Chương IV

    
ỏa hoạn liên tiếp xảy ra trong đô thành. Đám cháy này vừa hạ xuống thì đám khác nổi dậy, thành phố bao trùm trong bầu không khí sợ hãi, nhứt là ban đêm ở các xóm nhà lá, ít có người nhắm mắt ngủ yên. Một tiếng kêu cứu, một ánh lửa lóe lên đều khiến mọi người kinh hoàng xao xuyến.
Không kinh hoàng sao được, khi mà ai nấy cẩn thận giữ gìn từ hòn than, đốm lửa mà hỏa hoạn cứ xảy ra như thường.
Hàng vạn người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Nhà cửa tài sản bị thiêu sạch, lắm gia đình nheo nhóc dưới mái hiên, hoặc che giại, che phên chui đục tránh nắng mưa.
Ai đi qua những xóm nhà lá sẽ thấy từng đám đất cháy đen thui trơ trọi cây cột cây kèo đứng sừng sững giữa nền trời u ám đìu hiu.
Dưới đất chi chít mọc lên nào mái phên, mái giại, nào mái tôn tường vỡ thấp lè tè, trống rỗng bốn mặt gió lùa.
Suốt tuần nay, Tiếp chứng kiến nhiều đám cháy lớn lao trong đô thành. Dân chúng kinh hãi cuống cuồng nhốn nháo lên như gà bị phá ổ. Có người nặng lời nguyền rủa, người kêu đất kêu trời than thân trách phận, người lại cho rằng tại tai trời ách nước, bởi loài người không biết thương nhau nên khiến trời Phật giận hờn.
Tiếp không tin thế. Lăn lóc nhiều, đã hiểu rõ cái tâm địa độc ác của thực dân, anh chắc chắn rằng chính họ đã gieo tai họa cho dân chúng để làm cho dân chúng đang nghèo khổ càng nghèo khổ hơn.
Nạn đói ở Bắc Việt trong năm Ất Dậu đã giết hại gần hai triệu người là một bằng cớ về cái ác tâm của thực dân ở xứ này.
Quả đúng như lời Tiếp đoán, phần đông dân chúng đều oán hận thực dân cho rằng họ ra lịnh cho tay sai đốt nhà để khủng bố tinh thần dân chúng. Chớ rủi ro cái gì mà cứ nhè xảy ra ở các xóm nghèo [1]?
Đi tới đâu cũng nghe thiên hạ xì xào với nhau như thế. Rõ ràng là mọi người hiểu, nhưng họ chỉ tức tối nguyền rủa thực dân chớ chưa biết làm cách nào chống lại cái âm mưu độc ác đó.
Cùng với nạn cháy nhà, dân chúng còn phải chịu thêm nạn đuổi đất. Họ bị chủ đất rào kẽm gai chiếm lấy nền nhà đuổi ra khỏi ranh đất. Tức mình nhưng họ không biết kêu cứu vào đâu. Có nơi họ liều lĩnh xông vào ẩu đả với chủ đất.
Thấy vậy Tiếp không khỏi bồi hồi thương cảm, anh thường băn khoăn tự hỏi: “Làm sao góp sức với dân chúng phá tan những bức màn hắc ám của thực dân trùm lên cảnh vật xứ này?”
Tiếp nghĩ mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Đồng thời khuyến khích các bạn, mình phải hăng hái hoạt động mới được.
Vừa đạp xe, vừa suy nghĩ Tiếp không hay rằng mình đã tới đường Audouit [2].
- Anh Tiếp!
Một tiếng gọi lớn làm Tiếp giựt mình ngửng đầu lên thấy Sơn đưa tay ngoắc.
- Anh Sơn!
Tiếp ngừng xe đạp leo xuống đất, kêu Sơn và mon men lại gần.
Sơn đang sửa xe đạp bên lề đường, mừng rỡ hỏi Tiếp:
- Anh đi đâu đây?
Tiếp đáp rằng đang đi kiếm việc làm, rồi hỏi Sơn.
- Anh làm ăn có khá không?
