Chương III

     rên tấm cửa kiến mờ người ta đọc thấy dòng chữ viết bằng sơn đỏ
Nguyễn Kim VÂN
Trinh thám tư
Nét chữ vẫn còn mới chứng tỏ anh chàng trinh thám tư Nguyễn Kim Vân mở phòng điều tra tư này chưa mấy lâu ngày.
Cánh cửa mở vào một căn phòng nhỏ, bầy hiệu sơ sài nhưng khá đẹp mắt. Một cái bàn, bốn cái ghế trong số có hai cái ghế bành da mới tinh. Tủ sắt đựng hồ sơ còn nguyên nước sơn bóng. Tủ sách bên trong có xếp những cuốn sách bìa da mà từ ngày được đóng lại tới giờ chưa được mở ra coi lần nào.
Nguyễn Kim Vân ngồi sau bàn. Chàng ngồi theo kiểu Mỹ, tức là ngồi theo kiểu bất lịch sự, hai chân còn nguyên giầy đặt cả lên bàn.
Với điếu thuốc lá gắn trên môi. Vân thở khói xanh lên trần nhà. Chàng có cái vẻ nhàn rỗi vủa kẻ không biết làm gì cho hết thì giờ. Hoặc của kẻ có đủ thì giờ để mà không làm gì cả.
Vân ba mươi ba tuổi. Chàng có cái vẻ xí trai mà đàn bà rất ưa và làm cho chàng nổi bật lên khi đứng giữa đám đông đàn ông. Mặt mũi chàng có cái đẹp « gồ ghề » của một tay chơi anh chị có học không bắt nạt ai nhưng cũng không bao giờ chịu lùi bước trước bất cứ ai. Làn da mặt của chàng không được nhẵn nhụi mấy, sống mũi chàng lệch về một bên và đầu mũi hơi bẹt như mũi một võ sĩ quyền Anh giải nghệ sau vài năm hành nghề. Nghĩa là đó là sóng mũi của một kẻ có công với nghề võ sĩ quyền Anh một thời gian nhưng rút lui khỏi võ đài ngay từ khi mặt mũi chưa bị hư hỏng quá. Quai hàm chàng vuông và nở. Đó là quai hàm của kẻ mà khoa tướng số cho ta biết rằng kẻ có cái quai hàm kiểu đó, rất cương nghị, can đảm và chỉ làm theo ý mình.
Nguyễn Kim Vân thường chỉ làm theo ý chàng. Và kinh nghiệm cho chàng thấy rằng những gì chàng quyết định đều đúng và có lợi cho chàng.
Bên ngoài văn phòng của Vân là phòng cô thư ký Ngọc Anh, cô nữ thư ký riêng trẻ đẹp, quyến rũ, gợi cảm và tới đây làm việc với số lương chết đói vì có cảm tình với ông chủ, tức là có cảm tình với Vân.
Ngọc Ánh có đôi mắt nhung đen, mái tóc dài óng  mượt và tấm thân « núi lửa ». Nàng là vật mà Vân cho là duy nhất có giá trị, đáng tiền ở trong cái văn phòng của chàng.
Ngồi sau cái máy đánh chữ từ lâu thất nghiệp không được ăn giấy, Ngọc Ánh lơ đãng dở coi mấy cuốn tuần báo xi – nê và phụ nữ. Nàng chẳng ưa đọc loại sách báo lẩm cẩm này mấy nhưng vì chẳng có việc gì làm, nàng coi cho quên thì giờ.
Thỉnh thoảng nàng lại che miệng ngáo vặt. Mắt nàng lúc nhìn lại đồng hồ. Còn lâu lắm mới tới giờ đóng cửa văn phòng. Bây giờ mới là ba giờ chiều.
Tiếng chuông gọi reo vang làm cho Ngọc Ánh giật mình. Nàng bỏ tờ báo xuống để đi qua phòng « ông chủ ».
- Có còn điếu thuốc lá nào không cưng ? vừa hỏi, Vân vừa vuôn vai, tấm thân khá nặng của chàng làm cho cái ghế chuyển động rắc rắc – cho xin một điếu. Một điếu thôi …
- Ngượng làm gì. Lấy cả gói cho đỡ phiền đưa lẻ …
Ngọc Ánh trở ra mở ngăn kéo lấy gói thuốc lá mang vào cho Vân. Nàng không thích hút thuốc lá mấy, nàng mua sẵn gói thuốc để ở ngăn kéo bàn, phòng khi Vân hỏi tới.
- Em thật rộng rãi – Vân nói và lấy một điếu châm lửa – Sau này người đàn ông nào lấy được em làm vợ chắc sẽ sung sướng lắm …
Ngọc Ánh buồn rầu:
- Em già rồi. Đến ế chồng mất thôi.
Nghe giọng nói chán đời của cô gái. Vân vội vàng lảng qua chuyện khác, chàng biết là nàng sắp sửa « tả oán » và chàng không có thẩm quyền gì về vấn đề tình cảm của nàng:
- Chiều nay em có bận gì không?
