Mùa chim

     hà có cửa thật lớn trông ra bốn bề cây trái um tùm. Nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung ra vị trí của từng cây một. Phía dưới cửa sổ là cả một vườn hông màu trắng đục như sữa. Loe loe một vài nụ thầm lại như máu bầm. Chếch sang phái một chút là bốn cây hàng xếp hàng dọc theo thứ tự lớn bé. Theo lời ba kể, mỗi lần mẹ sanh, ba và ông lại hì hục trồng những cây bàng này. Bây giờ ông đã mất. Út Nhiên, em kế tôi cũng không còn ở với chúng tôi từ năm bảy tuổi nhưng cây bàng vẫn tiếp tục lớn, có phần chen lấn cả ba cây còn lại.
Sâu vào giữa một cây mít lớn đứng chen chân trong đám nhãn chiu chít quả. Cây mít bị điếc, trồng hơn sáu năm nhưng chưa một lần ra trái. Chỉ tới khoảng tháng năm âm lịch nó mới bắt đầu đơm bông vài lần một cách bất thường rồi rụng. Mấy lần ba định chặt nhưng mẹ ngăn lại. Mẹ bảo “Ông ngoại thích nó. Chặt nó đi ông quên mất đường về”. Ba cười, chê mẹ lẩn thẩn nhưng không bao giờ đụng đến nó nữa.
Vườn đến mùa trái cây chim kéo về rầm rập. Từ sớm đến tối chúng làm tổ, cãi nhau câm cảu. Mẹ sợ chim phá trái cây, cầm sào ra đuổi. Một lúc yên ắng đã lại thấy chúng ồn ào trên đầu. Buổi chiều về lá tươi, trái non rụng ngập lối đi, chen dây với những cành cây khô mốc.
Chị Hoài dẫn đám bạn thành phố về. Anh con trai ở chung với anh Hinh. Ba chị Nhàn, Thu, Nguyệt nằm dồn chung trên chiếc giường lớn của chị em tôi. Tôi chuyển sang năm chiếc đi-văng đối diện, chật chội đến nỗi chỉ cần cử động nhẹ là rơi tòm xuống đất. Nhưng những bà chị yêu quý của tôi không hề biết đến điều đó. Họ cười ghẹo nhau, vặt nhau ầm ầm trên giường vẻ rất vô tư, giữa bầu không khí đầu hè oi bức.
Tôi là một đứa bé cô độc và buồn bã. Mẹ nhận ra điều đó lừ khi em Nhiên mất đi. Mẹ lo lắng, vì cho đó là điều báo trước của sự bất hạnh. Tôi sợ ồn ĩ nên sự có mặt của bọn họ làm tôi khó chịu. Nằm quay lưng ra ngoài úp mặt vào vỏ gối oi oi mùi mồ hôi, tôi chỉ muốn họ biến quách đi hết.
Tối nay không ai đi chơi. Mưa đổ trắng xóa qua ô cửa sổ. Tiếng cành cây gãy khô khốc. Tiếng trái rụng lộp bộp xuống vườn nặng trịch. Cúp điện. Chị Hoài thắp ngọn đèn hột vịt để lên kệ sách. Một chút ánh sáng màu vàng tỏa ra khắp phòng đậm mùi cũ xưa. Cả bọn chị Hoài ngả bài, đầm, già tíu tít. Chị Hoài hỏi: “Chơi ăn gì?”. Anh con trai cười tủm tỉm “Hun”. Mày chị dúm vào nhau cười. Chị Hoài kêu ré lên “Không. Hổng chơi vậy. Búng tai thôi nhá”. Một lát có điện lại. Quạt bên phòng anh Hinh quay vù vù. Chị Nhàn nhận xét “Trời lạnh vầy mà ổng bật quạt được hay thiệt”. Chị Hoài đùa “Ông hâm đó” vẻ rất thành thực. Tôi khó chịu nhưng chỉ im lặng. Không ai chịu mở đèn! Gió lùa qua cửa làm ngọn đèn chao nhẹ. Anh con trai phủi chân đứng dậy. Chị Hoài nhỏ nhẹ “Lam đi đâu vậy?”. “Văn nghệ một chút”. Anh với tay lấy cây đàn, trèo lên bệ cửa sổ. Gió làm tóc anh búng ra như đội chiếc nón có vành lớn. Anh hát một bài hát Pháp, mắt mơ màng nhìn chị Hoài đang mải chia bài. Tôi không hiểu gì hết nhưng thấy buồn thắt cả lòng. Chị Hoài cắt ngang “Thôi ông ơi, nghe oải quá”. Chị Thu với tay bật cassette. Một luồng nhạc ầm ĩ vang lên. Tôi bỏ sang phòng anh Hinh. Anh Hinh đã ngủ, đầu ngoẹo sang một bên, giấy bay tung khắp phòng. Tôi nhủ thầm, nếu là tôi, tôi sẽ yêu cầu anh hát lại, dù có thể ngay cả bản thân anh cũng không hiểu lời bài hát.
Tôi áp sát mặt vào cửa kính. Mưa đã tạnh. Những vòm lá đen thẫm nhấp nhô như những quả đồi trọc. Sao lờ đờ xuất hiện con mờ con tỏ. Phòng bên cạnh có tiếng đóng cửa, tiếng lào xào. À họ đi chơi. Bóng họ in mờ mờ trên cỏ, vắt qua những hàng cây rồi khuất sau hàng rào quét vôi trắng. Thật thanh thản và vui tươi.
