6. Như Phong

Nhà Như Phong ở trước cửa chợ Đồng Xuân, anh thật cũng không rõ nhà mấy đời ra Hà Nội, ở vùng chợ Đồng Xuân. Chỉ biết ngày trước ở trên Yên Ninh, Hàng Than rồi chuyển dần xuống phố chợ búa buôn bán này.
Có thể nói, gốc gác anh người Hà Nội. Nhà anh nòi võ. Cụ nội anh đã từng đi thi võ - cụ bạn bè với cụ cử Tốn, cử võ mà thời chúng tôi cũng còn biết tiếng.
Nhưng rồi Tây sang, cái thuở Kẻ Chợ trên bến người dưới thuyền mảng vào đậu bến Nữa tự nhiên cũng không còn nữa.
Thời ấy, các phố cũ chật chội, nhưng để ý cũng phân biệt những khác nhau. Chỉ một dọc từ hàng Giấy xuống cuối hàng Đào thấy dần dà mọc lên những nhà giàu mới nổi: Cửu Nghi hàng Bồ, Lê Thuận Khoát hàng Ngang, nhà đỏ Chấn Hưng hàng Bạc nhô ra những dinh cơ đồ sộ như những con trâu, con voi giữa đám tường so le dựa nhau của những nhà ở phường cùng nghề phố Hà Trung, hàng Quạt, hàng Mành, hàng Hòm... Vùng buôn bán sầm uất của người Tàu, hiệu thuốc và hiệu cao lâu, chè Chính Thái. Ninh Thái- dâu Đại Quang và hàng Buồm, phố Kiến (Phúc Kiến) Quãng hàng Đường, hàng Chiếu (phố Mới) vẫn có những nhà buôn cổ, nền nếp nhiều đời. Cửa hàng cũ kỹ, thạp đường khay chè sơn then mà ngày nay vẫn còn có thể trông thấy những tấm ảnh chụp trong các sách của người Pháp thời kỳ ấy ở các thư viện khoa học. Và những nghìn giấy bản, giấy moi, cửa hàng kẹo bột, kẹo chày, nước hoa bưởi cất, hàng đường cát, đường phèn, hàng chè búp, hàng thùng, hàng củ nâu...
Nhà Như Phong vốn nghề cất bán lẻ những thứ hàng cổ xưa ấy. Hai ben chen những dãy nhà như những bao diêm chồng cạnh nhau, nhà hẹp mà thấp sâu trông vào tối âm xâm, tun hút, không có gió lùa cửa ngách: hơi ẩm đất, ẩm gồ, ẩm ngói lành lạnh đến gây người.
Những nhà, những phố những cửa hàng cũ kỹ già như tuổi của thành phố.
Những truyện ngắn đầu tiên của Như Phong viết về các mái nhà phố phường Kẻ Chợ, về mỗi căn nhà và mỗi con người ở đấy. Những truyện ngắn của anh đượm một hơi văn: một tinh thần và quang cảnh vừa trang trọng vừa lịch sự lại là thật hiện đại. Trong cái eo xèo thường ngày của đời sống thành phố, phảng phất một thoáng trong sáng, mới lạ. Đấy là cảm tưởng tôi lần đầu đọc truyện ngắn của Như Phong ở Hà Nội, của Cao Thọ Ân ở Hải Phòng in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, quãng năm 1936.
Có khi Như Phong nói vui: "Mình được sinh ra giữa những bức tường và mái nhà, cả đời chưa bao giờ trông thấy mặt trời mọc. Mỗi ngày nhìn lên đã gặp ánh nắng ở trên đầu tường rồi”. Dễ thường câu nói nhận xét ấy cũng phản ánh hình ảnh mơ ước của tuổi thơ, của tinh thần những sáng tác đầu tiên của chàng trai phường phố khi đưa xuống bút những ý nghĩ xa vời của mình. Tôi ngỡ như thế và thông cảm sự ham chuộng cái gì khác thường ngày trong những sáng tác đầu tay của Như Phong. Những suy nghĩ, những khắc khoải, những ước mơ, những tưởng tượng xanh trong như trời xanh trên kia của lứa tuổi nhìn ra cái ô cửa sổ cánh gỗ gạn sát mái nhà, mỗi khi mở then lại phải nhấc tấm mành, mà cũng chỉ thấy gờ lên những mái nhà, lại những mái quanh quẩn.
