Chương 1

     huyến máy bay thành phố Sài Gòn - Huế cất cánh. Sau một vòng đảo rộng quanh thành phố, phi cơ tăng cao độ và tốc độ lướt vào trong mây. Phượng thở một hời dài như trút đi bao băn khoăn và lo ngại vẩn vơ. Bây giờ là tám giờ sáng. Khoảng hơn hai tiếng đồng hồ nữa là Phượng sẽ đặt chân xuống Huế, miền quê ngoại. Trước đây, Phượng chỉ lo ba má đổi ý bởi vì ông bà có một mình nàng là con. Vả lại thành phố Sài Gòn xa Huế cả hơn ngàn cây số, và đã đi Huế thì Phượng không thể nào rứt về sớm được. Ông bà ngoại nhất định sẽ không cho Phượng rời Huế trước khi niên học mới bắt đầu. Thoạt tiên, má gạt ngang những lời năn nỉ của Phượng. Ba ậm ự tỏ vẻ không vui, nhưng Phượng ỉ ôi ngày nào sang ngày khác. Đến khi Phượng đã hoàn toàn thất vọng và những tưởng suốt mùa hè năm nay phải sống trong thành phố ồn ào và oi bức đến chán nản nầy thì đùng một cái có thư của ông bà ngoại gởi cho ba má. Thư do dì Hạnh viết, trong đó nói rõ ông bà ngoại đã yếu hơn xưa nên mong muốn được gặp con cháu để vơi bớt nhớ mong. Ba má đều bận việc cơ quan chưa thể đi được. Còn đang lúng túng thì Phượng ngỏ ý sẽ đi thăm ngoại thay ba má và hứa sẽ ở lại Huế ba tháng hè để săn sóc ông bà ngoại, Phượng nói:
- Ngoại thấy mặt con cũng như thấy mặt ba má vậy. Tội nghiệp, ngoại già yếu mà con thì chưa lần nào ra Huế. Ngoại chắc không ngờ cháu mình lớn như vậy đâu. Ba má đừng lo, con sẽ viết thư thăm ba má luôn, với lại con đi để má khỏi bận lòng la mắng con gái đểnh đoản...
Phượng hóm hỉnh nói rồi ôm cổ má hôn đánh chụt một cái.
Thế là Phượng được toại nguyện. Tuy vậy, Phượng vẫn lo ngay ngáy ba má đổi ý kiến vào giờ chót, hoặc có gì trục trặc thình lình. Mãi đến bây giờ, ngồi yên trên chiếc ghế bành êm ả Phượng mới an lòng.
Phi cơ đang chui vào một rừng mây trắng xóa, Phượng dựa đầu vào lưng ghế, cởi giây lưng an toàn, thoải mái, đưa mắt nhìn ra khung cửa nhỏ. Nắng ban mai dịu dàng ve vuốt từng cụm mây hồng. Bầu trời phía xa xanh trong như thủy tinh, gờn gợn những mảnh mây dịu dàng như tấm lụa non. Phượng chợt thấy hồn mình lâng lâng trong niềm kỳ thú vô biên. Nàng lim dim ghi nhận từng cảm giác, từng rung động đang len lỏi vào tận cùng làn da thớ thịt.
- Mời cô...
Một hình ảnh lóe lên trong tiềm thức Phượng như một ánh chớp ngời. Phượng mở mắt.
- Cô dùng kẹo...
Người nam tiếp viên hàng không mỉm cười nhìn Phượng. Phượng cám ơn và nhón lấy một thỏi kẹo bạc hà. Người nam tiếp viên quay đi mà Phượng vẫn còn nhìn theo. Trời ơi, nụ cười. Sao lại giống thế không biết. Lại còn giọng nói. Giống Hoàng như tạc. Mùi kẹo bạc hà lan nhanh trong cổ họng, ấm áp, nồng đượm như giọng nói của ai. Phượng kêu thầm:
- Hoàng ơi!
Tiếng kêu không thoát ra ngoài vành môi nhỏ, nhưng liên tục vang lên trong trái tim Phượng. Nỗi nhớ nôn nao, dạt dào dâng tràn ngập lòng. Phượng nhắm mắt lại, để dồn tất cả cảm giác và suy nghĩ về người yêu.
Hoàng, người thanh niên năm cuối trường Nghệ thuật Sân khấu Thành phố, trẻ trung, quyến rũ đã chiếm trọn tình yêu Phượng. Cũng chính vì Hoàng mà Phượng đã tìm mọi cách để được đi xa. Cũng chính vì Hoàng mà Phượng, cô sinh viên năm thứ hai khoa Địa Chất, hồn nhiên ngày nào đã phải đăm chiêu mơ mộng, sung sướng và đau khổ.
Lẽ ra với tình yêu đầu đời, Phượng phải là người hạnh phúc và sung sướng nhất, bởi người yêu Phượng là một thanh niên có tài, đẹp trai, có một tương lai rực rỡ. Cuối niên học sau khi tốt nghiệp, Hoàng đã được Đoàn kịch nói Thành phố mời cộng tác. Chuyến lưu diễn của Đoàn kéo dài trong suốt ba tháng hè và có thể tiếp tục đến hết năm không chừng. Vì vậy, Hoàng và Phượng tạm chia tay nhau. Tuy rất buồn, nhưng Phượng biết làm gì hơn vì đây là cơ hội để Hoàng thực hành những vốn liếng tiếp thu được ở học đường.
