Bạn

     hi tan vỡ những giấc mơ, người ta thường làm gì?
Chẳng làm gì cả. Người ta vẫn sống và tiếp tục yêu đời. Đó là bài vỡ lòng đầu tiên tôi học được khi biết mình thực sự bước vào cuộc sống.
Tôi phụ mẹ gói ghém quần áo vào chiếc va-li to đùng. Nhân ngồi cặm cụi đổ màu vào hũ ya-ua, sốt ruột hỏi “Thế này đã đủ chưa?”. “Chưa - Tôi lắc thử hũ - Đổ thật đây vào mới được”. Nhân thở dài cái sượt, lại còng lưng xuống làm tiếp. Tôi an ủi “Thôi lát mình dẫn đi cà phê hén. Chịu hén”. Nhân cười, môi dưới trề ra ngộ nghĩnh.
Xếp xong đồ đạc đã tám giờ tối. Tôi chở Nhân ra quán, vòng vèo qua những con đường nhỏ đầy bụi rậm. Ngày thường, quán loe ngoe khách. Để đỡ tốn điện, bà giáo già tắt hết đèn xanh đỏ, chỉ chừa lại mấy bóng néon xanh lè ở bếp và quầy thu tiền. Trăng ngả xuống vườn hít thật sâu vào ngực mùi hoa mận chua chua. Nhân bảo “Thanh thanh chứ”. “Không - Tôi cãi - Thật là chua. Trái cây này ăn chua nên hoa cũng chua lắm”.
Nhân im lặng. Nhân biết tôi hay gàn nên bao giờ cũng nhường nhịn. Nhân khác anh. Vì thế đến giờ này, đã bao nhiêu năm trôi qua, Nhân vẫn chỉ là bạn. Tôi cảm thấy muốn khóc. Nhân an ủi “Thôi đừng buồn, đừng buồn nữa. Chuyến này đi ráng giữ sức khỏe, ngoài đó giờ lạnh lắm”. Tôi nhủ trong bụng, thấm gì, trong này giờ còn lạnh hơn gấp mấy lần.
Cuối cùng tàu đã chuyển bánh. Để lại phía sau gương mặt hiền dịu của mẹ, nụ cười hồn nhiên của Nhân. Vài giọt nước mưa bắn qua thành cửa, chạm vào má tôi lạnh buốt. Tôi nhắm mắt, lùi sát vào góc giường, chẳng còn vướng bận gì nữa. Mọi người trong khoang liu thiu ngủ. Càng lao vào đêm tiếng xập xình càng nặng nề. Tôi thò đầu ra ngoài, mặc gió lạnh táp vào mặt. Một vài vì sao trôi tuột về phía sau, nhấp nháy như những con đom đóm. Anh hiện ra bảo “Mắt em cũng có hai vì sao kìa!”.
Nhưng bây giờ hai vì sao ấy đã bay dần sang mắt của người con gái khác.

*

Xe đến gần đỉnh dốc thì tắt máy. Bác tài nài nỉ “Các bác xuống đẩy xe giúp tôi”. Mọi người lục tục kéo xuống, bám vào đuôi xe, gân cốt thi nhau nổi lên. Trời lạnh nhưng mồ hôi vã ra như tắm. Đến giữa chừng xe nổ máy vọt thẳng lên dốc. Mọi người ngán ngẩm thở dài, lại lọ mọ bò lên.