Ai từng ở những căn gác hẹp chật chội quanh co giữa thành phố mới nhìn ra được vùng sông quái lạ nhấp nhô những mái nhà, những đầu tường, những mỏm chuôi vồ nóc mái cứ xám mờ như làn sóng đất.
Sóng quẩn, cao thấp quành quanh, phía nào cũng thấy thế, mái nghiêng, từng miếng chìa ra dưới cánh cửa mắt bò ti hí hé như con mắt ngái ngủ ngỡ ngàng trước làn ngói lô xô vây bọc đời đời, cả đời.
Những mà ngẩng đầu lên trên làn sóng mái ngói u uất ấy, in một khoảng trời xanh. Trời thu thành phố xanh vô cùng xanh. Đấy có phải là biểu tượng một khắc khoả một hy vọng trên cái trơ trọi tẻ ngắt nổi lên niềm mơ ước đến không cùng.
Trong những cây bút viết truyện ngắn thời kỳ này mà tôi thường đọc, tôi không thích những truyện ngắn nhẹ nhàng của Khái Hưng, Nhất Linh, mà trong lớp trẻ hơn viết truyện ngắn như Nguyên Hồng, Cao Thọ Ân, Nguyễn Xuân Huy, Ngọc Giao, Thanh Châu, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du tôi yêu truyện ngắn Cao Thọ Ân và Như Phong hơn cả, mặc dù Như Phong viết không nhiều. Truyện ngắn Như Phong gọn thoáng, mới lạ, khơi gợi nhiều đối với một người đương tìm học và tìm lẽ sống như tôi.
Trong đời viết, Như Phong chỉ sáng tác có độ trên, dưới mười truyện ngắn đầu tay. Sau này, vào kháng chiến chống Pháp, khi ở Gia Điền (Phú Thọ), Như Phong cũng viết một tiểu thuyết, nhân vật chính tên là Tâm và Như Phong cũng định đặt tên tiểu thuyết là Tâm. Có lẽ là một tiểu thuyết tự truyện. Nhưng anh cũng chỉ mới viết được có mỗi một chương.
Những truyện ngắn của Như Phong mang tâm sự và khát vọng của một thanh niên mới lớn ngồi trong ô cửa sổ con con nhìn ra "thèm chân trời mà chưa hề thấy chân giời". Nỗi lòng cùng ý chí và ước muốn của người traí tré giữa chật hẹp, bức bối mà xa kia là trời xanh thăm thẳm.
Đấy không chỉ là dáng nét quang cảnh bề ngoài, mà là những con người, những tâm sự. Trong truyện ngắn, Như Phong miêu tả một lớp nhân vật trẻ tuổi. Lớp người, có cả tác giá, có cả bạn đọc, cả lứa luôn chúng tôi lầm lụi quanh quẩn dưới những mái nhà hũ nót, bao nhiêu đời nay đã thế, có thể còn cứ thế mãi với cuộc sống vật lộn bon chen, nhưng mỗi lúc cực nhọc, u uất quá, trông ra, thấy được mảnh xanh phương trời hình như có đem lại một ý nghĩa khác. Đối với những ai trong khắc khoải, những gì làm cho thấu hiếu thêm nỗi đau khổ cùng lứa tuổi chúng tôi, nhân vật - người viết và người đọc cũng như nhau, tất cả đều cảm thương những người trẻ tuổi ấy cứ xám ngắt lại có cơ cọc cằn, tàn úa đi, nếu chỉ như thế nào ngày ngày...
Những cái như tưởng tượng đó chính lại là hình thù mọi mặt của sự thật cuộc sống và tư tưởng một lớp thanh niên vào quãng trên dưới thập niên 40 của thế kỷ này, những năm cao trào công khai Mặt trận Dân chủ Đông Dương, cờ đỏ được trương lên giữa cuộc mít-tinh quần chúng ngày 1 tháng năm 1938 ở khu nhà Đấu Xảo với những đợt chúng tôi hô đến khản giọng, đả đảo tờ-rốt-kít. Tình thế đã khẩn trương thật đặc biệt.
