Dịch giả: Sông Kiên &Lê thị Duyên
Chương 5
HỎA TIỄN LÀM THAY ĐỔI TRẬN CHIẾN

     ức Quốc Xã bị thời giờ thúc bách, và người ta không thể tự quyền làm ngưng trệ sự hoạt động của Peenemunde. Các biện pháp ngụy trang và an minh luôn được áp dụng một cách triệt để. Nhưng các cuộc thí nghiệm lại được tiếp tục một cách công nhiên. Ngày 13 tháng 6 năm 1944 (J + 7), một vũ khí thuộc loại đặc biệt được đặt vào giàn phóng P.7.
Đây là một loại khác được nghiên cứu: chiếc hỏa tiễn phòng không đầu tiên được điều khiển bằng vô tuyến, có mật danh là Wasserfall (Thác lớn). Nó có một hệ thống kiểm soát vô tuyến và được hướng dẫn đến mục tiêu do một chuyên viên điều hành ở dưới đất. Hệ thống hướng dẫn của Wasserfall đã sẵn sàng để thí nghiệm chuyến bay. Tuy nhiên, hỏa tiễn “mang đi” không phải là chiếc Wasserfall và người ta quyết định dùng chiếc A4 như “vecteur”.
Chiếc A4 không được điều khiển bằng vô tuyến nhưng người ta có thể cung cấp cho nó một bộ phận hướng dẫn Wasserfall để trắc nghiệm thử. 175 kilo rượu cồn và dưỡng khí lỏng được đốt cháy, và chiếc A4 biến cải được phóng đi từ giàn phóng P.7. Chiếc hỏa tiễn băng lướt vào khung trời xanh, điều hành một cách hoàn hảo theo mệnh lệnh được truyền từ dưới đất. Người ta đoán là nó sẽ rơi ở  ngoài  khơi, các túi màu xanh sẽ đánh dấu chỗ rơi xuống của hỏa tiễn, và các toán xác định chỗ sẽ ghi vị trí rơi.
Nhưng, viên kỹ sư điều khiển cuộc thí nghiệm đầu tiên này, thình lình bị lạc chiếc phi đạn: khi ông ở cách 6000 “bộ” (thước Anh), thì có một lớp mây dày đặc che khuất nó đi. Hoảng hốt, vị chuyên viên kỹ thuật cho đầu chiếc phi đạn hướng lên phía Bắc, trên vùng biển Baltique, để nó không đi về phía Nam và khỏi rơi xuống một thành phố nào đó ở ven biển nước Đức. Ngoài chi tiết ttrên, cuộc thí nghiệm đã hiển nhiên là có kết quả. Tuy nhiên, các toán xác định, ngồi trên các chiến “phụ hạm” đang lướt biển. Không dò được các túi màu xanh trên mặt trùng dương.
W. Von Braun cần phải biết đúng chỗ rơi của mỗi trái đạn bắn ra. Ông cảm thấy chán nản khi người ta bảo với ông rằng chiếc hỏa tiễn đã “bị tác khỏi lộ trình ấn định của nó, nhưng chắc đã rơi ở phía Bắc biển Baltique.” Ông cho lệnh phân bộ “điều khiển và kiểm soat” thực hiện một cuộc kiểm điểm thật sâu rộng, 24 giờ sau, các cơ sở liên hệ cho ông biết chiếc hỏa tiễn có thể đã rơi xuống miền Nam, nước Thụy Điển.
Tướng Dornberger lúc ấy ở Blizna. Chính nơi đây ông được điện thoại từ “Sào huyệt chó sói” Tổng hành dinh của Fuhrer ở Đông Phổ (miền Đông nước Đức): vừa mới đây có cuộc phóng thí nghiệm nào ở Peenemunde không? Sauk hi dò hỏi trên trạm thí nghiệm, Dornberger trả lời rằng ở đó không có phóng A4 (V2) cũng không có cả Fi-103 (V2). Việc trả lời này đương như không làm hài lòng Tổng hành dinh: theo ở đấy cho biét, thì có một vật giống A4, đã nổ khi đang bay trên vùng trời Thụy Điển và các mảnh vỡ đã rơi xuống gần thành phố Kalmar (Thụy Điển). Chính phủ này đã “la hoảng như giống chồn hôi” và phản kháng thẳng với Fuhrer.
