Chương VI

    
uổi trưa nay trời có vẻ âm u vì vào mùa mưa dầm. Cảnh vật đượm buồn. Bội uể oải trên đường về nhà.
Đằng kia, một người đàn ông đạp xe thoăn thoắt chạy lại.
Vừa thấy Bội, người ấy vội ngừng nhảy xuống xe. Bội nhận ra Sơn. Sơn nhanh nhẩu nói:
- Này chị, tôi vừa nghe nói bữa nay thừa lúc người ta vào thăm lộn xộn, một tù nhân trốn thoát nhưng chưa rõ tên gì.
Mắt Bội sáng lên biểu lộ sự hy vọng:
- Hay là...
Sơn gật đầu:
- Ừ biết đâu chẳng phải là anh ấy?
Bội nghĩ rằng cũng có thể là Tiếp. Một người thích tự do giàu nghị lực như Tiếp đời nào chịu sống cảnh cá chậu chim lồng. Bốn tháng bị giam cầm trong tay thực dân có lẽ Tiếp cũng nóng nảy như Bội ở ngoài. Lúc nãy Bội rảo quanh chợ có ý trông ngóng người quen để hỏi thăm. Bội thất vọng về tới đây thì may mắn gặp Sơn.
Sơn tỏ vẻ vui mừng:
- Chị à, tôi hy vọng người trốn thoát là anh Tiếp. Nếu gặp anh lần này tôi sẽ theo bén gót.
Bội cười hỏi:
- Anh nhứt định rồi?
Sơn gật đầu lia lịa.
- Nhứt định lắm rồi.
Bội thấy câu nói của Sơn hàm xúc cả một sự thành thật quả quyết. Đó cũng là sự thay đổi lớn của con người Sơn.
Sơn lại leo lên xe đạp và nói:
- Chị Bội về nhá. Lúc nào gặp anh, chị nói tôi nhắn như vậy. Có lẽ chị gặp anh trước tôi, vậy nhờ chị hỏi hộ cho.
Trước khi nhấn bàn đạp, Sơn còn quay lại hỏi:
- Tối nay chị có bán trên xóm Bàn Cờ không?
- Chắc là không, vì tôi phải ra bến tàu.
Sơn hẹn hôm khác sẽ gặp Bội, rồi phóng xe về phía chợ Bến Thành.
Bội bước mau về nhà, lòng tràn ngập hy vọng. Tiếp mà thoát thân chuyến này chẳng khác nào hổ về rừng, đừng mong bắt lại được. Kinh nghiệm đã giúp Tiếp có nhiều hành động khôn khéo hơn.
Bội vui vẻ tiếp tục công việc thường ngày. Trong lúc phấn khởi Bội muốn ca hát lên.
Chị Hai tắc xi ẵm con sang chơi thấy Bội tươi tỉnh cười nói nhiều hơn mọi ngày thì đoán chừng Bội có chuyện mừng.
Bội biểu chị trao đứa trẻ cho mình ẵm, nói nựng một hồi.
Chị Hai tắc xi thấy Bội vui thì nói:
- Cô định chừng nào mới có cháu ẵm bồng với người ta? À còn thầy đâu?
- Thầy nào?
Chị Hai tắc xi lúng túng một hồi.
- Thầy... thầy của cô đó mà.
Bội hiểu ý mỉm cười:
- Tôi chưa có thầy nào hết.
- Vậy chớ thầy nào bị bắt hôm trước?
Bội nói trớ:
- Đó là anh họ của tôi.
Chị Hai tắc xi cười lỏn lẻn:
- Cô dấu hoài, chị Ba bánh tét chị ấy nói...
Có bóng hai người đàn ông đi tới trước nhà, câu chuyện giữa hai người đứt ngang, Bội liếc thấy Trâm và một người lạ mặt bước vào nhà mình, thì đoán ngay có chuyện rắc rối.
Bội giục chị Hai tắc xi về nhà, rồi lặng lẽ ra đứng ở cửa thản nhiên đợi Trâm hạch hỏi. Trâm hách dịch đi vào nhà, không cần hỏi Bội một tiếng, cứ tự nhiên lục soát khắp nhà.
Khi chẳng thấy chi hết, Trâm quay ra hạch sách:
- Từ sáng tới giờ thằng ấy có lai vãng đến đây không?
- Thằng nào? - Bội hỏi.
Trâm trợn mắt, dằn từng tiếng:
- Thằng Tiếp nhân tình của cô chớ thằng nào? Cô khéo giả đò ư?
Bội lắc đầu:
- Ông đã lục xét trong nhà lựa là phải hỏi.
Trâm có vẻ tức tối:
- Thằng khốn nạn đó cứ làm rắc rối hoài, phen này túm được tao sẽ đập nát đầu.
