- 6 -
Đêm nằm ngủ gốc cây bên đường mới thấy thương những kẻ không một mái nhà

     uộc phiêu lưu của tôi chưa lấy gì làm thơ mộng và rắc rối. Tôi vẫn thích cái hình ảnh tuyệt vời của lãng tử dế mèn trên chiếc lá trang xuôi theo dòng nước... giang hồ. Cách ngôn dạy “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Tôi đã đi một ngày rưỡi đàng mà chưa học nổi một hạt khôn nào. Điều tôi học được chỉ là lòng đại lượng của Tư đờn. Tâm hồn tôi xao xuyến thật sự thì tôi thấy rõ. Tôi tin tưởng trẻ con nước tôi hay nhất thế giới và tôi thương quê hương nghèo khổ của tôi. Ngoài Sàigòn không có Giặc Ô Kê.  Nhưng tôi hơi buồn là chẳng gặp chuyện gì vui nhộn như Dzũng Đakao đã gặp ở Ban Mê Thuột. Hay con nhà Dzũng Đakao phịa? Tôi rất thèm tham dự một trận đánh ngoạn mục như trận đánh giặc khỉ xâm lăng nương ngô của Dzũng Đakao. Thú thật tôi hơi ngán biểu diễn võ bụng.
Chúng tôi rời Tân Hiệp sau khi ăn mỗi đứa năm chiếc nem. Nem Tân Hiệp ngon ghê ghê là. Nước Mỹ của thằng Bill sức mấy biết làm nem. Nước Mỹ chỉ có kẹo. Đủ thứ kẹo. Và kẹo Mỹ, tôi khuyên nhô con dưới tám tuổi đừng nên ăn, ăn sâu răng đó. Tôi thường tự hỏi tại sao người Mỹ lại đem kẹo sang nước tôi. Trẻ con nước tôi bị sâu răng hành hạ chính là vì kẹo Mỹ. Loài sâu đục khoét răng tuổi thơ Việt Nam đáng sợ quá.
Đến ngã ba Trung Lương, Tư đờn vòi vào thị xã Mỹ Tho. Nó bảo ở Trung Lương rặt quán cơm, quán cà phê và hàng bán mận. Mận Trung Lương nổi tiếng ngon nhất nước. Những trái mận hồng ửng giòn như táo và chứa đầy nước ở cùi. Tôi đã từng ngồi trên xe Châu Đốc - Sàigòn. Khát nước khô cổ. Chờ về tới Trung Lương mua gói mận. Bóp trái mận vỡ đôi. Ruột rỗng không có hột. Bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến rồi nuốt là đã nuốt cả Trung Lương tươi mát.
- Vô Mỹ Tho nghe, phì lũ!
- Mày khoái Mỹ Tho à?
- Mỹ Tho đẹp lắm. Mùa này thiếu gì xoài. Xoài Mỹ Tho số dzách. Thả cửa ăn. Mày sẽ thấy tao nói đúng.
- Mày đã đi Mỹ Tho đâu mà biết.
- Tao nghe nói.
- Ông đã tới Mỹ Tho rồi. Ông còn đi “bắc” sang Bến Tre nữa. Ở Mỹ Tho có cái tàu Nhật bị bom Mỹ đánh chìm. Ông đã đứng trên tàu “bông nhông” xuống sông. Còn ở Bến Tre có cả Sở Thú.
- Sang Bến Tre coi thú mày hé?
- Sở Thú Bến Tre chẳng còn con thú nào. Nữa, tao đưa mày về coi khỉ bắt rận. Sở Thú Sàigòn đông khỉ lắm.
- Thế mày không vô Mỹ Tho sao?
- Tao muốn đi luôn.
