- 1 -

     í phỏng đời tôi còn có những ngày tốt đẹp đến đâu nữa, tôi cũng vẫn nhớ hồi năm tôi mười sáu tuổi là có hạnh phúc. Hạnh phúc ấy, tôi đã tìm thấy ở trong một vườn hoa.
Nguyên từ bé tôi đã có tính yêu hoa...
Tính ấy hoặc tự trời phú cho tôi. Dù vậy, cũng bởi ông tôi gây cho tôi nữa. Ông tôi là một ông già, bỏ quan về nhà từ ngày còn trẻ; mà xã hội chỉ là một đàn cháu, mà thế giới chỉ là một vườn hoa. Trong các cháu, ông tôi yêu nhất tôi. Vì tôi thìn nết [1] và thông minh, ông tôi bảo vậy và người nhà tin vậy. Nay tôi nghĩ lại thì không phải vì thế. Một người đậu thủ khoa trường Nam từ năm mười bảy như ông tôi quyết không thể mãn ý về phần thông minh của tôi được: tôi là một đứa “học trước quên sau”. Tôi ngày bé lại cũng không thìn nết chút nào. Tôi uống vụng rượu. Tôi ăn cắp tiền. Tôi chửi nhau, đánh nhau với hồ khắp các trẻ con trong làng. Tôi không hề ham đọc những sách mà ông tôi dạy. Trái lại, những sách ông tôi cấm, tôi lại đọc trộm và đọc mãi đến nỗi có khi thức suốt đêm, hay quên bữa không về ăn. Mà những cái “chết hư” ấy của tôi, ông tôi biết cả. Nay tôi nghĩ lại thì ông tôi yêu tôi nhất, chỉ vì tôi là đứa cháu trai sinh trước nhất của ông tôi. Mẹ tôi thường nói chuyện lại cho tôi nghe rằng: “Bấy giờ ông chưa có cháu trai nên mẹ đẻ được con ra, ông mừng lắm. Đêm hôm ấy ông uống rượu suốt sáng. Sáng ra, ông mới đặt tên cho con là Lương Ngọc. Ông bảo đặt tên cho con là ‘Ngọc’ là ý ông quý con như ngọc. Thêm chữ ‘Lương’ nữa, là ý ông mong cho con đã là ngọc, thì phải là ‘ngọc lành’.” Nhiều khi mẹ tôi kể lại chuyện ấy, thầy tôi - tôi gọi cha tôi là thầy - lại nghiêm mặt bảo tôi: “Ấy mày nghe đấy! Làm thế nào cho khỏi phụ tấm lòng ông cha kỳ vọng ở mày!” Trời ơi! Tôi biết làm thế nào cho khỏi phụ tấm lòng ông cha tôi kỳ vọng ở tôi?
Thiên hạ chỉ những kẻ yêu nhau mới thật là những kẻ làm khổ nhau. Ông tôi yêu tôi, thế tất phải làm khổ tôi...
Năm tôi lên năm tuổi, ông tôi đã bắt tôi phải rời xa lòng mẹ, về ở với ông tôi. Tôi còn nhớ khi ấy tôi khóc lăn lóc chạy theo mẹ tôi. Nhưng các chị con bác tôi cố ôm tôi, bắt tôi trở lại. Giận quá, tôi đâm khùng, chửi cả các chị. Nhưng các chị không giận, chỉ cười khúc khích và đem quà dỗ tôi. Mấy ngày hôm sau, mỗi khi vắng, nhất là khi chiều tối, tôi lại sụt sịt khóc một mình. Nhưng dần dà cũng không khóc nữa. Cho tôi chơi một tháng rồi, ông tôi làm lễ vỡ lòng cho tôi.
