Chương 8
HÀ VỸ TỪ KHI NƯỚC NHÀ THỐNG NHẤT ĐẾN NAY (T5/1975-2008) (1 )
1. KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI SAU CHIẾN TRANH (1975-1985)

    
iải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, mở ra một trang sử mới cho cách mạng Việt Nam. Từ nay chúng ta có điều kiện tập trung lực lượng để phát triển kinh tế, văn hoá và xây dựng đất nước sau bao nhiêu năm chiến tranh tàn phá. Cùng với cả nước, cán bộ và nhân dân Hà Vỹ bắt tay xây dựng quê hương với một khí thế hồ hởi, phấn khởi, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc.
Trong gần một năm đầu, sau khi thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ và chính quyền xã Liên Hà, nhân dân Hà Vỹ phải tập trung giải quyết những hậu quả của chiến tranh: Tổ chức việc báo tử, động viên tư tưởng tinh thần và giúp đỡ vật chất cho các gia đình có người thân hy sinh, bố trí công ăn việc làm cho một số bộ đội, thương binh từ chiến trường trở về sau khi xuất ngũ….
Tuy HTX toàn thôn vẫn tồn tại, song cơ chế quan liêu bao cấp đã làm cho sản xuất không phát triển được, năng suất thấp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Khó khăn càng tăng thêm khi vào đầu tháng 12-1975 một đợt rét đậm kéo dài làm ảnh hưởng lớn đến vụ lúa Đông - Xuân năm 1975 -1976
Trước tình hình đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chi bộ, các cán bộ phụ trách sản xuất các đội đã huy động xã viên tập trung lao động, phương tiện để chống rét cho mạ, cho lúa và trâu bò, các đội sản xuất đã áp dụng kỹ thuật gieo mạ trên sân, nhờ vậy mà có đủ mạ cấy hết diện tích và kịp thời vụ. Qua đợt rét, thời tiết trở lại bình thường nên cả hai vụ lúa năm 1976 đều được mùa, năng suất lúa cả năm đạt 66 tạ/ha, sản lượng lương thực cả năm của các HTX đạt tới 3510 tấn - là mức cao nhất so với những năm trước đó. Đàn lợn tập thể vẫn được duy trì với 770 con, nhờ vậy đời sống nhân dân được cải thiện một phần.
Tháng 5-1976 thực hiện Chỉ thị 208 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ”Tổ chức lại sản xuất, đưa nông nghiệp tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”, Đảng bộ xã đã quyết định bốn HTX Hà Vỹ, Châu Phong, Hà Lỗ và Lỗ Khê thành một HTX với qui mô toàn xã do anh Nguyễn Công Chí (thôn Lỗ Khê) làm chủ nhiệm.
Từ bốn HTX ở bốn khu vực theo địa lý thôn làng trước đây, nay sáp nhập lại thành một HTX lớn, nên không tránh khỏi những suy bì hơn thiệt trong một bộ phận cán bộ xã viên vì mỗi HTX đều có vốn liếng tài sản ruộng đất thu nhập khác nhau. Để chấp hành chủ trương của Đảng, các chi bộ ở các thôn phải đả thông tư tưởng và phải chỉ đạo các đội sản xuất quản lý tốt các nguồn vốn tài sản, không được xẩy ra thất thoát do tư tưởng cục bộ, bè phái gây ra trước khi tập trung vào một HTX lớn
Nhằm đẩy mạnh sản xuất, phát huy thế mạnh của HTX mới này, theo sự chỉ đạo của Đảng uỷ, phương hướng sản xuất của HTX lúc mới thành lập là: “Tập trung thâm canh, chủ yếu là cây lúa, khuyến khích xã viên tự sản xuất các loại hoa mầu để tăng thêm thu nhập; giữ vững đàn lợn tập thể trên 500 con; khuyến khích các gia đình xã viên nuôi lợn gia công cho Nhà nước; phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống là sơn mài, mộc, nề, phát triển mạnh làm gạch và dệt thảm”
Thực hiện phương hướng sản xuất trên, các chi bộ Hà Vỹ đã chỉ đạo các đội sản xuất kịp thời sâu sát. Trước mắt phải tập trung nhân lực và phương tiện để hoàn chỉnh hệ thống thuỷ lợi trên các cánh đồng của địa phương mình. Trong 5 năm (1976-1980), Hà Vỹ đã huy động hàng trăm ngày công để tôn cao các bờ vùng, bờ thửa nhằm chống úng cho các cánh đồng của thôn Châu Phong, đồng thời dùng phương tiện cơ giới tiến hành cải tạo đồng ruộng số diện tích còn lại ở chân ruộng cao của thôn Đại Vỹ (khu nền Chùa). Đội chuyên trách dân công thường xuyên tu bổ các mương máng tưới tiêu, đặt các cống để lưu thông nước. Đến cuối năm 1978 toàn bộ mặt bằng đồng ruộng của Hà Vỹ đã được cải tạo, máy cày có thể chạy được trên 70% diện tích, hệ thống thuỷ nông tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để chống úng chống hạn. Để chống được úng cục bộ, hỗ trợ cho các trạm bơm điện khi lượng mưa lớn và nguồn điện khó khăn, được sự chỉ đạo của Ban chủ nhiệm HTX trong những năm 1978 -1980 các đội sản xuất đã đầu tư thêm các trạm bơm dã chiến bằng máy kéo
