14. Võ Huy Tâm

Một hôm, Đức Lân đưa cho tôi một tập bản thảo: “Truyện này lạ lắm, anh đọc mà xem". Bấy giờ Đức Lân đánh máy chữ cho cơ quan Hội Văn Nghệ. Đức Lân hiểu biết văn học, đánh máy giỏi cực nhanh. Tôi hay nói đùa: "Ngày trước đây hằng năm mở cuộc thi đánh máy toàn Đông Dương- Cô Hoàng Thị Thế con cụ Đề Thám cũng thi đánh máy ở phủ Toàn Quyền đấy. Cậu mà thi ắt phải đỗ ngoại hạng”. Nhưng làm văn phòng thời ở rừng thì linh tinh mọi nơi, việc văn thư chưa chắc đã chiếm nhiều thì giờ hơn hội ý tổ tam tam, chăm đồi rau cải, rau muống vườn, nuôi bè cải xoong dưới suối và đêm đi săn con chồn, con gà rừng và thui chó. Tập bản thảo viết tay dầy mấy trăm trang, không biết bằng đường nào: hình như giao thông bên công đoàn đem sang. Tiểu thuyết có đầu đề là Làm reo hay Đình công người viết là Võ Huy Tâm.
Chữ chân phương, không chốn nél gẫy nét, vẻ cổ kính từa tựa chữ các cụ thời cầm bút chấm mực, hoa tay một cái ướm làm đà rồi mới hạ ngòi bút xuống trang giấy. Lối chữ ngay ngắn ấy Võ Huy Tâm vẫn giữ như thế mãi về sau này. Tôi có đọc nhưng cũng biết vậy theo Đức Lân nói và không chú ý. Tuy chữ rõ, nhưng chữa loằng ngoằng rối mắt trên tờ giấy Hoàng Văn Thụ xốp đen mờ.
Nguyễn Huy Tưởng hỏi tôi:
- Đã đọc cái tiểu thuyết của Võ Huy Tâm chưa?
- Mới thấy. Đọc qua thôi.
- Đức Lân nó nói đúng. Lạ đấy.
Nguyễn Huy Tưởng thường trực cơ quan và chuyên lo công tác nhà xuất bản Văn nghệ. Rồi tôi cũng không cố gắng hơn, nhưng mỗi hôm Nguyễn Huy Tưởng lại kể về cái hay của bản thảo cây bút mới.
- Nó viết về công nhân, công nhân mỏ. Đề tài này chưa có trong văn học ta, tác giả như nghĩ đến đâu viết đến đấy, có cái hay sốt rẻo, nhưng phải chữa nhiều, chân chỉ hạt bột quá làm thế nào vẫn giữ được đặc sắc...
Nói "làm thế nào", nhưng Nguyễn Huy Tưởng lại nói: vẫn lụa là ấy, ta đem dỡ ra khâu lại, làm thế.
- Mình đã liên lạc với bên công đoàn. Tác giả là cán bộ công đoàn hoạt động hậu địch Đông Bắc. Ra ngoài này chữa bệnh, đương ở Bắc Giang. Ta bàn với anh Lành cho gọi sang đây. Phải chữa kỳ được, không thì phí một tác phẩm có thể hay.
Ít lâu sau. Võ Huy Tâm đến cơ quan với chúng tôi. Người mảnh khảnh, mặt sốt rét tai tái hốc hác con mắt ngơ ngơ như nhìn đi đâu. Cái vóc dáng này ở Võ Huy Tâm cho đến bao nhiêu năm sau, khi sáu bảy mươi tuổi, đã già khô héo đi, tôi thấy Võ Huy Tâm vẫn tương tự thế. Lần ấy Võ Huy Tâm ở với chúng tôi có đến mấy tháng. Ngày ngày ngồi vào cái bàn mặt nữa ở góc gian nhà, như mọi người làm việc giờ hành chính.
Nhưng đây là cậu học trò mà thầy giáo Nguyễn Huy Tưởng chuyên kèm cặp. Nguyễn Huy Tưởng rì rầm nói. Võ Huy Tâm cầm bút, chốc lại hỏi. Hai người cứ nhẩn nha ngày rộng tháng dài như thế, không nghe to tiếng.
Cách làm của Nguyễn Huy Tưởng là thế này: từng đoạn một, nên cắt thế nào, nối chỗ nào, chữa chữ nào.
Cái chính là cắt, cắt, không thêm. Tất cả những việc ấy, Nguyễn Huy Tưởng chỉ bàn khi nào Võ Huy Tâm nghe vỡ ra rồi Võ Huy Tâm làm. Nguyễn Huy Tưởng không viết hộ Võ Huy Tâm một câu, một chữ. Võ Huy Tâm kỳ khu chép đi chép lại rồi đóng những quyển vở mới. Đến một hôm nào không biết, thành tập bản thảo tinh tươm, Nguyễn Huy Tưởng đưa cho quản lý Nguyễn Văn Mãi đem lên nhà in Tiến Bộ trên ngã ba sông Lô. Mấy trăm trang trước kia, cô lại còn ngót hai trăm trang, đấy là tiểu thuyết Vùng mỏ mà chúng ta đã được đọc.
Lúc rỗi rãi, chặp tối cơm nước xong hay khi cuốc xới tăng gia ngoài đồi, lôi dần dần làm quen với Võ Huy Tâm. Tâm kém tôi nửa giáp - sáu tuổi, anh đã lang bạt nhiều, vì miếng cơm manh áo thôi. Làm phu hồ, làm cu li bến bãi, làm thày bói xem tướng, lắm khi đói dài ốm đứng, lẩn thẩn bắt con dế, con cào cào ăn như đứa dở người, cám hấp, anh cười: “Ốm cái bụng móp thôi, chứ cám oong cám đơ đâu”. Anh bảo anh chẳng đến trường bao giờ, cứ “khắc học khắc biết rồi được cái chữ”. Có lẽ vì anh sáng dạ, nhanh trí, lại nhớ lâu và có hoa tay nên chữ viết được nắn nót thế. Cũng không phải anh làm phu mỏ đã lâu. Quê anh ở Nam Định, nhưng từ tấm bé đã lưu lạc ở Hải Dương, sang Bắc Giang. Năm 1945, 19 tuổi gặp tổng khởi nghĩa ở Bắc Giang, anh xin được đi hoạt động công nhân cứu quốc. Kháng chiến, công đoàn tỉnh đưa anh lên khu. Ở khu 12, anh được điều ra Hòn Gai, Cẩm Phả vùng địch chiếm. Cán bộ dùng giấy tờ giả công khai mà hoạt động bí mật. Trước kia anh cũng đã ra đây tìm việc, học việc, nhưng giai đoạn này mới là thợ chính cống.
Anh ở một xóm đạo, vận động bà con công giáo thợ mỏ, anh thuộc Tân ước, Cựu ước sách kinh chẳng khác người có đạo, anh lại đã thuộc lòng từ ấu thơ nhiều kinh Phật, cả kho kinh tệ với các truyện văn vần Bà Chúa Ba, Hoàng Trừu, anh nói thành vè, anh kể truyện Kiều Liên Tất Chánh cả đêm, bà con bên đạo cũng thích nghe.