Thế rồi, chiến tranh thế giới xảy ra. Đợt khủng bố ác liệt ập đến. Pháp, Nhật: thực dân và phát-xít đều vằn máu mắt, ra tay bắt và giết. Nhưng sức mạnh nổi dậy đã là một sự thật, như mảnh trời xanh nguyên rất Hà Nội kia, chàng thanh niên Như Phong, lớp tuổi trẻ Như Phong thời ấy, đã có mặt và tham gia Tổng khởi nghĩa.
Dưới mái những nếp nhà cổ xưa ngói lượn lộn xộn, trong ô cửa mắt cáo tối om, những bàn tay con người giơ ra, đã vốc được trời xanh, trời xanh lồng lộng trong mắt, trên tay. Tiếng nói gửi gắm vào những truyện ngắn của Như Phong đã thành sự thật của hiện thực ước vọng của tuổi trẻ.
Cuộc sống chẳng bao giờ đơn giản. Nhìn lại tình thế thời đó, tình thế ở mỗi người, dằng dặc, éo le những khủng khiếp mà người ta đã vượt qua hay đành chết chìm trong ấy. Một bên, đêm ngày khốc liệt những tàn sát đẫm máu của thực dân và phát xít. Một bên, những hoạt động cách mạng đưa từ âm ỉ tới thức tỉnh. Hai làn sóng sôi sục, lay động tất cả. Mỗi con người phải thế nào, sẽ thế nào. Không ai có thể đứng yên, ở yên.
Chúng tôi, những người đương quằn quại trong sóng gió ấy, chúng tôi rã rời đi hay là tới được khoảng trời xanh vẫy gọi kia.
Khi tôi bắt đầu cầm bút, các nhà lớp trước như Tản Đà, như Vũ Trọng Phụng đã mất, tôi không được biết mặt. Các đàn anh Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân đều ở lứa tuổi trên. Các nhà văn trước kia đã từng sôi nổi hướng nghĩa như Trúc Khê, Nhượng Tống cũng đã luống tuổi và sống yêu phận ngày ngày đi làm công việc dịch thuật, trước tác lĩnh lương tháng.
Hình ảnh lý tưởng về con người cầm bút khá hấp dẫn lúc ấy đối với tôi là Như Phong và Nguyên Hồng - những người viết gần gũi, xấp xỉ trên tuổi tôi một chút.
Chúng tôi thường gặp nhau tại phố Phạm Phú Thứ toà báo Thế giới, cơ quan Đoàn thanh niên Dân chủ. Ở đấy có Đào Duy Kỳ, giỏi lý luận, có Trần Mai Ninh viết lối văn vừa thơ mộng, vừa khác lạ, cực mới, có Thành Ngọc Quản biết bốc ăng-lê và chúng tôi say sưa bàn về một tờ báo phiêu lưu mà lý thú, toà soạn ở Hà Nội, nhưng in và phát hành ở Sài Gòn. Tôi còn nhớ, cái nhà báo Thế giới, mặc dầu chỉ là một gian hẹp, khác nào cái cửa sổ mở ra trên nóc những đợt sóng mái nhà trước cửa chợ Đồng Xuân. Giữa phòng kê tấm áp-phích to hơn chiếc chiếu liền dán lên cót ngăn đôi gian phòng. Áp-phích của Đoàn thanh niên Cộng sản Pháp: một đám trai gái giơ nắm đấm kiểu chào mặt trận Bình dân. Tờ tranh khuấy động không khí gian nhà âm thầm. Và ở đấy nhiều khi đã sôi nổi những cuộc tranh luận quanh những gói thịt chó, gói thịt vịt quay và cút rượu mua ở chợ hàng Da về.