- Em cũng bận nhiều việc như anh vậy …
- Nếu em bận nhiều như anh thì mệt lắm. Em làm sao cho hết việc … ? - Ngừng nói đùa, Vân đổi giọng nghiêm trọng - Đừng lo. Không kéo dài mãi đâu. Thế nào rồi mình cũng có việc làm, mà khi đã có việc mình sẽ làm không xuể. Tin anh đi.
- Anh nói câu đó đã từ hai tháng nay rồi, nghĩa là từ khi mình bắt đầu mở tiệm. Nhưng vẫn chẳng thấy có ma nào tới cả. Em đã nói với anh là xã hội mình chưa cần đến trinh thám tư … Xã hội mình chưa tiến bộ nhiều như Âu Mỹ, đời sống chưa đến nổi nào máy móc và phiền toái lắm … Người mình biết nhau hết, ai làm cái gì lạ cả làng biết, làm gì có ai cần đến thám tử riêng để điều tra dùm người ta …
- Anh thua em từ lâu rồi mà. Anh không tranh luận về chuyện wã hội với em đâu.
- Nhà bàn ghế vừa cho người ta đòi tiền. Họ nói nếu tuần này mình không trả hết tiền cho họ thì họ sẽ tới lấy hết bàn ghế …
Vân nhúng vai :
- Cho họ lấy mình mua đồ khác, đẹp hơn. Cần gì …
- Nhưng nếu để họ lấy đi hết em sẽ lấy gì mà ngồi?
Vân làm bộ ngạc nhiên.
- Ủa ? Họ dọa lấy cả cái chỗ để ngồi bạc triệu của em đi hay sao ? Đâu có được ?
Ngọc A1nh nhíu đôi lông mày cong lá liểu :
- Bộ anh không bao giờ nghiêm trọng được lấy một lúc hay sao ? Từ giờ đến thứ bảy này, tức là tới hết ngày mai đây, nếu mình không có ba mươi ngàn đồng  để trả nợ, mình sẽ bắt buộc phải … « Phẹc mê bu tích »… (Fermer la boutique = đóng cửa tiệm)
Vân thở dài :
- Tiền … Chỉ có tiền … Bây giờ sở mình còn bao nhiu tiền ?
- Sở mình còn đúng hai ngàn ba trăm đồng …
- Còn nhiều vậy sao ? vậy là chúng mình hãy còn giàu quá …
- Em không hiểu tại sao anh có thể cho là chúng ta giàu được ?
- Vì chúng mình không nợ tiền ai. Không nợ nần là giàu chứ sao ?
Ngọc Ánh thở dài :
- Em đã nói ngay từ đầu rằng anh mở cái phòng trinh thám tư này là không hợp thời. Không cần thiết với người đời. Anh không chịu nghe em. Anh đang làm phóng viên hạng nhất ở tờ Thời Báo. Báo đang bán chạy nhất nước và anh được trả lương thật hậu … Nếu anh chịu khó ở lại đó …
Vân tỏ vẻ bực bội :
- Cô này ăn nói thiệt kỳ … Bộ cô muốn tôi suốt đời đi làm công cho thiên hạ mãi hay sao ? Nếu cô không tin tưởng ở tương lai của cái sở trinh thám tư văn minh này, tại sao cô lại bỏ sở làm cũ của cô để qua đây ? Tôi đã nói trước với cô là buổi đầu mình vất vả lắm, cô sốt sắng tới làm lắm kia mà ?
Nụ cười nở trên môi Ánh :
- Em đến và nhanh là vì em yêu anh.
- Ồ … - Vân nhăn nhó … thôi em đừng làm khổ anh vì chuyện yêu đương nữa đi, anh chưa đủ khổ tâm hay sao ? Tại sao em không chịu thực tế một chút ? Người như em phải lấy tổng trưởng hay tỷ phú chớ. Em dành tuổi xuân và sắc đẹp cho anh phí đi. Suốt đời anh sẽ nghèo. Anh sẽ chẳng bao giờ thành công hết … Anh là thằng tồi đến nỗi không bảo đảm được đời sống vật chất tối thiểu cho vợ con …
- Em nuôi con, em nuôi cả anh nữa, nếu cần … Bao giờ anh cưới em ?
- Đến tết Congo anh cưới em …
- Xong rồi. Nếu em tìm đúng được ngày tết Congo ghi trong lịch Tam Tông Miếu, anh phải cưới em nghen …
- Em đi in riêng một cuốn lịch để em xài, mấy hồi … Thôi cho em nghỉ làm chiều hôm nay. Em đi làm tóc, đi coi ci –nê, hay đi dạo phố, đi làm bất cứ việc gì đi. Nhàn cư vi bất thiện. Các cụ nói chẳng sai chút nào. Để em ở đây không có việc gì làm, em nghĩ bậy …
Ngọc Ánh sịu mặt xuống. Nàng lo cho tương lai của người yêu và nàng tin hắc rằng cái sở điều tra riêng này của chàng sẽ không thể nào đứng vững được vì thiếu thân chủ. Dân chúng phải có một mức sinh hoạt cao, nghề thám tử tư mới có thể sống nổi. Suy nghĩ vài phút, nàng nói:
- Em nghi anh nên trở lại nghề làm báo. Anh nổi tiếng là nhờ làm báo. Nghề làm báo đài thọ anh xứng đáng, đầy đủ, anh bỏ nghề tức là anh phụ nghề … Chưa đến lúc anh ra làm ăn một mình. Người ta muốn làm ăn thành công phải có thời vận …
Vân kiêu ngạo nàng :
- Em mà cũng tin ở số mạng với thời vận kia à ? Em nói như là thấy bói. Anh hỏi em nghen … Em nói người ta có thời vận, nhưng thử hỏi nếu em là một cô gái mắt lé, răng hô, cặp đùi em lớn bằng hay cây tre … liệu em có số lấy chồng  giàu, chồng bảnh trai, làm lớn không ?