Tôi dán mắt vào ô cửa, người nảy tưng tưng như phi nước đại. May mắn vì tôi bị lèn quá chặt nếu không chí ít tôi đã có vài cục bướu trên đầu và mông bị bầm đen thui. Lâu lâu tôi phải lé mắt lên trên canh chừng đống bắp cải, giỏ đệm máng trên đầu. Tưởng chừng một vài phút nữa nó sẽ đổ ào xuống, nhận tôi vào mớ đồ đạc hỗn loạn. Bà to béo bên cạnh đã bắt đầu ngủ, ngả hẳn người về phía tôi ép tôi không sao thở được, thi thoảng miệng lại tóp tép nhai. Tôi cựa một cái thật mạnh, vẫn không thấy động tĩnh gì. Trong bụng thầm tức mấy đứa bạn yêu quý đã giới thiệu với tôi rằng, Sapa đẹp lắm, đầy mây và gió. Sương phủ mịt mờ như mình đang đi vào chốn thần tiên. Đôi khi lại có những con chim lạc bầy lẻ bạn đâm sầm vào người mà không hay biết. Và hoa cỏ dại mọc thành những cánh đồng ngút tầm mắt. Rốt cuộc nãy giờ tôi đi mãi, cũng chỉ thấy toàn đá với sỏi, cục nào cục nấy bự bằng trái bưởi và vài bụi cây dại loe ngoe. Tôi lầm bầm “Khỉ thật, thế mà bảo sương mù quanh năm”. Thằng bé ngồi trước mặt tôi, không, chính xác là ngồi dưới chân tôi, trên một bao hàng to gấp đôi nó, đội trên đầu một chiếc mũ mèo với hoa văn rất khéo, cười tủm tỉm “Ở Sapa kia chị”. “Thế đây không phải Sapa à?”. - Tôi hốt hoảng “Lầm rồi chị ơi. Đây là đường lên Bắc Hà”. “Vô lý - Tôi gân cổ cãi - Tôi lên xe đi Sapa mà”. Thằng bé nhăn mặt, tay mân mê khúc cây khô “Tôi ở đây cả đời phải biết hơn chị chớ”. Tôi xịu mặt. Thôi chết rồi, lúc mới xuống tàu tôi ngái ngủ, gặp thằng lơ xe mời chào, tôi cứ tống phứa đồ lên mà không để ý. Bây giờ lên Bắc Hà không thư giới thiệu, không người quen, biết ở đâu được. Miệng tôi nhoành ra, mắt rơm rớm. Thằng bé hỏi “Chị sao vậy?”. “Tôi không có nhà người quen trên này”. Nó im lặng, trán cau cau “Chị sợ khổ không?”. “Tất nhiên là không?”. “Vậy về nhà tôi, ở xã Thái Zàng Phu”. “Quan trọng là có đẹp không?”. - Tôi tò mò. “Với tôi - Thằng bé buông giọng chắc nịch - Thì chẳng có chỗ nào hơn”.
Đường lên nhà nó không chênh vênh khó đi như tôi đã từng đọc trong sách. Chỉ ngoằn ngoèo và đầy dốc. Nó lầm lũi đi trước mặt tôi, lưng thồ bao hàng nặng. Tôi đeo bảng vẽ, ba lô, túi xách lỉnh kỉnh lết theo không kịp, đành ngồi xuống vệ cỏ thở dốc. Một lát thấy nó quay lại mặt tươi tỉnh “Để tôi mang phụ chị”. Chưa kịp trả lời nó đã giựt phắt bảng vẽ, túi xách của tôi đeo lên người và hăm hở đi. “Đến rồi”. Nó chỉ một khối trắng lờ mờ trước mặt. Tiến lại gần tôi cảm thấy choáng váng. Xung quanh tôi bạt ngàn hoa mận. Dưới ánh nắng những cánh hoa trở nên trong veo và mướt mát. Từng đợt gió nhẹ thổi qua cuốn đi bao nhiêu cánh hoa mận, bám đầy lên vai lên đầu tôi. Nếu có Nhân ở đây thế nào Nhân cũng bảo “Trông bạn như một con bươm bướm ấy”. Nhân lúc nào cũng có những nhận xét ngộ nghĩnh.
“Nhà tôi đây”. Nó kéo cánh cổng nứa. Một con chó đen trũi, lông dựng ngược vì bám đất bẩn, xồ ra nhặng xị. Nó đánh suỵt, tay huơ lia lịa “Nào, Yuến, khách quý đây!”. Con chó cụp vội cái đuôi xơ xác, lảng vào góc nhà, từ đó nhìn ra lom lom. Nó mời tôi vào. Mùi đất ẩm và mùi mốc xộc lên như muốn hất tôi ra ngoài. Có tiếng rên khẽ, cùng tiếng cót két của tấm lót sàn. Thằng bé bảo “Bà tôi đấy. Chỉ có hai bà cháu ở với nhau”. “Thế bố mẹ đâu? Cậu tên gì nhỉ?”. “Lên. Cha tôi lấy vợ khác. Mẹ tôi lấy chồng khác. Mỗi người đều có gia đình riêng của mình. Tôi cũng vậy”. Nó nói bằng giọng tỉnh rụi. Tôi thấy nghẹn ở cổ. Hóa ra ở đâu, những chuyện thế này cũng có thể xảy ra được.
