Chương 9 (tt)
Chiếc chìa khóa bí mật

     rước đó mấy giờ đồng hồ, khi Văn Bình còn ngủ mê mệt, tòa biệt thự 3 tầng quét vôi trắng sau nhà pha Hỏa Lò, đường Hàng Bông Thợ Ruộm đã hoạt động ồn ào. Đó là tổng hành doanh Smerch ở Hà nội.
Chiếc ZIM đồ sộ sơn đen của đại tá Kamốp vượt qua cánh cổng lớn bịt kín bằng tôn dày sơn trắng. Một quân nhân Sô viết, cổ áo không đeo huy hiệu cấp bực, chờ Kamốp trên thềm, nét mặt đăm chiêu.
Bước xuống xe, Kamốp giựt mình :
-Chào thiếu tướng.
Người quân nhân không đeo lon là thiếu tướng Hôlếp, tùy viên quân sự tòa đại sứ Nga sô tại Hà nội, kiêm giám đốc trú sứ các cơ quan gián điệp Sô viết (17)
Hôlếp chỉ độ 40 là cùng. Y thuộc vào « đợt sống mới » của ban lãnh đạo mật vụ Sô viết, và là bồ bịch của Sêmisátni (18), trùm do thám Nga sô. Nếu Kamốp gày, cao, mặt choắt, hàm răng bám chất nicôtin vàng ệch, bàn tay sần sùi, nhỡn tuyến lạnh như nước đá, sắc như dao cạo thì ngược lại, thiếu tướng Hôlếp có một thân hình tầm thước, đậm bề ngang, răng trắng như ngà, bàn tay mềm mại như bàn tay nhạc sĩ dương cầm, và đôi mắt dịu dàng, ấm áp, loại mắt mà đàn bà thích nhất. Tuy nhiên cái mã bề ngoài hiền lành và đĩ điếm ấy lại chứa đựng một bộ óc kinh khủng của nghề do thám. Hôlếp giết người như ngoé, mười ngón tay tháp bút xin xắn kia đã am tường những miếng nhu đạo bí hiểm nhất thế giới, và chỉ cần đụng vào người là đối phương chết không kịp trối.
Ít khi Hôlếp thân chinh đến văn phòng của đại tá Kamốp, trừ phi có công việc vô cùng quan trọng. Bắt tay Kamốp, thiếu tướng Hôlếp nói, giọng nhỏ nhẹ :
-Tôi vừa nhận được điện thoại của phủ Thủ tướng.
-Về vụ gì, thưa thiếu tướng ?
Hôlếp hạ thấp giọng :
-Vụ Phan Mỹ.
Kamốp khựng người :
-Xin mời thiếu tướng vào trong này.
Cánh cửa bằng thép mở ra êm như ru. Hôlếp ngồi xuống ghế bành. Kamốp đặt cái tẩu thuốc lá cháy dở xuống bàn. Y biết tính của Hôlếp: tính ghét thiên hạ hút thuốc trước mặt. Hôlếp khoát tay:
-Đồng chí cứ hút đi. Dân nghiện mà … Chúng mình sắp có nhiều việc phải làm lắm.
Nhặt cái tẩu lên, Kamốp nói:
-Xin lỗi thiếu tướng.
Hôlếp nói, giọng đều đều:
-Phủ Thủ tướng đã nắm được bằng chứng cụ thể về việc Phan Mỹ tạo phản.
-Tôi đã tiên đoán việc này từ nhiều ngày nay. Tuy nhiên, tôi đang băn khoăn chưa biết xử trí ra sao. Trừ khử được Phan Mỹ không phải là dễ. Tòa đại sứ Trung quốc sẽ làm rùm beng lên.
Hôlếp lắc đầu:
-Họ làm gì, kệ họ. Phủ Thủ tướng sẽ đối phó với hắn, ta chỉ đứng ngoài mà thôi. Sở dĩ tôi đích thân gặp đại tá vì Phan Mỹ đã cung cấp cho địch một hồ sơ quan trọng nhan đề “Những khuyết điểm của nền tình báo Sô viết”.
-Trời.
-Tôi muốn đại tá bố trí bắt Phan Mỹ nội trong ngày nay. Đêm qua, hắn giết một loạt 8 nhân viên của ta, tôi không thể tha thứ được.
-Thưa, nếu bắt không được?
-Tùy đại tá lo liệu, tôi không cần biết rõ chi tiết. Đại tá nhớ chưa? Bắt đầu từ phút này, tôi không muốn nghe ai nói đến tên Phan Mỹ nữa. Tên hắn phải được gạch khỏi sổ bộ bằng bất cứ cách nào.
Hôlếp xô ghế, đứng dậy:
-Nội ngày nay, đại tá phải báo cáo kết quả cho tôi.
Kamốp định đưa Hôlếp ra tận xe, nhưng Hôlếp gạt đi:
-Tôi ra một mình cũng được. Thời giờ gấp rút lắm, đại tá phải làm ngay mới kịp. Sáng mai, Phan Mỹ đã đi Bắc kinh rồi.