Ngọc Áng lắc đầu :
- Chuyện đời không đơn giản như anh nói. Em nói thật, anh cứ đùa giỡn … Anh mà còn coi thường em nữa, em sẽ giận … Anh biết đó, em ít khi giận nhưng khi em đã giận, anh đừng trách em tàn nhẫn …
Vân lặng yên, chàng biết đây là giây phút quan trọng thật sự.
- Theo em … - Ngọc Ánh nói tiếp … Anh nên trở lại tờ Thời báo. Nếu anh chịu nói lại với anh Bảo một tiếng, em tin chắc ảnh sẽ để anh trở lại giữ công việc cũ của anh trong tở báo ngay. Anh Bảo có vẻ mến anh lắm mà, mặc dù anh có tật khinh người, anh không coi anh ấy ra gì …
Vân cười và lắc đầu :
- Anh không thể trở lại xin việc làm ở tờ báo Thời Báo được. Vì một lẽ dễ hiểu là me sừ chủ bút Văn Bảo, người mà em cho là có cảm tình với anh đó hắn thâm thù anh quá rồi. Bây giờ anh có chết đói ngay trước mặt hắn, hắn cũng không còn mủi lòng. Trước khi anh ra đi, anh có chửi hắn một chập trước mặt đông đủ anh em tòa soạn. Anh vạch một đống lỗi lầm vì dốt nát của hắn ra. Vì hắn dốt thật nên hắn đau và hắn đau nên hắn thù anh …
Ngọc Ánh chưa kịp trách móc gì người yêu chợt có tiếng chuông cửa reo vang. Ngọc Ánh nhìn ra :
- Ai tới giờ này kìa ? Không lẽ lại anh chàng bàn ghế đến đòi nợ … Hay là nhà đèn tới cắt điện vì mình không trả tiền điện từ tháng trước ?
Vân nhún vai :
- Nếu có bị cắt điện cũng chẳng sao. Mình có dùng gì đến điện ?
Ngọc A1nh đi ra mở cửa. Nàng trở vào phòng sau đó chừng hai phút và có vẻ xúc động :
- Đố anh biết ai ở ngoài đó ?
Nàng đặt tấm danh thiếp trước mặt Vân. Chàng nhìn dòng chữ trên dan h thiếp rồi sững sốt nhìn Ngọc Ánh :
- Tạ Phong ? Nhà tỷ phú Tạ Phong tới mình đó à ?
Nàng gật đầu :
- Chính ông ấy tới. Ổng nói muốn gặp anh …
- Em có thấy đúng người tới đó là Tạ Phong hay không ? Hay là ông sai người đại diện ?
- Chính ổng mà. Em có nhìn kỷ hình ổng đăng trên báo. Chính ổng …
- Mời ông ta vô, em còn chờ gì nữa …
Ngọc Ánh mở cánh cửa thông ra phòng ngoài :
- Ông Tạ Phong, xin mời ông vô …
Đợi cho Tạ Phong vào phòng, nàng ra và đóng cửa lại.
Vân đứng dậy chào khách. Chàng vẫn yên trí Tạ Phong phải là một ông nhà giàu bệ vệ kiểu Tàu Lai, nhưng trước mắt chàng, người đàn ông hiện là công -kỹ- nghệ - gia quan trọng nhất nhì của nền kinh tế Việt Nam, lại là ông già mảnh khảnh, trông có vẻ nho nhã và trí thức.
Tạ Phong gầy và cao, tóc bạc, mang kính trắng nhưng mắt vẫn còn rất sáng và nhanh. Qua cái nhìn nhận xét đầu tiên, Vân nhận thấy Tạ Phong là người cương nghị. Sức mạnh tinh thần của ông ta hiện rõ trong đôi mắt. Tạ Phong không phải là mạt (marque = hiệu) gian thương tầm thường. Đó là một con người từng trải, cương quyết và đôi khi nguy hiểm.
Hai người đàn ông bắt tay nhau. Trong lúc Vân nhìn và nhận xét Tạ Phong, nhà tỷ phú cũng nhìn và nhận xét chàng thám tử.
- Mời ông ngồi.
Hai người đàn ông, một già một trẻ, một người giàu tiền nhưng đường tương lai đã bị chẹn lối, đã đi gần hết đường đời và biết rằng mình chẳng còn hy vọng hưởng thụ gì nhiều ở cuộc đời này ; người trẻ kia, nghèo nhưng đường đời còn dài, tương lai sáng như buổi bình minh.
