- 8 -
Dự tiệc cá lóc nướng trui với ngũ tướng chăn vịt
Tư đờn sợ hát biệt ly nhớ nhung từ đây

     ôi lại được dịp khoe cái bụng, thùng nước lèo của Dzũng ĐaKao. Năm ông tướng thay phiên nhau đấm. Da thịt bụng tôi đỏ ửng và tay ngũ tướng chăn vịt nhức nhối. Tám lé đã lé thêm con-mắt-cách-mạng-bị-đàn-áp, tặc lưỡi khen rằng:
- Hèn chi con ma trọc đầu thua mày.
Bảy đen cắn môi suy nghĩ:
- Tao ngờ mày đánh nhau với “nó”, mày muốn tụi tao hết sợ ma nên mày bày đặt chuyện bóp nát con đom đóm.
Tư đờn nói:
- Nhất định không có ma. Tao ngủ một giấc dài. Đứa nào không sợ ma thì ma không dám đến. Phì lũ biểu thằng nào muốn biết có ma hay không, đêm nay ngủ với tụi tao dưới gốc cây.
Chàng nghệ sĩ lang thang của tôi cười khẩy:
- Sợ ma thì phiêu lưu đây đó sao được. Thì suốt đời chỉ làm tướng chăn vịt.
Ngũ tướng chăn vịt có vẻ thấm thía với “lời hay ý đẹp” của Tư đờn. Sáu móm đánh trống lảng:
- Đờn ca cho vui, tụi mày.
Tư đờn trổ tài, tay đàn miệng hát. Ngũ tướng quên đám quân vịt, quên con ma trọc đầu, thử giọng một cách hồn nhiên. Quý vị ấy ưa ca vọng cổ. Nghe con nít rền rĩ buồn thấy mồ. Quê hương tôi ở chỗ nào cũng có thể văng vẳng điệu buồn vọng cổ. Từ thành phố đến nông thôn. Con nít chẳng nên buồn. Con nít phải vui tươi, trong sáng. Mà vọng cổ thì, dù lời vui, lời giễu, hát lên, khuôn mặt người hát nó vẫn thê lương thế nào ấy. Tôi nhìn Sáu móm, Năm rỗ, Bảy đen, Đạt sún, Tám lé hát, vừa bật cười vừa tội nghiệp. Những ngày ở nhà (cứ làm như mình phiêu bạt vài năm đằng đẵng), mở vô tuyến truyền hình coi. Thấy người lớn đẩy con nít ra ca vọng cổ, tôi ức quá xá. Bướm không bay, chim không lượn, hoa không nở, sương không trong, gió không mát trong điệu vọng cổ. Vì buồn não nuột. Tôi ước mong, ở khắp chốn trên quê hương tôi, con nít được hát ca ngợi tuổi thơ. Tôi ước mong những đoàn du ca của bác Phạm Duy, chú Trịnh Công Sơn, đặt chân trên những lối mòn thôn ổ, dạy nhi đồng hát nhạc thương yêu cha mẹ, ông bà, họ hàng, trường lớp, thầy cô, bạn bè, quê hương. Bác Phạm Duy ơi, tuyển tập nhạc Nhi Đồng Ca của bác hay lắm, in đẹp lắm. Nhưng cháu muốn chính bác dùng bút viết khuông nhạc, nốt nhạc và lời ca trên lá, trên cây, ở khắp hang cùng, ngõ hẽm, khắp đường mòn, lối cụt, bằng cách bác mang cây đàn trên vai, áo nâu, giày vải, bác đến với chúng cháu, dạy chúng cháu hát nhạc ngợi ca tuổi thơ của bác. Và, lúc đó, bác mới bất diệt.
Bỗng tôi thấy mình ích kỷ, Tôi tự hỏi tại sao Tư đờn không biết chơi đàn Alto. Giá có Chương còm nhỉ? Nó sẽ thổi “ác-mô-ni-ca” và sẽ dạy ngũ tướng chăn vịt hát bài: “Đời ta bao vui tươi như hoa hồng thắm”. Rồi nếu thêm Dzũng ĐaKao bày những trò chơi lịch sử để Chương còm gạ gẫm những người bạn mới của tôi tập mơ thành người Hoa Lư, người Trần Quốc Toản, người Quang Trung. Tôi dở quá, chả có tài gì cả ngoài cái thân hình phì lũ và cái bụng rắn chắc.
