Dịch giả: Lê Thành
Chương 14

     ời khỏi quốc lộ 6A Lendon Miles hướng xe về Paddock Path. Từ khi rời Boston, ông không ngừng theo dõi tin tức qua radio. Phần lớn những bảng tin đều dành ra để tường thuật về vụ mất tích của hai đứa bé con của gia đình Eldredge và về Nancy Eldredge.
Theo bản tin thì người ta đã chia hồ Maushop thành nhiều khu vực, tuy vậy để thám sát toàn bộ hồ, các thơ lặn phải mất ít nữa là ba ngày. Hồ có quá nhiều mõm ngầm. Theo thanh tra Jed Coffin của Adam Port, thì có nhiều nơi người ta có thể tiến đến giữa hồ mà nước vẫn ở ngang lưng; nhưng ở một số nơi khác, chỉ cách bờ một thước rưỡi là đã sâu đến mười hai thước. Các mỏm ngầm của hồ giữ lại các đồ vật bị rơi xuống và làm cho những cuộc tìm kiếm trở nên khó khăn và nguy hiểm.
Những bản tin cũng cho biết các trực thăng, thủy phi cơ loại nhỏ và những toán điều tra đã được gởi tới, nhưng hiện nay những cơn gió đang càng lúc càng tăng trong vùng Cape và những cuộc tìm kiếm bằng máy bay có thể sẽ phải ngưng lại.
Lendon bất chợt phóng xe nhanh hơn khi nghe đến tin Nancy Eldredge sẽ được đưa về sở cảnh sát để thẩm vấn. Ông biết mình đã phần nào quá trễ tuy vậy, ông phải giảm bớt tốc độ. Tuyết tan nhanh chóng đóng băng trên kính che gió mà hệ thống làm tan giá phải khá chật vật để đẩy lùi.
Khi rẽ vào Paddock Path, Lendon nhận ra ngay đâu là ngôi nhà của gia đình Eldredge. Có một sự chộn rộn bất thường trên giường. Đậu trên lề đường, trước một ngôi nhà có hai xe cảnh sát đang chờ, là chiếc xe tải của hãng truyền hình và rất nhiều xe, đa số có gắn một tấm biển nhỏ ghi chữ báo chí.
Chắn ngang con đường bán nguyệt dẫn vào nhà là một xe cảnh sát. Lendon dừng xe. Một nhân viên cảnh sát bước đến, hỏi cộc lốc: “Vui lòng cho biết, lý do nào đưa ông đến đây?”
Lendon đã tiên liệu điều này. Ông trao tấm danh thiếp có ghi vội một dòng chữ phía sau và nói:
- Nhờ anh trao cái này cho bà Eldredge.
Viên cảnh sát tần ngần một lúc rồi nói:
- Bác sĩ cảm phiền chờ ở đây... để tôi xem sao.
Một lúc sau, anh ta trở ra, vẻ mặt xem chừng dịu dàng hơn:
- Để tôi để xe sang một bên một bên. Bác sĩ vui lòng đậu xe nơi lối đi trước khi vào nhà.
Từ bên kia đường, đám phóng viên đã trông thấy cảnh đó và ùa về phía Lendon. Một phóng viên chĩa ngay cái micro sát mặt Lendon khi ông vừa bước ra khỏi xe và nói nhanh:
- Thưa bác sĩ Lendon, xin bác sĩ cho tôi được phỏng vấn. Là một bác sĩ tâm thần nổi tiếng của trường đại học Harvard, có phải bác sĩ đến đây là do yêu cầu của gia đình Eldredge?
Bác sĩ London đáp, giọng khô khốc:
- Chẳng ai yêu cầu tôi đến. Trước đây, tôi là bạn của mẹ bà Eldredge. Tôi đến đây vì có quan hệ với gia đình này, thế thôi.
Ông muốn đi vào nhà, nhưng chàng phóng viên chặn ông lại:
- Là bạn của mẹ bà Eldredge, vậy bác sĩ có từng chữa trị cho Nancy Harmon Eldredge?
- Không hề có chuyện đó!
Lendon gạt có phóng viên sang bên để đi về phía ngôi nhà. Một nhân viên cảnh sát giữ lấy cánh cửa mở và chỉ căn phòng bên phải:
- Lối này.
