Chương 14

     hượng đi lui đi tới hàng bán vải muốn rã chân vẫn chưa tìm được màu hồng vừa ý. Chỗ này đậm quá, chỗ kia lại nhợt nhạt, Phượng nhìn lại mẫu hàng rẻo màu hồng dì Hạnh đưa cho, đúng là màu hồng phấn, phơn phớt như cánh hoa đào. Trước khi Phượng đi, dì đã dặn:
- Cháu nhớ tới hàng dì Thương, dì sẽ để giá sỉ cho.
Sau một hồi lục lạo, dì Thương trả mảnh rẻo lại cho Phượng:
- Màu này dì hết rồi, cháu lấy màu lợt hơn được không.
- Thôi để cháu tìm chỗ khác.
- Chà, cháu khó quá hí.
- Không phải đâu dì, cháu phải lựa đúng màu hồng hoa đào để may áo cưới cô dâu mà.
- A, dì nhớ rồi. Hạnh sắp lấy chồng phải không?
- Dạ, chắc là tháng sau. Ngoại cháu đang coi ngày.
Dì Thương chép miệng:
- Uổng thật, dì có đặt mua một hàng xoa đẹp lắm nhưng chưa biết khi nào tàu mới về.
Phượng ra khỏi chợ, ra phố thử xem sao. Hiện giờ con dâu bác Vinh đã lành bệnh hoàn toàn, nên Phượng đã thôi bán sách. Thời gian rỗi rảnh, nàng đã đi chơi với Minh nhiều nơi và tình nguyện làm người mẫu cho chàng. Đám cưới sắp tới của dì Hạnh đã cuốn hút Phượng đủ điều, tuy không rõ ràng nhưng làm nàng bận rộn luôn tay, nào may màn cửa, tập cắm hoa, xếp khăn bàn tiệc... đó là chưa kể bà ngoại bắt nàng phải biết nấu một vài món ăn Huế để bà giới thiệu nàng với mấy bà bạn già của bà. Dì Hạnh đã nói nhỏ vào tai Phượng: “Bà ngoại muốn làm mai cho cháu đó”. Phượng chỉ cười khi nghe dì nói vậy chưa bao giờ nàng nghĩ đến chuyện hôn nhân. Phượng còn quá trẻ, đường tương lại trước mặt còn dài, bao nhiêu thú vui tuổi xuân đang chờ đợi Phượng, dại gì đi lấy chồng ở tuổi đôi mươi, Phượng thấy bà ngoại sao mà lẩm cẩm thế.
Ngang qua cửa hàng sách của bác Vinh, Phương thấy Diệu Hương ngồi bên trong nhìn ra, mặt buồn xo.
Phượng vui vẻ:
- Diệu Hương chịu ngồi bán dùm nội rồi à. Dạo này có gì vui không?
Diệu Hương bước đến bên Phượng:
- Em chán đời lắm chị Phượng ơi.
- Có chuyện gì vậy?
Diệu Hương cúi mặt buồn buồn:
- Đúng Minh Hoàng là cánh bướm đa tình, nhan sắc em không giữ nổi chân anh ấy.
Phượng chợt hiểu. Nhưng nàng không ngờ, Hoàng lại bỏ rơi Diệu Hương nhanh đến như vậy. Diệu Hương mở hộc tủ lấy ra một tờ báo nhàu nát đưa cho Phượng xem. Hàng tít lớn ngay trang nhất đập vào mắt Phượng:
- “AI SẼ ĐÓNG VAI NAM CHÍNH TRONG CUỐN PHIM DÃ SỬ ĐẦU TAY CỦA ĐẠO DIỄN TRƯƠNG HOÀNG LONG”.
“Sau một thời gian tìm kiếm và thử vai, đạo diễn Trương Hoàng Long vẫn chưa tìm được vai nam diễn viêm vừa ý. Dư luận đang xôn xao bàn tán, tại sao chưa thấy kịch sĩ Minh Hoàng nhập cuộc. Hình như giữa ông đạo diễn và chàng nghệ sĩ tài hoa này có một vướng mắt nào đó chưa giải quyết xong. Mọi người đang chờ đợi sự xuất hiện của Minh Hoàng trên màn ảnh lớn...!”
