Chương 11

     áng nay ngồi bán sách mà tâm hồn Phượng để đâu đâu. Làm sao báo tin cho ông Long để ông khỏi nôn nóng, và phải nói như thế nào đây để ông không nghi ngờ là có một sự việc ngoài ý muốn vừa xảy ra tại nhà ngoại.
Thiệt càng nghĩ càng tức dì Hạnh, chỉ một chuyện mời ông Long đến nhà cũng không dám thì còn làm nên tích sự gì nữa. Vậy mà Phượng định chiều nay cùng Minh lên ông Long chơi... hay là, hay là mình nói dối với ông Long là dì Hạnh bận công chuyện phải về quê để tìm kế hoãn binh. Thử thuyết phục dì Hạnh một lần nữa thử xem, phải đánh vào lòng tự ái của dì. Dì đẹp thế, dì bay bướm thế, ai lại đi kết duyên với một ông Phác cù lần bao giờ. Cái ông gì mà suốt ngày đánh bạn với mấy ông già, hết cờ tướng đến trồng cây, nuôi chim chóc... chả biết đến một nốt nhạc, một bài thơ, một vở kịch nào cả. Rồi nàng sẽ ca tụng ông Long hết lời, nào ông là người độ lượng, thủy chung và tha thiết yêu dì... Tính dì Hạnh khoái nịnh, thế nào Phượng cũng thành công.
- Chà, cô thi sĩ của tôi đang làm thơ đó à?
- Kìa chú Long, chú linh ghê, cháu vừa nghĩ đến chú thì chú xuất hiện.
Ông Long kéo chiếc ghế cao ngồi lên, lưng dựa vào cánh cửa sắt:
- Đêm qua chú ngủ không được. Phượng ơi, chú mong quá. Sao, dì Hạnh có chịu tiếp chú không?
Phượng bắt đầu kế hoạch của mình:
- Chú à, dì Hạnh gửi lời xin lỗi chú. Dì bận về Truồi lo công việc cho ông ngoại cháu, vài ngày nữa mới lên.
Ông Long thở phào:
- Vậy là chú thấy khỏe rồi, một lời hứa của dì Hạnh là một liều thuốc tiên đối với chú.
- Eo ôi, chú ví von y hệt nhà văn.
- Nói cho cháu ngán luôn, chú còn làm thơ được nữa đó.
Phượng vỗ tay:
- Tuyệt quá, dì Hạnh của cháu cũng mê thơ lắm.
Phượng im mất, nàng thấy mình cường điệu quá, không nên gieo nhiều hy vọng cho ông Long. Nhưng nàng yên tâm khi thấy ông Long không để ý đến câu nói sau cùng của nàng, ông đang lật tờ báo Điện Ảnh số mới nhất. Ông đưa trang giữa cho Phượng xem:
- Mấy anh phóng viên này nhanh nhạy thật. Chưa gì mà họ đã nói đến cuốn phim của chú rồi. Họ còn dự kiến diễn viên cho chú nữa chớ.
- Vậy chú đã dành vai chính chắc chắn cho ai chưa hả chú?
- Vai nam đóng thử chưa đạt, còn vai nữ chính, chú chọn Thùy Linh, nhưng quái lạ, con nhỏ biến đâu mất tiêu.
Phượng ngạc nhiên:
- Nó vẫn ở khách sạn mà.
- Hôm chú trở ra, cô bé đã dọn đi rồi. Hỏi Hoàng thì nó trả lời không biết, nó đang cay cú vì chú đã chọn vai nam khác, nhưng không thể vì thế mà vô trách nhiệm với Thùy Linh được.
- Vô trách nhiệm.
- Phượng à, nói xấu người vắng mặt là điều không tốt, nhưng chú không thể không nói được. Chú biết, cháu đã từng yêu Hoàng nhưng trong mối tình đó, lý trí cháu đã thắng, cháu kịp dừng lại, đó là điều chú rất mừng. Trái lại, Thùy Linh say mê Hoàng đến mất cả suy nghĩ, đến giờ ân hận thì đã muộn màng. Chú biết vì sao Thùy Linh rời bỏ nơi cũ, vì ở đó có Hoàng. Sau khi gương mặt đẹp trai của Hoàng trở nên quen thuộc với người dân xứ Huế, bao nhiêu trái tim thiếu nữ rung động trước con người tài hoa ấy, thì Thùy Linh đã bị bỏ rơi tàn nhẫn. Chú ở cùng khách sạn với Hoàng chỉ một ngày mà đã không chịu được cái tính trai lơ của nó, phải dọn đi nơi khác là cháu đủ hiểu rồi.