Tiểu thuyết Vùng mỏ là sự thật xưa và nay xảy ra ở Cẩm Phả mà anh đương là cán bộ cơ sở, hoạt động hết sức căng thẳng, nguy hiểm. Vùng bờ biển Đông Bắc, khu công nghiệp quan trọng lại là cảng quân sự, nơi địch tiếp tế thuận lợi nhất cho cả Việt Bắc, các tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn đương còn bị chiếm.
Cán bộ Võ Huy Tâm hàng ngày cật sức đi làm lấy cái nuôi thân, lại phụ trách một khu vực công tác, có khi đi suốt đêm. Chẳng bao lâu, Võ Huy Tâm bị ngã bệnh. Sốt rét đến phát điên, đoàn thể phải đưa ra vùng tự do ở Bắc Giang.
Cách Nguyễn Huy Tưởng giúp Võ Huy Tâm làm lại tiểu thuyết Vùng mỏ như thế thật tài tình. Chỉ khơi gợi cho đến khi Võ Huy Tâm nghe ra và làm. Học và thực tập cung cách vậy giúp được Võ Huy Tâm phát triển sau này.
Tôi trọng thị cho đến bây giờ những công phu bàn bạc kinh nghiệm viết của Nguyễn Huy Tưởng. Tôi cũng đã giúp đỡ cho một số cây bút. Nhưng chưa bao giờ tôi chịu khó và kỳ công được như Nguyễn Huy Tưởng - có khi cũng chịu khó nhưng ấy là tôi chữa hộ. Cho nên thường nếm thất bại và cũng làm hỏng người viết.
Làm thế tôi cho là tôi đúng. Nhưng cái đúng chẳng mấy ai để tai. Mạc Phi đã đưa tôi đọc bản thảo tiểu thuyết hai tập Rừng động. Tôi nói với Mạc Phi nên dồn lại một tập. Nhà văn nước ta thế lực và sức óc đều ngắn - không phải do người viết sinh ra thế, khó cáng được những cái dài hơi. Ôi chao, bạn ấy đã khó nhọc viết cả nghìn trang rồi, mà tôi nói như chơi: bỏ đi một nửa. Tất nhiên, Mạc Phi chẳng tìm theo đề nghị hời hợt của tôi.
Một lần kia, tôi vào bệnh viện thăm Phan Tứ. gặp anh ở cổng đi vào. Khi có rượu, mặt Phan Tứ trắng bệch, nhưng nói thì vui lắm. Phan Tứ ra uống rượu chui ngoài chợ gần đấy. Chúng tôi ngồi ngoài sân, Phan Tứ khoe với tôi Phan Tứ đương viết bộ tiểu thuyết nhiều quyển có tên khác nhau nhưng sự việc và nhân vật bao trùm cả các giai đoạn cách mạng từ Tổng khởi nghĩa 1945 lấy trung tâm là Quảng Nam, Đà Nẵng. Tôi biết Phan Tứ vốn kỹ tính, sửa soạn cho viết thật chặt chẽ, cẩn thận, anh học tiếng Nhật, vì tiểu thuyết của anh có đoạn tả về sau đảo chính Nhật, anh học tiếng Anh, vì tiểu thuyết của anh... Tôi nói ý tứ rằng người viết người đọc mỗi thời kỳ một khác. Những pho đồ sộ vừa tả cánh vừa biện luận của V. Hugo, thời nay chỉ vài chục trang đã xong. Nhà văn đương thời nổi tiếng của Pháp M. Druon có hai bộ tiểu thuyết Gia đình lớnNhững ông vua bị nguyền rủa, nếu vào tay Ban dắc thuở trước chắc phải cả vạn trang Tấn trò đời. Nhưng M. Druon chỉ viết ba quyển mỗi quyển trên tlăm trang, r an Tứ hỏi tôi có các sách M. Druon, cho mượn xem, tôi đưa anh bộ Gia đình lớn, vài hôm sau, Phan Tứ trả sách tôi. Phan Tứ không lặng lẽ như Mạc Phi. Phan Tứ nói: "Tôi viết theo tôi đã chuẩn bị".
Tôi còn biết thế nào? Lại góp ý kiến với tiểu thuyết đương viết của Thái Lãng trên Đà Lạt. Nhưng bây giờ Thái Lãng đã đi ở nước ngoài, chuyện cũ kể lại mất vui, thôi chẳng dài dòng. Lù Dín Xiềng trên Lào Cai viết một tiểu thuyết về dân tộc Dáy quê anh dài cả chục vở viết. Tôi chưa gặp anh Lù Dín Xiềng bao giờ, nhà xuất bản nhờ tôi biên tập. Tôi cặm cụi cắt xén, rút lại còn khoảng một trăm trang. Cuốn sách được nhà xuất bản Tác Phẩm Mới in ra, tôi được nghe kể Lù Dín Xiềng bảo với bè bạn quyển truyện này "không phải của tôi mà của ông Tô Hoài". Nhưng Lù Dín Xiềng cũng chẳng gửi tặng tôi quyển nào và từ đấy không còn thư từ với tôi như trước kia.
Nhiều bạn khác nhờ, tôi cũng chữa, miệt mài chữa, thật mất công mà chẳng nên việc, thường chỉ nhận được im lặng. Có người rồi không viết tiếp được - bởi vì tôi đã làm quá đi, có phải bạn ấy viết thế đâu.
Nhưng cũng không phải chỉ gặp những thờ ơ, anh Nông Văn Lạc năm nay 82 tuổi. Tôi đã sửa giúp anh hai cuốn hồi ký Ánh sáng đây rồi Tiếng gọi miền Tây. Hai tác phẩm đều được nhà xuất bản Văn Học, nhà xuất bản Văn Hoá Dân tộc in rồi tái bản. Không có gì khác, tôi vẫn làm như với Lù Dín Xiềng. Nhưng vì truyện vốn có chất, tôi đánh dấu câu cho mạch lạc rồi cắt và dán. Mới đây, Nông Văn Lạc ở Thái Nguyên về, hỏi: "Tôi có nên viết nữa không?". Tôi trả lời:"Còn có cái anh thấy cần viết thì cứ viết". "Rồi anh lại giúp tôi nhé" "Được, anh “ạ.
Nhưng với những chuyện của Vi Hồng thì khác. Vi Hồng không như Nông Văn Lạc, “đi cách mạng rồi mới biết chữ”. Vi Hồng là nhà giáo giảng dạy văn học dân gian trường đại học sư phạm Việt Bắc. Tôi cũng đè ra chạy chữa truyện Vãi Đàng của Vi Hồng như với Nông Văn Lạc. Vi Hồng lại lấy làm bằng lòng, nhưng tôi cũng chỉ làm thế với một bản thảo đầu tiên của Vi Hồng. Tới nay, Vi Hồng đã cho in cả chục tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Nghĩa những là cái tôi sửa trong bản thảo ngày trước chắc là có điều hợp, Vi Hồng đã nhận nó và phát triển theo sức sáng tạo của riêng mình. Vậy là cũng có khi làm được. Nhưng mà trước tiên cũng như trong trò chuyện bên nói thì có bên nghe, nhất định phải có sự nghĩ lại và thấu đáo khác nhau. Những bản thảo có thể chữa được cũng ví như gánh phở sẵn thịt, bánh và gia vị chỉ có thái, nấu thế nào chứ không phải mọi thứ lúc ấy mới chạy mua. Tuy nhiên làm được như Nguyễn Huy Tưởng với Võ Huy Tâm, biết là chỉ có kết quả, nhưng mà ngại. Sau cùng, cuốn tiểu thuyết của Võ Huy Tâm được đặt tên là Vùng mỏ, tôi không biết Võ Huy Tâm hay Nguyễn Huy Tưởng đã nghĩ ra tên ấy.