Kamốp tái mặt. Hôlếp chỉ đích thân điều khiển những công tác quan hệ và hiểm nghèo. Hôlếp đã ra lệnh là phải thành công. Ngay đến ông đại sứ cũng sợ Hôlếp như cọp. Kamốp mới thăng đại tá được ba tháng, nếu công việc thất bại, lon đại tá của y có thể bị bóc như chơi mặc dầu y là một nhân vật nòng cốt và có uy thế của cơ quan ám sát Smerch.
Chờ cho Hôlếp ra khỏi phòng, Kamốp ấn chuông. Một nhân viên bận thường phục xô cửa vào. Kamốp hất hàm:
-Vào phút này, Phan Mỹ đang ở đâu?
Tên nhân viên đáp như máy:
--Thưa, toán X 19 vừa báo cáo về xong. Phan Mỹ đang ở bộ Ngoại giao. Bên phủ Thủ tướng gọi sang có chuyện cần nhưng hắn cáo bận không tới. Hắn vừa gọi điện thoại cho ông bộ trưởng.
-Bọn họ nói với nhau những gì?
-Thưa, điện thoại với Phan Mỹ được gắn dụng cụ an toàn (18) do Liên sô cung cấp nên nghe trộm không được.
Kamốp sẵng giọng:
-Cơ quan nào cung cấp dụng cụ an toàn cho hắn?
-Thưa, Smerch. Chính đại tá đã ký giấy chấp thuận năm ngoái.
Kamốp thở dài:
-Hừ, gậy ông lại đập lưng ông. Anh em đã bố trí sẵn chưa?
-Thưa rồi. Phan Mỹ cũng phòng vệ chu đáo lắm. Từ mấy hôm nay, đi đâu hắn cũng mang hai toán vệ sĩ đi theo. Xe hắn đi giữa, một chiếc díp mở đường, chiếc thứ hai chạy sau. Trên mỗi xe đều có 4 nhân viên trang bị tiểu liên K-50. Xe hơi của Phan Mỹ lúc nào cũng quay kính kín mít. Tưởng cần báo cáo thêm với đại tá là xe hắn được lót bằng tôn dày 5 ly, đạn thường bắn không thủng. Kiếng xe cũng được chế riêng tại Mạc tư khoa, có thể ngăn lằn đạn. Xe hơi khóa bên trong, bên ngoài không tài nào mở cửa được. Loại xe này, Hà nội chỉ có 4 cái.
Kamốp gắt:
-Biết rồi. Tao biết rồi. Mày đừng dạy tao nữa. Chiếc xe của Phan Mỹ được ráp tại xưởng Gọt ki. Tao đã nghiên cứu kỹ lưỡng, bề ngoài nó là một pháo đài bằng thép nhưng bên trong nó có một vài yếu điểm. Tuy nhiên tao có cần mày ném lựu đạn hoặc bắn vào xe Phan Mỹ đâu mà mày bàn đến chuyện này. Tao chỉ muốn mày bắt sống hắn. Bắt sống hắn một cách êm thấm.
Tiếng chim hót vang lanh lảnh trong căn phòng điều hòa khí hậu. Đó là tiếng chuông điện thoại. Kamốp áp ống nghe vào tai, vẻ mặt đăm chiêu. Da trán y nhíu lại. Ở đầu giây là tiếng nói của một người Việt  dùng Nga ngữ thông suốt nhưng giọng chưa sõi.
Kamốp nhếch mép:
-Chào đại tướng. Tôi vừa gặp đồng chí Hôlếp xong. Vụ Phan Mỹ sẽ được hoàn tất nội ngày nay.
Người Việt được Kamốp gọi là đại tướng nói:
-Đồng chí Thủ tướng và tôi đã kêu Phan Mỹ tới văn phòng để bào chữa, song hắn thoái thác không tới. Chúng tôi định lừa hắn qua phủ Thủ tướng rồi giữ lại luôn nhưng hắn là con cáo già nên đánh hơi thấy liền. Hồi 9 giờ, đồng chí Trường Chinh và đại tướng Nguyễn chí Thanh gặp tôi yêu cầu xếp bỏ vụ Phan Mỹ lại. Họ nói rằng vụ Phan Mỹ là một âm mưu ly gián của địch, hoặc ít ra cũng là một kế hoạch bẩn thỉu của bọn phản động trong tòa đại sứ Sô viết. Tôi đã nặng lời với họ. Tôi hỏi họ bọn phản động này là ai thì họ cho biết sẽ triệu tập đại hội Trung ương Đảng, và sẽ dùng đa số áp đảo, loại trừ chúng tôi ra ngoài. Họ nói thật, không dọa đâu. Hiện nay, họ đang nắm đa số trong Trung ương Đảng. Đại tá nghĩ sao?
-Tôi không thể trì hoãn thêm nữa. Phan Mỹ là cái gai đâm vào mắt, để chậm ngày nào, hư mắt thêm ngày ấy.
-Nhưng bây giờ không thể lừa bắt được đâu.
-Tôi có cách.