Diệu Hương nói:
- Từ ngày Hoàng đọc thấy tin này, anh ấy tránh mặt em luôn.
- Sao kỳ vậy? Biết đâu Hoàng bận chuyện gì chăng?
- Anh ấy đã viết thư nói thẳng với em rằng, nên quên anh ấy đi.
Chắc là chàng ta đã tìm thấy một bông hồng khác, Phượng nghĩ nhưng không dám nói ra đành an ủi Diệu Hương vài câu rồi tiếp tục đi tìm vải cho dì Hạnh.
Khi Phượng mua được vải, bước ra đường để gọi xích lô thì đã thấy Hoàng ngồi trên chiếc cúp bóng loáng đang nổ máy, giọng Hoàng thân mật đến không ngờ:
- Phượng mua gì mà lâu thế, làm anh đợi nãy giờ.
Phượng tròn xoe mắt. Hoàng giải thích:
- Anh đi ngang thì thoáng thấy dáng Phượng bước vào tiệm vải, anh dừng xe chờ em từ nãy giờ.
Phượng lắc đầu:
- Phượng vẫn chưa hiểu, anh chờ Phượng để làm gì?
Nét mặt Hoàng đau khổ rất kịch:
- Nếu Phượng biết suốt tuần lễ này, anh làng thang đi tìm em như một kẻ thất tình!
- Phượng vẫn ở nhà chứ có bốc hơi bay mất đâu.
- Anh có đến nhà Phượng vài lần, lần nào cũng gặp dì Hạnh, và lần nào dì cũng bảo Phượng đi chơi với bạn trai rồi.
Phượng nghĩ đến Thùy Linh và thấy rằng thái độ của dì đối với Hoàng rất phải, không ai thèm tử tế với một tên đểu giả bao giờ.
- Phượng à, anh biết người bạn trai của Phượng là ai rồi.
Phượng nghiêm nghị:
- Đó là chuyện riêng của Phượng, anh đừng có tò mò.
Hoàng thở dài:
- Không ngờ số anh vô duyên quá. Anh là người đến trước nhưng lại về trễ.
Phượng ngắt lời:
- Thôi anh đừng giở giọng cải lương nữa, để Phượng về kẻo tối.
- Nãy giờ anh nổ máy chờ Phượng đây, mời em.
- Phượng đi xích lô được rồi, khỏi phiền anh.
Hoàng năn nỉ:
- Phượng ơi, anh có nhiều chuyện muốn nói với em lắm. Đừng nên tàn nhẫn với anh như vậy. Lên xe đi, không lẽ em bắt anh phải quỳ ngay xuống lề đường để mời em sao.
Một vài người tò mò đứng nhìn làm Phượng mắc cỡ, đành để Hoàng chở đi. Hoàng ngừng xe trước một quán kem:
- Anh muốn nói chuyện với Phượng, mong em đừng từ chối.
Phượng nghĩ, mặc kệ, hơi đâu mà dằng co cho mệt, thử xem anh chàng nói gì.
- Phượng, chắc lâu nay em giận anh lắm. Cho anh xin lỗi. Vì bận tập dợt, anh không thể đến thăm em được, nhưng lòng anh luôn hướng về em, đến mối tình đầu nồng thắm của chúng ta.
Không biết anh chàng định giở trò gì đây. Nhìn đôi mắt van lơn của Hoàng, lòng Phượng dửng dưng. Nàng ngồi im.
- Phượng ơi, em tha thứ cho anh chứ?
Phượng lạnh lùng:
- Đã từ lâu, Phượng xem anh như bạn và chỉ là bạn mà thôi.
Hoàng cố vớt vát:
- Em không còn yêu anh nữa sao?
Phượng mỉm cười:
- Hãy coi Phượng như bạn thôi.
Hoàng thở dài:
- Không ngờ Phượng lại cứng rắn đến như vậy.
Hai ly kem bắt đầu chảy nước, chả ai buồn ăn. Phượng đứng lên. Hoàng đưa tay ngăn lại:
- Anh có chuyện muốn nói với em. Hãy nán lại chút xíu.
Phượng miễn cưỡng ngồi lại, Hoàng do dự một giây rồi hỏi:
- Hình như dì Hạnh sắp lấy chú Long?