Để tăng sản lượng lương thực, các giống lúa mới có năng xuất cao như nông nghiệp 8 thuần chủng, nông nghiệp 22, bao thai lùn… lần lượt được đưa vào gieo cấy đại trà trên cánh đồng Hà Vỹ
Từ vụ Đông năm 1978, các đội sản xuất của Hà Vỹ đã huy động xã viên trồng thêm các cây thực phẩm như khoai lang, khoai tây ở các nơi đồng mầu. Năm 1980 lần đầu tiên, cây ngô lai được đưa vào trồng trên cánh đồng đất trũng của Hà Vỹ. Do trồng ngô lai có kết quả nên cây này đã trở thành loại cây chính của vụ Đông - Xuân với năng suất bình quân 30 tạ/ha đem lại nguồn lương thực đáng kể cho xã viên. Ngoài ra xã viên còn trồng thêm dược liệu để bán và cung cấp cho Trạm xá làm thuốc chữa bệnh, phục vụ nhân dân
Về chăn nuôi: Trước khi sáp nhập, ở Hà Vỹ có hai trại chăn nuôi, nay tập trung vào một trại với qui mô khá lớn nên việc chỉ đạo điều hành là do Ban Chủ nhiệm HTX quyết định, nhân dân Hà Vỹ chỉ còn các gia đình xã viên tự chăn nuôi và chăn nuôi theo phương thức gia công cho Nhà nước.
Về thủ công nghiệp: Trong thời kỳ 1976-1980 khá phát triển, HTX Dệt thảm, HTX Thêu, HTX Xây dựng lần lượt được thành lập.
HTX Dệt thảm, dệt gia công cho Nhà nước, có trụ sở ở Châu Phong với 30 gian nhà xưởng thu hút trên 1000 lao động
HTX Thêu (thành lập năm 1978) do anh Đỗ Ngọc Tuân (Giao Tác ) làm Chủ nhiệm đã giải quyết việc làm cho gần 1000 lao động của xã
HTX Xây dựng do ông Phạm Văn Miên (Châu Phong) làm Chủ nhiệm đã tập hợp các ông thợ nề thợ mộc của các thôn để xây dựng các công trình công cộng của xã và nhà ở của xã viên
Các HTX trên đã thu hút hàng ngàn nhân công nhàn rỗi, giải quyết được công ăn việc làm nên đời sống của nhiều gia đình xã viên vẫn còn được đảm bảo.
Mặc dù cán bộ và xã viên đã rất cố gắng, nhưng HTX nông nghiệp vẫn gập nhiều khó khăn, năng suất lúa không tăng lên được, do đó đời sống của người xã viên càng ngày càng giảm sút. Nguyên nhân cơ bản là do cơ chế HTX theo lối tập trung quan liêu bao cấp, giờ đây không còn phù hợp nữa, nó là vật cản đối với sản xuất. Cơ chế bao cấp chỉ thích hợp với qui mô nhỏ nay đưa lên qui mô lớn toàn xã càng bộc lộ sự không tương xứng giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất, mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất (cao) với lực lượng sản xuất (thấp) sẽ dẫn đến sản xuất không phát triển được là điều tất yếu, nó thể hiện ở trình độ cán bộ quản lý còn yếu kém trong việc lập kế hoạch và điều hành sản xuất như việc cấy và chăm sóc lúa không kịp thời vụ và bảo đảm kỹ thuật, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Tình trạng “dong công phóng điểm” diễn ra phổ biến ở tất cả các đội sản xuất dẫn đến làm ăn gian dối và thiếu công bằng… Bộ máy quản lý sản xuất cồng kềnh, bộ phận gián tiếp lại đông, ý thức trách nhiệm kém, chức năng nhiệm vụ của các bộ phận không được phân định rõ ràng, dẫn đến chồng chéo lãng phí. Trong khi đó thời tiết mấy năm lại khắc nghiệt, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cũng làm cho các đội sản xuất đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vì vậy sản lượng lúa hàng năm từ khi sáp nhập HTX đều không bằng năm 1975 (riêng năm 1977 cả xã đã giảm gần 1000 tấn lương thực so với năm 1976)
Sản lượng lương thực giảm đã ảnh hưởng đến chăn nuôi, đàn lợn của tập thể giảm dần mà số lợn của xã viên cũng không tăng lên được
Sản lượng lương thực đã giảm mà chi phí sản xuất lại tăng, nên giá trị ngày công của các đội sản xuất tất phải ít
Do đó thu nhập bình quân của xã viên cũng thấp dần, thấp hơn cả mức trong chiến tranh (có vụ chỉ được vài lạng thóc). Bình quân mức ăn mỗi khẩu chỉ đạt xấp xỉ 12,5 kg thóc (hơn 8 kg gạo) mỗi tháng. Do làm hợp tác không đủ ăn, nên hầu hết xã viên chán nản không thiết tha với công việc của đội sản xuất và tập thể, họ tập trung công sức vào việc chăm sóc phần ruộng cá thể 5% (vì chỉ có 5% ruộng đất mà lại đảm bảo được lương thực tới 50% cho gia đình) một số người đã bỏ HTX để đi làm thợ ngoài hoặc đi buôn kiếm sống
Tình hình chung nông thôn miền Bắc khi đó chỗ nào cũng có khó khăn (do chính sách ở đâu cũng thế), nhiều nơi xẩy ra nạn đói, nhất là lúc giáp hạt.