Trâm gọi người kia ra về, mà bộ tịch hãy còn hầm hầm.
Như trút được gánh nặng, Bội thấy nhẹ nhõm khoan khoái. Tin của Sơn cho hay hồi sáng quả đúng như vậy. Tiếp thoát khỏi chốn lao tù rồi là một tin mừng cho tất cả người yêu nước. Một khi chim khôn đã xổ lồng rồi đừng mong gì bắt lại. Tiếp cũng thế. Đã tìm được cái sống tự do, tức nhiên sẽ tránh thoát tất cả cuộc săn đuổi, Tiếp đoàn tụ với các bạn thân yêu, mạnh tay tranh đấu bù lại những ngày bị kềm hãm.
Bội mơ màng tự hỏi:
- Giờ này Tiếp dấn thân đến nơi đèo heo hút gió hay còn lẩn lút trong châu thành?
Có lẽ Tiếp lánh đến nơi xa xôi nào rồi cũng nên.
Chạnh nghĩ đến thân chiến sĩ rày đây mai đó dầm dãi nắng sương Bội ngậm ngùi xót thương cho Tiếp.
Lắm lúc Bội tự hỏi:
- Tiếp chiến đấu cho ai? Tiếp phí cả tuổi xuân cho một lý tưởng rồi sẽ hưởng được gì?
Nhiều lần Bội nghe Tiếp nói rằng: “Chúng ta chiến đấu cho thế hệ của chúng ta và thế hệ tương lai của chúng ta”.
Bội cũng nghiệm thấy thế song Bội còn nao núng trước những vấp ngã hay đe dọa chớ chưa được vững vàng như Tiếp.
Bội hơi hối hận về những tư tưởng còn non kém của mình, nghĩ mà thèn thẹn với Tiếp. Tiếp đã hy sinh gấp bội, mình cũng cần hy sinh như Tiếp vậy, hoặc giả phải tỏ ra xứng đáng với tình yêu và nghĩa vụ.
Tâm trí Bội được trấn tĩnh hoàn toàn, tự nhiên lòng phấn khởi, cứng cỏi, Bội lẹ tay thu dọn công việc trong nhà. Khi trời sụp tối Bội cất gánh lên vai đi về bến tàu Sàigòn.
Đèn đường cháy sáng, trời mưa lâm râm, ít người qua lại, quang cảnh bến tàu trở nên vắng vẻ đìu hiu.
Bội cứ đi và cất tiếng rao lanh lảnh. Thỉnh thoảng chị đứng lại nghe ngóng coi có ai gọi mình hay không?
Không ai gọi cả. Mưa thêm nặng hột, bến tàu đã vắng vẻ càng vắng vẻ hơn.
Các quán bán đồ ăn tối bị mưa đuổi khách đi mất hết. Những người bán đứng co ro nhìn mưa bay kín trời mà gương mặt kém vui.
Trên đường lộ, một, hai chiếc xích lô đạp lạch cạch chạy qua, cánh gà kín mít.
Bội nép mình dưới một gốc cây tránh ướt.
Mưa cứ rơi.
Bội ngó mong bốn phía chờ đón một bóng người nhưng khách qua đường lơ đãng đi qua không một ai để ý.
Bội đứng đó đến khi mưa dứt hột. Các hàng quán bắt đầu hoạt động trở lại, nhiều người ra khỏi chỗ đụt mưa, đi lại trên đường.
- Ai ăn bột khoai bún tàu nước dừa đường cát không?
Bội cất tiếng rao rồi xốc gánh lên vai đi về phía trại lính thủy.
Xa xa một người đàn ông đạp xe chạy tới. Anh ta dáo dác nhìn xuôi nhìn ngược như tìm kiếm ai. Chợt thấy ánh đèn xanh đỏ lấp ló ở phía trại lính, anh ta đạp riết tới.
- Chị Bội.
Anh ta mừng rỡ gọi tên Bội và lẹ làng nhảy xuống xe đạp.
Bội quay lại, gương mặt thoáng hiện vẻ vui mừng:
- Anh Sơn.
Sơn vừa thở hào hển vừa nói:
- Anh Tiếp nhờ tôi tìm chị đây.
- Có chuyện gì?
- Chuyện quan trọng. Sơn đáp và tiếp lời:
- Anh Tiếp dặn tôi phải tìm cho gặp chị và bảo chị hãy thu xếp để đi ngay.
- Bây giờ?
- Phải, bây giờ. Anh Tiếp sẽ đợi chị ở Hòa Hưng.
Sự quyết định đột ngột của Tiếp làm Bội ngạc nhiên.
- Anh Sơn!
- Dạ.
- Nồi bột khoai còn đầy ứ như vầy làm sao?