Phượng không khỏi nghe lòng nhói, ôi đã có một thời nàng yêu Hoàng biết bao. Mối tình đầu của nàng đã mang vị đắng, thật đáng tiếc. Hoàng phụ nàng để theo Thùy Linh, rồi bỏ Thùy Linh để đến với Diệu Hương, sau Diệu Hương sẽ là ai nữa? Con người ấy đáng ghét quá.
- Lâu nay, Thùy Linh có ghé cháu chơi không?
- Dạ không.
- Vậy giờ con nhỏ ở đâu cà?
- Chú gọi nó đóng phim à?
- Ừ, chú có một vai rất hợp với Thùy Linh. Nếu nó cố tránh mặt chú thì chú đành phải chọn người khác. Kế hoạch đã đăng ký rồi, trước sau gì cũng phải quay thôi cháu à.
- Chắc tại nó không biết chú ra.
- Chú có viết thư cho nó hay rồi mà. Chắc là có chuyện gì đây.
Ông Long trở lại vấn đề:
- Phượng, dì Hạnh về quê có hẹn ngày nào lên không?
Phượng lập lờ:
- Khoảng ba bốn ngày nữa.
- Vậy để khỏi sốt ruột, chú sẽ mượn một chiếc xe đi dạo xem phong cảnh, tiện thể chọn cảnh quay phim luôn.
Phượng gợi ý:
- Chú rủ Minh cùng đi cho vui, anh ấy sẽ làm tài xế cho chú.

*

Buổi tối thật êm ả, trời trong vắt không một gợn mây, ánh trăng thượng tuần chênh chếch soi ánh sáng sữa non bàng bạc trên tàng cây nhãn lồng, vẽ hàng ngàn bóng lá lung linh trên mặt sân sỏi trắng. Phượng ngồi trên ghế xích đu, đong đưa đôi chân theo một điệu nhạc từ máy cassette vườn nhà bên cạnh vọng sang. Vệt đèn xe sáng quắc quét dài bên thềm chói cả mắt. Minh về, reo lên inh ỏi:
- Phượng có quà nè.
Phượng đưa ngón tay lên môi:
- Suỵt, cả nhà ngủ rồi đó.
Giọng Minh vẫn không giảm âm thanh:
- Trời đất, người chớ đâu phải gà.
Phượng nhăn mặt:
- Minh vừa phải thôi nha. Sao dám nói ông bà Phượng là gà? Cái đó là trịch thượng, là hỗn hào, là...
Minh nhảy đến, thì thầm:
- Cho Minh xin lỗi, tại Minh vui quá nên phát ngôn bừa bãi.
Phượng ngồi im. Minh hoảng:
- Phượng, Phượng không giận Minh chứ?
Phượng quay lưng lại:
- Ai mà thèm giận cái đồ...
Minh tiếp lời:
- Cái đồ trịch thượng, đồ hỗn láo, đồ nô lệ...
Phượng liếc:
- Phượng không dùng danh từ đó đâu à nghen.
Minh quì xuống bên Phượng:
- Minh nguyện làm nô lệ cho Phượng mà.
Phượng mắc cở, nàng xô nhẹ vai Minh ra:
- Phượng không giỡn đâu, Minh kỳ quá à.
Mặt Minh sát bên Phượng:
- Phượng đừng giận Minh nữa nhé.
Phượng đứng dậy:
- Thôi Phượng vô nhà đây.
Minh ngăn lại:
- Phượng à, hãy nán lại vài giây để Minh nói cái này cho nghe.
Minh ấn gói quà vào tay Phượng:
- Đây là bánh chú Long gởi cho Phượng. Phượng ăn đi, vừa ăn vừa nghe Minh kể chuyện, chuyện suốt một ngày trèo đèo lội suối với chú Long...