Đàn hát chán chê, ngũ tướng chăn vịt hỏi hai đứa tôi có muốn ăn thịt vịt không thì ngũ tướng giết vịt khao... thượng khách. Tôi sợ mất vịt, một tướng quân chăn vịt lại phải nói dối với ba má hay chủ vịt. Tôi lắc đầu. Ngũ tướng bảo chúng tôi nằm nghỉ. Và ngũ tướng ra đi. Một tiếng đồng hồ sau, ngũ tướng xách về bốn con cá lóc thật bự. Sáu móm khoe ầm ĩ:
- Nếu hai đứa mày còn thèm cá, tụi tao lại vô đìa. Cá lúc nhúc à... Cá lóc nướng trui ngon khỏi chê.
Tôi buột miệng:
- Tuyệt cú mèo!
Ngũ tướng kiếm cỏ khô, cành mục và rạ gom thành đống. Đã mang sẵn ống quẹt, Sáu móm châm lửa. Lửa cháy phừng phừng. Tám lé đập chết bốn con nhà cá. Bảy đen bọc mỗi bạn cá một lớp áo bằng đất rồi vất vào lửa. Chúng tôi lượm thêm cỏ khô, cành mục liệng vô đống lửa.
Đạt sún cao hứng:
- Thiếu xị đế!
Ngũ tướng trải tấm ni-lông đen ra dọn tiệc. Tôi thấy có muối, tiêu, chanh, ớt. Quý vị ấy đãi khách ăn theo lối Ấn Độ. Nghĩa là bốc. Vì không có đũa, bát, muỗng. Chúng tôi ngồi nói với nhau thật nhiều chuyện. Tôi kể đội bóng tròn của Bồn lừa sẽ đá bại những đội bóng tròn trứ danh nhất thế giới; chuyện Chương còm tập làm lính Quang Trung bắt sống nhô con Mỹ là Bill, Jack, John, Jimmy; chuyện Dzũng ĐaKao dẹp tan giặc khỉ, giặc Ô Kê. Năm người bạn mới của tôi sáng rực mắt theo dõi. Bảy đen vỗ đùi cái đét:
- Ừa, phải vậy chứ. Trẻ con Việt Nam phải ngon nhất thế giới.
Đạt sún bẻ bão tay răng rắc:
- Tao sẽ mua vé xe đò lên Sàigòn coi thằng Bồn lừa đá tung lưới bọn mũi lõ.
Năm rỗ hãnh diện:
- Sức mấy một thằng Mỹ chăn nổi cả ngàn con vịt như tao.
Sáu móm vung tay:
- Tụi nhóc Mỹ sợ ma thấy mẹ!
Tám lé lớn tiếng:
- Bắt cả ở đìa, ông chấp tụi Mỹ mười tay.
Tôi không quên kể giấc mơ của Tư đờn. Ngũ tướng rất hả hê. Sáu móm vỗ vai Tư đờn:
- Nếu thành “nghệ sĩ”, nhớ gởi tặng tao tấm hình làm kỷ niệm nghe, mày.
Năm rỗ dặn dò:
- Nếu có lưu diễn vùng này, đừng quên mời tụi tao coi, hén. Coi cọp mất khúc đầu, chán “chớt”!
Khi đống than đã tàn, ngũ tướng chăn vịt dùng gậy chăn vịt bươi cá ra. Đợi nguội lớp đất khô nứt, ngũ tướng bê đặt lên tấm ni-lông. Sáu móm bóc lớp đất. Vẩy cá và da cá dính vào đất. Còn lại là thịt cá trắng hổi, thơm phức, bốc khói nghi ngút. Chúng tôi bốc, gỡ xương chấm với muối-tiêu-chanh, bỏ vô miệng, vừa xuýt-xoa, vừa nhai, nuốt. Cá lóc nướng kiểu này ngon tuyệt vời. Phải được ăn giữa trời mới biết đời người chỉ có một lần ăn cá lóc nướng trui ngon. Tôi đã coi nhiều phim cao bồi. Vào xuất năm giờ hay mười một giờ, bụng đói ngấu nghiến, gặp cảnh chàng cao bồi hạ con hoẵng, treo trên hai khúc cây nướng rồi xẻo thịt ăn, tôi đã nuốt nước miếng ừng ực. Cảnh bắt cá lóc, nướng trui rồi bốc ăn của chúng tôi mà được quay phim, khán giả ngoại quốc sẽ thèm đến chết. Ờ, lạ quá, phim Việt Nam chỉ quay đấm đá, hút thuốc phiện và hồ tắm. Dở ẹc! Tôi rất hãnh diện vì năm người bạn của tôi. Các bạn tôi không biết tổ sư Hướng Đạo Barden là ai mà vẫn là những người Hướng Đạo cừ nhất thế giới. Tôi càng tin trẻ con nước tôi nhiều tài ba, sáng kiến. Chắc chắn, mai này, Việt Nam yêu dấu của tôi sẽ hùng mạnh như thời Đinh, Lê, Lý, Trần.