Tình hình càng khó khăn hơn khi chiến tranh biên giới lại xẩy ra ở Tây Nam (1977) và phía Bắc (1979), rồi các nước phương Tây cấm vận, sản xuất công nghiệp cũng trì trệ làm cho hàng tiêu dùng thiết yếu rất khan hiếm…
Mặc dù khó khăn như vậy, song cán bộ và nhân dân Hà Vỹ vẫn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, các chi bộ ở Hà Vỹ vẫn động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Khi chiến tranh biên giới phía Bắc xẩy ra, các chi bộ Hà Vỹ đã tham gia các đợt sinh hoạt chính trị do Đảng bộ tổ chức, các cán bộ đảng viên và nhân dân Hà Vỹ đã nhận thức được tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng mà chuẩn bị tinh thần để đối phó. Trong tình hình mới, công tác an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được coi trọng hơn trước.
Để chuẩn bị đối phó với chiến tranh, các thôn xóm Hà Vỹ đã tiến hành đào lại giao thông hào, xây dựng làng chiến đấu như những năm kháng chiến chống Pháp. Lực lượng dân quân du kích được biên chế lại và tổ chức diễn tập chiến đấu để sẫn sàng đánh địch khi chiến sự xẩy ra.
Phong trào tòng quân của thanh niên Hà Vỹ vẫn sôi nổi như những năm chống Mỹ. Dân công Hà Vỹ còn tham gia xây dựng phòng tuyến chiến đấu ở huỵên Sóc Sơn. Các thanh niên Hà Vỹ tham gia chiến đấu trên các mặt trận biên giới Tây Nam và phía Bắc, đã có 8 chiến sĩ hy sinh trên mảnh đất biên cương. Ngoài ra còn có nhiều con em Hà Vỹ đi thanh niên xung phong, đi xây dựng vùng kinh tế mới… Năm 1978 đã có 30 hộ dân ở ấp Hà Lâm và một số gia đình của Hà Vỹ đi xây dựng vùng kinh tế mới tại tỉnh Lâm Đồng
Sang năm 1981 tình hình kinh tế của Hà Vỹ có khá hơn, sản lượng lương thực qui thóc đã tăng đáng kể (cả xã đạt 3167 tấn - cao nhất trong ba năm trước đó).
Để khuyến khích người lao động và khắc phục những nhược điểm của lối làm ăn “dong công chấm điểm”, đầu năm 1982, Hà Vỹ triển khai thực hiện chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương về “khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động”. Theo Đảng uỷ xã chỉ đạo, các đội sản xuất các thôn thống nhất lấy hộ gia đình làm đơn vị nhận khoán. Mỗi hộ được nhận một số ruộng, ưu tiên các gia đình chính sách. Chỉ thị 100 giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa xã viên, tập thể và Nhà nước, đã khơi dậy sự nhiệt tình gắn bó với đồng ruộng và tính chủ động trong sản xuất của người nông dân, động viên được các gia đình xã viên đầu tư thời gian, công sức, vốn liếng vào sản xuất.
Nhờ chính sách mới, mà sản lượng lương thực qui thóc năm 1982 ở các thôn đã tăng, vượt cả mức năm 1976 (là năm cao nhất trong 5 năm 1976-1980). Hầu hết các hộ nhận khoán đều vượt mức khoán từ 20 đến 60 %.
Đây là bước chuyển biến quan trọng trong việc giải quyết vấn đề lương thực, ổn định đời sống nhân dân. Cơ chế khoán đã tạo ra một động lực thúc đẩy sản xuất mạnh mẽ, giúp cho sản xuất nông nghiệp của xã tiếp tục đi lên trong những năm tiếp theo mặc dù thời tiết khắc nghiệt do thiên tai liên tiếp gây ra. Để việc khoán tốt hơn, các chi bộ đã kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc trong quá trình thực hiện chế độ khoán. Các đội sản xuất phải đảm nhiệm tốt năm khâu: Làm đất, thuỷ lợi, giống, bảo vệ thực vật và bảo vệ đồng ruộng, còn xã viên nhận khoán phải thực hiện tốt ba khâu: Gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch. Có như vậy năng suất lúa và thu nhập mới cao.
Nhờ sản xuất phát triển nên mức đóng góp lương thực và thực phẩm của Hà Vỹ trong 5 năm (1981-1985) cũng tăng hơn.
