Chương III

    
nh lửa cháy bập bùng trong bếp phản chiếu vào gương mặt sáng như gương của Bội. Có một vẻ đẹp thùy mị và nước da trắng hồng, nhưng từ khi rời khỏi gia đình để sống tự lập, Bội phải gánh gồng nặng nhọc, dãi nắng dầm sương làn da đen sạm lại, gương mặt tuy kém vẻ hồng hào, mà rắn chắc, đôi mắt sáng hơn, điểm đầy nghị lực.
Tuổi độ hai mươi, song Bội có vẻ trầm lặng suy nghĩ chớ không nhí nhảnh te rẹt như một số đông phụ nữ đang độ xuân thời.
Nghe nước réo trong nồi, Bội miên man nghĩ ngợi về cuộc hội họp chốc nữa.
Tiếp sẽ đến với một số bạn bè.
Theo lời dặn, Bội chỉ mua vài thứ bánh ngọt nấu một nồi trà Huế.
Lần thứ nhứt có cuộc hội họp ở nhà mình, Bội hơi lo, không phải lo vì sự có nhiều người đàn ông trong nhà để hàng xóm có dịp dòm ngó, hàng xóm của Bội đều là người tốt nên khỏi phải ngại. Bội chỉ lo mình sắp đặt không được chu đáo lỡ có bề gì...
Khi mà ngoài kia những tay sai của thực dân, phong kiến còn nhiều, họ rình mò từng chút, rủi ro mà họ đánh hơi được thì sẽ lôi thôi.
Làm sao để bảo vệ Tiếp và các bạn anh? Nhà mình trống trải, nó là một căn nhà lá nhỏ hẹp thuê của người chủ đất mỗi tháng hai trăm đồng, trống trước hở sau.
Bội phân vân im lặng. Ánh lửa chập chờn phản chiếu vào bóng Bội trên vách lá, thấy gầy đi nhiều. Hai năm qua, Bội sống thuần bằng lý trí, ít khi nghĩ tới cái ăn, cái mặc, trau dồi nhan sắc. Động lực làm cho Bội cam phần chịu thương, chịu khó là tình yêu của Tiếp và lòng yêu quốc gia, dân tộc.
- Em Bội! Em Bội!
Có người gọi tên mình. Bội nhận ra tiếng của Tiếp. Phải rồi Tiếp đến ngoài kia.
Bước vội ra mở cửa. Một luồng gió lạnh theo Tiếp hắt vào.
- Còn các bạn kia đâu?
Nghe Bội hỏi, Tiếp đáp:
- Họ sẽ tới sau. Cứ để cửa cho tự nhiên.
Tiếp và Bội đi thẳng xuống bếp. Thấy nồi nước đang sôi Tiếp hỏi:
- Em nấu trà đó à?
Bội gật:
- Tiếp nhìn Bội bằng đôi mắt dịu hiền, khẽ nói:
- Bữa nay em nghỉ bán phải không? Ừ chắc nghe mấy anh đến em sẽ vui mà bỏ mất một số lời.
Bội cười đáp:
- Cái đó không hề chi, vì việc các anh trọng hệ hơn.
Thành thật Tiếp hỏi:
- Em Bội à, chắc là em không ghét ba em phải không?
Bội chưa trả lời thì Tiếp tiếp:
- Ba em đang đau nặng có lúc mê sảng gọi tên em, rồi kể lể; ông có một đứa con lại bỏ đi mất. Có lẽ trong lúc bịnh hoạn, ba em thương nhớ em thành ra mới có trạng thái đó, vậy em nên về thăm người.
- Về thăm người!
Bội lập lại ba tiếng đó bằng một giọng buồn rầu. Dường như Bội xúc cảm khi nghe Tiếp nhắc tới cha mình trong cảnh ốm đau hiu quạnh.
Tiếp nhắc lại:
- Em nên về may ra người nhẹ bịnh.
Bội nói qua giọng nghẹn ngào:
- Về, em cũng muốn, ngặt vì người đã từ em. Vả lại em mang tấm thân rách rưới về đó người sẽ không nhìn.
