Ngày cuối

     ưa dầm dề từ trưa đến tối mịt. Bầu trời phủ trắng nước kéo theo hơi lạnh, mùi đất ẩm mốc từ các khe tường bốc lên ngồn ngộn. Tôi rụt vai lại vì lạnh, ngó sang thấy Lẫm nhìn tôi cười cười, chỉ vào đồng hồ. Tôi nhìn lên bảng, thầy giáo vẫn say sưa giảng bài, cặp kính dày cộp nhúc nhích từng đợt trên sống mũi. Nhật khều tôi: “Ôi chán nhỉ. Tao muốn cúp học quá đi mất”. Tôi e hèm: “Còn có hơn nửa tiếng nữa. Bữa học cuối rồi. Ráng đi!”. Nhật nằm soài ra bàn, tóc phủ lòa xòa trên tập vẽ rất vô lo. Lẫm lại cười với tôi, không biết có ý gì.
Tan học, trời đã tạnh mưa hẳn. Chỉ còn vài giọt nước rơi lộp bộp trên mái tôn nhô ra khỏi hành lang. Dưới sân xác phượng rụng hắt lên màu đỏ úa cùng với vô số lá vàng cây khô. Trường vắng tanh làm không khí càng thêm tịch mịch. Lẫm dắt xe đi bên cạnh, mớ tóc loăn xoăn chỉ chực nhảy bổ ra khỏi chiếc mũ két đen rất ngổ ngáo. Lẫm hỏi: “Nhi với Nhật có nhớ gì không?”. Tôi ngơ ngác: “Nhớ gì cơ?”. “Một buổi chiều thế này. Một khung cảnh thế này - Lẫm gợi lại - Ba đứa tụi mình cùng dắt xe về thế này. Đã cách ba năm rồi”. “À phải - Nhật reo lên - Là hồi tụi mình luyện thi chung đó, Nhi nhớ không?”. “Nhớ rồi - Tôi hùa theo - Lớp của thầy Kệ già khó tính kinh khủng. Còn tụi mình hồi đó lười biếng nhất hạng”. Lẫm đùa: “Là chỉ có Nhi thôi. Toàn phải mượn tập người ta chép lại bài”. Tôi đỏ mặt, tự nhiên thần người. Thấy nhớ lớp học thêm năm nào quá. Thấy thời gian sao trôi qua thật nhanh.
Lớp học vừa chẵn chục để chia đều cho sáu cái bàn gỗ xập xệ. Lẫm ngồi với Nhật. Tôi ngồi cùng bàn với con bé hay cột nhổng chiếc nơ đỏ sau gáy vẻ rất mọt sách. Từ đó nhìn sang một ô cửa lớn đầy mây và gió. Những cành phượng lớn đâm ngang dọc ngoài khung cửa tạo nên những hình lập thể kỳ dị. Điều quan trọng hơn, nó trông sang bàn của Quân. Cái anh chàng bảnh trai, to cao như tài tử điện ảnh, lại già dặn hơn Lẫm, lúc nào cũng cặp kè cái headphone bên hông.
Quân hơn tụi tôi hai tuổi, học trễ một năm và thi rớt một năm. Nhưng xem ra cậu ta có vẻ nhủng nhẳng chẳng buồn học hành gì. Bù lại khi tán gẫu với tụi con trai trong lớp, anh có những câu triết lý về đời đầy kinh nghiệm và thông minh. Riêng về khoản ấy, Quân làm tôi phục và mến. Tôi luôn luôn tìm mọi cách để trở thành trung tâm điểm trong lớp, để thu hút cái nhìn vốn rất thờ ơ của Quân với lớp.
Thầy Kệ dạy toán nhưng rất sính văn thơ. Thầy có thể bỏ hàng giờ ngồi đọc cho chúng tôi, những đứa nhãi ranh nghe những bài thơ tình từ cổ chí kim, từ nước ngoài đến trong nước mà không chán. Hình như thầy bắt gập ở tôi những tình cảm đồng điệu nên rất cưng tôi. Mỗi lần làm xong một bài thơ, thầy lại đọc riêng cho tôi nghe, vào những lúc nghỉ tiết, với vẻ say mê lạ thường. Những nếp nhăn giãn ra nhường chỗ cho một vầng nắng lung linh xuất hiện trên nét mặt. Thầy bớt già nua hẳn đi. Được một lúc thầy hỏi: “Sao con?” - “Thơ hay ạ - Tôi gãi mũi tinh quái - Nhưng câu kết hơi gượng ép ạ”. Thầy trầm ngâm bảo: “Con tinh ý lắm. Thế nên thầy mới không làm nhà thơ được”.
