Chương 6 (3 )
3. PHONG TRÀO HỌC TẬP VĂN HOÁ CỦA HÀ VỸ

    
à Vỹ là một làng quê trước đây thuộc huyện Đông Ngàn, nơi có truyền thống hiếu học và khoa bảng, truyền thống đó đã có ảnh hưởng tốt đến việc học tập của con em Hà Vỹ. Thời Phong kiến cả làng đã có 84 người học cao trong đó có 6 vị đỗ Đại khoa (Thám hoa, Tiến sĩ). Đình làng có Văn chỉ thờ đức Khổng Tử có văn bia ghi tên những người đỗ đạt cao từ Giám sinh, Tú tài, đến Tiến sĩ, Thám hoa của làng. Với truyền thống hiếu học của cha ông, nên con em Hà Vỹ thời nào cũng có nhiều người đi học, việc học là nhu cầu cần thiết là mơ ước của mọi người.
Khi Hán học xâm nhập vào nước ta, thì làng đón thày Đồ về dậy chữ Hán - Nôm cho các thanh niên con nhà khá giả trong làng và lập thành hội Tư Văn và hội Đồng môn. Dậy học là một nghề cao quí được mọi người tôn vinh nên nhiều người đi học dù không được bổ làm quan cũng về làm thày Đồ mở lớp dậy học cho các con em trong vùng
Trước cách mạng tháng Tám, ở Hà Vỹ có thày Đồ Phi (Lê Hồng Phi - Đại Vỹ) đã mở lớp dậy chữ Hán-Nôm cho một số con em trong làng, trong kháng chiến chống Pháp khi mà chữ Hán - Nôm không còn thông dụng nữa, thày Phi chuyển sang dạy chữ Quốc ngữ. Dậy chữ Quốc ngữ còn có thày Đồ Nghi (Ngô Văn Nghi - Đại Vỹ). Thày Nghi dậy lớp ba lớp bốn, thày Phi dậy lớp nhì, lớp nhất, (lớp nhất là lớp cuối bậc tiểu học, tương đương với lớp 5 bây giờ). Lớp học đặt tại Táo Trù của đình làng. Hầu hết những người biết chữ Quốc ngữ ở làng thời đó đều qua hai thày ấy dậy cả. Khi học xong lớp nhất (tức là hết bậc Tiểu học) ai muốn học cao hơn (lên bậc Thành chung) thì học trường Hoàng Hữu Nam (ở Me) hoặc ra Hà Nội hay lên vùng tự do (Bắc Giang, Thái Nguyên) học tiếp
Năm 1953 UBKC-HC và ty Giáo dục tỉnh Bắc Ninh đã có quyết định cho xã Liên Hà đựơc mở trường Phổ thông cấp I Âu Lạc với 16 giáo viên, Hà Vỹ có 5 giáo viên là các anh Nguyễn Văn Sáng (Khải), Nguyễn Hữu Cảnh (Đại Vỹ) Đỗ Văn Lượng, Đỗ Văn Bảng và Trịnh Xuân Quang (Châu Phong). Các giáo viên này đã được đi bồi dưỡng kiến thức rồi trở thành các giáo viên và cán bộ trong ngành giáo dục
Thày Sáng là Hiệu trưởng trường cấp II Đại Phúc, Bắc
Ninh, thày Cảnh được đi học ở trường Nguyễn ái Quốc và trở thành Phó Giám đốc, Bí thư Đảng uỷ trường Đảng tỉnh Hà Bắc. Thày Bảng là Hiệu trưởng trường THCS Liên Hà và thày Quang là Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ trường Tiểu học Liên Hà; cả bốn Thày này đều công tác liên tục cho đến tuổi về hưu
Cuối năm 1953 quân ta mở chiến dịch Đông Xuân tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ở vùng hậu địch, quân và dân Hà Vỹ cũng đẩy mạnh các hoạt động chiến tranh du kích.
Ngày 19-3-1954 (24 tháng Hai năm Giáp Ngọ) địch quây thôn Châu Phong, anh Phạm Cao Tiến chết vì trúng đạn ở đồng Móc.
Để chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ, nhiều đợt dân công Hà Vỹ được huy động đi phục vụ chiến dịch. Ngày mồng Hai tết Giáp Ngọ (5-2-1954), Hà Vỹ đã đưa hàng chục dân công đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ trong đó có các anh Phạm Văn Nga (Tỵ), Phạm Văn Dân, (Châu Phong) chị Đỗ Thị Sửu (Giao Tác) có thành tích và được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua Điện Biên.