Nancy Eldredge đang đứng trước lò sưởi, cạnh một người đàn ông trẻ, dong dỏng cao, mà người ta có thể đoán là chồng nàng. Dẫu bất cứ nơi đâu thì Lendon cùng nhận ra ngay cái khuôn mặt đó, với sống mũi cao, đôi mắt biếc to tròn đang nhìn chăm chú dưới cặp mày rậm, và nét mặt nhìn nghiêng sao quá giống Priscilla...
Phớt lờ ánh mắt thù nghịch của viên sĩ quan cảnh sát và vẻ soi mói của người đàn ông có khuôn mặt đầy nếp nhăn, Lendon đi thẳng về phía Nancy.
Ông nói:
- Theo lẽ tôi phải đến sớm hơn.
Ông nhận thấy trong ánh mắt của người thiếu phụ có một sự sững sờ, bất động, nhưng nàng vẫn hiểu ông muốn nói gì. Nàng nói:
- Trong lần sau cùng đó, khi mẹ tôi qua đời, tôi đã hy vọng là bác sỉ sẽ đến. Tôi cứ đinh ninh là bác sĩ đến, vậy mà chẳng thấy.
Ngay tức khắc, bác sĩ Lendon nhận thấy Nancy có những triệu chứng của một người bị sốc: con ngươi nở lớn, có thể cứng nhắc, âm giọng the thé, đều đều.
Quay sang Ray, ông nói:
- Tôi muốn giúp đỡ anh.
Ray chăm chú nhìn ông ta và cảm thấy bị thu hút bởi thái độ và con người ông. Chàng nói ngay:
- Là một bác sĩ, xin ông hãy nói cho ông thanh tra cảnh sát đây hiểu rằng sẽ là điều tệ hại khi đưa Nancy về sở cảnh sát.
Nancy nhìn thẳng vào mắt bác sĩ Lendon. Nàng cảm thấy hờ hững, cứ như thể nàng đang trượt dần đi, càng lúc càng xa. Đồng thời nàng cũng thấy ở bác sĩ Lendon mộl điều gì đó cá biệt. Mẹ nàng rất yêu ông ta: trong những bức thư viết cho nàng, bà đã tỏ ra thực sự hạnh phúc, và nhiều lần nhắc đến tên ông.
Ngày đó, khi mẹ đến trường đại học để gặp Nancy, Nancy đã hỏi về ông bác sĩ này, muốn biết ông có thương yêu mẹ không. Nhưng vì có sự hiện diện củ Carl nên Priscilla xem chừng không muốn trả lời những thắc mắc của con. Bà chỉ mỉm cười và nói: “Nhiều lắm. Rồi mẹ sẽ cho con biết chi tiết sau”.
Nàng bất chợt hỏi:
- Có phải bác sĩ có cảm tình với mẹ tôi?
- Đúng, tôi rất yêu bà. Tôi không hiểu mẹ cô có gì về tôi không. Tôi sợ rằng cô không ưa tôi. Theo lẽ tôi hắn phải tìm cách để giúp đỡ cô.
- Vậy thì bây giờ bác sĩ hãy giúp tôi đi!
Lendon nắn lấy đôi tay Nancy, đôi tay quá lạnh:
- Nancy à, tôi hứa sẽ giúp cô.
Nancy lảo đảo khiến Ray phải quàng tay ôm lấy nàng.
Lendon thầm ngưỡng phục Ray Eldredge. Tuy khuôn mặt xanh xao vì lo âu, nhưng chàng đã chứng tỏ là người bản lãnh. Chàng đã lo lắng nhiều cho Nancy và biết kiềm chế những cảm xúc của mình, Lendon hướng mắt về bức ảnh nhỏ đặt trên cái bàn gần trường kỷ. Hình chụp Ray đang đứng trong vườn, cạnh đứa bé trai và bé gái... những đứa bé đã mất tích. Một gia đình hạnh phúc! Điều làm Lendon thắc mắc là ông không thấy một bức ảnh nào của Nancy trong phòng này. Phải chăng nàng không muốn chụp ảnh?
Ray nói:
- Nancy à, em hãy nằm xuống đây để nghỉ, kẻo mệt.