-Nếu vậy thì còn gì bằng. Tuy nhiên, tôi xin báo đại tá biết là vụ Phan Mỹ phải được thi hành một cách kín nhẹm, nếu để tùm lum ra, vị trí anh em tôi trong Trung ương sẽ bị nguy ngập. Chỉ còn ngày nay nữa thôi, đúng 5 giờ sáng mai, hắn sẽ đáp máy bay đi Bắc kinh, và hắn ở lì bên Trung quốc cho tới khi Trung ương nhóm họp. Diệt được hắn trong lúc này sẽ làm phe hắn mất tinh thần, đa số của Trung ương sẽ ngả về phía anh em tôi. Trăm sự tôi trông cậy vào Smerch, vào tướng Hôlếp, vào sự lãnh đạo cừ khôi của đại tá.
Kamốp mỉm cười:
-Cám ơn. Đồng chí đừng lo, cứ ăn no ngủ kỹ, mặc tôi hành động.
Kamốp gác điện thoại.
Một tiếng chim hót khác lại nổi lên. Mặt Kamốp vụt tươi tỉnh. Một nhân viên báo cáo:
-Thưa đại tá, Phan Mỹ sửa soạn rời bộ Ngoại giao.
-Hắn đi đâu?
-Thưa đi tới tòa đại sứ Trung quốc.
-Có biết khi nào hắn về văn phòng không?
-Thưa, đến trưa.
-Được. Mày cứ túc trực ở đó chờ lệnh.
Kamốp quay ra phía tên nhân viên mặc thường phục đợi trong phòng:
-Kêu Bôrin tới đây gặp tôi ngay có việc cần.
-Thưa, thiếu tá Bôrin?
-Phải, thiếu tá Anáttát Bôrin. Tôi cần gặp Bôrin nội buổi sáng này.
-Thưa, Bôrin còn đau.
-Mặc kệ. Nếu y không đi được thì vực lên cáng, khiêng về đây.
-Thưa, Bôrin đâu đến nỗi phải nằm băng ca. Hai hôm nay, y  ghen với cô vợ nên nằm mọp trong phòng.
Kamốp lẩm bẩm :
-Ghen ! Hừ, ghen vậy mà hay.

*

Tacata … Tacata …
Tiếng súng máy nổ ròn. Nhưng dó không phải từ trong xe Hồng thập tự phát ra. Hàng loạt phát đại liên nữa nổ tiếp. Có lẽ giàn cao xạ ngoài bờ sông Hồng hà đang bắn lên không. Tuy nhiên, không có tiếng phi cơ nào.
Lưỡi dao mỏng dính sắp được phóng ra bỗng chùn lại. Văn Bình vừa nhận ra một khuôn mặt quen thuộc. Người lái xe cứu thương là một bà già tóc bạc phơ. Bà Huyền Hoa, tức Z.62, cánh tay phải của ông Hoàng ở Bắc Việt. Sau làn kiếng trắng dày cộm, cặp mắt bà Hoa vụt sáng một cách dị thường. Hiểu ý, Văn Bình nhảy lên xe. Chiếc Rờ nô cũ kỹ lách ra khỏi lề, phóng một mạch trên con đường vắng tanh.
Bà Hoa mỉm cười :
-Chào anh. Tên nhân viên của địch đi sau anh đã bị con Nguyệt Thanh hạ thủ.
Chàng hỏi :
-Tại sao hắn lại dại dột trèo lên xe như thế ?
Nguyệt Thanh ló mặt ra khung cửa hình chữ nhật ngăn phòng lái với phía sau xe, nhí nhảnh :
-Anh nổi tiếng là đệ nhất điệp viên mà khờ khạo quá.
Bà Hoa mắng át con :
-Con quỷ sứ Mày thử bớt hỗn một chút xem nào. Mày phải xin lỗi đi nếu không lát nữa tao đánh đòn.
Văn Bình xen vào :
-Cô Thanh nói đúng đấy. Xin bà tha lỗi cho cô.
Nguyệt Thanh reo lên :
-Đấy, “cụ “thấy chưa. Anh ấy xin lỗi cho con rồi. Anh Văn Bình ơi, sở dĩ thằng nhân viên của Phan Mỹ trèo lên xe vì hắn thấy em dơ tay vẫy. Trời ơi, em đâu đến nỗi xấu. Được một thiếu nữ đẹp gọi đến, phỗng đá cũng phải chạy lại, huống hồ là một anh đàn ông quèn.
Văn Bình định đáp bằng một câu “nịnh đầm’ nhưng sực nghĩ tới bà mẹ nghiêm khắc ngồi bên chàng đành nín lặng. Bà Hoa vừa sang số vừa nói:
-Phan Mỹ không thể biết được nhân viên của hắn đi đâu vì lát nữa, tôi sẽ ngâm xác chết trong thùng át xít. Trong 24 tiếngđồng hồ, thân hắn sẽ tan ra nước. Tôi không ngờ một thanh niên lực lưỡng, được huấn luyện về do thám mà không chịu nổi một ngón đòn tầm thường của con Thanh.
Nguyệt Thanh cười ròn tan:
-Con đánh trúng vào huyệt tử của hắn. Hắn chết không kịp ngáp.
Bà Hoa nói:
-Lẽ ra, đêm nay hay ngày mai tôi mới liên lạc với anh, nhưng tôi đổi ý kiến vì tình thế biến chuyển quá nhanh. Hồi khuya, anh bị Phan Mỹ bắt đưa về bộ Ngoại giao, tôi cho người đi theo. Tôi biết họ chưa dám làm gì anh nên không ra tay can thiệp. Nhưng dầu sao anh cũng sắp sửa bị lộ. Phan Mỹ là một người thông minh và có biệt tài gián điệp, sớm muộn hắn sẽ phăng ra.
