Chương 9

Từ sau bữa tiệc Giáng Sinh năm ấy, trong lòng tôi không lúc nào yên mỗi khi nghĩ đến Văn Khải. Vết thương năm xưa như bị khơi lại đôi lúc cảm thấy nhức nhối và khó chịu vô cùng. Tôi muốn biết sự thật về tình cảm của anh ấy. Tôi muốn đích tai nghe lời thú nhận của Văn Khải với tôi. Nhưng bây giờ sự việc đã khác. Tôi đang ở trong một hoàn cảnh khác. Tôi là một đứa con gái sắp lấy chồng thì không thể nào đi tìm hiểu về chuyện tình cảm năm xưa của mình. Chẳng phải tôi đã từng nhiều lần tự nhủ rằng: "Tường Vi một khi đã lấy chồng thì sẽ một lòng chung thủy và yêu thương chồng mình, không bao giờ có ý niệm về người đàn ông khác" hay sao? Đó là lời tự hứa của bản thân mà tôi rất tôn trọng, không bao giờ muốn làm trái lại.
Nhưng đối với Văn Khải thì khác. Anh ấy còn nợ tôi một câu trả lời. Anh ấy còn nợ tôi một mối tình đầu suốt bao năm không thể nào quên. Tại sao lại như vậy? Tại sao phải đợi đến khi tôi sắp lấy chồng Văn Khải mới xuất hiện bên cạnh tôi? Tại sao anh ấy không nói gì trong suốt bao năm qua? Tại sao lại để tôi một mình cô đơn, đợi chờ? Tôi giận Văn Khải. Nhưng càng giận lại càng bực mình vì không cách nào có cơ hội để hỏi anh. Càng không cách nào để lòng mình có lỗi với Hoàng Danh.
Tôi yêu Hoàng Danh. Điều này không thể phủ nhận và sẽ không bao giờ thay đổi. Tôi sẽ lấy Hoàng Danh trong nay mai. Điều này cũng là tâm nguyện của tôi chứ chẳng phải do ai ép buộc. Nhưng tính tôi từ xưa đến nay vốn hiếu thắng nên sau khi biết chuyện Văn Khải thích mình thì tôi lại không thể làm ngơ như không hề hay biết. Thà là tôi vẫn chẳng hay biết gì có phải hơn không? Để rồi tôi có thể không màng suy nghĩ, lấy Hoàng Danh và không mang nặng bất cứ điều gì trong lòng. Càng nghĩ tôi càng giận, lòng càng nôn nao muốn đi hỏi Văn Khải cho ra lẽ. Tôi không thích cái cảm giác này một chút nào. Tôi chỉ muốn một lòng một dạ với Hoàng Danh mà thôi. Nhưng sao hình bóng Văn Khải cứ lảng vảng như bóng ma?! Ôi thật là con tim có nhiều ngõ ngách.
Sau lần hội ngộ vô tình của tôi và Văn Khải ở bữa tiệc Giáng Sinh, phải đến hai tuần sau chúng tôi mới gặp lại. Trong bữa tiệc mừng Tết Tây hôm ấy gia đình tôi mời cả gia đình Văn Khải và một số gia đình thân quen khác đến dự thật đông đảo. Sau phần ăn thì mọi người tụ lại trong phòng khách uống nước trò chuyện. Lúc ấy tôi đang từ trong phòng mình bước ra thì chợt nghe tiếng mẹ tôi đứng ở một góc riêng hỏi chuyện Văn Khải.
-Lâu quá bác mới gặp con. Sao dạo này có tin gì vui chưa?
Mặc dù tôi không muốn nghe lén nhưng tự dưng đôi chân không chịu nhấc đi thêm. Tôi xoay mình dựa vào tường lắng nghe hai người họ trò chuyện vì tôi biết rõ họ đứng khuất một bên với bức tường tôi đứng nên không thể thấy tôi. Tiếng Văn Khải trả lời.
-Dạ đâu có tin gì đâu bác. Con cũng vẫn vậy thôi à.
-Vẫn vậy là sao nè? Con cũng lớn rồi chứ nhỏ gì. Khi nào mời bác uống ly trà cô dâu đây?
