Chương 4

Ngày đầu tiên được chị Tường Lan cho đi chơi chung với nhóm bạn của chị cũng là ngày đầu tiên trong giai đoạn trưởng thành của tôi. Nhóm bạn của chị có trai có gái, có cả chị Tường Mai và anh Văn Khiêm, đôi lúc anh Văn Khải cũng tham gia cho thêm vui nhộn. Tôi theo họ đi uống cafe, ngồi ngóng tai nghe những câu chuyện họ kể, những trăn trở suy tư trong đời sống. Thích nhất là những khi chúng tôi ngồi lại ca hát với nhau vào những đêm mùa Hè mát rượi. Và rồi những buổi cắm trại, những ngày picnic, những lần ra công viên hay đi biển bắt ốc, bắt sò. Tất cả khoảng thời gian ấy tôi đã được đóng vai trò một thành viên nhỏ nhất trong nhóm.
Từ ngày ấy tôi thật sự có một nhóm bạn các anh chị rất thân, dù lứa tuổi của họ ai cũng lớn hơn tôi ít nhất là sáu năm trở lên. Tư tưởng của tôi cũng bắt đầu bị ảnh hưởng với những anh chị ấy. Tôi học hỏi những suy nghĩ của người lớn, học cách nhìn của người đã và đang bước vào đời. Tất cả những điều ấy dần dần thấm nhuần vào đầu óc bé nhỏ của tôi lúc nào không hay. Tâm hồn tôi vươn lên như cây non gặp nước. Nhờ tình thương của mọi người che chở, mở rộng đón tôi vào, đầu óc tôi càng có dịp đi vào thế giới người lớn mà so với tuổi tác tôi đã là một khoảng cách quá xa.
Con người tôi chính thức dần dần thay đổi từ độ ấy.
Một buổi chiều mùa hè cả nhóm các anh chị lại rủ nhau ra bờ sông Columbia dạo mát. Chúng tôi chia nhau kẻ đi mua nước, người đi mua đồ ăn vặt, người phụ trách mang khăn trải bạt để ngồi hoặc mang đàn theo. Hôm ấy Văn Khải dẫn theo bé Khương nên tôi không còn là thành viên nhỏ nhất nữa. Buổi chiều đã dần xuống thế mà nắng vẫn gắt. Thật là một ngày tốt để ra sông hóng gió, trốn tránh cái nóng cháy da cháy thịt ở nhà. Ra đến bờ sông mọi người đều cảm thấy hớn hở, thoải mái khi được hít thở bầu không khí trong lành. Chung quanh bãi đất đông đảo nhiều người khác cũng đến hóng gió làm cảnh thêm nhộn vui.
Sau khi chọn một chỗ thoáng để trải bạt và bỏ đồ, mỗi người chia tán nhau đi chơi riêng. Anh Văn Khiêm đã đi sang bên trái với chị Tường Mai. Hai ba người khác cùng chị Tường Lan đi kiếm củi chuẩn bị đốt lửa vào buổi tối. Có hai anh chị khác ngồi lại trông đồ. Còn tôi thì cùng bé Khương chạy thẳng ra bờ sông nô đùa với nước. Chúng tôi chơi trò chạy đua với những con sóng. Tôi nắm tay bé Khương chạy lại gần sát bờ nước, đợi đến khi sóng đánh vào thì cả hai cùng ùa chạy vào bờ xem ai chạy nhanh nhất mà không bị nước cuốn vào chân. Hai chị em đùa vui thỏa thích vì đã lâu tôi không có dịp gặp bé Khương. Chợt từ xa có tiếng gọi thật lớn vọng lại.
-Tường Vi và bé Khương chơi trò gì vui thế? Cho anh chơi với được không?
Tôi hất mái tóc dài quay lại thì thấy Văn Khải đang chạy đến bên chúng tôi. Nhìn anh vừa xắn đôi quần dài lên đến đầu gối vừa nhảy lò cò làm tôi bật cười. Bé Khương thấy vậy thì chạy lại đứng giữa chúng tôi. Nó giải thích cho Văn Khải hiểu trò chơi như thế nào rồi một tay nắm tay anh, tay kia lại nắm tay tôi kéo ra bờ nước đợi sóng xô đến.
Thế là chúng tôi có thêm một người cùng chơi trò chạy nước. Ba người nghịch ngợm hò hét theo tiếng gió làm tiếng cười vang mãi xa. Hồi lâu sau Văn Khải chợt ngỏ ý ăn gian để chọc bé Khương nên liền bày kế.