Sơn nói:
- Cũng không mấy gì khá, làm ngày nào đủ lủm ngày nấy [3], cũng nhờ số vốn của anh giúp cho sắm đồ nghề kiếm ăn mỗi ngày, không thì chết cứng rồi. Ơn của anh tôi chẳng chi đền đáp. Gần hai tháng nay tôi mong anh ghé nhà mà không thấy, dễ thường anh mắc nhiều công chuyện lắm sao?
Tiếp đáp:
- Cũng hơi bận. Anh có công việc làm ăn như vậy tôi mừng, hà tất anh nhắc đến chuyện ơn nghĩa làm chi. Tôi có giúp anh, anh có giúp lại người khác đời là cuộc giúp đỡ xoay vần vậy thôi.
Sơn thấy Tiếp gầy hơn dạo trước thì hỏi:
- Bộ anh lo nhiều lắm sao mà trông anh gầy quá vậy? Nếu anh cần giúp đỡ tay chân thì mỗi tối tôi sẽ theo anh đỡ nặng nhọc phần nào.
Tiếp gật đầu:
- Để tôi tính lại.
Sơn hỏi:
- Chị Bội lúc này vẫn được mạnh khỏe chớ?
- Cám ơn anh, cô Bội vẫn mạnh.
- Nghe nói chị Bội hoạt động rất hăng hái cho Hội Phụ Nữ mà có đúng như vậy không anh?
- Đúng, vì cô ấy là hội viên.
- Thế sao hôm trước chị ấy trở về với gia đình. Tôi tưởng...
Tiếp chận lại nói:
- Hôm đó ông thân cô bịnh nặng cô về thăm rồi lại ra đi, chớ không ở.
Đang lúc hai người nói chuyện thì thấy xe chở đồ đạc từ trong xóm Bàn Cờ ùn ùn chạy ra. Sơn chỉ tay nói:
- Nghe xóm này bị hăm dọa, nên thiên hạ chở đồ đi gởi kẻo sạch nghiệp như xóm khác.
Rồi Sơn chắc lưỡi nói tiếp:
- Hỏa hoạn sao mà xảy ra như ăn cơm bữa, thế này thì khó mà yên. Anh Tiếp, theo anh thấy còn cách nào trấn áp được hỏa hoạn hay không?
Tiếp dè dặt đáp:
- Để xem...
Sơn lại hỏi:
- Nghe nói, ở nhiều nơi có người mướn đốt, dân trong xóm bắt được người đốt với tang vật như xăng và bùi nhùi có quả vậy không anh? Dường như Tây chủ mưu vụ này...
Tiếp nháy Sơn:
- Anh nói nho nhỏ kẻo người khác nghe mà mang họa. Nếu họ không chủ mưu thì còn ai vô đó.
Sơn được dịp trút nỗi bất bình:
- Tây nó ác như vậy tại sao Thủ tướng Nguyễn văn Tâm không can thiệp, cứu vớt đồng bào mình?
Tiếp cười lạt:
- Anh có lạ gì Nguyễn văn Tâm là Thủ tướng bù nhìn, tay sai trung thành của thực dân. Mấy ông đó làm việc cho cái bao tử của họ thì đời nào họ thương xót bà con mình.
Sơn phê bình một câu:
- Như vậy thì tệ quá.
Có người đem xe đạp lại sửa, Tiếp từ giã Sơn, Sơn nhìn cái xe đạp cũ mèm của Tiếp rồi nói:
- Xe anh cũ quá rồi, đồ đạc chắc “rơ” [4] hết, bữa nào anh ghé tôi cho dầu mỡ, anh đã giúp tôi tạo được cái nghề này, thật là không biết lấy chi đền đáp.
Tiếp khẽ chào Sơn rồi dong xe đạp về phía thành Ô ma [5], trong trí đang ôn lại việc giúp đỡ Sơn.
Sau lần gặp Sơn ở bến tàu [6], Tiếp có tìm đến chỗ Sơn ở đậu. Quả thật Sơn đang nghèo túng cần một việc làm để sống.
Trở về Tiếp đem chuyện đó bàn với Bội.
Nhờ ăn uống tiện tặn, Bội có dư lối năm trăm đồng [7] liền trao hết cho Tiếp đem giúp Sơn sắm đồ nghề sửa xe đạp.