Tiếp nắm tay Bội an ủi:
- Em đừng ngại, không ai cười, khi em làm một việc chánh đáng. Còn như ba em từ em, bởi trước kia người nóng nảy làm thế chớ người cha nào lại chẳng thương con. Vì thế, đôi lúc suy nghĩ lại người hối hận, nhớ nhung. Đây là lúc em nên về.
Bội lẳng lặng làm thinh, nghĩ đến chuyện ông Nghị Tần có thể bắt mình ở luôn trong nhà. Chừng ấy phải xa cách Tiếp, thì Bội sẽ buồn khổ biết bao.
Có bóng người vào cửa, Tiếp khẽ nói:
- Họ đến kìa.
Quả nhiên ba người đàn ông lần lượt bước vào nhà. Tiếp quay ra đón họ dẫn vào buồng.
Trải chiếu ra đất bốn người cùng ngồi. Tiếp nói vói ra ngoài sau:
- Em Bội đem nước lên đây.
Ba người đàn ông đến sau nháy nhau cười và nói:
- Anh chị đầm ấm như vầy mà không chịu cưới nhau.
Tiếp đỡ lời:
- Các anh hãy thong thả. Đã yêu nhau thì ngày nào cưới nhau lại chẳng được, các anh chỉ khéo vẽ vời.
Các bạn Tiếp đều cười.
Bội ở dưới nhà lên nhìn ba bạn Tiếp, chỉ quen mặt có Thanh, người ốm mà cao, còn hai người kia, một có vẻ nho nhã, da trắng như con gái, mắt sáng miệng rộng, Tiếp giới thiệu là Tân, làm thư ký Ngân Khố, một người nữa tác lối bốn mươi, da đen mặt thỏn, mắt hí là Hoàng, người coi kho cho một hãng buôn.
Thấy Bội bưng ấm nước trà, dĩa bánh ngọt khệ nệ để xuống chiếu, Thanh vừa cười vừa nói đùa:
- Chị Bội săn sóc cho anh Tiếp quá, tôi thường ước ao có một người bạn gái như chị.
Bội mỉm một nụ cười tươi:
- Bây giờ chúng ta chẳng phải bạn là gì?
Tiếp xen vào:
- Gái Sàigòn chẳng thiếu gì, anh Thanh lại bày đặt chuyện.
Tân phụ họa:
- Anh Thanh cũng muốn lắm, ngặt vì không có người thứ hai như chị Bội, rõ là anh ấy vô duyên.
Thanh bị bạn chế diễu chẳng những không phiền mà còn khoái ý nói:
- Đâu phải ai cũng đều có cái diễm phúc của anh Tiếp. Có lẽ anh ấy khéo tu.
Đến lượt Hoàng xen vào:
- Anh Tiếp đã đem tình yêu phụng sự cho nghĩa vụ, là điều ta nên mừng. Riêng về chị Bội mình phải khen chị là một gái Việt hoàn toàn.
Lời nói của Hoàng vô tình làm cho Bội cảm động. Chị quay mặt đi và bước ra nhà sau.
Đến lúc Tiếp chấm dứt câu chuyện tình.
- Nãy giờ các anh nói nhiều về tôi và Bội, thế cũng đủ rồi, bây giờ hãy nói chuyện của ta.
Sau câu nói của Tiếp, bốn người quay quần to nhỏ với nhau. Đứng dưới bếp Bội không nghe rõ.
Đồng hồ hàng xóm thong thả đổ mười hai tiếng. Xóm Bàu Sen [1] chìm trong sự yên lặng của đêm khuya.
Ngoài trời mưa rơi lấm tấm. Qua kẽ hở Bội thấy màn đêm tối mịt. Xa xa tiếng còi chói vọng lên không gian, dư âm ngân dài thắm đượm cái buồn man mác.
Tiếp, Thanh, Tân, Hoàng vẫn say vùi trong câu chuyện. Bội suy nghĩ về những lời ba bạn Tiếp nói vừa rồi.