Nửa tháng qua với một lá thư độc nhất của Hoàng không đủ thỏa mãn niềm thương nhớ, Phượng thấy mình quay quắt trong thành phố mà mỗi chỗ đều là một kỷ niệm của hai đứa. Phượng mong muốn được gần Hoàng, được theo sát bên Hoàng trong những bước đi. Vì vậy chuyến đi Huế này đối với Phượng là một hy vọng. Phượng hy vọng sẽ gặp được Hoàng khi đoàn Kịch nói lưu diễn đến đấy. Đó là một hạnh phúc vô cùng. Nhưng nếu tình huống xấu xảy ra, đoàn không ghé Huế, thì ít ra Phượng còn có thể khuây khỏa được nhờ những cảnh đẹp, nên thơ của chốn thần kinh đế đô này.
Người nam tiếp viên ban nãy lại bước ra khỏi khoang lái đưa mắt quan sát hành khách. Phượng cúi mặt xuống để tránh cái nhìn của anh. Ánh mắt đó, nụ cười đó, giống hệt Hoàng. Bất giác, Phượng mỉm cười một mình. Nụ cười, ánh mắt của người nam tiếp viên hàng không đã gợi lại trong lòng Phượng những kỷ niệm đẹp của ngày đầu mới quen Hoàng. Ôi, cái ngày tiền định. Má Phượng ửng hồng. Mãi mãi, Phượng không quên được cảm giác say say khó tả của buổi đầu gặp gỡ ấy.

*

Ngày ấy, là một ngày đầu mùa hạ cách đây một năm tròn, Phượng được ba má đưa lên Đà Lạt du ngoạn qua lời mời của người chú họ. Đà Lạt, Phượng không lạ lắm vì nơi nầy Phượng đã được lên nhiều lần, khi đi tham quan theo cơ quan của ba má, lúc thì theo đoàn sinh viên Địa Chất đi du khảo. Tuy miền đất khá quen thuộc nhưng Phượng vẫn thích. Phượng thích cái thời tiết dịu dàng của Đà Lạt, thích những ngọn đồi nhấp nhô liên tục, những bãi cỏ non xanh, những vườn hoa đủ loại nở rộ hai bên đường, những rừng thông xanh vĩnh cửu, những thác nước hùng vĩ nên thơ. Đà Lạt với bốn mùa thay đổi trong một ngày, mùa xuân buổi sáng, mùa hạ buổi trưa, mùa thu buổi chiều và mùa đông vào tối. Đà Lạt với cảnh thinh lặng êm ả của đồng quê trong thành phố và những xe ngựa lọc cọc lọc cọc tựa âm điệu của thời gian. Ôi, còn nhiều nhiều nữa, Phượng không biết chán.
Như thường lệ, mỗi chiều khoảng bốn hoặc năm giờ, Phượng hay tìm lên đồi Cù ngắm cảnh. Đồi xanh thoai thoải trải cỏ mịn màng, nhìn xuống mặt hồ Xuân Hương sóng sánh ánh vàng đuổi nắng chiều. Một áo khoác, một cuốn sách nhỏ là tất cả những gì Phượng đem theo cho buổi đi dạo trên đồi. Phần lớn thời gian, Phượng ngồi dưới gốc một cây thông già đọc sách hoặc đắm mình trong bầu không khí yên ắng, thoảng chút hương hoa theo chiều gió thoảng đến từ phía bên vườn hoa Bích Câu.
Nhưng hôm đó, Phượng không thể nào ngồi im để đọc sách hoặc mơ màng. Một nhóm hai ba người đàn ông đến lúc nào Phượng cũng không biết, tụ lại phía sau lưng nàng dượt đi dượt lại mãi những bài hát thời trang. Họ vừa đàn hát vừa trò chuyện cười đùa thoải mái, có lẽ họ không để ý đến Phượng hoặc giả vì Phượng ngồi khuất sau gốc thông to nên họ không trông thấy. Phượng bực tức và không dằn được, nàng buông một câu ngắn gọn trước khi bỏ đi:
- Ồn ào!
Tiếng đàn im bặt. Có tiếng lao xao, rồi một người đứng dậy tiến đến bên Phượng lúc ấy đang xếp lại tấm áo khoác. Nhìn thấy Phượng, hắn ngây người ra một lát. Phượng vừa thẹn vừa bực mình vội vàng đứng lên. Một cuốn sách rơi xuống. Phượng cúi xuống, nhưng người thanh niên nhanh hơn nhặt lấy đưa cho Phượng và nói, giọng thật êm và ấm áp:
- Xin lỗi cô, chúng tôi vô ý không thấy cô đang học ở đây. Thay các bạn, tôi thành thật xin lỗi cô.
Nói xong, anh chàng nở một nụ cười tươi trên gương mặt rất dễ thương. Phượng một thoáng bàng hoàng. Còn đang bối rối không biết phải ứng xử ra sao thì anh chàng lại nói tiếp:
- Tôi là Hoàng, sinh viên trường Nghệ thuật Sân khấu. Cô không giận tôi chứ?
Phượng đỏ mặt ấp úng:
- Không... Không có gì...
Hoàng vẫn cười và bằng một giọng nói hào hoa, lịch sự, Hoàng nghiêng người:
- Để chứng tỏ cô không trách sự vô ý của bọn tôi, mời cô đến chung vui với chúng tôi. Cô mới ở Sài Gòn lên?
Không thể nào trách được con người lịch sự và lễ phép như vậy. Nhưng Phượng vẫn ý tứ từ chối khéo.
- Cám ơn các anh, nhưng trời cũng đã chiều rồi, tôi phải về. Các anh cứ tự nhiên, đây là đồi Cù, nơi tất cả mọi người đều có quyền vui chơi. Tôi cũng hơi nóng tính một chút. Xin lỗi anh nhé.
Hoàng kêu lên:
- Chúng tôi mới là người có lỗi. Nhưng thôi, lỗi phải làm gì, đã gặp và biết nhau thì đều là bạn cả... À... mà... Cô có thể cho tôi biết tên được không?
