- 12 -

     ong Tết, tôi đi học, đem theo một mối tuyệt vọng ở trong lòng. Tuy vậy, nỗi lòng tôi vẫn giữ kín, không dám ngỏ cho Lan hay Hữu biết. Tính khờ dại và tính tự tôn của tôi bắt tôi phải nghĩ rằng: Nếu tôi cho họ biết thì họ sẽ đau đớn lắm. Thiên hạ có nhiều kẻ trông thấy những người họ yêu, họ thương phải chịu cực còn thấy khổ hơn là chính mình phải chịu cực. Những kẻ ấy, nếu họ không làm gì để khổ cho những người họ yêu, họ thương thì đó chẳng qua là do lòng ích kỷ. Tôi là một kẻ trong hạng người ấy.
Thành thử ra mối tuyệt vọng của tôi chỉ làm cho tôi âm thầm đau đớn một mình. Tôi âm thầm đau đớn như một kẻ ở tang cho một người mà mình yêu quý nhất trên đời. Mà ai bảo tôi không đương ở tang? Cái “tôi” mơ mộng và sung sướng trong năm mười sáu tuổi vừa mới chết xong! Tôi ở tang cho nó! Bao nhiêu những cái nhắc cho tôi nhớ đến nó đều làm bật máu tươi cho vết thương lòng mà không bao giờ tôi có thể hàn gắn nổi. Bao nhiêu những cái ấy đều làm cho tôi xót xa, ghê sợ. Kìa cảnh vườn hoa, tôi không dám bước chân ra nữa: Đấy là nơi nghĩa địa đã vùi xương nó... Nọ Lan cùng Hữu, tôi không muốn nhìn mặt nữa: Đấy là những bạn tình của nó... Này lại những ảnh, những mùi soa, những thứ mà Lan cùng Hữu cho tôi làm kỷ niệm, tôi không nở liền tay ngắm nghía nữa: Đấy là những di tích của nó để lại ở đời... Quanh mình tôi lúc nào hình như cũng vây bọc bởi một vùng không khí lạnh lẽo gớm ghê. Bỗng dưng tôi rùng mình. Bỗng dưng tôi bủn rủn. Tôi chán nản. Tôi biếng nhác. Tôi không còn thấy có thú sống. Những cảnh lọt vào mắt tôi, đều hiện ra màu thảm đạm. Những tiếng đưa vào tai tôi, đều nghe ra những âm hưởng não nùng. Nhiều khi tôi bơ thờ như người mắc bệnh thần kinh. Tôi mê mụ mà quên cả câu tôi vừa nói buông mồm. Tôi vơ vẩn mà tìm cuốn sách chính tôi đương cầm trong tay. Ngoài hai buổi học, hai bữa cơm, tôi lại về buồng nằm. Tôi lơ mơ như người buồn ngủ suốt ngày, song không mấy đêm là ngủ được ngay và không giật mình thức giấc lại hai, ba lượt. Đời trước mắt đã làm cho tôi phiền não. Đời trong mộng cũng không cho tôi được sự nghỉ ngơi. Hễ nhắm mắt lại là tôi lại thấy thần hồn bay lạc đi những đâu đâu. Hoặc là trong bóng hoàng hôn, một mình thơ thẩn trong một cảnh đền miếu hoang tàn. Hoặc là dưới màn mưa bụi, một mình tôi bước chậm bên một hồ nước lặng, rong, dậy mọc đầy, hay trên một quãng đường vắng hai bèn xơ xác những bông lau, bông sậy!... Những giấc chiêm bao như thế làm cho tôi lúc thức dậy thấy trong người lạnh lùng và mỏi mệt... Soi gương tôi thấy đôi mày tôi ủ dột và đôi mắt tôi hình như tắt hết tinh anh... Tuy trước mặt Lan và Hữu tôi vẫn gượng nói, gượng cười, song chỉ mấy ngày là họ đã đoán biết tôi tất có điều gì sầu khổ trong lòng mà không muốn nói. Hữu hỏi tôi:
- Sao độ này trông anh mất cả sắc? Hay ở nhà có chuyện gì để anh lo nghĩ?
