CHƯƠNG 26
VƯỢT TRƯỜNG CHÂU

Hai thanh kiếm chém vào nhau nẩy lửa. Hai kiếm thủ bị đẩy bật sang bên. Người vừa xuất hiện là Hồ Thế Hải. Chàng quát lớn:
- Trần Quốc Đồng, ngươi dám mưu phản.
- Thằng ranh con dám phá việc lớn của ta.
Bên ngoài tiếng gươm đao náo động, tiếng bước chân chạy vào trướng nghe rõ mồn một. Tình thế bất ngờ đảo lộn, Trần Quốc Đồng vội lao theo ngách bên chạy trốn. Đội trưởng Cuồng Phong thấy Dương Thạch xông vào trướng tay lăm lăm thanh kiếm, lập tức cản lại.
- Dương đội viên, anh định làm gì?
Dương Thạch không đáp. Chàng bỏ kiếm xuống, đỡ lấy Nguyên soái mà kiểm tra vết thương. Mấy tháng lại đây, Dương Đình Nghệ luôn mang trên mình hai lớp áo giáp trừ lúc nghỉ. áo này đan bằng tơ thép, mềm và bền. Các chỗ hiểm như tâm, phúc… đều được che chắn kỹ. Nhưng do cách đan nên chỗ nối giữa trên và dưới có phần mỏng hơn. Quốc Đồng biết rõ điều ấy, thanh kiếm hắn sử dụng có mũi đặc biệt thuôn nhọn, tuy khả năng chém hạn chế nhưng khả năng đâm là vô địch. Cú đâm vừa rồi xuyên liền qua hai lớp tơ thép tạo ra một vết thương sâu hoắm. Máu chảy đầm đìa, đầu thép cọ vào miệng vết thương khiến Dương Đình Nghệ rất đau khi cử động. Dương Thạch vội trút bỏ áo bào của Nguyên soái. Chàng dùng dao găm cắt đứt dây buộc áo giáp rồi đặt chuôi dao vào miệng ông.
- Nguyên soái cắn chuôi dao để tôi gỡ áo giáp ra.
Chàng nắm hai vạt áo thép sau lưng Nguyên soái, từ từ bóc. Dương Đình Nghệ, mồ hôi rỏ tong tong, hai hàm răng cắn chặt vào chuôi con dao găm, đôi mắt nhắm nghiền.
- Đến lúc rồi.
Dương Thạch lẩm nhẩm, tay chàng dứt gọn hai tấm áo giáo khỏi người Dương Đình Nghệ. Ông đau đến há miệng, con dao rơi cạch xuống đất. Trên ông vẫn còn manh áo lót nên vết thương chưa bung hẳn. Dương Thạch cả mừng, dùng dao khéo cắt cái áo lót làm đôi. Chàng lấy thuốc trị thương đặc chế rắc vào miệng vết thương. Thuốc rắc đến đâu, Nguyên soái thấy êm đến đấy. Máu cũng ngớt chảy. Dương Thạch thở phào, băng bó luôn.
Nguyên soái thở hắt ra. Tính mạng ông đã được cứu thoát một cách kỳ diệu. Ông trìu mến nhìn Dương Thạch, lòng cảm kích vô cùng. Vây quanh là bốn cận vệ trung thành, họ vừa tiêu diệt xong lũ đồng phạm. Ông nhìn quanh để cho mọi người biết mình đã ổn, không thấy Hồ Thế Hải đâu liền hỏi. Đội trưởng cận vệ đáp:
- Hồ đội trưởng đã đuổi theo tên phản bội.
Nguyên Soái lo lắng, giục:
- Mau đi tìm Hồ đội trưởng. Nhưng đừng để lộ chuyện tránh gây bất ổn trong quân.
Trong lúc ấy, Hồ Thế Hải và Trần Quốc Đồng đang mặt đối mặt, kiếm rút khỏi vỏ, ánh mắt liếc dò yếu điểm của đối thủ.