Vậy ra mối tình của Tiếp Bội đẹp lắm ư? Đẹp ở chỗ nào? Bội hình dung nó đẹp không phải như cái đẹp thông thường mà người ta tưởng. Nó đẹp ở chỗ thanh cao luôn luôn đi kèm với nghĩa vụ.
Từ lâu rồi Bội cũng thấy thế, Bội như được khuyến khích càng yêu tranh đấu thêm. Như vậy, Bội tạo cho đời mình một ý nghĩa.
Là người bạn lòng của Tiếp, Bội hằng theo dõi bước Tiếp đi. Tiếp quả là một thanh niên có nhiều hoài bão, nhiều tương lai. Ngày ngày Bội chịu thương chịu khó, biết kiên nhẫn ấy cũng nhờ học theo gương Tiếp.
Sau hai năm rời khỏi gia đình, Bội sửa đổi cả lề lối sống, thay hẳn tình cảm, thâu thập được một mớ kinh nghiệm và đã biết yêu đời.
- Em Bội...
Nghe tiếng Tiếp từ trong buồng đưa ra, Bội lật đật bước lên. Tiếp nói khẽ:
- Em cho thêm ấm nước và đi ngủ để rồi sáng còn đi bán.
Bội nhìn xuống chiếu, thấy Tiếp ném ra một tờ truyền đơn của một đảng phái quốc gia vạch mặt thực dân và bù nhìn Tâm, Hữu.
Chế xong ấm nước, Bội lặng lẽ đi ra ngả lưng xuống ván trước. Như người có nhiều tâm sự, không tài nào Bội nhắm mắt được.
Lần này Bội nghĩ tới ông Nghị Tần. Hôm trước nghe ông thọ bịnh Bội muốn về thăm, nhưng khi vào cửa, Bội ngại mình rách rưới, ông Nghị Tần xua đuổi nên không dám vào.
Ông Nghị Tần coi Bội như đứa con hư nên tự ý từ bỏ, chớ Bội thì vẫn thương cha, mến cha, nhưng vì tâm ý bất đồng Bội không thể sống gần cha, chỉ có thế.
“Bởi trước kia người nóng nảy làm thế chớ người cha nào lại chẳng thương. Vì thế, đôi lúc suy nghĩ lại người hối hận nhớ nhung. Đây là lúc em nên về”.
Lời nói của Tiếp như còn văng vẳng bên tai.
Bội suy nghĩ rất đúng.
Cha con xa cách đã lâu, nỗi nhớ thương cũng nhiều, nên nhân dịp này tạo lại sự hòa thuận, gây lại tình thương đã mất bấy lâu. Nếu đến đó trong chốc lát chẳng hại gì, huống chi có lời khuyên của Tiếp.
Bội đã tìm được sự ổn thỏa tinh thần, nhắm mắt ngủ một giấc đến sáng.
Chợt nghe người trong xóm huyên náo lên vì truyền đơn rải quanh đó.
Người người bàn tán, lính Tây kéo đến mở cuộc tra xét. Bội giữ vẻ bình thản quảy gánh ra khỏi nhà.
Được một quãng. Bội bị chận lại xét thúng, thúng không. Bội bước qua đám đông lòng phơi phới niềm vui.
Hồi khuya, không rõ Tiếp và các bạn ra khỏi nhàtừ lúc nào, làm chuyện ấy rồi đi đâu, Bội ngủ quên nên không hay biết chi cả.
° ° ° ° °
Suốt buổi chợ sáng, Bội luôn luôn lo ra. Lát nữa đây mình sẽ ghé thăm ông Nghị Tần. Mình sẽ nói gì. Ông Nghị Tần sẽ đối xử với mình ra sao? Tâm trạng ông có gì biến đổi không?
Bội sợ nhứt là sợi dây tình cảm trói buộc mình, cản trở bước đường tiến thủ của mình.
