Chương 6

     hư đã dự tính, ông Long quay về thành phố cùng với đoàn kịch. Chỉ còn Hoàng và Thùy Linh ở lại chờ đoàn quay phim trở ra quay ngoại cảnh.
Mặc dù rảnh rỗi, nhưng Hoàng có một thời khóa biểu rất khó hiểu. Chàng vẫn kêu là không có nhiều thì giờ để thăm Phượng và dì Hạnh. Hơn nữa, dì Hạnh đâu có nhiều thời gian để rong chơi. Dì phải đi làm việc. Minh bù đầu vào tác phẩm của mình hầu hoàn thành kịp thời gian dự định.
Nắng hè khô khốc như đổ lửa xuống đầu Huế. Trời xanh và cao tít với những mụn mây mảnh như tơ. Phượng đỏ lửa, và ve ồn ào như một đạo quân vô tư lự.
Phượng buồn bã, hết ra lại vào, chỉ muốn có được một việc gì để làm. Mỗi buổi trưa yên lặng, Phượng ra sau bến tránh nắng vừa nhìn những giòng chảy lăn tăn óng ánh bạc, nhìn cồn Hến xanh ngát một màu bắp xanh để tâm hồn bớt đi những dằn vặt. Tự thâm tâm, Phượng đã xem như Hoàng đã cách xa, nhưng Phượng vẫn cố níu kéo chút hy vọng rằng đây chỉ là nỗi đam mê nhất thời, để an ủi những tình cảm vẫn còn đó trong trái tim nàng.
Chiều nay, khi đi làm về, Dì Hạnh trao cho Phượng một bức điện tín. Vẻ hớn hở lộ rõ trên khuôn mặt trắng hồng, Dì Hạnh nói, nhẹ như hơi thở:
- Điện tín của anh Long đó. Ảnh báo tin thứ năm, ảnh đáp máy ra Huế trước.
Hình như dì Hạnh không dấu nổì những mừng vui tràn trề trong trái tim đang yêu. Dì kéo Phượng ra bến. Hai dì cháu trông nước, trông mây một chút rồi dì Hạnh khơi mào:
- Chuyện Phượng với Hoàng tới đâu rồi?
Phượng cười buồn:
- Chẳng có gì đâu dì Hạnh à, Phượng và anh ấy đã yêu nhau, nhưng thời gian thường khắc nghiệt, có một nhà văn nói như vậy đó dì.
Dì Hạnh như không nghe hết câu nói của Phượng. Dì thì thầm:
- Tình yêu làm dì sợ, nhưng trên cái sợ đó là hạnh phúc. Phượng có thấy vậy không?
Phượng cười đau xót. Đúng là trước kia Phượng cũng từng hạnh phúc. Những buổi hò hẹn, những nụ hôn nồng ấm. Hạnh phúc... nhưng sao xa xôi...
- Dì đã có sẵn câu trả lời, nhưng sao dì đâm ngại ngùng không dám nói.
Phượng bỡ ngỡ hỏi:
- Dì nói... ông Long...
Mắt dì Hạnh sáng lên anh chớp làm rạng rỡ khuôn mặt dịu dàng của dì. Môi dì như mỉm cười, nhưng không phải với Phượng mà là với một ai đó. Phượng nhìn dì kinh ngạc. Tuy mang máng biết dì và ông Long yêu nhau, song Phượng không ngờ mối tình của họ cũng say đắm như khi Phượng mới gặp Hoàng.
- Phượng ơi, kể ra từng tuổi ni mà nói yêu dì cũng đâm ngượng miệng. Nhưng thiệt tình là vậy. Anh Long xứng đáng để dì đặt hết tình yêu vào ảnh. Lần này về, ảnh sẽ thu xếp việc nhà, rồi ngỏ lời với ba má dì. Mau quá phải không Phượng, nhưng dì và ông Long đâu có nhiều thời gian để chờ đợi nhau lâu hơn nữa.
Phượng gật đầu:
- Dì nói đúng, dì cứ làm những gì mà trái tim dì hướng dẫn.
Dì Hạnh cầm tay Phượng:
- Phượng không cười dì chớ. Già rồi... dì có già quá không?