Các ngành nghề thủ công vẫn được duy trì tốt, xã viên làm thủ công được bán đối lưu lương thực, thực phẩm do đó cũng yên tâm
Trong 10 năm khôi phục và phát triển kinh tế, công tác xây dựng và củng cố Đảng luôn được coi trọng. Khi mới thành lập HTX toàn xã, Đảng bộ phân thành 28 chi bộ, bố trí theo các đội sản xuất, nhưng đến năm 1979-1981 lại chia thành 8 chi bộ thôn trong khối nông nghiệp và 5 chi bộ chuyên ngành để giảm số chi bộ và để việc chỉ đạo sâu sát các mặt hơn.
Tuy tình hình kinh tế đất nước còn rất nhiều khó khăn do những sai lầm trong chính sách kinh tế kế họach hoá quan liêu bao cấp kéo dài… lại chịu hậu quả của hai cuộc chiến tranh biên giới Tây-Nam và phía Bắc, các nước phương Tây cấm vận … nhưng các đảng viên và nhân dân Hà Vỹ vẫn kiên trì phấn đấu và đã đạt được một số thành tích nhất định về kinh tế - văn hoá, tình hình chính trị - xã hội trong địa bàn vẫn được ổn định. Ngoài ra còn đóng góp nhiều sức lực và tiền của vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trong bối cảnh của đất nước giữa thập kỷ 80: Khủng hoảng kinh tế trầm trọng, lạm phát gia tăng với tốc độ phi mã, cùng với tác động của chính sách Giá - Lương -Tiền đã làm cho cán bộ và nhân dân Hà Vỹ dao động, lo lắng, hoang mang.
Chính lúc đó tháng 12 năm 1986, Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, tạo ra bước đột phá mạnh mẽ đưa đất nước từng bước thoát khỏi sự trì trệ, mở ra một thời kỳ mới phát triển đất nước theo một hướng mới đầy triển vọng
2. THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI KINH TẾ - XÃ HỘI
(1986- 2008)
Để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế, Đại hội VI của Đảng đã “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật” phân tích sâu sắc những sai lầm trong chính sách kinh tế kế họach hoá quan liêu bao cấp … nên đã đề ra được những quyết sách đúng đắn cho nền kinh tế nước ta. Trong đó có ba chương trình với mục tiêu kinh tế là đẩy mạnh sản xuất lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đối với nông nghiệp, các biện pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán, giảm mức giao nộp sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân được ban hành. Các biện pháp này đã giúp cho nông dân cải thiện được đời sống đáng kể. Nhưng vụ mùa năm 1987 lại thất thu, nên tháng 3 và tháng 4 năm 1988, Hà Vỹ lâm vào cảnh thiếu lương thực trầm trọng, giá gạo tăng vọt chưa từng có, làm cho đời sống của người nông dân hết sức khó khăn.
Trước tình hình đó, với tinh thần đổi mới, lấy nông nghiệp làm khâu đột phá, tháng 4 năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 về tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp. Nghị quyết này đánh dấu sự đổi mới căn bản với việc ổn định mức khoán 5 năm. Hộ gia đình nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ. Đến tháng 6 năm 1993 tại Hội nghị Trung ương lần thứ V (khoá VII) lại khảng định sự đúng đắn của Nghị quyết 10 và còn chủ trương giao ruộng đất lâu dài cho nông dân để ổn định sản xuất. Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ra đời đã giải quyết những bế tắc về cơ chế góp phần điều hoà các lợi ích kinh tế của Nhà nước, tập thể và hộ gia đình
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Đảng uỷ xã Liên Hà đã chỉ đạo kịp thời các chi bộ và cán bộ các đội sản xuất của Hà Vỹ lên phương án và giao ruộng đất cho từng hộ xã viên theo từng thôn với mức bình quân như chỉ thị 100.
Kết quả là: Sản lượng lương thực tăng lên rõ rệt, cả xã nhiều năm đạt mức 5100 - 5300 tấn (năm cao nhất thời kỳ HTX chỉ đạt 3510 tấn).
Nghị quyết 10 (khoán 10) đã đưa đến sự thần kỳ trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lương thực nói riêng, nó đã thực sự khơi dậy tính năng động, tự chủ của các hộ gia đình nông dân, đáp ứng lòng mong mỏi của người nông dân nhờ đó mà sản xuất nông nghiệp phát triển khá nhanh
Nhờ vậy mà đời sống của người nông dân đã được nâng cao rõ rệt, nhiều gia đình đã có thóc dự trữ và còn thừa để bán, không còn lo cái đói đe doạ trong những tháng giáp hạt như trước đây nữa.
Có lương thực dư thừa, nên chăn nuôi cá thể của các hộ nông dân cũng phát triển theo (nhiều gia đình nuôi từ 15-20 con lợn theo lối công nghiệp) mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt lợn, đàn gia cầm cũng tăng hàng trăm ngàn con, có gia đình nuôi tới vài ngàn con gà theo lối công nghiệp.