Hơn bốn mươi năm qua, sau tiểu thuyết Vùng mỏ, Võ Huy Tâm đã in sáu tập truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài. Trông vào đầu đề năm in sách thì có ba chỗ cách quãng thời gian xa nhau. Tiểu thuyết Những người thợ mỏ (quyển 1 - Không thấy in tiếp quyển 2) năm 1961 rồi mười năm sau mới ra đời truyện vừa Đi lên (1971), lại từ truyện Rượu chát (1981) tới nay, Võ Huy Tâm không in tác phẩm nào nữa.
Tiểu thuyết Những người thợ mỏ (quyển 1), Trịnh Xuân An (Tạp chí Học Tập) và một số cây bút phê bình ở báo khác chỉ trích là có tư tưởng "chủ nghĩa công đoàn". Võ Huy Tâm cười hà hà nói: "Biết thế thì viết thế, tôi có sinh ra được cái chủ nghĩa gì đâu”. Câu nói hồn nhiên mà thật. Cũng như hồi Nguyễn Công Hoan in tiểu thuyết Đống rác cũ tập 1 cũng bị Trịnh Xuân An cho là theo học thuyết Freud, Võ Huy Tâm còn băn khoăn mình biết thế thì viết thế, có nghĩ ra được đâu, còn Nguyễn Công Hoan thì bảo tôi: "Tớ biết thằng Phờ Rớt là thằng nào?" Nguyễn Công Hoan đã nổi tiếng là người ít đọc tác phẩm nước ngoài - còn Freud thì chắc ông không biết là ai thật. Và tiểu thuyết Đống rác cũ những tập sau mới in ra chỉ toàn tích cực và tích cực. Nếu hồi ấy được in tiếp ngay thì những cây bút đã phê bình chê bai sẽ bị lúng túng đến thế nào. Còn Võ Huy Tâm, không biết có viết tiếp Những người thợ mỏ không, chẳng khi nào anh nói đến nữa.
Có lẽ người vốn liếng viết văn trường khoát như Võ Huy Tâm, anh chả cần. Từ 1981 về sau Võ Huy Tâm vẫn viết, nhưng lại vừa viết vừa lên cày cuốc với đất vỡ hoang trên đồi rừng rồi làm lều nương ở luôn đấy mà anh đặt cho nơi kinh tế mới khỉ ho cò gáy cái tên thơ mộng: Thạch Anh Trang. Thoạt nghe, cảm như Võ Huy Tâm nặng về lãng mạn và phiêu lưu. Có nhà ở phố hẳn hoi lại chui lên rừng, dẫu cho rừng và mỏ ở Hòn Gai, Cẩm Phả cũng chỉ lên qua cái dốc sau lưng phố.
Nhưng cái phiêu lưu lãng mạn của người lao động Võ Huy Tâm cũng có kiểu của nó, anh nói: "Hai vợ chồng đã về hưu mà các cháu còn đương tuổi ăn tuổi học. Củ sắn, quả dứa, cây chè sinh sôi ra cũng thêm được tí chút lương thực với đồng ra đồng vào". Chẳng biết mồ hôi đổ ra có được như mong mỏi thế không.
Hầu hết các tác phẩm Võ Huy Tâm cũng như tiểu thuyết Vùng mỏ đều khai thác một đề tài, một loại nhân vật: người công nhân mỏ hoặc người cơ nhỡ cố cùng trong xã hội trước kia. Những tác phẩm ấy, giá trị nghệ thuật và trình độ biểu hiện đều na ná tiểu thuyết Vùng mỏ. Với người viết, tác phẩm nổi chìm khác nhau là thường tình, không phải cá biệt ở Võ Huy Tâm, nhưng tìm đến nguyên nhân thì Võ Huy Tâm có những biểu hiện riêng. Võ Huy Tâm không hẳn lặp lại, nhưng cũng chưa phải đã phát hiện và sáng tạo được những vỉa mới. Tại sao vậy? Võ Huy Tâm chột đi sau tiểu thuyết Những người thợ mỏ. Không phải. Cái người đã nói thật thà tôi chỉ viết được những điều tôi đã thấy thì chắc chắn anh ta cũng lơ đễnh với những điều ong tiếng ve, không thể mỗi chốc đã dễ dàng bỏ đi được những cái hiển nhiên đã biết đã sống, mà cuộc đời anh thì chỉ có lăn lộn và mấy mò, chắc chắn với sự thực.
Một ngòi bút thấm sâu một thực tế dữ dội nhường ấy như Võ Huy Tâm sự sáng tạo đặt ra là những từng trải một đời được thể hiện thật mới mà lại cũng thật xưa, như thế mới thực sự Võ Huy Tâm và bước tiến của anh.
Nhưng Võ Huy Tâm đã không vượt lên được khác Vùng mỏ.
Anh chịu khó, cả lo, lại được nhiều điều kiện hỗ trợ, nhưng cũng chẳng nên. Khoảng năm 1954, cán bộ tại chức chưa đủ văn hoá so với công tác đều được đi học trường bổ túc công nông. Võ Huy Tâm đã đi ngay và dùi mài suốt niên khoá đến tốt nghiệp, anh biết cần một trình độ mọi mặt cho người cầm bút mà xưa nay anh mới chỉ học mót, học lỏm.
Nhưng học cũng không vào. Hay là học được, nhưng sự học không giúp cho nghệ thuật biến hoá được kho báu vốn liếng qua những hiểu biết mới. Thực tế trong sáng tác của Võ Huy Tâm có thể có một không hai, mỗi câu đều bề bộn, la liệt chi tiết đặc sắc. Nhưng chỉ vốn dĩ và ngổn ngang thế thôi.
Võ Huy Tâm cũng biết và băn khoăn về cái yếu ấy. Võ Huy Tâm lo, nhưng Võ Huy Tâm lại cũng tự hào - hay là bị tự hào, vì chữ nghĩa giầu có của anh ở mỗi trang viết. Thủa còn thơ dại và khi hoạt động ở cơ sở, khi chung đụng vất vả với mọi tầng lớp, Võ Huy Tâm hoá thân được với tất cả, là tất cả. Câu nói và chữ của anh tinh tuý cô đúc như ca dao, tục ngữ. Tôi hay đùa chơi thách thức "đấu chữ” với Võ Huy Tâm - như chơi kéo tay xem ai được, lần nào tôi cũng chỉ có thua.
Trong khi không thấy ra những cái mới hơn - vô vàn cái mới được khai thác ra ở sự việc cũ, thì những kỷ niệm trong trí nhớ lại là sức cản khiến cho những cái hôm nay không thấm vào được. Trau dồi vốn sống cũng là yêu cầu khách quan của hai mặt như vậy.