Những người viết văn, viết báo ở Hà Nội thời kỳ này sống ồ ạt, phóng túng, làm ăn và chơi bời, không ai coi như thế là không bình thường. Nhưng chúng tôi cũng không hẳn là những tay ăn chơi đến vục mặt xuống. Sống và sáng tác, chúng tôi vừa ngoi ngóp, lại vừa tự vượt lên. Cuộc sống thời thượng, sa đoạ kề cạnh những hoạt động mải mê, hăng hái. Có khi thức trắng đêm viết một cái truyện ngắn trên gác một nhà ả đào ở dưới Ngã Tư Sở. Không cắt nghĩa mà chỉ thấy thế là ngang tàng, tối hôm trước ngủ xăm đầu phố Sinh Từ, sáng hôm sau xông đi gặp tờ-rốt-kít Nguyễn Tế Mỹ tranh luận một trận lôi đình. Ở một tiệm hút cuối phố hàng Chiếu, âm thầm nghi ngút như trong cửa điện đồng cô, cãi nhau rầm rĩ về H. Bác-buýt, về Phít-ni-ê...
Tôi ngỡ thế mới thật kiểu nghệ sĩ và cách mạng. Nhưng, thời thế biến chuyển hàng ngày, tình hình không phải lúc nào cũng đọng lại, phóng khoáng và miên man như vậy. Trên Hàng Giấy, những hiệu bán đối trướng Tùng Lâm, Tiến Cảnh- cơ quan liên lạc bí mật của Xứ uỷ Bắc Kỳ, đã biến mất. Ô tô mật thám lùng bắt người suốt ngày. Những người ở toà báo của Đảng không biết đã rút kịp hay đã bị bắt: Đoàn thể gọi Nguyên Hồng xuống Hải Phòng định đưa đi thoát ly, nhưng rồi Nguyên Hồng bị bắt, bị đầy lên căng Bắc Mê, Như Phong bị xích tay giam ở sở mật thám...
Thành phố đêm trong ánh đèn phòng thủ thụ động tối như hũ chum. Những người còn sót lại có cảm tưởng rỗng không.
Mật thám dung dưỡng cho mấy tay tờ-rốt-kít đánh võ mồm mặc sức hò hét "giai tầng vô sản làm cách mạng thế giới". Cánh ấy ra báo, cũng in bí mật dưới tên báo Tranh đấu có dòng chữ "đệ tứ quốc tế phụng sự cách mạng thế giới!”. Trên đường phố len lét mấy người mất tinh thần trước cơn khủng bố trắng. Bọn mật thám để yên cho những người ấy trước cũng hoạt động bây giờ đi lang thang. Có người gặp ai cũng xin tiền ăn, hút. Họ viết báo, sáng tác tầm phơ - mà trước đây đã có những bài rất cách mạng đã đi mít tinh đứng trước chị em tiểu thương chợ Đồng Xuân, tay cầm ba-toong, mặc vòi rồng xả nước vào người, vẫn đứng.
Không còn ai nữa. Những sôi nổi đã qua. Chúng tôi bàng hoàng, lặp ngụp giữa ngột ngạt, giữa bế tắc, giữa những tình huống quái ác ấy. Khác nào lại ngồi nhìn làn sóng quẩn các mái nhà, có trời xanh trên kia. Hoặc là ngạt trong tăm tối ấy, hoặc là mở cửa tới được.
Ở một tiệm thuốc phiện phố Mã Mây. Gác xép trong ngõ tối tăm, ướt át kiểu này, cứ nhô lên khỏi cái thang gỗ, chỗ nào cũng là tiệm hút. Những ổ rệp rải rác các ngóc ngách tồi tàn. Mấy tấm phản kê đổi đầu đổi đuôi, vừa bằng hai cái áo quan ghép một, đã nhếch nhoáng mồ hôi lên nước nhẵn thín, với khúc gối gỗ trơ trọi.
Những hạng người nào lui tới đây? Ở tuổi tôi lúc ấy chưa đủ trải biết những lọc lõi đến thế. Tôi trông thấy chỗ nào cũng người ngả lưng âm thầm, lúc nhúc như nhau. Đám áp-phe. Du côn. Me tây. Con bạc.