Phượng cười với dì:
- Già ư, dì còn khối người theo.
Hai dì cháu ôm nhau cười. Dì Hạnh kể cho Phượng câu chuyện giữa dì và ông Long. Họ đã yêu nhau, hiểu nhau rất nhiều mà Phượng nào có để ý tới.
- Nhưng dì chỉ ngại bà Mộng Thu, vợ của anh Long. Mặc dù ly thân, nhưng bà ấy vẫn còn ghen với anh. Bà cho là bà vẫn còn một chút quyền hạn người vợ vì bà chưa chịu ly dị. Kỳ này, anh Long về một công hai việc. Anh ấy sẽ nhờ luật sư xúc tiến thay anh ấy làm thủ tục ly hôn.
Dì Hạnh thở dài:
- Như vậy, dì có ác không Phượng hỉ?
Phượng vuốt ve bàn tay nóng hổi của dì Hạnh:
- Dì không có lỗi gì. Vợ chồng chú Long không còn yêu nhau nữa. Chú có quyền kiếm cho mình người vợ mới chớ.
- Dì vẫn ngại thiên hạ đàm tiếu.
Phượng im lặng. Đúng vậy, ở đâu chớ ở cái xứ Huế này chuyện gì cũng ầm ĩ. Nội việc Phượng ra Huế mà ai cũng biết chuyện, bàn luận này khác, huống hồ dì Hạnh...
- Miễn lương tâm dì bình yên là được.
- Dì cũng nghĩ rứa. Không biết có được hay không?
- Dì có nói sơ sơ cho ngoại biết chưa?
Dì Hạnh kêu lên:
- Làm sao mà dì dám. Ngoại không ưa mấy nghệ sĩ... với lại lấy người mới ly dị vợ... còn bà con làng xóm... Thiệt khổ, không lấy chồng cũng bị nói lên nói xuống, mà lấy thì cũng mắc mớ lắm chuyện.
Nhưng những băn khoăn chỉ thoáng qua nhường chỗ cho ánh mắt cương quyết, dì Hạnh thong thả nói từng lời:
- Dứt khoát dì chỉ nghe tiếng nói của lương tâm mình thôi.
Phượng định nói vài câu động viên dì, nhưng lại thôi. Hai dì cháu mỗi người một ý nghĩ. Bầy ve cũng lặng lẽ im hơi.
Ngày thứ năm tới trong sự ngóng đợi của dì Hạnh. Từ sáng sớm, dì Hạnh đã nhắc Phượng đi với dì ra sân bay Phú Bài đón ông Long. Dì nói là sốt ruột muốn biết tin tức, nhưng nhìn đôi má hồng và ánh mắt hớn hở ngời sáng của dì, Phượng biết là dì đang rộn rã chờ giờ gặp gỡ người yêu.
- Mình đem xe Honda lên đón anh Long hỉ?
- Nhưng... không lý lúc về cháu đi bộ...
Dì Hạnh nhéo tay Phượng:
- Quỷ, để dì tính nờ. Nhờ Minh chở Phượng... Rứa là mình có hai xe.
Nói xong, mặt dì đỏ vì mắc cở. Phượng không nỡ trêu già, vội đi kêu Minh.
Lúc ba người lên đến sân bay đã thấy Hoàng và Linh đứng đợi sẵn từ lúc nào. Dì Hạnh cười chào trong khi Phượng bậm môi muốn khóc. Hoàng đến bên Phượng giả lả:
- Mới được tin, tụi anh chạy vội lên cho kịp nên không ghé được qua nhà Phượng. Sao Phượng và dì Hạnh biết hay vậy?
Minh đỡ lời:
- Ông Long có đánh điện cho chị Hạnh.
Hoàng lõ mắt ngạc nhiên:
- Ủa, sao đặc biệt quá vậy?
Phượng mỉa mai:
- Đó chỉ là bất ngờ, cũng như Phượng gặp anh ở đây cũng là bất ngờ.
Liếc nhìn về phía dì Hạnh và Thuỳ Linh đang dứng ở quầy chỉ dẫn, Hoàng tiến sát Phượng.