Nhưng nói cho cùng, bí quyết này ở mỗi người viết chỉ dần dà tự gỡ, khó ai mách bảo tức khắc được.
Không tự biết, nhưng Võ Huy Tâm lại biết cái cũ và cái mới liên quan và cần thiết nhau đến thế nào trong sáng tạo, anh biết thích thú cái mới đến mức đặc biệt. Khi đất nước mới thống nhất, Võ Huy Tâm vào Sài Gòn. Võ Huy Tâm bảo:
- Tôi có một kế hoạch tìm hiểu miền Nam thật nặng ký. Tôi sẽ đi một trăm nhà máy. Tôi lần lượt đi 100 nhà máy khắp các tỉnh. Sau chuyến đi thì mình có thực tế 100 nhà máy, anh thấy thế nào?
Tôi chỉ thấy ngồ ngộ. Không bài bác. Không vun vào, tôi nói đưa đà: "Thế thì làm đi”. Và hỏi thêm "Làm thế nào đi được? “. Võ Huy Tâm cười hiền lành: "Không cần. Đến đâu lo đến đấy”. Ôi chao, lúc này cả trăm cái nhà máy trong thành phố đang rối mù. Cái còn việc, cái đóng cửa, cái tư nhân, cái quốc doanh mới chuyển vào, tất cả như nghe ngóng. Tự dưng cha căng chú kiết ở đâu đến, chẳng ra cấp uỷ, loại cán bộ gì, đầu đội cái mũ tai bèo nhợt nhạt của anh bộ đội thải ra, lưng cõng chiếc ba lô con cóc mua ở chợ giời, mặt mũi vàng vọt, ngơ ngơ đưa cái giấy giới thiệu... Công đoàn thành phố... Nhà báo... Nhà văn... Rồi ai cho ăn, phải mất tiền hay được mời, ai đưa đi cái nơi rồi ra sao... ra sao... trăm thứ nhiêu khê. Chỉ một khu công nghiệp Biên Hoà, liệu có nổi vài ba xưởng?
Chẳng bao giờ tôi hỏi lại cái kết quả "đi thực tế 100 nhà máy". Võ Huy Tâm cũng không kể lại. Có lẽ sau chuyến ấy thấu hiểu nỗi đời hơn là tích luỹ vốn liếng, Võ Huy Tâm về rồi đi vỡ hoang. Ở trên rừng đồn về những chuyện kinh dị và khác thường, vừa đồn thổi vừa có thật: Võ Huy Tâm gọi trẻ con xóm núi đến anh dạy vỡ lòng. Võ Huy Tâm ăn sắn luộc chấm muối cả tháng. Nằm sàn áp đất, có khi đương đêm rắn bò vào màn. Có lần người ăn mày mò lên xin ăn, anh đãi cơm, cho ngủ nhờ, hôm sau lại tiễn cả một vác sắn... Âu cũng là tiếp tục kiểu mơ màng "100 nhà máy". Cái mỏ sống Võ Huy Tâm đã có, Võ Huy Tâm vẫn chăm chú làm giầu. Tuy nhiên vun đắp những hiểu biết xã hội mới, những ý thức hoà quyện và trái ngược mà thống nhất của những thực tế ấy trong sáng tạo đã thật mờ nhạt, do vậy ảo tưởng lẫn lộn dã thể hiện ngay trong tích luỹ, Võ Huy Tâm đăm chiêu, đăm chiêu nhọc nhằn.
Ngôn ngữ văn anh thật lam lũ mà người đọc phái trân trọng. Và nếu văn cũng là người thì kể ra, trong giao du, Võ Huy Tâm và tôi khó có mặt nào hợp nhau. Ấy thế mà có sách in và bản thảo Võ Huy Tâm thường gửi cho tôi. Võ Huy Tâm tính toán dễ thương và thiết thực: "Anh hay viết bài "đọc sách”, anh đọc tôi, có cao hứng thì cho vài chữ. Khen hay chê cũng được. Sách in mà chẳng ma nào để mắt đến thì cũng bằng cái rơm, cái rác người ta dửng dưng bước qua".
Không những thế, đôi khi chúng tôi cũng hay bù khú ăn uống, anh nặng về chén, cơm thì đánh đến no thật lực, tôi cảnh giả và uống nhiều hơn. Thế mà cứ vui. Có hôm nhận được mảnh giấy: Hôm nay tôi có tiền... Mời anh... chỗ... giờ...
Võ Huy Tâm ăn cũng khác người. Mặt mũi hom hem nhợt nhạt như người mới ốm dậy mói ăn mói ngủ. Hôm ấy, ở hồ Tây, có hàng chuối quảy qua, Võ Huy Tâm mua một nải chuối tiêu. "Ở nhà sáng tác Quảng Bá, được quả chuối trứng quốc này tráng miệng thì tuyệt. Ta ăn thử một quả”. Võ Huy Tâm bẻ một quả "Đương mùa tháng tám hồng cốm, chuối tiêu thơm quá". Rồi ăn quả nữa. Cứ vừa ăn vừa thử, vừa nói chuyện. Một chốc, cả nải chuối chỉ còn đống vỏ và cái đài trơ long lóc. Chuyện ấy tôi chứng kiến. Còn được nghe kể có hôm, Võ Huy Tâm gọi hàng rượu nếp mua từng bát mà ăn sạch cả rá rượu nếp của cô hàng.
Hồi ấy, đầu phố Hàng Lọng còn nhà hàng Văn Phú. Nhà này được tiếng vì mấy món đặc biệt: ba ba tần, thịt sỏ và chân giò luộc. Võ Huy Tâm ngồi vào bàn trên gác, cửa sổ trông xuống đường vào ga hàng Cỏ tấp nập.
- Cũng miếng thịt trong con lợn nhưng cái ngon chỗ này chỗ kia khác nhau, anh thấy thịt lợn thì chỗ nào ngon nhất?
Tôi đáp:
- Chủ quán sắp dọn cái ngon lên cho ta. Thịt sỏ hay chân giò...
- Nhưng cái thật là sướng kia?
- Mình thấy hai thứ cũng thế.
- Không, chỉ cái tai khoái nhất. Cái tai lợn nhá sướng răng đến không chịu được. Cái tai, vâng, cái tai lợn. Dứt khoát nó không phải là thịt, cũng không phải là sụn. Nó không gau gáu, không sừn sựt... nó... sướng quá
Lát sau, Võ Huy Tâm lại hỏi tôi:
- Anh có bao giờ làm thơ không?
- Thuở trẻ, khi mình mới tập tọng viết.
Võ Huy Tâm cười hà hà:
- Tôi thích làm thơ. Làm thơ cũng như chén miếng tai lợn. Tiểu thuyết, truyện ngắn, văn xuôi là thịt lợn, ai cũng ăn thịt lợn. Kiêu kỳ một tý thì người ta ưa thịt lợn đen, ghét lợn lang, lợn trắng Móng Cái. Nhưng đều vẫn là thịt lợn. Văn xuôi thịt lợn. Còn nhắm cái tai lợn là người biết thưởng thức, đấy là thơ. Tôi... tôi...
- Thôi, thôi... Ông cứ đánh hết đĩa thịt sỏ đi.