Phượng gật đầu. Hoàng nói tiếp:
- Chắc là chú Long đến nhà Phượng thường xuyên?
- Dĩ nhiên. Họ đang bàn chuyện đám cưới mà.
- Phượng có bao giờ nghe chú Long nhắc đến tên anh khi nói đến cuốn phim của chú ấy không?
À, bây giờ thì Phượng đã hiểu. Nàng liên hệ từ nội dung bài báo, sự ruồng rẫy Diệu Hương đến lời tạ tội bất ngờ của Hoàng với hy vọng nhờ tiếng nói của Phượng và dì Hạnh, Hoàng sẽ được ông Long chọn đóng vai chính cho cuốn phim sắp quay.
- Phượng, em có nghe anh hỏi không?
Phượng nhìn Hoàng chăm chú:
- À, về chuyện cuốn phim ấy hả, Phượng chả nghe chú Long nói gì cả.
- Hình như chú Long muốn tránh anh thì phải, đã nhiều lần anh ghé chỗ chú nhưng chú luôn vắng mặt.
Anh chàng đổi cách xưng hô thật lẹ, từ “ông” sang “chú”, giọng thì ngọt xớt như đường chả bù những lần gặp trước, ổng này ổng nọ.
- Chú Long hay đến nhà Phượng, Phượng giúp cho anh gặp chú Long được không?
- Nếu anh muốn, cũng được thôi.
- Anh đưa Phượng về nhé.
Trời đã tối dì Hạnh đứng chờ nơi cổng:
- Cháu đi mô mà lâu rứa?
Thấy Hoàng, dì làm mặt lơ, Hoàng cười vui vẻ:
- Dì ạ, nghe dì sắp lên xe hoa, cháu chúc mừng dì.
- Cám ơn cậu, mời cậu vào nhà chơi.
Hoàng dắt xe vào, dì Hạnh đóng cổng, Phượng đứng lại bên dì:
- Anh ta muốn gặp chú Long.
Dì Hạnh nhăn mặt:
- Cháu còn giao thiệp với tên đểu cáng đó làm gì nữa.
- Anh ta cứ theo cháu, cháu không thể từ chối được. Thôi cứ để cho anh ta gặp chú Long, anh ta muốn thử thời vận trong lãnh vực điện ảnh.
- Mặc kệ nó, dì ghét lắm.
Hai dì cháu vô nhà thấy ông Long đang ngồi nói chuyện với Hoàng, nét mặt ông có vẻ miễn cưỡng. Phượng chào ông:
- Chú.
Ông Long tươi cười:
- Cháu đi phố về đấy à, sao trễ vậy cháu, làm dì và chú đợi cháu quá chừng.
- Có gì không chú?
- Chú định mời hai dì cháu đi ăn cơm âm phủ. Ông bà ngoại đi dự tiệc rồi cháu ạ. Cháu vào tắm rửa thay áo quần đẹp nhanh lên nhé.
- Phượng ơi.
Dì Hạnh kêu nàng từ trên gác.
- Cháu mua vải có không?
- Cháu kiếm muốn chết mới có đó dì ơi. Y hệt như mẫu dì đưa. Dì thưởng chi cho cháu nào?
- Thưởng cơm âm phủ.
- Dì khôn vừa thôi nha, đó là phần của chú rể, còn quà của cô dâu cơ...
- Thôi cháu lém quá, đi sửa soạn nhanh lên. Đuổi đồ khỉ đi cho rồi.
Phượng tò mò hé màn nhìn ra phòng khách. Ông Long vẫn đang còn nói chuyện với “đồ khỉ”:
- Cậu đừng tưởng tôi không biết việc làm của cậu. Chuyện riêng tư của cậu tôi không xen vào, thì tại sao cậu lại muốn phá hạnh phúc của tôi? Cậu là đàn ông mà nhiều chuyện quá.
- Chú nói gì cháu không hiểu.
- Tôi muốn nói đến lời tuyên bố bậy bạ trên báo chí của bà Mộng Thu. Tất cả đều do cậu mớm lời. Tình cảm giữa tôi và bà ta đã chấm dứt trong đời sống cũng như trên pháp lý, vậy tại sao cậu lại đi thêu dệt nhiều chuyện động trời để bà ta phải ghen tức lên?
