ra. Phía bên trái của chàng không cử động được nữa. Chàng lâm râm khấn vái xin cho chàng được sống đến lúc liên lạc xong với ông Hoàng.
Chàng hỏi:
-Chị Hải, xong chưa?
Thiếu phụ ngẩng đầu lên:
-Còn một giòng nữa.
-Đánh xong rồi, chị mang giấy bút cho tôi. Mang cả điện đài lại đây nữa.
Chàng loay hoay thảo bức điện mật mã. Trong khi ấy, thiếu phụ đã kéo ăn ten lên khỏi máy, nối vào giây thép phơi quần áo bên ngoài. Chàng ném bức điện xuống ghế:
-Phiền chị đánh giùm tôi.
Sàigòn trả lời liền. Mặt Môrít bừng sáng. Chàng lẩm nhẩm lại phần cuối bức điện:
“Xin ông can thiệp ngay mới cứu nổi VB và QN. Bức mật thư này, tôi tin ông sẽ chuyển cho chính phủ Thái. Chắc họ không giận tôi nữa. Phút này, tôi kiệt lực rồi. Bị nhiều phát đạn vào ngực, tôi chỉ sống được mươi phút nữa thôi. Xin ông nói giùm với vợ tôi là ở bên kia cõi thế, tôi vẫn thương nàng. Trân trọng chào ông, chào VB và QN.”
Phúc điện của ông Hoàng rất ngắn:
“Đã nhận được. Sẽ liên lạc ngay với nhân viên của ta ở Hànội để báo tin cho VB. Ra lệnh cho anh phải đi ngay bệnh viện. Bà Hải có nhiệm vụ săn sóc cho Môrít. Chúc bình phục.”
Môrít cười đau đớn:
-Ông Hoàng thương tôi lắm, nhưng bây giờ thì muộn rồi.
Thiếu phụ đỡ chàng đứng dậy:
-Phiền anh ôm lấy vai tôi. Trong mười phút nữa, người ta sẽ mổ gắp đạn ra cho anh.
Môrít lắc đầu:
-Chậm quá rồi chị ạ.
Thu tàn lực vào cánh tay, chàng xé toạc sơ mi ra. Thiếu phụ rú lên khi thấy ngực chàng đen sạm thuốc súng, từ nhiều lỗ nhỏ máu tuôn ra đỏ lòm.
Môrít nói:
-Chị thấy không. Bọn Saratiên bắn đạn ghém. Tôi chỉ có hy vọng thoát chết nếu tôi lái thẳng từ đường Suriwongse tới bệnh viện, và không về đây. Lúc tới trại, tôi đã quyết định rồi. Chị Hải ơi …
Giọng chàng yếu hẳn đi. Thiếu phụ quỳ xuống bên chàng.
-Chị Hải ơi ! Tôi coi chị như chị ruột thịt song chưa bao giờ chị thổ lộ tâm tình cho tôi nghe. Tại sao chị lại bỏ anh ấy ?
Giọng thiếu phụ ướt đầm nước mắt :
-Cám ơn lòng tốt của Môrít. Tôi bỏ hứa hôn, trả nhẫn lại vì anh ấy chỉ có mảnh bằng cao cấp, bằng thạc sĩ y khoa song lòng anh ấy, hồn anh ấy quá tầm thường. Tôi sửa soạn vào nhà tu thì may thay tôi gặp ông Hoàng. Rồi tôi gia nhập ban Biệt vụ.
-Anh ấy là ai ?
Thiếu phụ lắc đầu :
-Môrít biết tên con người vô lại ấy làm gì ?
-Không, tôi muốn biết. Chị không thỏa mãn ý muốn cuối cùng của kẻ lâm chung được sao ?
Thiếu phụ thở dài, đau đớn :
-Môrít ơi, người ấy là anh ruột của Môrít.
Môrít lạnh người, trân trân ngó nàng không chớp mắt. Chị Hải nói tiếp :
-Môrít giận anh nên mới xâm hình cô gái đợi tình nhân dưới gốc soài ở cánh tay, và bỏ nhà ra đi. Hồi còn nhỏ, Môrít đã xung đột với anh ấy nhiều lần. Môrít giận anh vì toàn gia đình đều phẫn nộ khi được tin tôi thoái hôn vì anh quá tầm thường. Cô gái đợi tình nhân dưới gốc soài là tôi đó. Môrít chỉ nghe tên tôi mà chưa biết mặt. Nhà tôi là một trại soài rộng mênh mông.
Môrít ơi, tôi xin ông Hoàng sang Vọng các để hoạt động với Môrít. Không lấy được anh của Môrít, tôi nguyện chăm nom cho Môrít được khỏe mạnh mãi. Vợ của Môrít là em con dì với tôi, chính tôi đã hỏi nàng cho Môrít. Nàng biết rõ tâm sự tôi nhưng nàng không hé răng cho Môrít biết. Giờ này, tôi đã nói hết. Môrít tha thứ cho tôi.
Môrít vùng dậy, nắm chặt lấy tay nàng :
-Thưa chị, tôi mãn nguyện lắm rồi. Xin vĩnh biệt chị …
Chàng ngoẹo đầu xuống gối, tắt thở nhẹ nhàng. Thiếu phụ gục đầu trên xác chàng, khóc nức nở.
Kim đồng hồ chỉ đúng nửa đêm.
Chú thích:
(1) tiền Thái, 20 baht là một đôla Mỹ.
(2) bác sỉ Walter Linse, chủ tịch hội Luật gia Tự do, một tổ chức tình báo chống cộng tư nhân, hoạt động ở Đức quốc.
(3) tiếng Thái, tức là 1, 3, 5.
(4) tiếng Thái : 20.
(5) « Không được hút thuốc. Cột giây lưng lại ».