- Tôi làm thơ... thơ là tai lợn, tuyệt cú...
Tôi cũng coi chuyện ba lơn ấy làm đùa. Trò chuyện với Võ Huy Tâm lúc nào cũng như ỡm ờ, anh có những tiếng à à... ờ... ờ... cười hà hà. Võ Huy Tâm như một nhân vật ngồi trước mặt cho mình ngắm, ngộ nghĩnh, thú vị.
Rồi những năm gần đây, tôi được đọc rải rác thơ Võ Huy Tâm trên báo. Có bài bốn câu, tám câu, anh nằm nhìn lên trần nhà và gầm trời tối suy nghĩ thành triết lý thơ đêm trông ra vịnh Cẩm Phả. Tôi buồn cười. À thơ tai lợn. Có lẽ báo người ta thấy tên Võ Huy Tâm thì nể đăng mà thôi. Nhưng rồi đọc lại - tôi có thói quen khùng khùng không hề ngán những bài thơ dở, thấy thơ Võ Huy Tâm lại có cái là lạ.
Võ Huy Tâm viết không mạch lạc. Rõ ràng dòng nghĩ có dứt quãng, có khoảng cách được chắp nối lại. Ở văn xuôi Võ Huy Tâm dễ thấy, trong thơ thì khó phân biệt. Thật thế, hay tôi bị định kiến về cái năm anh ở hậu dịch, bệnh hoảng loạn phảng phất di căn, cũng có thể.
Năm ấy, tôi đương nằm bệnh viện. Bệnh thống phong mãn tính, khi trở trời sang thu thì các khớp gối tôi lại như rão ra. Một buổi sáng, cô y tá bảo tôi:
- Nhà văn Võ Huy Tâm vừa vào bệnh viện, bác ạ.
- Ông ấy bệnh gì thế?
- Cháu không biết. Xe cấp cứu đưa vào.
- Ông ấy nằm ở đâu?
- Tầng dưới nhà này, khoa thần kinh.
Tôi xuống tầng dưới. Người bệnh đương trong phòng cấp cứu, không được vào. Nhưng hỏi ngoài trực khoa được biết chuyến xe khách Quảng Ninh lên sớm, có ông khách bị ngất. Người ta xem giấy tờ rồi gọi xe cấp cứu đưa về bệnh viện này. Rồi, tôi cũng ghé, nhìn được vào cánh cửa hé. Đúng Võ Huy Tâm, anh nằm thiêm thiếp, mặt xanh lét, nhưng không phải vẻ người hấp hối.
Tôi vẫn lo. Tôi dạo loăng quăng ra ngoài sân. Hay Võ Huy Tâm bị trở lại chứng tâm thần. Hay ngồi trên xe thình lình bị "động kinh”. Thì cũng những bệnh tương tự. Có thể anh không chết, nhưng mà cứ ngại. Càng buồn hơn khi tôi trông chỗ cái ghế đá kia năm trước, những hôm trời ấm, ông Ba Du lão nghệ sỹ cải lương lừng danh hay ra ngồi sưởi nắng chỗ ấy. Người bị trọng bệnh, biết mình không qua khỏi, hai con mắt chẳng ra dại, chẳng ra dữ dằn, cứ nhìn, mà không nhìn ai. Có hôm tôi chào ông rồi ngồi ghé vào ghế, ông cũng chẳng buồn nhúc nhích người...
Buổi trưa, trông thấy bà kế cầm bộ quần áo đại cán còn gấp nếp tất tả qua sân. Thấy tôi, bà nói:
- Ông ấy bảo tôi về lấy quần áo...
Tôi theo bà vào phòng cấp cứu. Thì ông Ba đã đi rồi. Trong buồng không có một ai. Bác sĩ ra phòng giấy ký biên bản. Hai cô y tá xuống nhà xác, lấy xe.
Cái xe tải thương trên có cái xác phủ vải, trắng được đẩy xuống nhà lạnh. Không phải người ốm nằm trên, cái bánh xe xác lăn chồm chồm, bần bật, sao trông ai oán thế. Rồi sau tôi kể cho Đoàn Giỏi chuyện ấy, Đoàn Giỏi thở dài.: "Tài tình chi lắm cho trời đất ghen...”.
Thuở tiếng tăm vang dậy sóng cồn, mỗi đêm hàng nghìn người hồi hộp xem, ngắm, nghe từng một câu hát, một cái nheo mắt, thì khi, chết, bị cô quạnh thế"...
Tôi không, nghĩ Võ Huy Tâm lại đi như ông Ba Du
Nhưng mà cứ vẩn vơ. Tôi trở vào, giật mình: Cửa buồng cấp cứu mở toang, không thấy Võ Huy Tâm.
May quá, cô y tá mau miệng:
- Bác ấy về buồng rồi, buồng số 6...
Võ Huy Tâm ngồi nhòm nhõm trên giường. Thấy tôi Võ Huy Tâm nhoẻn miệng, cái cái hiền hiền nhợt nhạt như mọi khi, anh, kể lại chuyện bị ngất phải khiêng vào đây. Võ Huy Tâm đáp chuyến xe sớm Quảng Ninh - Hà nội đến ga Gia Lâm, trời còn mờ mờ. Mấy thằng đầu gấu, đầu chó bất thần nhảy lên ca bin kề dao vào cổ anh tài, anh lơ rồi đi lần lưng từng người. Chúng nó chưa trấn đến, Võ Huy Tâm đã xỉu. Thế mà cũng bị mất cái mũ cà khổ, không biết mũ rơi hay chúng nó lấy.
Võ Huy Tâm cười:
- Thôi, của đi thay người.
- Thế bây giờ thế nào?
- Bác sĩ hỏi: Bấy giờ anh đã ăn sáng chưa? Tôi trả lời: Chưa. Bác sĩ bảo: Anh ngất đi vì bụng rỗng thôi. Tôi bảo: Thế thì cho tôi mua bát phở, ăn rồi xuất viện chứ gì? - Phải ở vài hôm cho lại người đã. Hôm nào về, nhỡ xe lại bị trấn thì có sức dự trữ, không ngất được nữa. Tôi đáp: Cảm ơn bác sĩ. Yên trí lớn.
Sự tình Võ Huy Tâm nằm bệnh viện là vậy. Rồi Võ Huy Tâm ra trước tôi. Võ Huy Tâm lên buồng tôi.
Anh cầm cái túi giấy bóng bọc bốn quả táo, nửa cân đường.
- Mai tôi được ra. Tôi biếu anh, để anh bồi dưỡng.
Lạ nhỉ. Võ Huy Tâm với tôi cũng không phải kiểu bè bạn đãi nhau bát phở rồi áy náy cố tìm dịp trả nợ miệng bằng được. Cũng không phải bạn cần quà cáp nghiêm chỉnh. Thế này là thế nào. Quả nhiên, sự lạ đã tới Võ Huy Tâm ngồi xuống, nói:
- Này ông...
- Gì thế?
- Ông nghe tôi đọc bài thơ: Tôi tính giờ rồi chỉ nửa tiếng.
- Anh còn nhớ cái hôm chén thịt sỏ ở nhà Văn Phú tôi đã nói anh có rỗi mà cao hứng thì làm vài câu thơ chơi, còn thì phái để thì giờ lo văn xuôi, anh là nhà văn xuôi.