Rồi vài, ba tháng sau, ông tôi mới bắt tôi “vào văn phép”. Ông tôi giảng cho tôi những thế nào là “đứng như núi”; thế nào là “ngồi như thần thi”... Từ đó, trước mặt ông tôi, bao giờ tôi cũng phải làm phép “hãm mình”! Đứng, không dám khèo chân nọ sang chân kia. Ngồi, phải xếp chân bằng tròn và chắp tay lại... Còn bao nhiêu những điều phiền phức nữa! Cho bọn nhà nho “câu thúc thân thể”, các thánh Tàu đã bày ra “ba trăm uy nghi, ba nghìn lễ nghi!” Lại vài ba năm sau, mỗi khi có khách, ông tôi lại gọi tôi lên cho họ hạch về câu đối, về thơ ứng khẩu. Thực những lúc tôi đứng lượm tay cúi đầu mà nghĩ “văn chương” ấy, tôi thấy khó chịu [...] [2]. Tôi còn nhớ một lần ông tôi và một ông khách bắt gặp tôi đương bắc thang leo lên đầu nhà, thăm một tổ chim di. Tôi vội vàng leo xuống, mặt tái mét. Hai ông bắt tôi phải làm một bài thơ “tức sự”. Tôi cắn nát mười đầu móng tay rồi đọc:
Một tổ chim di được bốn con
Chưa lông; chưa cánh hãy còn non.
Bao giờ cho nó ra ràng nhỉ?
Gắp chả mời ông nhắm rượu ngon!
Khách khen hay. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu được cái hay của bài thơ ấy!... Lại một lần, tôi đương cho bốn con chào mào non ăn châu chấu, thì phải gọi vào đem thông minh cho người ta thử. Khách là bạn thân của ông tôi, hết câu đối này đến bài thơ khác, rở hãm [3] mãi tôi cho đến chiều tối. Đến lúc tôi thoát nạn chạy ra bên lồng chim, thì, vì vắng tôi, nắng đến không ai cất lồng vào chỗ râm, bốn con chim trong lồng đã chết khô tất cả. Thế mới khổ thân tôi! Tôi liền liệm chúng nó vào một mảnh lá chuối, rồi lấy dao đào đất, đem chúng nó đi chôn. Chôn xong, tôi ngồi bên mả chim mà khóc nức nở, thảm thiết. Mấy ngày sau, tôi bòn nhặt được bốn cái vỏ diêm, liền bốc mả cho chúng nó.
Tôi chỉ kể mấy chuyện đó thôi. Những cái ông tôi làm khổ tôi còn nhiều. Biết đâu cách giáo dục của ông tôi chẳng có trách nhiệm lớn về cái tinh thần nhu nhược, cái thân thể yếu ớt của tôi ngày nay? Dù vậy trừ mẹ tôi ra thì ông tôi là người yêu tôi nhất trong đời. Điều đó, tôi có thể nói chắc được. Cũng vì thế mà nhiều cái ông tôi nuông tôi lắm. Có cái gì ăn, ông tôi tất cho tôi trước. Tối đến tôi được ngủ trong giường ông tôi. Mùa rét, ông tôi ấp tôi vào bọc. Mùa bức có khi tôi thức dậy, còn thấy ông tôi ngồi quạt cho tôi. Mỗi khi có nơi đón ông tôi đi đề chủ hay đề thần vị [4], tôi lại được một quản bút quấn kim tuyến, và một bộ quần, áo màu, may bằng những vóc, lụa lót tay. Cái gì cũng thừa tôi rồi mới đến các cháu khác, ông tôi lại xé giấy mà vẽ cho tôi những bức tranh nhỏ. Và lấy “xương vỏ” mà gọt những tượng nhỏ cho tôi bày chùa. Khi thường cũng như khi có lỗi, ông tôi chỉ khuyên bảo tôi bằng giọng ôn tồn. Tôi không hề bị ông tôi đánh, đập. Do đó, ngoài sự sợ, tôi cũng yêu ông tôi và yêu cả những cây hoa mà ông tôi yêu. Là vì ông tôi yêu thứ hoa nào, lại cắt nghĩa cho tôi biết tại sao mà ông tôi yêu. Và tôi khi ấy, ông tôi nói gì tôi cũng cho là phải cả. Những khi tôi theo ông tôi ra vườn, lại được nghe ông tôi kể cho nghe các chuyện cổ tích về hoa. Nào chuyện Võ Tắc Thiên bắt hoa đi đày, nào chuyện Đường Minh Hoàng giục hoa phải nở. Nào vô số những chuyện hoa hóa ra người, người hóa ra hoa. Nghe nhiều những chuyện ấy, tôi thành ra coi các hoa trong vườn đều là những người bạn có cảm giác như tôi, chỉ kém tôi cái biết đi và biết nói. Bởi vậy, nhiều khi vắng vẻ, tôi thơ thẩn ngoài vườn, một mình nói chuyện với hoa.