Anh Hinh nhỏm dậy ngơ ngác: “Bé chưa ngủ à?” và chép miệng “Trời mưa vầy ngủ sướng quá”. Xong, lại nhắm mắt ngủ tiếp. Tôi rời ô cửa trở về phòng mình. Khắp nơi vang tiếng côn trùng. Tự nhiên tôi nhớ em Nhiên quay quắt. Tôi biết là Nhiên sẽ không bao giờ trở lại nhưng tôi vẫn chờ đợi.
Sáng sớm bạn chị Hoài chạy hết ra vườn tập thể dục. Chị Hoài ngồi phụ mẹ đồ xôi, tóc đen nhánh xòa ngang vai. Mẹ hỏi dò “Con với thằng Lam thế nào?”. “Là thế nào ạ?”. “Má thấy nó mến con”. Chị cười “Nhưng con của má còn trẻ con lắm”. “Cha bố cô - Mẹ xỉ ngón tay lên trán chị - Con gái trong nhà như quả bom nổ chậm. Má chỉ lo con đi học xa...”. Chị lại cười, dụi đầu vào lòng mẹ nũng nịu. Tôi ngồi bên cạnh, mặt thần ra. Người lớn thật khó hiểu, khi có người để ý thì lại vờ như chả có chút tình cảm nào.
Tôi ra vườn. Anh Lam đang gẩy đàn bài hát cũ. Tôi ngồi ngắm anh say sưa. “Anh có hiểu gì không?”. “Có chứ. Bài hát kể về một cậu bé mơ ước làm người lớn”. Anh gục đầu, mái tóc xoăn rũ xuống như một bức tượng rất đẹp tôi đã thấy ở đâu đó trong sách báo. “Nhưng khi lớn lên, những cuộc tình vô vọng, cái đói và nỗi sợ hãi luôn luồn khiến cậu muốn trở về thời bé thơ”. Tôi có cảm giác một giọt nước vừa từ mắt anh rơi xuống tay. Tôi thấy buồn phiên. Rõ ràng chị Hoài chỉ muốn anh là hạn.
Chim kêu xao xác. Tôi mân mê một vỏ cây ẩm nước, hỏi khẽ: “Tại sao lại có những cuộc tình vô vọng hả anh?”. “Bé còn nhóc lắm - Anh nheo mắt - Lớn lên đi Bé sẽ hiểu”.
Tôi vùng chạy vào nhà. Suốt một giấc ngủ dài tôi chỉ toàn nằm mơ thấy mình là người lớn. Sau đó nhiều đêm, kể cả khi chị Hoài và đám bạn về lại thành phố, tôi vẫn nằm mơ mình thành người lớn. Tôi thấy nhớ sự ồn ào vô tư của họ. Nhớ người con trai yêu chị tôi, ngồi lặng lẽ giữa vườn và hát bài tình ca buồn. Lại thầm liếc sao mình không là người lớn từ lúc ấy.
Chị Hoài lấy chồng, về ở hẳn trên thành phố. Một anh chàng không tóc xoăn, không biết hát nhưng cuối cùng vẫn là anh rể tôi. Anh Hinh cũng chuyển lên thành phố, lâu mới về nhà một lần. Tôi vào đại học, tập trở thành người lớn. Nhà chỉ còn ba mẹ, vắng hoe giữa mênh mông cây và cỏ.
Năm tháng trôi qua, tôi cảm thấy mình đã thật sự là người lớn. Một buổi chiều, khi cả nhà quần tụ đông đủ, ba bảo: “Ba má định bán vườn về ở với Hoài. Ba má già rồi không trông nổi vườn tược nữa”. Chị Hoài cười vui: “Thì con đã bảo từ sớm mà. Vườn nhà mình để có lợi lộc gì đâu”. Anh Hinh cau mày: “Giá đất đang xuống, nhưng đất mình lại đang ở vào khu quy hoạch. Chẳng mất giá bao nhiêu”.
Tôi nhìn ra vườn. Mới hơn một năm đã khác. Cây cối xác xơ. Những cành bàng cong queo nâng nâng những chiếc lá khô còn lại. Vườn hồng trơ gốc, cỏ dại mọc ken dày. Đã đến mùa hè từ lâu mà chưa có một con chim nào về lại vườn nhão nhoét.
Mẹ ho sù sụ trong chiếc áo ấm dày, hỏi “Ý Bé thế nào?”. Tôi bảo “Con không thích”. Tôi chỉ mấy cây bàng: “Người ta sẽ chặt nó đi à?”. “Không, mẹ không biết”. Mọi người im lặng. Nhưng tôi hiểu là khu vườn chắc chắn sẽ được bán đi. Những cây này sẽ bị nhổ khỏi đất. Một vài tháng nữa quay trở lại, nó đã trở thành khu nhà đồ sộ và hiện đại của các chuyên gia nước ngoài, cho xí nghiệp nước ngọt bên cạnh. Cùng lắm người ta sẽ chỉ giữ lại những cây sứ Thái Lan, chịu đựng được nóng và cát bụi.
Tôi nằm lên chiếc đi-văng cũ, dúi mặt vào đống gối ẩm mùi mồ hôi. Và hệt như ngày xưa, tôi nghe thấy tiếng trái đêm rụng trong vườn, tiếng mưa rả rích xen với tiếng côn trùng nỉ non. Một buổi tối cúp điện, những người bạn chị Hoài ngả bài chơi trên chiếc giường rộng trong ánh đèn vàng ấm áp. Một chàng trai đẹp như những bức tượng Hy Lạp xa xưa, ngồi tựa gốc cây và hát “... puis il a grandi... Au fond de son coeur, il revoyait son enfance, rêvait d’autre fois...” (Rồi cậu bé ấy đã trở thành người lớn... Tận sâu trong đáy trái tim, cậu bé muốn quay trở về thời thơ ấu, mơ về thời xa xưa...) trong tiếng chim hồn nhiên và thanh bình của buổi sớm mai.