- 14 -

     ôm ấy lại là một hôm nghỉ lễ Phục sinh.
Tôi thơ thẩn ra chơi chùa Ngọc Sơn, một mình ngồi trước Trấn Ba đình, mắt tôi nhìn những bóng nhà, bóng cây, in dưới mặt hồ nước lặng mà lòng tôi thì nghĩ vẩn vơ. Hoàn cảnh eo hẹp của tôi cấm tôi hết thảy mọi xa vọng [1] có thể làm náo nức một tâm hồn trẻ trung. Cho nên dù trẻ trung mà tôi ngồi đó như một ông già: Tôi sống về quá khứ. Cái tương lai bằng phảng, tầm thường, tưởng tượng đến tôi chỉ thấy nhọc nhằn và chán nản. Muốn giải trí, tôi nhớ lại những ngày năm xưa. Tôi chợt nhớ lại ngày lễ Phục sinh mà Lan và Hữu cùng tôi trảy hội chùa Hương. Phim ảnh quãng đời tôi lúc ấy từ trong nếp óc mà trải ra trước mắt tôi, biết bao vẻ nên thơ, nên mộng! Nhưng khi phim ảnh ấy đã lướt qua, lòng tôi lại không khỏi ngậm ngùi, tiếc rẻ. Sống trong cái vũ trụ nay thay, mai đổi, tôi tự thương mình cũng theo với tháng ngày mà thay đổi, từ khu xác [2] đến tâm hồn. Nét mặt tôi, con mắt tôi, đâu còn vẻ vui, tươi, trong, sáng ngày xưa! Mà trái tim tôi, ngày xưa hớn hở, nồng nàn, nay cũng như héo hắt, khô khan, sau bao nỗi thương đau, nhục nhã!...
Tôi đương nghĩ vẩn vơ như thế thì sau lưng tôi nghe có tiếng giày đi lại. Rồi thì lòng tôi hồi hộp khi nghe tiếng Hữu nói:
- Mợ! Người ngồi kia có dễ là anh Ngọc.
Tiếng thím tôi nói tiếp:
- Ừ nhỉ!
Tôi không đợi cho hai người đi lại gần nữa, vội vàng đứng dậy chào thím tôi. Thím tôi hỏi:
- Bác ở nhà mạnh đấy chứ? Anh bây giờ học đâu? Hơn một năm nay rồi, anh bận gì mà cũng không thèm nhìn đến chú, thím nữa?
Tôi bối rối đáp:
- Thưa thím, mẹ con vẫn mạnh. Con bây giờ đã bỏ học...
- Sao lại bỏ học?
- Thưa thím, nhà con bây giờ túng lắm. Con phải đi làm lấy tiền nuôi các em con...
- Thế sao không viết thư cho chú, thím? Chú, thím trời cho có. Nếu biết nhà túng, cũng có thể giúp đỡ được anh không đến nỗi bỏ học...
Trong khi thím tôi nói, tôi cho ngay là nói đãi bôi! Sau khi được biết cách cư xử tàn nhẫn của một người cậu, tôi không còn tin tấm lòng quảng đại của người đời. Thím tôi nói tiếp:
- Tội nghiệp! Thế làm ăn có khá không?
- Thưa mỗi tháng được có hơn hai chục đồng!
- Thôi thế cũng khá! Nhưng sao cho đủ được?
- Bẩm không đủ cũng phải đủ! - Tôi vừa nói vừa cười nhạt.
- Thôi, thong thả thím cháu sẽ nói chuyện. Bây giờ tiện xe, anh lên chơi với chú. Các em không mấy ngày là chúng nó không nhắc.
Tôi tự thấy chối không nổi, đành cất tiếng “vâng”. Bấy giờ tôi mới đưa mắt nhìn Hữu. Tôi cứ chắc Hữu đối với tôi lúc ấy hẳn giữ một thái độ lạnh lùng và rẻ rúng. Song khi nhìn thì gặp đôi mắt Hữu đương chăm chắm nhìn tôi một cách đau xót, và vẻ mặt đã tỏ ra thực lòng cảm động về tình cảnh của tôi. Thím tôi đã quay ra. Tôi và Hữu bước theo. Lúc nhường tôi đi trước, Hữu còn nhìn tôi và mỉm một nụ cười ngày xưa. Cái hạnh phúc được yêu lại trở lại với tôi. Cái nhan sắc dậy thì của Hữu, sự xa lâu mới gặp cùng làm cho tôi sung sướng tê mê. Tâm hồn tôi như lại bị nắm chặt trong tay Hữu...