Chúng tôi lên xe Lam. Xe chở chúng tôi nuốt một chặng đường dài qua cây cầu đúc và dừng lại bên kia cầu. Đây là ngã ba. Lối rẽ vào Ba Bèo mịt mù bụi. Nắng đã yếu ớt. Buổi chiều xuống dần trông buồn hết sức. Những mái nhà lợp lá của đồng bào di cư ở hai bên quốc lộ đã nhuộm màu hoàng hôn. Tôi chợt nhớ câu cuối của bài chính tả nhan đề “Trên đường thiên lý”. Tôi, Hưng mập, cảm khái đọc lớn “Người lữ hành qua đó, tâm lữ hoài ngao ngán biết là bao!”. Thuộc một bài hát, tôi ti tỉ ca:
“Chiều chiều em ra đứng bên bờ ao,
Nhìn xem con cào cào núp vào khóm tre
Ai ơi bắt dùm em con cào cào
Em đem vào em chơi.
Chiều chiều em ra đứng bên bờ ao
Nhìn xem con cào cào nó cào má em...”
Tư đờn cười khanh khách:
- Ca tân nhạc hay ghê!
Tôi phưỡn bụng:
- Ông là danh ca Tony mập mờ lỵ!
Tư đờn bĩu môi:
- Danh ca... phì lũ!
Tôi cao hứng hát thêm một câu trong bài hát cũ kỹ mà anh tôi haynghêu ngao:
“Chiều nay biết về nơi nao?
Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu...”
Tư đờn đập nhẹ lên vai tôi:
- Về nơi nao?
Tôi đáp:
- Mình cuốc bộ một khúc. Đi phiêu lưu mà mày cứ hỏi vớ vẩn. Bạ chỗ nào, mình nghỉ chân chỗ đó.
Dũng sĩ Tô Tô không hề biết mệt. Bộ lông của chàng đã nhuốm đầy bụi đường. Dọc đường gió bụi. Tên một cuốn sách tôi chưa đọc, nghe râm ran máu dế mèn trong cơ thể. Chúng tôi thong thả bước. Mùi khói nhà ai đốt rác, mùi rơm rạ, mùi phân trâu bò thoảng đưa vào mũi. Tôi không biết so sánh với mùi gì. Mà làm sao so sánh? Từ lâu, tôi đã đọc ở sách, thấy nói về mùi quê hương. Có lẽ, đây cũng là mùi quê hương chăng? Ở Sàigòn, chỉ bị ngửi mùi khói xe máy, mùi chuột chết, mùi rác thối, mùi tanh ương của chợ cá Trần Quốc Toản, tôi ức ghê lắm. Thần tượng của tuổi thơ muôn đời lại bị bêu nhục thế ư? Tại sao không đem Gia Long đặt tên một con đường và con đường ấy là nơi họp chợ cá, chợ tôm? Sương đã xuống. Mặt trời đắp chăn mây đi ngủ rồi. Ngủ ngon nhé, mặt trời. Giá chúng tôi cưỡi ngựa thì chúng tôi sẽ là hai kỵ mã trong sương chiều. Và tôi sẽ tỉ tỉ ca “Đường im vắng trong sương chiều. Nương theo gió ngựa chạy đều...” Rất tiếc, chúng tôi đang lê những bước chân dế mèn.
Lần đầu tiên, tôi được nhìn ngọn đèn dầu soi sáng căn nhà lá. Trong ấy chắc ấm cùng vô vàn. Tôi lại nhớ nhà. Mới xa nhà hai hôm đã nhớ nhà rồi. Nhưng tôi còn có nhà để trở về nhà mình. Chứ, những đứa trẻ không có nhà như Tư đờn, bạn giang hồ của tôi, nỗi nhớ nhung của chúng nó chắc phải to bằng dãy núi và rộng hơn cánh đồng trước mặt tôi. Tôi đâm ra thương xót những kẻ thiếu mái nhà. Không có nhà là không có tất cả. Tư đờn đã thiếu. Trong nhà mới có tình thương đằm thắm. Ngoài nhà chỉ là lưu lạc, buồn khổ. Tôi muốn ví những đứa trẻ giống miếng thịt bò tươi. Và căn nhà là cái tủ lạnh. Thịt bò tươi bỏ vào tủ lạnh mới tươi mãi. Để ngoài một ngày sẽ thối ngay. Khi nước tôi thanh bình, nhất định ai cũng có mái nhà. Để lưu lạc mỏi chân thì trở về nhà mình nghỉ ngơi.