- Nhưng mà...
- Tôi không nghe thơ anh đâu!
Võ Huy Tâm đứng dậy. Tôi nói:
- Cái này...
- Không, biết anh để bồi dưỡng mà.
Rồi Võ Huy Tâm bước ra. Võ Huy Tâm đã không bằng lòng tôi một cách lặng lẽ, nhưng tôi còn băn khoăn lâu về hôm ấy. Vì định kiến không tin Võ Huy Tâm làm thơ, nên bất chợt sỗ sàng thế chứ tôi vốn mát tính, khi còn trẻ thì rụt rè, bây giờ thì nhẹ nhàng dửng dưng chẳng phũ mấy khi.
Nhưng rồi tôi nhận được một cái truyện 56 trang viết tay của Võ Huy Tâm - như mọi khi anh thường gửi cho tôi. Vẫn thế, và muốn thế nào không rõ, không bao giờ anh có thư kèm "nhờ đọc hộ” hay “gửi đăng báo giúp”. Chỉ biết, thế là Võ Huy Tâm đã không để ý giận tôi.
Cái truyện này Võ Huy Tâm viết 1993, cũng lạ lùng. Đọc nó, hình như tôi đã trông lại tất cả Võ Huy Tâm, từ cái tiểu thuyết còn tên là Làm reo, là Đình công đến khi bề thế thành tiểu thuyết Vùng mỏ - một tác phẩm góp giá trị vào buổi đầu văn học cách mạng và kháng chiến sau 1945. Và cả Võ Huy Tâm trong những tác phẩm đã in ra sau này, có thể nói là thấy được Võ Huy Tâm toàn tập. Những đoạn văn sắc sảo, cả xa xưa và cả nay, chen lẫn sự ngẫm nghĩ cách quãng của bộ óc kinh dị không bình thường - cái không bình thường hài hoà với những ngời ngời thông minh.
Chẳng rõ đâu là nhân vật, đâu là tác giả, cái truyện và nhân vật xuyên suốt chủ đề đã định hướng: nạn tham nhũng và đứa gian tà phải bị tiêu diệt.
Võ Huy Tâm có đưa truyện này cho báo nào, tôi không biết, nhưng tôi không gửi báo hộ Võ Huy Tâm.
Tôi chắc là báo sẽ yêu cầu Võ Huy Tâm chữa, nhiều nhà xuất bản những năm gần đây thường đòi anh phải chữa bản thảo. Võ Huy Tâm không kiêu kỳ nhưng mà cứ bị bắt bẻ lòng vòng thì tiếc thì giờ. - Võ Huy Tâm bảo thế. Hơn bốn mươi năm trước Võ Huy Tâm đã được Nguyễn Huy Tưởng chỉ vẽ cho cử soát lại bản thảo từng chữ, nhưng bấy giờ chưa phải là nhà văn Võ Huy Tâm. Mà không chữa thì nhà xuất bản không in.
Chỉ có nhà Kim Đồng biết tôi hay đọc Võ Huy Tâm - hoặc Võ Huy Tâm đề nghị nhà xuất bản thế, các anh ấy hay nhờ tôi đọc và biên tập giúp bản thảo Võ Huy Tâm còn đương bị phân vân - tất nhiên, cái nào của Võ Huy Tâm tôi thấy cũng là in được.
Tôi trích dưới đây một đoạn dài dài về truyện ngắn này. Để chứng minh - nếu có thể được, những điều tôi đã cắt nghĩa ở trên. Một sáng tác thật rõ trạng thái người viết, trạng thái Võ Huy Tâm. Cái tuyệt vời đi đôi với cái ngẩn ngơ, có lúc thật tinh tế, thật mới, có lúc lại như ông lão nông ề à nói chính sách ở cuộc họp xóm, có lúc lại hẫng cách quãng...
Nhân vật chính của truyện tên là Ủi, có trình độ chung cấp kỹ thuật. Ủi là ổi, cô Ổi. Nguyên âm "o", nhưng người miền Đông nói chệch thành "u", quả ủi, cái chủi. Ủi là con gái nhà làm ruộng. Không hiểu sao, tác giả đã tả lý lịch cô Ủi là hậu duệ tám đời của một võ tướng. Trong cô có hơi hướng máu Bồ Đào Nha. Vì một bà vợ lẽ con hầu ông tướng nọ đã ngủ bụi với một cố đạo người Bồ.
Khi việc trong truyện xảy ra, Ủi đương công tác thanh niên ở nhà máy. Cô phụ trách tờ báo tường lên là Tiếng thợ.
"Lão Bang đã điều tra nghiên cứu ra hệ của Ủi từ thời các giáo sĩ phương Tây chưa sang thì đi đời. Mà đã đi đời thì các gia đình đại nho cũng có phần theo đạo Phật, mà đã theo đạo Phật thì dù không nói ra được, cái ý thức chống ba nghiệp chứng là thâm, sân, si (trong si có kiêu ngạo và ganh ghét) cũng như giới luật là 5 điều răn về sắc, dâm, đạo, vọng, tửu, đã ăn sâu vào tiềm thức của từng người. Sau này, gia đình Ủi mới tiếp thu nguồn văn minh Do Thái trong đó có mười điều răn của đạo đức chúa Lời. Lý lịch Ủi khai là không tôn giáo, nhưng điều răn “chớ làm sự dâm dục" và "chớ muốn vợ người, chồng người" đã trở thành máu thịt của Ủi.
Từng là gái công trường, cô thường ngủ rất say và hễ ngủ thì ngáy vang như sấm, có chàng trai nào đến sờ lưng, bóp vú thì còn có thể được chứ, đụng đến “cổng thành La Mã" là cô kêu váng lên. Thời này nghiêm lắm. Hãy chuẩn bị giấy bút mà làm bản tự kiểm thảo. Phải tả rõ động cơ tư tưởng và hành động.
Sau khi ra trường, Ủi được gửi về một nhà máy sửa chữa và chế tạo ra các thứ máy. Tư tưởng cô chỉ thích làm văn hoá chứ không là một nhà chính trị chuyên nghiệp. Nhưng cô lại có tham vọng trước khi sáng tạo ra một nhà máy kiểu mẫu trong tác phẩm thì hãy góp phần xây dựng một xí nghiệp tiền tiến trong hiện thực. Cô được phân công sửa chữa công cụ, rồi máy nổ, rồi đứng tiện hàng loạt chi tiết máy. Cô khỏe và tính lại sáng dạ. Các bác thợ bậc cao có tay nghề giỏi rất thích cô làm cho những việc nặng nhọc. Cô vận động anh chị em góp tiền mua cái máy giặt nhãn hiệu "Yêu vợ" của Nhật để giặt những bộ quần áo lao động. Người ta thì thào về nhà ở, về cách sinh hoạt nhất là những bữa tiệc của Phạt, cô muốn tìm hiểu về thực chất trong bữa tiệc này.
Giá thử xuất hiện ở bữa tiệc thì cô cứ như ngôi sao sáng trên màn ảnh. Nhưng trên đường đi đến gần cửa hàng đặc sản, nghe tiếng nhạc giật gân, quan khách đến đã đông đủ, thức ăn đã được bưng ra bàn, Phạt chỉ còn chờ Ủi đến. Thì Ủi bỗng ngoặt trở lại. Cô nghĩ mình đến chỉ để làm cảnh cho họ. Dễ mua thế. Đừng hòng.