Tôi nghe Văn Khải cười rồi đáp.
-Chuyện đó còn lâu lắm bác.
Mẹ tôi lại lên tiếng.
-Bác đã nói ở xứ người không quen biết thì khó chọn bạn. Chứ bác nghĩ hồi xưa con đừng dọn đi thì chắc giờ đã có mấy đứa ẵm bồng rồi đấy.
-Mẹ con cũng nói vậy.
-Thì đó, ngay cả mẹ con cũng có ý giống bác. Mà sao năm xưa con dọn đi chi mà xa xôi giữ vậy? Bộ ở đây không được vui à?
Tim tôi giật thót mình khi nghe mẹ hỏi Văn Khải câu này, vì đó cũng chính là điều tôi muốn biết từ lâu. Tôi hồi hộp nghe anh ấp úng một đôi giây.
-Dạ đâu có bác. Tại vì con muốn dọn đi thôi.
Mẹ tôi nghe vậy liền chắt lưỡi theo thói quen của bà.
-Vậy mà hồi đó bác còn mong con làm con rể nhà bác chứ.
-Con không có phước đó bác à.
-Sao lại không nè? Thiệt tình mà! Con gái bác mới là không có phước.
-Dạ không phải đâu. Con thấy Tường Vi với Danh hạnh phúc lắm.
-Oh ý bác không phải là vậy. Bác không có chê gì thằng Danh. Nhưng thật có lẽ con Vi nó không có duyên với con sao đó. Hồi ấy bác cứ tưởng....
-Dạ thôi chuyện xưa rồi bác cũng đừng nghĩ đến. Bây giờ Tường Vi cũng sắp lấy chồng.
-Ừ, bác biết chứ. Chỉ là với con bác vẫn coi như đứa con trong nhà nên nói vậy thôi. Chứ bác đâu có nói với nó hay nói trước mặt thằng Danh nè. Bác cũng thấy tụi nó vui vẻ thì bác mừng. Nhưng nhìn thấy con bác lại tiếc. Ước gì bác có thêm đứa con gái nữa, nhất định sẽ gả cho con.
Tiếng Văn Khải bật cười nói.
-Dạ cám ơn bác. Con cũng coi bác thân như mẹ con vậy. Thôi cho con làm con nuôi của bác nhé.
-Được mà. Con nói đó nhen. Con nuôi thì phải ở gần mẹ chứ không nên đi xa hoài như vậy. Mẹ con cũng mong con về lắm đó. Thôi con nghe lời hai bà mẹ này đừng đi nữa nhé.
-Dạ con sẽ cố gắng nghe lời.
Văn Khải vừa nói xong thì có tiếng chị Tường Mai gọi mẹ từ sau bếp. Cuộc trò chuyện giữa hai người phải cắt ngang giữa chừng. Tâm trí tôi bần thần trong suy nghĩ cho đến lúc ấy vẫn chưa nhúc nhích. Lưng vẫn dựa sát vào tường mà đầu óc để đâu đâu. Chợt Văn Khải đi hướng về chỗ tôi. Anh đứng lại ngó tôi sững sờ khi bắt gặp thần trí tôi lơ đễnh. Có lẽ anh không biết nơi tôi đứng có thể nghe hết những gì anh vừa nói với mẹ. Hay có thể anh không biết tôi đã đứng đó bao lâu và có nghe được gì không. Anh dừng lại chăm chú quan sát gương mặt tôi và lo lắng hỏi.
-Tường Vi, em sao vậy?
Tôi giật mình như người vừa ra khỏi cơn mộng liền vội vàng trả lời anh.
-Oh, không gì.
Anh không tin nên tiếp tục dò xét.
-Vậy sao đứng thẫn thờ ở đó làm gì thế?
Tôi đành phải kiếm cách nói dối.
-À, em cảm thấy hơi nhức đầu nên đứng lại thở chút thôi. Bây giờ không sao rồi.
Văn Khải càng tỏ ra quan tâm hơn.
-Em bị nhức đầu à? Có cần uống thuốc hay đi nằm nghỉ không? Chắc trong nhà nhiều người quá nên em bị ngộp đó.