Vân thấy Tạ Phong rút trong túi ra một hộp đựng thuốc lá bằng vàng, chàng hiểu ngay Tạ Phong có hút thuốc lá nhưng không có hút nhiều, vì kẻ nghiện thuốc lá nặng, ngày hút thuốc từ hai gói trở lên như chàng không mấy ai có thì giờ bận bịu lấy thuốc lá ra, bỏ thuốc lá vô những cái hộp đựng thuốc lá bằng kim khí. Loại hộp này không đựng được  nhiều thuốc. Nhiều lắm là chỉ bỏ vào hộp được mười lăm điếu thuốc, và mười lăm điếu thuốc lá với một kẻ hút ngày hai gói không là mùi mẽ gì.
Chiếc bật lửa của nhà tỳ phú đúng là loại bật lửa mà chỉ có những nhà tỷ phú hoặc Tổng giám đốc Ngân hàng, hoặc các vị Tổng trưởng chánh phủ được người có hàm ơn mua tặng. Vân nhìn qua nhận ngay đó là hộp quẹt hiệu Dunhill bằng vàng diệp, loại vàng mà người Pháp gọi là micron. Vốn có biết qua về những loại hộp quẹt nổi tiếng nhất của ngoại quốc. Vân ước lượng cái Dunhill của ông khách trị giá khoảng hai chục ngàn đồng.
Chàng nghĩ thầm : có tiền mà biết ăn chơi như ông này kể cũng khoái. Người đời chỉ cười những thằng cha trọc phú có tiền mà vẫn keo kiệt không dám ăn, không dám chơi, có tiền mà vẫn làm tôi mọi cho đồng tiền, nhưng chẳng ai cười, mà nói thật ra là chẳng ai dám cười loại hào phú. Trọc phú và hào phú cũng có khác nhau chứ !
Chàng chớt nhớ đến chuyện cô ái nữ của nhà hào phú này, người thiếu nữ có cái tên là Bạch Lan và có thói quen xuất hiện trong các dạ hội với bông hoa thược dược trắng – trên ngực áo – đang bị bọn bắt cóc giam giữ. Không cần phải hỏi. Vân cũng dư biết là hôm nay Tạ Phong tới đây tìm chàng là chuyện cô con gái bị bắt cóc.
Chàng nhìn kỹ hơn và thấy rõ nét mặt Tạ Pbhong hằn những nét lo âu và đau đớn ! Không có gì làm cho người ta đau đớn bằng việc bị lạc mất con. Chẳng thà con chết, mình biết nó chết, mình chỉ đau đớn một lần mà thôi ! Chàng lại nghĩ thầm như vậy và lặng yên chờ đợi ông khách nói.
Như biết là Vân đang nghĩ gì về mình. Tạ Phong nói ngay giọng nói vẫn trầm tỉnh chứng tỏ ông ta là một người gan dạ :
- Ông Nguyễn Kim Vân … tôi tới nhờ ông tìm dùm con gái tôi … Chắc ông có theo dõi vụ con tôi bị bắt cóc đòi tiền chuộc ?
Hành động nói thẳng vào việc của Tạ Phong làm cho Vân cảm thấy mối thiện cảm tăng lên trong lòng chàng. Vốn là quả cảm, ưa hành động hơn là nói nhiều, Vạn rất thích những người nói thẳng vào chuyện.
Chàng gật đầu :
- Thưa vâng. Tôi có theo dõi …
- Tôi nghĩ và tôi tin chắc rằng ông có thể giúp tôi được - Tạ Phong trần ngân tiếp – Tôi có tìm hiểu qua về ông. Ông không phải là côn đồ nhưng ông biết nhiều về giới đó. Ông quen biết về những thủ đoạn bất lương của chúng. Tôi nghĩ rằng tôi cần tìm được một người đặc biệt như ông mới có hy vọng tìm ra được tông tich bọn bắt cóc con gái tôi. Ông có thể hành động được dễ dàng, ông không bị gò bó vào luật lệ như những ông thanh tra cảnh sát. Ông nghĩ sao ? Tôi quan niệm về ông như vậy có đúng không, ông Vân ?
Trong khi nói những lời đó, đôi mắt sắc của Tạ Phong vẫn chăm chú nhận xét con người Nguyễn Kim Vân.