- Phượng đừng buồn, sau khi đóng xong phim này, nếu Phượng còn ở lại, anh cũng xin phép ở lại nhờ Phượng hướng dẫn thăm Huế. Ra đây không đi được đâu cũng uổng lắm.
Phượng cảm thấy bị xúc phạm vì lối nói của Hoàng chẳng khác nào xem Phượng như đứa trẻ. Nàng bực dọc gắt:
- Anh khỏi cần nói thêm gì, Phượng đâu có để ý đến những chuyện linh tinh kia.
- Kìa, Phượng giận anh đấy à?
Phượng không trả lời vì máy bay thành phố Saigon - Huế đang đáp xuống phi trường. Hoàng vội vã chạy ra.
Dì Hạnh mất hẳn vẻ háo hức ban đầu. Dì ngồi xuống ghế đợi, kín đáo đưa mắt ngó mông tìm kiếm. Minh nói bên Phượng:
- Ông Long kìa.
Phượng và Minh lùi lại. Dì Hạnh đứng lên, nhưng ông Long đang bị vây giữa Hoàng và Linh. Họ hỏi luôn miệng và ông Long cũng liên tục trả lời.
Rồi họ nhìn thấy nhau. Ông Long gạt Hoàng sang và bước nhanh về phía dì Hạnh. Cả hai nhìn nhau, hai bàn tay siết chặt. Phượng tự nhiên thấy cay cay ở mắt. Nàng lùi lại rồi quay người bước ra ngoài giấu mặt cạnh một gốc dương liễu già.
- Phượng ơi, mọi người tìm Phượng đó.
Tiếng Minh nhẹ và ấm như lời an ủi:
- Phượng khóc đó à? Đừng như vậy. Hãy đợi lúc về nhà.
Phượng muốn mắng mỏ Minh cho lòng bớt nặng nề như mọi lần trước. Nhưng lần này Phượng không thể mở lời, nàng gật đầu nhè nhẹ cố trấn tĩnh.
- A, Phượng khỏe chứ? Thế nào, đi chơi có nhiều không? Cậu Hoàng không phải tập kịch tha hồ dung dăng dung dẻ nhé.
Linh cười phá lên:
- Anh Hoàng mà đi đâu, ảnh thích đi khiêu vũ và ngắm các cô gái Huế. Cháu phải ghen lên đấy mới rứt được ảnh ra.
Phượng cúi đầu đau xót, dù biết đó là sự thực. Phượng cũng muốn nghe Hoàng đính chánh. Tình yêu không thể trần trụi như vậy được. Sao Hoàng thay đổi nhanh quá vậy.
Ông Long nhìn gương mặt buồn hiu của Phượng và chợt hiểu. Ông kín đáo nói nhỏ với dì Hạnh rồi mặc cho Hoàng và Linh kèo nài mời mọc đi ăn, ông vẫn từ chối lên xe gắn máy của dì Hạnh.
- Hẹn gặp lại ngày mai, mình sẽ làm việc nhiều.
- Vâng. Nhưng tụi cháu sẽ đưa chú về. Phần xe cộ thế nào? Anh chở Phượng nghe, còn Linh em qua nhờ anh Minh chở giúp.
Linh dằn dỗi đứng nguyên tại chỗ. Phượng im lặng và trả lời bằng cách vén áo ngồi lên yên sau của xe Minh.

*

Không thể khóc được và Phượng cũng không muốn khóc. Mặc cho con tim rền rỉ, mặc cho lòng nặng đau buồn. Phượng vẫn cắn răng, hãy nhớ về một cái gì đó, nhớ đến sách vở, giảng đường, bạn bè, thầy cô, hãy vạch ra kế hoạch tiêu phí ba tháng hè ở Huế. Không về thành phố, có gì đâu mà phải trốn chạy như một kẻ hèn nhát. Phượng vẫn là Phượng, không có Hoàng, Phượng vẫn như xưa. Phượng cố suy nghĩ, bắt đầu óc mình phải đi theo ý muốn của mình, đừng chìu theo trái tim, nếu không óc nàng sẽ nhão ra, chảy tuột vì những nỗi đau rút rỉa dần dần.