Vụ này quá quan trọng nên mẹ con tôi phải đích thân làm lấy, không thể giao cho anh em cộng sự viên. Biết gặp anh ban ngày rất khó, tôi phải điện cho ông Hoàng xin một phi đội phản lực bay vào vùng trời Hà nội. Dân chúng Hà nội rất sợ báo động. Nghe tiếng còi rú, người nào người nấy đều bỏ hết mọi việc, chạy bán sống bán chết xuống hầm. Những cuộc oanh tạc kinh khủng ở Thanh hóa, Nam định và Lạch tray đã làm họ xuống tinh thần rất nhiều. Trong khi thiên hạ nhốn nháo, anh có thể ra đường dễ dàng. Tôi cũng có thể gặp anh dễ dàng.
Văn Bình ngắt lời:
-Xe cứu thương này thật hay giả, thưa bà?
Bà Hoa đáp:
-Thật một trăm phần trăm. Chắc anh chưa biết tôi là bác sĩ của bệnh viện Phủ Doãn. Bác sĩ cũng thật một trăm phần trăm, cũng như Triệu Dung ngày trước. Làm nghề bác sĩ đi lại được dễ dàng, không bị công an để ý. Tôi lại ở trong ban cứu thương phòng thủ thụ động. Mỗi lần báo động, tôi tha hồ xách xe chạy rong trong thành phố. Bắn ai, giết ai, lúc này là tiện nhất.
Văn Bình hỏi:
-Thưa, bây giờ bà cần làm gì?
Bà Hoa nheo mắt:
-Cần cái tài bách bộ xuyên dương của anh.
-Thưa, bắn ai?
-Một yếu nhân của địch. Khẩu tiểu liên PPS, anh chọn hồi hôm tôi đã cho cưa báng, anh có thể giấu vào trong người. Bây giờ là 11g15. Cón 45 phút nữa.
-Bắn Phan Mỹ hay Kamốp?
-Cần gì ám sát hai người ấy. Phan Mỹ là đứa nham hiểm, để bắt sống thì cuộc tranh chấp giữa hai phe thân Nga và thân Tàu ở đây mới xâu xé nhau quyết liệt. Giết Kamốp thì Smerch mất một tay đa mưu, túc kế. Phải có hai hổ đồng cân đồng lạng thì cuộc vật lộn mới luôn luôn gay cấn và thích thú. Vả lại, trong lúc này, ám sát được Phan Mỹ và Kamốp chẳng phải dễ. Vì vậy, tôi đã nghĩ đến một mục phiêu khác. Phải giết một người nào làm hai phe gầm gừ nhau thêm. Người đó là Hôlếp.
-Thiếu tướng Hôlếp?
-Phải. Hắn là thiếu tướng RU. Bề ngoài hắn chỉ là tùy viên quân sự sứ quán Sô viết, nhưng thật ra hắn là tay quan trọng nhất; phụ tách việc điều hợp hoạt động của các cơ quan điệp báo Sô viết ở đây như RU, KGB và Smerch. Kể ra, hắn kiểm soát cả RUMID, cơ quan gián điệp thuộc bộ Ngoại giao, nhưng lại vướng Phan Mỹ. Hắn lôi Phan Mỹ về nhiều lần không được, nên giữa hai người đã có sự thù hằn. Hôlếp bị ám sát, mặc nhiên dư luận phải nghi ngờ Phan Mỹ.
-Thưa, kế hoạch hành động ra sao?
-Tổng quát, các yếu nhân điệp báo ở Hà nội đều được phòng vệ hết sức thận trọng. Xe hơi của họ đều bọc sắt. Sắt bên hông dày 5 ly, còn sắt dưới sàn xe dày những 10 ly, nổ bom dưới gầm xe không thể làm người ngồi trong xe tử thương. Kiếng cửa cũng được chế tạo bằng vật liệu riêng, trừ phi đạn bắn chiến xa mới xuyên qua nổi. Tuy nhiên, tôi vẫn trù tính việc ám sát Hôlếp bằng cách bắn vào xe hơi.
-Thưa, Hôlếp đi xe loại nào?
-Như anh đã biết, các yếu nhân ở đây đều dùng xe ZIL. Xe của Hôlếp là loại ZIL III, thứ được chế tạo đặc biệt. Lòng máy của nó tương đương với xe Hoa Kỳ cỡ lớn, nghĩa là trên 6.000 phân khối, tốc lực tối đa 170 cây số một giờ. Nó cũng cồng kềnh như xe Mỹ, dài trên sáu thước, rộng trên hai thước. Trong xe có đủ tiện nghi tối tân: một cái tủ lạnh đựng đồ uống, hai máy thu thanh âm thanh nổi, một máy điện thoại siêu tần số liên lạc với tổng hành doanh, một bàn viết, ghế ngồi có thể biến thành giường ngủ êm ái.
-Còn võ khí?