Sơn nhận được số tiền, cảm động siết chặt tay Tiếp nghẹn ngào:
- Anh là vị cứu tinh của tôi, anh đã cho ăn và giúp tôi có việc làm, ơn này đến chết tôi không quên.
Tiếp an ủi và khuyến khích bạn:
- Anh nên cố gắng làm việc, may là anh có một thân một mình mà khổ như vầy thì những gia đình đông con, bịnh hoạn tật nguyền sẽ khổ đến thế nào? Thực dân cai trị chỉ muốn dân mình khổ, đó là lối khai hóa của họ.
Sơn chán nản:
- Hồi nào tới bây giờ Tây cứ đè trên đầu trên cổ mình hoài làm sao cho dân mình hết khổ đây?
Tiếp nhắc nhở câu nói thường phát ra cửa miệng:
- Chỉ còn có cách cùng góp sức tranh đấu, mới mong có ngày ngóc đầu lên nổi.
Sơn hiểu ý Tiếp muốn nói, anh hứa sẽ nhờ Tiếp dìu dắt lên đường tranh đấu.
Mải suy nghĩ về chuyện đã qua, Tiếp không hay có người theo dõi mình. Đó là Trâm, một nhân viên mật thám mà cũng là bạn học của Tiếp.
Lúc Tiếp đứng nói chuyện với Sơn thì Trâm cũng ở gần đó. Là bạn học cũ nên Trâm quen mặt Tiếp và biết Tiếp là người khả nghi đợi Tiếp đi liền đi theo.
Vô tình, Tiếp nào hay người bạn học cũ có ý ám hại mình, anh thản nhiên nhấn bàn đạp.
Đến gần đầu đường Frère Louis Tiếp định quẹo về bên mặt để vào xóm Bàu Sen gặp Bội bàn bạc về buổi Đại hội phụ nữ chiều nay.
Thời may, Hoàng đạp xe từ phía chợ Thái Bình ngược lên, nhìn thấy Trâm lẽo đẽo theo Tiếp liền ra dấu cho Tiếp biết. Anh tinh ý thẳng luôn qua đường Arras, rồi đạp thật mau vào xóm nhà lá để Trâm không theo kịp.
° ° ° ° °
Mới bốn giờ, Bội đã dùng cơm chiều vì chốc nữa phải dự Đại hội Phụ nữ đô thành.
Bội đoán chắc trong buổi đại hội sẽ có nhiều vấn đề quan trọng.
Không khí ở đô thành bị khuấy đục lên vì những đám cháy tàn khốc, vì nạn đuổi nhà đất, bố ráp liên miên.
Qua một đám cháy, hàng ngàn người chịu cảnh màn trời, chiếu đất nhiều gia đình nheo nhóc kéo vào chợ ở hoặc xin manh quần, tấm áo. Các nhà đông con, còn nhỏ đến xin gởi vào Viện Dục Anh nhờ giọt sữa hột cơm. Số trẻ nít xin gởi tăng lên không dưới cả trăm, ngoài ra còn phải cơm gạo, quần áo chiếu liếp, thuốc men cho người lớn, các cơ quan phước thiện không thể nào lo nổi.
Buổi sáng nay, Bội lại nghe bạn hàng và người ở chợ xôn xao về bà hỏa hăm dọa xóm Bàn Cờ.
Họ nói:
- Nơi nào có nhiều nhà lá thì thế nào cũng cháy. Mà xóm Bàn Cờ số nhà lá nhiều hơn các nơi khác thì làm sao tránh khỏi?
Thật là tai họa.
Họ truyền miệng bảo nhau hễ ai ở xóm Bàn Cờ nên đem đồ đi gởi hoặc ở nhà mà coi chừng.
Họ nhắc lại các đám cháy ở xóm này hay xóm kia, bàn tán về số phận của người cháy nhà và chuyện Tây âm mưu đốt nhà dân chúng.
Họ nói công khai, dường như sự bực tức lên đến cực điểm.
- Đồng bào của mình chỉ biết lo làm ăn, chớ có làm gì đâu mà Tây nó thù, nó đốt nhà.
- Nếu họ đốt thì mình giúp đỡ đồng bào mình cất lại, họ ác thì trời hại họ chớ gì.
