Chương 3

Mùa Hè năm đó kết thúc thật mau trong trí nhớ của tôi. Tôi chẳng có dịp đi chơi nhiều vì bị chứng say xe, nhức đầu nên chỉ quanh quẩn ở nhà đọc sách, dạo bộ quanh khu chung cư, và làm quen với cuộc sống mới. Giữa tháng Chín trời đã bắt đầu trở lạnh đón Thu về là lúc tôi bắt đầu những ngày đi học nơi xứ Mỹ. Hồi còn ở Việt Nam tôi đã tựu trường ba tháng đầu tiên của khối lớp 7 nên đáng lẽ năm đó tôi phải lên lớp 8, nhưng vì muốn tôi được học lâu hơn nên ba tôi đã xin cho tôi được lùi lại một năm học tiếp lớp 7. Chuyện này không gì khó khăn vì tôi sinh cuối năm nên được chấp thuận liền. Thế là tôi cắp sách những ngày đi học.
Thời gian đầu ở trường Gregory Heights Middle School tôi rất lo sợ nhưng không khỏi háo hức. Chẳng có một chữ tiếng Anh trong đầu nên tôi phải học những lớp ESL đầu tiên. Ê a từng chữ Tây như thuở học cấp I đến buồn cười và mắc cở. Bù lại, nhờ tính tình mạnh dạn và thân thiện, tôi kết bạn rất nhanh nên không bị cô đơn hay buồn chán trên trường. Hồi đó cũng có nhiều gia đình di cư sang cùng thời gian hoặc chênh lệch vài ba năm nên các bạn đồng trang lứa với tôi nhiều vô số. Trai có, gái có, cả đám đứa người Việt nhét vào những lớp ESL học chung với những đứa khác người Lào, Cambốt, Liên Xô.... vui thật vui. Không những thế, dần dần chúng tôi chợt nhận ra những gia đình Việt Nam mới qua hầu hết đều ở khu chung cư Halsey như gia đình tôi. Vì vậy tôi vừa có bạn đi chung đến trường, lại có bạn cùng chơi khi ở nhà. Cuộc sống mới thật dễ thích nghi không mấy khó khăn.
Việc học của tôi coi như đã được sắp xếp tạm ổn. Nhưng cùng lúc việc nhà tôi lại chẳng được vui vẻ. Gia đình tôi không hiểu sao bắt đầu có những cuộc gây gổ nho nhỏ rồi đâm ra cãi vã. Cả nhà chia thành hai phe mà một bên là mẹ và hai chị, còn bên kia chỉ có mình ba. Đời sống mới làm con người lo toan, tính toán từng đồng bạc một. Lúc đó tôi thật quá nhỏ để hiểu tường tận những chuyện ấy. Chỉ đến khi sau này lớn lên hỏi mẹ, tôi mới được biết rõ mà thôi. Nhưng lúc đó thấy cảnh xây xát trong gia đình, tôi không khỏi bị ảnh hưởng đến cách nhìn về cuộc sống.
Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ thấy gia đình tôi cãi nhau. Chưa bao giờ thấy ba tôi giận đến đỏ cả mặt, thấy mẹ tôi khóc, thấy các chị tôi lớn tiếng tranh luận những sự việc liên quan đến gia đình qua nước mắt. Tôi không hiểu. Tôi thực mù mờ không hiểu. Nhưng từ trong tri thức tôi cảm nhận sự bất hòa của gia đình đều một phần lớn là do ba tôi gây ra. Ôi người cha mà tôi hằng kính trọng! Người cha mà tôi hằng đặt lên hàng đầu làm mẫu gương cho tôi noi theo. Ông thật đã thay đổi. Tôi không hiểu được sự thay đổi của ông. Chỉ biết rằng ông càng lúc càng xa lạ với tôi. Tình cha con từ ấy mất đi, không bao giờ có thể quay trở lại.
Mọi việc xảy ra trong gia đình cùng một lúc đã là bước ngoặt đổi đời lớn nhất của tôi. Phải chăng nên nói là hoàn cảnh ở xứ lạ đã thay đổi cuộc đời tôi? Hay nên nói chính là những con người chung quanh, những người thân thương nhất đối với tôi, đã lột bỏ lớp áo ngây thơ của tâm hồn tôi, để rồi tự tay họ lại khoác lên cho tôi tấm áo trưởng thành, con mắt nhìn đời một cách chua xót, lạ lẫm?