Nhờ chính sách đổi mới của Đại hội VI và các Đại hội tiếp theo (VII,VIII,IX,X) mà đất nước dần dần khởi sắc, kinh tế phát triển, từ chỗ nước ta thiếu ăn, chúng ta đã xuất khẩu được lương thực (đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo), kinh tế tăng trưởng cao, bộ mặt đất nước từ thành thị đến nông thôn thay đổi nhanh chóng, hàng hoá dư thừa không còn cảnh xếp hàng như thời bao cấp nữa, lòng dân vô cùng hân hoan vui sướng, nước ta đã có vị thế trên trường Quốc tế (là thành viên tổ chức Thương mại Thế giới -WTO, uỷ viên không thường trực tại HĐ bảo an LHQ), tuy vẫn còn là nước thu nhập bình quân thấp và là nước đang phát triển nhưng các chỉ số về tăng trưởng kinh tế, về văn hoá - giáo dục, tuổi thọ, xoá đói giảm nghèo, ngày càng tăng …
Năm 1995 thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ, chính quyền xã chỉ đạo các thôn ở Hà Vỹ lập qui hoạch tổng thể về sử dụng ruộng đất, ngoài đất nông nghiệp giao cho các hộ gia đình canh tác lâu dài còn có 5% đất công ích, đất giãn dân, đất nghĩa địa và đất cho giao thông thuỷ lợi - do tập thể quản lý
Năm 1997 chính quyền xã đã tiến hành cấp sổ chứng nhận quyền sử dụng ruộng đất cho phần lớn các hộ nông dân ở Hà Vỹ.
Bên cạnh những thành tích và thuận lợi, song nông nghiệp của Hà Vỹ hiện đang gập một số khó khăn. Đó là bình quân ruộng đất thấp lại phân tán manh mún, do chia ruộng cho các hộ gia đình sản xuất nên việc áp dụng cơ giới vào nông nghiệp không thuận lợi, hơn nữa chất đất ở cánh đồng Hà Vỹ là đất thịt không thích hợp để chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị cao. Do hiệu quả của sản xuất nông nghiệp quá thấp so với làm thủ công hay buôn bán, nên hiện nay ở Hà Vỹ chỉ còn khoảng 60% số hộ được giao đất là làm nông nghiệp, 10% số hộ để lại ruộng đất cho người khác làm và khoảng 30% cho thuê ruộng.
Do chính sách cởi mở theo hướng kinh tế thị trường nên các ngành nghề thủ công của Hà Vỹ phát triển rất mạnh.
Năm 1987, Châu Phong học được kỹ thuật phun sơn từ miền Nam. Từ những tốp thợ ban đầu này đã đào tạo thêm nhiều tốp thợ khác. Do nhu cầu tiêu dùng rất lớn, làm ăn có lãi, hiệu quả cao nên nhiều người thợ mộc ở Giao Tác và Đại Vỹ cũng đua nhau làm nghề mộc phun sơn. Nhiều gia đình ở Hà Vỹ đã đầu tư mua thiết bị, làm lán trại, thuê thêm thợ về để sản xuất hàng loạt các đồ dùng nội thất như tủ, bàn ghế, giường các loại …bằng gỗ ép phun sơn. Đồ gỗ ép phun sơn tuy không bền bằng gỗ cây nhưng cũng đẹp mà lại rẻ, sản xuất nhanh, người thợ làm không cần đòi hỏi kỹ thuật cao, không mất công đào tạo, do ban đầu ít người làm, nhiều người mua, nên lợi nhuận rất lớn.
Các sản phẩm đồ gỗ của Hà Vỹ đã trở thành hàng hoá cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, miền Trung ngày một nhiều. Cũng do đời sống được nâng cao, nhiều gia đình ở Hà Vỹ cũng như các nơi khác đã phá nhà cấp bốn do bố mẹ để lại làm nhà mới hai ba tầng bằng bê tông cốt thép nên thợ nề của Hà Vỹ có rất nhiều việc, họ không những xây dựng cho dân trong xã mà còn đi nhận nhiều công trình tư và công ở khắp mọi nơi.
Ngành nghề phát triển không chỉ giải quyết việc làm cho số lao động của địa phương mà còn thu hút một nguồn lao động khá lớn từ các nơi khác đến. Làm nghề phụ phun sơn (đánh giấy nháp, bả ma tít…) tuy có độc hại song thu nhập hơn hẳn làm ruộng vì vậy nhiều người nông dân ở Hà Vỹ đã không thiết tha với đồng ruộng, họ vẫn giữ ruộng làm nhưng phần lớn đều thuê nguời ở nơi khác đến làm thay để khỏi bỏ ruộng hoang
Cũng nhờ có nghề phun sơn mà nhiều người trong làng đã giầu lên nhanh chóng, nhiều người làm được nhà bê tông hai ba tầng, một số còn mua được xe ô tô du lịch và vận tải, nhiều nhà sắm được tiện nghi đắt tiền (tivi, tủ lạnh, máy giặt, điều hoà nhiệt độ, điện thoại di động, máy tính và nối mạng Internet…). Hiện nay ở Hà Vỹ số hộ giầu tăng lên rõ rệt, số hộ nghèo chỉ còn rất ít (chỉ khoảng 3-4%)
Ngành nghề phát triển đã hình thành hệ thống dịch vụ cung cấp nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm, đồ ăn thức uống rất phong phú… Chợ Châu Phong và chợ Quậy là hai nơi cung cấp hàng hoá thực phẩm rau quả và đồ dùng sinh hoạt rất thuận tiện cho nhân dân trong vùng, đời sống đại bộ phận người dân đã được cải thiện đáng kể và ngày càng được nâng cao
Tuy nhiên việc phát triển ngành nghề đang đặt ra cho chính quyền địa phương nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đó là mặt bằng sản xuất hiện nay quá chật hẹp ở hầu hết các cơ sở làm nghề, nhiều hộ mới kinh doanh đều thiếu vốn trong khi đó việc vay vốn của ngân hàng, tín dụng lại khó khăn (chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu vay). Thị trường tiêu thụ nhiều lúc cạnh tranh không lành mạnh, gần đây có phần chững lại, sản xuất nhiều nhưng không tiêu thụ được giá nguyên liệu lại cao nên nhiều gia đình cũng rất lo lắng. Làm nghề mộc phun sơn tuy có lãi, song để lại môi trường rất ô nhiễm do phun sơn (ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và rác thải..). Môi trường ở nhiều gia đình không còn trong lành nữa, rất đáng lo ngại do chặt hết cây xanh để làm lán trại… Nếu không quyết tâm giải quyết sớm và triệt để sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tuổi thọ của người dân.
