Dịch giả: Sông Kiên &Lê thị Duyên
Chương 2
VÀO MỘT ĐÊM TRĂNG

     ướng Walter Dornberger là giám đốc phân đội “ hỏa tiễn” của quân đội Đức. Sau khi đưa tay gạt tàn điếu xì gà nhỏ, ông đứng lên ra khỏi câu lạc bộ Peenemunde, trở về căn cứ.
Đó là ngày 17 tháng 8 năm 1943, ông đã trải qua một ngày mệt nhọc. Những tia sáng mặt trời chiếu rọi lên mặt cát trắng và biến mặt đất cằn cỗi ở đảo Usedom thành một vạc dầu sôi. Hơi nóng đầy ẩm ướt này làm cho mọi người khó chịu, thần kinh như căng thẳng. Có lẽ vì vậy nên lúc xế chiều mới xảy ra một cuộc xung đột giữa nhóm nghiên cứu và nhóm sản xuất. Thật là một cuộc xung đột dữ dội, nó đe dọa làm đảo lộn cả chương trình thực hiện hỏa tiễn. Dornberger bị đặt vào giữa thế tấn công cả hai mặt. Ông phải tìm cách để giải tỏa sự nghẹt thở đã đè lên nhóm sản xuất đồng thời phải xoa dịu cơn phẫn nộ của nhóm nghiên cứu. Ông đã dùng bữa với Dr. Wernher Von Braun, vị kỹ sư đầu não của ông, cùng Dr. Ernest Steinhoff đang chịu trách nhiệm về hệ thống điều khiển và kiểm soát ở Peenemunde. Có cả nữ hoa tiêu tập sự tên là Hanna Reistch, hôm nay đến làm khách quý tại căn cứ Peenemunde. Hồi chiều, quay quần giữa đám bạn bè ông đã thấy dễ chịu một chút. Nhưng, bây giờ bách bộ một mình trong đêm tối ngột ngạt, ông cảm thấy mệt trở lại. Ông chợt nhớ đến việc mấy hôm trước đây vị Tổng trưởng Bộ không quân đã thông báo với ông rất có thể quân địch đang chuẩn bị không kích vào căn cứ Peenemunde. Văn phòng của ông đặt tại Bá Linh, khi đến thanh tra ở Peenemunde, ông tạm trú ở chỗ tòa nhà riêng cho khách. Vừa về đến nhà, ông chợt nghe một hồi còi báo động hiệp nhất rít lên lanh lảnh.
Đây không phải lần đầu ông được nghe báo động ở Peenemunde. Thông thường trên đường tiến đến Bá Linh, các phóng pháo cơ của Anh thường quần tụ trên không phận biển Baltique, nghĩa là ngay trên đầu Peenemunde. Hơn nữa ông vốn không sợ còi báo động chút nào cả. Peenemunde chưa bao giờ bị tấn công vì nó là mục tiêu không đáng kể. Nó chỉ là mảnh đất dài, hẹp và bị cắt thành từng mảnh rời rạc, được sự bảo vệ của các phi cơ tuần thám, các đại bác hạng nặng và các trái khói.
Còn một lý do nữa, là nó ở ngoài tầm của các khu trục hộ tống và các đợt tấn công chỉ định. Nói một cách khác, phóng pháo cơ muốn đột kích Peenemunde phải đến một mình, không có lực lượng hộ tống và phải chọn vào những đêm trăng thật sáng.
Như thường lệ, khi có báo động thì tất cả đèn đuốc đều phải tắt, làm sao cho chỉ còn một màn tối dày đặc mà thôi. Nhưng Dornberger lại chú ý thấy trời không hoàn toàn tối hẳn vì một ánh sáng nhợt nhạt, lờ mờ đang tỏa lên nóc dãy nhà đã được ngụy trang. Đó là ánh sáng của vầng trăng vừa ló dạng. Ông phóng nhanh vào phòng và gọi về Bộ chỉ huy phòng không. Bộ chỉ huy trả lời:
- Địch quân đang tập trung trên không phận khoảng giữa biển Baltique.
- Chúng nhằm hướng nào?
- Chưa biết được.
Dornberger nghĩ: lại một cuộc oanh tạch Bá Linh nữa chứ gì, dầu oanh tạc ở đâu nữa, Ông ta cũng không làm gì khác hơn được. Nghĩ ngợi lan mạn, đoạn ông ta sửa soạn đi ngủ.
Nếu Ducan Sandys biết được ý nghĩ của Dornberger hay Sở tình báo Anh cho ông ta tiểu sử của vị tướng vô danh tiểu tốt của cơ quan “ Wa Prueff 11” tức “ văn phòng các vũ khí xạ kích đặc biệt”, thì màn bí mật ở Peenemunde được vén lên tức khắc. Nó sẽ làm cho nỗi lo lắng của Sandys đã nặng nề lại càng nặng nề lên gấp bội.