Tôi áy náy vì đã lỡ dối anh, giờ nghe anh bận tâm càng khiến tôi thêm bức rức. Nhưng không còn cách nào hơn nên đã lỡ phóng lao đành phải theo lao.
-Em không sao đâu. Hết nhức đầu rồi. À anh định đi đâu đó?
Vừa hỏi xong câu đó tôi mới thấy mình hết sức lơ đãng. Hướng đi này chỉ về phòng tôi, phòng ba mẹ, hoặc phòng vệ sinh thôi thì dĩ nhiên Văn Khải phải đi vệ sinh rồi, chứ chẳng lẽ anh định vào phòng tôi hay phòng ba mẹ sao? Thật là ngớ ngẩn hết sức. Tôi thấy mình bỗng dưng ngu ngơ nên bật cười một mình. Văn Khải như hiểu ra. Anh cũng cười lại rồi đùa giỡn.
-À, anh định vào phòng em trộm đồ.
Tôi ngước mắt nhìn anh càng thêm buồn cười ở lời đùa ấy. Tôi cũng hùa theo.
-Anh định trộm món nào?
-Nếu anh nói ra cho em biết thì làm sao trộm được nữa?
-Hmmm.... có lý ha. Okay, hay là coi như em không thấy anh vào phòng em đi. Bây giờ em xoay lưng lại rồi anh vào lấy thử coi xem tối nay em có biết là mất món gì không.
Văn Khải nhìn tôi ngạc nhiên với lời đề nghị ấy. Có lẽ anh nghĩ tôi đang nói đùa nhưng sự thực lúc đó tôi cũng chẳng biết mình nói đùa hay nói thật. Anh nói vu vơ.
-Cái anh muốn lấy trộm không lấy được nữa.
Lần đầu tiên tôi nghe anh nói một câu chứa đựng bao nhiêu ý nghĩa sâu sa trong đó. Tôi ngỡ ngàng mà chợt đau nhói trong tim. Tôi bỗng trở nên bối rối không biết đáp lại lời nào. Anh vội nói tránh đi.
-Hình như mẹ anh gọi anh ở ngoài thì phải. Thôi mình nói chuyện sau nhé. Em giữ gìn sức khỏe coi chừng bịnh đó.
Anh vội vã đi ngay sau lời nói ấy. Còn tôi đứng đó lại dựa lưng sát vào tường không dám nhìn theo.
Những điều mâu thuẫn trong tôi càng nở lớn sau lần nói chuyện ngắn ngủi ấy với Văn Khải. Nhưng sau đó tôi và anh không có dịp gặp lại cho đến ngày lễ Tết Ta vào hai tháng sau. Mặc dù chúng tôi ở rất gần nhau, chỉ cách hơn mười căn nhà, nhưng lại chẳng đối mặt. Trong bữa tiệc mừng Tết Nguyên Đán ở nhà anh, tôi theo gia đình sang dự chung. Lần ấy, cả hai đứa đều bận rộn với gia đình và bạn bè nên không có dịp ngồi riêng rẽ nói chuyện. Không hiểu sao tôi lại có cảm tưởng rằng Văn Khải có ý tránh tôi một phần nào, vì vậy tôi cũng ít nhiều giữ kẽ khi đứng bên cạnh anh. Chúng tôi như đã tự dựng lên cho nhau một bức tường ngăn cách. Anh không dám với tay qua, và tôi cũng chẳng dám ngỏ lời mời. Mọi việc đã khác xưa, không còn những tháng ngày hồn nhiên vui đùa bên nhau nữa. Cũng không còn những cử chỉ tự nhiên đầy tình cảm dành cho nhau. Giờ đây cả hai chúng tôi đã là người trưởng thành và đối xử với nhau trong vòng xã giao miễn cưỡng. Tôi không quen với cảnh ấy một chút nào. Càng không thích nhìn thấy khoảng cách ấy mỗi ngày một lớn hơn. Nhưng tôi có thể làm gì đây, khi mà hoàn cảnh bây giờ đã đổi khác? Giữa tôi và Văn Khải, bất cứ điều gì cũng đã không còn có thể níu kéo lại.