- Trần Quốc Đồng. Quân đốn mạt. Người như ngươi sao lại đem thân làm loài cẩu trệ Hán gian.
Gã họ Trần im lặng.
- Ngươi điếc à? Ta không hiểu ngươi bán nước vì thứ gì?
Trần Quốc Đồng cười sằng sặc:
- Ngươi vờ ngu ngốc hay ngu ngốc thật. Địa vị, quyền lực, tiền bạc và nhan sắc là những thứ đáng mơ ước nhất trong đời người. Ngươi có dám nói ngươi không thèm khát chúng không?
- Tất nhiên là muốn. Nhưng có những điều quan trọng hơn thế rất nhiều. Đó là lòng ái quốc, niềm tự hào dân tộc, tình đồng bào, tình yêu đôi lứa thiêng liêng, vô giá. Vậy mà ngươi ấu trĩ, đành lòng đem hàng trăm vạn người Việt chung dòng máu với ngươi ra đánh đổi lấy thứ vật chất tầm thường. Ngươi sẽ bị cả thế gian này nguyền rủa, con cháu nhà ngươi muôn đời sẽ không dám ngẩng mặt lên.
Nụ cười tắt ngấm trên môi họ Trần, đôi mắt hắn lộ hung quang:
- Hồ Thế Hải, ngươi cũng giống hàng vạn kẻ ngu si khác, bị Dương Đình Nghệ nhồi vào đầu những thứ chẳng ra gì, bị hắn mê hoặc bởi lý tưởng mù quáng. Các ngươi có biết hắn đang đắp ngôi vị cho bản thân hắn bằng xương thịt giống mê muội các ngươi hay không? Hôm nay ngươi phá hỏng việc lớn cả đời ta, ngươi sẽ phải đem tính mạng để bồi hoàn.
Dứt lời, hắn phóng kiếm đâm luôn. Hồ Thế Hải đỡ rồi đáp trả.
Sau vài chiêu thăm dò, họ tung hết thực lực, sử toàn đòn tối độc nhằm tiễn đối thủ về Tây Phương. Trận chiến chiến ra không nhanh không chậm, các nhát kiếm lao đi với tốc độ vừa phải nhưng luôn kèm trong đó là ánh mắt tử thần. Bình sinh, Hồ Thế Hải rất ít khi gặp phải địch thủ. Thế mà hôm nay, sau mười mấy hiệp giao đấu, bụng chàng đã toát mồ hôi lạnh. Trần Quốc Đồng đã khéo dấu khả năng của mình sau vỏ bọc bộc trực và đường kiếm ruột ngựa. Đến lúc sinh tử hắn mới dùng hết sức lực và đẩy Thế Hải vào thế chống đỡ liên miên. Cây kiếm đen của hắn vừa nặng vừa nhọn, thế đâm khoan phá không tránh không xong. Bằng con mắt cáo già, hắn thấy Thế Hải bắt đầu lúng túng, đường kiếm chệch choạch lộ một số sơ hở chết người. Hắn vờ đâm trượt, người chúi về phía trước. Thế Hải mừng rỡ chém mạnh. Nhưng trượt. Lưỡi kiếm của chàng chém vào không khí. Mũi kiếm đen chợt ngóc đầu dậy như con rắn đớp mồi. Trong lúc nguy cấp, Thế Hải còn mỗi cách ngả người tránh đòn. Mũi kiếm đen đang móc lên chỉ chờ có thế lập tức chúi xuống, đâm cắm vào lồng ngực rộng lớn của chàng trai trẻ.
Từng giọt máu đào. Giọt rơi nặng tựa ngàn cân, gặp đất, chìm sâu. Giọt tung, nhẹ tựa mây gió, lên trời cao chan hoà ánh nắng. Giọt kết dây, quấn quang người chiến binh dũng cảm, đưa anh đến muôn nẻo vinh quang.