Năm 13 tuổi tôi đã bắt đầu hiểu thế nào là buồn. Chứng kiến cảnh đổ vỡ hạnh phúc của gia đình, tôi âm thầm một mình đứng trong bóng tối quan sát và nhận thấm những nỗi đau riêng. Không một ai biết! Không một ai trong gia đình tôi để ý đến con bé 13 tuổi vô tư tên Tường Vi. Nó thấy ba nó giận dữ, thấy mẹ nó khóc, thấy hai chị nó kêu la, thấy người thân hầm hè nhau, thấy ba mẹ đòi ly dị nhau, thấy những cách mà hai bên cố ý canh chừng nhau, thấy nỗi lo sợ, buồn bực, u ám phủ lên căn nhà mới. Tất cả hồn nhiên trong một thoáng chợt sụp đổ hoàn toàn. Tất cả những vô tư của tuổi thơ, những ước mơ bong bóng màu hồng đều như tan đi trong nước mắt cô đơn.
Từ lúc nào không biết, hai chữ "cô đơn" đã bắt đầu hiện hình trong đầu tôi. Chẳng còn ai để ý, quan tâm đến tôi nữa. Cả nhà lo cãi nhau, lo tranh giành quyền lợi cho nhau mà quên mất đứa con gái út đang vào tuổi mới lớn. Để rồi tôi một mình tự học những bước nhảy vượt trội để bước vào đời. Một mình tôi sa ngã vào vực sâu của cuộc đời đen tối, hai mặt trắng đen rõ ràng trong những tư tưởng điên loạn của con người sống. Tôi càng đi tìm tình thương và sự trong sáng, càng phát hiện những điều thất vọng của thế gian và cuộc đời. Có phải do tôi quá thông minh? Có phải do tôi quá tự cao nên bây giờ mới té đau khi nhìn thấy những sự thực phũ phàng ấy? Nhiều đêm nhắm mắt lại, tôi mới thực thấy mình đã già trước tuổi. Ngây thơ và hồn nhiên từ từ vuột khỏi mảnh hồn đứa trẻ mới lớn, để chợt ùa về bao suy nghĩ, trăn trở của cuộc đổi đời.
Cả nhà lục đục những chuyện cãi vã nhỏ thành lớn, lớn thành quá lớn suốt hơn một năm trời. Đến độ bác Khúc cùng một số gia đình thân quen phải thường xuyên đến giảng hòa mới được tạm yên. Gia đình tôi từ ấy đã thôi không cãi nhau mỗi ngày, chỉ khi có chuyện mới lại tranh luận đến nhức đầu. Nhưng vết thương cho mỗi thành viên trong gia đình đều sâu nặng, và khoảng cách từ đó cũng dần lớn thêm. Nếu như có một ngày tôi có đủ can đảm đến thưa với ba mẹ và hai chị, thì chắc chẳng ai dám tin vết thương sâu nhất năm ấy lại là vết thương in hằn lên tôi, một vết thương của niềm đau gia đình ngăn cách mà tôi đã cảm nhận trong bao ngỡ ngàng, chua xót.
Đến năm tôi 14 tuổi thì mọi người đã tạo cho mình một cuộc sống riêng. Ba tôi đi làm ca ngày, mẹ tôi đi làm ca chiều đến sáng mới về. Hai chị tôi cùng đi học rồi đi sinh hoạt trong nhà thờ hay đi chơi với các nhóm bạn của họ. Một mình tôi lại càng cô đơn, lạc lõng trong căn nhà quen thuộc nhưng không mang lại hơi ấm. Năm tôi 14 tuổi thì chị Tường Lan đã 25, chị Tường Mai thì 23. Hai người chị tôi ở một lứa tuổi quá lớn so với đứa con nít bé bỏng như tôi. Họ có cuộc sống riêng, bạn bè riêng và bận rộn riêng của họ. Hai người chị lại không thích ở nhà đụng mặt ba tôi, nên khi về lại cùng nhau vào phòng riêng trò chuyện hay học bài. Ba mẹ tôi cũng bận rộn với việc làm và lo toan của riêng họ nên tôi như không còn hiện hữu hay cần thiết trên đời. Cảm giác bị bỏ rơi lần đầu tiên đến trong cuộc đời tôi.
Cuối năm ấy gia đình tôi may mắn trong sự giúp đỡ của nhiều người nên mua được căn nhà trả góp gần nhà bác Khúc. Hai nhà đã gần nay lại càng gần hơn vì chỉ cách nhau chừng mười căn. Có nhà mới cũng như một sự thay đổi mới để hàn gắn tất cả. Gia đình tôi làm một bữa cơm mời tất cả bạn bè thân quen của ba mẹ, và của hai chị tôi đến dự. Tiện dịp cám ơn tất cả những giúp đỡ, chăm sóc, ủi an mà mọi người đã dành cho chúng tôi từ ngày đầu đặt chân đến đây. Đó là một trong những ngày vui nhất trong đời mà tôi chờ đợi, mong mỏi.
