- 4 -
Giữa đường gió bụi kết bạn với Bờm láu

     húng tôi leo lên xe lam ba bánh ra quốc lộ. Nhảy xuống, tôi cắm cổ đi. Nhìn một ông nhãi mập thù lù, rảo bước, chắc ai cũng phải buồn cười. Ơ mà, sao lại buồn cười? Buồn thì cười thế nào được nhỉ? Họa chăng bị đè thẳng cẳng rồi bị cù. Ít ai nói bật cười. Có lẽ quen miệng. Như buồn ngủ, buồn ăn, buồn... phiêu lưu. Tư đờn theo tôi không kịp. Nó gây gổ:
- Chạy giặc hả, phì lũ?
- Ừ, chạy giặc.
Tư đờn dỗi:
- Mỏi cẳng quá xá. Ông nghỉ chút xíu.
Tôi vẫn bước nhanh:
- Mày cứ việc nghỉ. Lát nữa tan học, bọn nhãi sẽ kiếm mày, đập bể đàn của mày.
Tư đờn lẩm bẩm:
- Ông có chọc chúng nó đâu?
Tôi đã đi chầm chậm:
- Rán bước thêm một quãng xa, tao cho mày hay chuyện chạy trốn.
Tư đờn nín thinh. Đến cổng trường trung học Tân An, ở ngay bên đường xuôi lục tỉnh, chúng tôi cùng ngồi trên bờ cỏ, thở hổn hển. Tư đờn hỏi:
- Đang “kiếm ăn” tốt, tự nhiên lại chạy trốn là cớ chi, phì lũ?
Tôi cười:
- Tao tập đóng vai “Đờ phiu di ty”. Tuần nào đài Mỹ cũng có tuồng này.
Tư đờn thộn mặt:
- Đài Mỹ?
Tôi xoa trán lấm tấm mồ hôi:
- Vô tuyến truyền hình, ti vi í mà...
Tư đờn tặc lưỡi:
- Cóc cộ! Ông hổng biết ti vi là cái con khỉ gì!
Tôi hơi hơi buồn. Cứ tưởng Tư đờn đang sống ở Sàigòn và nhà nó có vô tuyến truyền hình. Thầy tôi thường bảo quê hương Việt Nam nghèo lắm. Thầy tôi nói hễ đất nước thanh bình, dân ta sẽ hết nghèo đói. Và nếu nhiều thành phố của nước tôi có nhiều ống khói nhà máy cao ngất phun khói đen nghịt trời là nước tôi sẽ giàu. Tư đờn sẽ giàu. Nó chẳng còn phải đàn dạo kiếm ăn và chui rúc trong túp lều. Tư đờn sẽ được đến trường học. Nó sẽ có thầy, có bạn, có kỷ niệm mùa hè. Nó sẽ biết buồn khi cây phượng vĩ ở sân trường nó trổ bông đỏ chói. Và Tư đờn phải có một cái máy vô tuyến truyền hình để coi chương trình Lê văn Khoa, coi phim hoạt họa, coi tuồng The Fugitive, coi Mỹ chơi “banh cà na”. Tư đờn khoái cải lương, nó sẽ hài lòng coi Hùng Cường diễn tuồng La Mã múa kiếm gỗ, mặc áo giáp... giấy! Tôi tin rằng Tư đờn sẽ say mê coi chương trình Đố vui để học.  Bây giờ Tư đờn chưa có những thứ đó. Vì nước tôi chưa thanh bình. Rồi Tư đờn sẽ có đủ. Tất cả nhô con Việt Nam bất hạnh như Tư đờn sẽ có đủ. Rồi người lớn sẽ lo săn sóc cho trẻ con. Tôi an ủi người bạn giang hồ của tôi:
- Ti vi không là con khỉ đâu. Nó giống cái ra-đi-ô bự, có khung kính mờ. Mày vừa nghe hát vừa ngắm ca sĩ. Mày biết ra-đi-ô chứ?
- Nghe cọp thôi.
- Yên chí đi Tư đờn. Mai mốt tao đưa mày về nhà tao, cho mày coi ti vi mỏi mắt luôn.