Ánh trăng tràn vào mắt Minh long lanh, lần đầu tiên, Phượng thấy Minh rất gợi cảm. Nàng mở gói bánh, lấy ra một cái đưa cho Minh.
- Minh ăn với Phượng nha.
Minh đón lấy, bàn tay run run:
- Phượng ạ, hai đứa mình phải làm sao nối lại tình cảm giữa dì Hạnh và chú Long. Càng gần chú ấy, Minh càng khám phá ra chất ngọc của người đàn ông đứng tuổi này.
Phượng cười nhẹ:
- Cái gì mà chất ngọc chất ngà, Minh nói rõ ra đi.
- Minh có ý nói là... không ai xứng đáng với dì Hạnh bằng chú Long đâu Phượng, Phượng thấy thế nào về dì Hạnh.
- Phượng khó trả lời quá đi.
- Khoảng mấy ngày nay, Minh thấy dì Hạnh có vẻ mệt mỏi và buồn chán.
Minh ngừng nói, chàng nhìn chăm chú vào khoảng tối trước mặt, tay gõ nhịp vào thành ghế. Trông Minh bây giờ như một vị luật sư trước Tòa đang sửa soạn lời để cãi cho một vụ án quan trọng. Phượng nghe hơi khó thở, nàng chờ đợi ở Minh một lời nói, không biết câu chuyện có liên quan đến nàng không.
- Phượng, hôm qua Minh có gặp dì Hạnh ngoài phố, dì đang hỏi giá một cái quạt máy.
- À, dì Hạnh muốn mua một cái mới đấy mà, cái cũ đã hư không sửa được nữa. Trời mấy bữa này lại nực khủng khiếp.
Giọng Minh trầm ngâm:
- Chưa bao giờ, kể từ ngày quen dì Hạnh, Minh thấy dì có vẻ buồn nản đến thế. Dì bực mình vì giá cao thì chả nói làm gì, đàng này, dì tỏ ra bất mãn thiệt sự qua hành vi và lời nói dì lúc đó.
Phượng nhíu mày:
- Dì đã nói thế nào?
Minh chưa trả lời vội, chàng lặng lẽ nhìn Phượng trong khi nàng cúi đầu nghĩ ngợi. Một cảm xúc nào đó vừa dấy lên giữa tâm hồn, nàng đã hiểu lờ mờ câu chuyện. Chắc dì Hạnh đang nhận thức được sự thiệt thòi của một cô gái suốt nửa đời giam mình trong bốn bức tường lễ giáo, chưa bao giờ đối diện được niềm cô đơn trong chính mình. Phép lạ nào đã hiện đến xua tan lớp mây mù đang bao phủ quanh dì?
- Dì Hạnh đã khuyên Minh là đừng bao giờ chịu nhẫn nhục chấp nhận đời sống bình lặng đóng khung trong bất cứ phạm vi nào. Tất cả sẽ giết chết đời sống tinh thần của mình nếu mình cho những thứ vừa kể là những điều phải hy sinh, nhận chịu để giữ cho riêng bản thân và gia đình một danh giá, một cuộc sống thanh cao giả tạo.
Phượng chống tay vào cằm, nhìn lên khung trời bàng bạc trăng khuya:
- Vậy là dì Hạnh cho rằng hơn ba mươi năm sống tận tụy bên cha mẹ giữa thành phố u buồn này là uổng phí cả cuộc đời ư?
- Phượng đã nghĩ vậy chưa đủ.
- Thì Minh nói rõ ra đi. Thú thật, Phượng chưa hiểu tường tận lời dì Hạnh đã nói với Minh.
- Phượng ngây thơ ghê. Phượng không nghĩ rằng, dì Hạnh chỉ có ý tưởng đó khi dì chợt gặp một đối tượng đẹp đẽ mà dì hằng mơ ước?
- A, chú Long.
- Đúng rồi, mối tình hai người thật đẹp.
- Nhưng họ đang gặp một trở ngại!
- Ông Phác?
- Minh cũng biết chuyện này sao?
- Biết chứ, chúng mình phải san bằng trở ngại này, không khó đâu.
- Nhưng... Phượng ghét lắm, dì Hạnh ba phải như cái gì ấy.