Dornberger lại điện thoại về Peenemunde và lần này, ông được cho biết về cuộc thí nghiệm vừa rồi, có cả ý kiến của Von Braun. Ông này cho rằng chiếc hỏa tiễn có thể đã bay đến Thủy Điển. Khi tướng Dornberger tường trình về câu chuyện này, Tổng hành dinh của Hitler muốn biết có thể nào các mảnh vỡ của A4 ráp tạo lại được không? Và có cho biết được các chỉ dẫn về nguyên tắc điều hành của vũ khí không? Ông phải trả lời là “có”. Nhưng khi người đối thoại hỏi tiếp ông có thể nào việc liên lạc của hỏa tiễn cho phép bọn Đồng Minh quấy rối các xung lực vô tuyến điện không? Ông nói “không”. “Tôi tin chắc việc làm của tôi, mà tôi có thể quyết chắc hơn nữa, là hệ thống điều khiển của Wasserfall, sẽ là một “trái dẻ” (noix) mà Sở Tình báo địch rất khó làm “bể” được, và họ chỉ rút từ nó hiển nhiên là những kết luận sai lầm.”
Dornberger bị triệu ngay về “Sào huyệt chó sói”, để “bị khiển trách và biết được cơn thịnh nộ của Hitler”. Nhưng rốt cuộc, khi ông về trình diện, thì người ta bảo rằng Fuhrer không có gì để tiếp ông. Dornberger về sau có ghi: “Ngài tuyên bô rằng Thụy Điển biết rõ là chúng ta có thể oanh tác họ từ Đức quốc. Việc này rất hay, vì sẽ thúc giục họ liên minh với chúng ta.”
Nhưng người Thụy Điển lại không phản ứng như vậy, chính phủ họ không tỏ dấu hiệu gì về sự liên minh: họ dứt khoát từ chối việc giao hoàn lại cho tòa Đại sứ Đức ở Stockholm, các mảnh vỡ của hỏa tiễn, bất chấp sự khẩn khoản của tòa này. Vì người Đức biết rõ rằng, trái với điều mà người ngoài cuộc có thể tưởng, vật thất lạc sẽ bị khám phá: thật vậy, khi các hỏa tiễn  nổ ở trên cao độ, như trường hợp vừa xảy ra, các mảnh vỡ rơi chậm lại bởi sức cản của không khí, và sự đè bẹp của nó xuống đất không làm cho nó hư hại bao nhiêu.
Các viên chức Anh ở Thụy Điển, liền khi ấy, đã biết cái gì ở nơi “Spécimen de Kalmar” (mẩu mảnh vỡ hỏa tiên rơi ở Kalmar). Và khi cơ quan tình báo Anh thương thảo ở Thụy Điển về “vật” mà họ đã dò tìm từ tháng 4 năm 1943 thì người Thụy Điển lại “không nói không”.
Và Trung tá Keith Allen đã được phép đến Thụy Điển bằng một vận tải cơ nhẹ C47, không vũ trang của Mỹ. Có những thùng to lớn, không mang dấu hiệu được chất lên phi cơ C47 đó. Trong chuyến về, khi ra khỏi không phận Thụy Điển, Allen được một đoàn săn giặc hùng hậu yểm trợ và hộ tống về nước Anh. Nơi đay các thùng được mở ra; như các nhà khảo cổ kiến tapọ lại đền đài Hy Lạp, khỏi từ các mảnh cột và đường viền, các nhà bác học Đồng Minh, lần đầu tiên phối ráp lại và phân tích một trong các loại vũ khí mật của Đức.
Tuy vậy, có một chi tiết đã đưa các nhà bác học Anh-Mỹ đến những “kết luận sai lầm”; đó là điều họ tìm thấy trong các mảnh hỏa tiễn rơi ở Kalmar, có một hệ thống hướng dẫn, điều khiển bằng vô tuyến. Họ giả thuyết rằng tất cả V2 đều có gắn loại “phụ trợ” đó. Từ đó, họ suy diễn rằng, có thể làm cho các phi đạn bị xoay lệch được mục tiêu, bằng quấy rối các xung lực vô tuyến. Về sau, người ta nhận thấy quan niệm như vậy là một suy đoán sai lạc. Dù vậy, “Spécimen de Kalmar” cũng đã đem lại nhiều điều khá quan trọng mà cũng khá bối rối, nên các nhà bác học yêu cầu sở Tình báo cung cấp cho họ một trái hỏa tiễn khác, với tình trạng càng khả quan hơn càng hay. Thật khó mà mong có một sự “tình cờ Kalmar” thứ hai. Tuy nhiên I.S. (Sở tình báo Anh) vẫn thỏa mãn được đòi hỏi trên của họ.
