- 15 -

Tính ra mở cửa, anh nghiêng đầu nhìn ra ngoài, cố nhận ra người khách đến trái giờ thế này. Nhưng trời tối làm anh không nhìn rõ mặt được. Tuy nhiên anh cũng mở rộng cửa:
- Mời vào.
Mai Trân bước hẳn ra vùng ánh sáng:
- Chào anh.
Cặp mắt Tính nhướng lên, như không tin vào mắt mình. Cử chỉ của anh làm Mai Trân cười khẩy:
- Không ngờ phải không?
Tính nhún vai:
- Quả là không ngờ, xin mời vào nhà.
Mai Trân đi thẳng vào phòng khách, ngồi xuống nhìn quanh. Tính cũng ngồi đối diện với cô.
- Tất cả vẫn như cũ, không có gì thay đổi đâu.
Mai Trân “hừ” một tiếng và không nhìn đi đâu nữa. Tính lại hỏi vẻ trịnh trọng nhạo báng:
- Chịu khó hạ mình đến đây, chắc là có chuyện đại sự lắm?
- Này, tôi đến đây không phải là để đốp chát với mấy người, nãy giờ tôi làm thinh nhiều rồi đó.
- Đến nhà người khác mà còn muốn gây hấn thì hơi khó coi đấy. Lúc này hình như đổi tính hơi nhiều, cũng không có gì lạ, ai ở vào hoàn cảnh như vậy cũng phải cay độc thôi.
Mai Trân tím mặt, cô quắc mắt lên:
- Đàn ông mà xăm soi chuyện riêng tư của phụ nữ, thì là loại đê tiện đấy.
Tính gật gù, rồi phang cho một câu cực kỳ tàn nhẫn:
- Loại phụ nữ lăng nhăng như thế, đố tên nào dám nghiêm chỉnh, có gặp cả chục thằng thì cũng bị xỏ mũi đủ một chục thôi.
Mai Trân đứng bật dậy:
- Khốn nạn, đê tiện.
Tính cười như không:
- Cô đến đây để gây chuyện thôi à?
Chợt nhớ ra mục đích của mình. Mai Trân cố dằn cơn tức. Cô nhìn Tính bằng cặp mắt ghét cay ghét đắng, nhưng miệng vẫn cố mềm mỏng:
- Dĩ nhiên là tôi không muốn khích bác anh.
- Tất nhiên, vì có nói cũng không chạm được đến tôi, thế nào, chuyện gì nói đi.
Mai Trân vô đề ngay:
- Anh Phong cố ý trở lại làm việc cùng chỗ với anh, anh có đề phòng gì không?
- Tại sao tôi phải đề phòng? Thằng đó bây giờ còn quậy quạ được gì mà tôi phải sợ, nó về làm trợ lý cun cút như con chó, ai mà không biết.
- Vậy sao, trông anh ta mất thế lắm à?
- Dĩ nhiên.
- Vậy tại sao anh ta còn chui đầu trở lại đó, theo anh thì tại sao?
- Tôi không thèm quan tâm chuyện của nó.
Mai Trân cười thâm hiểm:
- Đừng có chủ quan, tự cao coi chừng bị đâm sau lưng đấy. Cô bồ sắp bị cuỗm đến nơi mà không biết lo.
Tính tỉnh bơ như không hề bị tác động:
- Tôi nhiều bồ lắm, mất một cô cũng không sao đâu.
- Chà, đừng có bày đặt anh hùng rơm, là tôi nói con bé Hạ An đấy, anh không biết bây giờ nó với anh Phong đậm đà lắm sao?
Tính chau mày không hiểu, rồi chợt nghĩ ra, anh ra cười phá lên:
- Vậy cô tưởng tôi với Hạ An thật sao? Vì chuyện đó mà cô ép mình đến đây à? Lộn địa chỉ rồi cưng ạ. Nếu muốn kéo thằng Phong trở lại với em thì hãy đến nhờ thằng Thuận ấy.