Nó lui cui nhóm bếp. Trời đã đổ sụp xuống, âm u lạnh lẽo. Một vầng sáng phá tan bóng tối dày đặc trong nhà, trườn dần lên tường. Nó bảo “Chị đợi nhé, tôi nấu cơm”. “Thôi tối nay mình ăn mì”. Tôi lôi ra đủ các loại đồ khô trong túi. Bà nó đã lò mò dậy, mắt mũi lèm nhèm. Tôi thưa “Bà ạ!”. Bà vẫn nhìn tôi kinh ngạc. Thằng bé bảo “Bà tôi bị điếc. Mà không hiểu cái tiếng Kinh cũng như bị điếc thôi”.
Nó húp nước mì xì xụp, xong ngẩng lên thở “Ngon quá! Lần đầu tôi mới được ăn ngon thế”. Nó lau mặt cho bà, dắt bà đi ngủ rôi thu dọn chỗ ngủ cho tôi, tần tảo đến tội nghiệp “Chị đi ngủ sớm nhé? - Nó thổi lửa - Quanh đây cũng có nhà. Có tivi, có điện, nhà tôi nghèo, chẳng có gì cả”, “Ở đâu nghèo cũng thế thôi”. Tôi ngả lưng xuống gân cốt kêu răng rắc. Nó bỏ ra cửa ngồi, cất giọng hát một bài hát Mèo rất buồn. Tôi gạ “Dịch cho tôi nghe đi”. “Để bữa nào đã. Chị ngủ sớm mai tôi dẫn đi vẽ”. “Nhưng mà...”. Chưa nói xong câu, tôi đã lơ mơ ngủ mất.
Sáng sớm nó đắt tôi đi qua những cánh đồng hoa dại vàng rực. Sương bám vào gấu quần ướt sũng. Gió thổi bên tai vi vút như nhạc sáo. Xa mờ những dãy núi lam nhạt vẫn còn ngái ngủ sau lớp chăn bông. Dòng suối nhỏ ngậm sương, lặng lẽ như đóng băng. Ven suối người ta trồng cả mận và đào. Màu trắng và hồng đan xen nhau, đẹp như bức tranh Hồng Lâu Mộng của chàng Giả nàng Lâm. Nhìn tôi thẫn thờ, nó có vẻ buồn “Chị không thấy đẹp à?”. “Đẹp quá đi chứ! Nhưng nhiều khi đẹp quá lại không vẽ thành tranh được”. Tôi nhìn quanh, “Ở đây có xóm nhà tranh nào không nhỉ?”. “Đầy. Nhưng lợp bằng rơm là chính”. “Thật tuyệt”. Tôi reo lên hồn nhiên.
Nó dẫn tôi đi tiếp. Đến chỗ có mấy nhà tranh thập thò sau vườn hoa, tôi đề nghị “Dừng đây được rồi”. Trong khi tôi vẽ, nó nằm bên cạnh, chân vắt chữ ngũ, mắt lim dim nhìn trời xanh. Ánh nắng trên mặt nó thật đẹp. Tôi hỏi “Lên, xã này tên gì?”. “Thái Zàng Phu”. “A, thế giống tên xã mình à?”. “Thì là nó đấy”. Nó cười hóm hỉnh. “Sao thấy lạ”. “Nhà mình kia”. Nó chỉ ngôi nhà nhỏ nằm xập xệ giữa mấy mô đất cao “Tại hôm qua vừa lúc tối chị chưa kịp nhận ra thôi mà”. Nó nhìn tranh tôi rồi cười rũ “Ủa sao chị vẽ cái này?”. “Sao? Xấu à?” - Tôi xị mặt. “Không. Nhưng đó là nhà vệ sinh mà”. “Thật à - Tôi chữa ngượng - Nhưng mình thấy vẽ nó đẹp lắm”.
