Chương 12

     ì Hạnh nghỉ phép một tuần. Buổi trưa Phượng về nhà ăn cơm với dì cho vui. Ông bà ngoại về Truồi, chỉ có hai dì cháu. Hôm nay dì Hạnh làm món bún măng, ngon cực kỳ.
- Minh mô rồi Phượng?
- Minh bận đi chọn phong cảnh để quay phim dì ạ.
- Cháu đừng phỉnh dì, Minh đâu phải là đạo diễn.
- Nhưng có người là đạo diễn đi cùng với Minh thì dì tính sao.
Dì Hạnh bối rối:
- Phượng à, cháu đừng nghĩ dì là kẻ vô tình...
Tiếng la của Minh làm hai dì cháu giật mình:
- Chú Long bị tai nạn, chú Long bị bể đầu...
Phượng lạnh cả người:
- Minh nói cái gì vậy, Minh có điên không?
Dì Hạnh víu tay vào mép bàn, mặt xanh mét:
- Minh ơi, Minh nói lại đàng hoàng cho chị nghe nào.
Minh gieo người xuống ghế, thở hổn hển:
- Chú Long bị té xe, xe lăn xuống dốc đồi, chú bị thương, cháu... à quên, em đưa chú vô nhà thương rồi.
Phượng hốt hoảng:
- Nhà thương nào? Chú bị có nặng lắm không? Khi chú bị té thì Minh ở đâu sao Minh không chở chú?
Minh chắp hai tay lại:
- Thôi Phượng đừng tra tấn Minh nữa, từ sáng đến giờ Minh muốn điên lên vì ba cái thủ tục bên nhà thương rồi.
Phượng òa khóc:
- Minh im đi, Minh lo cho chú Long thì Phượng cũng lo chứ, sao Minh lại gay gắt với Phượng?
Dì Hạnh xua tay:
- Thôi hai đứa đừng cãi nhau nữa. Phượng, vào thay đồ cùng đi vô nhà thương với dì. Minh đi trước dẫn đường.
Sự quyết định của dì Hạnh đúng là một cuộc cách mạng, phải nương theo đó mà tương kế tựu kế. Hình như Minh cùng có ý nghĩ với Phượng, chàng nhìn Phượng nheo mắt cười nhưng Phượng nguýt dài, quay đi.
Thật không ngoa khi Phượng đã có lần gọi Minh là bà con với chú Cuội. Chú Long chỉ bị thương nhẹ ở đầu, làm bao nhiêu hồn vía của người ta bay hết lên mây. Nhưng bây giờ thì Phượng hết giận Minh rồi khi thấy dì Hạnh ngồi bên chú Long âu yếm, tay trong tay, mắt trong mắt. Giọng chú đầy xúc cảm:
- Anh mong thư em từng giây từng phút.
Lời dì Hạnh dịu dàng:
- Anh có sao không?
- Nhìn thấy mặt em là anh quên hết cả đau.
Phượng bước ra hành lang, nắng trưa đổ xuống thềm những hạt vàng sáng chói, nàng nghe lòng rộn lên niềm vui kỳ lạ. Như vậy là nàng đã thành công trong việc kéo dì Hạnh về với ông Long, còn việc thuyết phục ông ngoại bán miếng đất nữa, Phượng sẽ cố gắng bằng tất cả khả năng của mình.
- Phượng thấy kế của Minh có ngang hàng với Khổng Minh không?
Phượng không thèm đáp.
- Phượng giận chẳng đúng chỗ gì cả.
- Ai biểu Minh gắt gỏng Phượng trước mặt dì Hạnh làm chi. Minh làm Phượng quê.
Minh phân trần:
- Minh phải đóng kịch vậy dì Hạnh mới cuống lên chớ. Phải làm như chú Long chết đến nơi, dì Hạnh mới làm cách mạng chớ. Phượng đã hiểu ra chưa?
- Phượng không thèm hiểu.
- Phượng khó tính quá à.
- Ai biểu Minh không chịu kể cho Phượng nghe, tại sao chú Long bị tai nạn chi.