Mặt Mai Trân ngẩn ra:
- Anh nói cái gì?
- Để tôi ban cho một đặc ân mà sáng mắt. Thằng Thuận mới là người yêu của Hạ An, muốn gì đến nói với nó đi, nhưng tôi không nghĩ là cô thành công đâu.
- Thành công cái gì?
- Theo tôi đoán, thì cô muốn tách Hạ An ra khỏi thằng Phong chứ gì? Nghĩ như vậy là cô đánh giá nó cao quá đấy, con bé không cảm nổi thằng đó đâu.
Mai Trân tinh quái:
- Nhưng nếu tôi nhớ không lầm, thì nó đã từng mê anh Phong như điếu đổ, đến nỗi bị anh ấy suýt đi như con chó mà cũng ngoan ngoãn nghe theo.
Đang ngồi tỉnh bơ, vẻ mặt Tính chợt chuyển qua giận dữ pha lẫn ghê tởm, anh nói độc địa:
- Đồ rác rưởi, đến lúc này rồi mà còn mở miệng nói kiểu đó, loại người như cô thì đi tới đâu dưới gầm trời này, cô cũng chỉ rước lấy tai họa thôi.
- Cũng như anh thôi, mình cũng hiểu nhau quá rồi, anh mắng tôi cũng có nghĩa là mắng mình đấy.
- Ra khỏi đây ngay, từ đây về sau đừng có đặt chân đến đây nữa, sẽ chỉ có con chó của tôi tiếp cô thôi đấy.
Mai Trân tức điếng cả người. Nhưng biết tức là đúng ý anh ta. Cô cười như phá và khoan thai đứng dậy, cầm bóp lên, cô nói vớt vát:
- Tôi khuyên anh điều này, nếu anh vẫn còn cái tính đểu giả, thì coi chừng có ngày anh bị sạt nghiệp đấy, của cướp giật mới có thì trước sau gì cũng tan hoang mà thôi.
Tính đáp lễ ngay:
- Bằng chứng là mới bị thằng lưu manh lừa cho một mẻ cả tình lẫn tiền, em hãy nhìn lại mình đấy em.
Mai Trân không thèm trả lời, quay ngoắt bỏ đi ra sân, trong lòng hừng hực căm ghét. Cô cảm thấy mình khốn khổ vô cùng, một lúc oán giận ba người đàn ông. Cô hận trời, trách đất chứ không có thời giờ nhìn lại bản thân mình. Điều đó càng làm cho cô thấy phẫn uất dữ dội.
Bây giờ cô lại có thêm một đối tượng mới để ganh ghét. Đó là Hạ An. Việc Phong phải lòng con bé đã làm cô bực tức. Bây giờ lại biết Thuận đeo đuổi cô nàng. Làm sao cô chịu được khi thấy một con bé mình coi thường lại hơn mình, Mai Trân vốn kiêu căng, cho nên sự bực tức trong cô càng tăng gấp đôi người bình thường.
Trong mắt cô, Thuận thuộc mẫu con trai hoàn hảo. Cô không coi tật chơi bời của hắn là tật xấu và rất thích tính cách phóng khoáng của hắn. Nếu hắn không phải thuộc đàn em, có lẽ cô đã phải lòng hắn rồi. Thật không chịu được khi hắn cũng phải lòng Hạ An. Cô cảm thấy như mình bị xúc phạm, khiêu khích.
Đang lúc Mai Trân định tìm Thuận thì hắn đến nhà cô. Lúc cô mới li dị, có thời gian hắn biệt tăm rất lâu. Đến khi cô nhờ hắn đi tìm cái tên sở khanh ấy thì hắn sốt sắng nhận lời. Dạo này hắn đến chơi thường hơn để an ủi. Đối với cô, hắn rất dễ thương và cô thích hắn cứ như thế. Đừng có một cái gì riêng tư, cô sợ cảm giác mất mát, dù biết như thế rất vô lý.