Người sắp đi tự tử. Những đứa choai choai tập tọng ăn chơi. Đám nhà vặn, nhà báo với bọn đàn em để sai bảo. Quần áo, mặt mũi người nào cũng rầu rĩ u ám. Họ không phải những ông nghiện bóng môi lên như ông Thạch Lam hay ông Lê Văn Trương. Nhiều người còn thật trẻ cũng không đoán được tuổi tác thế nào. Lại những ông bị đoàn thể bỏ rơi, viết báo nhăng nhít và đi xin tiền. Sợ bọn này hơn cả, có khi họ đã muối mặt làm mật thám rồi.
Họ là ai? Có phải họ là những người bơ vơ sau cơn địch khủng bố. Sự trống rỗng đến khủng khiếp. Không, ở Sở mật thám, Như Phong bị đánh, bị tra điện, bị doạ từ giờ phải “chừa làm cộng sản". Nhưng Như Phong vẫn nghiêm nghị và chững chạc thế. Như Phong vẫn như thế. Chúng tôi gặp nhau, kể lại những tin đồn anh nào, anh nào đã chạy thoát. Nghi ngờ anh nào trước hăng hái thế mà sao bây giờ không phải bắt? Tiếc Nguyên Hồng đã không đi thoát ly, lại bị. Chuyện huyền thoại Thành Ngọc Quản trốn xuống bãi Nghĩa Dũng, chập tối mật thám ập vào Quản chơi miếng bốc hay quá, bọn chó chỏng kềnh, thế là Quản thoát.
Chẳng biết có thật vậy không, nhưng chuyện cứ rỉ tai mãi như sự tích thần kỳ. Chúng tôi không hốt hoảng. Nhưng mà trống rỗng, buồn đến thê thảm.
Phản hút ở góc u ám ấy thật tĩnh, không còn biết mình ở đâu, ai cũng trầm ngâm im như chết. Cả cái gác lỉnh kỉnh giường kê ngang kê dọc, những ngọn đèn dầu lạc trong khay thuốc, lui húi như ánh đèn bên bát cơm quả trứng cạnh những xác người còng queo. Cái chỗ chui lên gác đã được đậy nắp gỗ xuống. Những cửa sổ đều kín mít, đến chỗ mảnh kính trên nóc đón chút ánh sáng vào, các ông khách bẹp tai cũng bắt chủ tiệm phải bịt mảnh giấy nhật trình lại. Cho đỡ hả hơi thuốc. Trong nấm mồ lơ lửng giữa trời này cứ khói um lên, người như những cái bóng sợ gió và ánh sáng.
Không biết đương trưa, hay chiều, hay đã tối. Nghĩ gì, làm thế nào. Mỗi thời kỳ khi bước ngoặt lịch sử tiến tới ở từng con người đều tới lui những tâm trạng khác nhau, ai biết ở nơi tàn tạ cùng cực đây, cả đến hai chữ “truỵ lạc” cũng ý nghĩa khác ở mỗi người.
Nghe có người kỳ cạch trèo lên thang gác, rồi tiếng đội nắp cửa lên. Hẳn phải là khách quen. Rồi cũng chẳng ai để ý. Bóng tối vẫn âm u trẩm lẳng lặng.
Người ấy nhô đầu, nhìn quanh một lát cho khỏi quáng mắt rồi vịn phản đến chỗ chúng tôi. Chẳng rõ mặt mũi, nhưng thấy trên đầu trăng trắng vành khăn ngang. Biết rồi. Lại cái anh đã vung ba-toong giơ nắm đấm hô ủng hộ đám biểu tình của chị em tiểu thương chống thuế, ở cửa chợ Đồng Xuân, mặc vòi rồng đội xếp phun nước vào mặt. Bây giờ thế này đây.
Như Phong "à" một cái, không nghe rõ là thở dài hay tiếng kêu nhận ra hắn. Người chít khăn ngang ngả vào giường chúng tôi, anh cứ tự nhiên kéo một điếu rồi nằm yên thưởng thức hơi thuốc ngấm vào mình. Nghe chừng một lát mới lại hơi, rồi nói rầu rầu nho nhỏ:
- Bố tao chết đã được một tuần. Biết tin thế, mà chẳng cách nào về được.
Im lặng.
Như Phong mở ví, nói:
- Này, cầm tiền về mà làm ma cho bố mày.