- Nếu cần thiết phải đi thì chị chẳng nên tiếc.
Bội đáp bằng giọng quả quyết:
- Được tôi nghe lời anh, bây giờ tôi về nhà lấy đồ, anh đợi ở đâu?
- Đầu xóm Bàu Sen.
- Chào anh.
Bội chào Sơn rồi kêu xe thẳng về nhà đem nồi bột khoai nhờ chị Ba bánh tét bán giùm quanh xóm.
Bội dặn:
- Chị làm ơn bán giùm rồi cất tiền đó. Tôi có việc gấp phải đi, nếu ai hỏi chị nói tôi về quê vài hôm sẽ lên, nhà này chị ngó chừng giùm.
Chị Ba bánh tét theo Bội ra cửa nói:
- Có cô thì vui, vắng cô thì buồn, cô đi mau rồi về nhé.
Bội gật đầu đoạn rảo bước thật mau về phía đầu xóm Bàu Sen.
Sơn kêu xe cho Bội đi. Anh chạy trước dẫn đường.
Ngồi trên xe Bội vẩn vơ suy nghĩ. Chưa lần nào Tiếp hối thúc mình ra đi như lần này. Hẳn có chuyện chi quan trọng. Chuyện quan trọng đó tuy chưa biết ra sao song Bội tưởng tượng rằng từ ngày mai mình sẽ dấn bước vào cuộc đời mới, quyết liệt lắm chớ không như từ trước tới giờ.
Bội sẵn sàng.
Xe tới Hòa Hưng, Sơn ra dấu ngừng lại rồi dắt Bội đi vào một ngõ hẻm tối tăm.
Hai người lội qua một quãng đuờng lầy lội vì trận mưa ban nãy.
Đến một túp nhà lá nằm sau bụi tre lớn, Sơn rẽ vào, nói nho nhỏ:
- Tới rồi!
Bội thấy cửa khép kín, ánh đèn le lói rọi qua kẽ hở một cách yếu ớt.
Sơn đi lại gõ nhẹ ba tiếng.
Cửa mở. Sơn quay đi, Bội bước vào gặp Tiếp ngồi trên ván.
Bội sững sờ nhìn người yêu với cả niềm xúc động. Tiếp tươi cười bước xuống nắm tay Bội.
- Em!
Tiếp vừa nói được một tiếng thì Bội đã ngả đầu vào vai anh. Tiếp nói nhẹ:
- Em không nên xúc động thái quá, chẳng có mãnh lực nào làm chia rẽ chúng ta. Tai biến chẳng qua là cuộc thử thách lòng người, em nên mừng anh được mạnh khỏe trở về.
Bội ngập ngừng hỏi Tiếp:
- Bây giờ anh định đi đâu?
- Về đồng quê. Anh với em sẽ hít thở gió đồng một thời gian.
Vào lúc đó Sơn quay lại báo tin có xe đợi ngoài đường. Tiếp vào trong thay đồ, trở ra hối Bội theo mình. Một chiếc xe hơi chực sẵn đưa Tiếp và Bội chạy về ngả Biên Hòa.
° ° ° ° °
Đêm ấy, trôi qua một cách êm đềm. Tiếp và Bội rời Sàigòn tìm chỗ sống yên vui chăng?
Không! Chẳng đời thuở nào đôi bạn lý tưởng ấy vì tình riêng mà quên nghĩa chung. Họ chỉ dừng chân tạm nghỉ bước gian nan trong khoảng thời gian ngắn ngủi nào đó, rồi lại tiếp tục con đường nghĩa vụ.
Thật thế, một tháng sau trên con đường Biên Hòa - Sàigòn người ta gặp một đôi thanh niên nam nữ trên xe lửa và xe hơi, khắn khít nhau như đôi vợ chồng.
Chàng hớt tóc cao, mặc đồ Tàu, còn nàng ăn mặc lèng xèng như cô gái quê. Họ đi về không chừng không đổi. Đôi thanh niên này chính là Tiếp và Bội.
Họ phải cải trang tránh sự dòm ngó của kẻ thù.
Bội có phận sự theo giúp đỡ Tiếp và che chở cho Tiếp những lúc ra đi.
Một hôm trên xe lửa, Tiếp buồn bã trao Bội một bức thư bảo đọc.
Bức thư của anh ruột Tiếp thay mặt gia đình gọi Tiếp về bằng không sẽ từ bỏ, viện cớ Tiếp dự vào các hoạt động nguy hiểm.
Cuối thư, người anh hứa bảo lãnh cho Tiếp về nếu chịu đoạn tuyệt mọi hoạt động.
Đọc xong, Bội ngậm ngùi hỏi:
- Anh nghĩ thế nào?