Tôi cố làm ra vẻ vô tư lự, nói giỡn:
- Sao em anh lại rủa anh như thế! Tết về anh cảm, người nay còn chưa lại. Đêm anh không ngủ được nên người trông nó mệt đấy thôi!
Lan cũng hỏi tôi:
- Ngọc ơi! Sao Ngọc lại giấu Lan? Chúng mình lại không phải một người sao? Có điều gì khổ tâm, Ngọc san sẻ cho Lan chịu chung với chứ!
Tôi cười:
- Có điều gì mà tôi giấu! Chúng mình bây giờ sung sướng quá! Nhưng nghĩ đến đường xa tôi lại sợ. Không biết rồi đây có được sung sướng mãi thế này hay không? Những khi nghĩ thế thì tôi lại thấy buồn. Thế đấy thôi chứ không có sao cả, Lan ạ!
Lan nín lặng ra ý suy nghĩ. Tôi trông thấy vẻ buồn của tôi in trên nét mặt Lan...
Tháng Ba năm ấy ông Đốc Bò phải đổi đi Thái Nguyên. Lan báo tin ấy cho tôi và Hữu hay, vừa nói vừa muốn sa nước mắt. Hữu bảo Lan:
- Thi sắp đến nơi rồi. Lan xin phép ở đây học với tôi. Thi xong rồi hãy lên trên ấy. Ở nhà tôi cũng như ở nhà Lan vậy.
Lan buồn rầu đáp:
- Tôi cũng đã nói, nhưng cậu, mợ tôi không bằng lòng.
Tôi nhìn Lan thở dài. Tiếng thở dài ấy không phải dấu hiệu của một tấm lòng buồn. Đã mấy tháng nay tôi nằm ngồi với tuyệt vọng. Lòng tôi đã tê tái, không còn biết có gì là vui vậy. Đó là tiếng thở dài của một kẻ tuyệt vọng khi thoáng thấy một tia hy vọng. Tôi có cái hy vọng xa Lan sẽ quên được Lan. Không tìm được hạnh phúc trong sự yêu Lan, tôi đành mong được yên nghỉ trong sự quên Lan vậy! Cố nhiên Lan dù xa, bên mình tôi cũng vẫn còn có Hữu. Cố nhiên một mình Hữu cũng đủ làm cho tôi đau đớn. Tôi biết vậy. Nhưng tôi mong quên Lan cũng như ai mang hai vết thương, khi không khỏi được cả hai, hãy mong cho khỏi một. Tôi mong tôi quên Lan, rồi tôi lại mong Lan không còn nhớ đến tôi. Tôi liền quyết ý đem mối tuyệt vọng của tôi mà nói rõ cùng Lan. Tôi suy nghĩ xem nên cho Lan biết theo cách nào. Trước hết, tôi định nhân khi từ biệt, tôi sẽ nói cho Lan biết. Nhưng tôi sợ kết quả của cách ấy. Tôi không nỡ trông thấy Lan đau đớn trong khi trái tim Lan một lúc phải chịu hai mũi tên “biệt ly” và “tuyệt vọng”! Thế rồi tôi định cho Lan biết bằng thư, sau khi từ biệt. Nhưng tôi lại ngại thư bị người nhà hay thầy giáo biết trước mà không đến tay Lan. Sau cùng, tôi nghĩ được một cách tiện lợi hơn: tôi viết thư mà đưa tay cho Lan, trước khi từ biệt. Tối hôm ấy tôi không xuống buồng học. Tôi đem bút giấy về buồng ngủ mà viết thư. Tôi viết từ chập tối đến nửa đêm trước, sau sáu bức, xong, khi đọc lại, tôi lại lần lượt xé đi tất cả. Tôi ném bút đứng dậy, đi bách bộ ở trong phòng, nhất định nghĩ kỹ rồi mới viết chứ không nghĩ đến đâu viết đến đấy như trước nữa. Thế rồi tôi viết một bức thư dài hết hai trang giấy lớn. Trong thư nhiều đoạn rất giả dối. Song giả dối nhất là câu: “Không được yêu Lan, đời tôi, tôi thề không dám yêu ai nữa!” Kỳ thực thì ngoài Lan ra, tôi vẫn yêu Hữu. Vả chăng, nào