Dịch giả: Nguyễn Xuân Thảo, Trịnh Như Lương
Chương 136

Người ta đặt tên lại cho thành Notebo và Sluxenburg thành phố - chìa khoá, rồi lấp lỗ hổng, lợp mái gỗ lên các tháp đã bị đốt cháy. Một đạo quân đồn trú ở đó.
Quân đội đến đóng ở các doanh trại mùa đông. Vua Piotr trở về Moskva.
Ở cửa sổ Miaxniskie, các đại thương gia, cờ phướn đi đầu ra tiếp đón Sa hoàng trong tiếng chuông nhà thờ rộn rã. Phố Miaxniskaia trải dạ đỏ trên một quãng dài một trăm xagien. Các thương nhân vừa tung mũ lên không vừa hô một tiếng nước ngoài: "Vạn tuế!" Vua Piotr đứng trên một cỗ xe thếp vàng có hình thần Mars (Thần chiến tranh); phía sau, những lá cờ Thuỵ Điển kéo lê dưới đất, rồi đến đám tù binh, đầu cúi gằm. Trong một cỗ xe ngựa cao bốn bánh. Nikita Zotov, đại vương trùm đạo, cưỡi trên mình một con sư tử gỗ, đầu đội mũ tế bằng sắt tây áo choàng bằng vải bông đỏ, tay cầm một thanh gươm và một chai vodka. Moskva tiệc tùng phè phỡn hai tuần ròng rã: âu cũng là một dịp đáng ăn mừng. Nhiều vị tai to mặt lớn ốm và chết vì quá chén. Tại Hồng trường, người ta nướng bánh, khoản dãi dân các đại xã và dân thành phố. Tiếng đồn là Sa hoàng đã ra lệnh phát bánh quế làm ở Viazma và khăn tay, nhưng bọn đại thần đã lừa dân chúng: dận các làng xa xôi kéo về để lấy bánh.
Đêm đêm, pháo thăng thiên vọt lên trời, bên trên các tháp của điện Kreml; những pháo hoa hình "mặt trời" đỏ rực quay tít trên các tường thành. Hội hè, vui chơi quá đỗi đến nỗi một đám cháy lớn bùng ra vào ngày lễ Cầu xin Đức Thánh Mẫu. Lửa cháy tại điện Kreml, ở khu Kitai-gorod, gió thổi mạnh, tàn lửa bay qua sông Moskva. Lửa lan ra khắp thành phố, hết đợt nảy đến đợt khác. Dân chúng bỏ chạy về phía các cửa ô. Vua Piotr, giữa đám khói lửa mù mịt phi ngựa kéo một máy bơm chữa cháy của Hà Lan. Chẳng lão sao cứu được gì. Điện Kreml cháy thành tro, trừ điện Nizni Dvor và lâu đài họ Kokoskin. Lâu dài cũ cũng cháy, người ta chỉ vừa kịp đưa công chúa Natalia và hoàng tử Aleksey ra ngoài; tất cả các bộ, các tu viện, các kho đạn dược đều làm mồi cho lửa, các quá chuông ở tháp Ivan Veleki rơi xuống; quả chuông lớn nhất nặng tám nghìn pud nứt ra.
Về sau, người ta nói trên đống tro tàn: "Cứ trị vì đi Sa hoàng, rồi còn được thấy nhiều đám cháy nữa!".
Để mừng con trai Gavrila từ Hà Lan về, Brovkin đã họp tất cả gia đình lại sau buổi lễ chầu: Aleksey mới được thăng trung tá; Yakov làm hoa tiêu ở Voronez, tính lầm lì, tiếng nói ồm ồm, người sặc mùi thuốc lá;
Artamosa và vợ là Natalia, anh ta làm phiên dịch và tuỳ viên của Safirov tại Bộ các sứ thần. Natalia có mang lần thứ ba, đã đẫy ra, đẹp và lười nhác. Ivan Artemist không ngừng ngắm nghía cô con dâu; có cả Roman Borisovich với các con gái. Mùa thu năm ấy, người ta đã gả được Antonida cho trung uý Benkin, dòng dõi hèn kém nhưng được Sa hoàng trọng hậu, hiện nay Benkin ở Ingri. Còn Olga thì vẫn mòn mỏi với số phận gái chưa chồng.