Lên xe, ngồi bên tôi, Hữu sẽ hỏi tôi bằng giọng trách móc:
- Anh tệ quá! Mấy lần em viết thư mà anh cũng không thèm trả lời nữa!
- Cái ấy thì anh có lỗi thật! Nhưng...
Tôi không sao nói tiếp được nữa! Vì tôi không sao tìm ra được một cớ để gỡ lỗi cho mình. May Hữu cũng không vặn lại, chỉ trách thêm một câu:
- Mà Hà Nội với Phú Thọ, mấy hào tàu, anh cũng tiếc!
- Không phải thế! Nhưng từ ngày bỏ học, anh thực không còn muốn đi đến đâu, không còn muốn nhìn thấy một ai!
- Không muốn nhìn thấy cả em? Không nhớ đến em?
- Vẫn nhớ! Nhưng em quên anh rồi! Một đứa nghèo hèn như anh, còn đáng nhớ đến ai nữa!
- Anh khinh em quá! Anh cho em chỉ biết quý có những người phú quý! Anh nhầm lắm! Ngày xưa anh có phú quý bao giờ đâu!
- Nhưng ngày xưa không phải là bây giờ! Anh cho rằng em bây giờ không phải là em ngày xưa.
- Ai bảo anh thế?
- Thế thì anh lại xin lỗi em lần nữa! Gặp nhiều việc biến cố, óc anh bây giờ nó loạn lên như thế đấy. Em giận hay em thương?
- Em thương!
Hữu sẽ đáp tôi sau một tiếng thở dài. Rồi chúng tôi nhìn nhau bằng hai cặp mắt mê man, say đắm. Khi xe về đến nhà, thì chú tôi đi thăm đồn điền vắng. Mấy đứa em nhỏ chạy ra đón. Trông thấy tôi đều ra vẻ mừng rỡ, xúm xít hỏi chuyện. Ăn bữa chiều xong, thím tôi mắc dở có khách. Tôi cùng các em cùng ngồi nói chuyện trẻ con với nhau ở dưới nhà ngang. Quá tám giờ, thím tôi mới lại xuống hỏi chuyện tôi. Mười giờ, thím tôi đứng dậy, đem các em nhỏ đi ngủ, và bảo Hữu:
- Em bảo chúng nó dọn giường trên nhà khách cho anh nghỉ.
Tôi đứng dậy, theo một người đày tớ trai lên nhà khách. Đương lúc tôi đứng nhìn quanh vơ vẩn thì Hữu cùng con hầu đã đem chăn, màn, đệm, gối lên. Hữu bảo người đày tớ mắc màn và sắp đặt chỗ nằm. Lại xem xét lại một lượt rồi nói với tôi bằng một giọng nửa ân cần, nửa lễ phép:
- Thôi mời anh đi nghỉ. Em xuống.