"Tiệc tùng hát xướng quanh năm. Hỏi tiền đó lấy ở đâu ra? Trời lại sắp mưa rồi. Những viên ngói kiểu Pháp đóng ẩu bằng cát, xi măng: hòn nào cũng vênh vênh váo váo. Nhà không trần. Trời nắng thì người ở trong đó như trong cái bếp tập thể. Còn trời mưa thì nước cứ giọt như rổ xảo. Mình cứ lui tới những bàn tiệc như thế này thì công nhân họ sẽ ghét đổ nọc. Đảng viên mà xa rời quần chúng thì Đảng sẽ bị tiêu diệt. Gương tầy liếp ra rồi đó.
Cô phải luồn lách trong bóng tối để trở về nhà mình. Hệ chiếu sáng của thị xã chưa được tốt lắm. Trong lúc này mình không phải là bọn trộm cắp hay đĩ thoã mà lại thích bóng tối ư? "Sự vật cái gì cũng tiềm tàng những mâu thuẫn bên trong".
Đúng quá. Sáng hôm sau, một anh công nhân hỏi:
- Tối hôm qua cái Mão nó bảo không thấy chị Ủi đi ăn tiệc. Những con tôm hùm to bằng cái này này - Anh ta giơ cái cổ tay như cái dùi đục gỗ kiêng lên - Lòng đỏ trứng gà đánh thành kem, trộn với dầu, xà lách với muối với hạt tiêu để làm nước sốt chấm tôm hùm. Sâm banh nổ bôm bốp. Đời người ta có sướng không?
- Tôi nghĩ họ ăn mặc lòng - Ông thợ tiện già nói, nhưng họ phải làm thế nào cho nhà máy phát triển, công nhân không khổ là ở được rồi...
"Hồi này công nhân thiếu việc. Hàng xấu quá, người ta không mua. Nhưng Phạt nói: "Làm kinh tế phải tính đến hiệu quá cuối cùng". Phạt có lý của Phạt.
Độc lập, thống nhất rồi, không còn ai bóc lột của ai nữa, thế thì anh nào nghèo là anh ấy đần, nếu chưa phải là đầu óc ngu si!
Nguyên trước anh ta có cái tên là Dương Thanh Danh. Cái tên đó, ba tiếng đầu là thanh bằng, nghe nó thế nào ấy. Vả lại nó lại là một câu trong sách vỡ lòng của bọn hủ nho. Có người bạn biết Hán Nôm nó bảo thế, anh phải đổi tên mới được. Khi vào Đảng, Danh lấy cái tên (bí danh) là Phạm Bần Phạt. Dịch mổ cò là nếu phạm vào cảnh nghèo khổ thì phải phạt.
"Tiếng thợ là một tờ báo lớn, nó lớn đến chiếm gần hết một bức tường của nhà máy. Mới số đầu người ta đã đến xem đông như kiến mà phần lớn là các cô con gái xứ Đông.
"Lúc đầu, tờ báo như không nói về chính trị mà bàn về thời trang. Nguyễn Thị Ủi nêu vấn đề các cô gái xứ Đông nhất là các cô con gái thành Đông có quyền mặc váy ngắn, váy rất ngắn. Các bà, các cụ nhà mình, các mẹ, các cô mình đã từng mặc váy rất ngắn.
Cô lần lượt chứng minh. Váy quai cồng là một thứ mini giuyp! Ngắn đến độ các bà, các mẹ khi đi cấy, đi gặt thường phải lấy rơm buộc giùm gấu váy lại. Đó là phương pháp tuyệt vời biến cái "quần một ống" thành hai ống. Cái gì cũng có tính lịch sử của nó. Chính vì thế cho nên rằng thì là... Ủi kết luận bài báo bằng một khúc "vĩnh cửu ngâm" đọc hết ngày này đến ngày khác cũng không hết: "Lạ gì con gái xứ Đông. Cái váy thì ngắn cái lông thì dài. Lạ gì con gái xứ Đoài. Cái vú bên ngoài, cái váy bên trong. Lạ gì con gái xứ Đông...”.
Người từ đâu kéo đến xem báo Tiếng thợ đông quá. Không có tủ ảnh của đại sứ quán nào ở Hà Nội lại người đến xem đông như thế. Rồi người ta cũng phải xem đến những quáng cáo. Nhà máy có bán và sửa chữa các loại máy làm đất, bơm nước, phun thuốc trừ sâu, đập lúa, tách hạt ngô có bảo hành do kỹ sư tài năng Phạm Bần Phạt trực tiếp săn sóc, bạn đọc thông cảm, văn kẹo kéo thì thường dùng những khẩu ngữ đưa đẩy ê a như hát chèo ấy mà.
Ủi nhìn bằng con mắt của trái tim. Nhu cầu của chị em hiện nay là chưa cao. Xã hội chủ nghĩa đối với chị em là cái gì? Cơm cá và nước chè! Sự ở và sự mặc cũng như nhu cầu văn hoá khác cũng chỉ cần tương xứng với sự ăn. Nếu không mất cân đối (với sự ăn) thì các nhu cầu khác càng nhiều càng tốt. Các chị đã có con, thì tí son, tí phấn, tí nước hoa không xén vào quà sáng (ở thành thị), vào cơm nguội (ở nông thôn) của các con thì đều có thể chấp nhận được. Càng chấp nhận được, nếu là tối biểu diễn văn công. Mà đã văn công thì phải thật hay, nếu không thà bóp vú đàn ông còn hơn. Thưa các bạn văn hoá nghệ thuật Hải Hưng kính mến ạ.
"Ủi có lập trường giai cấp công nhân của mình.
Bây giờ nói đến “lập trường” thì người ta ngán hơn là phó mát "Bò cái cười". Nhưng đây là lương tri, là tấm lòng như bánh đúc bày sàng của Ủi. Là một đảng viên của đảng cầm quyền sống như thế nào đây? Riêng đối với Ủi thì không ngại vì Ủi chỉ thích làm thơ, làm thợ.
Làm thợ lương sản phẩm, có năng xuất, chất lượng thì mới có lương. Bài thơ nào hay thì được in, không hay thì thôi. Tiền nhuận bút một bài thơ đăng báo, nếu tác giả ngã vào hàng chè chén thì phải bù lỗ! Vụ này có lẽ không cần nhân chứng.
Ta đang theo dõi về báo tường Tiếng thợ. Hãy ước lệ với nhau: Tiếng thợ đương đưa ta vào một thế giới trong thí dụ Tiếng thợ mà không có tinh thần quốc tế thì nó còn ra cái hệ thống cống rãnh gì nữa. Không có bài bình luận thời sự thì phải đi đặt. Đi đặt không có người viết thì phải tự viết lấy. Cái loại hình thức nó là như vậy. Vả lại, viết báo tường như văn tế. Người viết, người đọc, thần nghe, người nghe xong rồi đốt vèo đi, nó có như văn bia đâu mà sợ. Vậy Ủi phải viết bài thơ xã luận:
Lại nhuốn nhơ nữa ư
Lá cờ cao quý
thiêng liêng
của Liên Hiệp Quốc
đã được tẩy uế chưa?