Cả hai ngồi cạnh hồ, phía dưới, mấy con cá bơi nhởn nhơ nhàn tản. Thuận rất thích mấy con cá đó và mỗi khi hắn đến chơi, Mai Trân tiếp hắn trên hồ nhiều hơn là trong nhà.
Thuận mỉm cười nhìn mấy con cá phía dưới, không để ý vẻ mặt nghiêm trọng của Mai Trân. Cô cũng không để ý vẻ vô tư của anh, chỉ quan trọng chuyện của mình và cô cần phải trút với hắn:
- Tên đểu ấy bảo em đang theo đuổi Hạ An có không Thuận?
“Tên đểu” là biệt hiệu cô dùng khi nói về Tính, thay hẳn cho cái tên. Cách chửi bới hơi khó nghe dù cô nói một cách rất tự nhiên, đến nỗi Thuận nghe đâm quen. Lúc này anh cũng không để ý lắm, mà chú ý tới khía cạnh khác. Anh hỏi với vẻ ngạc nhiên:
- Sao tự nhiên chị hỏi chuyện đó?
- Nhưng có đúng không, em trả lời đi.
Thuận vẫn mỉm cười:
- Anh Tính nói với chị như thế à? Hai người có thể chịu ngồi chung để nói những chuyện đó sao, em lạ thật đó.
- Cũng chẳng phải chị thèm hạ mình nói chuyện với lão, nếu không có dính dáng đến chị. Hừ, chị và lão đã chửi nhau một trận sáng nay.
Thuận nói như khuyên:
- Lại mắng nhau nữa sao, em thấy nhiều cặp vợ chồng li dị rồi, gặp nhau như kẻ thù, như vậy ai cũng nặng nề, bỏ đi chị ạ.
Nói đến chuyện này, Mai Trân có vẻ bị khích động, mắt cô long lên:
- Hừ, đối với loại người đểu cáng ấy, chị có chửi mới xứng đáng, dù chị có sống đến trăm tuổi, chị vẫn không tha thứ cho lão.
Thấy sắp phải nghe lại điệp khúc cũ, Thuận vội lái câu chuyện sang hướng khác:
- Vậy chị tìm anh Tính có chuyện gì? Nói với em được không?
- Được chứ, chị đâu có gì phải giấu giếm. Tại chị tưởng lão quen với Hạ An nên đến cảnh cáo giùm, không ngờ em chứ không phải lão.
Thuận có vẻ không hiểu:
- Cảnh cáo gì chứ?
Mai Trân nghinh mặt lên:
- Chị không hiểu con nhỏ đó có gì mà một người như em phải đeo đuổi nó, thế nó có đáp lại em không?
Vẻ mặt Thuận chợt thay đổi, hơi nghiêm:
- Tụi em đang là bạn, chưa thể nói chuyện xa vời được.
- Nhưng em thích nó, đúng không? Nói thật với chị đi.
- Chuyện đó chị biết rồi, anh Tính nói không sai đâu.
Mai Trân thở hắt một cái:
- Thật chị không hiểu nổi em, lúc trước con gái đeo em nườm nượp, sao tự nhiên em bỏ hết để chạy theo con nhỏ đó, em không biết nó là của thừa của anh Phong sao?
Thuận không giấu được vẻ bất mãn:
- Cô ấy là con người chứ không phải đồ vật, em không quan trọng chuyện thừa thải trong tình cảm.
- Đến lượt em cũng đối nghịch với chị nữa sao Thuận.
- Tại sao chị nghĩ vậy?
- Nghe cách nói của em, chẳng lẽ chị không nhận ra. Nhưng thôi, thích ai là quyền của em, chị không có ý kiến, có điều chị thấy tội nghiệp em thôi.
- Tại sao tội nghiệp? Em đáng thương lắm à?
- Rất đáng thương, vì em đeo đuổi một cái bóng, thực tế là con nhỏ vẫn mù quáng yêu anh Phong, chị chịu thua họ rồi.