Ngần ngừ một chút và nghĩ rằng cũng chẳng có gì quan trọng, Phượng mỉm cười nói nhỏ:
- Tôi là Phượng, sinh viên Đại học Tổng hợp.
- Thành phố?...
Phượng gật đầu.
- A, vậy cũng là bạn bè cả, cùng là sinh viên với nhau mà... Nếu vậy, tối mai nhất định Phượng phải đến tham dự buổi trình diễn Văn nghệ giao lưu giữa sinh viên Đà Lạt và sinh viên thành phố Sài Gòn, Phượng phải đi để ủng hộ gà nhà đấy.
- Ồ, nếu Phượng không bận...
- Không được, Phượng phải đi chứ, bổn phận đấy... Đây, tôi xin phép được mời Phượng...
Hoàng lật xấp nhạc cầm trên tay, lấy ra một thiếp mời đưa cho Phượng:
- Hai chỗ ngồi, Phượng có thể mời người yêu đi cùng.
Phượng đỏ mặt, luống cuống đính chánh.
- Phượng làm gì có ai để mời. Phượng sẽ cố đến để nghe các anh hát... Nhưng nói cho cùng, Phượng cũng đã biết các anh hát như thế nào rồi.
Nói xong, Phượng bật cười và bỏ chạy xuống con dốc đồi Cù. Gió thoảng qua còn mang theo tiếng cười và lời trêu chọc của các bạn Hoàng.
- Cô bé láu lỉnh và dễ thương quá, trông thằng Hoàng cứ như người bị hớp hồn. Kiểu này nó làm sao hát hỏng gì được nữa. Chắc đêm nay mày tương tư đến chết mất Hoàng ạ.
Phượng nóng bừng cả hai tai vì thẹn. Nhưng đồng thời một cảm giác êm dịu thầm kín len lén trong hồn... Đôi mắt sáng, chiếc miệng cười tươi, Phượng nghe đâu đây niềm vui tràn lây, vây quanh từng ngọn cây, sợi cỏ.
Một chuyến xe lam chạy qua, Phượng đưa tay vẫy. Chuyến xe đầy người. Chiếc thứ hai, chiếc thứ ba. Phượng bắt đầu sốt ruột, nhìn đồng hồ tay. Chờ xe lam hay về xe ngựa? Phượng ngần ngừ, xe ngựa thời dễ kiếm cùng lắm là bao nguyên chuyến giá rẻ, nhưng Phượng không thích phương tiện di chuyển này, cứ nhìn con ngựa mệt nhọc sùi bọt mép, ráng sức kéo chiếc xe nặng lên dốc, Phượng đã thấy khó chịu, nhất là sau cái lần Phượng gặp phải chuyến xe có con ngựa gầy kéo. Đấy là một con ngựa cái, (sau này Phượng mới biết là con ngựa vừa sinh con được một tuần, vì người chủ tham tiền nên bắt nó phải đi xe sớm). Sau một ngày mệt nhọc, đến chuyến đi có Phượng thì con ngựa đã hết sức, nó nặng nhọc lê bước, miệng sùi bọt, bờm rũ rượi, thêm vào đó hai bầu sữa căng cứng làm con vật càng thêm khó khăn khi phải kéo cái gánh nặng theo sau. Leo đến con dốc thứ hai, ngựa không thể nào đi nổi, nó đứng yên một chỗ mặc cho người chủ quất túi bụi vô lưng. Thỉnh thoảng hai chân như khụy xuống và con vật kêu lên những tiếng rên rỉ. Hành khách chán nản xuống xe tìm phương tiện khác, và việc này làm người chủ cáu thêm, ông cố giật mạnh giây cương, vừa đánh vừa chửi rủa con vật thậm tệ. Phượng xót xa không chịu nổi. Nàng cố can gián người chủ xe và nói là sẽ bao nguyên chuyến. Để người đánh xe tin, Phượng dốc tất cả tiền trong túi đưa cho hắn. Chiếc xe đã nhẹ, con vật đáng thương đứng lên và đi từng bước chập choạng, nhưng leo dốc thì không thể. Sức nó đã cạn. Phượng cùng người chủ xe đẩy chiếc xe lên dốc để con ngựa khỏi phải kéo nặng. Lúc lên đến đỉnh dốc, Phượng từ chối không lên xe và đã đi bộ về nhà. Tuy vậy, nỗi băn khoăn về số phận con ngựa đó vẫn ám ảnh Phượng suốt tuần.
Không khí se lạnh từ hồ Xuân Hương thổi lên mang theo hơi sương mỏng manh la đà trên cỏ. Đèn bờ hồ thắp sáng rực rỡ. Phượng lo lắng nhìn quanh, giờ này chắc ba má đợi cơm và sốt ruột lắm đây. Phượng nhìn lên đồi. đồi Cù vắng vẻ, mọi người đã ra về tự lúc nào. Tiếng đàn hát cũng không còn. Phượng mím môi và quyết định đi bộ một quãng may ra có người nào xuống xe nửa đường, Phượng sẽ đón và thế chỗ trên xe lam.
- Cô vẫn chưa về ư?
Một chiếc xe gắn máy xịch đỗ bên Phượng. Giọng nói ấm áp của Hoàng làm Phượng giật mình luống cuống.
- Tôi... tôi... đang đón xe.
Hoàng nhíu mày:
- Đón xe... giờ này cô khó đón xe ở đây lắm. Cô lạ gì, du khách đầy phố... Thôi, nếu cô không chê, tôi tình nguyện đưa cô về nhà...
- Cứ để tôi đón xe thử xem... Chứ phiền anh quá.
Hoàng lắc đầu:
- Phiền gì... nhưng cô xem, xe nào cũng đầy ắp.