Hữu và người nhà ra khỏi rồi, tôi tắt ngọn đèn to, đem ngọn đèn nhỏ vào trong màn, định nằm đọc cho hết cuốn sách mà tôi đọc dở để ở trong túi. Từ khi tôi thất học, tháng nào tôi cũng dành được ít tiền mua sách, và lúc nào túi tôi cũng có một cuốn sách nhỏ để đọc vào những thì giờ vụn vặt. Đó là cách tôi yên ủi cho cái đời trí thức của tôi. Nhưng tôi vừa đặt mình xuống, thì thấy trong lần áo gối có vật gì cồm cộm. Tò mò, tôi ngồi dậy, cầm lấy chiếc gối. Tôi thoáng thấy một góc có thêu chữ H nhỏ bằng móng tay. Mở áo gối ra coi thì là một vuông khăn màu hồ thủy, trong gói tấm hình của Hữu. Nhìn hình, tôi biết là mới chụp. Tim tôi hồi hộp trong khi nghĩ đến Hữu đã đưa gối của Hữu cho tôi gối và tặng tôi tấm ảnh cùng vuông khăn. Tôi sẽ đưa tấm ảnh lên môi mà hôn rồi gấp vào trong cuốn sách. Còn vuông khăn, tôi cất trước vào túi áo. Đóng lại áo gối rồi, tôi nằm mà đọc sách. Nhưng đọc đấy mà không hiểu. Mắt tôi nhìn vào sách mà trí tôi thì lạc đi những đâu. Gấp sách lại, tôi cất ngọn đèn ra ngoài màn. Dưới ánh trăng tà, các cây hoa trồng trong các chậu in bóng cành bóng lá xuống đầy sân. Vào màn nằm, cảnh vườn cũ bỗng hiện ra trong trí nhớ của tôi. Tôi ước ao lại được cùng Hữu ngồi đôi nói chuyện ở giữa cảnh vườn xuân. Nhưng lại tự biết rằng cái thú ấy hiện nay không thể tìm được nữa...
Sáng hôm sau, chú tôi đã về. Chú tôi hỏi thăm việc nhà tôi rồi hỏi tôi học đâu. Tôi chưa kịp thưa thì thím tôi đã thuật hộ tình cảnh tôi cho chú tôi rõ. Chú tôi yên ủi tôi:
- Thôi cũng được! Người ta có min [3] có chí là làm ăn được chứ bằng cấp cũng không quan hệ gì cho lắm. Như chú, nào bằng cấp gì đâu mà tay không cũng làm nên được như bây giờ! Còn như học lấy biết thì cháu cứ đọc cho nhiều sách là được rồi! Nếu có thiếu tiền sách vở và chi độ ở nhà, cứ viết thư lên. Chú, thím xin trợ cấp.
Tôi “vâng”, song trong bụng thì nhất định không bao giờ lại xin tiền chú thím tôi. Chuyện vãn một lúc, chú tôi chợt cười bảo tôi:
- Cháu năm nay đã lớn mà tang thầy cháu cũng sắp xong rồi. Để chú nói với mẹ, chú kén vợ cho. Hay cháu bằng lòng đâu thì bảo chú, chú làm mối thì giỏi lắm, đâu cũng là phải đắt!
Tôi bẽn lẽn đáp:
- Thưa chú dạy vậy, chứ con thì học hành dở dang, nhà con thì sa sút, ai có hoài con gái mà gả cho con!
- Cháu khinh người quá! Cháu bảo người thiên hạ chỉ biết có tiền với bằng cấp hay sao? Người ta cốt ở người chứ!
Tôi cười không nói nữa. Trong lòng thì mừng rỡ, vì tôi cho đó là chú tôi tỏ ý muốn gả Hữu cho tôi.
Buổi chiều, tôi đáp xe lửa về Hà Nội. Hôm qua còn mải nói chuyện với Hữu. Hôm nay tôi mới tựa cửa sổ mà ngắm xem phong cảnh dọc đường. Quen nhìn những cảnh ruộng lầy, nước đọng ở đồng bằng trông đến những đồng màu xanh những đồi đất đỏ miền trung du, tôi thấy có một mối cảm lạ lùng mới mẻ. Tôi nhìn không biết mỏi mắt. Kỳ thực trong túi tôi có tấm ảnh Hữu mới tặng, trong óc tôi lại có cái hy vọng cùng Hữu nên duyên đôi lứa, tôi nhìn đâu mà chẳng là phong cảnh hữu tình! Tôi đinh ninh rằng mẹ tôi vốn nuông tôi, nếu tôi khéo vật nài, thì về việc cầu hôn với Hữu mẹ tôi sẽ không để tôi phải thất vọng như thầy tôi độ trước.
Chú thích:
[1] Trông ngóng xa xôi.
[2] Thân xác.
[3] “Min” trong tiếng cổ thường có nghĩa là “mình”, trỏ vào bản thân đối tượng phát ngôn.