Thuận lặng thinh, dù cứng cỏi đến mấy, anh ta vẫn không khỏi có cảm giác bị sốc. Không lý do gì để anh không tin Mai Trân, vì anh thừa biết trong lòng Hạ An vẫn còn nhức nhối chuyện cũ.
Mai Trân hỏi với vẻ soi mói:
- Em có thể chịu được chuyện đó sao? Không thấy tự ái à?
- Em đang tự hỏi, tại sao chị quan tâm chuyện của em như vậy.
- Vì nó có liên quan đến chị, em có hiểu tình thế bi đát của chị không, anh ta thú nhận là thích nó, hối hận đã làm khổ nó, thế có đau cho chị không?
- Em không hiểu nổi tại sao chị lại đau, chị với anh Phong đâu còn ràng buộc gì nữa, chẳng lẽ chị muốn ảnh phải sống vì chị?
- Tại sao không? Vì chính anh ta đẩy chị đến chỗ đổ vỡ, anh ta phải có trách nhiệm chứ.
- Nhưng chị đã phiêu lưu với người khác.
- Điều đó cũng do lỗi của anh ta, anh ta càng phải có trách nhiệm.
Thuận cau mặt:
- Chẳng lẽ chị không hiểu lý lẽ sao? Trước giờ em vẫn mến vì chị rất sâu sắc, em mặc kệ thiên hạ đánh giá về chị, em nghĩ chị đã nhận ra sai lầm của mình.
Mai Trân cũng cau mặt:
- Đúng, chị sai lầm là quen phải một tên lừa bịp, nhưng chính anh Phong đẩy chị đến mức đó, nếu anh ta không bỏ mặc chị chống chọi với dư luận, thì chị đã không tuyệt vọng ngã vào người khác.
- Vậy, bây giờ chị đổ trách nhiệm cho ảnh và bắt ảnh sống cho chị?
- Chị đòi hỏi anh ta phải gánh lấy những gì anh ta gây ra.
Thuận nói như phân tích:
- Em thừa nhận lúc trước anh Phong có lỗi, cả chị và anh ấy đều chịu trách nhiệm về lỗi của mình. Nhưng chị đòi hỏi thế là không đúng.
- Tại sao?
- Thứ nhất, chị không có quyền áp đặt tình cảm, khi chuyện vỡ lở, ảnh thấy nhục và tránh né chị, điều đó tuy có vô trách nhiệm một chút, nhưng không thể bắt ảnh phải chịu đựng, chính ảnh cũng đã trả giá kia mà.
- Chị thấy anh ta chẳng hề trả giá gì cả.
Thuận cười khẽ:
- Khi một người đàn ông bỏ hết công danh sự nghiệp để chạy trốn, thì anh ta đau khổ không ít đâu, ảnh mất tất cả chị không thấy sao? Ở tuổi này mà anh ấy phải chịu làm công cho người khác, không phải dễ dàng đâu.
- Hừ, như thế cho đáng đời, ai bảo không nghe chị, ba mẹ chị sẵn sàng lập công ty cho anh ta mà. - Vậy mà anh ta vẫn từ chối, có nghĩa là anh rất tự trọng và không chịu nổi chị. Đã thế thì chị còn hy vọng anh ta làm gì, em thấy chị nên dừng lại đi thôi.
Mai Trân ném một viên sỏi xuống hồ, làm đàn cá quẫy đuôi bơi tán loạn. Cô nói với vẻ thất vọng pha lẫn chua chát.
- Trước đây chị tưởng chỉ có em là người hiểu chị nhất, thông cảm với chị nhất, không ngờ em cũng như bao nhiêu người khác. Cũng dùng con mắt tầm thường để phán xét chị, chị chẳng còn gì để nói nữa.
- Chị Trân, em nói thẳng như thế là để giúp chị, không ai phân tích cho chị như em đâu.
- Chị cần một người thông cảm với chị, giúp chị, chứ không cần nghe vạch lỗi của mình. Cái đó quá nhiều người nói rồi.