Để chứng minh thêm cho lời nói của Hoàng, hai chiếc xe lam chạy qua, không còn một chỗ trống. Phượng thất vọng, bối rối không biết tính sao.
- Cô chớ ngại, tôi sẵn xe giúp cô một tí có sao. Ở đây tối quá không nên, bên chợ còn đông chứ bên này vắng lắm.
Không còn cách nào hơn, Phượng theo Hoàng lên xe. Trong dịp này, Phượng được biết thêm về người thanh niên mới quen. Hoàng là một trong những sinh viên giỏi nhất của trường Nghệ thuật Sân khấu. Tuy chưa ra trường, nhưng Hoàng đã được mời tham gia nhiều đoàn kịch của Thành phố, ngoài ra Hoàng còn là một ca sĩ có giọng hát khá truyền cảm, đó là nguyên do vì sao Hoàng được mời tham gia chương trình ca nhạc giao lưu giữa sinh viên Đà Lạt và sinh viên Sài Gòn.
Cách kể về mình của Hoàng có vẻ kiêu kiêu, Phượng thấy điều đó, nhưng Phượng cho rằng với kết quả Hoàng đạt được, anh có quyền kiêu hãnh tự hào.
Đoạn đường từ Hồ Xuân Hương về đến nhà, ngày thường đối với Phượng dài dằng dặc, nhưng bây giờ lại quá ngắn. Nàng mơ hồ thấy mình quyến luyến người con trai này hơn tất cả. Một thứ tình cảm không tên nẩy nở trong lòng Phượng. Riêng Hoàng, chàng có vẻ yêu thích Phượng ra mặt. Phượng nhận biết được. Niềm vui lạ lùng theo đuổi Phượng cả trong giấc ngủ và cả ngày hôm sau, ngày sau nữa... Những ngày ở Đà Lạt do đó càng thêm thích thú. Phượng thật sự bước vào thế giới của tình yêu. Sau đêm văn nghệ sinh viên, Phượng càng yêu mến Hoàng thêm. Tiếng hát trầm ấm của Hoàng đã được Phượng mang vào giấc mộng. Hình ảnh Hoàng càng lúc càng đậm nét trong Phượng. Trước mắt Phượng, Hoàng hiện ra với đầy đủ đức tính của một Hoàng tử của lòng.
Về Sài Gòn, Phượng và Hoàng có nhiều dịp để gặp gỡ và tìm hiểu nhau. Công việc học hành bận rộn vẫn không ngăn được sự giao thiệp thân mật giữa hai người. Vẻ hào hoa lịch sự của Hoàng làm Phượng say đắm. Không một buổi trình diễn nào có Hoàng mà lại vắng bóng Phượng. Cả hai như hình với bóng. Tình yêu cuốn họ vào với nhau, tưởng như không thể nào rời nhau được nữa. Cả hai đã tính đến chuyện tương lai, đến những ngày gắn bó với nhau mãi mãi. Phượng còn nhớ đêm thứ năm tuyệt diệu ấy, một đêm mùa thu với ánh trăng lòng lanh huyền ảo như dát bạc trên vạn vật. Con đường im ắng say ngủ có vẻ muốn để mặc đôi tình nhân với những lời tâm sự của họ. Hoàng dìu Phượng, sóng đôi nhau đi dưới những tàn me thưa. Bỗng Hoàng đứng lại, say đắm nhìn Phượng rồi nói thật nhanh:
- Phượng ơi, em phải là vợ anh thôi.
Phượng run lên trong cảm giác lạ lùng chưa hề biết.
- Phượng trả lời đi... Phượng có muốn làm vợ anh không?
Câu nói vừa dứt, và không để Phượng kịp trả lời, Hoàng cúi xuống hôn Phượng, nụ hôn kéo dài như không bao giờ dứt. Phượng đẩy nhẹ Hoàng ra, ngượng ngùng nhìn quanh. Hoàng giữ mặt Phượng trong lòng hai bàn tay mình và hỏi lại lần nữa:
- Phượng trả lời anh đi.
Phượng se sẽ gật đầu.
- Không, anh muốn chính miệng em trả lời cho anh. Phượng nói đi.
Phượng giấu mặt vào ngực Hoàng, mỉm cười nói:
- Em yêu anh. Em muốn sống bên anh mãi mãi.
Hoàng siết chặt Phượng và hôn nồng nàn lên tóc, lên má, lên môi Phượng. Họ đứng dưới trăng, hôn nhau, hôn nhau và hôn nhau.
Phượng không nghi ngờ gì tình yêu của Hoàng dành cho mình. Cả hai quyết định sẽ nên vợ chồng sau khi Phượng tốt nghiệp đại học và đó cũng là thời gian vừa đủ cho Hoàng tạo được thế đứng trên sân khấu thành phố.
Cũng giống như các cặp tình nhân khác, tình yêu của họ có những đắm say, hạnh phúc thì cũng có những giây phút hờn giận, cãi vã, sóng gió... Phượng luôn chiều chuộng Hoàng và rất mực chung thủy bởi với Phượng, Hoàng là mối tình đầu vừa là thần tượng trong lòng nàng. Chỉ riêng Hoàng, bản chất nghệ sĩ thường lãng mạn, thích thay đổi. Thêm vào đó, Hoàng có tài, được nhiều người mến mộ và nhiều nhất vẫn là những nữ khán giả trẻ tuổi. Họ khen tặng Hoàng, tâng bốc anh, đưa đón, tỏ tình với anh kể cả việc công khai tống tình anh. Có lần Phượng bắt gặp Hoàng chở bạn gái ái mộ mình đi chơi phố. Cô gái ấy ôm chặt Hoàng như một đôi tình nhân hoặc vợ chồng thực thụ. Lần ấy Phượng đau khổ và cắt đứt quan hệ với Hoàng gần hai tháng mặc cho Hoàng van xin, hối lỗi. Nhưng cuối cùng tình yêu đã thắng. Phượng không thể chịu đựng ý tưởng sẽ mất Hoàng. Vả lại, Hoàng biết lỗi, ngày nào cũng đến trình bày, thề thốt, hứa hẹn không bao giờ làm Phượng buồn nữa. Nỗi hờn ghen dịu dần. Mối tình của họ lại tiếp nối nồng đắm hơn xưa.