Vân ngồi ngay ngắn lại và trả lời :
- Ông nghĩ đúng đấy. Có điều tôi thấy rằng, hôm nay ông mới tới đây và trao cho tôi nhiệm vụ đi tìm cô Bạch Lan … thì chơi chậm … Cô Bạch Lan mất tích tới hô nay đã được hơn một tháng rồi …
-  Bốn muơi nhăm ngày đúng …- Tạ Phong đỡ lời chàng – Tôi còn nóng nẩy hơn ông nhiều, nhưng tôi chẳng thể nào làm khác. Vì tôi phải dành đủ thì giờ cho các ông thanh tra cảnh sát làm việc. Tôi không nói rằng cảnh sát của ta không có khả năng hữu hiệu. Có điều bọn bắt cóc quá nhiều thủ đoạn gian manh, chúng đã qua mặt được cảnh sát. Cho tới nay, cảnh sát đã phải chịu bó tay. Bây giờ đến lượt tôi được quyền tìm bọn bắt cóc con tôi. Tôi có ý định này với những viên cảnh sát có trách nhiệm. Chính Thiếu tá Nghi Chánh sở Truy Tầm, đã giới thiệu ông với tôi. Thiếu tá có vẻ có cảm tình với ông và trọng nể ông lắm. Tôi được biết trước đây  ông là một phóng viên nhà báo chuyên điều tra những vụ giết người, án mạng, nghĩa là một phóng viên chuyên viết về bạo lực. Nhờ đó, ông có cơ hội quen biết nhiều bọn đạo tặc ở thành phố này. Thiếu Tá Nghi còn nói rằng nếu ông là người phụ trách cho tôi việc này thì ông ta sẽ sẵn sàng giúp đỡ ông những gì mà ông cần. Ông ta sẽ giúp ông tận tình, hết khả năng mà theo tôi, sự giúp đỡ của cảnh sát rất cần. Việc Thiếu tá Nghi không lấy làm bất mãn vì tôi nhờ thám tử ngoài điều tra vụ này làm tôi hết sức mừng. Ông ấy có quyền bất mãn. Và nếu ông ta bất mãn, vioệc làm của ông sẽ rất khó khăn.
Tạ Phong ngừng l ại vài giây như để đo lường phản ứng của Vân, rồi ông nói tiếp :
- Ông Vân, nếu ông nhận lời giúp tôi tìm ra bọn bắt cóc để bắt chúng phải đền tội ác, tôi đóng ngay đây số bạc 300.000 đồng để ông mở đầu cuộc điều tra. Nếu ông thành công, ông sẽ có số bạc hai triệu đồng tiền công khó của ông. Tất cả những gì ông cần dùng : xe hơi, máy bay, nhà cửa… tiền, ông đều không có hạn định. Muốn tiêu gì ông cứ việc lấy tiền ở Ngân hàng tôi. Tôi đề nghị như vậy, ông trả lời sao, ông Vân ?
Kim Vân có choáng váng vài giây, nhưng chàng trấn tỉnh được ngay. Đây là vụ điều tra đầu tiên trong đời thám tử của chàng và đây lại là một vụ lớn, thật lớn. Từ trước, chàng đã nhiều lần làm những cuộc điều tra nhiều nguy hiểm, nhưng đó toàn là làm với phóng viên nhà báo, làm cho tờ báo. Đây là lần thứ nhất chàng làm việc cho chính chàng. Vân bị xúc động là vì vậy chớ không phải vì số tiền hứa hẹn hai triệu đồng. May mắn nhất là chàng không bị « mở hàng » bằng việc đi tìm vàng bạc, tìm hột xoàn cho bà nhà giàu nào bị mất cắp, hoặc phải đi rình ở hàng lang khách sạn những ông chồng có mèo, có vợ bé mà bà vợ lớn lại có máu ghen hạng nặng.
Chàng ôn tồn :
- Ông Tạ Phong, tôi nhận lời và tôi xin hứa sẽ làm hết sức tôi. Song, tôi không thể bảo đảm trước với bất cứ kết quả gì. Ông cũng dư biết rằng ở nước ta, lực lượng cảnh sát của ta rất mạnh, mạnh và lớn. Cảnh sát có đầy đủ phương tiện, nếu họ không tìm ra được bọn bắt cóc, có thể là tôi cũng không thể tìm ra. Nhưng tôi nhắc lại lần nữa, tôi sẽ hết sức.
- Ông cố gắng hết sức là tôi hài lòng rồi. Thành bại không đáng kể. Tôi còn suốt một đời tôi, tôi còn cả sản nghiệp của tôi để theo đuổi bọn ác ôn đó. Tôi sẽ tìm bắt chúng đến cùng.
Giọng nói trầm tỉnh của Tạ Phong đến lúc này mới thấy có những âm thanh căm hờn, xúc động :
- Tôi nhất định bắt những tên đã làm hại đời con tôi phải … chết.
Nghe nói âu đó, Kim Vân thấy sợ hãi thay cho bọn ác ôn vô danh. Chàng biết rõ một người như Tạ Phong không bao giờ chấp nhận thua cuộc. Người như Tạ Phong không bao giờ chấp nhận thua cuộc. Người như Tạ Phong chỉ chịu thua có trời. Trời và Số Mệnh. Ông ta không chịu thua người nào. Bọn ác ôn có trốn ra ngoại quốc cũng vẫn không thoát.
Tạ Phong dằn xúc động lại để hỏi chàng :
- Ông cho tôi biết ông định khởi cuộc như thế nào ?
