Chương V

    
àng đi sâu vào con đường tranh đấu Bội càng gặp nhiều khó khăn. Nhứt là thảm trạng của vụ đuổi đất dỡ nhà ở xóm Sáu Lèo do ông Nghị Tần gây ra đã vạch vào lòng Bội một vết hận.
Có thể nói nó là một thất bại chua cay trong đời tranh đấu của Bội. Nếu là một kẻ tham lam nào khác gây ra tấn thảm kịch đó thì Bội không lấy làm chi ân hận, đầu này chính cha nàng...
Khói lửa đang lan tràn, thực dân đem đau thương tang tóc gieo rắc khắp nơi, thế mà ông Nghị Tần đành đoạn gây thêm nỗi thống khổ cho đồng bào mình là điều ai cũng thất vọng.
Bội chợt nghĩ có thở than, oán hận cũng không làm tiêu tan lòng ích kỷ của con người. Trong một xã hội mà sự bình đẳng, bác ái hãy còn là điều xa xôi, trừu tượng thì chưa thể có nguồn vui. Muốn có nó không phải khoanh tay chờ nó đến mà phải tranh đấu tức là tiếp tục con đường của Tiếp và Bội đã vạch sẵn từ trước đến nay.
Ý nghĩ ấy đánh thức Bội, máu tron người dường như sôi lên, Bội mím môi tay co lại. Nhưng Bội vùng sa sầm nét mặt khi nghĩ đến nỗi truân chuyên của Tiếp.
Một lần nữa Tiếp phải trốn tránh đi xa. Cuộc lùng bắt lần này thật ráo riết. Nó không như lần trước vì bao nhiêu hành động thầm kín của Tiếp bị khám phá. Chỗ ở của anh bị Trâm dò biết báo với Tây đến khám xét.
Tiếp nhanh chân trốn thoát, nhưng cuộc lùng bắt trở nên ráo riết vô cùng. Tiếp bị báo động phải trốn tránh luôn.
Rủi ro Hoàng và Tân bị bắt vì tình nghi có giao thiệp với Tiếp, biết những hoạt động của Tiếp.
Gần hai tháng trôi qua. Bội vắng bặt tin tức của Tiếp, không gặp Thanh ở Sàigòn để hỏi thăm. Bội đánh bạo về lò than ở quốc lộ 16. Anh em ở đây cho biết đã lâu Tiếp không đến đây.
Bội bàng hoàng lo ngại. Tại sao Tiếp biệt tích như vậy, anh bị tai nạn gì?
Bội lúc bấy giờ như con chim trời bạt gió lạc loài bơ vơ. Tiếp tục cuộc tranh đấu hay là bỏ dở tất cả. Chưa có lúc nào Bội cảm thấy chán nản như lúc này.
Trở về với gia đình ư?
Bội không sao làm như thế được.
Giữa lúc Bội phân vân thì Vân tìm đến an ủi và khuyên Bội nên kiên nhẫn chờ ngày trùng phùng với Tiếp.
Vân đi rồi, Bội đếm những ngày nặng nề u ám trôi qua nhứt là những lúc nắng quái chiều hôm, nhìn sắc vàng nhảy múa trên chòm me, ngày tàn đang thoi thóp. Bội miên man nghĩ đến cái mong manh, tàn tạ của kiếp người.
Lúc đó chính là lúc Bội bị đắm chìm trong sắc thái ủy mị Bội cố vùng vẫy để thoát khỏi những tình cảm yếu hèn nhưng yếu nghị lực và thiếu động lực.
Mãi đến một hôm, Bội vừa về đến nhà, thấy cửa mở thì hết sức ngạc nhiên. Hồi sáng ra chợ mình đã đóng cửa, giờ sao lại mở. Ai mở cửa? Chị Hai tắc xi. Chị Ba bánh tét. Không! Những bạn láng giềng chẳng khi nào lại mở cửa nhà mình như thế.
Bội bỗng nảy ra một ý nghĩ: “Hay là anh... Tiếp về đây?”
Nét mặt của Bội vụt tươi lên, chân bước mau vào cửa.
- Chị Bội.
Nghe tiếng gọi Bội ngẩng nhìn bắt chợt thấy Vân ngồi điềm nhiên trên ván.
- Cô Vân!
- Chị Bội.