Chàng dịu dàng dìu nàng nằm xuống trường kỷ và nhấc đôi chân lên. Nàng lặng lẽ ngả người trên các gối kê. London thấy nàng nhìn chăm chú vào bức ảnh của Ray và các con, rồi nhắm mắt lại, khổ đau. Nàng lùng mình.
Lendon nói với Ray:
- Tôi thấy cần phải nhóm thêm lửa.
Ông chọn một khúc củi trong giỏ và vứt vào đám than còn đỏ. Người Ray lấy tấm chân bông đắp lên mình Nancy:
- Em lạnh rồi đấy!
Chàng giữ khuôn mặt nàng trong hai tay. Những giọt nước mắt rơi xuống từ đôi mắt khép của nàng, ướt đẫm những ngón tay của chàng.
Ông Jonathan nói:
- Anh Ray à, anh cho phép tôi được làm luật sư tư vấn cho Nancy nhé? - Và trước ánh mắt ngạc nhiên của mọi người, ông nói thêm, giọng khô khốc - Tôi cam đoan rằng tôi là một luật sư không đến nỗi tệ.
- “Luật sư tư vấn” Nancy lẩm nhẩm. Nàng bỗng nhớ khuôn mặt kinh hoàng của người luật sư biện hộ cho nàng trước đây. Tên ông ta là Domes, Joseph Domes. Ông đã liên tục nói với nàng: “Cô phải nói rõ sự thật cho tôi. Cô phải tin tưởng tôi hầu tôi có thể giúp cô”. Ngay cả ông ta cũng không tin nàng.
Nhưng Jonathan không giống người luật sư đó. Nàng thích cái vẻ bệ vệ của ông, cái lối nhã nhặn của ông. Hôm ở siêu thị Lowery, ông đã tỏ ra rất thương mến hai đứa bé... khi dừng lại để trò chuyện... Đúng vậy. Hai tuần trước đây, ông đã giúp nàng xếp lại chồng đồ hộp mà Mike đã làm đổ. Trông ông có vẻ mến nàng. Nàng chắc vậy.
Nancy mở mắt, nhìn Ray và nói:
- Nhận lời đi anh.
Ray gật đầu:
- Bác Jonathan à, chúng tôi không biết nói sao để cám ơn bác.
Jonathan quay sang Lendon:
- Thưa bác sĩ, ở cương vị bác sĩ, ông có đồng ý để người ta đưa Nancy về sở cảnh sát?
Lendon đáp ngay:
- Điều đó hoàn toàn không phù hợp. Tôi dứt khoát chủ trương nên thẩm vấn Nancy tại đây.
- Nhưng tôi không còn nhớ gì nữa - Nancy nói bằng giọng rã rời, như thể nàng đã nhiều lần lặp đi lặp lại điều này - Các ông bảo rằng có thể tôi biết các con tôi đang ở đâu. Nhưng tôi chẳng nhớ gì hết kể từ lúc đọc tờ báo trong nhà bếp cho đến khi nghe Ray gọi.
Rồi, ngước nhìn bác sĩ Lendon bằng một ánh mắt âu lo và sờ sững, Nancy nói tiếp:
- Bác sĩ có thể giúp tôi nhớ lại? Có cách nào để giúp tôi nhớ được?
- Cô muốn nói gì? - Bác sĩ Lendon hỏi.
- Tôi muốn nói, bác sĩ có thứ thuốc nào để giúp tôi... nhớ... hoặc đã thấy... hoặc đã làm... Dẫu có làm một điều gì đó... tôi cần phải biết... Người ta không thể che giấu cái chuyện đó... Nếu có mặt xấu xa nào đó trong tôi có thể làm hại các con của tôi... thì chúng ta cũng cần phải biết. Nếu không như thế, nhưng bỗng một cách nào đó tôi có thể biết các con tôi đang ở đâu, thì chúng ta không mất thời gian như thế này.
- Này Nancy, anh sẽ không đồng ý - Ray thốt lên rồi im bật khi thấy vẻ lo sự in đậm trên nét một vợ chàng.
Jonathan hỏi:
- Thưa bác sĩ, liệu có thể giúp Nancy nhớ những gì đã xảy ra sáng nay?