Rồi máu lại văng ra. Một tia sét đánh thẳng vào trán Quốc Đồng, toàn thân hắn bật ngửa ra sau. Máu đổ xuống che mù mắt, nỗi đau reo rắc giờ quay lại chính chủ. Linh tính báo nguy hiểm tột cùng nhưng con rắn đen không kịp ngóc đầu lên nữa. Một lưỡi kiếm mảnh xuyên cổ họng kẻ phản quốc. Hắn ngã trong im lặng. Dương Thạch tới nơi thì đã muộn.
- Thế Hải...!
- Dương Thạch! Minh... Nguyệt! Nhờ... anh chăm sóc nàng... thêm cả phần... của... tôi.
Thế Hải ho sặc sụa, rồi tắt thở.
Lá thông rơi như giọt nước mắt rơi.
Dương Thạch buồn rầu gọi đồng đội. Họ chôn cất hai đối thủ, trở về Soái trướng thì gặp Ngô Quyền. Sau khi nghe thuật lại, chàng dặn lính gác có cuộc họp khẩn cấp, không cho ai vào. Dương Nguyên Soái đang nằm, vẫn giữ được thần thái anh minh sau cơn nguy biến. Biết Hồ Thế Hải cùng chết với Trần Quốc Đồng, ông tê tái:
- Nhát kiếm mới rồi chỉ như nỗi đau da thịt thoáng qua. Tin Hồ đội trưởng gục ngã giống lưỡi dao đâm thẳng vào trái tim. Dai dẳng, tột cùng đớn đau.
Lương Y Từ, thầy thuốc giỏi nhất Nghĩa Đoàn, nói:
- Xin Nguyên soái đừng quá xúc động mà ảnh hưởng đến vết thương. Sự anh dũng của Hồ đội trưởng sẽ lưu mãi trong lòng chúng ta.
- Hồ Thế Hải hy sinh để đổi lấy sự sống cho ta. Ta thề sẽ hoàn thành tâm nguyện của anh ấy, cùng Nghĩa Đoàn đánh đuổi giặc Hán ra khỏi bờ cõi.
Nguyên soái nhìn Dương Thạch. Thái độ điềm tĩnh, đôi mắt sáng nổi bật trên gương mặt rắn rỏi của chàng gây ấn tượng mạnh:
- Ta thật đáng trách phải không Dương đội viên. Nếu anh không nhanh tay và hiểu biết thì có lẽ ta cũng chẳng còn để thốt mấy lời than vãn vừa rồi. Anh hãy lại đây cho ta nói lời cảm ơn vì Lương đại phu không cho phép ta cử động. Ông ấy nhận xét rằng mạng ta còn lớn, mũi kiếm của Trần Quốc Đồng đâm rách mạch máu lớn, anh hẳn đã kịp nhìn ra mà dứt khoát bắt ta cởi giáp hộ thân, rịt thứ thuốc cầm máu thần kỳ rồi băng lại bằng chính vải áo của ta, khéo léo và chính xác hơn bất cứ người nào trong hoàn cảnh đó.
- Đó là bổn phận của tôi. Cũng như tất cả binh sĩ của Nghĩa Đoàn, tôi coi ngài như một người thủ lĩnh nhân hoà, một người dẫn đường chỉ lối, hơn hết thảy là một người cha đáng kính. Ngài là linh hồn của Nghĩa Đoàn. Không có gì quan trọng hơn việc bảo vệ nguồn sống ấy. Hồ đội trưởng cũng nghĩ như vậy. Anh ấy đã phải không hối tiếc khi được chết cho niềm tin.
Những lời gan ruột khiến mọi người rơm rớm nước mắt.
- Tốt đẹp thay những tình cảm chân thành. Tôi muốn hỏi thứ thuốc anh dùng cho Nguyên soái, dược tính của nó là không thể tin nổi. Nếu ta bào chế được số lượng lớn sẽ giảm thiểu được đau đớn mà binh sĩ gánh chịu trong cuộc chiến sắp tới.