Vân bước lại nắm tay Bội khẽ nói:
- Chị có tin mừng.
- Thiệt ư?
- Thiệt.
Vừa nói Vân vừa móc túi lấy một phong thư trao cho Bội.
- Thư của anh...
Bội đoán biết rồi nên ra hiệu bảo Vân im đoạn mở ra đọc:
Em Bội,
Hơn hai tháng nay, chắc ngày nào em cũng trông ngóng tin anh lòng thấp thỏm, lo ngại rằng anh bị bắt. Có thể như thế lắm nếu anh không mau chân lẹ bước, không nhờ sự đùm bọc, che chở của mọi người.
Một chặng đường nguy hiểm đã vượt qua. Hôm nay lòng thanh thản hồn nhiên, hút thở không khí tự do của khoảng trời cao rộng, lòng anh thêm say sưa hăng hái khi nghĩ tới em, người bạn lòng tranh đấu của anh.
Bội đang làm gì nhỉ?
Anh thường tự hỏi như thế rồi anh liên tưởng đến bóng dáng của người thiếu nữ gánh bột khoai đang rảo bước trên bến tàu.
Chịu thương chịu khó như thế, ấy là người thiếu nữ muốn sống tự lập, luyện người cho quen với mọi cực khổ để lao mình vào cuộc tranh đấu sau này.
Tưởng tượng như vậy, anh tin chắc rằng dù xa nhau Bội vẫn trung thành với lý tưởng nuôi hoài bão để đón nắng sớm lên.
Ngày mai trời lại sáng! Cái nguồn hy vọng đó chắc Bội thấy rõ hơn ai hết và hẳn đang mơ một ngày đắc thắng khải hoàn.
Thời kỳ thực dân vắt máu sắp tàn. Nhưng không phải mọi người Việt yêu nước đều khoanh tay ngồi đợi. Không có cuộc chiến thắng nào dễ dàng cả. Thực dân khi biết mình sắp chết sẽ hung tợn hơn, ác nghiệt hơn, vì vậy mà chúng ta phải còn đương đầu với nhiều nổi khó khăn.
Cho nên anh không lấy làm lạ trước sự rắc rối vừa rồi, tự coi đó là một thử thách.
Từ lâu, chúng ta đặt mình trong cơn giông tố, song không phải thế mà ta lùi bước trước nghĩa vụ làm người.
Hơn hai tháng xa nhau chẳng là bao, có nhiều trường hợp mà một đôi bạn tình phải xa nhau lâu dài hơn thế nữa. Đâu có ai vui gì trong lúc biệt ly, nhưng giữa chúng ta dù xa mặt cách lòng mà vui nguồn đánh đổ được nỗi buồn hiu quạnh, ấy anh muốn nói nguồn vui trong cuộc phấn đấu, chắc em cũng đồng ý với anh.
Bội ơi! Hẳn em còn nhớ cuộc chiến đấu gian lao của hai nhà cách mạng Nguyễn Thái Học và cô Giang. Càng nhớ họ chúng ta càng nên nung chí noi theo gương họ mà làm việc cho gia đình Việt Nam, cho xã hội Việt Nam.
Chung quanh ta nguồn sống đang dào dạt dâng lên, nắng chưa đẹp nhưng rồi sẽ đẹp, muôn sức người đương cấu kết, sức mạnh ấy sẽ xô ngã bạo tàn.
Bội hãy vững niềm tin ở ngày mai đầy hứa hẹn và vui lên đợi anh về.
Anh của em,
TIẾP
Xem xong thư Bội mỉm một nụ cười tươi tắn hồn nhiên. Lòng Bội vừa có một ổn định, chị chớm thấy vòm trời đã xanh trở lại. Sự chán nản, nhớ nhung bấy lâu tan đi nhường sự lạc quan.
Bội mời Vân ở lại dùng cơm trưa với mình. Hai đàng có dịp gần gũi chuyện trò khá lâu.
Họ nói chuyện về Hoàng và Tân. Vân kể chuyện rằng: “Hôm xét nhà Tiếp, Tây có tóm được ảnh hai người, liền giao cho Trâm bí mật mở cuộc điều tra.