Thuận ngẫm nghĩ một lát, rồi thấy không thể kéo dài câu chuyện thêm được nữa, nếu không muốn đi đến mức gây hấn. Anh ta đứng dậy, nói nhẹ nhàng:
- Thôi được, em sẽ không làm chị bực mình thêm nữa, đợi hôm nào chị bình tĩnh, chị em mình sẽ nói chuyện nhiều hơn.
Mai Trân im lặng nhìn phía trước, vẻ mặt khó đăm đăm. Cử chỉ của cô làm Thuận hơi bực mình. Anh ta lẳng lặng bỏ về.
Không phải chỉ riêng Mai Trân, mà cuộc nói chuyện này cũng làm Thuận nặng nề. Anh có cảm giác buồn chán khi nghĩ đến Hạ An, cộng với sự bất mãn Mai Trân. Khi ra khỏi nhà cô, anh gọi điện hẹn với người bạn đi chơi bida, chứ không đến nhà Hạ An như đã hẹn.
Mai Trân về rồi, bà Thuần vẫn còn ngồi một mình ở salon, trầm ngâm suy nghĩ. Một phụ nữ trầm tĩnh và vững chãi như bà, bây giờ cũng trở nên hoang mang lo âu. Sự lo lắng của một bà mẹ quá chăm bẵm vào đứa con trai mà mình cưng chiều, nó khiến bà thấy quá bất an.
Trước đây bà rất có cảm tình với Hạ An, vì cô có vẻ con nhà gia giáo và tỏ ra có tài năng. Bà hoàn toàn muốn Thuận gắn bó với cô. Bây giờ ý muốn đó đã thay đổi, không phải vì Hạ An trở nên xấu xa, mà vì tình cảm nhu nhược riêng tư của cô với Phong.
Vụ scandal ở công ty Hoa Nam, bà biết khá rõ và hết lòng tội nghiệp Hạ An, cho nên khi Thuận đưa cô vào làm cho công ty, bà đồng ý ngay, còn giờ thì bà đang nghĩ đến việc sa thải cô, để tránh sự đau khổ cho con trai bà.
Suy đi tính lại mãi, cuối cùng bà Thuần quyết định gọi đến công ty, bảo Hạ An đến gặp bà.
Nửa giờ sau Hạ An đến. Bà Thuần ngồi sẵn ở salon chờ cô. Người hơi ngã ra sau, tay đặt trên thành ghế. Nhìn bà có vẻ uy nghiêm pha một chút uể oải xa cách. Bà khoát tay ra hiệu cho cô:
- Cháu ngồi xuống đi.
- Dạ.
Hạ An ngồi khép chân, tay đặt hờ trên gối, lưng rất thẳng. Cô hơi bất an với cách mời bất ngờ này và cử chỉ của bà giám đốc lớn tuổi kia không gây được cho ai sự dễ chịu, cô cũng vậy.
Bà Thuần hỏi cô với một giọng chậm rãi, bề trên:
- Cháu đi thế này có xin phép ông nhà tôi chưa?
- Dạ, giám đốc đã đi ra ngoài, cháu không gặp ạ.
- Cũng được, tốt hơn là đừng nói với ông ấy.
Hạ An hơi khó hiểu, nhưng cũng gật đầu:
- Vâng.
- Thế cháu có biết tại sao tôi gọi cháu không?
- Dạ... không.
- Cũng đúng thôi, vì thật ra cháu làm việc khá tốt, đâu có lý do gì phải lo ngại.
Hạ An vẫn không hiểu ý định của bà, nhưng vẫn gật đầu:
- Vâng.
- Mỗi lần đổi người trong công ty, thật ra sẽ xảy ra bao chuyện phiền toái, nhưng đôi lúc bắt buộc phải vậy. Cũng như lúc chúng tôi nhận cháu, thì đã phải điều cô thư ký lúc trước qua khâu khác. Bây giờ cũng vậy.