- Chính tôi là người đã viết bài tường thuật thứ nhất về vụ bắt có cô Bạch Lan cho tờ Thời Báo. Đó là bài tường thuật cuối cùng của tôi trước khi tôi ra khỏi tòa soạn. Tôi có giữ một hồ sơ gồm tất cả những chi tiết đã đăng trên báo. Việc làm trước hết của tôi là mở hồ sơ ra nghiên cứu lại thật kỹ. Tôi hy vọng và tôi tin là tôi có thể tìm được ở đó vài đầu dây để khởi từ đó tìm đi. Ngay từ ngày đầu, tôi đã thắc mắc về một điểm quan trọng : đó là việc hai tên chủ mưu bắt cóc là Sơn và Bái. Chúng thường được gọi là Sơn Gù và Bái Chuột. Tên Sơn hơi gù lưng và tên Bái có khuôn mặt quắt nhỏ, nhọn như mặt chuột ? Tôi có biết hai tên đó. Trước đây, tôi thường gặp chúng lai vãng ở những nơi ăn chơi ban đêm. Tôi tới những nơi đó để tìm tài liệu cho những thiên điều tra trên báo của tôi. Hai tên tầm thường và hèn lắm. Chúng chỉ là bọn cướp đường, cướp chợ, cướp đe dọa đàn bà, con gái chớ không phải là bọn ác ôn dám làm những vụ cướp lớn. Bọn côn đồ cũng coi khinh hai tên đó. Vậy mà bổng nhiên hai tên hạng bét đó lại thành công một vụ rất lớn, một vụ bắt cóc làm chấn động dư luận và làm cho cơ quan cảnh sát phải dốc toàn lực vào việc tìm bắt chúng mà chúng vẫn cứ thoát. Nhờ điều kiện gì mà hai tên đó làm được vụ này … ?
Tôi vẫn không tin là hai tên SSon Gù và Bái Chuột. Cho tới bây giờ, khi chính cảnh sát cũng nói rằng chúng là tác giả, tôi cũng vẫn không tin. Nếu ông cũng biết hai tên cướp đường tầm thường như tôi biết chúng, chắc chắn ông cũng nghĩ như tôi. Nhất định Sơn Gù và Bái Chuột khônh phải là kẻ chủ mưu. Hai tên đó không đủ sức. Bắt cóc và đòi tiền chuộc cả mười triệu đồng bạc không phải là nghề của chúng. Chúng tầm thường đến nỗi chúng không dám nghĩ đến việc bắt cóc nữa là khác. Giấc mơ cao đẹp nhất của hai tên đó chỉ là một vụ cướp tiệm vàng, vồ lấy vài trăm lạng vàng làm vốn và gỉi nghệ về làm nhề nuôi gà hoặc mua xe tắc xi cho mướn. Nhưng tôi có nghĩ gì về chúng đi nữa, sự thật vẫn đó. Hai tên đó đã bắt cóc được, đã đòi được tiền chuộc và đã trốn thoát lưới bao vây của cảnh sát … Và đây là chi tiết thứ hai làm tôi thắc mắc, suy nghĩ : Bọn chúng đã lấy được tiền chuộc khá lâu rồi … Mười triệu bạc thời buổi này không phải là một số tiền nhỏ, nhất là với những tên côn đồ đói rách như hai tên đó. Nhất định là khi có tiền, chúng phải tiêu ra chẳng nhiều thì ít. Nhưng tuyệt nhiên, người ta chưa tìm thấy có lấy một trăm bạc nào trong số tiền ông nạp cho bọn chúng được tiêu ra thị trường. Tại sao ? Chúng sống bằng gì ? Chúng lấy tiền đâu để ăn chơi, để trốn đi ? Nhất định cũng phải tiêu vào số bạc đó chứ ? Còn một chi tiết nữa mà tôi chú ý : Sơn Gù có một cô nhân tình sống với gã già nhân ngãi non vợ chồng. Nàng tên là Nhung, Nguyễn thị Nhung và nếu tôi không lầm thì nàng làm nghề gái nhảy, một thứ gái nhảy kiêm vũ công trình diễn những vũ điệu học lỏm của xi nê Âu Mỹ được gọi là nhảy « sếch – xy »… Cảnh sát cũng biết Thị và đã điều tra, thẩm vấn Thị nhiều lần nhưng chẳng tìm biết được gì ở Thị . Tôi tin rằng không phải là Thị Nhung biết nơi ẩn nấp của nhân tình mà không chịu khai, tôi tin rằng Thị cũng không biết là Sơn Gù, nhân tình của Thị đi đâu, ở đâu, với ai. Tôi còn biết chắc rằng Sơn Gù rất yêu mê Thị Nhung. Gã chỉ cốt làm tiền để có thể sống với Thị. Vậy mà một sớm, một chiều Sơn Gù bỏ rơi người gã yêu. Hành động đó không hợp lý. Côn đồ và gái làng chơi cũng có tình yêu, chúng còn yêu dữ dội, chung thủy hơn người thường rất nhiều. Tôi thực sự không tin rằng Sơn Gù bỏ tơi Thị Nhung. Tôi sẽ liên lạc ngay với Thiếu tá Nghi về vụ này. Tôi sẽ tới cảnh sát yêu cầu cho tôi nghiên cứu hồ sơ của họ, nhất là coi lời khai của Thị Nhung. Tôi cần coi lại hồ sơ và thảo luận với Thiếu tá Nghi để chắc chắn là tôi bỏ sót một đầu dây nào đó. Bắt đầu từ giờ này tới 48 tiếng đồng hồ sau, tôi sẽ trả lời ông rõ ràng là tôi có hy vọng gì tìm ta bọn ác ôn hay không ?
