Chương 3
CƠ CẤU TỔ CHỨC LÀNG XÓM
1. CƠ CẤU LÀNG XÓM DÒNG HỌ

    
rang Hà Hào (sau là Hà Vỹ) mới đầu chỉ có ngõ Nguyên Hương cùng với  dân Cổ Loa đến  định cư lập nghiệp rồi dần dần phát triển thành Quậy Cả (Đại Vỹ). Do đất chật người đông, họ Phạm đã sang lập xóm mới ở phía Tây Nam Quậy Cả gọi là Quậy Sau (Châu Phong), một số gia đình họ Lê cũng sang cắm Trại ở phía nam sát Quậy Cả sau thành  Quậy Rào (Giao Tác).
Năm 1428 gia đình cụ Đỗ Chấn từ Thanh Hoá chuyển cư đến ở vườn Trên (đất chùa xưa - phía nam Quậy Rào nay là khu giãn dân thôn Giao Tác) và lập ra trại Tác–Vỹ (1). Từ đó Quậy Rào có thêm họ Đỗ mới đến. Đến đời thứ tư, ông Đỗ Túc Khang do đỗ Đại khoa (Tiến sĩ) được bổ làm quan, được cấp ruộng đất  nên đã chuyển trại Tác-Vỹ của gia đình mình vào khu vực ngõ ba của Quậy Rào. Họ Đỗ đến sau nhưng phát triển rất nhanh, chỉ vài trăm năm sau (1790) con cháu cụ Đỗ Túc Khang là Đỗ Trác Lý (chi thứ tư cành trưởng) lại lập thêm xóm Trại (An Bài) - Trại này thuộc Quậy Rào.
Việc lập làng thường là: ai đến trước sẽ lấy chỗ đất cao, bằng phẳng nhất, những người đến sau đành phải lấy chỗ xấu hơn rồi mở rộng mãi ra, sự mở rộng làng theo kiểu “lấn ruộng” về mọi phía. Vì vậy đường cái làng và các ngõ không theo qui cách nào (rất lộn xộn - nên mới gọi là Hà Hào (2). Ở Đại Vỹ cả thôn có một đường chính chạy từ cổng Cầu Mới đến đình làng, còn các ngõ từ đường trục chính lan toả khắp thôn. Ở Giao Tác cũng vậy, cả thôn chỉ có con đường chính đi vòng vèo từ đầu làng (ngõ Đương) ra đình rồi từ đình qua ngõ Tây (Tầng) về ngõ Ba. Các ngõ được nối với đường chính theo từng cụm dân cư. Đường cái quanh co tuy đi lại khó khăn nhưng lại rất thuận lợi cho việc “bài binh bố trận” để đánh giặc. Chính vì vậy mà trang Hà Hào khi xưa được Tam Giang, Đông Hải, Lê Đại Hành và Lê Lợi đóng quân và chọn làm căn cứ
Mỗi thôn của làng đều có một số ngõ tạo thành: Ở Đại Vỹ có ngõ Nguyên Hương, ngõ Đình, ngõ Trung (Giữa), ngõ Giếng. Ở Giao Tác có ngõ Đương, ngõ Tây Từng và ngõ Ba, còn Châu Phong có ngõ Đương, ngõ Tây, ngõ Nam, ngõ Bắc và ngõ Trong. Mỗi ngõ ngày xưa đều có một điếm canh, Giao Tác có ba ngõ nên có ba cái điếm, đó là điếm ngõ Đương (trước nhà bà Năm Dạt), điếm ngõ Từng (cạnh nhà ông Ô) và điếm ngõ Ba (cạnh nhà ông Tuyền) nhưng ngày nay đều không còn nữa.