-Ở phía trước, cạnh tay lái có một cái nút riêng, ấn vào bốn quả tạc đạn sa mù nổ cùng một lúc. Trong một tích tắc đồng hồ, cả khu vực sẽ bị sa mù che kín, không thể nhìn thấy gì hết. Khi bị tấn công bất ngờ, tài xế sẽ ấn nút nổ tạc đạn, và sau đó đeo một cái kiếng riêng vào mắt, lái xe ra khỏi vùng nguy hiểm, hoặc nhìn thấu qua làn sương tìm ra kẻ tấn công.
Còn võ khí thì trong xe có ba khẩu đại liên tự động, tương tự như súng máy gắn trên phi cơ Mig-19. Hẳn anh đã biết loại Mig-19 này đeo ở mũi hai khẩu đại bác 37 ly và hai khẩu khác 23 ly ở cánh. Tóm lại, xe hơi của Hôlếp được võ trang như một chiến xa hạng nặng.
-Thưa, trong xe có mấy người?
-Phía trước là tài xế, và người phụ. Còn ở băng sau là Hôlếp và một vệ sĩ.
-Lạ nhỉ, một vệ sĩ thì Hôlếp ngồi ở đâu?
-Anh thắc mắc rất đúng. Lệ thường, hai vệ sĩ phải ngồi kèm hai bên, biến thành cái mộc chắn đạn. Nhưng Hôlếp lại mắc một chứng bệnh kỳ quặc: hắn không thể vào nơi nào đông người. Hễ đông người là hắn ngộp thở. Cũng vì sợ ngộp thở nên hắn không muốn vệ sĩ ngồi ép hai bên. Hắn có thói quen ngồi sát cửa.
-Nếu xe chạy chậm lại, tôi có thể bắn trúng được. Nhược bằng …
-Thong thả. Hôlếp mặc trong người một cái áo giáp khá dày, loại áo bằng ni lông mà binh sĩ Hoa Kỳ mặc trong cuộc chiến tranh Cao ly ấy mà. Loại áo này dày hơn, bằng bảy lớp chỉ ni lông đặc biệt, đạn thường khó thể xuyên qua.
-Vì vậy, tôi sẽ nhắm vào đầu.
-Đúng. Anh chỉ có thể bắn vào màng tang. Và chỉ có thời giờ bắn một phát.
Bà Hoa lái xe vào một ngõ hẻm mà Văn Bình không biết tên ở khu Cửa Đông. Chiếc xe cứu thương chạy lọt vào trong sân một ngôi nhà rộng, cửa cổng vừa mở.
Bà ra lệnh cho Văn Bình:
-Anh xuống trước đi. Mời anh vào phòng khách, tôi sẽ đưa bản đồ cho anh nghiên cứu.
Văn Bình bước vào một căn phòng trang trí theo lối cổ với bộ trường kỷ gỗ mun khảm xa cừ, cái thống Giang tây cao lớn in các đoạn trong truyện Tam quốc chí.
Bà Hoa mời chàng ngồi, đoạn nói:
-Rượu huýt ky để sẵn trên bàn, mời anh dùng tự nhiên. Tôi không biết uống rượu.
Chờ Văn Bình cạn một hơi ba ly rượu đầy ắp, bà Huyền Hoa nói, giọng thản nhiên như người kể chuyện:
-Hôlếp là một biệt tài về do thám, song y đã phạm phải hai khuyết điểm. Khuyết điểm thứ nhất mà anh đã biết là bệnh ngộp thở. Còn khuyết điểm thứ hai khả dĩ giúp chúng ta thực hiẹn kế hoạch được dễ dàng là sự tôn trọng giờ giấc đến cực độ. Thật vậy, đức tính căn bản của nghề do thám là sinh sống không chừng mực, mỗi lúc một khác, mỗi ngày một khác, không có giờ giấc nào nhất định, khiến đối phương không biết được ta ăn giờ nào, ngủ khi nào, và ăn ngủ ở đâu. Hôlếp lại sống như một cái máy tốt. Buổi sáng, đúng 7 giờ hắn thức dậy, tập thể dục. Đúng 10 phút, đến 7 rưỡi hắn dùng điểm tâm và bữa nào hắn cũng uống một ly sữa và ăn một mẩu bánh mì phết bơ, kẹp dăm bông. 8 giờ, hắn ra vườn, lên xe đi tới tòa đại sứ. Dầu bận việc đến đâu, đúng 12 giờ rưỡi hắn cũng về nhà. Nhà hắn là một tòa biệt thự lớn, phòng thủ kiên cố ở đại lộ Lý thường Kiệt. Xe hơi của hắn về đến cổng vừa đúng 1giờ kém 5 phút.
Vào đến sân, hắn xuống xe ôm vợ hắn hôn rồi đùa một hai phút với bầy chó Đan mạch. Tưởng anh cần biết vợ hắn còn trẻ, rất trẻ, chỉ trên hai mươi là cùng và hắn cưng vợ vô cùng. Thời gian anh có thể hành động là khoảng từ 1 giờ kém 4 phút đến 1 giờ đúng. Tuy nhiên …
-Có phải bà muốn nói là chung quanh không có căn nhà nào cao để núp bắn phải không?