Nhờ đó Trâm biết Tân làm việc ở Sở Ngân khố còn Hoàng coi kho cho hãng buôn. Theo dõi khá lâu, Trâm không tìm được bằng chứng gì. Nhưng cần lập công. Trâm dẫn người đến xét nhà Hoàng và Tân, chỉ gặp được mỗi nơi một bức ảnh của Tiếp, Trâm liền nắm vào đó làm to chuyện, khiến Hoàng và Tân bị bắt”.
Vân kết luận:
- Tội nghiệp cho chị Hoàng bận bịu với sáu đứa con, còn phải lo nuôi chồng, không rõ chồng bị bắt về tội gì.
Vân tiếp lời:
- Tân thì sắp sửa cưới vợ, tháng mười tới đây thì đám hỏi, khi xảy ra chuyện này chưa rõ nhà gái tính sao. Theo tiếng đồn có lẽ họ từ hôn.
Bội nói:
- Vì nghĩa vụ cả hai anh đều chịu hy sinh là điều ta nên thông cảm.
Vân cười:
- Các anh ấy, nhứt là anh Tiếp làm việc hăng hái quá, bên phụ nữ chúng mình cần phải thi đua với họ mới được. Chị Bội có đồng ý không?
- Cố nhiên là đồng ý, song hãy đợi anh Tiếp về...
Nghe Bội nói, Vân rũ ra cười:
- Thảo nào anh em chẳng nói anh tiếp là linh hồn của chị, thật chẳng ngoa.
Bội cũng tin như thế.
Những lúc vắng Tiếp, Bội cảm thấy như thiếu thốn, lòng bâng khuâng.
Bây giờ những nỗi buồn bâng quơ đó tiêu tan đi. Trong bữa cơm Bội và Vân nói chuyện rất vui thỉnh thoảng họ nhắc tới Hoàng và Tân rồi ngậm ngùi cho họ.
Xế qua, Vân cáo từ ra về.
Bội quay vào ngâm đậu, nạo dừa nấu nồi bột khoai để tối đi bán.
Lúc Bội lui cui dưới bếp thì bên ngoài có tiếng huyên náo.
Nhiều tiếng la:
- Trời ơi cháy! Cháy lớn quá.
- Ở đâu?
- Kia kìa, hình như ở Bàn Cờ hay Chợ Đủi [1] gì đó.
Từ xa, tiếng còi xe chữa lửa rú lên nghe kinh hồn.
Bước ra cửa, Bội thấy nhiều người chùm nhum lại ngó về phía Bàn cờ. Ngước xem thì thấy ngọn lửa cao ngất trời, khói đen từng cụm tỏa mù mịt, tiếng người lao xao từ xa vọng lại.
Ngoài đường thiên hạ có vẻ hoảng hốt, rối loạn, xe cộ mở máy chạy thật mau, còi xe ré lên inh ỏi.
Trên nền trời Bàn cờ, ngọn lửa cứ bừng lên cuồn cuộn.
Nhìn ngọn lửa tung hoành, Bội châu mày nghĩ ngợi đến hàng vạn gia đình sẽ lâm vào cảnh chiếu đất màn trời nếu tình trạng này diễn ra mãi, dân chúng chỉ còn có nước chết.
Nghĩ tới tâm địa của thực dân ở xứ này. Bội không nén được lòng căm giận:
- Họ ác thật, làm cho mọi người chết đói chết khát, cũng chưa vừa lòng, họ lại muốn cho đồng bào chết lạnh dưới gió sương.
Trời sụp tối, Bội lẳng lặng trở vào nhà, nhắc nồi bột khoai để vào gióng, rót thêm dầu vào cây đèn rồi gánh gánh lên vai.
Ra tới cửa, sực nhớ cảnh khổ của đồng bào, Bội quay vào lấy mấy bộ áo quần, gói lại bỏ vào cái thúng đem đi.
Bội đã hay cháy xóm Bàn Cờ, nhờ nhiều người đi xe hay đi bán về nói.
Hết Xóm Chiếu, Cầu Chong, Xóm Lách, Bến Tắm Ngựa, Phú Thọ, Ngã Bảy, Xóm Củi ngọn lửa hung tàn lại tràn đến Bàn Cờ là nơi trú ẩn của hàng ngàn gia đình thầy thợ.
Cả Sơn người bạn nghèo của Tiếp cũng ở đó. Không biết trong trận cháy này Sơn ra sao? Có lẽ mất cả tiền bạc quần áo cũng nên.