Dương Thạch lắc đầu:
- Rất tiếc nó được chiết từ quả cây mạo mạc trong rừng Bạc Kinh, Lục Châu. Thứ cây này đã hiếm, quả của chúng càng hiếm hơn. Chỉ những người thợ săn giỏi nhất mới tìm được, rồi bỏ công sức sau hai con trăng mới thành. Gói thuốc này tôi nhận từ tay thầy mình, người cho tôi trong buổi chia tay. Tôi dùng đã sắp hết.
- Tiếc thật. L ương Y Từ chậc lưỡi.
- Đại phu, ông cho ta khoác tạm cái áo vào để bàn công việc.
- Không nên, Nguyên soái hẵng nghỉ ngơi cái đã.
- Việc quân cấp bách. Mai khai chiến, ta phải tính cho chu toàn.
Ngô Quyền can:
- Nguyên soái bị thương nặng. Ta tạm hoãn binh dăm hôm.
- Không được. Mấy cánh quân như đã vào thế kéo dây cung, tất phải bắn. Ta không thể vì bản thân mà lỡ việc quốc gia. Nhất là khi biết Tử Xa Đoàn đang thắng thế ở phương bắc, Lưu Cung sắp có dịp quan tâm đến nước Nam ta. Nên việc ta bị thương, người nào tiết lộ ra ngoài gây nản lòng tướng sĩ sẽ bị xử theo quân lệnh.
- Vâng, thưa Nguyên soái.
- Trước mắt là trận đánh ngày mai. Tương quan lực lượng đôi bên một chín một mười, bởi thế ta muốn dùng chước cướp trại bằng đường đến chân núi Tam. Hẳn Trần Quốc Đồng đoán được nên bắn tin sang bên kia. Kết quả quân Hán đã chẹt mất đường đấy và hắn có dịp mưu sát ta. Chuyện đã qua nhưng ta vẫn muốn thực thi việc đưa quân đánh úp. Có điều các vị ngẫm xem có biết ai thông thuộc địa hình vùng này không?
- Có, thưa Nguyên Soái. Mọi người quay cả sang Dương Thạch. Đội viên Phạm Yên đội Luỹ Tre là người làng Nối, vùng kẹp giữa hai quả núi Nhị, Tam. Tôi xin phép đi gọi anh ta đến.
- Được, đi ngay đi! Ngô phó soái. Phó soái hãy đề cử một người thay vào vị trí quản sự.
- Thưa Nguyên soái. Tôi thấy tướng quân Nguyễn Thái, Tổng đội phó Tổng đội trung quân là người khôn ngoan, giỏi thao lược, rất phù hợp cho vị trí này.
- Ta cũng nghĩ thế. Nguyên soái bảo một cận vệ. Anh gọi Nguyễn tướng quân lên đây.
- Ngày mai, ta quyết định ra trận để cổ suý tinh thần anh em. Không ai được ngăn cản. Tất nhiên vì vết thương, ta sẽ dùng xe.
Nguyễn Thái và Phạm Yên cùng vào trướng. Hai người đã được cho biết là Nguyên soái hơi mệt và nhận lệnh cấm tiết lộ. Sau màn chào hỏi, Dương Đình Nghệ nói:
- Đội viên Phạm Yên. Là người làng Nối, anh có biết còn đường nào đến hậu trại của quân Hán không qua chân núi Tam không?
- Dạ, có. Hướng tây bắc có một con đường đất dài mười tám dặm, sau đó tách làm đôi. Đường Khánh Vân đi qua rừng Cốc và đường Khánh Thệ qua làng Nối đều đến được hậu trại quân Hán. Đường Khánh Vân dễ đi nhưng hướng ra bị lộ. Đường Khánh Thệ dài hơn hai dặm, hẹp, nhiều gai góc chỉ đủ một người cưỡi ngựa qua nhưng vòng đến đông bắc của núi Tam, khu đất ấy rộng, thuận lợi cho mai phục và chắc người Hán không biết.