Bà Huyền Hoa trải một tấm bản đồ thành phố Hà nội lớn bằng cái chiếu xuống đất:
-Đúng thế. Muốn bắn trúng Hôlếp, phải núp một vị trí cao hơn, hoặc trên cây, hoặc trên sân thượng một nhà đối diện. Trên đại lộ Lý thường Kiệt có nhiều cây me và cây bàng xum xuê, song tôi không tin là anh trèo lên được vì nhân viên công an gác nhan nhản. Về nhà, thì chỉ có biệt thự của Hôlếp là cao nhất trong khu vực.
-Tường nhà Hôlếp cao bao nhiêu?
-Gần bốn thước, chưa kể hàng rào găng bên trên.
Văn Bình nhún vai:
-Thế thì khó lắm. Bà nghĩ xem dọc đường Hôlếp có ngừng lại đâu, hoặc tài xế phải chậm lại ở ngã tư nào không?
Bà Hoa mỉm cười:
-Tôi đã nghĩ đến rồi. Anh còn nhớ vụ Hêđờrích (20) bị kháng chiến Tiệp khắc ám sát chứ?
-Thưa nhớ.
-Kế hoạch của tôi cũng không khác gì họ mấy. Bao giờ Hôlếp cũng qua đường Hàng Lọng để về Lý thường Kiệt. Từ hôm qua, ở góc đường Hàng Lọng có một chỗ công nhân thủy điện đào xuống sửa chữa. Theo chỗ tôi biết, chiều nay họ mới làm xong.
Bà Hoa lấy bút chì màu đánh một cái dấu chử thập đỏ vào bản đồ. Văn Bình gật gù:
-À, tôi nhận ra rồi. Nơi này gần đường xe lửa, và đối diện với một nhà ngủ ba tầng.
-Phải, nhà ngủ này đã được trưng dụng cho nhân viên của bộ Ngoại giao ở.
-Nhân viên của bộ Ngoại giao?
-Phải. Nói rõ hơn nhân viên của Phan Mỹ. Từ lầu nhất, anh có thể bắn trúng Hôlếp khi xe hắn chậm lại một vài giây đồng hồ.
-Tôi vào nhà bằng cách nào?
-À, đó là một nhà chung cư nên đi vào không bị để ý. Có người gác nhưng vào giờ ấy y còn bận tắm rửa. Anh có thể trèo lên cầu thang và vào thẳng căn phòng đã định.
-Có những ai trong phòng, thưa bà?
Bà Huyền Hoa thở dài:
-Thú thật với anh là tôi chưa biết. Lệnh của ông Hoàng ban ra gấp quá, tôi không có đủ thời giờ đi sâu vào chi tiết. Vả lại,  xin anh hiểu cho là tôi đang thiếu người.
Văn Bình gạt đi :
-Thiết tưởng cũng không quan trọng lắm. Nếu Hôlếp cho xe chạy chậm lại trong một giây đồng hồ, tôi sẽ có thể hạ sát hắn dễ dàng.
Chàng đứng dậy. Bà Hoa nhìn đồng hồ :
-Đúng 12 giờ. Ta lên đường thì vừa.
Nguyệt Thanh đặt lên bàn một cái hộp đàn vĩ cầm màu đỏ đẹp mắt. Nàng mở nắp đàn, lấy ra khẩu súng máy PPS Sô viết, nheo mắt nhìn chàng một cách ý nhị.
Văn Bình quan sát kỹ càng nòng súng, thử lảy cò, cho bì đạn vào và cầm súng gọn trong tay, giả vờ ngắm bắn. Chàng chỉ cần bắn một phát. Nhiều lắm là hai phát.
Bà Hoa nói :
-Báo động đã hết từ nãy. Bây giờ Nguyệt Thanh lái xe đưa anh đến gần Hàng Lọng và chờ anh ở ngoài. Thôi, chúc anh may mắn.
Bà Hoa đi thẳng vào bên trong. Văn Bình thầm phục tài tổ chức của bà Hoa khi thấy Nguyệt Thanh giấu xe cứu thương vào trong ga ra và nổ máy một chiếc Citroen sơn đen cũ mèm.
Nàng vừa vặn đề ma rơ vừa nói :
-Anh đừng khinh cái xe cà tàng này. Vị tất xe đua của anh đã chạy kịp nó.
Văn Bình cười :
-Sao em biết anh có xe đua ?
Nàng dề môi :
-Ối chao, ai lại không biết. Anh là ông vua xe đua ở Sàigòn. Xe nào anh cũng dùng một năm là bán lại, mua cái khác.
-Biết anh là vua xe đua, sao còn dám coi thường ?
-Vì chiếc Citroen này của em có một bộ máy đặc biệt. Lệ thường, xe Citroen có hai loại, 11 và 15 mã lực, xe của em thuộc loại 11 có thể chạy tới 145 cây số một giờ. Nhưng anh ơi, bên trong không còn là máy Citroen nữa mà là máy xe đua Ferrari 23 ngựa, trọng lượng gần bốn ngàn phân khối, nghĩa là lớn bằng máy xe Hoa Kỳ. Tốc độ bao nhiêu anh biết không ?
Văn Bình làm thinh. Nguyệt Thanh nói :
-Ba trăm cây số một giờ. Còn nhanh hơn cả Mercédès 300 SL nữa.
