Chương 1
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG HÀ VỸ

    
1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ
Làng Hà Vỹ, khi mới thành lập có tên là trang Hà Hào (tục gọi là Quậy), làng có ba thôn: Đại Vỹ (Quậy Cả), Châu Phong (Quậy Sau) và Giao Tác (Quậy Rào). Cả ba thôn đều ở phía nam xã Liên Hà, cách di tích Cổ Loa về phía Tây - Nam chừng 5 km, cách thị trấn Từ Sơn về phía Đông 8 km và cách trung tâm thủ đô Hà Nội về phía Nam khoảng 15 km.
Làng có vị trí như sau:
- Đông giáp thôn Hà Khê và Thiết Úng (xã Vân Hà);
- Tây giáp thôn Dục Nội (xã Việt Hùng);
- Nam giáp xã Dục Tú;
- Bắc giáp các thôn Hà Hương, Hà Lỗ và Thù Lỗ (xã Liên Hà).
Làng Hà Vỹ có địa thế vào loại trũng so với các làng lân cận, ở độ cao trên mặt nước biển từ 3 đến 6 m
Dân số cả làng hiện nay có 8146 người (1)
Trong đó:
2131 người
- Châu Phong: 3373 người
 2209 người
2. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Làng Hà Vỹ được hình thành cách ngày nay  khoảng hơn 2 200 năm  do những người dân bản địa  ở ngõ Nguyên Hương cùng với dân  Cổ Loa xưa (sau có tên nôm là Chạ Chủ) di chuyển về lập ra.
Theo sử sách, Thần tích  và truyền thuyết: Khoảng năm 208 TCN (2), sau khi đánh thắng 50 vạn quân Tần xâm lược, Thục Phán lên ngôi, lấy hiệu là An Dương Vương, dựng nước Âu Lạc, đã chọn Cổ Loa (Đông Anh) làm Kinh đô mới.
Để có đất xây dựng Hoàng cung và đắp Loa thành, nhà Vua đã ra lệnh cho dân sở tại phải dời đi nơi khác ở. Dân không muốn đi nhưng vẫn phải tuân theo “phép nước” nên đã tâu với Vua: “Cứ cho dân chúng tôi xuống khu đất trũng kia ở, dù khổ mấy cũng cam lòng".
Do thái độ “ấm ức” của dân khi tâu, Vua bảo “Đó là dân Cả Quẫy” và chấp nhận cho họ  đến nơi đất trũng ở phía Đông - Bắc Cổ Loa cùng với dân bản địa ở ngõ Nguyên Hương lập trang trại Hà Hào. Từ lời nói của Vua nên dân quanh vùng gọi trang Hà Hào là “Cả Quẫy”, dần lâu ngày gọi chệch ra là Quậy.
Vì dân Quậy là người gốc Cổ Loa xưa, nên hàng năm vào ngày mồng Sáu tháng Giêng (ngày lễ đăng quang đức Vua An Dương Vương) nhân dân Cổ Loa mở hội bao giờ cũng mời "Anh Cả Quậy" về để khấn Vua và được làm lễ ở chiếu trên.
Theo lưu truyền dân gian: Trước khi dân Cổ Loa đến định cư đã có vài gia đình họ Vũ đến ở trước tại ngõ Nguyên Hương (thuộc thôn Đại Vỹ ngày nay).
Nhà thờ họ Vũ trước đây có đôi câu đối:
天位財培陽我武
世傳作業自原
Thiên vị tài bồi dương ngã Vũ,
Thế truyền tác nghiệp tự Nguyên Hương..
Phú quí Trời ban họ Vũ ta,
Đời truyền lập nghiệp từ xóm nhà (3)
Các dòng họ Lê, Phạm, Nguyễn, Ngô, Dương, Trần … từ Cổ Loa cùng về đoàn tụ chung sống lập thành cụm dân cư mang tên là Quậy Cả (tên chữ là Đại Vỹ).
Một thời gian sau, do Quậy Cả “đất chật, người đông” khi đó (khoảng đầu công nguyên) ở phía Tây - Nam cách Quậy Cả một cánh đồng (chừng một cây số) có một bãi đất bồi  có thể ở được, vì vậy họ Phạm đã sang khai phá dựng nhà lập một xóm mới ở  đó gọi là Quậy Sau (tên chữ là Châu Phong). Như vậy người họ Phạm là người lập ra thôn Châu Phong, nhà thờ cũ họ Phạm (con cháu cụ Lựu đang ở) là nơi cao nhất thôn  
Theo dòng thời gian, (khoảng 100 năm sau) dân Quậy Cả lại đông dần lên, một số gia đình họ Lê cũng sang lập Trại ở phía Nam sát Quậy Cả, sau phát triển thành Quậy Rào – Rào cho Đại Vỹ (tên chữ là Giao Tác)
Đến năm Mậu Thân (1428) của  thế kỷ XV (sau khoảng 1500 năm ) đời vua Lê Thái Tổ tức Lê Lợi, một gia đình họ Đỗ từ Thanh Hoá chuyển cư đến ở vườn Trên (đất Chùa xưa phía Nam Quậy Rào - nay là khu giãn dân thôn Giao Tác) lập ra trại Tác - Vỹ. (4)
Năm Mậu Dần đời Lê Chiêu Tông niên hiệu Quang Thuận (1518) cụ Đỗ Túc Khang (đời thứ 4) do đỗ Đại khoa (Tiến sĩ) được bổ làm quan và được cấp ruộng đất nên đã chuyển trại Tác - Vỹ vào khu vực ngõ Ba của Quậy Rào. Năm Canh Tuất (1790) cụ Đỗ Trác Lý chi thứ tư cành trưởng lập ra xóm Trại (tên chữ là An Bài- thuộc Quậy Rào).