Đó là dư luận của bạn hàng ở chợ Bến Thành mà Bội nghe được hồi sáng nay.
Bội thấy tình trạng này kéo dài, dân chúng trong đô thành sẽ khổ sở biết bao nhiêu.
Làm sao tránh được tai họa đó cho dân chúng? Bội nghĩ đến phiên Đại hội chiều nay của Hội Phụ Nữ. Vậy mình cần có ý kiến đưa ra để đại hội thảo luận.
Bội vừa và cơm vừa ngó mong ra cửa, có ý trông Tiếp đến.
Bội ăn rồi bữa cơm rửa xong chén bát mà Tiếp vẫn chưa đến. Bội hơi hoang mang vì bữa trước Tiếp có hẹn...
Một cô gái bán dạo gánh gánh đu đủ, từ ngoài đường đi vào Bội thấy mặt quen quen.
Cô gái bán dạo hình như cũng nhận ra Bội nên xăm xúi bước tới gần vừa chào vừa cười hỏi:
- Chị Bội phải không?
Bội gật đầu:
- Phải rồi!
- Có thư của chị đây.
Cô gái bán dạo, để gánh xuống đi thẳng vào trong móc túi lấy bức thư trao ra, Bội cảm ơn, tiễn cô ra cửa rồi quay vào mở bức thư đọc:
Em Bội,
Anh cho em hay tin mừng, để tránh nạn hỏa hoạn liên tiếp xảy ra mấy hôm nay, nhiều ban phòng hỏa sẽ thành lập ở các xóm nhà lá đông đảo. Như vậy em không cần bận tâm lắm. Nạn đuổi đất, đuổi nhà đang làm khổ dân chúng thiết tưởng em nên yêu cầu các bà, các cô, các chị nên tìm cách giúp cho dân chúng đuợc ở yên.
Em nên gặp chị Vân, chị ấy sẽ giúp em.
Chào tin tưởng.
Anh của em,
Tiếp.
Niềm phấn khởi tràn ngập tâm hồn, Bội xếp bức thư bỏ vào bếp rồi khép cửa lững thững ra đường.
Nắng chiều còn thoi thóp trên ngọn cây, từng làn khói mỏng tỏa lên điểm biếc rồi hoe dần trên nền trời vàng hực.
Trời không gió, cây cối đều đứng im. Bội trông lên thấy bốn phía trống tải, không có một bựng khói đen thì nói thầm: “Bữa nay không có cháy”.
Nỗi vui tươi khác lại đến, khi Bội được biết ban phòng hỏa ở các xóm thành lập. Bội nghĩ rằng Tiếp góp công vào việc này rất nhiều, hèn gì mấy ngày rày Tiếp đi vắng luôn.
Cùng hiểu sự bền bỉ tranh đấu của Tiếp, lòng yêu của Bội càng tăng, say sưa với điều mộng tưởng.
Đến trước cửa của hội quán Hội phụ nữ, Bội chưa kịp vào thì bỗng nghe có tiếng ồn ào từ phía ngã tư đưa lại.
Bội ngẩng nhìn thì thấy một số đông đàn bà phụ nữ từ trong xóm Sáu Lèo [8] túa ra kéo thẳng đến hội quán.
Quang cảnh ồn lên một lúc, Bội thấy họ có vẻ nóng nảy bất bình. Nghe rõ lại thì họ bị đuổi đất, nên kéo đến kêu cứu với hội phụ nữ.
Vân ở đâu bước tới chào Bội và nói nhỏ:
- Anh Tiếp dặn tôi kiếm chị.
Bội gật đầu:
- Tôi hiểu rồi.
Vân là một người thiếu nữ ốm yếu, mắt sáng, mặt xương tuổi lối hai mươi dáng người lanh lẹ, giọng nói dịu dàng. Vừa gặp Vân là Bội có cảm tình ngay.
Vân mới vào nghề dạy học tại một tư thục ở Cầu Ông Lãnh. Vân dắt Bội đến dưới mái hiên nói chuyện.
Đám người kéo đến lúc này đứng chờ ra mắt bà Hội trưởng. Bà này chưa tới.