Mặc dầu các cuộc thực hiện của A4 sắp được kiện toàn, một số lớn loại này đã nổ giữa trời, cách mục tiêu khoảng 3 hoặc 4 cây số. Dornberger yêu cầu Von Braun đến Ba Lan và “đặt cơ sở đúng vào trung tâm khu vực chỗ đạn rơi”.
Kỹ thuật này, nhằm quy định một cách chính xác các khuyết điểm kỹ thuật của A4, không mấy gì nguy hiểm cho lắm. Chính Von Braun đã nói: “Dornberger phán đoán rằng cái tròng của mục tiêu sẽ chắc chắn là điểm an toàn mẫu”. Nhưng tình thế đã thay đổi hẳn. Một ngày nọ, Von Braun, đang đứng giữa cánh đồng bằng phẳng, canh chừng chiếc thời kế, được đặt trên một ngọn tháp, chỉ còn xa 300 cây số, khi chiếc hỏa tiễn được phòng từ Blizna bay đến. Khi chiếc thời kế chỉ lúc chiếc phi đạn tiến lại gần, thì Von Braun xoay người lại và rất đỗi “hãi hùng”, thấy chiếc phi đạn bay thẳng về phía ông. Von Braun nói: “Tôi chỉ vừa đủ thời giờ để rạp mình xuống đất. Một tiếng nổ chát chúa, làm tôi bị hất lên cao và văng vào một cái hố bên cạnh. May thay, tôi được bình an. Chỗ A4 rơi, chỉ cách tôi khoảng 300 thước và đây là một sư kỳ diệu: khi mà tiếng nổ của “Ogive” (chứa gần một tấn siêu chất nổ) không làm cho tôi bị nhừ như cháo.”
Thí nghiệm A4 thây đạt kết quả thật rõ ràng. Nhưng có điều là không phải chỉ riêng có Von Braun và nhóm cộng sự viên của ông, quan sát tại đây, sự cải thiện này, mà nhóm kháng chiến Ba Lan cũng có mặt tại đó. Từ khi họ để ý đến các thiết trí của xạ trường ở Blizna, họ đã theo dõi và thông báo cho Tình báo Anh những gì đã xảy ra trong khu vực này.
Những người Ba Lan kháng chiến đã gởi các phúc trình khá quan trọng về cho I.S. Điều đáng chú ý là hỏa tiễn V1 cũng được thí nghiệm ở Blizna, nhưng cho đến bây giờ, họ vẫn không làm sao thỏa mãn đòi hỏi của I.S. bắt lấy một hỏa tiễn có tầm hoạt động xa, bắt cóc một chuyên viên Đức, hoặc là tìm những phần, mảnh của phi đạn rơi lạc. Nhóm kháng chiến Ba Lan thiếu vũ khí và thiếu cả điều kiện để di động. Số người khỏe mạnh trốn thoát từ các trại giam rất ít, và họ được đưa vào tổ chức có mật danh là “Burza” (Bão tố), một mặt trận du kích được thành lập bởi chính phủ lưu vong, lúc mà Hồng quân tiến sát lại biên thùy xứ họ.
Tuy nhiên, các toán du kích vẫn đi lùng chung quanh khu vực bị tác xạ, và thường dò hỏi các người dân quê trong vùng. Và, mỗi lần có một hỏa tiễn rơi xuống đất, nhóm kháng chiên đều được thông báo. Nhưng, các chi đội cơ giới Đức lại đến gom tất cả các mảnh vỡ, rồi lại đi, chỉ để lại đằng sau họ các miệng lỗ trống không. Và như vậy, đã trong nhiều tháng, người kháng chiến Ba Lan (không có đủ hỏa lực, cũng không có quân số cần thiết để khai chiến) cảm thấy thất vọng, vì các chiến lợi phẩm rất hấp dẫn đều bị gom đi mất.
Rồi nay, vào một buổi chiều, có một A4 bay lạc, rơi cạnh bờ con rạch “Bug”, gần làng Sarnaki, thuộc khu vực Varsovie. “Ogive” bị tịt ngòi. Có một đơn vị Đức lo đi tìm, để thu hồi chiếc phi đạn hỏng, nhưng trước họ, toàn tuần phòng Ba Lan lại qua đúng tại chỗ đó. Toán du kích này nhận thấy chiếc hỏa tiễn còn nguyên vẹn, nhưng họ lại không có phương tiện cũng như không đủ thì giờ để thu đoạt chiếc hỏa tiễn này. Đấy là lúc bi đát nhất của cuộc săn tìm, đã khởi từ tháng 4 năm 1944.