Buổi tiệc đó tôi đã được ngồi bên cạnh chị Tường Lan và Tường Mai, cùng ăn uống vui vẻ với bạn bè của hai chị. Trong số những người đó dĩ nhiên là có cả anh Văn Khiêm và Văn Khải. Lúc đầu bé Khương còn lại ngồi với tôi nhưng sau một lúc thì nó lại chạy sang ngồi với mẹ hay kiếm một góc nào có TV để coi chương trình hoạt hình thứ Bảy. Thế là vô tình tôi chợt nhận ra mình trở thành người nhỏ nhất trong bàn giữa nhóm các anh chị chung quanh. Người ngồi đối diện tôi không ai khác lại là Văn Khải với nụ cười dễ mến và đôi mắt nhỏ khiến tôi mỗi lần lén nhìn đều phải thầm cười.
Đã lâu rồi gia đình tôi mới có cảnh nhộn nhịp, vui vẻ như hôm ấy. Trong lòng tôi có lẽ là vui hơn gấp ngàn lần tất cả mọi người vì cảm giác bị bỏ rơi bấy lâu đã được quên đi, bù đắp lại là bao tình thương trong tiếng cười, tiếng nói rộn ràng. Đó cũng là lần đầu tiên tôi thực sự ngồi đối diện và có dịp nhìn kỹ Văn Khải. Năm ấy anh đã tròn 20, lớn hơn tôi sáu tuổi nhưng đối với tôi anh thật giống một người đàn ông chững chạc, trưởng thành. Tuy anh nhỏ hơn chị Tường Mai ba tuổi nhưng vì theo cách xã giao bên Mỹ, họ vẫn gọi nhau bằng tên cho thân mật. Anh lớn Văn Khiêm, con trai cả của bác Khúc năm ấy 23 bằng tuổi với chị Tường Mai, cũng cách tôi chín tuổi ngồi đối diện với chị Mai nói cười không ngớt. Quả thật ba người con của bác Khúc ai cũng giống bác nụ cười, chỉ có đôi mắt là giống mẹ không quá cương nghị nên trông hiền hòa, dễ mến. Ngay cả bé út Khương năm đó 9 tuổi cũng nghịch phá mà lại hiền lành, đáng yêu.
Bên bàn người lớn cũng xum tụ những sĩ quan chế độ cũ cùng vợ của các ông đến dự tiệc. Vài ba đứa bé trai, gái được ba mẹ chúng dắt theo hùa lại với nhau coi TV hoặc chơi games. Mỗi thế hệ một câu chuyện nên mạnh ai nấy vui, chẳng còn cần thiết đến những gì khác xảy ra chung quanh. Tôi ở giữa hòa nhập với tất cả mà chưa thực sự hiểu rõ mình ở vị trí nào, nhưng trong lòng thật vui vì được ngồi ở bàn gọi là lớp trẻ chứ không phải cùng đám con nít. Khái niệm làm người lớn của tôi bắt đầu hợp lại từ lúc ấy.
Suốt buổi tiệc tôi chỉ ngồi nghe các anh chị nói rồi cười với mọi người một cách ngây thơ, thích thú. Tôi thật sự được vui trong vai trò mới này. Đôi lúc chợt giật mình khi chạm mắt với Văn Khải, rồi lại e lệ, một thoáng suy tư qua hồn như có gì đó man mác chưa thể hiểu rõ. Bạn bè của chị tôi phần lớn đều chênh lệch nhau vài năm. Trong đó dĩ nhiên là có một số người đang để ý hai chị tôi hoặc ngược lại. Văn Khải cũng thuộc tuổi nhỏ hơn họ nhưng so với tôi thì vẫn lớn hơn rất nhiều nên dễ hòa hợp. Ngày hôm đó tôi còn khù khờ chưa thể nhận ra những điểm này cho đến một thời gian sau.
Buổi tiệc kết thúc được vui vẻ trong tình thân thêm khắng khít giữa mọi người. Gia đình tôi có cơ hội chụp hình đầu tiên giống như bao gia đình hạnh phúc đứng bên nhau. Tất cả mọi giông tố đã qua như chưa hề đến bao giờ. Cả nhà bác Khúc cũng họp lại chụp chung với gia đình tôi những tấm hình làm kỷ niệm. Rồi hình của bạn bè, nhóm này nhóm kia, và nhất là có một tấm khi chụp tôi đã đứng bên Văn Khải thật dễ thương làm dáng mà tôi không sao quên được. Bao cảm giác ngu ngơ trong niềm vui sướng xâm chiếm hồn mình thật nhanh, lan rộng ra từng tế bào muốn được mau lớn ngay lập tức.