Dornberger sinh trưởng ở Giessen, một ngôi làng nhở cạnh Francfort. Cha là một dược sĩ. Thuở nhở, cậu bé Walter thường mong mỏi sẽ trở thành một kiến trúc sư. Nhưng đến tháng 8 năm 1914, cậu phải nhập ngũ. Tháng 10 năm 1918 khi là trung úy pháo binh thì bị sư đoàn 2 thủy quân lục chiến Mỹ bắt làm tù binh. Rồi người Mỹ lại giao Dornberger cho người Pháp. Suốt hai năm dài trong nhà giam, không lúc nào Dornberger không nghĩ tới việc tháo cũi sổ lồng.
Được trả tự do, Dornberger trở về một nước Đức đang làm mồi cho lạm phát và thất nghiệp. Không ai cần dùng tới những vị Trung úy trẻ chưa có kinh nghiệm gì cả. Ông ta cho rằng có thể ở lại trong quân đội Đức nhỏ bé là điều diễm phúc. Quân đội này được giới hạn ở con số 100.000 người theo hiệp ước Versailles.
Sau năm năm theo đuổi việc học ở Đại học Bá Linh, Dornberger tốt nghiệp với bằng kỹ sư. Rồi ông được bổ về bộ phận “ xạ thuật” thuộc văn phòng vũ trang. Hiệp ước Versailles cấm người Đức tạo đại bác  dài quá 3 inches, nhưng không đả động gì đến loại hỏa tiễn cả. Đến năm 1930, với cấp bậc Đại úy, Dornberger được đề cử một công tác mà phần đông sĩ quan chuyên nghiệp và đầy tham vọng chê là tầm thường, vô vị và có vẻ khôi hài nữa. Đó là công tác bắt đầu xây dựng chương trình chế tạo hỏa tiễn phục vụ quân đội.
Dornberger thiết lập một cơ sở thí nghiệm ở Kummersdorf West, cách Bá Linh ba trăm cây số. Ông kêu gọi sự hợp tác của các thanh niên trẻ tuổi nhưng đầy nhiệt thành. Những người này đã không tìm được một chỗ đứng ở ngân hàng cũng như xí nghiệp tư nhân. Ngày mồng 1 tháng 10 năm 1932, ông đã thâu nhận một sinh viên 21 tuổi tên Wernher Von Braun, sau này là phụ tá kỹ thuật của ông.
Hitler lên cầm quyền năm 1933, ông ta rất say mê vũ khí, bất kể loại gì, nhưng rất hờ hững với hỏa tiễn. Ông ta chỉ đến thăm cơ sở thí nghiệm tiễn  ở Kummersdorf có một lần, nhưng cũng rất vội vã.
Tuy nhiên năm sau, 1934 Tư lệnh quân lực Đức là tướng Von Fritsch có đến tham dự cuộc thí nghiệm phóng hỏa tiễn một lần và lần ấy lại thành công hoàn toàn. Ông tự nhận đỡ đầu cho Dornberger. Người kế nghiệp ông là Von  Brauchitsh  đã tặng cho Dornberger và toàn thể cộng sự viên gồm 90 người, một căn cứ trang bị hoàn hảo hơn đặt tại Peenemunde. Chính ở đây, người ta đã theo đuổi rất phấn khởi về hỏa tiễn loại A( loại A gồm có A1 nặng 22.5kg, dài 1.33m hoàn tất năm 1933, còn A4 là kiểu thứ 4).
Mãi cho đến tháng 3 năm 1939 vào một buổi sáng giá buốt và ẩm ướt, Hitler mới trở lại thăm Dornberger, coi ông này đã làm được gì. Nhưng căn cứ ông đến vẫn là căn cứ ở Kummersdorf chứ không phải ở Peenemunde. Von Braun muốn trình bày với Hitler về những hỏa tiễn sau này có thể dùng trong việc du hành trong vũ trụ, nhưng Dornberger lại khuyên Von Braun chớ hở môi về viễn cảnh ấy. Dornberger và Von Braun đưa Quốc trưởng đi kinh lý toàn thể căn cứ, nhấn mạnh về tiềm thế chiến lược của loại hỏa tiễn tầm xa hiện đang còn ở thời kì ấu trĩ. Hitler lắng nghe một cách rất lịch sự, nhưng Dornberger biết ông ta không đặc biệt chú ý đến loại vũ khí này. Ông chỉ quan tâm đến loại khí giới dùng được ngay tức khắc, chứ không phải trong một tương lại mơ hồ.
Sau khi chiến thắng bằng cuộc tấn công chớp nhoáng ở Ba La, ở Pháp vào những năm  1939-1940, Hitler lại loại bỏ những ưu tiên tuyệt đối dành cho Peenemunde. Ông phải trả giá rất đắt về quyết định này: ông có thể bại trận.
Mỗi khi nghĩ đến việc trên, Dornberger nghiến răng tức tối. Rồi bây giờ vào năm 1943 khi mà những vũ khí cổ điển đã trở nên bất lực thì người ta lại quấy rầy ông, bắt ông phải nỗ lực gấp đôi để bù lại thời gian đã bỏ lỡ. Nếu năm 1940 Quốc Trưởng đừng hủy bỏ quyền ưu tiên của Peenemunde thì bây giờ hỏa tiễn sắp hoàn tất rồi. Tuy nhiên những kỉ niệm của Dornberger không hoàn toàn là những kỉ niệm buồn như trên mà thôi. Ông nhớ lại một ngày thật tươi sáng, đó là ngày 3 tháng 10 năm 1942 vào khoảng giữa trưa, ánh sáng mặt trời chiếu lấp lánh. Đứng trên nóc tòa nhà thí nghiệm, tay cầm máy vi âm ông hét to: “ Start Frei”. Sau 2 lần phóng vô hiệu quả, một trái A4 đã được phóng lên với cao độ gần 100km để rơi xuống với tốc độ 6.600km/h và cách điểm xuất phát 20km.