- Có gì đâu mà kể, thì chú Long lấy xe leo lên mấy cái dốc nghiên cứu góc độ gì đó, bỗng Minh nghe cái rầm, chạy đến thì thấy cái xe của Minh chỏng gọng, còn chú Long bị va đầu vô tảng đá, may mà gặp phải đá mềm...
Phượng trợn mắt:
- Đá mà mềm?
- Đấy, chú Long đâu có sao. Nằm nghỉ vài ngày là cưới vợ được rồi.
Phượng véo vào tay Minh:
- Thứ đồ nham nhở, đồ ba xạo, đồ...
- Đồ nô lệ, Minh thích từ này nhất, sao Phượng không gọi.
Dì Hạnh bước ra:
- Phượng, chú Long muốn gặp cháu.
Phượng đến bên giường ông Long.
- Dù chú đang bị thương, cháu vẫn chúc mừng tình yêu của chú.
- Hạnh đã hiểu chú rồi, Phượng à.
- Vậy là chú yên tâm rồi héng. Giờ chú tiếp tục lo cho cuốn phim đầu tay của chú đi nha.
- Cháu là người con gái đầy nghị lực. Cháu quan tâm đến cuốn phim của chú thế cơ à?
- Tại cháu rất thích điện ảnh. Phim Việt Nam sau một thời gian xuống dốc, giờ đã đứng khá vững lại rồi. Cháu chúc chú thành công.
- Cháu chúc điều này hơi sớm, nhưng chú vẫn cám ơn cháu. Cháu rất tốt, Phượng à. Rất tiếc, Hoàng không thấy được chất ngọc trong cháu.
Chất ngọc với chả chất ngà, đúng là Minh bắt chước cách nói của ông Long này rồi. Có một điều làm Phượng cảm thấy nhẹ nhàng, là lần này nghe đến tên Hoàng, Phượng không còn xúc động nữa. Phượng thầm nhủ, cũng chả nên giận Hoàng làm chi, cứ xem Hoàng như một người bạn.
- Chú Long ơi, nếu chưa tìm ra vai nam chính, chú có nghĩ đến Hoàng không?
- Chú còn phải xem lại cháu à.
- Thôi cháu về để chú nghỉ.
Ra tới đường, Minh nói:
- Dì Hạnh và Phượng về trước nhé. Minh ghé nhà người bạn chút xíu.
Dì Hạnh như nhớ ra điều gì:
- Dì cũng đi thăm người bạn. Phượng đi với dì nghe.
- Ai vậy dì?
- Dì Ngự, bạn thân của dì, cháu còn nhớ không?
Phượng lắc đầu:
- Chắc hồi đó cháu còn nhỏ xíu. Giờ mình sang nhà dì ấy nhé.
- Đâu có, mình tới nhà bảo sanh quận cháu nờ, dì Ngự mới sinh đứa thứ ba.
- Hay quá, cháu thích ẵm con nít lắm.
Phượng theo dì Hạnh bước vào một hành lang khá tối, đang loay hoay tìm số phòng, chợt nàng nghe tiếng kêu yếu ớt:
- Phượng, Phượng ơi!
Dáng người con gái ngồi trên chiếc ghế mây bên góc cột, trong bóng chiều tà mới thảm não làm sao. Phượng nắm chặt cánh tay dì Hạnh, nàng run lên:
- Dì ơi, Thùy Linh kìa, phải không dì?
Dì Hạnh nhìn theo Phượng, dì hoảng hồn:
- Đúng rồi - dì chạy lại - Thùy Linh, Thùy Linh, sao cháu tiều tụy quá vậy?
Phượng nắm bàn tay Thùy Linh, cảm nhận sự khô cứng:
- Thùy Linh, Linh bệnh gì vậy? Sao lâu quá Linh không ghé Phượng? Hiện giờ Linh ở đâu?
Dì Hạnh đưa Thùy Linh ra ngoài:
- Ra sân cho thoáng rồi nói chuyện cho dì và Phượng nghe.
Thùy Linh bước đi không nổi, cô khuỵu xuống thềm:
- Cháu... cháu mệt quá.
Phượng ngồi trệt xuống bên Thùy Linh:
- Linh ơi, Linh bị gì vậy?