Những ngón tay gầy guộc của thầy nhịp nhẹ lên mặt bàn: “Con ráng lên. Con sẽ thi đậu mà đậu rất cao”. Tôi tò mò: “Thế còn anh Quân ạ?”. Thầy dừng lại nhìn tôi một thoáng rồi chậm rãi lắc đầu: “Nó hỏng rồi”.
Tôi hỏi Nhật: “Có hỏng không?”. “Gì?”. Nhật ngạc nhiên: “Thi đại học ấy”. Nhật đăm đăm: “Mày với Lẫm thì không. Tao mới lo”. “Là tao hỏi Quân ấy”. “Thằng đó ấy à, hỏng là chắc”. Nhật kéo tay tôi: “Lẫm buồn kìa”. Quay sang thấy Lẫm lầm lũi dắt xe bên cạnh, mắt bơ bơ, tôi hỏi khẽ: “Lẫm sao thế Nhật?”. “Nó quý mày. Mày lại nhắc hoài đến lão Quân”. Nó bẹo má tôi: “Con ngốc nghếch. Lão Quân có gì đâu”. Tôi cười gượng: “Tao cũng có gì đâu” và trèo lên xe đạp phăm phăm. Trong bụng vẫn ậm ạch tức không biết tại sao mọi người lại coi thường Quân đến thế.
Buổi học cuối trên lớp học thêm mây kéo vần vũ. Được một lúc mưa như giông bão. Những cành phượng khô gãy lắc rắc. Một chốc sân trường đã phủ kín xác phượng và lá úa, đẩy vào lớp cái mùi chua ngái của cánh phượng.
Giờ nghỉ giải lao, tôi leo tót ra trước, sợ thầy giữ lại nghe đọc thơ. Quân đứng dựa tường, nhìn ra sân. Tôi bám vào thành lan can, thấy gió luồn vào người như muốn nhấc bổng tôi đi mất. Tôi gợi chuyện: “Anh Quân thích mưa không?”. “Không” - Quân lắc đầu và lại im lặng. “Anh định thi mấy trường nhỉ?” - Tôi dò dẫm. “Một hai gì đó” - Quân không quay lại nhìn tôi. “Còn em thi ba - Tôi xởi lởi - Mình cứ chọn thi nhiều trường cho chắc ăn. Đằng nào cũng chỉ có ba môn Toán, Lý, Hóa”. Tôi ngừng bặt vì cảm giác mình quá nhiều lời. Còn Quân vẫn tỉnh queo, không vẻ gì muốn bắt chuyện. Không sao, con trai phải lạnh lùng như thế mới ra dáng.
Con bé cột chiếc nơ đỏ nhổng sau gáy đi ngang qua, liếc chúng tôi vẻ dò xét. Quân hấp tấp gọi: “Hiền ơi, đợi Quân một chút”. Con bé đứng lại, tay thọc vào túi quần, đuôi tóc phất phơ qua lại bực dọc. Như sực nhớ điều gì, Quân quay lại tôi: “Quên mất, bạn tên là gì nhỉ?”. Tôi sượng người. Giống như có ai dúi tôi ngã một cái đau điếng. Tôi chậm rãi: “Tôi không tên là gì cả”. Quân nhìn tôi khó hiểu và nhún vai bất cần, quày quả bước đến chỗ con bé mọt sách. Con bé càu nhàu gì đó và Quân dang tay phân bua. Bọn họ đi khuất dần sau hành lang.
Tôi mới sực nhớ mỗi buổi học Quân đều quay xuống bàn tôi. Nhưng không phải Quân nhìn tôi và cười với tôi như tôi tưởng. Chao ôi, tôi thật ngốc nghếch.
Tôi chạy vào lớp, nằm gục xuống bàn. Thầy Kệ lại gần, tay vẫn gõ nhịp nhẹ lên mặt bàn: “Có chuyện gì ghê gớm đâu con. Ngày xưa đi học thầy cũng từng để ý đến một cô gái. Thầy làm thơ tặng không biết bao nhiêu bài. Nhưng cô ấy thật vô tình. Và năm tháng thì trôi qua. Lại thêm vài lần thất bại, dằn vặt đau khổ nữa. Nhưng có sao đâu. Tình cảm thời học trò bồng bột, dễ thay đổi, dễ quên lắm. Mà ai rồi cũng phải trải qua những chuyện như thế cả”. Tôi không tin lắm vào lời thầy. Chuyện tình cảm làm sao dễ quên đến thế được. Tôi muốn khóc nhưng không rặn ra được giọt nước mắt nào, chỉ tấm tức khó chịu. Chỉ đến khi thấy vỗ nhẹ vào vai tôi, tôi mới thấy nguôi ngoai và bình tĩnh hẳn.