Văn Bình mỉm cười :
-Đường sá ở Hà nội chỉ chạy đến một trăm một giờ là lật xe rồi, cần gì phải ba trăm.
Nguyệt Thanh nhăn mặt, phụng phịu :
-Anh không thích thì thôi, việc gì phải công kích em.
Xe hơi đã ra khỏi hẻm. Trông khuôn mặt dễ thương của Nguyệt Thanh, chàng muốn ôm ghì lấy, ngoạm một miếng vào má song chàng sực nhớ đang ở Hà nội, và ban ngày ban mặt.
Như đọc được ý nghĩ xấu trong đầu chàng, nàng dơ ngón trỏ lên :
-Anh định làm liều phải không? Anh coi chừng đấy, em cho xe hơi vào cột điện.
Nàng lái một tay, và lơ đễnh trong một phần trăm giây đồng hồ nên chiếc Citroen từ bên phải chạy sang bên trái, loạng choạng như say rượu. Một xe cam nhông quân sự từ phía trước phóng nhanh tới. Chiếc Môlôtôva sơn màu xám, che lưới ngụy trang để tránh máy bay oanh tạc, sừng sững như đầu máy xe lửa đang xả hết tốc lực, có lẽ đến trăm cây số một giờ.
Khi ấy Văn Bình mới thấy tài lái xe cừ khôi của cô gái nhí nhảnh. Nhanh như điện, nàng bẻ hết vô lăng về bên hữu rồi trả lại, chiếc cam nhông khổng lồ vụt qua, cách xe hai người một gang tay. Văn Bình liếc nhìn Nguyệt Thanh. Trên khuôn mặt tươi như hoa nở của nàng, không hề hiện ra một nét sợ hãi. Nàng vẫn giữ thái độ thản nhiên như hồi nãy dùng atémi hạ sát nhân viên của Phan Mỹ ở đường Hàng Mành. Nổi tiếng là điệp viên bình tĩnh nhất Sở, Văn Bình lại thấy nàng bình tĩnh không kém, có lẽ còn hơn nữa, nếu nàng là đàn ông.
Ngoảnh mặt về phía chàng, Nguyệt Thanh tủm tỉm cười :
-Anh sợ chúng mình tan xác phải không? Anh đừng lo, ngày nào em cũng lái xe hú tim như thế. Em đã bảo anh rằng chiếc Citroen cà khổ này chạy nhanh hơn xe đua thượng thặng mà anh không tin. Giờ đây, anh đã thấy chưa ?
Văn Bình thở phào ra :
-Anh mất đến một lít máu rồi. Em đừng chơi đùa như vậy nữa.
-Thôi được. Em tạm tha cho anh. Chừng nào em vào Sàigòn, sẽ thi lái xe trên xa lộ Biên hòa với anh một bữa. Em cam đoan một ăn mười là anh sẽ thua.
-Ừ, anh chịu thua.
Chàng bỗng nhớ ra từ nãy đến giờ xưng hô quá thân mật với nàng. Trong giây phút, chàng quên bẵng những người đàn bà xinh như mộng đang mỏi mắt chờ đợi ở Sàigòn, hoặc ở khắp nơi trên trái đất này. Bàn tay hơi run, chàng bật lửa châm thuốc Salem.
Nguyệt Thanh lái loanh quanh một hồi rồi hướng về đường Hàng Lọng.
Đồng hồ trên xe chỉ đúng 12 giờ 15 phút. Nàng lái xe sát lề, đậu lại:
-Em chờ anh ở đây. Trong vòng 30 phút nữa, Hôlếp sẽ qua chỗ anh núp nghĩa là vào lúc 12g45. Xong xuôi, anh xách túi đàn đựng súng lại đây. 12g50 hoặc 12g55 chúng mình về được rồi.
Mặt Nguyệt Thanh bỗng trở nên nghiêm trọng. Nàng đưa cái hộp hình bầu dục bên trong đựng tiểu liên cho chàng. Trong giây phút này, đột nhiên Văn Bình cảm thấy tâm hồn lạnh lẽo lạ thường. Chàng muốn ôm ghì nàng vào lòng.
Một ý nghĩa tương tự cũng nhú lên trong đầu Nguyệt Thanh. Từ khi gặp chàng, nàng đã nôn nao trong dạ. Nhưng nàng đã tuân lời dặn của mẹ. Chàng như cái bóng, hoạt động một thời gian ngắn ở Hà nội rồi biến đi nơi khác. Bà Hoa không muốn nàng trở thành cô gái thất tình đêm ngày chờ đợi hạnh phúc không bao giờ thành tựu.
Nàng phải vận dụng hết nghị lực để khỏi trái lời mẹ song mỗi lần được ở gần chàng, nàng cảm thấy sớm muộn nàng sẽ ngã vào lòng người thanh niên đầy quyến rũ ấy. Linh tính phụ nữ đột ngột báo cho biết một sự bất tường sắp xảy đến.
Văn Bình ngoảnh lại nhìn nàng.
Nàng vội quay mặt ra chỗ khác. Nếu không nước mắt sẽ ràn rụa trên má và nàng sẽ thét lớn:
-Ở lại với em, đừng đi nữa. Em sợ lắm.
Lần thứ nhất trong đời nguy hiểm, nàng biết sợ. Sợ gì, nàng không biết.