-Này bé Khương, bây giờ mình đổi trò này một chút nhé. Nếu như ai chạy sau cùng khi sóng đến thì sẽ bị đè xuống nước cho ướt hết quần áo. Anh và chị Vi sẽ nhường em trước một đoạn đường, bé Khương chơi không?
Thằng bé ngây thơ không biết gì nên vui thích nhảy thót lên đồng ý liền. Thế là xảy ra một cuộc thi đấu xem ai thắng, ai thua. Văn Khải nháy mắt với tôi tỏ ý cho biết anh cố tình làm vậy để có dịp bắt bé Khương bị thua nên tôi cũng nháy mắt lại vui vẻ làm theo. Khi nước chưa đến tới chân thì tôi và Văn Khải đã cùng hẹn nhau chạy ào vào bờ. Bé Khương lúc đó đứng cách chúng tôi chừng năm bước chân hốt hoảng thấy chúng tôi chạy thì liền chạy theo. Nhưng đôi chân bé thì nhỏ làm sao chạy lại chúng tôi chứ nên dĩ nhiên bé bị thua. Thằng bé nhảy lên nói chúng tôi ăn gian rồi đòi thi lại. Tôi và Văn Khải ôm bụng cười ngặt nghẽo khi thấy nó tức giận thật dễ thương.
Bé Khương đòi chúng tôi phải thi lại nhưng rồi cả Văn Khải và tôi cứ tìm cách ăn gian làm lúc nào cũng thắng khiến những trận cười liên tiếp đến đau bụng. Cuối cùng bé Khương cũng hiểu ra là chúng tôi hội đồng với nhau để chọc nó. Bé tức lắm nhưng không làm gì được. Nào ngờ một lúc sau nó dụ chúng tôi ra đứng gần bờ nước, giả bộ nói là không chơi nữa, rồi cùng lúc ôm ghì lấy tôi té nhào vào dòng nước khi sóng bắt đầu ùa lên.
Tôi hốt hoảng không kịp đỡ nên mất thăng bằng té xuống nước trong khi vòng tay bé Khương càng lúc càng siết chặt eo tôi. Văn Khải thấy vậy thì cũng la lên rồi nhào theo hai đứa kéo cho đứng dậy. Nhưng đã không kịp vì sóng đánh quá nhanh và mạnh nên cả ba đứa ướt mèm từ đầu đến chân. Vật lộn một hồi lâu trong nước chúng tôi mới trở lại bờ. Lúc này bé Khương tỏ ra thật thích chí. Nó nhảy lên vui mừng như đã thanh toán được món nợ, mặc kệ cả việc nó cũng ướt mèm như chuột lột. Thằng bé vui sướng hét to rồi chạy ào đi chơi chỗ khác vì sợ anh nó đập cho một trận cái tội láu cá.
Tôi nhìn theo nó rồi vừa cười vừa sặc vì nước vào đầy mũi. Văn Khải cũng cười nhưng liền tỏ ra lo lắng hỏi tôi.
-Bé có sao không? Quần áo ướt hết rồi kìa.
Tôi giơ tay vén mái tóc dài ướt nước ra đằng sau gọn gàng rồi nhìn anh cười đáp lại.
-Anh cũng ướt giống em mà.
Văn Khải bật cười gật gù.
-Mình định chọc nó ai ngờ nó làm mình ướt hết. Thằng nhóc láu cá thiệt.
Tôi cười ngất vì sự cố không ngờ mới xảy ra. Chợt hai bàn tay thấy lạnh vì nước sông thấm vào nên tôi vội xoa chúng vào với nhau. Văn Khải thấy vậy liền ngỏ lời.
-Trong xe anh có cái áo khoác, thôi để anh đi ra lấy cho bé mặc kẻo bị lạnh rồi bị cảm bây giờ.
Không hiểu sao tôi bỗng buột miệng nói theo.
-Em đi với anh.
Văn Khải cười nhìn tôi tỏ ý tán thành.