Tư đờn chớp mắt. Tôi nghĩ trong đôi mắt Tư đờn đang nhảy múa hình ảnh cái máy vô tuyến truyền hình. Trẻ con thế giới đã coi vô tuyến truyền hình như món đồ chơi. Ở Sàigòn, các tiệm lớn bán những cái máy vô tuyến truyền hình nhỏ xíu, xinh ghê ghê là! Nước ngoài, trẻ con leo lên phi thuyền Apollo II, đi xe điện dây, phóng xe hơi nguyên tử trong các công viên. Còn nước tôi, trẻ con vẫn cứ chơi “dzích” cắt nhỏ ra từ những tấm hình bố láo của Ba Tàu Chợ Lớn. Gần tỉnh Long An, nhanh nhẹn, khôn ngoan như Tư đờn mà còn chả biết vô tuyến truyền hình “là cái con khỉ gì” thì ở những miền quê heo hút, trẻ con tưởng cái xe xích-lô máy ghê gớm lắm đây. Tôi chợt thương nước tôi quá xá. Nước tôi nghèo. Tội nghiệp nước tôi. Nhất định nước tôi sẽ giầu. Vì Tư đờn còn biết xấu hổ. Thầy tôi dạy rằng, sau này, những công dân lương thiện sẽ xây dựng đất nước. Công dân lương thiện là người còn biết xấu hổ trước việc làm xấu xa. Đó là người có liêm sỉ. Tư đờn vừa là đứa trẻ đại lượng, vừa là đứa trẻ biết xấu hổ, thề không làm bậy. Chính nó sẽ xây dựng nước Việt Nam mai sau.
- Này, Tư đờn!
- Chi?
- Tao hối hận lắm.
- Làm lỗi gì đâu?
- Có chứ. Chúng mình mới phạm tội gian dối!
- Xạo mày!
- Vì gian dối, chúng ta phải chạy trốn khổ sở.
- Kể tao coi!
- Bọn nhãi muốn nghe tao hát à gâu gâu. Tao lỡ trớn, hứa ẩu. Tao đâu biết hát.
- Ừa, tao đã nói rồi.
- Mà lỡ trớn mày. Đáng lẽ xin lỗi bọn nhãi, tao lại cho Tô Tô... sủa. Thế là phạm tội gian dối. Tội này nặng lắm. Ở lớp học, đứa nào gian dối, thầy giáo bắt quỳ gối, ăn hột vịt.
Tư đờn khoái tởn:
- Ăn hột vịt sướng thấy mồ! Hột vịt có lộn không?
Tôi vỗ vai nó:
- Tội nghiệp, mày chưa từng đi học ở trường. Ăn hột vịt là ăn số không, là nhục, là bị phạt, trừ điểm hạnh kiểm. Mỗi lần giảng bài, thầy còn đem mình ra thí dụ về sự gian dối.
Tư đờn gật gù:
- Ừa nhục thiệt tình.
Tôi nói:
- Tao đã phạm tội gian dối. May trống trường vào học, chứ không hai đứa mình ốm đòn. Bây giờ mày hiểu tại sao phải chạy trốn chưa?
Tư đờn liếm môi:
- Rồi.
Tôi xoa bụng:
- Bọn nhãi khoái tao nhờ cái bụng... thành thật. Chúng nó ghét tao bởi thấy bị tao xí gạt. Muốn người ta đừng ghét mình, chớ có xí gạt người ta.
Tư đờn vênh mặt:
- Mày hãy dạy mày đi! Ông chưa xí gạt ai hết trơn.
Tôi xấu hổ, đánh trống lảng:
- Giá còn xe lửa mày nhỉ!
Tư đờn lại cười toe:
- Xe lửa ra sao, phì lũ?
- Mày chưa biết cái xe lửa?
- Ừa.
- Mấy năm trước có xe lửa chạy đường Sàigòn-Mỹ Tho.
- Ông mới ở gần cầu Tân An một năm.
- Hèn chi.
- Hèn chi sao?
- Hèn chi mày không biết xe lửa. Xe lửa như con rắn bò trên đường sắt ấy.
- Bỏ nó đi, phì lũ. Tao khát nước quá xá!
Hai chúng tôi đứng dậy, phủi quần. Trời nực nội, tôi cởi áo, buộc hai ống tay vào cổ y hệt Zorro. Chúng tôi tới cái xe nước ngọt. Không có người lớn. Một ông nhãi bằng tuổi tôi, đang dựa lưng vô gốc cây đọc cuốn “Con ma tóc dài” thuộc loại truyện tranh mà anh tôi cấm đọc. Tôi hắng giọng:
- Một ly xi-rô!
Ông nhãi buông sách khỏi tầm mắt nhìn tôi trừng trừng. Nó nhe răng cười chế nhạo:
- Mập vậy mà uống có một ly thôi à?
Tôi hất hàm:
- Uống hết cả xe, lấy nước đâu mày bán?
Ông nhãi bĩu môi:
- Cần gì bán.
Tư đờn nóng nảy:
- Tao ốm, uống một ly được chứ?
Ông nhãi nhấm nhẳn:
- Uống ba ly đi.
Tư đờn cáu:
- Cóc cộ! Ông muốn uống mấy ly kệ ông, mày bán hàng làm tàng quá trời...
Ông nhãi dịu giọng:
- Thằng mập uống năm ly, thằng ốm uống ba ly. Tao chỉ lấy tiền hai ly thôi.