Chiều hôm đó Dornberger tổ chức một bữa tiệc nhỏ mời Dr, Waler Thiel, Von Braun, Steinhoff, Oberth và vài người trong nhóm đến tham dự. Tất cả đều uống quá chén nhưng điều này không đáng trách vì họ ăn mừng cho cuộc thí nghiệm chứng minh rằng việc phóng hỏa tiễn tầm xa đã thành tựu.
Hỏa tiễn A4 là vật chế tạo đầu tiên mà quỹ đạo của nó lướt qua tầng thượng khí quyển, nên nó cũng chứng tỏ rằng sức đẩy bởi hỏa tiễn có thể giúp cho việc thực hiện cuộc thám hiểm liên hành tinh.
Dornberger ứng khẩu đọc một bài diễn văn ngắn: “ hôm nay là ngày khai sinh của phi thuyền không gian”. Rồi ông nhắc các cộng sự viên của ông rằng công việc của họ là phải cải tiến chiếc hỏa tiễn cho thành một vũ khí chiến tranh. Hướng về Von Braun, người đang cao hứng tột độ ông nói thêm: “tôi báo trước với anh, chứng “bịnh nhức đầu” của anh chưa hẳn hết đâu, nó chỉ mới bắt đầu mà thôi”!. Tuy nhiên đêm đó khi nằm trên giường, Dornberger đã nghĩ: mình sẽ có tất cả những gì mình cần đến để xúc tiến việc sản xuất hàng loạt A4.
Dornberger đã không nhầm khi tiên đoán với Von Braun chứng nhức đầu chỉ mới bắt đầu: chính phủ đã cúp quyền ưu tiên cho chương trình hỏa tiễn của ông. Người ta chỉ cung cấp vật liệu và kỹ thuật gia cần thiết một cách nhỏ giọt. Thêm chế độ bàn giấy của phe phái càng làm cho công việc chậm chế hơn.
May mắn cho Dornberger là ông đã có một người bạn thân là Albert Speer làm Tổng trưởng Bộ quân lực. Ông này ủng hộ Dornberger hết lòng. Dornberger nhờ ông can thiệp với Hitler, người duy nhất có khả năng làm A4 thành hình một vũ khí tác chiến. Speer liền đi yết kiến Hitler. Khi trở về Speer cho Dornberger biết: Fuhrer không quan tâm đến chương trình hỏa tiễn. Lý do đưa ra làm dornberger giận run người: Hitler nghĩ rằng không có một trái hỏa tiễn nào có thể phóng tới Anh Quốc.
Tuy nhiên, không phải là Fuhrer không có những giấc mộng khác, vì ngày 07 tháng 7 năm 1943, Speer đã lệnh cho Dornberger, Von Braun và Steinhoff phải lên ngay một chiếc máy bay để đến Tổng hành dinh của Hitler ở Đông Phổ, nơi được mệnh danh là “ Hang sói”. Họ phải mang theo tài liệu để chứng minh A4 sắp thành tựu, trong đó có cả cuốn phim quay cuộc phóng hỏa tiễn ngày 03 tháng 10 năm 1942.
Họ chiếu cuốn phim cho Fuhrer xem cùng với lời diễn giải của Von Braun. Khác với lần trước, lần này Fuhrer tỏ ra xúc động vô cùng. Ông thật không giống chút nào với con người mà họ gặp hồi tháng 3 năm 1939. Đó là con người có vẻ mệt mỏi, vai buông xụi xuống, lưng hơi còng, da nhăn nheo và nhợt nhạt. Nhưng trong đôi mắt luôn luôn ngời sáng lại chiếu lên một cái nhìn đầy ảo giác một cách lạ lùng.  Khi hình ảnh cuối cùng vừa dứt, ông chồm ngay đến Dornberger, bắt tay ông một cách cuồng nhiệt và kêu lên:
“ Tại sao tôi đã không tin vào thành công của ông,? Nếu chúng ta có hỏa tiễn này vào năm 1939 thì chúng ta không bao giờ lâm vào cuộc chiến ngày nay!”
Ngưng một phút ông nói tiếp:
“ Trong suốt cuộc đời tôi, tôi chỉ tạ lỗi với hai người, người thứ nhất là Thống chế Von Brauchitsch, tôi đã không nghe ông ta, khi ông ta nói đi nói lại với tôi hàng chục lần là việc làm của quý ông thật quan trọng. Người thứ 2 là ông đó, ông Dorberger ạ. Tôi chưa bao giờ nghĩ sự nỗ lực của quý ông thành công đến như vậy”.