- Tuân lệnh. Nguyễn Thái phấn khởi nhận lệnh.
- Thưa Nguyên soái. Tôi có một thỉnh cầu. Phạm Yên nói.
- Cứ nói.
- Người làng Nối chúng tôi từ lâu chuẩn bị nhân lực, luyện tập võ nghệ. Nay xin cho chúng tôi gia nhập Nghĩa Đoàn thể được tham gia đánh giặc.
Nguyên soái ngẫm nghĩ rồi nói:
- Tướng Nguyễn Thái. Khi qua làng Nối, ông hãy cho họ nhập vào quân ta.
Phạm Yên cảm ơn rồi cùng Nguyễn Thái lui xuống.
Ngô Quyền nói:
- Nguyên soái muốn dồn giặc về Hoa Lư. Chắc Đinh phó soái đã chuẩn bị sẵn sàng.
- Đinh phó soái đã sắp xếp đâu vào đó. Nhưng để lâu sợ lộ nên sai Hồ Thế Hải và Đinh Thế Văn gấp rút về báo. Ngựa của Đinh Thế Văn bị kiệt sức gần doanh trại. Nguyên soái chỉ người lính đứng ở cuối giường. Nên Hồ Thế Hải đến trước. Đáng tiếc. Ta quyết định bằng mọi giá ngày mai phải giao chiến. Thời gian đã gấp rút lắm rồi. Không nắm lấy cơ hội này thì công lao từ trước đến nay sẽ bỏ sông bỏ bể.
- Tôi hiểu. Thưa Nguyên Soái.
..................
Sáng mồng bốn tháng hai. Cuộc chiến bắt đầu.
Nhạc Xuân huy động gần hết hơn vạn binh dàn trận bên bờ sông Lục.
Quân Việt do Võ Thiên Nam làm Tổng tiên phong dưới sự chỉ huy của Dương Đình Nghệ, nén chịu đau ngồi xe ngựa kéo ra giữa trận tiền.
Hổ tướng Phàn Kỳ Đạo, muốn khoe sức mạnh, giục ngựa thách tướng Việt giao chiến.
Đội trưởng đội Nhị Hà là Võ Sỹ Quýnh vác đại đao ra trận.
Đôi bên đánh hơn chục hiệp, Phàn Kỳ Đạo đỡ đao, một tay rút thanh bảo kiếm đeo bên hông chém bay đầu Võ Sỹ Quýnh. Đội nữ binh lắm người khiếp đảm. Quân Hán gầm rú. Em trai Võ Sỹ Quýnh là Võ Sỹ Trung máu nóng giục ngựa xông lên báo thù cho anh nhưng cũng chỉ vài hiệp là táng mạng dưới cây đao của Phàn Kỳ Đạo. Thấy vậy, Phạm Minh Thành và Triệu Văn Tuấn hai ngựa song song xông tới. Bên kia, Ngạc Phường cũng xác xà mâu hỗ trợ đồng đội. Bốn tướng đánh nhau trời rung đất lở. Thương lên đao xuống mịt mù. Võ Thiên Nam ngứa ngáy không chịu nổi cũng xốc ngựa ra. Gặp 2 tướng Hán là Phụng Linh, Phụng Lợi ngáng đường. Ông hét to múa tít ngọn Ngũ Hoa Thương đâm chúng chết tươi. Ngạc Phường đang đánh giật mình núng thế bị Triệu Văn Tuấn lừa miếng phá đĩnh, đâm chết. Một mình Phán Kỳ Đạo xoay sở không nổi giữa ba tướng, vội quay ngựa chạy. Nhạc Xuân định giục người tiếp ứng thì có tiếng nổ sau lưng. Bùi Văn Phương dẫn đội tiên phong Lửa từ mé đông đánh lại. Dương Đình Nghệ nén đau, hô một tiếng vang dội. Quân Việt ùa cả sang.