Rồi Bội đâm ra băn khoăn. Tình cha con là trọng song Bội đã chọn con đường để đi, không vì lẽ gì mà quay lại hay bỏ dở cuộc tranh đấu. Không động lực nào làm Bội chia lìa Tiếp. Thương cha Bội vẫn thương, nhưng Bội không muốn bị giam hãm bởi gia đình, bởi người cha thù ghét lý tưởng.
Bội đang sống giữa hai giòng tư tưởng trái nghịch nhau gây thành một mâu thuẫn trong lòng.
Chỉ còn có cách là đừng về đó là hay hơn cả. Nhưng Bội chợt nghĩ đến cảnh người cha đang đau trầm trọng nằm khoắc khoải trông con nếu đứa con trở về sẽ đem lại một nguồn an ủi tinh thần. Cái đó rất cần.
Đâu phải người sắt đá mà Bội thản nhiên được. Vậy mình phải về.
Bội liền gởi gióng gánh cho bạn hàng quen, rồi ra khỏi chợ.
Đã trưa, trời nắng như thiêu như đốt. Bội thẳng qua đường Lê Lợi, mồ hôi thấm ướt cả áo ngoài. Lúc bây giờ Bội mặc bộ đồ bà ba vải đen đi chân không vẻ người lam lũ. Đằng kia đi lại là một đám nữ sinh còn kẹp tóc, mặc áo lụa màu, dáng điệu nhí nhảnh vui tươi.
Thấy họ, Bội nhớ lại quãng đời niên thiếu trước kia. Hồi đó Bội cũng đi học, cũng vui cười nhí nhảnh bồng bột với cái sung sướng của mình. Đôi khi Bội còn hãnh diện về cái giàu sang của nhà mình. Từ bé được un đúc trong khuôn khổ trưởng giả, Bội không cần biết mọi sự vật quanh mình có liên quan đến cái lề lối sống trưởng giả đó.
Nhưng từ ngày giác ngộ Bội mới hiểu rằng cha mình đã dùng thế lực tạo nên sự sung sướng riêng mình, cùng lấy cái quyền kẻ mạnh hiếp kẻ yếu, sống chết mặc ai.
Nhớ lại thời trẻ trung đầy tự cao, mơ mộng Bội không một mảy may luyến tiếc.
- Chị Bội!..
Nghe tiếng kêu, Bội quay lại thấy Nhung, một bạn học cũ. Nhung mặc áo dài, giày cao gót, móng tay son, má phấn. Nhung bước lại gần Bội ngại ngùng hỏi:
- Xin lỗi, chị có phải là chị Bội không?
- Phải, tôi là Bội, còn cô có phải là... Nhung?
Nhung gật đầu rồi nói:
- Xa cách nhau có hai ba năm mà trông chị khác nhiều. Chẳng biết mấy năm nay chị ở đâu làm gì, các bạn quen không ai gặp chị cả. Ai cũng tưởng chị đi xa rồi.
Bội cười gượng:
- Tôi vẫn quanh quẩn ở Sàigòn, buôn bán kiếm sống chớ có đi đâu xa.
Nhung nhìn từ đầu đến chân Bội rồi ngại ngùng hỏi:
- Bây giờ bộ chị nghèo lắm phải không? Nhung có đọc lời bố cáo của bác Nghị từ chị, nhiều bạn học cùng trường cho rằng chị theo anh Tiếp.
Bội lảng sang chuyện khác:
- Cô Nhung chắc đã có chồng?
Nhung nở nụ cười duyên dáng:
- Cám ơn chị, Nhung vừa có chồng bác sĩ.
Bội nói:
- Xin chúc mừng cho Nhung được nhiều hạnh phúc.
- Còn chị và anh Tiếp chắc đầm ấm lắm?
- Vâng, đầm ấm.
Thấy trời càng trưa, Bội từ giã Nhung mà đi.
Nhung gọi theo:
- Chị Bội!
Bội đứng lại, Nhung bước tới dịu dàng nói:
- Chị Bội, chắc chị đang nghèo Nhung muốn giúp chị.
Miệng nói, tay Nhung móc bóp lấy năm trăm bạc trao cho Bội.
- Chị cầm đi.