*

Một cảm giác hơi hẫng úp chụp lên người Phượng, cắt đứt giòng hồi tưởng. Phượng chới với. Trong lúc nàng chưa kịp nhận định những gì xảy đến thì đầu nàng đã va mạnh vào thành ghế. Phượng rú lên một tiếng nhỏ. Thân hình không tuân theo ý chí nữa, nàng ngã nghiêng theo những đợt chao mạnh của phi cơ. Thân máy bay rung chuyển dữ dội. Hành khách bắt đầu la ó ồn ào.
- Yêu cầu các hành khách ngồi nguyên chỗ của mình. Xin quý vị buộc chặt giây lưng an toàn và tránh đừng gây náo loạn. Một lần nữa, chúng tôi xin quý vị buộc chặt giây lưng an toàn và tránh việc di chuyển. Xin cám ơn.
Dù cố gắng hết sức, Phượng vẫn không thể nào với lấy đầu giây lưng an toàn. Nó bị rơi xuống ghế vì những cơn lắc mạnh của phi cơ.
- Cô để tôi giúp cho. Cô cứ ngồi yên, đừng với người nữa... Đây, thắt lưng đây, cô buộc vào.
Phượng đón lấy đầu giây nhưng lóng cóng mãi vẫn không gài được.
- Cô để tôi. Trời xấu thật... Nhưng cũng lạ, bây giờ là mùa hè mà. Hay là...
Phượng buột miệng:
- Phi cơ có sự cố à?
Khi thốt ra lời, Phượng bàng hoàng, hốt hoảng, nhìn quanh. Đúng rồi qua khung cửa, bầu trời vẫn trong xanh, những đám mây vẫn trắng nõn, không có dấu hiệu gì của một trận bão trên không hoặc một cơn giông đang đến. Phi cơ hư máy. Trời ơi! Phượng tái mặt run run. Nàng nhớ đến những tai nạn máy bay đã xảy ra ở khắp nơi. Báo chí cũng đã tường thuật tỉ mỉ những giây phút đó. Phi cơ rơi và nổ tung, Xác người cháy đen hoặc rứt ra từng mảnh. Phượng ôm mặt không dám nghĩ tiếp nữa.
Chiếc máy bay có lúc lên thật cao, có lúc như nhào về phía trước rồi rơi xuống thấp. Tất cả mọi người đều có cảm giác như đang ở trên một con tàu ngoài khơi giữa cơn bão tố. Có người làm dấu thánh giá, có người niệm Nam Mô lâm râm, cũng có những phụ nữ khóc tấm tức, trẻ con thì kêu la nôn oẹ.
Phưọng cũng bắt đầu thấy mệt mỏi, đầu óc quay cuồng nhức buốt, chóng mặt, bụng cồn cào nôn nao muốn mửa. Trong trí óc, hỗn độn những hình ảnh của ba má, của Hoàng hiện ra. Phượng chới với cùng lúc với chất nước đắng trào ra từ cuống họng...
Mùi dầu nóng cay nồng ấm nóng trên thái dương, trước mũi và sau gáy. Phượng mở mắt nhìn. Người thanh niên ngồi cạnh, kẻ đã giúp nàng gài giây lưng an toàn, cầm chai dầu nhìn nàng ái ngại. Phượng chợt tức giận khi nghĩ rằng gã thanh niên kia đã lợi dụng để thoa dầu lên gáy, lên trán nàng. Phượng không dằn được, buột miệng:
- Ơ hay, cái anh nầy...
Người thanh niên nhăn mặt, nhưng chỉ một thoáng mỉm cười nói:
- Cô gần như bị ngất đi, tôi lo quá...
Rồi anh chỉ về phía các nữ tiếp viên phi hành đang bận rộn với các bà mẹ và trẻ em phía sau đuôi phi cơ, nói như phân bua:
- Họ bận quá, mà những người kia ói nặng hơn...
Một chút xấu hổ trong lòng khi Phượng thấy mình nghĩ xấu cho người thanh niên và anh ta cũng đoán ra điều đó. Phượng định nói cảm ơn, nhưng một cái lắc mạnh ngăn câu nói của Phượng. Cảm giác nôn nao ban nãy trở lại. Phượng chụp vội chai dầu trên tay thanh niên hít lấy hít để.
Cảm giác khó chịu dịu bớt. Cùng lúc ấy, Phượng nghe tiếng loa phóng thanh giọng của một nữ tiếp viên:
- Thưa quý vị, vì lý do kỹ thuật, trong vài phút tới đây, phi cơ sẽ đáp xuống phi trường Đà Nẵng. Chuyến bay sẽ tiếp tục vào sáng mai. Hãng Hàng Không Việt Nam chịu mọi phí tổn ăn ở cho các hành khách. Mọi chi tiết xin liên hệ với Văn phòng Hàng Không tại sân bay Đà Nẵng. Bây giờ, xin quý vị kiểm tra lại giây lưng an toàn và tắt thuốc lá...