- Có thể. Cô ấy đang bị một chứng quên khá phổ biến đối với những ai phải trải qua một thảm kịch như thế đó. Danh từ y học gọi là chứng quên ictêri. Một mũi penthotal sẽ giúp cô ta thư giãn và nói cho chúng ta biết điều gì đã xảy ra... về sự thật mà cô ta đã biết.
Thanh tra Jed lớn tiếng:
- Những lời khai dưới tác dụng của thuốc sẽ không được tòa chấp nhận.
Nancy thều thào:
- Trước đây, tôi có trí nhớ rất tốt. Một hôm ở trường, chúng tôi đã làm một cuộc trắc nghiệm để thử xem ai có thể nhớ tất cả những hành vi của mình tuần tự theo những ngày đã qua. Chúng tôi phải lùi dần về quá khứ cho đến khi không thể nhớ gì. Tôi đã có thể nhớ những việc xảy ra từ rất lâu khiến mọi người đều khâm phục. Hồi ấy, tôi có thể nhớ rõ từng sự việc...
Chuông điện thoại reo vang khiến mọi người trong phòng giật mình như nghe phải tiếng súng. Trông thấy Nancy giật lùi người, Ray vội vã giữ hai tay nàng. Mọi người đều lặng im chờ đợi cho đến khi viên cảnh sát giữ nhiệm vụ trực điện thoại bước vào.
Anh ta nói:
- Thưa ông thanh tra, có điện thoại đường dài của ông.
Nghe như thế, Jed quay sang Jonathan:
- Tôi chắc đây là cú điện thoại mà tôi đang chờ. ông Jonathan à, ông có thể theo tôi sang phòng bên chứ? Cả anh nữa, Ray.
- Em yêu, anh sẽ trở lại ngay. - Ray nói nhỏ với Nancy rồi nhìn thẳng vào mắt Lendon.
Biết Lendon đã hiểu ý mình, Ray vững tin bước theo Jed ra phỏi phòng.
Lại một lần nữa, Lendon trông thấy nỗi lo sợ tối sầm khuôn mặt Nancy.
Nàng thì thầm:
- Cứ mỗi lần chuông điện thoại reo, tôi nghĩ rằng người ta đã tìm thấy các con của tôi và chúng bình yên vô sự. Và rồi tôi nghĩ; hay là lại xảy ra như lần trước... khi người ta gọi điện...
Lendon nói:
- Nào Nancy, hãy bình tĩnh. Đây là điều rất quan trọng. Hãy cho tôi biết từ khi nào cô đã gặp khó khăn trong việc nhớ lại những sự cố?
- Kể từ cái chết của Peter và Lisa... cũng có thể là trước đó... Hầu như tôi không thể nhớ những năm tháng sống chung với Carl.
- Có thể vì cô đã liên kết những năm tháng đó với các con của cô và việc nhớ đến những kỷ niệm có liên quan đến chúng làm cô phải khổ sở.
- Nhưng trong suốt năm năm đó... tôi cảm thấy chán nản, rã rời... sau khi mẹ qua đời... tôi luôn cảm thấy mệt mỏi. Tội nghiệp Carl... anh ấy rất kiên trì. Ảnh đã làm mọi chuyện thay tôi. Ban đêm, anh thức dậy để lo cho các con - ngay ca khi chúng còn bé tí. Tôi cảm thấy quá mệt nên không thể làm gì... Sau khi hai đứa bé mất tích, tôi không thể nhớ được gì... như hôm nay... tôi không thể nhớ gì.
Ray trở vào phòng. Có chuyện gì đó vừa xảy ra. Lendon biết ngay khi trông thấy những nếp nhăn quanh khóe miệng và thoáng run rẩy ở đôi tay Ray. Ông bất chợt nhận ra rằng mình đang thầm cầu nguyện, “Lạy Trời, xin đừng có những tin chẳng lành”.
ray cố giữ vẻ trầm tĩnh:
- Thưa bác sĩ, ông Jonathan có chuyện cần nói với bác sĩ ở phòng bên.
- Vậy à?
Lendon vội vã rời khỏi phòng, nghĩ rằng cú điện thoại đã làm Ray mất bình tĩnh.