- Ê, phì lũ!
- Ngán phiêu lưu chưa?
- Tao mỏi chân quá xá!
- Đằng kia có cây gì lớn lắm. Tụi mình ngủ gốc cây một đêm.
- Biểu vô Mỹ Tho mầy không chịu.
- Mày chưa biết chuyện con dế mèn. Đi phiêu lưu mà cứ cằn nhằn.
Chúng tôi rảo bước. Tới gốc cây bên đường, Tư đờn tháo cây đàn và nằm dựa lưng vào thân cây. Tôi kể chuyện Dế mèn phiêu lưu ký cho nó nghe. Con ông cụ ngủ một cách say sưa. Tôi định bụng sẽ mở căng mắt quan sát trời đất ban đêm. Khốn nỗi, vì biết tôi yêu con dế mèn, các nhạc sĩ dế đã kéo về tụ tập quanh đây, mở đại nhạc hội của loài dế trẻ. Nhạc dế tuyệt diệu. Tôi ngủ thiếp đi, tưởng chừng mình đang đứng trên chiếc lá trang, vai đeo khăn gói, xuôi dòng nước phiêu lưu cùng bạn giang hồ dế mèn bất hủ.
Khi nhạc dế ngừng chơi, luồn vô tai tôi một dòng âm nhạc vui tươi chứ không ru ngủ như nhạc dế. Tôi mở mắt ra. Trên cành cây, các bạn danh ca chim yêu đời đang véo von diễn tả nhạc của trời. Thấy tôi thức giấc, các bạn danh ca chim từ giã tôi. Tư đờn vẫn còn ngủ. Đêm qua nó đã lạc vào giấc mộng sân khấu. Tôi tin rằng nó đã thủ vai kép độc trong vở tuồng lịch sử. Vừa lúc đó, tiếng vịt kêu loạn xà ngầu. Tôi vươn vai đứng dậy. Một ông nhóc mặc quần xà lỏn đen, cởi trần, đầu quấn chiếc khăn bông kín tóc, tay cầm cây gậy dài trên đầu buộc vải tua y hệt gậy của ông thầy pháp. Ông nhóc dựng cột bên cạnh chân, ngó tôi chằm chằm. Tôi toét miệng cười cầu thân. Ông nhóc hất hàm:
- Đêm qua tụi mày ngủ ở đây, hả?
Tôi gật đầu. Ông nhóc lè lưỡi:
- Có gặp con ma trọc đầu không?
Tư đờn nghe tiếng nói, cựa quậy rồi ngồi nhỏm dậy. Tôi giả đò ngạc nhiên:
- Mày nói con ma trọc đầu?
Tư đờn mắt nhắm mắt mở:
- Ma à?
Tôi khẽ véo Tư đờn.
- Con ma trọc đầu, mầy quên sao? Con ma có bốn cái sẹo ở trán, ba cái sẹo ở cổ í mà! Tối qua đánh nhau với nó mệt phờ râu ông cụ.
Thằng nhóc hỏi:
- Thắng hay thua?
Tôi hít một hơi khí trời đầy phổi, thở nhẹ nhàng:
- Nếu thua, sức mấy còn sống mà kể chuyện cho mày nghe.
Thằng nhóc chịu chuyện ma lắm. Nó giơ cái gậy chỉ bầy vịt choai choai:
- Vịt của tao đó.
Tôi xoa tay:
- Của mày à?
Thằng nhóc đáp:
- Chăn mướn. Tao là vua chăn vịt.
Nó nhe hàm răng, khoe khoang:
- Tại tao bị té gãy ba cái răng nên tụi nó kêu tao là vua móm.
Vua chăn vịt tức vua móm chưa chịu xưng “quý danh”. Tôi bèn “phỏng vấn”:
- Chứ tên cúng cơm của vua là gì?
Nó cười:
- Tên chi ngộ vậy, mày?