Sau đó cơ sở thí nghiệm ở Peenemunde được hưởng quyền ưu tiên tối thượng. Nhưng niềm vui của Dornberger có pha lẫn ít nhiều bực bội. Ngay ngày hôm sau người ta ra lệnh cho ông phải bắt lại cho kịp thời gian đã mất và phải thực hiện một kì công về khoa học vô tiền khoáng hậu. Bây giờ nước Đức chiến tranh, lại ở trong tình trạng thiêu thốn đủ thứ, mà lực lượng Đồng Minh tiến đến gần kề và mối đe dọa thường trực của những cuộc oanh tạc ồ ạt không lúc nào ngớt. Ngay cả trong thời bình, trong những phòng thí nghiệm im lìm trang bị đầy đủ, Dornberger còn ngại ngần khi nhận lời hứa với Fuhrer. Ông tưởng tượng ngay bây giờ ông đã có thể sử dụng loại vũ khí đó, loại vũ khí mà Tổng trưởng Bộ Tuyên truyền đã long trọng đặt tên là “ vũ khí nhiệm màu”.
Là một chuyên viên về hỏa tiễn, một kỹ sư tốt nghiệp hẳn hoi, hơn nữa là một quân nhân chuyên nghiệp, Dornberger có cái nhìn thực tế hơn nhiều. Với ông, một khí giới có khả năng tống đi một tấn thuốc nổ xa đến 250km cũng không thể nào thay đổi hoàn toàn được tình thế. Tuy nhiên nếu cách đây 1 năm hay 6 tháng, người Đức sản xuất được hàng loạt A4 thì họ có hy vọng căn bằng được cán cân. Họ có thể chặn đứng được cuộc tấn công xuất phát từ hải cảng Anh Quốc. Tướng Dornberger quyết tâm thực hiện hai mục tiêu trên, tất nhiên với điều kiện người ta để yên cho ông làm.
Tháng 4 năm 1943, có một vị khách đến thăm Peenemunde. Đó là Heinrich Himmler, lãnh tụ S.S. Mặc dù trung tâm thí nghiệm này thuộc quyền quân đội và không quân. Những người S.S không có trách nhiệm gì với trung tâm này cả, ngoài trách nhiệm bảo vệ an ninh. Trái ngược hẳn với những người khác, Dornberger cảm thấy khá thoải mái trược mặt vị lãnh tụ S.S. Khi Dornberger nói, ông này lắng tai nghe một cách chăm chú. Với chiếc kính cặp mũi, với đôi môi mỏng, Himmler có dáng điệu của một ông giáo làng nhã nhặn. Khi Dornberger trình bày, ông chỉ nhìn mọi vật một cách lặng lẽ. Cho tới khi cáo biệt, ông chỉ nói:
- “ Việc làm của ông hay lắm. Tôi có thể giúp đỡ ông, tôi sẽ trở lại!”
Và ông đã trở lại thật, ngày 29 tháng 6 năm đó tự lái chiếc xe nhỏ riêng, có bọc sắt. Sau bữa ăn tối, ông đã dành cho Dorberger, Von Braun và một vài người trong nhóm một màn độc thoại suốt năm tiếng đồng hồ. Ông trình bày cho họ nghe lịch sử là gì, triết học là gì, chiến tranh là gì. Sáng hôm sau  ông tham dự 2 cuộc thí nghiệm phóng hỏa tiễn A4, hỏa tiễn đầu tiên bị hỏng, nhưng chiếc thứ 2 được điều hành một cách hoàn toàn. Himmler tự nguyện sẽ tham gia vào việc giúp đỡ chương trình này, bên cạnh Hitler. Bởi vậy, Dornberger vẫn tiếp tục nhìn Himmler như người đối thoại khả ái, dù có chút lạnh lùng.
Tuy nhiên, khoảng thời gian giữa 2 cuộc viếng thăm của Himmler, Dornberger đã khám phá ra một câu chuyện khá rắc rối, bạn thân với ông, Đại tá Leo Zanssen, một sĩ quan chuyên nghiệp mà trong quá khứ không có gì đáng chê trách, đảm nhiệm việc chỉ huy quân sự ở Peenemunde trong nhiều năm trời đã bị cách chức vì tội chống lại Himmler. Hơn nữa, có vài vị sĩ quan S.S, những người không biết gì về hỏa tiễn, đã quả quyết rằng chính Dornberger phải chịu trách nhiệm về sự chậm chễ này, chương trình mà ông đã phát động và điều khiển suốt 13 năm qua.
Vậy thì Himmler, lãnh tụ S.S đã suy tính gì? Cuộc tiếp xúc khó hiểu của ông ta, có ẩn chứa gì? Chương trình A4 là kế hoạch dự trù của văn phòng xạ thuật quân đội, và với tư cách sĩ quan quân lực Đức quốc, Dornberger mới được đề cử chỉ huy. Nhưng Dornberger đã không biết rằng, cơ quan S.S cũng có riêng văn phòng xạ thuật và khắp nơi trên lãnh thổ Đức Quốc Xã họ đã tước đoạt dần dần những đặc quyền truyền thống của quân đội.