Đội tiên phong Lửa được dịp ra oai, ống phun lửa, thương lửa, tên lửa. Chạm vào da thịt đối phương là cháy xèo xèo. Võ Thiên Nam xứng danh anh hùng. Ông đi đến đâu là tướng Hán đổ đến đấy. Số còn lại tránh xa. Chỉ có mình Phàn Kỳ Đạo dám chống đỡ. Nhạc Xuân đang hò hét thì bị Ngô Quyền cùng bên là Phan Anh, bên là Dương Thạch đánh thốc đến mặt. Mấy tên tỳ tướng vội vã bảo vệ bị ba chàng đánh tơi bời.
Trận sông Lục lửa cháy đầy trời, nước sông ngập máu.
Đánh từ giờ tỵ sang giờ ngọ thì quân Hán thất thế hoàn toàn. Nhạc Xuân bị ba tướng vây riết quá phải hét lui binh. Phàn Kỳ Đạo nãy giờ kiệt sức chống đỡ những đòn công như vũ bão của Võ Thên Nam, nghe thế mừng rỡ cắm đầu chạy. Đại tướng chạy, quân cũng chạy. Rùng rùng như con rắn lớn về trại. Nhưng đến nơi thì thấy cổng trại mở, Nguyễn Thái cưỡi con ngựa đen, tay cầm đao chín ngạnh. Quân cung nỏ chờ sẵn. Quân Hán chưa kịp sững sờ thì tên đã bắn vèo vèo, chết như ri. Nhạc Xuân hô quân chạy về Hoa Lư. Trên đường tập nốt bốn nghìn quân nắm rải rác. Dương Đình Nghệ cho dựng trại nghỉ ngơi. Dân binh, mật quân khắp vùng Trường Châu, Hải Châu rộng lớn nghe tin đổ về. Quân Việt tăng thêm hơn nửa vạn.
..................
Đất Hoa Lư vốn là quê hương của tướng quân Đinh Công Trứ, là nơi ông khởi nghiệp trước khi về với Việt Nghĩa Đoàn. Vùng đất này nổi bật với những dãy núi đá vôi, với đất đai khô cằn và con người tài trí. Để đánh giặc, Đinh Công Trứ đã cho xây dựng một căn cứ chứa hơn vạn người với hệ thống đường vào lắt léo kỳ hình. Ngày ấy họ Đinh nổi lên như một trong những mục tiêu đánh dẹp hàng đầu của triều đình Nam Hán. Câu nói Phong Phương - ái Nghệ - Trường Trứ - Hồng Nam ám ảnh bộ ba Đại La trong suốt nhiều năm. Đến khi Lê Phương bị diệt, Võ Thiên Nam bại trận, Đinh Công Trứ bị ép chạy khỏi quê hương thì Tiết độ sứ mới tạm yên lòng, tập trung vào việc xoá nốt Việt Nghĩa Đoàn.
Cũng phải nhắc đến một sự thật là giữa Dương Đình Nghệ và Đinh Công Trứ có quan hệ bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Dĩ nhiên vì đại nghĩa mỗi người nhịn một ít. Dương Đình Nghệ mới giao cho Đinh Công Trứ việc gây dựng binh mã ở Hoan Châu và sau là lo bảo vệ vòng ngoài của Nghĩa Đoàn. Công Trứ vốn là người sâu sắc nên chẳng phản đối. Ngược lại ông thực hiện công việc rất tốt nên uy tín trong quân và sự tín nhiệm của Dương Đình Nghệ ngang ngửa với Ngô Quyền và lớn hơn nhiều so với Lê Lãm cùng Võ Thiên Nam. Đội quân của Đinh Công Trứ khoảng ba nghìn người được huấn luyện riêng lấy tên là Cờ Lau, loại cây cỏ có rất nhiều ở Hoa Lư. Đợt tấn công hồi tháng chín, cánh quân của tướng Hán Tô Phi bị ông diệt gọn, mở màn cho chuyến đi đại bại của Lê Khắc Chinh. Lần này Nghĩa Đoàn khởi binh, Đinh Công Trứ và quân Cờ Lau cũng là người đi trước. Đánh trấn Mãn Phong, phá trại Hỏa Ngục rồi kéo thẳng về Hoa Lư.