Trong hội phải cử người ra khuyên nhủ họ hãy về, hội sẽ tìm cách giúp đỡ.
Đám người kia ra về rồi, Vân nói với Bội:
- Chị có biết ai gây rắc rối cho đồng bào xóm Sáu Lèo không? Ông nhà chị đó chị à.
Bội hơi ngạc nhiên:
- Thế nghĩa là sao?
Vân liền thuật chuyện:
- Ông Nghị đã mua miếng đất của một người Tây, Ông định cất nhà lầu cho mướn nên đuổi tất cả nhà lá trên cuộc đất đó. Các gia đình ở đây kêu ca với ông cho họ ở yên, còn ông nhứt định đuổi, lại hăm dọa ngày mai đem người đến dỡ nhà khiến cho các gia đình ở đó thảy đều phẫn nộ. Anh Tiếp nghĩ nếu có chị giúp đỡ may ra các gia đình được ở yên.
Bội nói:
- Được tôi sẽ giúp nhưng phải làm sao bây giờ?
Vân có vẻ suy nghĩ, một lát đáp:
- Ngày mai chị nên đến đó nói giúp, may ra ông nhà hiểu rõ cảnh khổ của đồng bào mà đình đãi lại.
Bội thuận theo mọi ý kiến của Vân.
° ° ° ° °
Bà Hội trưởng đến, cảnh phòng hội huyên náo lên một lúc. Bà Hội trưởng béo phục phịch chậm chạp bước ra máy vi âm tuyên bố khai mạc Đại hội. Một tràng pháo tay nổ ran.
Vân kéo Tiếp đi mau vào phòng nhóm, các bà, các cô, các chị đại diện các nhóm các sở và các xóm đã ngồi chật cả phòng.
Tiếng bà Hội trưởng đọc diễn văn nghe lảnh lót đại ý nhắc lại tình cảnh khốn khổ của đồng bào bị cháy nhà, hội có bổn phận giúp đỡ họ gọi là lá lành đùm lá rách. Vì vậy hội nhóm Đại hội nhờ tất cả hội viên tiếp tay vào việc chẩn tế và mở cuộc lạc quyên.
Đoạn kết luận, bà Hội trưởng làm cho các bà, các cô giàu lòng bác ái phải rơi nước mắt.
Bà lui bước trong tiếng vỗ tay rền như sấm.
Vào lúc đó, từ cuối phòng một người nhanh nhẹn bước lên xin tỏ ý kiến.
Tất cả cặp mắt đổ dồn vào người bước lên diễn đàn. Người đó không ai khác hơn Bội.
Với chủ định trước Bội lập lại cảnh khốn khổ của đồng bào, rồi kêu gọi từ tâm của mọi người nên có cuộc quyên ngay trong phòng nhóm.
Bội xin bỏ vào cuộc lạc quyên năm trăm đồng của một bạn gái là cô Nguyễn thị Nhung xin hiến tất cả cho đồng bào bị nạn.
Bội vừa dứt lời, mọi người ồ lên vỗ tay.
Tiếng vỗ tay vừa hạ xuống thì từ hàng ghế giữa thốt nhiên có tiếng gọi:
- Chị Bội! Chị Bội!
Bội vừa đi xuống, liền ngẩng nhìn người gọi mình. Chị xiết bao ngạc nhiên khi nhận ra người đó là Nhung.
Bội thốt lời:
- Kìa cô Nhung, cô cũng có mặt ở đây?
Nhung cảm động bước lại cầm tay Bội.
- Em không ngờ chị dành cho em cái vinh dự hôm nay.
Bội nắm chặt tay bạn:
- Cô có lòng tốt rất đáng hưởng cái vinh dự ấy có gì phải từ chối.
Nhung nhìn Bội bằng cặp mắt dịu dàng.
- Chị đã làm cho em ngạc nhiên và cảm động quá. Tấm lòng hy sinh của chị em đã hiểu rồi từ nay chị nên gọi Nhung bằng em.
- Nhưng Nhung bây giờ là bà bác sĩ...
- Cái đó là đối với thiên hạ chớ với chị Nhung vẫn là người em như lúc ở trường.
- Nếu Nhung cho phép thì Bội mới dám.