Người nữ tiếp viên phi hành nói thêm những gì không rõ. Phượng nghe loáng thoáng nhưng cũng đủ để hiểu rằng phi cơ phải ở lại qua đêm tại Đà Nẵng để sửa chữa. Phượng mừng vì thoát được cơn sợ hãi, nhưng đâm lo bởi tại Đà Nẵng Phượng không có một người thân nào và cũng chưa một lần đặt chân tới. Phượng sẽ làm gì và ở đâu cho hết ngày hôm nay? Với ý nghĩ đó, Phượng thẫn thờ xuống máy bay từ lúc nào không biết. Phi trường Đà Nẵng lồng lộng gió. Nắng chói chang. Mặt đất vững chắc dưới chân làm Phượng như tỉnh hẳn người. Nàng theo các hành khách vào phòng chờ đợi của phi trường. Mọi người tíu tít bu quanh bàn làm việc của Hàng Không Việt Nam. Phượng chỉ biết đứng nhìn chứ không làm cách nào để chen chân cho lọt.
- Cô cứ đứng đây, để tôi vào hỏi xem hãng có thu xếp chỗ ở cho hành khách không?
Phượng quay lại. Cũng lại anh chàng ngồi cạnh nàng trên máy bay. Sao có người thích làm những việc mà người ta không mời vậy? Phượng mỉa mai nhủ thầm trong khi chàng thanh niên mất hút vào đám đông.
Một lúc sau, anh chàng quay lại, mặt đỏ gay, áo quần xốc xếch, vừa thở vừa nói với Phượng:
- Cô đưa tôi cuống vé máy bay của cô.
Phượng ngạc nhiên xẵng giọng:
- Làm gì vậy?
Có lẽ anh chàng không để ý đến câu hỏi trổng bất lịch sự của Phượng, nên vẫn chịu khó giải thích.
- Người ta viện cớ số lượng khách quá đông nên hãng không thể chu toàn chỗ ăn ngủ cho hành khách. Họ trả chúng ta chi phí thuê khách sạn và một ngày ăn, và mỗi người tự lo lấy thân. Cô đưa cuống vé để tôi lãnh tiền dùm cho.
Phượng đành đưa cho anh chàng cái cuống vé máy bay của mình rồi kiếm một chỗ chờ đợi. Ở lại thành phố không quen biết này, lại còn ở qua đêm, kiếm một phòng trọ ở khách sạn, điều này quả quá sức của Phượng. Cứ nghĩ đến cảnh tứ cố vô thân là Phượng đã rùng mình. Giá lúc này, Phượng gặp được một bạn gái thì đỡ biết bao. Bây giờ mới tìm cách làm quen thì đã muộn rồi. Phải làm thế nào bây giờ?
Trong lúc Phượng đang suy nghĩ, chàng thanh niên đã trở lại, mặt mũi tươi cười chứng tỏ chàng ta đã hoàn thành nghĩa vụ một cách tốt đẹp. Anh chàng cầm trong tay một xấp tiền kèm cuống vé và bảo Phượng:
- Phần tiền của cô đây. May mà tôi làm quen được với một cô tiếp viên nên mới nhanh thế này.
Phượng đưa tay nhận tiền, chẳng buồn cảm ơn anh chàng một tiếng. Biết là mình hơi bất lịch sự nhưng sao Phượng không có cảm tình với anh chàng nhanh nhẩu này. Người gì mà ốm tong teo, tóc dài lù xù rũ rượi không mốt tí nào. Đành rằng gương mặt anh chàng cũng có một nét gì đó làm người khác chú ý, nhất là đôi mắt, nhưng Phượng thì có để ý đến ai nữa. Người thanh niên nào cũng thua xa Hoàng của Phượng, chỉ có Hoàng là rực rỡ trong tim nàng.
- Cô có ai quen ở Đà Nẵng không? Riêng tôi thì lạ cái lại nước. Có lẽ tôi đi xe khách ra Huế cho rảnh, chỉ mất khoảng ba tiếng là cùng. Chứ chờ máy bay vừa lâu mà đến phi trường lại chờ thêm một thời gian nữa, sốt ruột không chịu được.
Khi lên xe ca để về trung tâm thành phố, anh chàng kể lể như thân thiết với Phượng lắm. Tuy nhiên câu chuyện của anh chàng lại khiến Phượng chú ý. Ừ nhỉ, sao mình không bắt chước anh chàng đi thẳng ra Huế luôn. Có lý đấy, nhưng bến xe khách ở chỗ nào. Phượng đành miễn cưỡng hỏi trổng:
- Anh có biết bến xe khách ở đâu không? Liệu đến Huế có kịp trước khi trời tối không?
Người thanh niên mỉm cười:
- Tôi dù sao cũng đã ghé qua Đà Nẵng một tuần hồi mới mười tuổi. Cũng còn nhớ chút ít.
Phượng bĩu môi:
- Tôi không tin vào trí tưởng tượng của trẻ con đâu. Thấy con đường cái cứ tưởng là xa lộ...
Người thanh niên cười lớn:
- Nói vậy chứ tôi có bản đồ Đà Nẵng trong túi đây. Cần lấy ra là biết hết. Cô cũng muốn đi Huế luôn chứ gì. Vậy thì tụi mình đi chung.
“Tụi mình” nghe thân mật chưa. Phượng tức lắm nhưng không lẽ lại gây gổ nhất là trong tình trạng này. Cuối cùng Phượng nuốt giận, cố nói với giọng lễ phép.
- Tôi chưa đến thành phố này lần nào. Chỉ nghe nói nơi đây là một thành phố cảng nổi tiếng và nhiều thắng cảnh đẹp như Ngũ Hành sơn, bãi biển Tiên Sa. Ngày tôi còn bé có người cho tôi một chiếc vòng bằng đá, nói là mua ở đó. Thế thôi. Có lẽ tôi nhờ anh hướng dẫn ra bến xe. Tôi cũng không muốn ở lại đây, nhất là ở khách sạn, tôi không quen.