Tiếp gượng cười:
- Còn nghĩ thế nào nữa? Chẳng qua anh ấy nghe lời thực dân bắt buộc thế nếu mình làm theo ấy tự mình giết mình.
Bội nhắc đến tình cốt nhục, thì Tiếp đáp:
- Những người ấy không thương mình, bỏ mình chớ mình vẫn thương và không bỏ họ.
Đoạn Tiếp thuật cho Bội nghe cái tâm lý của người anh ruột, cứ thúc giục Tiếp cưới vợ, hứa khi Tiếp lập gia đình sẽ tiến thân vào làm công sở.
Thích sống đời sống bay nhảy tự do, lẽ cố nhiên Tiếp không muốn bị ràng buộc bởi cái sống tầm thường.
- Nhưng Tiếp không về thì anh sẽ giận.
Bội nói câu này giữa lúc Tiếp cúi xuống nghĩ ngợi.
Tình cốt nhục thiêng liêng lắm lúc làm Tiếp bâng khuâng. Biết làm sao bây giờ? Giữa lúc non sông mờ khói loạn anh không có quyền nghĩ hoặc sống với hạnh phúc riêng mình.
Hẳn Tiếp cũng đau lòng trong những lúc không làm thỏa mãn gia đình. Anh có một người anh, một em gái và một mẹ già.
Bà mẹ của thời phong kiến, chỉ muốn sống an toàn, ai làm gì mặc kệ. Thật thà nhưng hay run sợ trước mọi biến cố, vì vậy bà rất khổ tâm đối với cuộc sống sôi nổi khác thường của Tiếp.
Người anh thì tham lam ích kỷ, bị thực dân nhồi sọ từ bé tới lớn, biến đổi thành kẻ trung thành, một tay sai ngoan ngoãn. Do thế mà người anh ghét Tiếp, thù Tiếp, coi Tiếp là đứa du thủ.
Em gái Tiếp mới thật là đang thương. Khởi đầu cuộc biến cố, trong ngày chạy loạn, nàng bị giặc làm ô nhục, tủi hổ nàng đem thân nương nhờ nơi cửa từ bi.
Hình ảnh người em gái hiền hậu, thỉnh thoảng hiện ra trong trí Tiếp khiến Tiếp phải thêm căm hờn. Anh muốn nhảy dựng tới bóp chết quân sài lang.
Sự bực tức lâu ngày un đúc thành một sức mạnh đẫy Tiếp lên đường tranh đấu.
Hôm nay, trên chuyến xe về Biên Hòa, Tiếp buồn buồn kể cho Bội nghe một đoạn về gia thế mình.
Nghe xong Bội cảm động bồi hồi:
- Chúng ta chỉ vì nghịch cảnh mà thoát ly gia đình hay đúng hơn bị gia đình ruồng bỏ, nhưng chúng ta cố làm xong nghĩa vụ để chóng trở về với gia đình. Anh có đồng ý với em không?
Tiếp ngửng lên nhìn Bội:
- Đó là điều mong ước tha thiết nhứt của anh.
Bội nhắc lại bức thư:
- Bây giờ anh định không về?
- Về để sống với cuộc đời trói buộc để làm gì?
Bội kết luận:
- Thế là anh với em là hai kẻ bình bồng lạc loài trong vòm trời giông tố.
Đến phiên Bội cúi xuống, đôi mắt long lanh ngấn lệ.
Tiếp kéo Bội vào lòng, lấy mùi xoa chặm nước mắt, âu yếm:
- Bội đừng mủi lòng, trong đời này còn lắm cảnh éo le hơn nữa, sự bền chí kiên nhẫn giúp ta thắng đoạt mọi khó khăn. Huống chi, cạnh em đã có anh, cạnh anh đã có em, không mãnh lực nào làm một trong hai chúng ta xa nhau.
Bội có một ái ngại từ lâu bây giờ mới nói:
- Lỡ khi bắt buộc phải hy sinh thì anh nghĩ thế nào?
Tiếp trả lời không đắn đo:
- Nếu cần phải hy sinh vì nghĩa vụ là chuyện dĩ nhiên rồi không phải bàn nữa. Nhưng dầu trong trường hợp nào tình của chúng ta vẫn sống mãi với thời gian.
Xe lửa ngừng lại ở Dĩ An hành khách lên xuống. Thanh ở đâu chợt bước vào nhìn thấy Tiếp Bội ngồi song song nhau, thì mỉm cười nói khẽ:
- Anh chị làm tôi nhớ Nguyễn Thái Học và cô Giang quá.
Tiếp cũng cười:
- Tiếc rằng chúng tôi không bằng họ.
Ba người vụt cười to, khi đoàn xe chuyển bánh rầm rộ trên đường rầy.