Tôi ở với ông tôi mãi đến khi ông tôi mất. Năm ấy tôi mười bốn tuổi. Sau khi khóc ông tôi, tôi về ở với thầy mẹ tôi. Bấy giờ tôi mới bắt đầu học quốc ngữ và chữ Pháp. Đó là ý định của thầy mẹ tôi ngay từ năm tôi mười tuổi. Ấy là năm Ất Mão, năm mà ở Bắc Kỳ người ta bắt đầu bổ chõng và bẻ gọng lều [...] [5], năm mà ông cha tôi đã mất cái hy vọng cho tôi làm ông Nghè ông Cử để nối dõi cái mạch thư hương của nhà tôi, truyền từ đời Lê cho đến bấy giờ! Nhưng khi ông tôi còn, thì cái ý định ấy không làm nổi... Hai năm tôi mười bốn, mười lăm, có thể là những năm khổ nhất trong đời tôi. Từ khi về ở với thầy, mẹ tôi, tôi không còn có hoa mà xem, và không còn có tiểu thuyết mà đọc. Vả lại, tôi cũng không còn dư thì giờ nữa. Tuổi tôi đã lớn, tôi cần phải cố sống, cố chết mà học. Nhiều đêm phải rửa mặt hàng chục lần cho đỡ buồn ngủ. Bây giờ nghĩ lại, tôi lấy làm lạ rằng sao tôi không mắc bệnh ho lao!
Cuối năm mười lăm, thầy tôi đổi về Thái [6]. Nhà tôi ở trọ trong nhà chú Hường tôi. Sở dĩ tôi gọi thế, là vì ông ấy có mua hàm Hồng lô tự Thiếu khanh, và với thầy tôi là đôi con cô, con cậu.
Năm sau tức là năm tôi mười sáu tuổi - năm mà tôi đã nói rằng tôi tìm thấy hạnh phúc ở trong một vườn hoa. Cái vườn hoa ấy là của chú tôi. So với vườn hoa của ông tôi, nó vừa rộng hơn, vừa nhiều hoa lạ hơn nữa. Ngay hôm mới đến tôi đã nhảy ra vườn và thơ thẩn, tối ngày không chán. Tuy vậy, cái hạnh phúc của tôi năm ấy, không những là lại được yêu hoa, mà còn là bắt đầu được yêu Mai Hữu, con gái chú tôi...
Chú thích:
[1] Ý nói tính nết thuần và tốt.
[2] Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ ba dòng.
[3] Rở hãm: “rỡ” thì đúng hơn là “rở”, có nghĩa là gỡ ra, còn “hãm” nghĩa là chôn vùi. “Rỡ hãm” có thể hiểu như dây dưa, nâng lên đặt xuống, xoay vần. Kiều có câu: “Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi” nghĩa tương tự.
[4] “Đề chủ”: thông thường bài vị trên bàn thờ có viết trước chữ chủ nhưng còn thiếu nét. Đám tang làm lễ từ nhà đến mộ, tới giữa đường dừng lại để làm lễ đề chủ. Bậc quan viên hay đại khoa được gia đình mời viết nốt chữ chủ (một chấm trên đầu và một nét sổ). Cũng có nơi lễ đề chủ được thực hiện sau khi an táng từ 49 ngày đến hai năm. “Đề thần”: thường thực hiện trong lễ chiêu vong (bao gồm chiêu vong, đề phan, đề thần). Tuy nhiên nhiều nơi gọi đề thần chung với lễ đề chủ thành lễ đề thần chủ.
[5] Kiểm duyệt thời Pháp thuộc bỏ mấy chữ.
[6] Địa danh “Thái” trong cuốn sách nên hiểu là Thái Bình: cha của nhân vật chính được giới thiệu là “thủ khoa thành Nam”, và khi được gọi về, nhân vật chính từ nhà “chủ Hường” về tới nhà chỉ trong vòng một buổi, như vậy sẽ là hợp lý nếu là từ Thái Bình về một nơi gần Nam Định. Rất dễ nhầm “Thái” là Thái Nguyên vì ở chương XV, Nhượng Tống để cho nhân vật nhắc đến “Thái Nguyên”.