Để tăng cường lực lượng chiến đấu, trong những năm 1953-1954, nhiều thanh niên ở vùng tự do Thái Nguyên đang đi học đã "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu" xung phong tòng quân như các anh Nguyễn Bá Tước, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đính… (Đại Vỹ), Phạm Huy Thông, Đỗ Ngọc Tiến, Đỗ Văn Bảng… (Giao tác) Phạm Thanh Long, Nguyễn Thanh Lâm, Phạm Văn Tuân… (Châu Phong). Sau này một số anh đã trở thành những sĩ quan trung, cao cấp trong các lực lượng vũ trang hoặc cán bộ chuyên môn trong các ngành khoa học và kinh tế.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ngày 7-5-1954 chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho phái đoàn của ta ở bàn Hội nghị Giơ-ne -vơ
Điện Biên Phủ thất thủ, địch phải rút quân ở các bốt vùng đồng bằng Bắc Bộ về Hà Nội để chuẩn bị cho cuộc rút quân khỏi miền Bắc theo Hiệp định Giơ -ne- vơ
Ngày 10-10-1954 địch rút khỏi Từ Sơn thế là quê hương Hà Vỹ được hoàn toàn giải phóng, cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta kết thúc thắng lợi
Trong 8 năm kháng chiến với hơn 5 năm trực diện chiến đấu với kẻ thù, quân và dân Hà Vỹ đã chịu đựng vô vàn hy sinh gian khổ nhưng cũng vô cùng oanh liệt vẻ vang
“Kể từ tháng 9 năm 1949 đến tháng 10 năm 1954 địch đã vây càn vào xã Liên Hà tất cả hơn 100 lần, giết và bắt tù đầy hơn 150 cán bộ, du kích, bắt đưa đi mất tích gần 50 người khác; giết hại gần 200 dân thường, nhiều người bị tra tấn đánh đập hãm hiếp rất dã man, chúng đã phá và đốt trên 500 ngôi nhà, bắn và cướp đi trên 200 con trâu bò, cùng nhiều tài sản quí giá khác…”
Đặc biệt thiệt hại không gì bù đắp được, đó là do Thực dân Pháp xâm lược mà Hà Vỹ phải mất đi ngôi chùa chốn Tổ gần 100 gian do tiêu thổ kháng chiến. Đình làng cũng vì giặc Pháp mà phải dỡ đi bao nhiêu câu đối, cánh cửa, ván sàn để làm nắp hầm trú ẩn cho du kích bộ đội, cũng vì giặc Pháp xâm lược mà đình bị xiêu do phá bốt gần đình đến nay vẫn chưa chữa được…
“Cũng trong 5 năm trực diện đương đầu với địch, quân dân xã ta đã chiến đấu trên 50 trận lớn nhỏ, diệt trên 100 tên địch, bắt và gọi hàng 20 tên, thu hàng trăm súng các loại, cùng nhiều quân trang quân dụng và các chiến lợi phẩm khác
Cùng với chống địch vây càn, nhân dân xã ta còn tích cực đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến: 556 người tham gia quân đội, hàng trăm người tham gia dân công ở các chiến trường
Ngoài ra nhân dân ta còn giúp đỡ chỗ ăn chỗ ở nơi làm việc và bảo vệ an toàn cho các cơ quan huyện Từ Sơn và các cơ quan huyện Tiên Du, Gia Lâm cùng cán bộ, du kích nhiều xã trong huyện…”
“Có được những thành tích trên đây, trước hết là do sự chỉ đạo sáng suốt của Chi uỷ Đảng và các cán bộ, đảng viên trong các thôn đã biết vận dụng đường lối kháng chiến sáng suốt của Đảng và Chính phủ vào điều kiện và hoàn cảnh thực tế của địa phương
Có được những thắng lợi trên đây còn do lòng yêu nước thiết tha, chí căm thù giặc sâu sắc, một lòng một dạ tin tưởng vào đường lối kháng chiến, sẫn sàng hy sinh tính mạng, tài sản… của toàn thể nhân dân trong xã
Những thành tích trên đây còn có sự hỗ trợ giúp đỡ của các đơn vị bộ đội, cán bộ du kích và nhân dân trong vùng, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ Từ Sơn
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, ngày 15 tháng 8 năm 2003, Chủ Tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký quyết định số 522/KT- CTN phong tặng nhân dân và lực lượng vũ trang xã Liên Hà (trong đó
có Hà Vỹ) danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp.” (5)
Chú thích:
(1) Lúc đầu, ông Đỗ Văn Hưởng được bầu làm Chủ tịch, ông Đỗ Văn Chù làm Phó Chủ tịch song do ông Hưởng tổ chức ăn mừng trong khi nhân dân còn đói vì vậy cấp trên không đồng ý mà cử ông Đỗ Văn Chù làm Chủ tịch
(2) Cơ quan Huyện uỷ ở nhà ông Ngô Văn Hồng, ông Nguyễn Văn Xướng (thôn Đạị Vỹ). Bộ phận in ở nhà ông Bẩy Bắc, bà Năm Đồn (Trại). Cơ quan UBKC-HC huyện Từ Sơn và các Đ/c Chủ tịch và phó Chủ tịch ở nhà ông Phạm Văn Ngân. Cơ quan Huyện Đội ở nhà cụ Nghĩa, cơ quan Giao Thông- Bưu điện ở nhà cụ Nhâm cụ Nhã. Bộ phận quân giới ở nhà cụ Cừu, (các cơ quan này đều đóng ở Châu Phong)
(3)Đ/c Thiền đã được kết nạp vào Đảng từ khi thành lập chi bộ đầu tiên ở Hà Vỹ, do vì mất liên lạc nên phải kết nạp lại, cũng do mất liên lạc nên Hà Vỹ lại thành lập chi bộ mới.
(4) (5) Theo “Liên Hà - truyền thống Lịch sử văn hoá và cách mạng”