Nó rót chai xi-rô cam đỏ ửng vào ly lớn ngay, không cần đong bằng cái ly nhỏ xíu. Rồi nó bào đá, đổ nước lạnh đầy tràn ly. Đang khát, hai đứa tôi uống ừng ực. Tư đờn uống hai ly. Tôi cũng chỉ dám uống hai ly. Ông nhãi dục:
- Uống nữa nghe. Tao bao hai thằng mày.
Lạ lùng về ông nhãi, tôi bèn hỏi:
- Má mày úynh mày chết.
Ông nhãi huýt một tiếng sáo dài:
- Tao ở đợ. Ba má tao mãi tận Cà Mau, gửi tao lên đây ở đợ. Chủ la mắng tao hoài. Tao giận, hễ đứa nào tao khoái, chủ vắng là tao cho uống lu bù. Học sinh đang học. Chủ tao về nhà nấu cơm. Tao muốn học sinh học hoài, đừng ra chơi để tao coi truyện cho đã...
Tôi gõ muỗng vào ly:
- Mày đọc chữ hay hé!
Ông nhãi lắc đầu:
- Coi hình không à... Coi hình là tao đoán hết truyện
Y hệt tôi coi tuồng đài Mỹ. Tôi làm quen ông nhãi:
- Chắc mày khoái hai đứa tao dữ?
Ông nhãi vung tay:
- Không khoái ông đã không bán chứ đừng hòng uống thí.
Nó ngó hai đứa tôi:
- Trông ngộ ghê!
Và hỏi:
- Tụi mày đi đâu?
Tôi đáp:
- Phiêu lưu đó đây, đàn dạo kiếm ăn.
Ông nhãi reo lớn:
- Tao đi với. Tao biết ca tân nhạc! Muốn nghe thử không? Hì hì “Anh là lính đa tình” là bài ruột của tao.
A, lại thêm một ông nhãi có máu dế mèn trong tâm hồn. Tư đờn hý hửng. Tôi nói:
- Mày mắc coi hàng cho chủ, theo tụi tao không được.
Ông nhãi xịu mặt năn nỉ:
- Ở đợ cực thấy mồ, mày ơi! Tao xin về, chủ không cho. Tiền công hổng trả. Tao có tiền là tao trốn về. Tụi mày giúp tao, tao mang ơn.
Tôi làm bộ khó khăn:
- Tụi tao phiêu lưu xa lắm.
Ông nhãi đã bước ra chỗ tôi:
- Xa tao đi nổi, miễn tao được về với ba má tao. Thú thiệt, tao trót dại nghe lời thằng lơ xe đò. Nó biểu đưa tao lên Sàigòn chơi rồi đưa về. Ai dè nó đưa tao đi ở đợ cho chị nó. Tao nhớ ba má tao hết sức.
Đôi mắt ông nhãi rươm rướm lệ. Đời này nhiều ông Tử Lộ ghê. Nó làm tôi nhớ mẹ tôi, nhớ anh chị tôi. Và tôi muốn bỏ rơi Tư đờn, trở về Sàigòn. Nhưng dế mèn đã không thèm bỏ ngang xương cuộc phiêu lưu thi vị. Thì Hưng mập này phải tiếp tục. Tôi hách dịch:
- Tao sẽ dẫn mày về Cà Mau.
Ông nhãi nắm chặt lấy tay tôi:
- Tên tao là Bờm... Dọt lẹ đi, mày!
Tôi rút cuốn sổ tay trong túi quần ra, viết vài hàng như sau:
Giữa đường phiêu lưu, không nhớ ngày tháng...
Gửi chủ quán xi-rô, đá nhận,
Nay, ta là Dũng sĩ Phú Nhuận cùng bạn giang hồ là Tư đờn đi ngang qua đây, nhân lúc khát nước, ghé vô quán, nghe chuyện thằng Bờm bị em chủ quán là tên lơ xe đò bắt cóc từ Cà Mau đem lên đây sai vặt. Thằng Bờm nhớ nhà, khóc than xin ta dẫn nó về với ba má nó. Ta bèn giúp đỡ nó. Ta tốp xe, chở nó lên Sàigòn vài ngày vào Sở Thú coi cọp và khỉ rồi mướn người đưa nó về Cà Mau.
Báo cho chủ quán rõ
Dũng sĩ Phú Nhuận
HƯNG MẬP
TÁI BÚT: Ta uống bốn ly xi-rô, tiền ở trong cái ly.
Tôi bảo Tư đờn bỏ hai mươi đồng bạc cắc vào vô ly rồi dùng cái ly đó đè lên lá thư. Đoạn, chúng tôi cùng Tô Tô rảo bước chạy. Chừng ba trăm thước, tôi vẫy xe đò đi Tân Hiệp. Ngồi trên xe, Bờm đắc chí:
- Con mẹ chủ sẽ tức phát điên...
Tôi và Tư đờn đã giải phóng được gã nô lệ Bờm. Rồi sẽ đặt cho nó một cái tên mới.