Chiều xuống rất nhanh. Một chốc bầu trời đã hồng rực rồi chuyển sang màu tím nhạt. Sao nở hoa chi chít, quây quanh nhụy trăng no tròn. Chúng tôi ngồi bên bếp lửa nấu nước, ngả lưng vào tấm phên. Nó hỏi “Chị chắc học giỏi, biết nhiều cái chữ lắm?”. “Ừ, không tồi. Nếu nói về chữ - Tôi tự hào - Còn toán thì chưa chắc”. Nó có vẻ đang lắng nghe tiếng động ở đâu đó ngoài ngôi nhà này. “Chị biết không - Nó tiếp lời - Tôi rất thích học nhưng chẳng có thì giờ, chẳng có tiền. Phải đi làm suốt”. Nó im lặng “Hay chị dạy cho tôi biết vài chữ nhé”. “Được thôi. Bắt đầu từ ngày mai. Bây giờ thì mình buồn ngủ quá đi mất”. Tôi cuộn tròn người, nghe tiếng lục bục của nồi nước đang sôi, nhớ nhà quay quắt. Gương mặt anh chạy loáng qua rồi biến mất.
Tôi dạy cho Lên được đến chữ cái thứ hai mươi ba thì đã đến lúc phải về. Ngoài vườn mận đào đang trổ trái, những trái no xanh bằng đầu ngón tay phủ đầy một lớp lông tơ óng bạc. Năm nay mùa đến sớm hơn năm ngoái. Lên ngồi thổi kèn lá. Một lúc sau thì hát, giọng trong và khỏe. Nó quay sang hỏi tôi “Muốn biết lời Kinh không?”. Tôi gật gù. Nó khẽ khàng đọc “Em là con gái của mẹ Sông. Anh là con trai của cha Núi. Anh đi tìm em qua bao nhiêu mùa trăng. Qua bao mùa đào nở, anh vẫn ngồi đây chờ em”. Tôi nhớ đến anh, mắt tự nhiên nhòe ướt. “Trên đời này có thật là có những chàng trai như vậy không?”. “Có đấy. Ở Thái Zàng Phu mình nhiều lắm. Qua bao mùa trăng anh vẫn ngồi đây chờ em...”. Nó nghiêng đầu nhìn tôi như muốn hỏi điều gì đó. Rồi khẽ thở dài “Ngủ đi. Mai phải ra đón xe sớm”.
Tôi trở mình không ngủ được.
“Lên này, không biết viết biết đọc mà sao nói tiếng Kinh giỏi thế?”.
“Nghe người ta nói mình thích mình học. Dễ mà”.
“Thế sau này Lên có nhớ mình không?”.
Không thấy trả lời. Tôi nghĩ chắc là nó đã ngủ rồi.
Nhân ra đón tôi. Mới gần hai tháng, Nhân đã có vẻ khác. Cao lớn và chững chạc ra nhiều. Nhân nắm tay tôi thật chặt “Sao ốm thế?”. “Nhưng mình rất khỏe. Còn Nhân thì sao?”. “Không có người cãi nhau, nhớ bạn quá”. Tôi ngồi sau lưng Nhân, nghênh ngang nhìn phố phường. Tiếng nhạc từ mấy nhà hàng vẳng ra xập xình. Nhân hỏi khẽ “Đã hết buồn chưa?”. “Nhân ơi, có một bài hát thế này, anh đi tìm em qua bao nhiêu mùa trăng. Qua bao mùa đào nở, anh vẫn ngồi đây chờ em. Người con gái đó hạnh phúc thật”. “Thì chúng ta cũng thế thôi”. Tiếng Nhân chìm lẫn trong tiếng các loại động cơ ầm ĩ.
Buổi tối, tôi ngồi giở lại đống tranh sau chuyến đi thực tế. Bao nhiêu làng quê, hình bóng mọi người đi qua. Nó hiện ra, bàn tay nó thô nhám, nụ cười của nó tươi rạng rỡ. Tiếng khèn lá dặt dìu qua vườn mận trắng xóa, biến thành tấm toile hồng vắt ngang vườn đào, rồi lại rơi xuống đất theo những cánh hoa lấp lóa nắng. Tôi khẽ mỉm cười. Tôi thấy lòng mình thật nhẹ nhàng và yêu đời.
Tôi lại cười thêm một lần nữa.
Quả thật khi tan vỡ những giấc mơ, như giấc mơ về tình yêu chẳng hạn, người ta chẳng nên làm gì cả, ngoại trừ phải sống, làm việc và tiếp tục yêu đời hơn.