Nhưng một người trong bọn họ có sáng kiến: 20 du kích, băng chặt các bắp thịt của họ lại, họ đã thành công trong việc lăn trái đạn xuống con rạch. Tuy nhiên, nước trong vắt, và chiếc A4 hãy còn nhìn thấy được. May thay, không xa đó mấy có đàn bò đang lặng lẽ ăn cỏ trên cánh đồng. Các người kháng chiến đuổi bầy bò tới con rạch Bug. Năm phút sau, bọn người Đức tới nơi. Họ chỉ thấy bầy bò đang lội bì bõm trên con rạch – con rạch trở nên lầy lội và đục ngầu. Bọn họ bỏ đi chỗ khác tìm chiếc hỏa tiễn bay lạc.
Khi đêm xuống, các người Ba Lan kháng chiến lại xuất hiện với các dụng cụ, ba chiếc vận tải cũ kỹ, cùng một toán kỹ sư. Chiếc hỏa tiễn được đem lên bờ sông và được tháo tung ra dưới ánh sáng của các ngọn đuốc, che khuất sau mấy tấm chăn. “Ogive” đặt ra một vấn đề tế nhị: nó chứa khoảng một tấn “amatol” một siêu chất nổ. Điều này không ngăn cản được các người kháng chiến tiếp tục công tác, dẫu biết rằng chỉ một chút sai lầm nhỏ, có thể gây nên đại họa. Trước buổi bình minh, các chiếc xe vận tải lên đường, với các thùng hàng quý giá.
Sở Tình báo Anh, được thông báo có một hỏa tiễn có tầm xa của Đức, đã lọt được vào tay người kháng chiến Ba Lan. Chiếc hỏa tiễn này hoàn toàn ở trạng thái tốt. “Phải được chuyển về Anh bằng mọi giá”, Sở Tình báo Anh phúc đáp. Trong lúc cuộc chiến còn đang hung hãn, phải đem ra khỏi vùng Ba Lan bị chiếm một hỏa tiễn nặng 12 tấn, dài 14 thước vừa đưa đến một cơ sở hàng không ở Farnborough (Anh), là một thách đố ghê gớm, vượt qua khả năng của toàn người Ba Lan. Nhưng Luân Đôn cho họ biết, đã có một giải pháp được nghiên cứu.
Sở Tình báo Anh trình một kế hoạch phải được tiến hành như sau, với điều kiện là việc phối hợp hành động phải thật hoàn hảo: căn cứ Không quân R.A.F. tại Brindisi, ở cách Ba Lan khoảng 900 cây số, lực lượng R.A.F. phải cho xuống tại một sân đáp cải dạng của Ba Lan, một phóng pháo cơ không vũ trang để chở quân du kích và vật liệu. Trong vòng mười phút, phi cơ đáp xuống, chuyển các thùng hàng và trở về Brindisi, tuyệt đối phải vượt qua cặp mắt của lực lượng phi tuần Luftwaffe của Đức. Chính tại miếng đất nhỏ này, có mật danh là Motyl (Bươm bướm) được chọn làm chỗ đáp. Luân Đôn cho toán Ba Lan biết rằng vô tuyến là công tác sẽ không được kéo dài quá 20 phút: quá thời hạn này, bọn Đức sẽ chắc chắn đoán được có một điều gì bất thường đã xảy ra và họ sẽ tới “Motyl” ngay.
“Đồng ý”, toán Ba Loan trả lời. Nhưng họ hỏi kỹ lại, là loại phóng pháo cơ nào sẽ có khả năng để chở được một hỏa tiễn nặng 12 tấn. Luân Đôn trấn an họ: không cần phải chở nguyên chiecé hỏa tiễn, cái gì mà người ta cần đến, chính là các thành tố căn bản, kèm theo các đồ hình (bức vẽ) của nó. Trong suốt ba tuần lễ làm việc, một kỹ sư và một thợ vẽ máy bay (M. Kocjan), cả hai đều là các phần tử của quân kháng chiến, lo vẽ các đồ hình, còn các thợ máy chọn lựa và cho vào thùng các bộ phận mà họ cho là thiết yếu.