Người ấy nhét tờ giấy bạc vào ngực áo, rồi lại ngóc cổ lên, tay đặt vào dọc tẩu, tay xoe tiêm trên đèn sắp sửa làm điếu nữa. Cái môi thưỡn ra, nhầy lên một màu đói khát trong ánh đèn dầu lạc lờ mờ.
Như Phong dằng cái tẩu rồi thong thả nói từng tiếng:
- Mày xin tiền tao để làm ma bố mày đã mấy lần, quên rồi à? Tao bảo cho mày biết lần này là lần cuối tao thí cho, từ nay mà mày còn mở mồm ra xin tiền làm ma bố nữa, ông đập vỡ mặt, biết không!
Người ấy thản nhiên cầm lại cái tẩu, về điếu thuốc, có lẽ là điếu sái, anh ta vừa mới tự tiêm xong. Hút đoạn rồi chiêu một ngụm nước, nằm im, ngửa mặt lên.
Bỗng rền rĩ anh ta ngâm:
Tự quân chi xuất hỹ
Bất phục lý tàn ky
Tự quân như mãn nguyệt
Dạ dạ giảm thanh huy
(Thơ Trương Cửu Linh, đời Đường)
Dịch nghĩa: Từ khi chàng ra đi. Thiếp không còn lòng dạ nào sửa sang lại khung dệt dở. Nhớ chàng chẳng khác mặt trăng tròn. Từng đêm, từng đêm hao mòn vẻ trong sáng.
Tiếng ngâm thơ hay tiếng rên, tiếng khóc, tiếng ô hô bố chết mẹ chết đằng sau lưng. Hay là tiếng cái thằng chính trị vỏ một thời viết báo lăng nhăng lại đến.
Không biết tiếng gì, và không liên quan đến câu Như Phong chửi thằng này. Chúng tôi mặc nó đấy. Chúng tôi lật đật xuống cái lỗ cửa thang dựng đứng.
Rồi có bao lần Như Phong trở lại cái tiệm hút phố Mã Mây ấy, không biết. Nhưng viết về Như Phong mà nhỡ tôi không kể lại cái lúc anh đã nói như những câu tát vào mặt đau đớn khủng khiếp đến như thế với cái thằng mất tinh thần “bố chết không biết bao lần”, thì thật không phải với anh.
Đứng trên bờ sông, chỗ cột Đồng Hồ trông xuống bãi, Như Phong hỏi tôi:
- Mày có được tin tức gì không?
Những câu hỏi han như thế thường hay xảy ra sau những chuyện đau lòng tương tự vừa rồi. Chúng tôi vừa kinh rợn quanh mình, vừa mong ngóng, chờ đợi một cái gì, một khoảng trời xanh.
Một hôm, Như Phong lên nhà tìm tôi, anh lấy trong túi áo ra mấy tờ in litô bé bằng bao diêm, bìa đỏ nhạt “Chương trình và điều lệ Việt Minh”.
Chúng tôi nhìn nhau, không nói. Lời nào hơn được khoảng khắc im lặng này. Vẫn là mảnh trời xanh vô cùng chờ đợi ngoài cái cửa sổ gác xép tù túng của một lớp trẻ trong một tình thế sôi lên giữa cuộc sống thật va cái chết tan rã.
Mùa thu 1944 Như Phong và tôi bị bắt. Bị bắt lần thứ hai, nhưng Như Phong vẫn thế. Bình tĩnh can đảm, không hoảng hốt, không khai. Được tha ra lại lao vào cơn lốc những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội.
Đêm 17 tháng 8 năm 1945, Như Phong cùng đội tuyên truyền xung phong Hoàng Diệu võ trang đột nhập ba nhà in báo hàng ngày, các tờ Tin mới, Đông Pháp và cả tờ Bình minh thân Nhật. Những đội công nhân cứu quốc các nhà in này đã sẵn sàng. Các báo đều phải in trang nhất bài tường thuật Như Phong viết về cuộc mít-tinh ban chiều của công chức biến thành mít tinh ủng hộ Việt Minh ở quảng trường Nhà hát Lớn.
Cũng trên trang nhất, Việt Minh thành Hoàng Diệu ra lời hiệu triệu toàn thành võ trang xuống đường ngày hôm sau: mười chín tháng tám.