Thùy Linh ngập ngừng, cô nhìn Phượng rồi nhìn dì Hạnh, định nói nhưng lại thôi. Dì Hạnh vuốt tóc Linh:
- Cháu đừng ngại gì cả, hãy xem dì và Phượng như người thân.
Thùy Linh quàng tay ôm lấy cả hai người, òa khóc:
- Cháu... cháu mới... phá thai... giờ sao cháu mệt quá!
Dì Hạnh đứng bật dậy như bị điện giựt:
- Trời ơi, sao cháu không nói sớm.
Dì chạy như bay về phía phòng bác sĩ. Thùy Linh khóc trên vai Phượng:
- Phượng ơi, Phượng đừng giận Linh nhé. Linh đã làm Phượng buồn nhưng nỗi đau đớn của Linh hiện giờ đã trả giá cho Linh rồi.
- Lúc nào Phượng cũng xem Linh như bạn.
Dì Hạnh tất tả đi đến với bà bác sĩ còn trẻ. Thấy Thùy Linh, bà ngạc nhiên:
- Ủa, cô tưởng em về từ trưa kia mà.
Thùy Linh nức nở:
- Em ra đến đường, em cảm thấy đuối sức, nên trở lại đây ngồi nghỉ mệt chút xíu. Không ngờ, càng lúc càng đau bụng và khó chịu.
Bà bác sĩ nói với dì Hạnh:
- Hạnh giúp mình đưa cô bé vào phòng khám.
À, thì ra bà bác sĩ quen với dì Hạnh, thiệt là may. Dì Hạnh trở ra ngồi bên Phượng. Phượng lo lắng:
- Thùy Linh có sao không dì?
- Dì chả biết, nhưng thấy mặt nó xanh lè, dì sợ quá.
- Cháu cũng sợ nữa.
Thời gian chậm chạp trôi qua.
- Dì không thăm dì Ngự nữa à?
- Thôi để khi khác. Chờ xem Thùy Linh có sao không, phải lo cho nó kẻo tội, thấy nó bơ vơ quá.
- Dì quen với bác sĩ ở đây thiệt khỏe.
- Bạn học của dì hồi xưa ấy. Đó là dì Hoa.
- May ghê.
Bà bác sĩ chạy đến:
- Hạnh ơi, con nhỏ bị băng huyết... nhưng giờ nguy hiểm đã qua rồi. Hạnh là gì của nó?
- Nó là bạn của nhỏ cháu mình, nên mình cũng xem nó như cháu. Hoa gắng giúp mình nha.
- Con nhỏ thiệt dại dột. May mà kịp cầm máu, nếu không thì mình cũng đành bó tay thôi. Chả biết thằng khốn nạn nào gây ra cái trò bất nhơn rứa? Mà con nhỏ cũng đẹp và dễ thương quá chứ, nỡ bỏ rơi sao đành.
Phượng nghĩ đến Hoàng, có phải Hoàng không? Phượng cảm thấy buồn nôn quá. Mặt trái của tình yêu sao bẩn thỉu đến như vậy! Nếu sự việc xảy ra mà nạn nhân là Phượng thay vì Thùy Linh thì chắc là ba mẹ nàng phải độn thổ mất. Không, Phượng nghĩ, nàng vững vàng hơn Thùy Linh nhiều, lại không có nghệ sĩ tính, nên cũng không đến nỗi nào đâu.
- Phượng, chào dì Hoa đi cháu.
Bà bác sĩ nhìn Phượng cười:
- Cô bé con bà chị của Hạnh ở Sài Gòn đây phải không. Chà mau lớn quá hỉ. À, mà cũng đã lâu, gần 10 năm rồi còn chi. Thảo nào tụi mình mau già cũng phải.
Phượng vòng tay:
- Cháu chào dì. Thưa dì, cháu muốn vào với bạn cháu bây giờ có được không ạ.
- Được chứ. Bạn cháu đang đói đấy, cháu nên mua cho bạn một ít cháo thịt bò. Sau căng tin có bán đấy, để dì cho mượn cà mèn.
Dì Hạnh bảo bạn:
- Đưa mình đi mua, còn Phượng, vào với Thùy Lin ngay nghe cháu.