Sáng ngày 25 tháng 7 năm 1944, nhóm kháng chiến được thông báo bằng vô tuyến rằng việc bốc hàng đem đi sẽ được thực hiện vào lúc ban đêm. Dưới cơn mưa tầm tã, toán người Ba Lan chỏ các thùng về gần “Motyl”. Tại đây, lo việc an ninh và bảo vệ, có 400 quân du kích, được trang bị bằng vũ khí thô lậu và súng “các bin” đang bố trí rải rác trong khu rừng, quanh khoảng đất này. Một phân đội yểm trở của Luftwaffe, gồm hơn 400 người Đức, đóng cách đó khoảng một cây số rưỡi, và một trung đội kỵ binh Đức trú đóng tại một làng, cách khoảng hơn 3 cây số.
Lúc 16 giờ 30, đám mưa đã tạnh và toán người Ba Lan hết sức ngạc nhiên thấy một phi cơ săn tuần Đức đáp trên phi đạo đầy bùn và ngập nước mà họ tưởng đã bỏ hoang. 5 phút sau, lại một chiếc khác đáp xuống đó, đúng ngay vào lúc mà họ được mật tin bằng vô tuyến là chiếc Dakota của R.A.F. đã rời Brindisi. Các phi cơ Đức hãy còn ở đó, cho đến lúc hoàng hôn, chúng rời khỏi nơi đây, cũng đột ngột như chúng đã đến. Thoát nợ, các người Ba Lan yên tâm, kết luận rằng, đấy chỉ là một cuộc thao dượt thông thường.
Đêm ấy, một đêm tốt trời mùa hạ, trời lặng trang. Sự yên tĩnh chỉ bị cắt đứt do các tiếng nổ rền từ phương xa của pháo binh Nga: đấy là cuộc tấn công tháng 7. Đến nửa đêm, toàn người rình đợi, nhận được tiếng gầm thét của động cơ. Họ tiến lại khu đất, đốt đuốc để dựng là cọc tiêu và đặt các chiếc đèn cháy đỏ, theo hình mũi tên chỉ hướng gió cho phi công. Chiếc Dakota đảo qua ba vòng, rồi đáp xuống. Kocjan nhảy lên phi cơ với 55 kilo đồ tháo rời, và các họa đồ. Trong vòng mười phút, tất cả đều được xếp đặt xong. Các động cơ còn đề máy, gầm rú theo điệu “crescendo” (cao lên dần).
Nhưng chiếc phóng pháo cơ đã không cất cánh dược. Các bánh xe của nó trơn trợt trong đất bùn lầy lội. Hai mươi phút hạn định cho công tác, bây giờ giống như một trò đùa bi thảm. Sau bao nhiều toan tính vô hiệu – đã gần một giờ trôi qua, kể từ khi đáp xuống – viên phi công đề nghị đem các thùng đồ xuống và cho giấu lại lần nữa, đoạn đốt chiếc Dakota đi.
Nhưng các người Ba Lan không nản chí, họ chạy đến ngôi làng gần nhất và trở lại với cuốc, xẻng và cuốc nhọn. Họ đào các mương rãnh hơi dốc trước các bánh xe của phi cơ, rồi đặt vào đấy các mảnh ván và rơm. Độ nửa giờ sau, chiếc Dakota rít lên, lấy tốc độ và rời khỏi mặt đất, trong khi toán người kháng chiến biến dạng trong khu rừng. Một chứng nhân được mục kích viết: “Các người Đức, ở rất gần đấy, phải chăng vì các cuộc hành quân mệt nhọc, đã quá mỏi mòn, để không còn lo ngại đến cái gì sẽ xảy ra. Hoặc là họ không thể liều lĩnh để công khái chống lại vũ khí bí mật… Họ đã không tỏ vẻ gì sinh động trong các cuộc hành quân. Nhờ vậy mà một vũ khí quân sự, có tầm thước ở hàng đầu đã lọt vào tay địch, ngay trước mặt họ!”
Chiếc Dakota, về tới Brindisi, không gặp một trở lực nào. Từ đó, Kocjan, các đồ hình và các bộ phận rời của hỏa tiễn được đưa thẳng về Anh quốc. Người Ba Lan này là chuyên viên kỹ thuật duy nhất của trại Đồng Minh, chưa bao giờ thấy và nghiên cứu chiếc hỏa tiễn có tầm xa và còn nguyên vẹn của Đức. Ông lại bị chất vấn ngày đêm trong một tuần lễ tại Farnborough. Người ta đề nghị ông ở lại Anh quốc, nhưng ông phải trở về xứ của ông: vì ở đó, ông còn nhiều việc phải làm. Thủ tướng Anh W. Churchill có viết về ông: “Ông A. Kocjan, con người dũng cảm ấy đã trở về Ba Lan. Sau đó, ông bị bọn Gestapo bắt được và bị hành quyết tại Varsovie ngày 13 tháng 8 năm 1944.”