Bội ngại ngùng đáp:
- Cám ơn Nhung, tôi không túng lắm, vậy Nhung hãy cất để dành xài. Khi nào cần tôi sẽ tìm đến Nhung.
Mặc dầu Bội từ chối đôi ba lần, Nhung vẫn cố nài, bắt đắc dĩ Bội cầm lấy và nói:
- Số tiền này sẽ được quyên vào Hội Dục Anh [2] và sẽ mang tên của Nhung vậy.
Nhung nói:
- Tùy chị, nhưng bao giờ chị cũng nên nhớ em có cảm tình với chị...
Bội quay mặt đi với sự cảm động nhẹ nhàng.
Cầm năm trăm đồng bạc của Nhung mà lòng Bội dào dạt nguồn cảm. Thì ra trong mọi từng lớp vẫn có biết bao nhiêu người giàu tình thương, giàu nhân nghĩa.
Đành rằng tình bạn của ngày xa xưa làm bộc lộ cử chỉ ấy của Nhung, nhưng tự thâm tâm Bội nhận thấy Nhung dành nhiều tình cảm cho mình, nhứt là Nhung không coi mình là người hư hỏng.
Sự gặp gỡ tình cờ với người bạn cũ làm nảy thêm trong trí Bội ít nhiều tin tưởng ở lòng dạ con người.
Về đến trước nhà ông Nghị Tần mà Bội không hay. Khi ngẩng lên chị thấy cánh cổng sắt mở rộng như sẳn sàng rước vào.
Từ trong nhà đi ra một người đàn ông đứng tuổi vận âu phục trắng, đội nón da, tay chống can và một người đàn bà ăn mặc theo xưa, tay xách dù.
Nhìn thoáng qua, Bội nhận ra hai vợ chồng ông bà Đốc phủ sứ Võ Công Hàm đã hưu trí.
Chắc hai ông bà đến thăm sức khỏe của ông Nghị Tần.
Trước kia hai ông bà thường đến chơi nên biết rõ Bội lắm. Có lúc bà Đốc Phủ muốn hỏi Bội cho con trai bà đang tùng sự tại Tòa Thượng thư. Ông Nghị Tần rất bằng lòng, kế Bội thoát ly gia đình, đám hỏi dở dang.
Đến nay tình cờ gặp nhau, Bội không muốn hai ông bà nhìn thấy sự rách rưới của mình. Bội cần tránh sự hiểu lầm, theo trai đã đời rồi la lết về báo cha.
Nghĩ vậy rồi Bội kéo khăn che mặt, quay đi đợi hai người lên xe chạy xa Bội mới lững thững vào nhà.
Cách đây gần ba tháng chị đến đây một lần rồi quay đi không vào. Lần này thì chị quả quyết hơn, bước lên tam cấp.
Một con chó chạy ra sủa vang, kế chị ở đàng sau bước ra hỏi Bội.
- Cô muốn xin chỗ làm phải không?
Chị ở hỏi như vậy là vì trong nhà cần người nuôi bịnh, có nhờ các chỗ quen kiếm giùm.
Bội đáp:
- Tôi muốn gặp ông lớn, xin chị làm ơn vào nói giùm.
- Cô là ai cho biết tên để tôi thưa lại với ông lớn.
Bội đắn đo một hồi rồi nói:
- Tôi là...Bội, chị vào nói thì ông lớn biết.
Chị ở ngạc nhiên:
- À té ra cô là cô Kim Bội sao? Tôi nghe ông lớn thường nhắc nhở đến cô và nói không biết cô ở đâu. Nay cô về chắc ông lớn mừng lắm.
Nói rồi chị ở dắt Bội vào phòng khách, bảo ngồi chờ.
Nhà vắng vẻ lặng trang, Bội liếc nhìn trên tường thấy bức ảnh phóng đại của mình vẫn treo chỗ cũ.
Ảnh ấy chụp hồi mười sáu tuổi, lúc ấy Bội trẻ trung tươi tắn như một đóa hoa. Mấy năm lăn lóc với đời, Bội không hề chụp ảnh, nhưng chị vẫn biết mình có nhiều biến đổi. Vẻ phong trần làm cho chị mất hẳn những nét đài các, trâm anh.