Khi Lendon vào phòng ăn, thanh tra Jed vẫn còn nói chuyện qua điện thoại. Ông đang lớn tiếng ra lệnh cho viên sĩ quan trực ở sở cảnh sát: “Anh hãy cho người đến ngay cái bưu điện đó để tìm tất cả những người làm việc trong ngày 30 tháng mười và dò hỏi xem còn ai có thể nhớ người đến nhận bức thư do Community News gởi mang tên J. R. Penrose. Tôi cần biết chuyện đó gấp”.
Jed gác mạnh ống nghe.
Jonathan cũng căng thẳng không kém. Ông nói ngay khi Lendon bước đến:
- Thưa bác sĩ, điều cần thiết là Nancy phải lấy lại trí nhớ ngay, cô ấy cần có khả năng hồi ức. Vì đang viết một cuốn sách về các vụ án nên tôi có đầy đủ hồ sơ về vụ Harmon. Trước khi đến đây, tôi đã ngồi suốt ba tiếng đồng hồ để đọc tập hồ sơ đó và tôi cũng có đọc bài báo đăng hôm nay. Một chi tiết trong bài báo khiến tôi quan tâm vì nghĩ rằng nó có tầm quan trọng đặc biệt. Vì vậy tôi đã yêu cầu thanh tra Jed gọi cho biện lý thành phố San Francisco để kiểm chứng giả thuyết của tôi. Phụ tá biện lý vừa mới điện trả lời chúng tôi.
Rút từ túi ra cái ống điếu, Jonathan đưa lên miệng, cắn chặt giữa hai răng, nhưng không mồi lửa. Ông nói tiếp: “Thưa bác sĩ, hẳn ông cũng biết, trong trường hợp mất tích lạ lùng của các đứa bé, cảnh sát đôi khi đã cố tình che giấu một vài thông tin hầu ngăn chặn một số những suy diễn có thể đưa đến những tin đồn sai lạc”.
Jonathan càng lúc càng nói nhanh hơn, như thể thời gian trở nên quý hiếm: “Tôi nhận thấy rằng, cách đây bảy năm, khi tường thuật về vụ mất tích của hai đứa bé con gia đình Harmon, các nhà báo đều mô tả rằng ngày ấy chúng mặc áo săng-đay đỏ có hoa văn trắng. Không một bài báo nào cho biết họa tiết đó như thế nào. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, người ta đã cố tình che giấu cái chi tiết này”.
Jonathan nhìn thẳng vào mắt Lendon, như muốn Lendon quan tâm hơn đến những điểm quan trọng mà ông sẽ nêu ra: “Bài báo vừa đăng trên trên tờ Cape Cod Community News cho biết rõ là khi mất tích, hai đứa bé của gia đình Harmon mặc áo săng-đay đỏ có họa tiết hình thuyền buồm và đó là áo mà chúng mặc khi người ta phát hiện thi thể chúng dạt vào bờ biển, nhiều tuần sau đó. Dĩ nhiên, Nancy biết rõ họa tiết đó vì chính cô ta đã đan những cái áo đó. Nhưng còn có một người khác nữa, ngoài các nhân viên điều tra vụ án này ở San Francisco, cũng biết điều này. Giả thiết rằng Nancy vô tội thì người đó chính là kẻ đã bắt cóc hai đứa bé cách đây bảy năm và đồng thời cũng là kẻ viết bài báo hôm nay!”
- Ông muốn nói... - Lendon thắc mắc.
- Thưa bác sĩ, ở cương vị là luật sư và là bạn của Nancy, tôi có ý kiến là nếu bác sĩ có thể giúp Nancy hồi phục trí nhớ thì bác sĩ hãy nhanh tay lên! Điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải khám phá những gì mà Nancy đa biết nếu không, tính mạng của hai đứa bé sẽ lâm nguy.
Lendon hỏi:
- Tôi có thể gọi đến nhà thuốc để yêu cầu họ mang cho tôi những thứ cần thiết?
Thanh tra Jed nói ngay:
- Bác sĩ cần gì cứ gọi. Tôi sẽ phái một xe cảnh sát đến đó lấy thuốc ngay. Để tôi nhấn số điện thoại cho bác sĩ.