Nhật gọi giật: “Mày sao thế Nhi?”. Tôi cười lảng: “Có sao đâu. Tao đang nhớ đến thầy Kệ. Tụi mình tệ thật. Học thầy xong là biến mất tăm”. “Hay giờ tụi mình đến thăm thầy nha” - Lẫm đề nghị. Nhật hốt hoảng: “Để bữa khác đi, hôm nay Nhật kẹt”. “Chuyện hôm nay chớ để ngày mai Nhật ơi”. Nhật nhăn nhó. Lẫm an ủi: “Thì cứ về đi. Tụi này gửi lời giùm cho”. Đến lúc ấy Nhật mới bớt băn khoăn.
Lẫm chở tôi vòng vèo qua mấy con đường đầy cây vắng hoe người. Nước mưa từ những tán lá vẫn liên tục rớt xuống, thấm vào người lạnh buốt. Lẫm hỏi: “Nhớ nhà thầy không?”. Tôi cúi gằm mặt xuống: “Nhi đến bao giờ đâu mà nhớ”. “Lẫm cũng chỉ mới tới một lần. Lâu rồi nhưng chắc không quên được. Nhà có giàn tigôn màu hồng”.
Lẫm thông báo “Đến rồi” và nhảy xuống xe. Cánh cổng sắt màu xanh loang lổ đóng im. Lẫm nhấn mạnh chuông. Một bà già ra mở cửa. Chỉ thoáng nhìn qua cũng biết bà là người đẹp và hiền hậu. Tôi nghĩ thầm, không biết đây đã phải là lần rung động cuối cùng trong cuộc đời thầy Kệ hay không.
Bà mỉm miệng cười: “Các cháu tìm ai?”. “Dạ tụi con đến thăm thầy Kệ”. Bà kéo rộng cửa: “Mấy cháu vô nhà chơi”. Bà lom khom dẫn chúng tôi đi qua một mảnh đất lớn, vài bông quỳnh nở từ đêm qua giờ héo rũ. Quang cảnh thật bình yên.
Bà thắp ngọn đèn dầu vì trời mưa cúp điện. Một thứ ánh sáng vàng nhại tỏa lan khắp phòng. Lẫm nhấp nhỏm: “Thầy Kệ đi vắng rồi ạ?”. “Không - Bà chậm chạp vặn to ngọn đèn - Thầy đang ốm nặng. Ông nhà tôi già rồi, lục phủ ngũ tạng tiêu tán hết”. Bà đưa chúng tôi vào phòng thầy. Căn phòng nhỏ mờ mịt ánh đèn cây, tỏa mùi hương trầm xưa cũ.
Tôi không muốn khóc nhưng nước mắt rơi lã chã. Tóc thầy bạc trắng, da bủng beo. Gương mặt thầy đã biến dạng đi rất nhiều. Mọi thứ đều trở nên méo mó và sưng húp. Lẫm hỏi: “Thầy nhớ tụi con không?”. Thầy thều thào: “Chỉ có mấy con quên chứ thầy thì nhớ. Nhi này, Lẫm này. Các con học giỏi không?”. Tôi không trả lời được, chỉ gật đầu. Bà xen vào: “À ra cô Nhi đây. Ông nhà tôi nhắc đến cô hoài. Hôm nay mới thấy cô lại chơi”. Tôi thấy tê tê ở mặt. Thầy lại bảo: “Thầy biết tin Nhi đậu cao nhưng không biết nhà để đến chúc mừng, xin lỗi con nhé”.
Tôi muốn nói với thầy những tình cảm thời học trò bồng bột và trẻ con dễ qua đi, nhưng tình cảm thầy trò tôi chẳng thể nào quên được.
Nhưng sau cùng tôi chỉ nắm được bàn tay thấy ấm áp và độ lượng, nghẹn ngào: “Tụi con phải xin lỗi thầy mới đúng, thầy ạ. Đã ba năm rồi”.