Hạ An ngồi trân người, không dám nhìn thẳng mặt bà. Cô đã đoán ra lý do, điều đó làm cô gai gai người vì xấu hổ. Bà Thuần cũng hơi ngại khi nhìn cô. Vô tình bà cũng nhìn tránh đi chỗ khác.
- Đứa cháu tôi mới ra trường, bắt buộc tôi phải lo cho nó chỗ làm, để nó thay cháu tôi biết sẽ không bằng đâu, nhưng biết làm sao được, cháu hiểu đấy.
- Dạ cháu hiểu - Hạ An cúi mặt nói một cách khó khăn.
- Thật ra tôi cũng không muốn chút nào. Nếu biết chính tôi cho cháu nghỉ, con trai tôi sẽ giận tôi lắm.
- Cháu sẽ tự xin nghỉ và sẽ không nói gì với anh ấy hết.
Bà Thuần thở nhẹ:
- Cháu thật thông minh, lại tế nhị, như thế thật nhẹ nhàng cho tôi, cám ơn cháu nhiều lắm.
- Cháu không dám nhận đâu.
- Khi để cháu mất việc tôi cũng ngại lắm. Nhưng cũng yên tâm vì gia đình cháu thừa sức lo cho cháu chỗ làm tốt hơn, thậm chí cháu không cần phải đi làm gì cả, đúng không?
Hạ An dạ nhỏ một tiếng, rồi ngồi im. Khuôn mặt cô hơi xanh, môi bậm lại. Cử chỉ của người rất quê, rất xấu hổ vì đột ngột bị sa thải. Nó tổn thương đến lòng tự trọng của cô. Và dù lý do có tế nhị cách mấy, cô vẫn thấy bị quê.
Cử chỉ của cô làm bà Thuần hơi ngại, nhưng vì tình cảm của con trai, bà vẫn cứng rắn không đổi ý. Bà nói một cách miễn cưỡng:
- Tôi biết chuyện này làm cháu sẽ giận tôi, nhất là thằng Thuận, chắc tình bạn của cháu với nó sẽ bị sứt mẻ, điều đó cũng làm tôi khổ tâm lắm.
- Cháu không dám giận bác đâu.
- Được vậy thì tôi mừng lắm. Nhưng có nhiều chuyện không theo ý mình được cháu ạ, ý tôi muốn nói đến bạn gái thằng Thuận. Nó chỉ có thể chọn được một, dù cháu với nó chỉ là bạn, nhưng con bé kia sẽ không thể nào vui được.
Hạ An thấy điếng trong bụng. Quê đến từng chân tơ kẻ tóc. Cô cắn môi:
- Vâng, cháu sẽ không kết bạn với anh Thuận nữa.
- Chuyện đó không dễ đâu, cháu có chắc chắn sẽ làm được không?
- Cháu đã nói thì sẽ cố gắng ạ - Không đợi bà Thuần nói thêm, cô vội đứng dậy - Thưa bác cháu về, ngày mai cháu sẽ làm đơn, bao giờ có người thay cháu sẽ nghỉ ngay.
- Cám ơn cháu, cháu không giận tôi chứ?
- Dạ không ạ.
Bà Thuần đứng dậy tiễn cô ra cửa. Đôi mắt Hạ An đỏ hoe, hai cánh mũi phập phồng như sắp khóc. Ra đến ngoài đường, nước mắt cô ứa ra rồi khóc tức tưởi. Cô không giận bà Thuần, nhưng quê và bẽ bàng. Cô quyết định sẽ xin nghỉ dù sau đó bà có gọi lại và sẽ không bao giờ trở lại công ty đó nữa.
Như một người bỗng nhiên bị người khác kéo áo lại và vạch rõ cho mình thấy mình đã ảo tưởng, ảo tưởng về tình cảm lẫn công việc. Hạ An có cảm giác như đã bị Thuận lừa dối, nó không đau điếng như Phong, nhưng cũng làm cho cô khổ sở.