Da mặt Thùy Linh vẫn xanh xao như tàu lá, thân hình cô dán xuống giường trông mỏng dính. Còn đâu tấm thân tròn đầy căng tràn nhựa sống, còn đâu gương mặt hồn nhiên, khóe mắt lấp lánh niềm tin vào tương lai màu hồng, còn đâu một tài năng sáng ngời sân khấu. Trước mắt Phượng, trông Thùy Linh thật lẻ loi tội nghiệp. Thấy Phượng, Thùy Linh gượng cười héo hắt:
- Phượng ơi, Phượng tốt quá à. Dì Hạnh đâu rồi Phượng?
Phượng ngồi xuống mép giường:
- Nghe dì Hoa nói từ trưa đến giờ Thùy Linh chưa ăn gì cả nên dì Hạnh đi mua cháo cho Linh rồi.
- Dì Hoa nào vậy?
- Dì Hoa bác sĩ ấy.
- Ôi, sao người nào cũng tốt với Linh, trừ con người ấy...
Dì Hạnh đem vào chiếc cà mèn đựng cháo và một cái muỗng:
- Phượng, đỡ Thùy Linh dậy để dì đút cháo cho nó.
Thùy Linh vừa ăn vừa khóc. Dì Hạnh vỗ về như trẻ con:
- Nín, nín dì thương, ăn cho hết chỗ cháo ni là hết đau hết mệt. Can chi mà khóc, dị chưa?
Thùy Linh ôm lấy dì:
- Dì ơi, cháu khổ quá.
Dì vuốt vai Thùy Linh:
- Hãy xem như con ác mộng thôi cháu à. Nếu cần, cháu hãy tâm sự hết với dì và Phượng cho vơi bớt những ẩn ức mà cháu không thể chứa hết trong lòng.
Thùy Linh nằm xuống, tay vòng trước bụng, cô nói say sưa:
- Dì ơi, Phượng ơi, Hoàng là một con người lòng lang dạ thú, hắn lợi dụng tình yêu chân thành của cháu để chiếm đoạt thể xác cháu. Khi biết mình mang thai, cháu giục cưới, thì hắn trở mặt từ chối và nói nhiều lời xúc phạm đến cháu. Sau vở kịch “Đến với tình yêu” trên đài truyền hình, Hoàng nổi tiếng như cồn, bao nhiêu là nữ khán giả xinh đẹp vây quanh lấy hắn, tôn sùng hắn, yêu mê yêu mệt hắn. Thế là hắn tha hồ chọn lựa, nay cặp cô này, mai cặp cô khác... Ban đầu cháu còn buồn, còn ghen, nhưng sau cháu quá chán nản, bỏ khách sạn đi ở chỗ khác, Hoàng cũng chả thèm tìm cháu.
- Rứa thì lâu nay cháu ở mô?
- Cháu thuê một phòng nhỏ trên Kim Long. Cháu mong Hoàng nghĩ lại nhưng bây giờ thì hết rồi -Thùy Linh bật khóc - sợi dây liên lạc giữa Hoàng và cháu đã hết. Cháu sẽ về Sài Gòn.
Dì Hạnh thở dài:
- Cháu dại quá, sao không qua dì, nhà dì tuy chật hẹp nhưng vẫn sẵn sàng đón nhận cháu. Biết đâu, có dì và Phượng bên cạnh cháu, cháu sẽ có quyết định sáng suốt hơn.
Mặt Thùy Linh đanh lại:
- Dì muốn nói đến việc phá thai của cháu chứ gì? Dì có can đảm giữ lại cái thai mà cha của nó phủ nhận không? Dì có thể tưởng tượng rằng chính Hoàng đã chỉ vào mặt cháu mà nói rằng đứa con trong bụng cháu là của người khác không?
Dì Hạnh ôm lấy ngực:
- Trời ơi, Hoàng tồi tệ quá.
Thùy Linh căm hờn:
- Dì đã xài từ quá nhẹ đối với hắn. Phải nói đó là một con yêu râu xanh đội lốt thiên thần. Hắn đẹp quá phải không dì, chính cái đẹp đó đã giúp hắn phá hại đời của bao cô gái ngây thơ trong trắng như cháu, như Phượng...