- Sẵn sàng. Tôi là Minh, Trần Đức Minh, sinh viên Mỹ Thuật Sài Gòn.
Phượng bất đắc dĩ phải tự giới thiệu:
- Tôi là Kim Phượng, học ở Đại học Tổng hợp.
Vào đúng giữa trưa, Phượng rời Đà Nẵng trên chuyến xe khách Đà Nẵng - Huế. Tất nhiên, Mình cùng đi chung chuyến. Mặc cho Minh gợi chuyện, Phượng vẫn ậm ừ cho qua. Phượng cũng không hiểu tại sao Phượng đâm ghét Minh như vậy dù Minh đã làm bao nhiêu việc tốt cho nàng. Nhưng Phượng tự chống chế là Minh có ý đồ muốn gây cảm tình với Phượng chứ đâu phải tử tế gì. Lại nữa, Phượng không thích ai gạ gẫm kiếm chuyện với nàng cả, nhất là trong giờ phút Phượng thích được ngồi yên một mình để hoàn toàn nghĩ về Hoàng, đến chuyến lưu diễn dài ngày của Hoàng và đang tưởng tượng ngày gặp lại Hoàng nếu đoàn kịch ghé lại Huế. Nhưng Minh đã không cho Phượng trọn vẹn nghĩ về Hoàng. Những câu gợi chuyện vô duyên (?) của Minh cứ chen vào giữa ngắt ngang giòng tư tưởng của Phượng. Vì thế, Phượng thấy bực mình vô cùng.
Khi chuyến xe bắt đầu vào địa phận Huế, Phượng hoàn toàn quên mất Minh. Huế đây. Phượng hít một hơi dài khoan khoái. Lòng nao nao cảm giác lạ lùng, xen lẫn nôn nóng được gặp mặt Ngoại, dì Hạnh, và để được đặt lưng nằm nghỉ rũ bỏ những mệt nhọc do chuyến đi không thông suốt vừa rồi.
Xuống xe, Phượng thản nhiên gọi một chiếc xích lô, nói địa chỉ, lên xe mà không biết trên bến có một người thanh niên đang đứng nhìn theo buồn bã.
- Hơi xa đó o nợ. Hồi tới nhà o nhớ cho thêm tiền nghe!
Giọng nói đặc sệt Huế làm Phượng buồn cười. Nắng buổi chiều nhuộm vàng thành phố, vàng cả những tà áo bay bay trên cầu. Cây cầu bị nối một nhịp trông như mụn vá của chiếc áo gấm. Mấy nhịp Trường Tiền không còn đều đặn nữa. Chỉ còn giòng nước sông Hương bình thản trôi như bước chân nhẹ nhàng muôn đời của các nàng con gái Huế. Nhờ vậy, Phượng thấy thích thú hơn. Nàng say sưa ngắm hai bên đường có những hàng cây im lìm ấp ủ tiếng ve râm ran như một bản tình ca trác tuyệt.
Chiếc xích lô quẹo qua con dốc ngắn và dừng lại trước một căn nhà cổ lấp ló sau hàng cây xanh, cạnh một đoạn sông ngầu đục và hẹp: sông Bến Ngự.
Tiếng phanh xe rít lên động vào tận bên trong. Hai ông bà già ngạc nhiên vội ra thềm nhà đứng nhìn.
Phượng xách valise đi nhanh đến, reo lên:
- Ngoại, cháu là Phượng đây.
Bà ngoại Phượng reo to:
- Chu choa, Phượng đó hỉ? Lớn bộn, ngoại nhìn không ra, Rứa mà tưởng cháu không ra chuyến ni chớ. Con Hạnh chờ cả buổi sáng. Biểu ra hãng coi thì hãng nói là máy bay trục trặc chi chi đó. Mà răng về trễ rứa cháu?
Phượng cảm động, đặt valise xuống chân ôm ghì lấy ngoại.
- Ông bà ngoại vẫn mạnh khỏe chứ? Trời ơi suýt chút nữa máy bay rớt đó ngoại. Cháu sợ khiếp vía luôn.
Mặt bà ngoại tái lại. Bà kêu luôn miệng:
- Mô Phật, răng rứa cháu?
Rồi bà quay sang ông ngoại trách nhẹ:
- Ông thấy tui nói đúng không nợ. Tui nói tui nóng ruột lắm, ông ra thử ngoài hãng hỏi tin tức máy bay ra làm răng. Ông sai con Hạnh, nó ngơ ngơ có biết chi mô.
Ông Ngoại bình tĩnh cười:
- Thì có chuyện chi mà quíu lên rứa. Thủng thẳng cháu nó kể lại cho mà nghe. Chừ chắc nó cũng mệt lắm. Bề mô cũng thoát nạn rồi. Thôi cháu xách valise lên đi. Đứng đây ôm nhau hoài hàng xóm người ta cười cho, dị chết. Cháu ở chung phòng với dì Hạnh. Tắm rửa ăn uống rồi nói chuyện sau.
Phượng xách valise theo ngoại. Căn phòng của dì Hạnh ngăn nắp sạch sẽ. Một tấm ảnh bán thân đặt trên bàn. Phượng hỏi ngoại.
- Dì Hạnh đi làm chưa về hở ngoại? Ảnh dì đây phải không ngoại? Trông khác tấm ảnh chụp chung với ba mẹ cháu, nhận không ra thiệt.
- Ờ nó đi làm chưa về mô. Hơn bảy giờ mới về tới nhà. Dạo ni dì Hạnh còn xin một chỗ làm phụ trong nội nên về trể rứa đó. Chút túi, chộ nhau, dì cháu bây giờ không biết nhau là chắc. Cháu càng lớn càng đẹp ra tề.