Hai người đàn ông im lặng. Vân châm điếu thuốc lá mới và Tạ Phong cũng làm như chàng.
Một lúc khá lâu sau. Vân mới hỏi :
- Ông không yêu cầu tôi tìm lại cô Bạch Lan còn sống cho ông chứ ?
Nét mặt của Tạ Phong chợt sắt đanh lại :
- Không. Con tôi đã … chết rồi. Tôi biết chắc như vậy. Chúng đã giết con tôi …
Như người nói một mình - Kim Vân nghĩ rằng Tạ Phong có thể nói câu đó trong khi ông ngủ, trong những cơn ác mộng của ông ta - Tạ Phong nhắc lại :
- Con tôi đã chết.
Như người xua đuổi ý nghĩ đen tối. Tạ Phong đột ngột rút tập ngân phiếu và cây viết để xuống mặt bàn :
- Tôi ký cho ông ngân phiếu 300.000 đồng đây.
Khi trao tờ ngân phiếu cho Vân, ông hỏi :
- Tôi sẽ được ông trả lời trong hai ngày nữa ?
- Vâng.
- Tôi nhắc lại : tiền bạc không thành vấn đề. Ông có quyền chi tiêu không giới hạn. Ông hãy cho bọn côn đồ biết là chúng sẽ được lãnh số bạc thưởng lớn hơn sự tưởng tượng của chúng nếu chúng giúp ông có tin tức về bọn bắt cóc …
- Ông để tôi lo. Tôi sẽ không làm phụ lòng kỳ vọng của ông.
Tạ Phong vừa ra khỏi, Ngọc Ánh ào ào vào phòng như một cơn gió thơm :
- Sao ? Ông ấy nhờ mình việc gì vậy ?
- Em đã nghe lỏm hết rồi còn giả đó chưa biết nữa ư ? – Vân dơ tấm ngân phiếu vừa ký lên – Chúng ta giàu rồi. Cưng nhìn coi. Rõ chưa ? Ba trăm ngàn đồng chưa khô nét mực …Đẹp không ?
Chàng đưa tờ ngân phiếu cho Ngọc Ánh. Nàng hít hà, nâng niu tờ giấy đó như là một vật quí báu nhất đời, một vật có hồn. Không phải đây là lần đầu tiên nàng được cầm một tờ ngân phiếu có số bạc lớn đến ba trăm ngàn đồng mà là nàng bị xúc động. Nàng xúc động đây vì số bạc này là tiền của họ. Đây là tiền công vụ điều tra đầu tiên của thám tử tư Nguyễn Kim Vân.
- Em lại có ghế ngồi rồi, khỏi sợ phải ngồi bệt xuống đất nữa. Mau đi … ra ngân hàng chuyển tấm ngân phiếu vào ngay trương mục đã khô như đá của anh và lấy ra năm mươi ngàn đồng để tiêu vào những việc cần kíp. Mau lên không ngân hàng đóng cửa mất bây giờ …
Thiếu tá Lê Đình Nghi của Sở Truy Tầm Tội Ác là một người có học về luật tội ác. Ông trạc 40, hành nghề chừng 10 năm trong số có 2 năm đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Trông ông, người ta thấy ông có cái vẻ thông minh, biết điều của một nhà trí thức không xa lạ với những trò ăn chơi và cái vẻ hoạt động thực tế của những người Á Đông đã từng học ở Hoa Kỳ. Nói tóm lại, Thiếu tá Nghi là một nhân viên làm cho nghành cảnh sát xứ này được kính nể và giúp cho nghành có thể hoạt động hữu hiệu.
Ông nhô mình qua mặt bàn bắt tay Vân :
- Thật không ngờ có ngày toa (Toi = mày) lại trở thành thám tử tư. Cứ y như là truyện trong xi – nê Mỹ và moa (Moi = tao) lại có hân hạnh được tiếp toa ở đây. Ngồi chơi, có gì lạ không ? Từ ngày mở hàng tới giờ, đã thành công bao nhiêu vụ rồi ?
Vân ngồi xuống và mỉm cười :
- Cho tới hôm nay mới có khách.
- Tôi rất hài lòng được biết anh đã nhận lời ông Tạ Phong để làm vụ này. Ông ta là người biết điều…
- Tôi cám ơn anh đã giới thiệu tôi với ổng …
- Nói thực với anh khi tôi giới thiệu anh với ổng, tôi cũng chẳng có gì là tốt lắm đâu. Tuy ông ấy là người biết điều như tôi vừa ca ngợi, song nóng lòng vì bị mất cô con gái cưng, ông ta hành hạ tôi quá đi … Tôi gần phát điên vì ổng … Ổng lại là người có thế lực … Chính vì ổng biết điều nên tôi mới chưa bị mất sở làm. Nếu là người khác, ông ta có thể cho rằng tôi bất tài, không xứng đáng với công việc … Nếu ông ta nói như vậy cũng không phải là không có lý. Bằng chứng là tôi đã bó tay không làm gì được bọn bắt cóc cô Bạch Lan. Tôi có bị đuổi đi nơi khác cũng là đáng lắm. Nhưng ông Tạ Phong đã không làm quá như vậy… Tôi có nói cho ông ta … Và cho cả thượng cấp tôi rõ, cảnh sát không bao giờ chịu thua, cảnh sát nhớ dai, thù lâu lắm. Năm mười năm sau cảnh sát vẫn còn đó, vẫn còn bắt được bọn bắt cóc và đưa chúng ra tòa đại hình. Nhưng nếu đòi bắt ngay thì đôi khi cảnh sát không làm ngay được. Tôi nói không làm ngay được chớ không phải là sẽ không bao giờ làm được. Tôi bèn giới thiệu anh với ông ta và nói rằng nếu ông ta muốn có kết quả ngay thì nên nhờ tới anh.