- Chú hiểu lầm cháu rồi, chính bà vợ chú đã tự ý ra Huế.
- Đúng, bà ta muốn tìm tôi để hoàn tất một số thủ tục. Nhưng bả đã gặp anh. Chính anh đã khơi nguồn tự ái trong bả. Đàn bà mà, đôi khi người ta nghe vì tự ái hơn là vì yêu.
Hoàng cười giả lả:
- Nhưng thưa chú, cuối cùng chú cũng đã tìm thấy hạnh phúc...
- Cậu quan niệm thế nào là hạnh phúc?
- Thưa chú, đối với cháu bây giờ, hạnh phúc nhất là được giữ vai chính trong cuốn phim của chú.
- Vậy thì rất tiếc, tôi xét thấy cậu không đủ sức.
- Cháu biết, đây là một vai khó, nhưng cháu rất tin ở sức mình.
Ông Long đứng dậy:
- Cậu cứ về đi, khi nào cần tôi sẽ gọi.
- Cháu sẽ đến chú thường xuyên.
- Tôi không có mặt ở nhà đâu.
- Cháu muốn chào dì Hạnh và Phượng.
- Họ bận trang điểm, để tôi chuyển lời cho.
Hoàng tiu ngỉu ra về. Minh cũng vừa về tới khi ông Long, dì Hạnh và Phượng ra tới cửa. Dì Hạnh reo:
- Hay quá, Minh đây rồi, mau chở Phượng đi. Rứa mà hai dì cháu định kêu xích lô nữa chứ.
Minh cười với Phượng:
- Phượng thấy chưả Con người hạnh phúc bao giờ cũng đang lơ lửng trên chín từng mây.
Dì Hạnh ngạc nhiên:
- Minh nói ai rứa?
- Dì chứ ai? Khi không nói cháu chở Phượng đi, mà đi đâu mới được chớ.
- Minh khó chịu quá.
- Còn thua xa cô cháu cưng của dì.
Phượng bước đến nhéo vào vai Minh:
- Nói gì nói lại thử coi. Không thèm cho Minh chở nữa, tối nay cho Minh nhịn đói nha dì.
- Ờ, cho nó ăn không khí.
Minh nhìn ông Long:
- Chú ơi, phái nữ ăn hiếp cháu quá, sao chú chả chịu bênh cháu gì hết trơn vậy?
- Cho cậu chết, lẻo mép vừa thôi chớ. Dì Hạnh cho đi ăn cơm âm phủ còn không muốn, cứ chọc quê dì, rồi còn chọc quê cả cô cháu cưng của chú nữa.
Minh quay xe lại:
- Hết sẩy, mời Phượng lên xe ngay.
Bốn dĩa cơm bày ra trước mặt sao mà hấp dẫn quá. Màu cơm trắng tinh làm nổi bật màu tôm chấy đỏ tươi, thịt nướng vàng ươm, dưa leo xanh mượt mà, lấm tấm những hạt đậu phụng đâm nhuyễn, mỡ màng hành phi thơm ngát, Ông Long gật gù:
- Cơm ngon như thế này mà sao gọi là cơm âm phủ nhỉ, thật lạ kỳ.
Dì Hạnh giải thích:
- Kỳ chi mà kỳ. Tại anh không biết đó thôi. Hồi mới có cơm âm phủ, chỉ có một quán thôi. Quán tọa lạc nơi một vùng đất trũng, lại không có điện, nên người chủ quán đặt tên là “cơm âm phủ” cho có vẻ âm u và kỳ bí. Anh thử tưởng tượng xem, giữa cánh đồng không mông quạnh, dưới ngọn đèn dầu leo lét, ăn một dĩa cơm nóng với đầy đủ gia vị kể cũng nên thơ lắm chứ.
Ông Long rùng vai:
- Anh ớn lắm, cúp điện là nỗi ám ảnh của anh.
Minh cười:
- Chú lại méo mó nghề nghiệp mất rồi.