Tôi vỗ bụng bình bịch:
- Ngộ chi? Như tao cha mẹ đặt tên là Hưng. Vì tao mập nên mang tên Hưng mập. Bạn tao đây tên Tư, chơi đàn vọng cổ nên mang tên Tư đờn.
Vua chăn vịt chợt hiểu:
- À, tao là Sáu.
Tôi nói:
- Sáu móm hay Sáu chăn vịt.
Vua móm cười tít mắt. Nó đã bước đến gần chỗ chúng tôi. Dũng sĩ Tô Tô không thấy được giới thiệu thì nổi giận “bông nhông” xuống ruộng đuổi vịt của Sáu móm chạy tán loạn. Sáu móm kinh hãi. Tôi huýt sáo gió. Tô Tô bỏ ngay cuộc chơi tai hại. Dũng sĩ chạy lên, quỳ mọp dưới chân tôi:
- Đây là dũng sĩ Tô Tô. Đêm qua nó cắn tét chân con ma trọc đầu.
Tô Tô vẫy đuôi, sủa vài tiếng chào mừng Sáu móm. Vua chăn vịt lần tay ra sau lưng, thò vô cái túi vải đựng lương thực, nó thộp ba trái bắp luộc mời chúng tôi:
- Ăn sáng đi.
Chúng tôi không từ chối. Trong lúc đàn vịt kiếm ăn quẩn quanh đó thì vua chăn vịt đứng nhìn chúng tôi ăn bắp luộc ngon lành.
- Chắc mày thổi “ác mô ni ca” hay hơn thằng bạn Chương còm của tao đấy, Sáu móm nhỉ?
- Thổi “ác mô ni ca”?
- Thổi kèn í mà!
Tôi giải thích cho Sáu móm hiểu. Nó cười thích thú.
- Mỗi ngày tao thổi năm cái “ác mô ni ca” lận!
Mặt trời đã phá tung chăn mây chui ra. Sáu móm nửa muốn xua vịt băng qua đường, nửa muốn ở lại chờ tôi kể chuyện đánh nhau với con ma trọc đầu. Nó hỏi một câu mà tôi đợi mãi:
- Hai đứa mày đi đâu?
Tôi vất cái lõi ngô, vênh mặt:
- Phiêu lưu! Chúng tao phiêu lưu! Đi khắp chỗ. Chỗ nào vui chúng tao ở lại đờn ca và biểu diễn võ bụng.
Sáu móm tròn xoe mắt:
- Mày có “nghề” à?
Tôi nói theo giọng của Tư đờn:
- Lai rai...
Sáu móm khoe:
- Trong kia vui lắm. Tụi tao tụ họp buổi trưa, uýnh lộn tưng bừng. Hai đứa mày vô đó phiêu lưu, kể chuyện đánh con ma trọc đầu, tụi nó sẽ tôn làm sư phụ.
Tôi đá khẽ Tư đờn:
- Đi tập chăn vịt hé, Tư đờn?
Tư đờn nhăn mặt:
- Rồi làm sao tao gặp ông bầu cải lương?
Tôi hứa với nó:
- Sẽ gặp. Cùng lắm tao dẫn mày đến nhà Hùng Cường.
Tư đờn hả hê. Thế là đoạn đường phiêu lưu của tôi rẽ xuống ruộng. Sáu móm phóng cái gậy. Tài phóng gậy của nó thật tài. Và quyền uy của cái gậy thật đáng sợ. Bầy vịt răm rắp vào hàng ngũ sửa soạn băng qua quốc lộ. Sáu móm toan lội xuống nhổ cái gậy. Tôi bảo nó đứng yên. Một cục gạch nhỏ ném kèm theo tiếng huýt sáo gió. Dũng sĩ Tô Tô nhào xuống, ngậm chặt cây gậy, nhổ lên và đem đưa cho Sáu móm. Vua chăn vịt tặc lưỡi lu bù:
- Số dzách! Số dzách!
Chúng tôi theo chân Sái móm đến vương quốc vịt. Không, đến vùng trời chăn vịt.