Nếu Himmler có những mưu đồ gì liên quan đến chương trình ở Peenemunde, ông ta sẽ thấy ở Dornberger một đối thủ quyết liệt sẽ phản kháng đến cùng. Đã 48 tuổi, dáng người mập mạp, không cao lớn lắm, mày râu nhẵn nhụi, mặt mày hồng hào, tóc lơ thơ màu xám bạc, chỉ có những cộng sự viên thân cận với ông mới biết bên trong cái trán hói, cái gương mặt mịn màng kia là một tâm hồn quả cảm, là một trí óc tinh nhuệ của những người tiên phong trong ngành hỏa tiễn.
Một ngày kia, câu chuyện xảy ra ở trung tâm Kummersdorf, Dornberger đã làm một lỗi nhỏ. Vì thói quen lúc nào cũng gấp rút, nên khi tháo một chiếc hỏa tiễn chứa toàn bột đen, ông đã dùng một cái búa và một cây kéo bằng thép, thay vì phải đi lấy cái bằng đồng. Một tia lửa xẹt ra đã bắt cháy bột thuốc và hỏa tiễn đã nổ ngay vào mặt ông.
Các y sĩ của quân y viện Bá Linh khám bệnh và cho rằng, ông khó có thể sống sót vì những vết thương này. Ai cũng tin vậy, vì ông đã bị phỏng một cách rùng rợn. Khoa giải phẫu chỉnh hình thời đó còn kém nên cũng không giúp gì được cho ông. Ông nằm điều trị một năm trong quân y viện, một mình với người tùy dịch. Hai người đã tự chế lấy một miếng nhựa thơm trị phỏng. Mỗi ngày, trong suốt 10h liền, sau khi thoa một lớp kem lên khắp mình Dornberger, người tùy dịch phải gắp từng hạt, từng hạt bụi đã dính vào và làm loang lổ mặt và tứ chi của ông. Và Dornberger đã thoát chết. Nhìn cái trán và đôi gò má không một nếp nhăn của ông, người nào mới gặp lần đầu cũng lầm tưởng rằng ông là người không hề biết ưu tư. Có lẽ Dornberger phải nghĩ rằng: một người thoát chết vì hỏa tiễn thì có khả năng để sống dai hơn Himmler.
Năm phút sau khi về tới phòng, Dornberger đã nằm ngủ say sưa, mặc chiếc còi báo động hiệp đầu đang rít lên lanh lảnh bên ngoài. Trời đã quá khuya.

Lúc ấy, Vonbraun cũng đang ngủ. Hồi chiều ông ta đã vào câu lạc bộ với Hanna Reitsch và Dr. Ernst Steinhoff. Ông này chịu trách nhiệm về hệ thống điều khiển và kiểm soát của trung tâm, nên là một trong những nhân vật trọng yếu ở Peenemunde. Sau khi chia tay, Dr. Ernst Steinhoff về tòa nhà gia đình ông đang trú ngụ. Còn Von Braun thì độc thân. Ông ta tiễn cô Hanna Reitsch ra tận xe, cô nữ phi  công này phải lái xe  về ngôi nhà tiếp tân của trung tâm thí nghiệm, cách xa đến 5km, nàng là người dân chính duy nhất được tặng huy chương  Thập tự sắt đệ nhất hạng. Ngày hôm sau, nàng phải lái thử chiếc máy bay phản lực cải tiến, tức là chiếc phóng pháo cơ Messerschmitt 163. Braun đã biết nàng từ năm 1932, lúc hai người còn đang thụ huấn ở một trung tâm huấn luyện phi hành.
Sau khi chúc nàng “may mắn”, Von Braun đi vội về nhà, ông ta cũng có nghe tiếng còi báo động nhưng không quan tâm lắm. Ông là một dân chính và những biện pháp áp dụng chống lại những cuộc không kích không nằm trong thẩm quyền của ông ta. Lúc đó ông ta mới có 31 tuổi và đang đảm nhận chức giám đốc kỹ thuật trung tâm thí nghiệm quân đội ở Peenemunde. Ông ta cũng có những mối lo lắng riêng, khá đủ để không còn thì giờ bận tâm đến việc người khác.
Cách phòng của Von Braun non một cây số là cư xá của bốn nàng chuyên viên Đức và gia đình. Hai nhà bác học  Dr. Steinhoff và Dr. Thiel cũng ở đó. Dr. Thiel cùng gia đình gồm 1 vợ, 4 con đã ngủ say hơn 3 tiếng đồng hồ rồi. 7h sáng đã làm việc nên Dr. Thiel rất cần một giấc ngủ ngon. Ông lãnh một nhiệm vụ thiết yếu: người phụ trách về sức đẩy. Ông đã điều chỉnh máy móc của A4 và hiện đang cải tiến nó. Trong ngôi biệt thự 2 tầng đủ tiện nghi và trông ra biển Baltique cả gia đình Thiel đang say trong giấc ngủ. Không có một tiếng động nào ngoài tiếng gió lay rèm cửa.