Bội vừa đi vừa suy nghĩ. Khác mọi buổi tối, Bội thẳng về xóm xảy ra hỏa hoạn chớ không đi về phía bờ sông Sàigòn.
Ngước mắt nhìn lên nền trời lấm tấm sao đêm. Bội thấy ngọn lửa đã hạ mà từng cuộn, khói vẫn còn tỏa lên nền trời đen tối đìu hiu.
Bội lại nghĩ giờ này ban Phòng hỏa và các cơ quan chẩn tế hẳn đã có mặt ở đó. Tiếp về Sàigòn chắc có hay đám cháy này.
Ngoài đường và trong phố thiên hạ xôn xao nói về đám cháy. Ai ai cũng nói rằng Tây đốt để làm khổ dân chúng và có dịp bán “tôn”.
Chiếc gánh vẫn nặng trên vai, Bội bước đi mà lòng tràn ngập sầu hận. Nhớ lại lời Tiếp nói trong thư “Ngày mai trời lại sáng”. Bội hơi chột dạ, nếu mình cứ tranh đấu cũng như Tiếp với bao nhiêu người bạn đồng chí hướng thì có thể thoát khỏi cùm xích của thực dân?
- Cánh ken! Cánh ken!
Một chiếc xích lô đạp từ đằng kia chạy đến, anh phu bóp chuông inh ỏi để lấy lối qua, vì lúc đó xe cộ và người đi đường rất đông.
Trên xe một thiếu phụ ôm hai đứa con, miệng mếu máo muốn khóc, nói rằng hồi chiều tới giờ không biết chồng mình thất lạc về đâu.
Thật là một cảnh não lòng. Bội quay đi, như lảng tránh cảnh ấy, nhưng càng đến gần xóm nhà cháy, cảnh na ná như thế cũng nhiều, xây phía nào cũng thấy.
Dài theo lề đường, kẻ dắt vợ dắt con người ôm quần áo đứng ngóng vào đống tro tàn gạch vụn. Cũng có người trải chiếu trên lề đường, cả gia đình năm ba người ngồi xúm xít chống tay lên má rầu rĩ hoặc thở dài.
Tiếng trẻ la khóc vang lên từng chập, đồ đạc hãy còn vứt nghinh ngang bừa bãi trên vệ đường.
Một cảnh hỗn loạn ủ đầy sự đau thương mà từ nhỏ chí lớn Bội chưa hề thấy.
Vừa đi qua một đám đông Bội chợt nghe có tiếng chửi thề:
- Mẹ kiếp, bộ các anh tưởng tôi ngu không biết ai đốt hay sao? Họ đốt để cho mình nghèo khổ, chết đói, chết khát nằm bẹp một chỗ không cục cựa gì được cho họ dễ đè trên đầu trên cổ mình, nhưng họ, lầm to...
Bội nhận ra tiếng của Sơn, nên lo sợ thay cho anh, liền cất tiếng:
- Ai ăn bột khoai bún tàu nước dừa đường cát không?
Bội mong khi nghe tiếng mình, Sơn không thốt ra những lời quá bạo có hại cho anh.
Quả nhiên Sơn quay lại.
- Kìa chị.
- Anh Sơn, anh có sao không?
Sơn thở dài.
- Tiêu tan hết rồi chị ơi! Gia tài có hai bộ quần áo, cháy sạch rồi, còn có cái quần cụt, áo thun đây. May là nó dính trong mình, chớ không thì cũng cháy.
Sơn day qua những người hàng xóm:
- Không bà con nào lấy được món gì ra cả. Khi lửa cháy ai nấy bương bả chạy về lấy đồ đạc dọn đồ ra thì bị ngăn lại và đuổi nà, thành ra chỉ còn hai bàn tay không.
Bội chớp mắt nhìn vẻ mặt buồn hiu của Sơn và những người hàng xóm. Tất cả không nói thêm một lời, nhưng Bội cảm thông nỗi buồn thấm thía đọng trong đáy lòng họ.
Dưới ánh đèn lờ mờ, Bội nhìn thấy dường như họ không cử động nữa.
- Anh Sơn đã ăn cơm chưa?