Roman Borisovich đã già đi trong vòng mấy năm gần đây chính vì phải uống rượu nhiều quá. Lão không có thì giờ ngủ một giấc sau một bữa tiệc, - một người lính cầm lệnh đã đứng chờ lão ở bếp từ sáng: ngày hôm đó lão phải có mặt chỗ ấy chỗ nọ. Roman Borisovich đeo bộ ria gai - chính lão đã phát minh ra cái trò nầy - cầm một thanh gươm gỗ rồi đi phục vụ Sa hoàng.
Những vị "đại thần hầu bàn" gồm có sáu người, tất cả đều dòng dõi danh gia thế phiệt, người được tuyển vì ngu ngốc, người vì đã để hèn tố giác ai đó, và dùng để mua vui cho Sa hoàng. Đứng đầu cà bọn là vương hầu Sakhovxkoi, một lão già gầy đét, nhỏ bé, hay vu oan giá hoạ, đồ đệ Lưu linh và lúc nào cũng muốn hại người.
Công việc chẳng có gì là đặc biệt vất vả: thường thường, sau món ăn thứ năm, khi mọi người nốc rượu đã nhiều, Piotr Alekseevich đặt tay lên bàn, vươn cố ra nhìn tứ phía và nói to: "Ta thấy Ivasko Khmenniski tấn công ta dữ lắm đấy, liệu đừng có chùn!". Tức thì Roman Borisovich rời bàn đứng dậy, đeo bộ ria gai vào, cưỡi lên một con ngựa gỗ nhỏ có bánh xe. Người ta đưa lão một cốc rượu, lão phải giơ cao thanh gươm, hăng hái nốc cạn rồi nói: "Chết thì chết nhưng ta không chịu đầu hàng". Bọn lùn, bọn ngốc, bọn hề, bọn gù ùa lại, miệng kêu the thé, và kéo Roman Borisovich ngồi trên mình ngựa thạy quanh bàn. Và như thế là xong, trừ phi Sa hoàng bày ra một trò chơi khác.
Hồi đó, Ivan Artemist vui: gia đình lão đủ mặt, công việc làm ăn phát đạt chẳng thể nào hơn, ngay cả đám cháy cũng không bén đến nhà họ Brovkin. Chỉ còn thiếu có cô con gái cưng của lão là Alekxandra. Chính Gavrila, một thanh niên điềm tĩnh vừa tốt nghiệp trường hàng hải ở Amsterdam, đang nói chuyện về chị.
Alekxandra lúc đó sống ở La Hay với phái đoàn của sứ thần Andrey Artamonovich Matveev, nhưng hai vợ chồng không ở tại sứ quán, họ thuê một nhà riêng. Họ có ngựa nòi, xe ngựa bốn bánh và cả một chiếc du thuyền hai cột buồm… "Thế kia à?" Ivan Artemist ngạc nhiên, mặc dù chính lão đã giấu Sa hoàng bí mật gửi cho Xanka những số tiền lớn để mua ngựa và du thuyền. Vợ chồng Volkov đã rời khỏi Warsawa từ hơn một năm nay, khi vua Auguste chạy trốn trước quân Thuỵ Điển. Họ dừng lại Berlin, nhưng không lâu lắm. Alekxandra không ưa triều đình vua Đức: nhà vua thì keo bẩn, nàng nói vậy nhưng người Đức thì sống một cuộc đời tẻ ngắt, họ hà tiện, đếm từng miếng.
- Ở La Hay, nhà Alekxandra lúc nào cũng đầy khách, - Gavrila kể - Chẳng có ai là khách sang trọng, phần lớn toàn hạng người chẳng ra gì: những kẻ giang hồ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, bọn Ấn Độ biết phép trừ vận hạn… Chị ấy đi chơi thuyền với họ trên kênh, ngồi trên boong, trên ghế đẩu và gẩy thụ cầm.
- Nó đã học gẩy đàn kia à? - Ivan Artemist vừa kêu lên vừa chắp hai tay lại và đưa mắt nhìn cả gia đình.
- Khi chị ấy ra phố, mọi người đều chào nhưng chị chỉ gật đầu đáp lại, như thế nầy. Ít khi chị ấy cho phép Vaxili ra tiếp khách, và Vaxili lại lấy thế làm bằng lòng, anh ta trở nên dịu dàng, mơ mộng, tay luôn luôn cầm một cuốn sách, đọc cả tiếng La-tinh, đi thăm các công trường đóng tàu, các nhà bảo tàng và Sở giao dịch chứng khoán, quan sát.