Về dòng họ, làng Hà Vỹ có rất nhiều họ đến định cư, lập nghiệp. Ở Đại Vỹ có họ Vũ, Lê, Nguyễn, Ngô, Dương, Phạm, Đỗ, Trần… Họ Nguyễn có tới bốn nhà thờ và là họ có số dân đông nhất còn họ Vũ tuy đến ở trước nhưng số dân lại không nhiều. Ở Giao Tác có các họ: Lê, Ngô. Nguyễn, Phạm, Đỗ. Họ Đỗ tuy đến sau nhưng đông nhất chiếm tới 2/3 dân số của thôn, cả xóm Trại (An Bài) đều là người họ Đỗ đều do con cháu của cụ Đỗ Trác Lý sinh ra. Còn ở Châu Phong cũng có tới 12 dòng tộc đó là họ Phạm, Đỗ, Nguyễn, Trần, Trịnh, Ngô, họ Phạm có hai nhà thờ là Phạm Quí Công (Phạm Xuân) và Phạm Ngân, hai họ Phạm này chiếm số dân đông nhất. Họ Đỗ ở Châu Phong là từ Giao Tác sang đến nay mới được 12 đời (3), họ Nguyễn từ Đại Vỹ sang cũng mới có 8 đời, họ Trần, Trịnh, Ngô đến Châu Phong còn sau họ Đỗ
 
2. TỔ CHỨC BỘ MÁY HÀNH CHÍNH CỦA LÀNG
Mỗi làng là một đơn vị kinh tế hành chính có phong tục tập quán riêng, có bộ máy chính quyền để điều hành
công việc của làng. Bộ máy chính quyền ở làng là cầu nối hay nói đúng hơn là tay sai đắc lực phục vụ cho bọn quan lại cấp trên thời phong kiến. Dựa vào bộ máy này, cấp trên mới bóc lột và “cai trị ” được dân.
Thời Gia Long (1804) tổ chức bộ máy chính quyền xã gồm có một Xã trưởng, một Khán thủ còn ở thôn có một Thôn trưởng. Để điều hành mọi việc trong làng còn có các Giáp trưởng và các Tộc trưởng. Việc bầu các chức sắc chính quyền thôn xã, phần nhiều là do dân cử. Người được chọn bầu phải có một số tiêu chuẩn nhất định như phải giầu có biết chữ và phải “tận tuỵ” có uy tín với dân.
Sau khi bầu xong, danh sách những người trúng cử phải trình lên cấp trên xem xét sau khi phê duyệt mới được ra làm. Nếu cấp trên không ưng thuận thì có quyền bổ nhiệm thay dân
Nhiệm vụ của bộ máy chính quyền làng xã là thừa hành chính quyền Nhà nước phong kiến “ lãnh đạo ” toàn dân, thực hiện mọi chiếu chỉ của Vua ban ra như thu thuế, đi phu, đi lính … hoặc điều hành công việc của làng xã…
Khi có việc chung cần bàn thì bộ máy chính quyền triệu tập các quan viên, trưởng lão sắc mục, xã trưởng, thôn
trưởng đến chốn đình chung để họp bàn quyết định.
Bộ máy làng xã như trên tồn tại mãi cho tới năm 1841 thì thay đổi cơ cấu cho thích hợp. Từ năm 1841 cho đến năm 1907 bộ máy hành chính ở Hà Vỹ cấp xã gồm có một Lý trưởng, ba Phó lý (vì có ba thôn, mỗi thôn một Phó lý) một Khán thủ, một Trương tuần cùng với Giáp trưởng, Tộc trưởng. Ở mỗi làng đều có Hội đồng Kỳ mục và Hội đồng Lý dịch. Hai hội đồng này đại diện cho dân, hầu như quyết định mọi vấn đề của làng xã. Nhưng từ năm 1921, thực dân Pháp đã đặt ra “Hội đồng Tộc biểu” để thay thế cho “Hội đồng Kỳ mục”. Người nào được cử vào Hội đồng này phải biết chữ Quốc ngữ có tài sản và phải được dòng họ hay nhiều dòng họ tín nhiệm cử vào. Đứng đầu Hội đồng này là Chánh hương Hội, giúp việc có Phó hương Hội. Trong hội đồng còn có một Thư ký, một Chưởng bạ và một Thủ quỹ. Hội đồng Lý dịch vẫn giữ nguyên nhưng quyền lực của Lý trưởng được tăng lên. Ngoài ra còn có chức Tiên chỉ để trông nom việc thờ cúng ở đình, nhưng chỉ là chức “hữu danh vô thực”