 Theo Thần tích và địa chí hành chính: đến thế kỷ XIII  trang Hà Hào đổi thành làng Hà Vỹ (5 ) sau nâng lên thành  xã Hà Vỹ  
Như vậy, làng Quậy (trang Hà Hào – làng Hà Vỹ) do những người dân bản địa ở ngõ Nguyên Hương cùng với dân Cổ Loa xưa di chuyển về lập ra, sau phát triển thành ba thôn là Quậy Cả (Đại Vỹ), Quậy Sau (Châu Phong ) và Quậy Rào (Giao Tác)
3. ĐỊA CHÍ HÀNH CHÍNH QUA CÁC THỜI KỲ
- Thời Hai Bà Trưng và trong suốt thời gian gần 1000 năm Bắc thuộc, trang Hà Hào thuộc quận Giao Chỉ, sau là Giao Châu
- Thời nhà Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009) thuộc châu Cổ Pháp đạo Bắc Giang
- Thời Lý (1010-1225) thuộc phủ Thiên Đức, lộ Kinh Bắc
- Thời Trần (1226-1400) thuộc huyện Đông Ngàn, lộ Kinh Bắc
- Thời Lê (1428-1788) thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc
- Thời Nguyễn từ năm 1802 đến năm 1830, Hà Vỹ thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) thuộc tỉnh Bắc Ninh (6). Thời Đồng Khánh (1886), Hà Vỹ thuộc tổng Hà Lỗ (7), huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Thời  Vua Khải Định (1916-1925) có ra đạo dụ qui định cấp phủ ngang cấp huyện (xoá một cấp trung gian) thì huyện Đông Ngàn thành phủ Từ Sơn (8), từ đó xã Hà Vỹ thuộc tổng Hà Lỗ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho đến cách mạng tháng 8 năm 1945
- Sau tháng 8 năm 1945, xã Hà Vỹ thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
- Tháng 4 năm 1949, xã Hà Vỹ hợp nhất với xã Ngũ Hà (gồm 5 làng Giỗ) thành xã Liên Hà thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
- Từ tháng 5 năm 1961 đến nay, cả ba thôn: Đại Vỹ, Châu Phong và Giao Tác, thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Chú thích:
(1) Theo số liệu năm 2008
(2) Theo “Thế  thứ các Triều Vua Việt Nam” của Nguyễn Khắc Thuần. Nhà xuất bản Giáo dục - Tái bản 1993
(3) ) Dịch sát nghĩa phải là: Trời bồi đắp (ban) cho họ Vũ ta một ngôi dương (chỗ ở tốt - theo phong thuỷ - nhờ đó mới giầu có thịnh vượng) việc này được truyền lại cho các đời sau về sự lập nghiệp, lập làng là từ xóm gốc (nguyên hương)
(4)Theo gia phả gốc họ Đỗ ở Bồng Lai xã Bồng Trung (sau là Bồng Sơn), huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, chuyển cư ra Bắc đến ở vườn Trên (đất chùa xưa) đã có thôn Giao Tác. Gia phả ghi “ chuyển cư vào vùng Giao Tác”  nên mới đặt tên cho trại mình là Tác – Vỹ. (Các cụ cho biết Tác-Vỹ là tên ghép của hai thôn Giao Tác và Đại Vỹ mà thành). Việc lập làng đã được Ban quản lý di tích đình Hà Vỹ thống nhất và đã khắc bia năm 2003 đặt ở sân đình. Trong cuốn “ Liên Hà- truyền thống lịch sử văn hoá và cách mạng “ - 2004 cũng viết như vậy
(5) Chữ Vỹ
(洧), là do chữ Hào () mất hai nét ở trên mà thành
(6) Năm 1831, Vua Minh Mạng bỏ các trấn, chia cả nước thành 31 tỉnh, xã Hà Vỹ thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh
(7) Tổng Hà Lỗ gồm có 9 xã là: Xã Hà Lỗ ( Đông, Hương, Phong), xã Thiết Úng (Ống), xã Cổ Châu (Dâu), xã Ngô Khê (Hà Khê - làng Ngò), xã Thù Lỗ, xã Thiết Bình (làng Ngườm), xã Vân Điềm (làng Đóm ), xã Lỗ Khê và xã Hà Vỹ (Quậy gồm ba thôn Đại Vỹ, Châu Phong, Giao Tác,)
(8) Phủ Từ Sơn trước đó gồm 5 huyện là Quế Dương, Võ Giàng, Tiên Du, Yên Phong, và Đông Ngàn. Sau đó phủ Từ Sơn chỉ còn huyện Đông Ngàn