Bội phá tan sự im lặng bằng câu hỏi đó, tuy biết rằng Sơn và nhiều người chưa cơm nước gì hết.
Sơn chắc lưỡi:
- Tôi chưa có hột cơm nào, đói lắm chị ơi!
- Anh ăn chén bột khoai nhé!
Nét mặt Sơn tươi lại.
- Được chị cho ăn còn gì vui sướng bằng.
Bội múc chén bột khoai trao cho Sơn rồi mời luôn:
- Bà con có ai ăn bột khoai tôi múc cho.
Mọi người nhìn Bội bằng cặp mắt buồn rầu. Một người nói:
- Cháy hết rồi còn tiền đâu mà ăn bột khoai cô.
Bội gượng cười:
- Không sao, bà con cứ ăn tôi bán chịu cho.
Bội múc từng chén trao tận tay mỗi người một cách tự nhiên.
Đang đói bụng, ăn một chén nào thấm thía gì, Sơn cầm cái chén lo le. Bội biết ý hỏi:
- Anh Sơn ăn chén nữa nhé?
Sơn gật đầu.
Múc trao cho Sơn xong, nhìn làn khói mỏng thơm từ miệng nồi bốc lên, Bội mơ màng nhớ đến đêm gặp Tiếp ở bến tàu.
Cũng bên nồi bột khoai bốc khói thơm tho. Bội và Tiếp ngồi gần nhau hòa nhã nói chuyện tương lai. Cả hai cùng cảm thấy còn phải vượt qua nhiều nỗi gian lao nguy hiểm mới gầy dựng được hạnh phúc gia đình.
Lúc bấy giờ gương mặt Tiếp phảng phất vẻ buồn nhẹ nhàng, phải chăng Tiếp ngại về mọi điều đau khổ của Bội.
- Chị Bội nghĩ ngợi gì đó?
Tiếng của Sơn làm Bội giựt mình.
Sơn đưa trả chén và hỏi thăm Tiếp. Bội vui vẻ trả lời cho Sơn biết Tiếp sắp về Sàigòn.
Sơn nói:
- Như anh Tiếp vậy mà có lý, thực dân nó tàn nhẫn như vầy, nếu không thẳng thắng tranh đấu thì biết đến bao giờ dân chúng mới thoát cảnh lầm than.
Một người ngồi gần đó cãi lại:
- Tranh đấu tranh đua cái gì Tây nó mạnh, còn mình thì yếu ló mó mống nào nó bắt tất cả còn tranh đấu nỗi gì?
Sơn bực tức to tiếng:
- Nói như bác thì khoanh tay ngậm miệng chờ chết hay sao? Bác có bị cháy nhà không? Nếu có hẳn bác căm giận thế nào, sự căm giận làm người ta liều lĩnh...
Sơn và người kia cãi lẫy một hồi, Bội ngồi nghe biết cả hai đều tức giận oán ghét thực dân, nhưng một người bạo dạn, một người thì sợ.
Bỗng đằng kia có tiếng đàn bà rú lên.
- Trời ơi! Sao con tôi như vầy?
Nhiều người đổ xô đến bên thiếu phụ. Bội cũng chạy tới.
Thì ra một đứa trẻ lên ba kinh phong dữ dội, mẹ nó là một thiếu phụ rách rưới ôm chặt nó vào lòng.
Thấy đứa trẻ giật tay, giật chân, miệng méo sẹo, mắt trợn trừng, người mẹ hoảng hồn kêu cứu thất thanh.
Bội áp lại giành lấy đứa trẻ, hối người xung quanh nhổ xả.
Việc cấp cứu đứa trẻ nhanh chóng lạ thường, chỉ trong chốc lát đứa trẻ hết giật tay, giật chân.
Bội trao cho người mẹ và an ủi:
- Cháu hết bịnh rồi, chị đừng sợ nữa, bây giờ chị nên tìm chỗ kín đáo tránh gió cho cháu, kẻo nó lại bịnh nữa.
Thật ra đứa trẻ đang lên cơn sốt. Thiếu phụ nhìn con rưng rưng nước mắt:
- Nhà cửa cháy sạch rồi còn biết chỗ nào kín đáo để trú ẩn cô ơi!
Bội chua xót cả lòng khi nhìn cảnh nheo nhóc của mẹ con thiếu phụ. Chị trở lại gánh bột khoai lấy gói quần áo cũ trao cho người mẹ.