Lâu nay, Nhạc Xuân làm chủ cả vùng Trường Châu. Đã bao lần, hắn dẫn quân tìm phá căn cứ mật của họ Đinh, vẫn do con cháu Hoa Lư duy trì nhưng chẳng có kết quả. Nhạc Xuân chẳng chịu thua, tìm mọi cách dò la. Sau khi mất rất nhiều công sức, đến tháng chạp năm rồi, cuối cùng hắn cũng biết được chính xác vị trí. Thế nên sau khi thất trận, điểm đầu tiên họ Nhạc muốn đến chính là nơi đó. Nơi hắn có thể lưu binh chờ dịp phản công.
Mười nghìn quân Hán chạy đến Hoa Lư thì trời sắp hết chiều. Đóng bên ngoài sợ nửa đêm quân Việt đến cướp trại, Nhạc Xuân một mực giục quân theo bản đồ đường vào căn cứ mật do một chiến binh hám tiền từng chiến đấu dưới thời Đinh Công Trứ cung cấp. Cái giá được trả cho kẻ phản bội là một nhát dao. Phải nói rằng đầu óc dân Hoa Lư rất đặc biệt. Cái mê trận họ tạo ra trên đường hoàn toàn dựa trên những mảnh ghép đơn giản sau đó gọt chỗ này đắp chỗ kia khiến cho kẻ xâm nhập dù khôn ngoan đến đâu, nếu không có địa đồ rất dễ bị lạc ra bờ vực hay đến rừng sâu, nơi cọp beo chờ sẵn. Kể ra Nhạc Xuân cũng là người kín nước. Hắn chỉ sai giết gã kia khi biết chắc địa đồ của gã là đúng hoàn toàn nên quân Hán cứ thẳng đường tiến không hề sợ lạc. Sau hơn canh giờ dùng đuốc soi đường, rốt cuộc Nhạc Xuân cũng nhìn thấy cái cổng vào căn cứ. Một vài sự kháng cự lẻ tẻ trên đường đi khiến hắn chắc chắn rằng ở đây chỉ có dân binh Hoa Lư, tức là Việt Nghĩa Đoàn chưa kịp mò ra. Có vẻ nhưng lực lượng phong thủ yếu ớt của căn cứ biết lượng sức mình, đã chuồn sạch trước khi quân Hán như đàn hổ đói tràn đến.
Căn cứ được xây cất chắc chắn giữa bốn bề núi cao, đường vào ra hẹp. Cũng có hào, thành thấp để chống tấn công. Kho lương còn tích khá nhiều lương thực, chỗ ăn ở rộng rãi nên Nhạc Xuân biết rằng mình đã bắt được vàng. Trước mắt, có muốn hay không thì Dương Đình Nghệ cũng chẳng thể tấn công vì đường vào nhỏ hẹp, bất lợi dùng binh lớn. Nhưng nếu bỏ triệt được căn cứ này, thì quân Việt lại không dám tiến về Đại La vì sợ bị đánh úp. Dùng dằng nửa ở nửa về sẽ khiến lòng quân bất mãn. Lúc đấy, quân Đại La đánh lên, quân Trường Châu đánh xuống. Tất sẽ thắng lớn. Biết đâu một trận là xong, Lê nguyên soái được ăn ngon ngủ kỹ và Nhạc tướng quân này sẽ được thăng quan tiến chức như chơi. Nghĩ thế Nhạc Xuân được đà đắc ý, cho quân đốt lửa thổi cơm, mang cả rượu ra uống cho bõ một ngày vất vả. Trời về khuya là lúc tất cả lên giường đi ngủ, bỏ mặc sầu cho thế gian lo.