- Đúng đấy Minh ạ. Cứ nghĩ đến vở kịch mình tốn bao nhiêu công sức để dàn dựng, ngày ra mắt, mọi người đang nao nức nhìn lên sân khấu, thì a lê hấp, ông nhà đèn chơi xỏ cúp cầu dao, thật không có cái đau nào hơn.
Dì Hạnh nguýt yêu:
- Đang nói về “truyền thuyết cơm âm phủ”, tự nhiên anh lại đem kịch của anh vào đây.
Minh rót bia đầy ly ông Long.
- Thay mặt dì Hạnh, cháu phạt chú - Rồi Minh rót vào ly mình - và phạt cả cháu nữa, vì cháu đã gợi ý cho chú lạc đề.
Phượng kêu lên:
- Cấm Minh lợi dụng thời cơ đấy.
- Để Minh uống cho đủ đô, chốc nữa hai đứa mình chạy xe xuống hố chơi.
Phượng giật ly bia của Minh lại:
- Phượng còn yêu đời lắm, Minh cứ tự tử một mình đi.
Dì Hạnh âu yếm:
- Thôi ăn đi kẻo nguội hết kìa.
Phượng đưa muỗng cơm lên miệng:
- Dì Hạnh nói tiếp chuyện cơm âm phủ đi dì.
- À, thì dì nói nguồn gốc chữ âm phủ rồi. Quán nổi tiếng một thời gian thì nhiềy người bắt chước, họ bày đặt thêm nhiều món nữa như bánh ướt thịt nướng, nem nướng... rồi thay vì thắp đèn dầu, người ta xài điện, chữ âm phủ mất dần ý nghĩa.
Ông Long nói:
- Dù sao anh vẫn thích ngồi ăn trong ánh sáng hơn.
Phút chốc, mấy dĩa cơm đã hết. Ông Long hỏi:
- Mọi người ăn thêm nem nướng nhé.
Trong khi chờ đợi, Minh dùng khăn ăn xếp cho Phượng xem rất nhiều hình mỹ thuật. Ông Long khen:
- Chà, bàn tay họa sĩ có khác.
Phượng hỏi:
- Chú Long ơi, cháu có đọc một bài báo nhắc đến cuốn phim của chú. Bao giờ thì chú bấm máy đấy?
Ông Long hớp một ngụm bia:
- Cũng vì bài báo đó mà Minh Hoàng quấy rối chú suốt tuần nay. Thật, chú sợ mấy tay nhà báo luôn.
- Vậy chú có chọn Minh Hoàng không hở chú?
- Chú nghĩ là cháu đã biết quan điểm của chú rồi chứ.
Phượng ngập ngừng:
- Nhưng bây giờ, chú đang kẹt diễn viên mà.
- Thà chú bỏ luôn cuốn phim, cháu à. Nhưng cháu đừng lo, mấy ông nhà báo chỉ đoán mò mà thôi. Chú đã chọn được cảnh và đầy đủ diễn viên rồi. Lần này là hai khuôn mặt mới ra trường Điện ảnh thành phố. Cháu đừng lộ ra nhé, chú muốn giữ bí mật đến phút cuối.
Minh dí dỏm:
- Cháu chắc chắn là, trước cuốn phim đó, chú đang làm một cuốn phim để đời, do dì Hạnh đóng vai nữ chính?
Dì Hạnh đỏ mặt trong khi ông Long tự nhiên:
- Đúng cháu à. Còn cuốn phim kia sẽ được bấm máy sau tuần trăng mật của chú và dì Hạnh.
Dì Hạnh mắc cỡ, vờ nhìn lên tấm lịch treo tường:
- Mới đó mà đã sắp hết hè rồi.
Phượng nói:
- Cháu vẫn kịp ăn đám cưới dì mà, phải không Minh.
Minh đứng dậy, nói nhỏ vào tai Phượng:
- Mình làm kỳ đà cản mũi hơi lâu rồi đấy, tìm cách rút lui đi.
Phượng đúng dậy theo:
- Cháu và Minh xin phép về trước có chút công việc.
Ông Long khoát tay:
- Các cháu cứ tự do.
Minh phóng xe như bay, qua khỏi cầu Tràng Tiền, Minh đề nghị:
- Mình đi một vòng quanh thành phố chơi nha.