- Đây chị cầm lấy mà úm cho em kẻo lạnh, lát nữa đây sương xuống đầy trời.
Thiếu phụ đón lấy gói quần áo rưng rưng nước mắt cám ơn Bội.
Đằng kia, tiếng của Sơn ong óng lên cải vã với hàng xóm về chuyện tranh đấu hay không tranh đấu, dân ta mạnh hay thực dân mạnh.
Cố nhiên lòng câm giận của con người lên đến cực điểm không biết sợ là gì nữa. Tỷ như Sơn bị chìm đắm trong cảnh ức hiếp lâu ngày, sự bất bình làm Sơn chóng giác ngộ.
Trong cảnh tối tăm của đêm nay, Bội tìm thấy vài tia hy vọng của ngày mai. Thêm một người yêu tranh đấu tức là thêm sức mạnh cho đám người đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến ở xứ này.
Bội hân hoan kê gánh lên vai giã từ Sơn rồi nhẹ bước trên quãng đường ngổn ngang bừa bãi đồ đạc của đám cháy hắt ra ngoài.
Bội lại cất tiếng rao và rảo theo xóm bán cho hết nồi bột khoai.
Tới đâu cũng nghe tiếng thở than oán trách.
Khuya lại Bội thui thủi về nhà, vừa đến cửa thốt nhiên một niềm vui khua rộn trong tim, khi thấy cửa mở, đèn sáng, Tiếp ngồi ung dung phà khói thuốc.
- Anh!
- Em!
Hai người nhìn nhau cảm động.
Họ bước lại gần nắm tay nhau.
- Anh Tiếp, anh vừa về...
- Phải, anh về tới hồi chiều.
- Anh đã hay đám cháy ở Bàn Cờ?
- Đã hay.
Tiếp khẽ hỏi:
-Tối nay sao em đi bán về khuya quá vậy?
Bội thuật lại chuyện đi bán ở xóm hỏa hoạn và chuyện gặp Sơn nghe những lời Sơn nói.
Tiếp nói:
- Anh ấy cũng là người khá, sau này giúp đỡ mình được nhiều việc.
Bội hỏi bằng giọng dịu dàng.
- Anh đến đây hồi nào?
- Vừa đến thì em về.
- Anh có đói bụng không?
- Không, anh đã ăn cơm ở nhà một người bạn.
Bội vào trong thay áo, Tiếp đi lại khép cửa rồi vặn nhỏ ngọn đèn. Hai người ngồi sát nhau. Thỉnh thoảng nghe Bội nhắc đến Vân, Thanh, Tân và Hoàng.
Tiếp lẳng lặng nghe, phút chốc rít một hơi thuốc lá gương mặt bình thản tự nhiên.
Bội thấy Tiếp gầy đi một ít, thì biết trong những ngày trốn tránh Tiếp thiếu ăn thiếu ngủ.
Cầm lấy tay người yêu ấp vào tay mình, Bội khẽ hỏi:
- Anh Tiếp à, cuộc đời chúng ta cứ mãi gian truân như vầy anh thấy thế nào?
Tiếp mỉm cười đáp:
- Anh thấy vui thích vì thỏa mãn được lý tưởng, còn sự gian truân chỉ là thử thách nhỏ nhen. Ra tranh đấu tức là lao mình vào sự gian truân, nếu ngại gian truân thì đừng tranh đấu. Không có cuộc tranh đấu nào mà không chịu gian truân. Nếu không có gian truân thì cuộc tranh đấu mất cả ý nghĩa. Em nghĩ thế nào về sự gian truân của chúng ta?
Cảm giác được tất cả cái khổ của đồng bào, Bội bâng khuâng nói:
- Sự gian truân của đôi ta không thấm vào đâu so với muôn ngàn nỗi khổ của đồng bào, em thấy rằng đủ can đảm vượt qua mọi khó khăn để cùng anh đi tới mục đích.
Tiếp vui mừng:
- Như vậy là chúng ta có sự đồng ý với nhau rồi.
Tiếp và Bội đều cười.
Giờ phút đó có lẽ là giờ phút vui tươi nhứt của một đôi bạn tình.
Cả hai vui vẻ nói chuyện tới khuya mới tắt đèn đi ngủ.