Phượng nghĩ tới Diệu Hương. Chết, làm sao bây giờ, có nên nói cho bác Vinh biết để bác ngăn chặn những việc đáng tiếc có thể xảy ra không?
Câu chuyện của Thùy Linh bi đát quá. Phượng nói sang hướng khác:
- Thùy Linh gắng ăn nhiều, tịnh dưỡng cho khỏe lại, rồi tiếp tục con đường nghệ thuật của mình. Chú Long đang dành cho Linh vai nữ chính trong cuốn phim của chú sắp quay đấy.
- Trước khi đi ở chỗ khác, Linh có nhận được thư của chú Long. Nhưng thôi Phượng à, Linh chán nghề diễn viên quá rồi, kỳ này vào Sài Gòn, Linh đi học thêm Anh văn để kiếm việc làm khác.
- Nhưng trước khi vào Sài Gòn, Linh nhớ ghé Phượng ở chơi vài ngày nhé.
- Ờ, Linh sẽ đến.
Nhưng rồi Thùy Linh đã bỏ về Sài Gòn ngay sau đó. Khi nhận được thư cô bé, Phượng mới hay. Trong thư, Thùy Linh bảo rằng cô đã nghe theo lời dì Hạnh. Bây giờ cơn ác mộng đã qua rồi, cô không đi học Anh văn nữa mà là học may. Cô có ông chú là Việt kiều mới về nước, vừa mua cho cô một chiếc máy may xịn lắm, may được cả áo gió, quần jean... Thùy Linh hứa, khi nào Phượng vào Sài Gòn, cô sẽ may cho Phượng vài bộ quần áo moden hết xảy luôn. Đọc thư xong, Phượng cười:
- Trời đất, nó làm như học may dễ ra nghề lắm ấy.
Dì Hạnh nói:
- Thấy nó lạc quan trở lại là dì mừng rồi.
- Hai dì cháu đọc thư của ai đấy.
Ông Long xuất hiện trong sân tự hồi nào, trán còn dán băng keo. Phượng liến thoắng:
- Thư của Thùy Linh đấy chú ơi, nó gửi lời thăm chú.
- Ủa, nó vào lại Sài Gòn rồi à. Vậy mà chú định gặp nó...
Dì Hạnh ngắt lời:
- Anh vẫn dự kiến giao vai chính cho Thùy Linh à?
- Anh muốn nâng đỡ nó qua lãnh vực điện ảnh, con bé rất có năng khiếu, lại ngoan ngoãn dễ thương nữa. Ông Long trầm ngâm - đạo đức rất cần thiết cho người nghệ sĩ em à. Như Hoàng đấy, càng ngày càng tệ hại, anh chưa tìm được vai nam vừa ý cho cuốn phim của anh nhưng anh hoàn toàn không nghĩ đến Hoàng. Em nghĩ xem, nhân vậy anh xây dựng là một tráng sĩ trung hiếu tiết nghĩa, mà con người Hoàng thì thế nào? Một người vô đạo đức không thể đảm nhận một vai đạo đức được.
Phượng reo lên:
- A, một tráng sĩ, chú làm phim kiếm hiệp hả chú?
- Không phải đâu cháu. Đây là một phim dã sử, bối cảnh là thời Trịnh Nguyễn phân tranh.
- Hay quá, y trang chắc lộng lẫy lắm chú héng.
Ông Long tắc lưỡi:
- Uổng quá, nhỏ Thùy Linh mà mặc đồ công chúa thì đẹp phải biết.
Dì Hạnh lo lắng:
- Đến giờ anh vẫn chưa chọn xong diễn viên sao, có kịp kế hoạch không hả anh?
Ông Long âu yếm:
- Anh chả quan tâm gì cả ngoài cô diễn viên của lòng anh. Hạnh, em có bằng lòng đóng vai chính trong cuốn phim “Ông đạo diễn thất tình” không?
Dì Hạnh mắc cỡ, hai tay đan chéo vào nhau, Phượng tế nhị đi vào nhà trong.