Tiếng kêu rè rè từ táp lô xe hơi vẳng ra. Nàng giật mình bồ hôi toát đầm. Đó là tiếng kêu của máy walkie –talkie (21) bí mật liên lạc giữa nàng và mẹ. Bà Huyền Hoa chỉ kêu vô tuyến cho con mỗi khi gặp trường hợp khẩn cấp.
Nổi tiếng bình tĩnh nhất mà nàng bỗng run run. Ngón tay run run của Nguyệt Thanh ấn vào nút nghe.
Ngoài xe hơi, ánh nắng vẫn vàng lóe trên con đường nhựa lồi lõm, trên những mái tôn màu xám ảm đạm. Văn Bình vừa đi khuất sau một thân cây lớn.
Chú thích:(1) Wolga M-21. Loại xe này trông hao hao như Chevrolet của Mỹ, đời 1950.
(2) MN là Moisin-Nagant. Moisin là tên đại tá Sergei Yvanovich Moisin. Tôkarếp là súng do tướng Tokalev sáng chế.
(3) PPD 1940 do tướng Degtuarov chế tạo vào năm 1940.
(4) năm 1941, súng PPSh ra đời do Shpaghin vẽ kiểu, nên có chữ Sh ở trong.
(5) hai loại súng PPS này do Suradev chế tạo trong naă 1942 và 1943. Tiểu liên Suradev được trang bị cho binh sĩ nhảy dù Sô viết. Vì là súng tốt nên Nga sô chỉ gởi một số rất ít cho các quân đội chư hầu.
(6) tất cả khách sạn mà Văn Bình vừa nhớ lại đều mới được cất xong. Đây là khách sạn Ambassador, xây mất 5 triệu mỹ kim, hàng naă trên 25.000 du khách tới, trong số có Z.28.
(7) American.
(8) Royal Hotel.
(9) Hilton ở Istanboul, trên bờ biển Bosphore.
(10) Hotel Phoenicia, ở Beirut.
(11) khách sạn Hilton, bên giòng sông Nil, 27 cô gái hần bàn đã tìm được chồng trong đám du khách.
(12) Carlton Beach, tiền phòng từ 6 đến 8 ngàn bạc Việt Nam một ngày.
(13) Bermudes.
(14) Hilton Hotel ở Las Brisas (ngọn gió mát) Acapulco, tiền phòng từ 5 đến 17 ngàn, phòng nào cũng có tủ lạnh riêng chứa đầy trái cây tươi.
(15) Hotel des Cataratas tại thác nước Iguaev mất 15 năm mới hoàn thành, xung quanh toàn kỳ hoa dị thảo. Điệp viên Văn Bình đã lê thân khắp thế giới, và những ô ten kể trên mới là những phần trăm những nơi Z.28 ngụ lại.
(16) tức Gestapo, Die Geheime Staatspolizei, tiếng Đức. Geheime là bí mật, Dei Geheime Staatspolizei là công an mật vụ quốc gia, gọi tắt là Gestapo.
(17) giám đốc trú sứ là đại diện gián điệp tại một nước ở hải ngoại.
(18) tức là Vladimir Y. Semichastny, trên ba mươi tuổi. Semichastny thay thế Aleksandr N. Shelepin, một người cũng mới trên tứ tuần. Hiện Nga sô đang trẻ trung hóa ngành do thám công an.
(19) dụng cụ an toàn: một thứ máy riêng gắn liền vào điện thoại mà công dụng là ngăn không cho người ngoài nghe trộm, hoặc lắp trộm máy ghi âm. Nó trị giá trên một ngàn mỹ kim. Ở Sàigòn hiện có dụng cụ an toàn.
(20) vụ ám sát này là một mẫu mực của thể thức ám sát người đi xe hơi. Người bị ám sát là Hêđờrích (Heydrich), thống đốc bảo hộ nước Tiệp khắc, cựu ông tổng giám đốc mật vụ Đức quốc xã. Năm 1942, quân đội quốc xã thắng như chẻ tre. Tiệp khắc bị chiếm đóng và biến thành bảo hộ. Dưới sự thống nhất của Hêđờrích, nhân dân Tiệp gia nhập kháng chiến đông đảo, và một nhóm ba thanh niên được huấn luyện tại Anh quốc trở về xứ ám sát Hêđờrích. Nạn nhân ngồi cạnh tài xế, ở băng trước xe Mercédès, đến một chỗ đường giốc phải chậm lại. Một thanh niên chạy ra bắn một loạt đạn, thanh niên thứ hai lăn một quả bom tới xe và nổ tung. Sau này, bị bao vây trong một nhà thờ, các thanh niên ái quốc này kháng cự đến người cuối cùng.
(21) walkie -talkie là loại máy vô tuyến bỏ túi, thứ nhỏ nhất bằng gói thuốc lá, có thể liên lạc giữa hai người trong đường kính một cây số. Loại máy của cảnh sát Sàigòn có tầm hoạt động rộng hơn. Hiện nay, các sở do thám đã chế tạo một thứ walkie –talkie chỉ nhỏ bằng phân nửa gói thuốc lá Bastos mà có tầm liên lạc xa 5 cây số, và nghe rõ như điện thoại trong thành phố.