Bội nằm ngoài vách, Tiếp nằm trong giường cách nhau một tấm vách lá, nhưng cả hai đều cảm thấy ấm áp vô cùng.
Riêng Bội đem cả cái phút đoàn tụ vui tươi vào trong giấc ngủ. Chị mơ thấy mặc chiếc áo cưới mới tinh sánh vai với Tiếp ra giữa đám tiệc đông người, tiếng vỗ tay vang rân chị bẽn lẽn liếc nhìn Tiếp rồi nhìn những bộ mặt quen quen. Kìa là Thanh, Hoàng, Tân, Tốt, Sơn, Mảnh lại có cả cô Vân và cô Nhung nữa.
Bội cười duyên với các bạn mình. Thốt nhiên có tiếng nút rượu nổ một cái “bốp”, Bội quay về phía đó chợt thấy ông Nghị Tần, Cai Mầu và Trâm lườm lườm nhìn Tiếp mặt đầy sát khí. Kế nghe ông Nghị Tần xịt lên một tiếng, tức thì con chó bẹt giê cao lớn núp ở đâu đó nhảy xô ra, xông vào cắn xé Tiếp, Tiếp chống cự, bị cào rách cả áo quần xây xát cả da, máu chảy ròng ròng.
Bội sợ thất thanh, vừa kêu Tiếp chạy đi, vừa xông vào đánh đuổi con vật hung tợn.
Chẳng may bị vướng vạt áo dài, Bội ngã xuống đất, con chó chòm tới nhăn răng múa vuốt cào vào mặt, Bội kinh hoàng kêu rú một tiếng giựt mình tỉnh dậy.
Thì ra Bội trải qua một giấc mơ ghê gớm, mồ hôi ướt cả áo.
Đằng xóm xa tiếng gà eo óc gáy. Tiếng ngực của Bội đánh thình thình.
Bội im lặng, lòng triền miên nghi ngại.
Đó là một điềm dữ?
Bội thường nghe nói: Mộng là mộng, thực là thực không liên quan gì với nhau. Nhưng quá nặng lòng yêu Tiếp, Bội bị cảnh ghê gớm trong giấc mơ theo ám ảnh thành ra trằn trọc đến sáng.
Đầy trời sương tỏa mịt mùng Bội vừa trở mình xảy nghe có tiếng động ngoài vách lá.
- Ai đi qua vào giờ này?
Bội giựt mình nhỏm dậy.
Kìa hình như có tiếng giày đinh. Đích thị rồi.
Bội lật đật bước xuống đất, chạy vào buồng đánh thức Tiếp.
- Ầm, ầm.
Có tiếng phá cửa và tiếng quát bảo:
- Mở cửa ra mau!
Bội biết ngay có biến. Trống ngực càng đập mạnh. Bội rờ lên giường không thấy Tiếp thì hơi vững bụng.
Nhưng ngay đó ánh đèn lóe lên sáng quắc ở cửa sau, cùng tiếng hô lớn:
- Nó đây rồi!
Bội tái mặt chạy ra sững sờ nhìn thấy Tiếp đang đứng tiu nghỉu trước năm sáu họng súng của lính Tây và của... Trâm.
Ừ, thì Trâm dẫn Tây đến đây bắt Tiếp.
Đã là kẻ sa cơ, Tiếp biết số phận mình, song cố giữ vẻ bình tĩnh quay lại an ủi Bội:
- Em chẳng nên buồn, đã là thân chiến sĩ thì chuyện thành bại là lẽ thường.
Tiếp chưa nói hết lời, thì Trâm đã xáp lại tát lấy tát để vào mặt anh và đạp anh sụm xuống đoạn lấy dây trói lại, xô Tiếp chúi nhũi.
Bội chua xót như chanh muối xát lòng, chị nắm chặt thành cửa cho khỏi ngã, mà đôi mắt mờ sau màn lệ.
Chú thích:
[1] Bàn Cờ thì còn địa danh, nhưng Chợ Đủi thì địa danh đã mất, cái chợ năm 1980 còn, nay cũng tiêu, người ta dẹp chợ cho mướn đất cất một khu thương mại. Khu Chợ Đủi ngày trước là chỗ gần trụ sở UBND Quận 3 bây giờ.