Phía nam của cư xá này là một rừng thông. Trong rừng có lập 1 trại tù binh gồm 500 tù binh người Nga. Tù binh này dùng vào việc xây đắp đường sá và các công việc nặng nhọc khác. Những người tù này cũng đã ngủ. Họ ngủ từ 21h khuya, tức là giờ giới nghiêm. Xa hơn nữa, cũng về phía nam, là căn lều lụp xụp trong trại giam Trassenheiden, 600 tù dân chính người Ba Lan bị giam trong đó để đưa đi làm dân công. Trong tù, có ít nhất là 2 người còn thức. Đó là 2 người đã thành công trong việc chuyển về Sở tình báo Đồng Minh những họa đồ vẽ cơ xưởng ở Peenemunde đêm đó. Nhưng mà trại Trassenheiden đã được bọn S.S canh phòng thật nghiêm ngặt với những khẩu liên thanh và bầy chó dữ. Mưu tính một cuộc vượt ngục hay ngay cả thông báo với những tù nhân khác đã không lợi ích gì mà chỉ tổ chọc giận bọn S.S

 

Bộ tham mưu của Ngành Không Quân chiến lược Anh Quốc đã được lệnh tiêu diệt nơi mà người ta nghĩ là căn cứ quân sự bí mật của Đức ngay dịp thuận tiện đầu tiên. Cơ hội đó đã đến vào ngày 17 tháng 3 năm 1943. Đêm đó vào lúc 21h50, Trung tá J.H. Searby và 6 cộng sự viên cất cánh từ căn cứ Norfolk. Theo sau ông là 597 chiếc phi cơ thuộc R.A.F ( Không lực Hoàng gia Anh) đó là những chiếc phóng pháo cơ hạng nặng Halifax và Lancaster.
Theo một chương trình đã được nhắc đi nhắc lại một cách tỉ mỉ, Searby lướt nhanh trên cao độ. Đến không phận Đan Mạch, ông hạ thấp xuống. Thấp đến độ ông phân biệt được cả những đợt sóng nhấp nhô. Sau này, ông nhớ lại những ý nghĩ của ông lúc ấy: “ Phi cơ bay rà rà mặt biển, ngay cả khi trời có trăng, rất khó mà nhận ra mục tiêu. Nhưng mà chúng tôi phải bay thật thấp, thật thấp để cho những radars lớn ven biển không rò ra được chúng tôi”. Trước nửa đêm một chút, ông đã thấy vùng bán đảo hẹp, Phía Bắc đó là Peenemunde.
Đó là một đêm trăng đẹp, trời trong veo, chỉ có vài áng mây bây lờ lững. Searby biết rằng mục tiêu của ông đã được các phi cơ tuần đêm và các pháo đội phòng không D.C.A bảo vệ. Ông tự nhủ rằng: phải là một công tác tối ưu quan trọng nên người ta mới phái ông đi xa thế này mà không có hộ tống. Trước giờ khởi hành một chút, ông có nghe nói về một cuộc đột kích của quân đội Mỹ sau vào Regensburg Schweinfurt ngay sáng hôm nay. Không được yểm trợ, những bình chứa của phi cơ hộ tống không đựng đủ nhiên liệu, nên 60 chiếc phóng pháo cơ đã đi không trở lại.
Thống chế Không quân, Sir Arthur Harris, cũng là tư lệnh Bộ chỉ huy phi cơ chiến lược đã nói thẳng với ông rằng: “ Cuộc hành quân liều lĩnh để tiêu diệt Peenemunde này rất quan trọng. Quan trọng đến nỗi nếu nó không được trả giá bằng sự thành công hoàn toàn, thì nó sẽ phải làm lại cho đến khi nào mục tiêu bị san bằng như bình địa”. “Bomber Harris” hiểu rõ ý nghĩa của những lời trên nhưng sự thật vẫn không được tiết lộ. Đối với những phi công được chỉ định để hủy diệt Peenemunde người ta chỉ nói giản dị rằng người Đức đã chế tạo ở đó “ dụng cụ về radar đặt biệt”
Searby là một Master Bomber, nghĩa là vị chỉ huy về oanh tạc. Nhiệm vụ của ông là bay vòng vòng trên mục tiêu và điều khiển cuộc hành quân bằng âm thanh. Ba vị Master Bomber khác lúc nào cũng sẵn sàng thế chỗ ông nếu “ chúng ta không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ diệt địch”. Ông nhớ những lời này một cách bình thản.
Phía trước Searby là một phi đội Mosquitoes đang bay trên không phận Peenemunde, nhưng chúng không ném bom mà chỉ chờn vờn về phía Bá Linh như sắp tấn công thành phố này. Các phi cơ tuần đêm của cơ quan phòng không Luftwaffe bị trúng kế, chúng vội vàng đuổi theo các chiếc Mosquitoes để ngăn chặn phi đội này lại, không cho tiến gần thủ đô. Và chúng đã bỏ trống Peenemunde! Những chiếc Mouchards có nhiệm vụ soi sáng mục tiêu và đánh dấu các điểm tác xạ. Chúng thả những hỏa pháo màu xanh, trắng, đỏ và vàng.
Searby bay một vòng rộng, rồi quay trở lại và nhắm ngay đầu não của căn cứ. Ông thấy màn khói bắt đầu tỏa trùm lên Peenemunde. Những quả đạn cao xạ phòng không nổ tung chung quanh chiếc Lancaster của ông. Sau hết, quân Đức đã biết rõ cái gì đang xảy ra.