Lao động ở các nơi khác đến làm thuê với số lượng đông đã nẩy sinh những tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp, trai gái, gây rối…đã làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an ninh và văn hoá nếp sống cho thôn xóm làng nghề
Để giải quyết những bức xúc trên đây, lãnh đạo chính quyền xã đã làm thủ tục cho dự án làng nghề ở thôn Châu Phong và Giao Tác. Các dự án này đã được thành phố phê duyệt và đang triển khai ở giai đoạn cuối (dự án làng nghề ở Giao Tác đã san nền và cho thuê đất, một số hộ đã tiến hành xây dựng cơ sở để kinh doanh) nếu làm xong sẽ giải quyết được một phần tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm an toàn lao động, chống cháy nổ trong khu dân cư mà còn giới thiệu sản phẩm và xây dựng thị trường trao đổi hàng hoá tập trung… Dự án làng nghề cũng chỉ giải quyết được một phần ô nhiễm, muốn hạn chế ô nhiễm ở trong làng, lãnh đạo các thôn của Hà Vỹ phải thực hiện triệt để qui chế: Những hộ phun sơn phải làm ống phun thoát khí cao (>5 m), không được làm và phun sơn ra đường, cử người thu gom rác phế thải, làm cống thoát nước làm vệ sinh hàng tuần để đường làng ngõ xóm sạch sẽ, thực hiện qui chế “Làng văn hoá”…đồng thời có biện pháp quản lý các người làm thuê từ nơi khác đến để hạn chế những tệ nạn xã hội do họ gây ra
Với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế trong hơn 20 năm đổi mới, việc xây dựng cơ bản của Hà Vỹ cũng đạt được nhiều thành tích khả quan. Các mương máng trên cánh đồng Hà Vỹ đã được xây lại, hệ thống các cột điện và đường dây cung cấp điện, cả đồng hồ đo điện cũng đã được thay thế, một số trạm biến thế cũng được xây thêm để đáp ứng nhu cầu dùng điện của nhân dân.
Đến nay (2008) đã có hơn 90% đường làng ngõ xóm ở Hà Vỹ được bê tông hoá hoặc lát gạch, đường ô tô từ trụ sở Uỷ ban xã qua Châu Phong về đình Hà Vỹ đã được đổ bê tông nhựa, đặc biệt con đường trục bê tông liên thôn phía đông từ Đại Vỹ qua Giao Tác đến đường Nam Hà và đường từ Cầu Đa (Đại Vỹ) nối với đường xã đã hoàn thành năm 2004 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và cho ô tô vận chuyển hàng hoá đi từ Đại Vỹ, Giao Tác đến các nơi. Cuối năm 2008 thôn Đại Vỹ đã làm đường bê tông nối từ đường phía đông ra sau chùa Chốn Tổ và đường từ Cầu Đa ra nghĩa địa và vào chùa của thôn.
Theo đà phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hoá - giáo dục của Hà Vỹ tiếp tục đạt được những thành tích rất đáng khích lệ: Các trường Mầm non, trường Mẫu giáo, trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở địa bàn Hà Vỹ đều được nâng cấp và xây dựng thêm, đảm bảo đủ chỗ học cho con em Hà Vỹ
Về chất lượng học tập của học sinh cũng ngày một nâng cao, tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh lên lớp và tốt nghiệp cũng tăng theo các năm. Các học sinh của Hà Vỹ sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, phần lớn được tiếp tục lên học tại trường Trung học phổ thông Liên Hà.
Phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, trong nhiều năm qua, năm nào cũng có hàng chục em thi đỗ vào các trường đại học và cao đẳng. Đến nay Hà Vỹ có gần 200 người tốt nghiệp Đại học và trên Đại học một số người có học hàm Giáo sư và phó Giáo sư. Tuy số Tiến sĩ còn hạn chế (hiện chỉ có 5 người) nhưng số gia đình có trình độ văn hoá cao lại nhiều, có gia đình cả nhà 5 người thì 4 người là Cử nhân một người là Tiến sĩ, có gia đình 5 người thì 3 người là Thạc sĩ và một người là Giáo sư, Tiến sĩ, cả làng hiện có 31 gia đình có 3 người tốt nghiệp Đại học trở lên. Nếu không có cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ kéo dài hơn 30 năm thì việc học tập của con em Hà Vỹ chắc chắn còn có nhiều thành tích hơn nữa.
Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục- thể thao cũng phát triển đồng đều ở tất cả các thôn
Khi đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, người dân lại hướng tới cội nguồn dân tộc, họ sẫn sàng cung đức và tham gia đóng góp xây dựng, tôn tạo lại đình chùa, đền miếu.
Năm 1998 chùa Chốn tổ Đại bi của làng đã được xây dựng lại trên đất chùa xưa rồi chùa Táo Trù thôn Giao Tác cũng mọc lên ngay cạnh đình làng, năm 2006 Châu Phong cũng làm thêm chùa mới ở cạnh nghè…
Để đáp ứng nguyện vọng của người dân, các lễ hội của làng cũng được phục hồi, song việc tổ chức đều theo qui chế của Bộ Văn hoá -Thông tin hướng dẫn. Ngày 12 đến 14 tháng Giêng năm Nhâm - Ngọ (2002), nhân dân Hà Vỹ đã tổ chức lễ hội truyền thống rước kiệu từ nghè sang đình (sau gần 60 năm gián đoạn). Năm năm sau cũng từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng năm Đinh Hợi (2007), nhân dân Hà Vỹ vào đám lại tổ chức lễ hội rước kiệu như năm 2002. Trong những ngày lễ hội, ngoài việc tế lễ hàng ngày ở đình và nghè theo nghi thức trước đây, Ban lễ hội còn tổ chức nhiều hình thức vui chơi giải trí như hát quan họ, tuồng chèo, vật, chọi gà, kéo co, bóng chuyền hơi, cầu lông nam nữ …buổi tối có văn nghệ do các đoàn ở Trung ương và địa phương biểu diễn, do đó đã đáp ứng được yêu cầu về tâm linh và sinh hoạt văn hoá của nhân dân.
Công tác thông tin tuyên truyền vẫn đảm bảo thông suốt, thôn nào cũng có hệ thống loa truyền thanh, hàng ngày nghe bản tin của xã và các thông báo của thôn. Hà Vỹ hiện nay có đủ các loại báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới do xã cung cấp cho các chi bộ và lãnh đạo thôn, đình làng Hà Vỹ cũng có một tủ sách với hàng trăm đầu sách đủ các thể loại phục vụ bạn đọc, hàng tuần cho mọi người có nhu cậu đến mượn để nâng cao hiểu biết và phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi người dân.
Vốn là một miền quê có truyền thống văn hoá, nên nhiều người rất yêu thơ. Năm 1998 khi xây lại chùa chốn Tổ của làng mà đã có hàng trăm bài thơ do quần chúng sáng tác. Ban Xây dựng chùa đã chọn lọc những bài thơ tiêu biểu và in thành tập “Thơ phục hồi chùa Quậy” tặng cho mọi người yêu mến chùa quê hương.
Để đáp ứng yêu cầu thơ ca, lãnh đạo xã Liên Hà đã thành lập “Câu lạc bộ hưu trí – người cao tuổi ” trong đó có xuất bản định kỳ tập thơ “Hương cau” được nhiều người yêu thơ của Hà Vỹ tham gia hưởng ứng. Hiện nay một số người có năng khiếu làm thơ còn tham gia câu lạc bộ Thơ Đường, có cụ còn được giải về thơ do huyện Đông Anh tổ chức. Làm thơ và bình thơ là nội dung sinh hoạt ở các câu lạc bộ thôn làng - một hình thức văn hoá thật đáng khen
Ngoài thơ ca, các cụ còn tham gia Hội sinh vật cảnh của xã cũng là một thú vui tao nhã của người già
Phong trào thể dục thể thao của Hà Vỹ cũng rất sôi nổi. Sáng nào cũng có nhiều người tập thể dục, một số các cụ già thường xuyên đi bộ để rèn luyện thân thể. Thôn nào cũng có câu lạc bộ bóng chuyền hơi, hàng ngày luyện tập đông vui, thỉnh thoảng lại tổ chức đấu giao hữu hoặc thi tranh giải trong những ngày lễ hội, làm cho không khí làng xóm sống động hẳn lên.
Ba thôn ở Hà Vỹ đều thực hiện cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và đăng ký danh hiệu “Khu dân cư văn hoá, khu dân cư tiên tiến” …
Công tác vệ sinh y tế cũng được chú trọng hơn, các thôn đều có cán bộ y tế để chăm lo theo dõi sức khoẻ của nhân dân và tổ chức tiêm chủng các loại vắc xin để phòng chống các bệnh lao, sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B... cho trẻ em trong độ tuổi và tiêm phòng dại cho gia súc …
Đặc biệt từ năm 1997 nhân dân thôn Đại Vỹ (và một số gia đình thôn Giao Tác) đã được sử dụng nước sạch từ dự án cung cấp nước sạch cho nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa về
Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình, tuy đã cố gắng tuyên truyền quyết làm triệt để, song tỷ lệ tăng dân số vẫn chưa đạt yêu cầu (1,7%).