Liếc sang vách giữa, trên cái bàn thờ, bức ảnh của mẹ Bội lờ mờ hiện ra dưới ánh đèn hơi lu.
Bà chết khi Bội được mười hai tuổi. Lúc ấy ông Nghị Tần giàu sang rồi, nhưng bà là người của thời xưa, chỉ biết lo lắng cho chồng con mà không cần biết mọi việc xảy ra bên ngoài, và bà cũng không để ý đến chuyện chồng làm hay xét qua mọi sự tiếp xúc của ông. Tóm lại, bà là người không ra khỏi ngưỡng cửa gia đình.
Bà thương Bội lắm, suốt đời ở với ông, chỉ có một mụn con gái, bà chiều chuộng, tâng tiu như trứng mỏng.
Bội lần lượt ôn lại những chuyện xa xưa mà bồi hồi thương xót mẹ hiền.
Bội khẽ đứng dậy bước lại bàn thờ mẹ chắp tay lâm râm khấn vái.
- Cô Bội, ông lớn cho mời cô vào trong này...
Bội xá trước bàn thờ mẹ mấy xá rồi theo chị ở vào phòng ngủ của ông Nghị Tần.
Bịnh của ông đã thuyên giảm sau mấy ngày nóng sốt li bì. Ông nằm trên giường lưng dựa vào gối, mắt đeo kính trắng, đầu bạc hoa răm.
Tuổi ông lối năm mươi, mắt xếch, trán vồ, vóc người đẫy đà trong bộ đồ bi da ma sọc rằn. Ông cầm tờ báo Tây giả bộ chăm chỉ đọc.
- Thưa ông lớn, cô Bội đã vào đây.
Nghe chị ở nói, ông Nghị Tần vội buông tờ báo xuống, miệng hỏi:
- Con Bội đâu?
Ngước lên nhìn thấy Bội, ông nghẹn ngào đưa tay ngoắc:
- Lại đây con...
Nhìn thấy Bội rách rưới, đen đúa, khác trước quá nhiều ông xúc động:
- Trời ơi!... Bội, con làm gì tang thương đến đổi này?
Bội không thể thản nhiên trước sự vồ vập của cha mình.
Im lặng.
Ông Nghị Tần tha thiết gọi:
- Con lại đây, xích lại đây, gần một chút nữa.
Bội cảm động trước tình thương nồng nàn của người cha Việt Nam. Trong phút này Bội không thấy có sự cách biệt nào nữa. Tình cha con cơ hồ nguyên vẹn như ngày nào.
Ông Nghị Tần nắm lấy tay con:
- Bội ơi! Con về đây ba mừng lắm, bấy lâu thương nhớ con, muốn thấy mặt con mà không biết đâu để tìm. Nay con về đây ba muốn con đừng đi đâu nữa. Vắng con khổ lòng cha biết bao nhiêu. Thôi chuyện trước ba bỏ hết, mà con cũng quên đi...
Những lời nói ngọt ngào đượm một chút buồn buồn của ông Nghị Tần như có mãnh lực lôi cuống làm cho tình cảm của Bội trở nên mềm yếu, Bội thấy lòng mình bồi hồi thổn thức.
Ông Nghị Tần tiếp lời:
- Trước kia con ăn sung, mặc sướng kẻ hầu, người hạ không thiếu một món gì. Bây giờ thân thể như vầy hẳn là con sẽ ăn năn lắm. Ba sẽ quên tất cả để con làm lại cuộc đời. Con nghĩ thế nào?
Bội nhỏ nhẹ đáp:
- Ba để cho con suy nghĩ lại.
Ông Nghị Tần ngồi thẳng lên, trỏ cái ghế bảo Bội nhắc lại ngồi sát bên giường cho ông hỏi chuyện.
Bội giấu đi tất cả sự thật, chỉ nói cho ông biết bấy lâu mình vẫn sống đầy đủ, không có chuyện gì phải lo ngại cả.