Ông đọc trong bản báo cáo “ chúng tôi đã bắt đầu để sẵn sàng hành động”

 

Tướng Dornberger choàng dậy vì một tiếng nổ kinh hoàng. Giường của ông bị ghim đầy mảnh chai. Kính cửa sổ đã bể nát. Lực lượng phòng không đã khai hỏa, ông chụp lấy chiếc điện thoại trên bàn nhở ở đầu giường và gọi về hầm trú ẩn. Đường dây bị bận, ông nhảy xuống đất, choàng chiếc áo ngoài lên bộ đồ ngủ, xỏ đôi dép vào chân, giẫm lên những mảnh kính vỡ phủ đầy mặt đất.
Bên ngoài, cảnh tượng “đẹp một cách hãi hùng, rùng rợn” đang chờ đợi ông( về sau ông dùng những chữ này để ghi lại cảm xúc của ông).
Những chùm tia sáng của chiếc máy rọi lục lạo trong đêm lấp lánh ánh sao. Các trái khác được bắn lên một cách muộn màng nhưng cũng khá công hiệu. Những làn khói mịt mù trôi bồng bềnh dưới ánh trăng và những trái sáng thì chiếu lấp lánh một màu ngũ sắc. Những vòi lửa vọt lên cuồn cuộn và gầm thét vang rền khắp nơi. Tiếng đại bác phòng không của quân đội Đức bắn lên, tiếng của Không lực Anh dội xuống hòa cùng tiếng kêu vù vù của những chiếc máy bay bốn động cơ của R.A.F tạo lên một âm hiệu đinh tai nhức óc. Mọi người chạy ùa về phía hầm núp, Dornberger lầm bầm tức tối: “ không biết những chiếc tuần không của Luftwaffe đang làm gì?”.
Ông chợt thấy Von Braun trước tháp canh, mái tóc hung hung bám đầy tro, đầu vẫn ngẩng lên. Một trái bom lửa bùng nổ, rít lên trong không trung. Hai người phóng vội vào nơi ẩn núp làm bằng bê tông. Đây là một cái hầm dài, sáng trưng và chứa đầy những người đang bất động vì khiếp sợ. Dornberger gọi điện thoại về bộ chỉ huy phòng bị. Báo cáo trả lời xác nhận mối nghi ngờ của ông là đúng. Ông bắt đầu ra lệnh với giọng khàn khàn:
“ Von Braun đến văn phòng của cơ sở, động viên tất cả mọi người. Tập họp tất cả các nhóm nhân công của Luftwaffe lại. Hãy nỗ lực dập tắt lửa, nhưng nếu không dập tắt được lửa, thì cố giữ lấy đồ án và tài liệu cho an toàn. Nhanh lên!”.
Von Braun biết rõ tầm quan trọng của những tài liệu ở đó, nên không ngần ngại lao mình vào trong bóng đêm đang biến thành biển lửa hừng hực. Ông ta cắm đầu chạy, mặt đầm đìa mồ hôi. Đôi khi hơi bom mạnh quá, xô ông ta té xuống đất. Vòng quanh những hố bom, né tránh những mảnh sắt vụn văng tung tóe khắp nơi, ông  ta cố chạy tới bảo vệ những chồng hồ sơ, kết quả của 13 năm trời miệt mài nghiên cứu. Đàng sau ông, hàng chục rồi hàng nhân viên cấp cứu đang len lỏi hoạt động  trong lớp sương mù đen kịt tạo bởi hỏa pháo và các tầng  khói dày đặc của đám cháy. Mặt mũi họ đen thui dày bồ hóng, không làm sao nhìn ra được ai là ai.
Sau khi Von Braun đi rồi, Dornberger cũng rời khỏi hầm núp để làm một cuộc thanh sát gấp rút. Ông chạy lại phòng đo đạc, rồi xưởng ráp, rồi kho chứa đồ phụ tùng. Sau hết ông chạy đến tòa nhà tiếp tân hiện đang làm mồi cho ngọn lửa, một giờ trước ông còn ngủ say sưa trong đó. Ông chợt nhớ ra ông đã mang theo từ Bá Linh về đây những giấy tờ về gia đình, bộ sưu tầm tem, và những khẩu súng đi săn rất quý giá ( với ý định bảo toàn cho chúng, vì sợ Bá Linh bị oanh tạc). Theo lối cửa sổ ông chạy vào phòng tắm, ông mò mẫm tìm đường băng qua phòng khách. Phòng ngủ của ông bị những cây xà nhà gãy chẵn ngang. Vào phòng quơ tất cả những gì ông nắm được và ném ra ngoài. Ông cặp mấy khẩu súng và những thành tích săn bắn của ông vào nách. Thình lình một cánh cửa đổ ầm xuống, những tàn lửa đỏ cháy lan tới chân ông. Buông xuống tất cả, ông giật một tấm chăn phủ lên người, vượt qua vòng lửa, rồi phóng mình qua cửa sổ đã mở sẵn.