Nhưng tôi hơi buồn, tự hỏi, đi chăn vịt suốt ngày các bạn tôi đâu có thì giờ đến trường học. Phải chi, mỗi làng quê Việt Nam có một ngôi trường đẹp giống trường Đakao thì nước tôi sẽ tràn ngập nhân tài xây dựng quê hương. Hỡi ánh sáng của đèn điện, hỡi ánh sáng của khoa học, hỡi ánh sáng của kiến thức, đến bao giờ soi sáng đồng quê u tối?
Ăn no cá lóc nướng trui, ngũ tướng mời hai đứa tôi uống nước lạnh! Dũng sĩ Tô Tô bằng lòng bữa tiệc thịnh soạn này. Bụng đã căn, Sáu móm khơi chuyện cũ:
- Nè, Hưng mập, thật không có ma chứ?
- Không có ma. Sách dạy đàng hoàng mà.
Tôi kể bài tập đọc trong cuốn Quốc văn Giáo khoa thư, lớp dự bị: “Thằng Ba lên gường ngủ. Đèn đóm tắt cả rồi...”. Con nhà Ba vốn nhút nhát. Nó sợ từ con kiến đến con dế. Ba đắp chăn trùm kín mặt. Một lát, sợ quá, con ông cụ la hoảng: “Có người đứng rình trên tường”. Ba toát mồ hôi. Tri hô ầm ĩ: ma, ma, ma! Nghe tiếng em kêu, chị nó thắp đèn vào phòng nó. Ba ú ớ: “Có người đứng rình trên tường”. Chị nó cười, nhìn vào cái áo treo trên tường, mắng nó: “Người đâu, đâu nào, chỉ nói nhảm!”. Rồi chị nó bảo người đứng rình nó là cái áo. Đó, con ma đó. Ba xấu hổ. Từ đó, nó hết sợ ma. Vì không làm gì có ma cả.
Sáu móm hỏi:
- Sách nào vậy cà?
Tôi đáp:
- Sách dạy ở trường học.
Năm người bạn của tôi thộn mặt ra. Sáu móm thú nhận:
- Tại tụi tao không đi học...
Câu nói nghe buồn chi lạ. Không đi học thì sẽ sợ ma và sợ đủ thứ. Người mù chữ, ma nó cũng bắt nạt. Và hễ bị ai dọa nạt là sợ ngay. Sáu móm gật gù:
- Sách đã dạy thì đúng phóc. Tối nay tao ngủ với mày xem sao.
Tám lé giơ tay:
- Tao nữa.
Chúng tôi ngủ trưa giữa đồng không mông quạnh. Tôi lại biết thêm nhạc gió, biết thêm hương đồng gió nội. Nhạc gió không ngừng điệu rì rào muôn thuở. Tôi ngủ lịm đi. Có thứ máy lạnh không nước nào chế được là gió đồng quê hương tôi. Và, như thế, tôi chả sợ bom nguyên tử.
Tôi tỉnh giấc khi chiều xuống dần. Tiếng vịt kêu nghe nhớ nhà thấy mồ. Ngũ tướng đã dồn quân thành năm cánh. Đến giờ lùa vịt về. Cao bồi Mỹ lùa bò về chuồng dễ ẹt. Một đàn bò phải dùng một bầy cao bồi. Lùa vịt mới khó. Vịt đàn này không lẫn sang đàn khác lại càng khó. Mà chỉ cần một nhóc con với cây gậy. Sáu móm dẫn đầu đàn vịt của nó. Đàn vịt no căng diều, chạy chậm hơn buổi sáng. Sáu móm hỏi tôi:
- Nếu về nhà tao ăn cơm rồi ra lộ thì lâu lắm. Tao về lẹ, đem cơm cho tụi mày.
Nó nhìn tôi thương mến:
- Mai vô nhà tao ngủ. Tao muốn mày ở lại dạy cho tao đọc sách. Nhưng tao biết mày khoái phiêu lưu.
Tôi nắm tay Sáu móm:
- Nội đêm nay tao sẽ dạy mày thuộc lòng hai mươi bốn chữ cái, năm dấu và mày sẽ biết viết tên mày.