Canh một hoàn toàn im ắng. Mấy gã quân canh cũng tựa vách gác, tranh thủ làm giấc. Đến canh hai bỗng nhiên lửa cháy. Đầu tiên lửa bắt vào một mái nhà, rồi lan khắp nơi trừ kho lương. Chẳng ai hiểu sao nhà ở đây dễ cháy thế. Quân Hán kẻ không kịp mặc giáp, người chẳng kịp nhặt thương, đôn đáo chạy đi cứu lửa. Nhạc tướng quân đang say giấc nồng thì Phàn Kỳ Đạo xô cửa gọi lớn:
- Nguy rồi tướng quân. Căn cứ cháy lớn, giặc đang rất gần. 
Nhạc Xuân lúc tối trót uống quá chén, liêu xiêu mặc áo chạy ra xem. Như có cả biển lửa ụp xuống đầu quân Hán, ánh lửa sáng rực rỡ như ban ngày. Tiếng kêu thét thảm thiết của những kẻ không thoát kịp ra ngoài làm vang dội cả núi rừng.
Gã tỳ tướng Khuất Vĩ chạy đến, lập cập báo:
- Thưa chủ tướng. Lửa cháy đến chuồng ngựa, lũ ngựa nổi điên đang chạy đến đây.
Chưa kịp dứt lời thì mặt đất rầm rầm rung chuyển. Hàng ngàn con ngựa chiến bị lửa đốt nổi điên như mãnh hổ, chạy toán loạn, giày xéo bất kể thứ gì. Nhạc Xuân được Kỳ Đạo dìu lên ngựa. Đám ngựa của tướng lĩnh buộc riêng nên vẫn khống chế được. Chúng cưỡi ngựa chạy ra hướng cổng căn cứ len giữa lớp lớp quân lính hoảng loạn. Ra đến ngoài xa hơi lửa, đàn ngựa có phần bớt sợ hãi. Bỗng một tiếng nổ long trời, từ trên cách núi dựng đứng, những khối đá cả trăm người ôm lao xuống. Trước mặt là đá, sau lưng là lửa. Trong bụng núi chật hẹp, quân Hán chẳng còn biết tránh vào đâu. Kẻ chân không bị đá đè, bị lửa thiêu, bị ngựa dẫm. Kẻ lên được mình ngựa tìm lối chạy ra ngoài, chạy ngược con đường mà ban tối họ háo hức tiến vào. Nhưng ở đó có những thứ nguy hiểm hơn gấp bội. Mũi tên cứng bật từ dây cung căng. Dưới ánh trăng bóng tên như bóng tử. Phàn Kỳ Đạo, Khuất Vĩ và rất nhiều tướng chết trên lưng ngựa. Lưỡi kiếm sắc vuốt bởi lòng căm thù. Nhạc Xuân bị loạn đao phân thây.
Con em Hoa Lư đã được yêu cầu rời khỏi căn cứ vào ngày hôm qua sau khi chuyển một số lương thực khá lớn vào kho. Quân Cờ Lau kỳ công quét lên vách gỗ của căn cứ một loại chất dẫn cháy nhanh nhất và không bị dập bởi nước. Tướng Đinh Công Trứ bố trí lập trận địa ngoài cổng căn cứ và trên đường thoát thân. Họ kiên nhẫn đợi giặc rơi vào giất ngủ tự mãn rồi mới ra tay.
Nơi kết thúc cuộc đời của một vạn quân Hán. Nơi người Việt không bỏ lại một ai.
……………
Sáng mồng năm tháng hai. Tin thắng trận được thám mã đưa đến trại. Dương Nguyên Soái hẹn Đinh Công Trứ hội quân tại Phủ Gôi. Việt Nghĩa Đoàn giờ đã thực sự hùng mạnh, với lá cờ mang chữ Việt lớn dẫn đầu, cuồn cuộn vượt Trường Châu.