Lendon từ tốn đặt mua các thứ thuốc, rồi vào bếp rót một ly nước. Ông thầm nghĩ, “Lạy Trời, sao rối ren thế này. Quả thạt là rối rắm”. Thảm kịch đã bắt đầu từ khi Priscilla gặp nạn... nguyên nhân và hậu quả... nhân và quả. Nếu Priscilla không chết hẳn nàng đã khuyên can Nancy không nên sớm lấy chồng. Như vậy, cô ta sẽ không có con với Carl Harmon. Bác sĩ Lendon không muốn suy nghĩ vẩn vơ nữa. Cảnh sát đã tiến hành công việc lấy dấu tay trong căn bếp, những vết bột còn sót lại trên các tủ kệ, bếp và bồn rửa chén. Những đốm cà phê tung tóe vẫn còn đó, chưa được lau chùi.
Ông trở vào phòng ăn khi thanh tra Jed đang nói:
- Ông Jonathan à, có thể tôi đang vượt quá những quyền hạn của mình, nhưng tôi muốn sử dụng máy ghi âm khi thẩm vấn Nancy. Nếu, với tác dụng của thuốc, cô ấy có khai ra một điều gì đó, thì chúng tôi không thể sử dụng những lời khai đó để buộc tội cô. Nhưng tôi biết phải hỏi Nancy những câu gì, phù hợp với những điều đã quy định.
Jonathan nôn nóng đáp:
- Nancy sẽ chẳng thú nhận điều gì. Nhưng, có một điều làm tôi lo ngại: nếu chúng ta giả thiết rằng Nancy vô tội - không những trong vụ mất tích Michael và Missy mà đồng thời kể cả trong cái chết của hai đứa bé trước đây - thì điều này đưa ta đến một giả thuyết khác. Nếu kẻ đã sát hại hai đứa bé con nhà Harmon là tác giả bài báo đăng trên Community News và đã đến bưu điện Hyannis Port đó nhận thư, thì đương nhiên hắn ta phải sống ở Cape trong một thời gian.
Thanh tra Jed nói ngay:
- Vậy thì theo ông, chính hắn ta sáng nay đã bắt cóc hai đứa bé.
- Đó là điều làm tôi lo ngại.
Qua giọng nói lạnh lùng của Jonathan, thanh tra Jed hiểu ông ta muốn nói lên điều gì. Nếu Michael và Missy bị bắt cóc bởi chính kẻ đã giết hại hai đứa bé con nhà Harmon thì hẳn chúng có thể đã bị giết rồi.
Thanh tra Jed nhận định:
- Mặt khác, nếu chúng ta không tình nghi Nancy Eldredge, thì có thể là một ai đó, không liên quan gì đến vụ Harmon nhưng vì đã nghe nói đến trọng án này, nên đã viết bài báo và sau đó bắt cóc hai đứa bé con nhà Eldredge. Giả thuyết thứ ba là cả hai trường hợp vừa kể không liên quan nhau và một ai đó đã đọc bài báo và vì biết Nancy Eldredge, nên người này đã bắt cóc Michael và Missy. Có thể đó là một người mẹ bị ức chế, cho rằng Nancy không xứng đáng làm mẹ hai đứa bé. Sau bao nhiêu năm trong nghề, tôi đã từng nghe những lý luận khùng điên như vậy.
Giọng khô khốc, Jonathan cắt ngang:
- Có điều chắc chắn là, cách đây bảy năm. Nancy đã biết nhiều điều hơn là những gì cô đã nói ra về vụ mất tích hai đứa bé.
Lendon nhướng mày. Jed cau trán. Trước thái độ của hai người đó, Jonathan vỗ tay lên bàn:
- Tôi không nói Nancy là thủ phạm. Tôi chỉ nói là cô ta không nói hết những gì cô đã biết. Cô đã biết nhiều hơn những gì cô nghĩ là mình biết. Quý vị hãy xem các bức ảnh chụp Nancy đứng trước tòa thì hiểu, khuôn mật cô ta như người vô cảm. Hãy đọc lời khai của cô. Quý vị hãy đọc đi. Người đàn bà đáng thương đó là kẻ vô tội. Vậy mà giờ đây ông đang tìm cách để dựng lại vụ đó.