Sáu móm hớn hở:
- Nhớ nghe.
Khi đàn vịt cuối cùng của Đạt sún băng qua lộ, tôi và Tư đờn dừng ở gốc cây đêm qua. Tiếng vịt kêu nhỏ dần. Rồi bóng của ngũ tướng cũng nhỏ dần. Hoàng hôn nhuộm cảnh vật một màu vàng chết. Nỗi buồn trong hồn tôi đùn lên. Tôi cảm xúc, hát ti tỉ: “Chiều ơi, lúc chiều về gặp những nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi, hỡi chiều. Chiều ơi, áo chàm về thả gió lên khơi, in hình vào sườn núi chơi vơi, hỡi chiều...”
Tư đờn véo tôi:
- Mày biết ca tân nhạc thiệt à?
Tôi vuốt tóc:
- Lai rai.
Rồi nói:
- Giá tao lớn, lúc này tao được phép hút thuốc lá, và tao nhả khói lên trời.
Tư đờn chưa hiểu gì. Nó đập lưng tôi:
- Hút thuốc à? Nghiền chết.
Tôi lắc đầu:
- Hút thuốc lá và hát.
Tôi lại ti tỉ: “Tôi là người lữ khách. Màu chiều gió làm say. Ngỡ lòng mình là rừng. Ngỡ hồn mình là mây. Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây...”
Tư đờn vỗ tay. Dũng sĩ Tô Tô sủa nhặng xì ngầu. Tự nhiên, giọng nói Tư đờn buồn buồn:
- Mày nhớ nhà hả?
- Ừa!
- Mày muốn về rồi à?
- Tao phải xuống Cái Dầu.
- Rồi mày cũng phải về nhà mày.
- Ừa!
- Còn tao một mình!
- Mày về với tao.
- Không, tao không về với mày đâu.
- Tính về túp lều cũ ư?
- Không.
- Thế đi đâu?
- Phiêu lưu.
Tôi chợt cảm thấy tim mình đau nhói. Tư đờn đã nằm dài, đầu gối lên một cái rễ cây lớn.
- Hưng mập ơi!
Tôi ngạc nhiên:
- Hết ham kêu tao là phì lũ rồi à?
Nó không trả lời câu hỏi của tôi. Mà thong thả nói:
- Hôm nọ, chưa gặp mày, tao nghĩ tao sẽ hát dạo ở chân cầu Tân An, chờ ngày lớn tuổi thì đăng lính. Gặp mày, tao nghĩ khác, vì mày biểu tao sẽ nổi tiếng hơn Hùng Cường, Thành Được.
- Chứ sao!
- Tao không thèm về túp lều cũ nữa. Tao sẽ phiêu lưu một mình. Tao thèm trở thành kép hát sân khấu, thèm mời bọn thằng Sáu móm, Năm rỗ, Tám lé, Bảy đen, Đạt sún tới coi tao diễn tuồng. Tao phải gặp một ông bầu.
Chết tôi rồi. Tôi đã thổi vào tâm hồn Tư đờn một làn khói mơ mộng.
- Nhất định mày nổi tiếng hơn Hùng Cường. Hình mày sẽ được đăng báo và mày sẽ gởi tặng Sáu móm một tấm làm kỷ niệm. Nhận được ảnh của mày, Sáu móm sẽ mừng phát khóc.
- Tao cũng khóc.
Tôi chớp mắt. Rồi nước mắt ứa ra. Tư đờn thì đưa cánh tay quệt mắt. Tưởng tượng, hôm nào đó mở vô tuyến truyền hình, gặp Tư đờn diễn tuồng, chắc tôi phải khóc nức nở.
- Chúng mình còn đi với nhau đến Cái Dầu cơ mà. Tao sợ đến “bắc” mày đã chia tay tao. Vì mày gặp ông bầu.
Tư đờn nhỏm dậy ôm lấy tôi:
- Tao sẽ không bao giờ quên mày đâu, Hưng mập ạ!
Tôi vuốt ve Tư đờn:
- Tao cũng vậy. Tao mong mày nổi tiếng.
- Còn mày?
- Tao ấy à... Tao được khoe là bạn thân của mày là hãnh diện quá trời rồi.
Hai chúng tôi nắm chặt tay nhau. Trời đã xám xịt. Vào lúc đó tiếng Sáu móm và Tám lé văng vẳng từ đằng xa. Chúng nó không biết xí gạt.