Hai người lại nói chuyện mộ cách thân mật, giữa lúc trong phòng ồn lên vì cuộc lạc quyên.
Bây giờ Bội mới rõ, có mặt Nhung trong buổi đại hội chỉ là sự tình cờ. Một hội viên tức là bà Phán Tiền nhơn thấy Nhung ở không nên rủ đi cho có bạn chớ Nhung không biết gì đến hoạt động của Hội Phụ nữ.
Nhờ đó Nhung được chứng kiến hành động của Bội để cảm mến thêm người bạn gái của mình.
Buổi hội bế mạc sau khi bà Hội trưởng Hội Dục Anh nói về sự thiếu thốn của các trẻ mồ côi.
Mọi người ùn ùn ra về, Bội cũng từ giã Nhung.
Tới cửa Vân ở đâu sợt đến nhắc Bội.
- Chị nhớ sáng mai đến xóm Sáu Lèo.
Bước ra đường Bội thấy lòng thanh thản vui vui về buổi họp mặt vừa rồi.
Cái cử chỉ của Nhung còn gây thêm Bội nhiều tin tưởng về người phụ nữ Việt Nam.
Dầu ở trong hoàn cảnh nào, giàu hay nghèo người phụ nữ Việt Nam vẫn nhiều tình thương giàu lòng giúp đỡ.
Một hình ảnh khác chợt đến, lòng Bội như phát sôi nổi lên. Tâm trí như vần vũ bởi đám mây mù Bội vừa nghĩ đến số phận của đám người bị đuổi nhà. Họ đang chờ đợi sự tế độ.
Sự tham lam ích kỷ đã biến con người trở nên tàn nhẫn, ông Nghị Tần, thân phụ của Bội giàu sang như thế ấy mà còn ham muốn điều gì để cho đồng bào phải khổ...
Mình có nên lánh đi để cho cảnh lầm than diễn ra? Nếu đến đó, tự nhiên mình phải binh vực người cô thế.
Điều mà Bội cần tránh nhứt là cuộc xung đột.
Làm sao bây giờ?
Bội thấy khổ tâm khi bị đặt vào trường hợp khó xử. Bao nhiêu niềm vui ở trong buổi hội chợt tan đi. Lòng Bội trở nên nặng nề, ảm đạm. Bội đi mau về nhà đóng cửa lên giường nằm.
Lời nói của Vân hãy còn văng vẳng bên tai Bội:
“Chị nhớ sáng mai đến Xóm Sáu Lèo”.
Tình thế ở đó chắc là bi đát lắm rồi. Tay trơn làm sao chống cự với người có thế lực được Tây tin dùng như cha mình?
Bội thừa hiểu còn sống dưới chế độ thực dân ngày nào là dân tình còn bị ngược đãi, ức hiếp. Họ kêu ca với ai? Công lý của thực dân không hề soi rọi vào chỗ tối tăm, tất nhiên kẻ cô thế đành phải hứng lấy mọi sự thiệt thòi.
Bội chán nản nhớ lại hôm mình về thăm ông Nghị Tần. Chị đã xúc động trước tình cha con.
Thật thế, người con nào cũng thương cha, mến cha, nhứt là người phụ nữ giàu tình cảm như Bội, cái tình đó càng sâu sắc đậm đà.
Cho nên mình không cầm lòng được trước sự khẩn nài thiết yếu của người cha bịnh hoạn.
Bội sống một cách êm dịu của đứa con ngoan ngoãn, nên hứa không đi nữa.
Người như ông Nghị Tần không phải là con người thuần lương, nhưng lúc nào tự ông thấy cũng cần một tình thương, một nguồn an ủi của đứa con lạc loài.
Tiền bạc làm tê liệt tâm hồn ông, xui ông sống cách biệt nòi giống, song không cắt được núm ruột của ông. Vì vậy mà ngoài mặt ông coi Bội như đứa con hư hỏng, bị gạt ra ngoài gia đình, chớ trong thâm tâm luôn khao khát giọng nói, tiếng cười cùng cái hình dáng dịu dàng của người thiếu nữ.
Hiểu rõ lòng dạ của cha, Bội không đành dứt áo ra đi.