Thanh tra Jed không còn kiên nhẫn:
- Tất cả những gì ông nêu ra chỉ là giả thuyết... chỉ là giả thuyết mà thôi... Nhiệm vụ của tôi là tìm thấy hai đứa bé, sống hoặc chết, và tìm ra thủ phạm. Thoạt đầu ông nói rằng tôi không thể thẩm vấn Nancy vì cô ấy đang bệnh nặng và rồi ông lại nói Nancy biết nhiều điều hơn những gì nàng đã khai. Này ông Jonathan, ông bảo rằng nghiên cứu về các vụ án và viết lách là thú tiêu khiển của ông. Nhưng mạng sống của các cháu bé đó không phải là thú tiêu khiển của tôi, và tôi không ở đây để giúp ông chơi trò cút bắt với pháp luật.
- Anh cho tôi nói - London vỗ nhẹ vào cánh tay của thanh tra Jed rồi quay sang Jonathan - Thưa ông Jonathan, có phải nếu Nancy nói rõ về những gì mà cô ta biết về cái chết của hai đứa con trước đây của cô thì như thế chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm hai đứa bé hiện mất tích?
- Đúng. Nhưng vấn đề là làm sao để cô ấy có thể nhớ lại và chúng ta không đẩy cô ta vào trạng thái mất ý thức do thuốc. Thưa bác sĩ, có phải ông được xem là chuyên gia trong vấn đề sử dụng penrhiolxirbital để chữa trị tâm thần?
- Quả vậy.
- Liệu ông có thể giúp Nancy nhớ lại, không những về những gì mà cô ta biết về sự cố sáng nay - điều mà tôi nghĩ rằng Nancy thực sự chẳng biết gì - mà còn có thể nhớ những gì đã xảy ra trong quá khứ?
- Có thể được.
- Vậy tôi mong bác sĩ giúp Nancy càng sớm càng tốt.
Một tiếng đồng hồ sau, khi Dorothy trở lại nhà Eldredge, bà thấy phòng ăn và nhà bếp hoàn toàn vắng lạng, không còn ai ngoại trừ Bernie Mills, viên cảnh sát trực điện thoại.
Hất hàm về phía phòng khách, anh ta nói:
- Mọi người đều ở trong đó. Họ đang làm những chuyện khá lạ lùng.
Dorothy vội vã ngang qua hành lang rồi khựng lại ở cửa phòng khách. Trước cảnh tượng trước mắt, những lời bà định nói bỗng dưng im bặt trên môi.
Nancy đang nằm dài trên trường kỷ, mình đắp chăn bông, đầu tựa trên gối kê. Cạnh nàng là một ông có vẻ là bác sĩ, đang nói nho nhỏ. Mắt Nancy nhắm nghiền. Đứng gần đó là Ray và Jonathan. Khuôn mặt Ray hằn vẻ lo âu trong khi Jonathan thì có vẻ nghiêm trọng. Ngồi trên cái bàn gần trường kỷ, Jed Coffin đang hướng cái micro về phía Nancy.
Hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, Dorothy ngồi xuống ghế bành, không buồn cởi áo choàng. Bà thọc hai tay lạnh cóng vào túi áo.
Giọng Lendon nghe dịu dàng:
- Nancy à, cô thấy thế nào? Có khỏe không?
- Tôi sợ...
- Tại sao...?
- Hai đứa bé... Hai đứa bé...
- Nào Nancy, hãy nói về chuyện sáng nay. Đêm qua cô ngủ có ngon giấc không? Buổi sáng khi thức dậy, cô có thấy khỏe không?
Giọng Nancy có vẻ tư lự:
- Tôi đã nằm mơ. Tôi mơ rất nhiều..
- Cô đã mơ thấy gì?
- Thấy Peter và Lisa... chúng sẽ khôn lớn... chúng đã chết cách đây bảy năm.
Nàng nức nở khóc. Rồi, trong khi Jonathan đưa tay giữ lấy Ray, Nancy gào lên: “Làm sao tôi có thể giết chúng chứ? Chúng là con tôi mà! Làm sao tôi có thể giết chúng...?”