Mà còn định nhuộm nước cống ở Li Bi
Bu triệu người dân thích dòng sông nhân tạo
đe doạ nền hoà bình của siêu cường quốc nào
Lá cờ của Liên Hiệp Quốc
Đang định nhuộm cả nước cống và cả máu
Hỡi những người Châu Phi
Hỡi nhân loại
Chúng ta đang nghĩ gì
Về lá cờ cao quý đó?
Về Li Bi
Li Bi
Ký tên: Người đàn bà Ả Rập"
Sau đây là phần cuối truyện, như có đoạn Võ Huy Tâm đã dặn "Nhiều chi tiết trong giai đoạn sinh động hơn trong hiện thực dù người viết luôn luôn nhắc nhở bạn đọc đang sống trong ví dụ. Nó vẫn chưa hoàn toàn trở thành huyền thoại, nếu cái Ủi không đang quét nhà như lên đồng chùi, như ngày còn bé, cô chèo đò bằng tay".
Truyện tiếp theo là nhà máy làm ăn ngày càng thua lỗ, ban thanh tra về phát hiện những tội lỗi và bịp bợm của phó giám đốc kinh doanh “Dương Thanh Danh - Phạm Bần Phạt”.
Võ Huy Tâm kết thúc truyện như sau:
"Phạt xuất hiện trong bộ quần áo bảo hiểm lao động ủ rũ như con cò phải bão đứng trước mặt “lệnh tướng” tay đang cầm cái chổi, không phải cái chổi mới được buộc mà cái chổi mòn bởi lưng còn một cái đai. Trong phong trào chống tham nhũng sẽ đẻ ra những vị tướng chống tham nhũng. Vị tướng đó có thể là ngài thanh tra tài chính có trình độ khoa học và nhất là toán học rất cao và cũng có thể có những vị tướng bình thường như cái Ủi.
- Em có tin trên đời này... - Phạt ủ rũ như người thất vọng vì tình giờ lâu mới mở miệng - có tình yêu cao thượng, tình yêu thuần tuý về tinh thần không?
- Có thể lắm chứ. - Ủi trả lời - Nếu không có nó thì con người ăn ở với nhau ra cái giống gì được?
- Như thế thì anh đã tham ô, đã hủ hoá và cũng đã yêu em bằng một tình yêu cao thượng.
Nói được câu đó, Phạt không ôm hôn, không áp má như đối với những “bồ” tầm thường khác, mà ông quỳ xuồng để “chiêm ngưỡng" Ủi. Ông cứ thế bé dần, dần biến thành con cò bão, biến thành rác công nghiệp, rác thương nghiệp, biến thành cọng rác phổ thông rồi tan biến vào trong không gian.
Trước mặt cái Ổi
Chỉ có một cái chổi
Như bức tranh minh hoạ một bài thơ
Mà người ta bảo của
Lê Thánh Tông
Rồi bản thảo truyện này Võ Huy Tâm có gửi cho ai, cho nhà xuất bản nào, cũng chẳng thấy Võ Huy Tâm kể lại với tôi. Nhớ lại nó, tôi chỉ ngẫm ngợi, và mong ngóng vu vơ như cái cảm tưởng mọi khi đọc Võ Huy Tâm. Ý chính, chủ đề, cái tâm của người viết rõ ràng mà lại không rõ ràng vì sự thể hiện cứ loăng quăng như thế nào và tinh hoa hé ra, ánh lên rồi lại mờ đi từng chỗ. Làng văn thế giới cũng chẳng thiếu người như Võ Huy Tâm. Như tác phẩm tự truyện người tù khổ sai đã thành biệt danh, phổ biến là Papiông. Câu chuyện kể một người bị án oan và những cuộc vượt ngục ly kỳ. Tác giả, nhân vật chính trong truyện khi về già và đã viết lại đời mình. Nhưng ông viết tác phẩm thứ hai đòi hỏi nhiều tưởng tượng và sáng tạo thì nhạt hẳn. Nhưng Võ Huy Tâm không phải, không giống ngòi bút Papiông. Võ Huy Tâm tràn đầy cái để viết xưa cũ đã có và những nóng bỏng thời nay cũng không thiếu. Nhưng Võ Huy Tâm đã cuốc vào những vẩn vơ mà tưởng là đương cất công khám phá. Mỗi người viết đều có thời không phải là lúc nào cũng tinh hoa và sức lực nhất, tôi thường nghĩ.
Và Võ Huy Tâm lại làm thơ! Các bạn ở Quảng Ninh nói anh làm thơ nhiều lắm. Võ Huy Tâm không bực tôi đã can anh đừng có thơ thẩn, nhưng Võ Huy Tâm cũng chẳng để ý lời tôi nói. Võ Huy Tâm vẫn làm thơ, càng làm thơ. Lại viết cả truyện ngắn bằng thơ.
Bài thơ dài đầu đề là "Nhựa sống cây trí tuệ - truyện ngắn có vần của Võ Huy Tâm" đăng trên tạp chí Diễn đàn gần đây. Một đoạn mở đầu:
Tổ kiến! Kiến tổ!
Vừa đố vừa giảng
Đố bạn
Quả gì to nhất
Không kể quả chuông
Quả núi
và quả đất
Hoặc trứng của động vật như trứng chim khổng lồ
Cây của nó chính là cây trí tuệ phương Đông
Người Ấn Độ gọi là bla mít sa
Cây đó được trồng từ đời ông đời cha
Người Trung Hoa phiên Bà la mật.
Ta gọi nôm na là cây mít
Đời con ăn quả
đời cháu làm nhà
Gỗ của nó người ta có thể tạo ra toà sen, tượng Phật
Đóng bàn thờ và tiện đồ thờ
Cả giá nến, cây đèn, bình hương bình hoa
Cả những cái lồng oản có đáy rời
Những cái đài có nắp sơn
son thếp vàng
như đồ mỹ nghệ
Dùng để đựng chén khi tế lễ
dẫn rượu
dâng trà
Lá của nó thường được lót dưới đáy phẩm oản
hoặc gấp cuộn bồ đài đựng cháo hoa
đem phát cho thập loại chúng sinh
Hơn nữa lõi của nó được đẽo thành cái mõ
(Tinh tinh - cúm!)
Rồi những đoạn sau chẳng bận gì đến cái dài dòng mở đầu này. Ấy thế nhưng ở "Nhựa sống cây trí tuệ phương Đông" cũng nhặt ra vô khối câu chữ đặc biệt Võ Huy Tâm, những câu chữ dân gian được lẩy ra từ cuộc sống. Cách nói như hát đố cổ “Tổ kiến! Kiến tổ! Vừa đố vừa giảng”. Tục ngữ sinh hoạt và nhận xét "Đời con ăn quả, đời cháu làm nhà". Những chữ hay, chữ chính xác (giá nến, cây cây đèn, cái đài, bồ đài, tiện đồ thờ, lồng oản có đáy rời, dẫn rượu...). Và lối kể câu chuyện thật nôm na, lôm lam.
Nhưng thôi, còn dông dài nữa mà chi!
1997

Xem Tiếp: ----