Trước khi Gavrila trở về, Xanka có nói với em là ngay cả La Hay, nàng cũng đã chán rồi; người Hà Lan lúc nào cũng chỉ nói đến buôn bán và tiền, họ không có phong cách lịch sự với phụ nữ; khi khiêu vũ, họ dẫm cả lên chân phụ nữ… Nàng muốn đi Paris.
- Nó cứ nhất định nhảy điệu nhịp ba với vua Pháp? A, con bé mới gớm chứ, - Ivan Artemist nói to; nhưng đôi mắt lão nhếch lên vì thích thú. - Nói cho ta biết, thế nó định bao giờ mới trở về nhà?
- Đôi lúc khi đã chán bọn giang hồ, chị ấy bảo con: Griska, em biết không, chị muốn ăn phúc bồn tử ở vườn nhà quá… Chị sẽ đánh đu dây trong vườn, bên bờ sông Moskva
- Thế ra chẳng có gì làm lòng người ta quên được đất nước.
Ivan Artemist sẵn sàng nghe kể chuyện về cô con gái Alekxandra suốt cả ngày.
Vua Piotr và Melsikov đến giữa bữa ăn. Ít lâu nay Sa hoàng thường đến đây luôn. Nhà vua gật đầu chào mọi người và nói với Roman Borisovich lúc ấy đang run bần bật: "Cứ ngồi yên, hôm nay nhà ngươi được tự do". Nhà vua dừng lại trước cửa sổ và ngắm nhìn hồi lâu những dấu vết của đám cháy. Ở các phố mới đây còn đông đúc nhộn nhịp, chỉ còn nhô lên trên đống gạch vôi đổ vờ những cột sống khói, những ngôi nhà thờ nhỏ đã bị cháy mất nóc. Một cơn gió mạnh thổi tung từng đám mây tro.
- Một nơi hoang tàn, - nhà vua nói dằn từng tiếng.
- Ở nước ngoài, các thành phố đứng vững hàng nghìn năm, còn thành phố nầy thì cứ cháy mãi…, Moskva!
Sa hoàng buồn rầu ngồi vào bàn, ăn nhiều và chẳng nói một lời. Nhà vua gọi Gavrila và nghiêm nghị hỏi, đã học được những gì ở Hà Lan, đã đọc những sách gì, rồi bảo anh lấy giấy bút vẽ các bộ phận của một chiếc tàu các loại buồm, sơ đồ một pháo đài bờ biển. Có một lúc, vua Piotr bác những ý kiến của Gavrila, nhưng anh cứ khăng khăng không chịu. Nhà vua vỗ vào đầu anh.
- Ta thấy cha ngươi nuôi ngươi ăn học không phải là uổng công.
Nghe câu nói đó, Ivan Artemist ứa nước mắt, khịt khịt mũi vì sung sướng. Vua Piotr châm tẩu thuốc và đi về phía cửa sổ, nói:
- Nầy, Artemist, phải xây dựng một thành phố mới!
- Tâu bệ hạ, ta sẽ xây chứ, một năm nữa, nhà cửa sẽ lại được dựng lên.
- Không phải ở đây.
- Thế thì ở đâu, tâu bệ hạ? Đây là chốn cũ, quen thuộc, nói cho cùng đây là Moskva. - Lão ngẳng đầu lên, người béo lùn, chân ngắn, lão chớp chớp mắt - Tâu bệ hạ, hạ thần đã bắt tay vào việc rồi… hạ thần đã mộ năm ngàn mugic đốn cây… Chúng thần sẽ chuẩn bị gỗ tròn sẵn sàng dọc sông Setxna, sông Selon và sẽ cho xuôi về bằng bè, chỉ còn việc dựng lên, lắp tại chỗ. Một ngôi nhà gỗ, có hàng rào, cống cái và cửa nhỏ sẽ chỉ tốn có năm rúp… Còn gì hơn nữa. Alekxandr Danilys là người chung vốn với hạ thần.
- Không làm ở đây, - vua Piotr vừa nhắc lại vừa nhìn qua cửa sổ, - Phải xây dựng một thành phố trên bờ hồ Ladoga, trên bờ sông Neva… Ngươi cần đưa thợ đốn gỗ đến đấy!