Ông Nghị Tần không tin rằng Bội nói thật, vì lâu nay ông có nghe người ta thuật lại vài hoạt động của Bội, tự nhiên ông không tán thành, nhưng sợ liên lụy nên không nói ra.
Trước mặt Bội, ông khuyên:
- Hai năm nay con lầm đường lạc nẻo vì nghe lời đường mật của kẻ khác, có cực khổ như vầy con mới biết. Trong lúc ai ai cũng lo tìm sự sung sướng, giàu sang, chỉ có con dại dột chuốc lấy sự thiếu thốn đến đỗi không có cái áo dài mặc về đây. Bội ơi! Chắc con đã hiểu rồi? Con tỉnh ngộ chưa?
Bội muốn nói những điều mình cần nói. Nhưng lại nín lặng vì muốn tránh sự bất hòa. Về đây, trước một người cha bịnh hoạn Bội thấy cần giữ cho tình cha con được nguyên vẹn, nên không thốt một lời nào.
Ông Nghị Tần tưởng Bội ăn năn, hối hận liền tiếp lời:
- Lâu nay ba kể con như đứa con hư chẳng dính dấp gì đến gia đình này nữa, ba liều như con chết rồi. Thật thế! Giá mà con khôn ngoan thì ngày nay hẳn có chồng bác sĩ, luật sư, đốc học, tha hồ sung sướng, kẻ đón người đưa. Chắc con cũng biết con Nhung con của ông bà Phán Đắc, nó bì sao được với con, vậy mà bây giờ nó có chồng bác sĩ giàu có hàng triệu, ba không khỏi xấu hổ cho con.
Với sự so sánh đó, Bội đã hiểu ông Nghị Tần muốn nói gì rồi. Quan niệm về cuộc đời của ông có khác với ý tưởng của Bội. Bội nhận thấy bẩm chất của cha mình chẳng có gì thay đổi. Một lần nữa Bội nín lặng để nghe ông nói:
- Chắc con đã thấy sự dại dột tai hại rồi. Con tự ý bỏ nhà ra đi theo đồ thất giáo, tưởng làm nên trò trống gì không dè cứ trốn chui trốn nhủi. Người ta đang mạnh làm gì xuể mà hòng đua đòi. Ba cho rằng những kẻ ấy không biết thân, khờ khạo rồi chuốc lấy cái chết.
Nói tới đây, ông Nghị Tần thấm mệt, ngả người xuống giường, cơn sốt lại kéo vày vò, ông khoanh tay nói qua hơi thở mạnh:
- Bội ơi! Con hãy ở gần ba, còn nhiều chuyện ba muốn nói với con, con hãy hứa không đi nữa, mất con ba sầu khổ lắm.
Tiếng nói của ông Nghị Tần gợi lên một âm vang áo não, nó bộc lộ cả niềm buồn thảm của người cha sợ mất con.
Là người giàu tình cảm, Bội khó lãnh đạm trước tiếng lòng tha thiết của người cha.
Hứa ư?
Hứa hẹn để rồi trói buộc mình trong vòng kềm hãm của gia đình là điều Bội hết sức tránh. Nhưng ra đi Bội sẽ dẫm lên nỗi niềm đau khổ của người cha.
Vẻ bối rối hiện lên trên nét mặt Bội.
Ông Nghị Tần nói giọng mất giọng còn:
- Bội ơi... con hứa đi... cho ba... yên lòng...
Bội quay lại, đôi mắt sáng lên, giọng quả quyết:
- Dạ con xin hứa...
Nói rồi Bội ôm mặt như cố giấu diếm cơn xúc động mạnh.
Chú thích
[1] Xóm Bàu Sen xưa là khu lao động, dân nghèo, nhà lá lụp xụp... Nay được biến thành khu giải trí ở Sàigòn, Quận 5. Địa danh Bàu Sen bị khai tử thành Đầm Sen vì lý do người ta không hiểu chữ bàu....
[2] Hội từ thiện nuôi nấng, săn sóc trẻ mồ côi.