có ai cấm tôi không được yêu Lan! Tuy giả dối làm vậy, mà bức thư ấy, khi tôi đọc lại, cũng làm cho tôi nước mắt chan hòa. Văn tôi đã làm cảm động tôi, cũng như giọng nói, giọng hát của một người đóng trò làm cảm động họ ở trên sân khấu. Tôi cố tình để cho nước mắt tôi nhỏ vào lòe loẹt cả thư, để cho Lan biết thư tôi thực là “hòa lệ mà viết”. Tôi còn ngồi trước bức thư để đợi cho khô nước mắt, thì Lan đã đẩy cửa buồng mà bước vào, vịn vai tôi, cầm lấy thư xem. Tôi luống cuống đứng dậy, nhường ghế cho Lan. Không biết Lan đọc có hết hay không, mà mấy phút sau đã thấy nức nở gục đầu vào bức thư. Tôi van, tôi lạy thế nào, Lan cũng không nín nữa. Không làm thế nào được, tôi đóng chặt cửa buồng lại. Rồi kéo ghế, ngồi bên Lan, gục mặt xuống bàn, tôi cũng khóc theo Lan. Trong khi tôi khóc, tôi thấy tôi có đủ can đảm mà tự sát theo Lan, nếu khi Lan có ý ấy. Chợt thấy Lan lay tôi mà gọi:
- Ngọc! Ngọc! Rồi hãy khóc! Lan bảo đã.
Tôi lau nước mắt nhìn Lan. Khuôn mặt Lan, sau một trận khóc, dưới một ánh đèn hơi mờ, đã hiện ra một vẻ đẹp thần tiên, tôi chưa từng được thấy. Lan cất giọng chua chát hỏi tôi:
- Bây giờ Ngọc không tin Lan nữa?
- Sao Lan lại nói thế?
- Thế sao Ngọc khuyên Lan quên Ngọc? Ngọc cho rằng Lan có thể quên Ngọc được hay sao?
- Không phải thế! Nhưng Ngọc nghĩ Ngọc là một đứa chẳng ra gì. Nếu Lan không quên Ngọc thì Ngọc phải hối hận suốt đời rằng: Chính Ngọc đã giết Lan, đã giết cả hạnh phúc một đời của Lan!
- Thế thì Lan không giết Ngọc, không giết cả hạnh phúc một đời của Ngọc hay sao? Như trong thư Ngọc viết: “Không được yêu Lan, Ngọc thề không dám yêu ai nữa”...
- Nhưng Lan khổ, càng khổ thêm cho Ngọc!
- Ngọc tưởng vậy, nhưng Lan nghĩ khác. Lan thấy rằng nếu chúng ta không quên nhau thì chưa hẳn đã tuyệt vọng. Nhưng cái đó còn tùy ở Ngọc...
- Sao lại thế? Lan nói rõ. Đầu óc Ngọc bây giờ đã mê mụ đi cả!
- Ngọc có thể, nhà hỏi đâu cho, cũng nhất định không lấy không?
- Cái đó thì đã đành!
- Thế thì được rồi! Chúng ta lại không có lúc làm được đủ nuôi miệng hay sao? Đến lúc ấy, nhà không thuận, ta có thể bỏ nhà theo nhau được.
Câu nói cứng cáp của Lan làm cho tôi tỉnh ngộ. Do câu nói ấy, Lan đã sẻ cho tôi một phần nghị lực. Tôi nhìn tương lai không thấy đen tối mịt mù như trước nữa, tuy nó là một quãng đường đầy những chông gai... Nét mặt chúng tôi trở nên bình tĩnh sau một trận khóc hết nước mắt, cũng như bầu trời trở nên quang đãng sau một trận mưa rào. Chúng tôi vui vẻ mà bàn nhau về những chuyện đường xa. Chúng tôi khuyên nhau cố học cho lên bậc trung học để có thể cùng nhau tái hội ở Hà Nội. Chúng tôi mơ màng đến những cuộc gặp gỡ nhau ở các bờ hồ, các vườn hoa trong những ngày nghỉ học... Tiếng gà xao xác gáy. Chúng tôi từ biệt nhau sau một cái hôn say mê, đằm thắm nó như nối lại mối tình suýt đứt giữa chúng tôi...