Những cánh tay ngắn của Ivan Artemist tự dưng rút ra sau lưng, xoay xoay hai ngón tay cái:
- Có thể làm được… - Lão khẽ trả lời.
- Myn Herz, mụ già Monx lại đến tìm thần. Mụ khóc lóc van xin cho phép mụ và con gái chỉ đến nhà thờ đi lễ thôi. - Melsikov đắn đo nói.
Tối hôm đó, nhà vua và Melsikov cùng ở nhà Brovkin về, đi qua những phố bị cháy. Gió hất tàn tro vào thành chiếc xe ngựa bọc da. Vua Piotr ngồi thụt vào trong cùng làm như không nghe thấy Alexaska nói.
Sau trận Luxembourg, trở về Moskva, Sa hoàng chỉ nói đến Anna Monx có một lần; nhà vua đã ra lệnh cho Alexaska đến nhà nàng để lấy lại bức chân dung của mình, bức chân dung nạm kim cương nàng vẫn đeo ở cổ; nàng có thể giữ lại các vật trang sức khác và tiền, rồi sống ở nơi nàng đang ở, nếu nàng muốn, nàng có thể về sống ở nông thôn, nhưng nàng không được ra khỏi nhà, không được đi đến bất cứ nơi nào.
Nhà vua đã dứt người đàn bà ấy ra khỏi lòng mình, như dứt một túm cỏ dại, cả rễ, vấy máu. Nhà vua đã quên nàng. Và giờ đây, ở trong xe, không một thớ thịt nào trên mặt nhà vua rung động. Anna Ivanovna viết thư cho nhà vua, nhà vua không trả lời. Nàng cho mẹ đem quà đến gặp Melsikov, van nài Melsikov cho phép nàng sụp xuống chân hoàng thượng mà nàng vẫn yêu dấu suốt đời… Còn về chiếc trái tim đựng ảnh, nàng bảo là Kornigxeg đã đánh cắp của nàng. (Nàng không biết người ta đã tìm thấy những thư của nàng trên người Kornigxeg).
Melsikov nhận thấy nhà vua rất cần được đàn bà vuốt ve ôm ấp. Bọn lính hầu của Sa hoàng, tất cả đều là tay chân của Melsikov, cho biết Piotr Alekseevich khó ngủ: nhà vua thở dài, đập đầu gối vào tường. Nhà vua không phải chỉ cần một người đàn bà mà thôi, mà còn cần có một người đàn bà tốt. Alexaska chỉ đả động đến Anna Monx với mục đích thăm dò. Vua Piotr lặng thinh. Chiếc xe rời khỏi con đường lát gỗ tròn để đi vào một con đường đất mềm, đột nhiên Alexaska khẽ cười thầm quay đầu đi. Vua Piotr lạnh lùng bảo hắn.
- Thật ta không hiểu tại sao ta còn chịu để nhà ngươi bên cạnh, điều đó làm ta rất ngạc nhiên.
- Nhưng thần có làm gì đâu? Thần xin cam đoan…
- Hễ có bất kỳ cơ hội nào là nhà ngươi ăn cắp ngay… Giờ đây nhà ngươi cũng lại quanh co, lương tâm nhà ngươi không yên ổn.