Mà làm sao trách Thuận được, chuyện đời tư của anh ta, anh ta đâu có bắt buộc phải kể với cô. Cũng như khi giới thiệu cô vào công ty của gia đình anh ta, cô cũng đâu được quyền nghĩ mình có một chỗ dựa an toàn, tuyệt đối.
Hạ An dẫn xe vào nhà, rồi đi thẳng lên phòng. Cô không khóc được như lúc ở ngoài đường, nhưng cảm giác nhói đau trong lồng ngực thật không phải là dễ chịu.
Ngày hôm sau Hạ An lập tức gởi đơn xin nghỉ. Hình như đã nghe bà Thuần nói trước, nên ông Thuần không có ý kiến gì hết. Ngoài cái lắc đầu như tiếc cho cô.
Cái tin Hạ An xin nghỉ việc chẳng mấy chốc lan rộng ra cả công ty. Vì cô là đối tượng của con trai giám đốc, nên chẳng ai ra mặt có ý kiến, nhưng sự bình phẩm thì không dễ gì không có.
Nếu trưa nay tình cờ cô không nghe lỏm được câu chuyện trong phòng vệ sinh, thì cô cũng không hình dung nỗi sự bẽ bàng của mình.
Khi cô đến gần cửa, thì đầu tiên là tiếng của chị Lam vọng ra:
- Chị nghĩ có thể cậu Thuận lơ là với nó, khiến con nhỏ đâm ra tự ái.
- Trước đây cũng mấy người, nhưng đều do bà giám đốc cho nghỉ, nó thì chủ động, có lẽ nó biết cậu Thuận có người khác nên rút lui trước, để đỡ quê.
- Chậc, cái tay công tử này, không biết chừng nào mới hết lăng nhăng, con nhỏ dễ thương như vậy mà cậu ta cũng cho de, không biết cỡ nào mới là vừa mắt cậu ra. Em mà có em gái là cấm bén mảng tới mấy người như vậy.
Hạ An nuốt nước miếng, cố ngăn cảm giác tê tái muốn khóc. Cô định bỏ đi thì tiếng cô Hồng vang lên:
- Lúc đầu con nhỏ mới vô, có lúc cô định kể thật cho nó biết, nhưng sợ bị liên lụy, bây giờ cô hối hận quá, tội nghiệp con nhỏ.
Thùy Xuân lên tiếng:
- Nhưng chuyện có phải như mình nghĩ không đã, có thể trường hợp này là khác, vì chính Hạ An nó xin nghỉ mà.
- Chưa chắc nó tự xin nghỉ đâu, có thể phu nhân gợi ý cho nó. Chứ không phải cậu Thuận đá nó thì có chuyện gì khác bây giờ.
- Không biết lần này tới cô nào vô, tính tình ra sao đây.
- Tưởng lần này là cậu ta tu thật rồi chứ, ai ngờ...
Chịu hết nổi, Hạ An quay người đi trở ra. Những câu bình phẩm vô tình đó chẳng khác nào mũi tên bắn vào người cô. Cô đi trở về chỗ của mình, gom hết giấy bút bỏ vào ngăn kéo, rồi lẳng lặng bỏ về.
Cô biết cách bỏ việc ngang chừng ấy thật vô trách nhiệm. Nhưng cảm giác xấu hổ làm cô không đủ nghị lực ở lại thêm nữa, dù chỉ là một buổi.
Bây giờ Hạ An mới nhớ, hơn một tuần nay Thuận không đến nhà cô, hôm đó hẹn đi chơi rồi anh ta cũng không đến, bỏ cô ngồi chờ nguyên buổi chiều. Khi đến tối cô gọi điện, thì anh ta xin lỗi vì bận công chuyện.
Nếu biết sự thật này sớm hơn, thì cô đã không gọi để hỏi như thế. Bây giờ cô thấy mình thật lố bịch và hối hận day dứt khi đã vô tình dựa vào anh ta.