- Đó chỉ là bề ngoài thôi. Vấn đề quan trọng không phải là sự ép duyên của ông bà ngoại Phượng đâu.
- Ô hay, thế mà Phượng ngỡ... thôi Minh đừng vòng vo tam quốc nữa, nói nhanh lên cho Phượng nghe đi.
- Phượng có nhận thấy rằng, từ ngày Phượng về nghỉ hè, Phượng được đầy đủ về mọi mặt, tiền chi phí đó do ba mẹ Phượng gửi ra. Còn hai ngoại, nếu dì Hạnh không đi làm thì lấy tiền đâu mà chi phí trong gia đình. Dì Hạnh là túi tiền của hai ngoại, cho nên sự theo chồng đi xa của dì rất ảnh hưởng đến đời sống vật chất của hai ngoại.
- Thôi, Phượng hiểu rồi, có phải Minh muốn đề cập đến miếng đất bên cồn Hến. Nếu ngoại bán đi, mọi việc sẽ được giải quyết êm thắm.
- Đúng như thế. Phượng sắp trở thành người lớn được rồi đấy.
Phượng nguýt dài:
- Phượng không thích ai khen Phượng kiểu đó đâu.
Minh cười hiền lành. Trong giây phút đó, Phượng cảm thông nỗi lo lắng của người thanh niên vô cùng. Phượng quả là kẻ vô tình trước những lo âu của người thân, dì Hạnh thật đáng thương và Minh quả xứng đáng là người bạn tốt của Phượng. Nàng nghĩ, quen thân với Minh nàng sẽ học được những điều hay ho cùng cái duyên trêu người đặc biệt của anh chàng này.
- Bây giờ, nên tìm cách gỡ rối cho dì Hạnh, Phượng nghĩ sao?
- Đồng ý.
- Có hai phương án. Một, để cho dì Hạnh kết hôn với ông Phác, ông ta giàu sang phú quí, sẽ bao bọc nổi cho gia đình vợ; Hai, muốn dì Hạnh đi theo tiếng gọi của con tim, thì phải thuyết phục cho được ngoại bán miếng đất đó. Ý kiến Phượng thế nào?
- Phương án một của Minh quá vô duyên, khi khổng khi không bắt dì Hạnh cưới ông Phác già như ma, phương án hai thì cũng tạm được, nhưng... sự quyết định của ngoại quá nghiêm khắc, không ai lay chuyển nổi.
- Phượng gắng đi, ông ngoại cưng Phượng lắm mà.
Phượng nhớ đến bác Vinh, bác cũng đã nói câu này khi bàn về chuyện bán đất của ông ngoại. Đúng rồi, Phượng sẽ nghe theo lời bác Vinh, sẽ rủ ông ngoại đi chơi ở ngoại ô, phong cảnh thiên nhiên sẽ làm cho tâm hồn ông trở nên phóng khoáng. Có thể, ông sẽ nghe theo lời Phượng chăng?
Phượng nói lảng sang chuyện khác:
- Hồi nãy, Minh nói Minh có nhiều chuyện vui, vậy kể cho Phượng nghe với nào.
- À, cả ngày hôm nay đi chơi với chú Long thật thú vị Phượng à. Chú mê nhất là đồi Vọng Cảnh, hoa bâng khuâng tím khắp một vùng. Minh cũng mê nữa, thế nào Minh cũng vẽ một bức tranh mà Phượng là người mẫu.
Phượng cười:
- Vậy còn bức tranh “Dưới tàng hoa phượng” của Minh thì bao giờ mới bắt đầu? Minh có bà con với chú Cuội không đó.
- Ấy, đừng chọc quê Minh! Mình có quyền phác thảo những giấc mơ chứ. Minh sẽ thực hiện từ từ.
- Hoa phượng có nở mãi để chờ Minh không?
- Minh không cần, Minh đã có một đóa hoa Phượng biết nói không bao giờ tàn rồi.
Phượng đỏ mặt:
- Minh vô duyên vừa thôi nha.
- Phượng thì lúc nào cũng có duyên.
Phượng bỏ chạy vào nhà:
- Không thèm nói chuyện với Minh nữa. Đồ nịnh đầm không đúng lúc, thấy ghét.
Trời về khuya, ngôi vườn thoang thoảng hương thơm.