Việc bầu Lý trưởng và Phó lý phần lớn đều do dân cử, điều kiện phải biết chữ, có tài sản có tinh thần trách nhiệm và không có can án gì. Về quyền lợi kinh tế của Lý trưởng và Phó lý do dân cấp. Lý trưởng “mỗi năm hai vụ, đông và hạ, mỗi vụ được 40 quan tiền ’’ được miễn tất cả sưu sai tạp dịch trong làng xã, ngôi thứ v.v’’ (4)
Lý trưởng ở Hà Vỹ có quyền quyết định những công việc quản lý hành chính do cấp trên chỉ đạo, còn việc làng việc xã thì theo hương ước qui định và do tập thể các cụ hương lão cùng với các vị chức sắc trong làng …họp bàn quyết định. Phó lý quyền lợi về kinh tế chỉ được mỗi vụ “10 quan tiền”, việc giải quyết các công việc trong làng chỉ là người tham gia giúp việc cho Lý trưởng. Chức danh chính quyền thời phong kiến được dân làng gọi gắn với tên như cụ Lý Hương, Lý Lập, Lý Hối, Lý Chuyển, Phó Thường, Phó Vinh…
Hội tư văn. Hội tư văn (quan viên) được tổ chức theo từng thôn, việc chứa tư văn (làm cỗ để ăn uống) tại đình và nghè theo lứa tuổi phải sửa. Hội tư văn thời Gia Long (1804) là những người có học, tổ chức ra Hội để thờ cúng Khổng Tử, nhưng tới năm 1889 thì việc thờ cúng Khổng Tử bị phai nhạt đi và thay vào đó là tế lễ ở chốn đình chung với quyền lợi là “đánh chén nhiều”. Vì vậy thành phần trong Hội có cả những người không biết chữ cũng được vào, miễn là có tiền mua chức “tư văn”. Những người được bầu vào chức Tư văn trưởng nhất thiết phải biết chữ, tuổi cao đức tính “thuận hoà”
Tuy nhiên Hội tư văn không mang tính chất chính quyền nhưng ở chốn đình chung họ lại là người có quyền nhất, tiếng nói có trọng lượng nhất
Giáp. Giáp (còn gọi là phe) là tổ chức của nam giới trong làng, giáp chia theo dòng họ, nhưng một giáp thường có hai dòng họ của hai thôn tham gia, vì thế quan hệ mọi mặt giữa ba thôn rất khăng khít không thể tách rời nhau.
Thời xa xưa cả làng có tám giáp (bát giáp) về sau rút lại còn sáu giáp (lục giáp). Đó là:
1. Giáp Kim Toàn (gọi tắt là giáp Kiêm) gồm trai đinh của họ Ngô và họ Nguyễn ở cả Đại Vỹ và Giao Tác
2. Giáp Tây Tiền (gọi tắt là giáp Tây) gồm trai đinh của ba họ Lê, Nguyễn, Phạm ở cả Đại Vỹ và Giao Tác
3. Giáp Tây Trung (gọi tắt là giáp Giữa ) gồm trai đinh của họ Lê, họ Nguyễn ở Đại Vỹ và Châu Phong
4. Giáp Rao Chính (phe Rào) gồm trai đinh của họ Đỗ, họ Lê ở Giao Tác và Châu Phong
5. Giáp Rào Thịnh (phe Thịnh ) gồm trai đinh của họ Đỗ, họ Nguyễn và họ Phạm ở Giao Tác và Châu Phong
6. Giáp Châu Hưng (phe Sau) chỉ gồm những trai đinh của họ Phạm và họ Đỗ ở Châu Phong tham gia
 
Chú thích:
(1)Theo Tài liệu Làng Hà Vỹ cổ truyền do Lê Huyên biên soạn năm 1978
(2) Hà là bãi bồi của nhánh sông Nhị Hà (sông Hồng) còn Hào  (淆) có nghĩa là lộn xộn không theo qui tắc nào
(3) Theo ông Đỗ Văn Thảo trưởng họ Đỗ thôn Châu phong cho ông Lê Huyên biết khi biên soạn cuốn Làng Hà Vỹ Cổ truyền năm 1978
(4) Theo Hương tục xã Hà Vỹ làm năm Thành Thái thứ 19 ( 1907)