Nghi cười, cái cười hơi gượng :
- Thế là từ nay, mỗi khi nổi cơn điên vì con gái mất tích, ông tỷ phú sẽ sài sể anh chớ không sài sể tôi nữa …
Vân hiểu nỗi lòng của Nghi. Từ lâu rồi, chàng vẫn coi Nghi như là một người bạn. Hai người đàn ông vẫn có sự kính nể lẫn nhau. Vân biết rằng phải nói, phải kể dài dòng thế này, Nghi đã khổ tâm nhiều. Dù muốn dù không, tự ái của Nghi cũng bị va chạm sứt mẻ nặng hoặc nhẹ. Lâu lắm mới có một vụ bắt cóc lớn và làm sôi nổi dư luận đến như vụ cô Bạch Lan. Nếu Nghi thành công vụ này, nghĩa là nếu Nghi bắt được bọn bắt cóc, giải thoát được cô Bạch Lan trong một thời gian tương đối mau lẹ, uy tín, chức vụ, quyền lợi của Nghi cũng tăng. Nhưng không còn may cho Nghi, bọn ác ôn tổ chức kỹ quá. Cho đến ngày hôm nay với cả một lực lượng hùng hậu, đầy đủ phương tiện tối tân, cảnh sát vẫn chưa làm gì được bọn ác ôn.
Nghi kết luận :
- Vì vậy, anh đừng cám ơn tôi. Tôi nói ngay để anh biết bọn bắt cóc cừ lắm, chúng không để lại qua một dấu vết nào cả. Bọn chuyên môn bắt cóc có tống tiền nổi tiếng, nhứt ở Chicago cũng chỉ cừ đến như chúng là cùng. Với tư cách cá nhân, tôi thán phục chúng, phải nói theo danh từ thể thao sặc mùi cải lương là … tôi phải ngả nón, cúi đầu … chịu thua chúng trong hương khói vẻ vang mới đúng. Anh đi thi sắc đẹp và khó được giải nhất thế nào thì anh cũng khó thành công trong vụ này như vậy …
Vân nhíu đôi mày rậm :
- Nhưng … Chúng phải ở một nơi nào chớ ?
- Tự nhiên rồi, chắc chắn như thế rồi … - Nghi tiếp lời chàng – Nhưng chúng ở đâu ? Đó mới là chuyện đáng nói … Chúng có thể đang ở Nam Vang, ở Hồng Kông … Làm sao ta qua được đó mà tóm cổ chúng ?
Vân Lắc đầu :
- Tôi không tin là chúng đã đ ixa đến vậy. Có tiền rồi, chúng sẽ khoái ở Sài Gòn, nhất là ở Sài Gòn mà có tiền … sung sướng. Chúng chỉ trốn đi ngoại quốc khi nào bị bắt buộc …nghĩa là khi chúng thấy không bỏ nước mà đi không xong, không đi gấp thì chúng sẽ vào nằm mãi ở Bát Quái Đài …(1)
- Đó cũng là một ý kiến … - Nghi nhún vai – Có điều là tôi sợ ý kiến đó của anh không được đúng với sự thực mấy. Vì nếu bọn chúng còn ở trong nước bọn tôi phải dò biết lờ mờ về chúng chớ ? Đằng này thật là hoàn toàn không có qua một dấu vết gì hết… Đã hai tháng trời rồi còn gì ? Hai tháng với bao nhiêu là nhân viên điều tra, biết bao nhiêu là công lao …Vậy mà không vẫn hoàn toàn không … Làm sao chúng có thể ẩn trốn kỹ đến như vậy được ? Vì vậy tôi không thể tin là chúng hãy còn ở Sài Gòn …
- Còn cô gái ? – Vân đột ngột hỏi – Anh nghỉ sao về cô gái ? Theo anh, nàng còn sống hay đã chết rồi rồi ?
Nghi rầu rầu nét mặt :
- Chắc là …chết mất rồi. Làm sao nàng còn sống được ? Và bọn chúng giữ nàng sống để làm gì chứ khi nàng không còn làm được việc gì có lợi cho chúng. Mà cái hại để nàng sống thì rất lớn, quá lớn… Tôi tin rằng chúng nó đã giết nàng nhưng chưa thế báo cáo như vậy được vì tôi chưa tìm ra được chỗ chúng chôn xác nàng.
- Tuy nhiên, anh vẫn tin chắc bọn thằng Sơn Gù làm vụ này ?
Chú thích :
1- Bát Quái Đài là tiếng lóng chỉ khám lớn Chí Hoà.