Các tin tức do Kocjan đem lại, thêm vào cái gì mà người ta tìm được khi quan sát các mảnh vỡ “Spécimen de Kalmar”, cho phép các vị chỉ huy Đồng Minh biết “đích xác cái gì mong đợi” ở “Big-Ben” như Churchill đã nói, Big-Ben bây giờ là danh từ mà Sở Tình báo Anh dùng để chỉ hỏa tiễn có tầm hoạt động xa đó.
Kế hoạch Big-Ben, một kế hoạch tối mật có nhiệm vụ phân tích và kiến tạo lại các phi đạn thu lấy được, được đặt dưới quyền điều khiển của Sir Alwyn Crow, chuyên viên về ngành hỏa tiễn. Nhưng toán công tác với ông không phải gồm toàn người Anh – Mỹ đã bắt đầu quan tâm đến Big–Ben và các đại diện cơ quan kỹ thuật quân đội Mỹ bị lôi cuốn đến Farnborough. Một trong các người này là Thiếu tá Thomas Dixon, được văn phòng pháo đội Hải quân Mỹ phái đến Anh quốc. Ông thấy “rất giản dị” để làm sáng tỏ bí mật của Big-Ben: Chúng ta đã có những yếu tố của “Ogive”, máy “bơm-tuốc-bin” (turbo-pompes) và phòng đốt. Từ các dữ kiện đó, chúng ta thực hiện một cuộc nghiên cứu khoa học, nhằm xác định đặc điểm của hỏa tiễn về vấn đề phóng lực, phản lực và tầm bắn. Trong vòng 15 ngày, chúng ta có thể nắm được tất cả những điều rõ rệt trong tay.
Tiếp theo đó, Von Braun cũng thú nhận là: “Sở Tình báo Anh đã làm một công tác đáng để ý, khi tạo lập lại rất đúng chiếc V2 và các cấu thành của nó.” Nhưng, cái mẩu tái tạo kia lại là nguồn lo lắng đáng ngại. Big-Ben biểu trưng như một vũ khí vô tiền khoáng hậu trong lịch sử chiến tranh, thứ vũ khí có cái gì làm cho chúng ta phải rùng mình rởn gáy. Cân nặng khoảng 12 tấn, dài 14 thước với đường 1 thước 50, “Ogive” mang gần 1 tấn siêu chất nổ, và có tầm hoạt động tối đa là 340 cây số, điều này có nghĩa là chiếc hỏa tiễn xuất phát từ vùng bờ biển Pháp hay Hà Lan, có thể rơi một cách dễ dàng vào chỗ tập trung dân chúng ở Luân Đôn. Trái với tất cả những gì người ta đã tưởng, việc điều khiển hỏa tiễn chắc chắn không phải bằng vô tuyến mà do một con quay hồi chuyển bên trong, không thể nào làm sai lệch được. V2 còn là một vũ khí siêu âm, không phải như trường hợp của V1; nói khác đi, người ta sẽ vừa không thấy nó, vừa không nghe nó, và cũng không thể nào ngăn chặn nó được như trường hợp của V1. Dr. Jones, chủ tịch ngành tin tức khoa học của Bộ Không quân Anh, thông báo cho Thủ tướng Churchill rằng họ “có thể đã có khoảng một ngàn hỏa tiễn thuộc loại này!”
Tất cả sự kiện trên không đem lại lạc quan mấy, nhưng dù vậy, từ các viễn ảnh ghê gớm kia, người ta đã không tìm ra được một căn cứ cố định nào mà theo như người ta tưởng, là rất cần thiết cho việc phóng một hỏa tiễn có tầm vóc như vậy. Và ngay như nếu các giàn phóng ấy có thực, quân đội Đồng Minh cũng đã trên đà đẩy lui quân Đức về bên kia đường giới định mệnh 340 cây số, tầm hoạt động của V2. Sauk hi đã tạo ra cho bao nhiêu lo âu và trả giá bằng bao nhiêu cố gắng, rất có thể có là Big-Ben sẽ không bao giờ hoạt động, ít nhất cũng có nghĩ như vậy.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lạc quan nhất đã nhượng quyền cho một người duy nhất, có thể nói thật đúng khi nào chiếc “hỏa tiễn Hitler” sẽ được phóng vào Anh quốc: chính Adoft Hitler vậy.