Ở được hai ngày, Bội cảm thấy khó chịu vì cái không khí tầm thường. Bội nhớ đến hoạt động sôi nổi bên ngoài, nhớ đến hình ảnh Tiếp đang còng lưng trên xe đạp lướt qua quãng đường có nhiều bóng cây, lòng Bội rạo rực liên miên.
Có thể nào mình ngồi yên nhìn mọi người bôn ba trước cơn quốc biến ư? Là con người thích tranh đấu không lý tự giam mình trong cái sống yên lặng tầm thường.
Con chim đã xổ lồng thích sống cái đời tự do, nay không lẽ chui vào lồng cũ để rồi chết dần mòn như những kẻ không tuổi không tên.
Bội phấn khởi thấy mình có một quyết định hợp lý.
Tối đến, đợi ông Nghị Tần ngủ yên Bội lẻn ra ngoài đi thẳng.
Trầm ngâm ôn lại chuyện đã qua, Bội không một chút gì tiếc rẻ. Chị có hối tiếc chăng là hành động của cha mình. Ông cũng là người Việt Nam sống trên đất Việt Nam sao không biết thương người Việt Nam.
Đành rằng khi đuổi nhà ông có lợi song ít nữa ông cũng nên nhìn đến cảnh sống nheo nhóc của hàng vạn đồng bào, đừng để cho nước mắt phải chảy nhiều.
“Chị nhớ sáng mai đến xóm Sáu Lèo”.
Câu nói của Vân lại văng vẳng bên tai Bội. Gây thành một sự bựcdọc. Bội nhắm mắt lại như cố tránh một ám ảnh nặng nề.
- Ừ sáng mai ta sẽ đến đó...
Bội lẩm bẩm như vậy rồi cố ngủ yên để mai dậy sớm, song cứ trằn trọc mãi.
Đồng hồ hàng xóm đổ hai tiếng, Bội hãy còn thao thức.
Mãi đến bốn giờ sáng, Bội mới chợp mắt được.
Đến khi giựt mình thức dậy thì trời đã sáng trắng. Bội lật đật ra cửa đi mau đến xóm Sáu Lèo.
Nhưng khi đến nơi thì mọi chuyện đã rồi. Nhiều mái nhà đổ ụp xuống hỗn độn, ngổn ngang. Dân trong xóm xúm năm xúm ba sụt sùi than khóc. Có người quá bực tức nguyền rủa không tiếc lời.
Lòng Bội xót xa đau đớn, Bội hối hận trách mình đã coi thường sự đau khổ, nỗi lo âu của đồng bào.
Chảy nước mắt khi đi qua những căn nhà đổ xuống. Bội càng hiểu thêm sự tàn ác và bộ mặt bỉ ổi của chế độ thực dân.
Chú thích:
[1] Lúc này ở Sàigòn có tin đồn bà lớn này bà lớn kia, (hết bà Tâm tới bà Hữu) đốt nhà dân để bán tole cho mau giàu. Thật ra người đốt là những người có nhiệm vụ tạo ra tình trạng bất an trong đô thành và phao tin xấu để chánh phủ thân Pháp ở Sàigòn không được dân thương và do đó không thể tồn tại.
[2] Khoảng Chợ Cũ bây giờ.
[3] Ngày nào cũng lủm ngày nấy, thành ngữ dùng thời đó. Lủm: cho vô miệng nuốt cái một, gọn bân. Chỉ sự an uống thiếu thốn.
[4] Tiếng Pháp jeu có nghĩa là mòn, lỏng, xục xịch, không còn ăn khớp với nhau nữa.
[5] Chỗ gần hãng thuốc MIC ở Sàigòn ngày nay.
[6] Bến Bạch Đằng gần Bộ Tư lệnh Hải quân, Sàigòn.
[7] So với thời điểm của câu chuyện thì 500 lúc đó giá độ 3 chỉ vàng. Vàng 1, 700-1, 800 mỗi lượng. Lòng bạn thiệt cao quí!
[8] Xóm Sáu Lèo tức khu nhà nghèo ở chỗ xóm Tây ba lô, Phạm Ngũ Lão, Q2, Sàigòn bây giờ.