Phải làm một việc gì đó, như dạo vườn chẳng hạn, mặc cho đêm này không trăng và những chú đom đóm cứ lập lòe trong đám cây rụng lá. Phượng bước sâu vào vườn và cảm thấy dễ chịu hơn. Đêm yên tĩnh vây bọc Phượng. Vườn không đến nỗi âm u bởi sao trên trời nhiều và sáng rỡ. Đêm mùa hạ trong veo. Phượng tựa người vào lưng ghế (những chiếc ghế đóng sơ sài đã đặt sẳn rải rác trong vường) thầm đếm những vì sao chi chít trên cao.
- Anh muốn mình mãi mãi là chàng chăn cừu thức suốt đêm để canh giấc cho cô chủ bé bỏng...
Có tiếng ai đó rầm rì vọng tới. Phượng giật mình ngồi thẳng người và đoán ra ngay. Ông Long và dì Hạnh. Trong tình yêu người lớn tuổi cũng có cùng tâm trạng như người trẻ. Phượng muốn vào nhà để dì Hạnh và ông Long tự do nói chuyện với nhau, nhưng Phượng không dám, vì hai người ngồi không xa chỗ Phượng bao nhiêu. Nếu đứng lên, họ biết ngay. Mà Phượng thì không muốn làm tan cái giây phút tuyệt vời đó của hai người.
- Nhưng em sợ mà cũng lo nữa.
- Bây giờ mọi chuyện đã xong. Việc ly dị của anh đã hoàn tất. Luật sư đang làm vài thủ tục hành chính về các bất động sản. Cũng chả có gì ngoài căn nhà và anh chỉ giữ lại cho mình vài món đồ kỷ niệm, thế thôi.
- Nhưng... chị ấy có biết việc anh có một người đàn bà khác là em chưa.
- Anh đã nói hết cho Mộng Thu biết. Có gì mà phải giấu diếm. Tụi anh đã ly thân mấy năm nay rồi chứ đâu phải đợi đến bây giờ. Cô ấy cũng có người yêu mới mà.
- Rứa... anh có ghen về chuyện ấy không?
Có tiếng cười nhỏ của ông Long và tiếng nói nũng nịu không rõ của dì Hạnh.
- Anh định trong tuần này phải nói thật với ba má em. Anh muốn có em thật sớm, ngay tức khắc.
- Chưa, chưa được đâu, để em tìm cách báo cho má em biết đã. Mà mình chưa thể cưới nhau ngay đâu. Anh mới ly dị được mấy ngày... người ta đồn đại... thì chết em.
Ông Long bực tức.
- Những người ngồi lê đôi mách, nơi nào cũng có, nhưng đừng quan tâm đến.
Dì Hạnh bỗng ngập ngừng:
- Em còn lo nghĩ một chuyện... nếu em sống chung với anh rồi ai săn sóc ba má. Ba má em già rồi, tất cả mọi chuyện trong gia đình là do một tay em lo liệu.
Ông Long nóng nảy gạt ngang
- Em cứ đem ba má vô ở chung một nhà. Anh kính trọng ba má như ba má ruột của anh... không có gì em phải ngại.
Giọng dì Hạnh thảng thốt.
- Rời Huế. Không được mô anh ơi. Rau nào đất đó. Ba má em còn xưa hàng ngàn lần. Làm răng mà nghĩ đến chuyện đi.
- Nhưng trong đó cũng có con cái mà.
- Dạ, nhưng em biết ba má không chịu mô, cái đó mới là cái lo của em.
- Không lẽ Hạnh ở vậy hoài sao?
- Không... nhưng em không biết xử sự ra răng.
Ông Long cương quyết:
- Vậy thì phải để cho ba má quyết chuyện này. Rồi sau đó sẽ liệu.
Giọng dì Hạnh sũng nước.
- Không, không được đâu anh Long ơi.
- Được, nhất định phải được. Anh không muốn mất em.
Lá lao xao, bước chân dì Hạnh và ông Long dìu nhau đi về hướng bến sông. Phượng nhanh nhẹn đứng lên rời chỗ. Cuộc sống phức tạp quá và đâu chỉ một mình Phượng đau buồn. Phượng bước vào nhà khẽ thở dài.