Để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới ở cơ sở, dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, vấn đề xây dựng hệ thống chính trị, cũng như công tác xây dựng Đảng là một khâu quan trọng, nhằm đảm bảo cho chi bộ đảm đương được nhiệm vụ lãnh đạo ở địa phương.
Theo sự chỉ đạo của Đảng uỷ, các chi bộ của các thôn thuộc Hà Vỹ, luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng đảng viên, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu của đảng viên, coi đó là yếu tố quyết định của công tác xây dựng chi bộ vững mạnh. Từ cuối nhiệm kỳ 1994-1996, Hà Vỹ đã không còn chi bộ yêú kém.
Được Đảng bộ tổ chức, các Chi bộ ở Hà Vỹ đã tham gia học tập đầy đủ Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương và tham gia tích cực nhiều đợt sinh hoạt chính trị nhằm củng cố tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đảng viên
Qua các đợt học tập và sinh hoạt chính trị đó, đảng viên đã thấy rõ trách nhiệm của mình mà phải rèn luyện phẩm chất đạo đức, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Vì vậy số đảng viên ở Hà Vỹ thuộc diện yếu kém giảm dần, số đảng viên tích cực gương mẫu tăng lên qua các nhiệm kỳ. Hàng năm các chi bộ đều tiến hành phân loại đánh giá đảng viên, những đảng viên thoái hoá biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng và chính sách pháp luật Nhà nước, những đảng viên không đủ tiêu chuẩn làm hoen ố thanh danh của Đảng đều bị xử lý với những mức độ từ khiển trách đến khai trừ xóa tên khỏi Đảng. Những đảng viên cao tuổi, già yếu ở các Chi bộ đã được Đảng bộ xét cho các đồng chí ấy miễn sinh hoạt, những đảng viên đủ 40, 50, 60 năm tuổi Đảng cũng được Đảng bộ xét đề nghị tặng thưởng huy hiệu cho các đồng chí đủ tiêu chuẩn (từ năm 2007 xét tặng cả các đồng chí đủ 30 năm tuổi Đảng)
Công tác giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được coi trọng, đảm bảo được cuộc sống yên bình cho nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho làm ăn phát triển kinh tế. Những năm gần đây do mặt trái của kinh tế thị trường tác động nên tệ nạn xã hội gia tăng, điều đó ở Hà Vỹ cũng không thể nào tránh được, song tình hình an ninh ở địa phương vẫn giữ được ổn định, đó là do lực lượng công an, dân quân tự vệ vẫn làm tốt nhiệm vụ được giao.
Trong hơn 20 năm qua, Chi uỷ và lãnh đạo thôn có nhiều cố gắng, đã làm tốt vai trò quản lý, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường. Khoán 10 đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân phát huy được vai trò làm chủ trong sản xuất nông nghiệp, HTX chỉ làm nhiệm vụ cung cấp giống, phân bón, tưới tiêu, kỹ thuật…
Cuối năm 1990 theo chủ trương của Thành uỷ, Hà Vỹ bắt đầu thực hiện chế độ quản lý do Trưởng thôn phụ trách (đến năm 1998 có thêm Phó thôn). Lãnh đạo thôn cùng với Chi ủy có nhiệm vụ chỉ đạo và quản lý toàn bộ các mặt công tác trong địa bàn mình phụ trách.
Tóm lại, trong hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ và Uỷ ban Nhân dân xã Liên Hà, các cán bộ, đảng viên và nhân dân các thôn của Hà Vỹ đã nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thành tích to lớn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị văn hóa xã hội, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng no ấm yên vui.
Tuy nhiên vẫn còn một số tệ nạn cờ bạc, đề đóm và môi trường còn ô nhiễm nặng ở tất cả các thôn, một số thanh thiếu niên (phần lớn là con nhà mới giầu lên) còn đua đòi ăn chơi sống thiếu lý tưởng không chịu phấn đấu tu dưỡng, ý thức chính trị còn rất kém … Tất cả những việc đó đặt ra cho các chi bộ đảng và lãnh đạo các thôn ở Hà Vỹ phải có biện pháp ngăn chặn giáo dục làm sao cho con cháu chúng ta hiểu được vì đâu có cuộc sống hôm nay. Đó là nhờ sự hy sinh phấn đấu của bao nhiêu thế hệ cha anh đi trước, các con cháu cần phải hiểu lẽ đời “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” phải sống sao cho xứng đáng với ông cha và cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giầu đẹp văn minh
Biểu 1. TÌNH HÌNH THU NHẬP CỦA NHÂN DÂN HÀ VỸ
(Theo điều tra năm 2008)
Mức thu nhập (triệu đồng /hộ/năm)
31-50  >50
18
20
45
NHÀ Ở VÀ TIỆN  NGHI  CỦA NHÂN DÂN HÀ VỸ
(Theo điều tra năm 2008)
Các tiện nghi
Điện  Điều   Nhà
thoại  hoà  bê tông
418
562
715