Bấy giờ khoảng tháng 10 năm 1970. Tôi và Nguyễn Văn Bổng lên Hà Giang chơi ít ngày. Nguyễn Văn Bổng vào chiến trường miền Nam đã hơn ba năm nay, mới trở ra Hà Nội và anh chưa bao giờ tới vùng cao nào ở Việt Bắc. Chúng tôi lên đường tạm biệt Hà Nội bằng mấy cốc vại bia hơi. Sắp hàng mua bia chỗ quán “Chuồng Cọp” bên hồ Thiền Quang rồi bưng cả mấy cốc ra uống ngoài bãi cỏ trông sang hồ. Vừa thoải mái, rộng rãi vừa dễ chỗ tránh máy bay. Uống xong, tôi lĩnh luôn cả hai cái cốc vại không, đem theo. Nghỉ đêm ở thị trấn Đồng Văn, hôm sau sang huyện Mèo Vạc. Năm ấy đường ôtô qua dốc Mã Pì Lèng chưa làm xong, chúng tôi đi bộ sang huyện lỵ Mèo Vạc mất hai ngày.
Giữa trưa, ghé tình cờ vào một nhà ven đường ở Dúng Là trên đầu dốc. Cũng định xin ngụm nước uống. Nhà có một mình ông cụ cởi trần, đóng khố, ngồi sưởi lửa, chắc là con cháu đều đi nương, kiếm cái ăn hay đi vác nước. Hôm nay có mặt trời hửng nắng thế này thì phải chiều cả nhà mới về. Ở đây, cả Đồng Văn và dưới Lũng Phin đều thiếu nước. Vùng cao mưa xong, nước thấm hết, không một con suối nào chảy qua, mà sông Nho Quế thì sâu thẳm quanh co tận chân núi, đi cật lực một ngày mới tới. Tôi được chứng kiến mấy năm đã hai lần trên tỉnh thồ xi măng, cốt thép về xây bể hứng nước, chứa nước mưa cho từng xóm. Nhưng chỉ được ít lâu, những cái bể lại nứt nẻ chẳng đựng được một giọt nước. Rồi tính, lại cất công xây, rồi cái bể lại vỡ toác. Hình như mấy lần những cái bể chứa nước cứ vỡ lại xây cho đến bây giờ. Nhà chưa ai vác ống nước về, han không có nước, nhưng rượu thì chắc là sẵn. Quả nhiên. Chỉ vài tiếng Mèo giả cầy của tôi cộng với tay chân múa may phụ giúp đã khiến ông cụ hiểu là nước hay rượu uống cũng bằng nhau. Chúng tôi được giải khát bằng hai bát rượu ngô đổ vào cái vấu tre. Đến lúc đưa tiền trả, ông cụ xua tay. Tôi chợt nhớ. Tôi lấy trong ba lô ra hai cái cốc cại hôm trước lấy trộm của quán bia, tôi đưa biếu ông cụ cả hai cái. Ông cụ ngơ ngác như không hiểu, cúi cầm cốc giơ lên, ngắm nghía.
Tôi đã biết ở trên này thiếu nhiều thứ vặt vãnh lăng nhăng, dưới xuôi không để ý mà đây thì cần thiết. Người ở dưới thường thồ xe đạp đem lên, bán những cái bát, cái bóng đèn, chai lọ không, kim chỉ, gương lược, túi và dây ni lông...
Rồi ông cụ bắt chúng tôi phải xách đi một ống rượu ngô, ra hiệu bảo là đi đường “uống cho khói khát”.
Đến năm ngoái tôi lại có dịp lên Mèo Vạc, qua Dúng Là. Bao nhiêu năm đã qua nhiều nhà trong xóm đã chuyển xuống ven đường ô tô. Tôi nhận ra nhà ông lão cho rượu ngô năm xưa ở chỗ cũ vẫn lụp xụp đen sì vách và mái gỗ. Giữa nhà, một người ngồi bên đống lửa cũng cởi trần: đóng khố trông hao hao không khác ông lão mấy.
Hỏi mới biết đấy là một người con trai ông cụ. Bố anh mất đã lâu. Lại hỏi cả nhà đi đâu. Anh nói chúng nó xuống chân núi kiếm miếng nước, đến trưa mới về. Ở vùng núi đá cao này vẫn thiếu nước, không có nước. Ở chợ vẫn bán cái chậu gỗ, chậu đựng nước, ngâm ngô, vo gạo, rửa thịt khô, chùi tay rửa chân cũng một chậu nước ấy. Mỗi sáng ta nhà nào cũng phải có một người đi nửa buổi kiếm miếng nước vác về.
Nhưng tôi cũng nhãng ngay cái buồn thiếu đói mà tôi cũng chỉ xót xa suông, bởi vì kìa mm cái thật lạ lùng vời tôi. Trông vào thấy hai chỉ cốc vại đặt ở trong chân vách. Đúng hai cái cốc vại bia, mặt thuỷ tinh xanh xám lổ đổ tổ ong, chỉ đụng mạnh cũng vỡ, mà chắc ở xuôi các quán bia cũng chẳng ở đâu còn cái nào. Thế mà hai cái cốc vẫn kia, để trên nền đất, vẫn xanh bóng.
Tôi hỏi:
- Mua ở đâu cái cốc đẹp thế kia?
Ông nói:
- Ngày trước, có cán bộ cho. Bố bảo phải giữ cẩn thận hai cái cốc để cho con cháu.
Ở đấy bây giờ vẫn hiếm cái bóng đèn, cái lược và chưa biết mặt cái cốc to. Nỗi buồn tưởng như vừa khuây khoả, lại trở lại.
 (Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)

Xem Tiếp: ----