Searby tự hỏi bao giờ các phi cơ tuần đêm của Đức, vừa bị mắc bẫy sẽ trở lại phản công. Ông không khỏi hứng chí khi nghĩ rằng: nhờ trăng sáng,  nhờ bay thấp -8.000 pieds – nên phóng pháo cơ mặc swcstung hoành, sau đó cơ quan phòng không Luftwaffe tha hồ lập thành tích.
Ông vẽ liền tay những vòng tròn trên mục tiêu, ban hành chỉ thị, ước định kết quả, thực hiện các sửa chữa cần thiết. Bây giờ là nửa đêm giờ H theo lệnh người điểm chỉ bằng một tia sáng đỏ, các hỏa pháo vàng đầu tiên được thả xuống, Searby nhìn theo và nghĩ: “ Chúng đanglàm công việc dọ tháp”. Trong khi đạn phòng không nổ chung quanh “William”, tên chiếc Lancaster của ông ta, thì Searby lại quan sát thấy bom nổ và bom lửa rơi rất tập trung. Vài đám cháy đã bùng lên và bắt đầu lan rộng.

Dr. Walther Thiel, vợ và bốn đứa con của ông không bao giờ thấy được đám cháy này. Một quả bom đã nghiền nát ngôi nhà bằng cây của ông ta. Nó đang bùng cháy như một ngọt đuốc.
Còn Dr Ernst Steinhoff, giám đốc văn phòng điều hành và kiểm soát, cùng vợ và 3 con  chạy nào vào hầm ẩn núp, vừa chui vào xong, thì tòa nhà của họ lãnh đủ một quả bom, đổ ầm ngay phía trên đầu họ, sặc sụa vì ho, ngột ngạt vì ngạt thở, nhưng họ vẫn bình an dưới hầm sâu.
Hàng trăm chuyên viên khác và gia đình họ đã nhào xuống hố sâu được đào trước nhà. Có người thì ẩn núp trong những đụn cát, dưới những trận mưa bom, bom nổ một tấn hay bom lân tinh.

 

Khu gia cư dành cho chuyên viên Đức, rồi khu kỹ thuật lần lượt bị oanh tạc. Những đám cháy và những tần khói dày đặc bốc cao lên, che khuất mục tiêu, việc quan sát trở lên khó khăn. 50 phút sau giờ H, Searby thấy xung quanh mình những chiếc Halifax; và Lancaster nổ tung, nhào lộn và bùng cháy ông hiểu ngay: những chiếc tuần đêm của Luftwaffe đã trở về, sau khi bị lừa vì thủ đoạn điệu hổ ly sơn của Searby. Đã đến lúc phải ra lệnh thu quân trở về.
Searby vạch một đường tròn cuối cùng theo chiều thẳng đứng với mục tiêu, đây là lần thứ 14 – và hướng ra khơi. Một chiếc Me-110 nghinh chiến với “William”, nhưng vì nó quá cổ lỗ nên bị khẩu đại liên sau đuổi “ William” bắn hạ. Than ôi! Không phải tất cả các oanh tạc cơ đều có cái may mắn đó. Những khẩu phòng không trên chiến hạm nằm trên hải cảng Peenemunde đã có đủ thì giờ điều chỉnh tác xạ và bắn lên hàng loạt đạn. Ánh trăng sáng đã giúp cho lực lượng Không quân Anh dễ dàng hoạt đông, bây giờ nó lại đem thuận lợi về cho đội phi  cơ tuần đêm của Luftwaffe. Những chiếc máy bay bốn động cơ chậm chạp hơn hết, lại chỉ có súng đại bác gắn bên hông để tự vệ, nên sau khi Searby về đến Anh thì 10 chiếc oanh tạc cơ và 240 phi công đã bị hạ trên đất của địch, vì phi cơ tuần đêm hoặc súng phòng không.
Người ta đã biết trước cuộc đột kích ở Peenemunde sẽ đầy nguy hiểm và trả bằng một giá rất đắt. Sự việc xảy ra đã chứng minh điều tiên đoán đó không sai lầm chút nào. Đối với những người còn sống sót trở về, họ vẫn cho đây là cuộc đột kích thành công và họ tán dương tài điều khiển của vị Master Bomber, tức Searby. Huntley Wood, trưởng đoàn 207, về sau đã nói: khó mà biết được đích xác những thành quả cá nhân mà anh đã đạt được vì “ cường độ oanh tạc quá mạnh”. Nhưng anh ta có cảm giác rằng: “ Nhìn bên ngoài, thì mục tiêu đã đạt được một cách tốt đẹp”.
Fitzgerald, sĩ quan hoa tiêu cùng đoàn với Huntley Wood cũng rất lạc quan. Sau khi tường trình những diễn tiến xảy ra trên đầu của mục tiêu, ông ta  quả quyết: “ không cần phải viếng Peenemunde một lần nữa”. Có lẽ chỉ trung úy Mac Michelmore, thuộc không đoàn 44, mới làm được một bản tóm tắt đầy đủ nhất về cảm tưởng chung của những phi công đã tham dự cuộc hành quân: “ chúng ta đã dự một buổi tiệc linh đình”.