Phượng vừa thay đồ vừa nghĩ đến người dì ruột từ lâu chưa gặp mặt. Phượng không biết bây giờ dì như thế nào. Bức hình trên bàn ghi lại những nét duyên dáng của một thiếu nữ nhưng khoé mắt, nếp trán hơi cằn cỗi. Phượng vẫn nghe ba má nhắc đến dì Hạnh luôn. Mà nhất là má cứ than phiền về việc dì Hạnh không chịu lấy chồng. Phượng không hiểu nguyên nhân nào khiến dì Hạnh sống độc thân hoài vậy. Hay là vì để tang cho một mối tình đầu nào đó. Ý nghĩ về một mối tình say đắm trắc trở trong khung cảnh thơ mộng của xứ Huế làm Phượng háo hức. Nàng muốn mau chóng gặp mặt dì, trò chuyện với dì và để khám phá mối tình bí ẩn của dì. Khi Phượng ngồi vào bàn ăn thì dì mới về đến nhà. Dì sựng lại một giây rồi tiến lại gần Phượng cười thật tươi.
- A, Phượng đây hỉ. Trời ơi, lớn quá, mà đẹp ghê. Mới đó mà Phượng mau lớn thiệt.
Phượng tươi cười nói:
- Cháu ở chung phòng với dì đó. Ba má cháu nhắc đến dì luôn. Má có quà cho dì đẹp lắm. Chút nữa lên phòng cháu soạn đồ rồi đưa quà cho dì. Còn bây giờ mời dì dùng cơm luôn. Cháu đói thiệt đói.
Dì Hạnh cười cười. Trông dì tươi tắn và trẻ hơn tấm ảnh trong phòng nhiều.
- Con nhỏ ni nói toàn giọng Bắc, giống hệt ba nó, mạ hỉ?
Bà ngoại cười.
- Con giống cha nhà có phước mờ.
Ông ngoại cười vang, giục dì Hạnh thay đồ lẹ để cùng ăn cơm tối. Trong bữa ăn Phượng kể lại nỗi kinh hoàng đã trải qua trên máy bay cho cả nhà nghe. Bà ngoại cứ suýt soa cảm tạ Trời Phật luôn miệng. Riêng ông ngoại khắt khe hơn, ông chê trách máy móc tân tiến của thời đại. Ông nói:
- Răng tụi bay cứ thích đi máy bay, máy bà. Thời của ngoại đâu cần mấy thứ đó mà cũng đi tới mô mô. Cứ tưởng tân tiến máy móc là hơn hỉ. Theo ngoại càng máy móc càng làm cho con người làm biếng thêm, làm cho đời sống bị đe dọa thêm.
Dì Hạnh dùng cùi chỏ hích Phượng một cái. Dì nói nhỏ bên tai Phượng:
- Ông ngoại chỉ muốn đi bằng hai cẳng thôi Phượng ơi.
Phượng mỉm cười nhỏ nhẹ với ông:
- Nhưng bây giờ là thế kỷ của máy móc mà ngoại. Con người đi lên tới sao mai, sao hôm rồi. Mình đi máy bay cà lèng là chậm tiến rồi đó.
Ông ngoại hứ một tiếng lớn:
- Hứ... máy móc... rồi có hơn chi mô.
Bà ngoại nháy mắt ra hiệu cho Phượng đừng tiếp tục câu chuyện đó nữa. Bà nói sang chuyện khác.
- Cháu xin ba má ra chơi với ngoại được mấy ngày?
- Dạ ba má nói là cho đi một tháng.
Dì Hạnh chen vào:
- Ủa, anh chị hai mắc việc sao mà không ra thăm ngoại?
- Dạ, nghe nói công ty ba má cháu làm đang có thanh tra nên nhân viên kế toán không ai được nghỉ việc hết.
Ông ngoại lại phê bình:
- Đã nói là đừng có chọn cái nghề dính dáng vô tiền bạc mà có nghe đâu. Thiệt suốt bao năm không về thăm cha mẹ được một lần. Ngoại nghĩ cũng buồn. Đã nói nữ sinh ngoại tộc mà.
Bà ngoại thở hắt ra một hơi ngắn. Bữa cơm đã gần xong mà ông ngoại chưa cạn được một chén. Dì Hạnh rủ Phượng:
- À, hay là Phượng ở lại chơi với ngoại và dì đến hết hè đi. Biết mô về rồi Phượng có có dịp về Huế nữa. Như lấy chồng chẳng hạn... Để dì viết thư xin anh chị trong nớ, nghe Phượng?
Bà ngoại cũng gật đầu đầu ý:
- Để ngoại viết thơ nói với ba ma cho. Ba má mày mà không đồng ý cũng không được với ngoại mô.
Chưa tin cho ba má, nhưng nghe giọng ngoại, Phượng biết đó là quyết định rồi. Vậy là Phượng có ba tháng vui ở Huế, và với thời gian dài như vậy, thế nào Phượng cũng gặp được Hoàng. Nghĩ đến đây, Phượng mỉm cười vui thích.
Chú thích:
Truyện Nắng Lụa do hai tác giả Kim Hài và Thùy An viết chung, lấy bút hiệu Dạ Thanh. Đây là truyện thuộc loại Hoa Tím đầu tay của hai tác giả được xuất bản năm 1970.
Sau năm 1975, truyện bị thất lạc không tìm lại được nên đến năm 1991, hai tác giả cùng viết lại truyện này, thêm nhiều chi tiết để nội dung trở nên dày dặn và người lớn hơn, gần như là một cuốn tiểu thuyết. Vẫn lấy tên Nắng Lụa nhưng đứng tên Kim Hài - Thùy An. Đức Lâm vẽ bìa..