Và rồi từ đó tôi đã có những cảm xúc lạ, những vu vơ, mộng mơ đầu tiên của đời con gái. Tôi thích đọc sách, thích chuyện tiểu thuyết và chết mê mệt với những câu chuyện tình của nữ văn sĩ Quỳnh Dao. Chẳng hiểu sao mọi cảm xúc và sự cảm nhận ấy đến với tôi thật nhanh, như thể tâm hồn tôi đã từ lâu khao khát được như vậy. Tôi ao ước được người khác biết đến, ao ước được đón nhận. Những cảm xúc trong người tôi phát dậy lên bao đợt sóng vô hình tràn lan không cách nào thoát được. Suy nghĩ tôi miên man lần trên những trang sách, vượt qua những so sánh với đời thường để rồi mạnh dạn phóng lao theo xã hội mới. Tôi hân hoan như người bắt được niềm tin, mang nặng một hy vọng có một ngày phát sáng để ai cũng có thể nhìn thấy mà thương và cảm mến chạy đến bên tôi.
Càng ngày tôi càng cảm thấy những người bạn đồng trang lứa trở thành xa lạ. Tôi thấy họ không theo kịp ý nghĩ của tôi. Những sự hiểu biết của họ không làm phục lý trí của tôi ở bất cứ trường hợp nào. Chẳng biết tôi học ở đâu, và học những gì qua sách vở, chỉ biết rằng tâm hồn tôi như càng lúc càng mở lớn ra thêm mà không ai biết đến, không ai hiểu thấu. Thế rồi tôi rơi vào một trạng thái cô đơn, một nỗi buồn da diết không cách nào bày tỏ cho ai hiểu. Tôi đứng giữa nhịp cầu mới lớn và trưởng thành không có người dẫn dắt, chỉ bảo cho biết đường nào nên đi, đường nào không nên đi.
Mọi người trong nhà ai cũng vẫn coi tôi là một đứa con nít 14, 15 tuổi. Sự thực trong mắt họ chỉ coi tôi là một đứa 10, 11 tuổi thì đúng hơn. Tôi không còn thích ra ngoài đường chơi những trò đùa nghịch nữa. Một mình nhốt trong phòng đọc sách, suy tư, mộng mơ những điều không bao giờ xảy ra. Mỗi lần thấy hai chị tôi sửa soạn đi ăn tối hay ra ngoài chơi với bạn bè của họ, tôi lại thèm thuồng, lại khao khát ước gì được đi chung. Và rồi có một buổi chiều khi chị Tường Lan vừa định ra khỏi nhà thì chợt bắt gặp tôi một mình ngồi ngoài phòng khách suy tư, mắt hướng ra cửa sổ trông thật buồn. Chị dừng lại đến bên tôi âu yếm hỏi.
-Bé làm gì đó?
Tôi giật mình ngạc nhiên quay nhìn chị và thấy vui mừng khi lần đầu nghe có người hỏi đến mình. Nhưng rồi nỗi buồn lại tràn về, tôi không biết nói sao cho chị hiểu nên chỉ ấp úng.
-Không có gì. Em chỉ nhìn ra cửa sổ.
Có lẽ chị Lan ngạc nhiên lắm khi nghe tôi nói vậy. Chị vén mái tóc dài ngang vai của tôi chăm chú nhìn như chợt nhận ra tôi đang bắt đầu lớn. Trong một thoáng chị như đang suy nghĩ chuyện gì và rồi buột miệng hỏi.
-Bé không muốn ra ngoài chơi à?
Tôi lắc đầu mà nước mắt muốn rớt ra. Đầu hơi cúi xuống cố kềm lại không để cho chị thấy niềm u uẩn trong lòng bấy lâu nay. Chị Lan bất giác thở dài như đã hiểu. Giọng chị như một vị thiên thần ra mệnh lệnh để cứu thoát tôi.
-Hay là bé đi thay đồ rồi ra ngoài chơi với chị, chịu không?
Tôi ngước mắt lên thật nhanh mà có cảm tưởng như đôi mắt chợt sáng lên một niềm vui vô bờ bến. Cuối cùng cũng đã có người nhìn đến tôi, hiểu được nỗi buồn trống vắng của tôi rồi. Ôi chị Lan vĩ đại nhất trên đời! Chị chính là người cho tôi niềm vui và cầm tay dắt tôi vào một thế giới mới. Thế giới mà tôi hằng mong đợi bấy lâu nay.