Alexaska khịt khịt mũi. Xe yên lặng chạy một lát rồi hắn vừa cười gằn vừa nói:
- Thần vừa mới cãi nhau với Boris Petrovich. Thế nào lão cũng sẽ đến than phiền với bệ hạ… lão khoe cô quản gia nhà lão… Lão bịa ra là đã mua cô ta của một tên long kỵ binh, giá một rúp… "Giờ đây, có trả tôi đến mười ngàn rúp, tôi cũng chẳng nhường cho ai. Nàng thật là lanh lợi, tươi vui, thật cứ như lửa reo Nàng biết làm đủ mọi việc…". Thế là thần đến thăm lão uống rượu với lão rồi bảo: Đưa cô ta ra cho tôi xem nào… Lão ngần ngừ rồi nói: Cô ta đi đâu rồi ấy, tôi cũng chẳng biết nữa… Nhưng thần cứ nài mãi… Lão già không biết làm thế nào. Lão cứ nói quanh nói co rồi lão gọi cô ta ra. Thoạt nhìn cô ta, thần đã ưa rồi: cô ta không đẹp như tranh đâu, không. Nhưng cô ta ưa nhìn, giọng nói trong trẻo, đôi mắt linh lợi, tóc cuốn thành búp… Thần bảo cô ta: Vì tôi là khách của cô, cô phải mời tôi một cốc rượu theo lối cổ, với một cái hôn lên môi. Thần nói với Boris Petrovich: "Bán cho tôi cô gái nầy… Tôi sẽ tặng ông dinh thự của tôi, tôi sẽ lột cho ông đến chiếc áo lót cuối cùng… Làm sao ông có thể thoả mãn cô ta được? Phải có một người đàn ông trẻ để viết ve cô ta… Ông thì chỉ làm cô ta bị khích động lên một cách vô ích thôi… Hơn nữa, đó là một tội lỗi; ông đã có vợ con rồi… Lại còn phải xem Piotr Alekseevich nhìn nhận chuyện trác táng nầy của ông như thế nào…" Thần đã dồn lão đến chân tường. Lão thở hổn hển: "Alekxandr Danilys, ông cướp mất của tôi niềm vui cuối cùng…" Lão chán ngán khoát tay rồi oà lên khóc. Thật là chết cười được, thần xin thề với bệ hạ như vậy. Lão bỏ vào buồng ngủ, khoá trái lại, nằm một mình. Thần đã nhanh chóng điều đình với cô quản gia, cho gọi xe ngựa đến, vứt đồ đạc của cô ta lên xe rồi đưa cô ta về nhà thần… Hôm sau, thần đưa cô ta về Moskva. Cô ta sụt sùi khóc tám ngày ròng như có lẽ theo thần hiểu, cô ta làm ra thế thôi… Giờ đây cô ta sống như con chim non trong dinh thự của thần.
Nhà vua có nghe hay không? Làm sao mà biết được? Alexaska kể xong, nhà vua húng hắng ho, Alexaska thừa biết rõ tất cả các kiểu ho của nhà vua.
Hắn hiểu: Piotr Alekseevich đã chăm chú nghe.
 

Truyện PIE ĐỆ NHẤT Tiểu sử & chú thích Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 Chương 15 Chương 16 Chương 17 Chương 18 Chương 19 Chương 20 Chương 21 Chương 22 Chương 23 Chương 24 Chương 25 Chương 26 Chương 27 Chương 28 Chương 29 Chương 30 Chương 31 Chương 32 Chương 33 Chương 34 Chương 35 Chương 36 Chương 37 Chương 38 Chương 39 Chương 40 Chương 41 Chương 42 Chương 43 Chương 44 Chương 45 Chương 46 Chương 47 Chương 48 Chương 49 Chương 50 Chương 51 Chương 52 Chương 53 Chương 54 Chương 55 Chương 56 Chương 57 Chương 58 Chương 59 Chương 60 Chương 61 Chương 62 Chương 63 Chương 64 Chương 65 Chương 66 Chương 67 Chương 68 Chương 69 Chương 70 Chương 71 Chương 72 Chương 73 Chương 74 Chương 75 Chương 76 Chương 77 Chương 78 Chương 79 Chương 80 Chương 81 Chương 82 Chương 83 Chương 84 Chương 85 Chương 86 Chương 87 Chương 88 Chương 89 Chương 90 Chương 91 Chương 92 Chương 93 Chương 94 Chương 95 Chương 96 Chương 97 Chương 98 Chương 99 Chương 100 Chương 101 Chương 102 Chương 103 Chương 104 Chương 105 Chương 106 Chương 107 Chương 108 Chương 109 Chương 110 Chương 111 Chương 112 Chương 113 Chương 114 Chương 115 Chương 116 Chương 117 Chương 118 Chương 119 Chương 120 Chương 121 Chương 122 Chương 123 Chương 124 Chương 125 Chương 126 Chương 127 Chương 128 Chương 129 Chương 130 Chương 131 Chương 132 Chương 133 Chương 134 Chương 135 Chương 136 Chương 137 Chương 138 Chương 139 Chương 140 Chương 141 Chương 142 Chương 143 Chương 144 Chương 145 Chương 146 Chương 147 Chương 148 Chương 149 Chương 150 Chương 151 Chương 152 Chương 153 Chương 154 Chương 155 Chương 156 Chương 157 Chương 158 Chương 159 Chương 160 Chương 161 Chương 162 Chương 163 Chương 164 Chương 165 Chương 166 Chương 167 Chương 168 Chương 169 Chương 170 (chương kết)