Chúng tôi sánh bước đi bên nhau ra ngoài xe lấy áo khoác. Văn Khải cẩn thận giúp tôi mặc vào khiến lòng tôi thấy nao nao qua cử chỉ tỉ mỉ ấy. Từ trước đến giờ tôi vẫn coi Văn Khải là một người anh vì tôi nghĩ anh cũng coi tôi là một đứa em gái không hơn không kém. Tôi vốn không có anh trai trong nhà, Văn Khải lại chẳng có em hay chị gái nên có lẽ sự chăm sóc của anh đã khiến tôi bối rối. Từ trước đến giờ chưa có một người con trai nào đối tốt với tôi như vậy. Văn Khải là người đầu tiên khiến trái tim tôi rung động.
Đối diện với sông Columbia là phi trường Portland với những đường bay thẳng tắp. Con đường ở giữa ngăn cách hai bên đôi khi chừa ra những khu đất trống cho xe đậu vào nhìn máy bay hạ và cất cánh. Bãi đất của bờ sông thì có sân đậu parking riêng. Chúng tôi đáng lẽ là phải trở lại bờ cát để gặp mọi người thì bất chợt Văn Khải ngó sang bên kia đường rồi hỏi tôi một câu lơ đãng.
-Bé có bao giờ coi máy bay hạ cánh chưa?
Tôi nhìn theo hướng mắt của anh thì liền thấy một chiếc phi cơ đang từ từ hạ cánh xuống đường băng bên kia. Tôi lắc đầu đáp.
-Chưa.
Văn Khải liền ngỏ ý.
-Hay là mình qua bên kia coi một chút nhen?!
Tôi gật đầu đồng ý liền. Trong lòng rộn lên một niềm vui không hiểu nổi. Chúng tôi lại một lần sánh bước băng qua đường để coi máy bay hạ cánh. Đứng trước một hàng rào ngăn cách, chúng tôi hớn hở như hai đứa trẻ lần đầu tiên nhìn thấy máy bay. Văn Khải kể cho tôi nghe những điều anh biết về phi cơ. Tôi đoán có lẽ anh giống ba anh ở điểm này vì ngày xưa bác Khúc cũng là một phi công lái máy bay trong quân đội. Anh say sưa kể cho tôi nghe về công việc anh đã làm một thời trong hãng máy bay Boeing. Còn tôi chỉ biết im lặng và cũng say sưa nghe từng lời anh nói. Đó là lần đầu tiên chúng tôi thật sự đứng riêng với nhau.
Những cảm xúc trong lòng tôi lúc đó thật khó tả. Vừa vui sướng lại vừa hồi hộp, con tim giao động mà lòng trí lại lửng lơ. Có lẽ đó là cảm giác khi mình thích người khác phái. Ý nghĩ ấy thoáng qua đầu tôi đã đỏ mặt mắc cở không dám nghĩ tiếp. Tôi lo sợ mình sai, lại càng lo sợ tỏ ra cử chỉ gì khiến Văn Khải biết. Ôi thì bao nhiêu cảm xúc đủ mọi khía cạnh xảy ra trong đầu tôi mà không cách nào cưỡng lại. Tôi cứ đứng đó nhe răng cười, đầu gật gù rót từng lời anh vào lòng như một thần tượng mà tôi ngưỡng mộ đã lâu.
Gần nửa tiếng sau chúng tôi mới nhớ đến phải quay trở lại bên kia đường để tụ họp với các anh chị. Lúc băng qua đường đầu óc tôi còn đang suy nghĩ đâu đâu nên không để ý, vừa dợm chân định bước thì Văn Khải chợt kéo tay tôi lùi lại. Anh nói lớn.
-Coi chừng xe!
Tôi giật mình hốt hoảng chưa kịp định thần thì một chiếc xe chạy vụt qua trên xa lộ. Thật không ngờ tôi lại sơ ý như vậy. Xém tí là đã xảy ra tai nạn không may. Văn Khải cũng ngỡ ngàng trong giây phút ấy nên tay anh lúc nãy kéo tôi vẫn để nguyên. Bàn tay anh siết lấy tay tôi thật chặt khiến cả người tôi như có một đường dây điện xẹt qua, gương mặt tôi nóng lên một cách rộn rã. Tôi ngơ ngác vừa thoát khỏi tai nạn vừa được anh nắm tay nên trái tim đập một cách loạn xạ không ngừng. Lại cũng là Văn Khải, người con trai nắm tay tôi đầu tiên trong đời. Anh lo lắng nhìn tôi chăm sóc.
-Bé có sao không? Sao vô ý vậy?
Tôi lúng túng trong trạng thái mắc cở, lại cố dấu diếm đến vụng về đáp lại.
-Em không sao. Cám ơn anh!
Anh thở ra như trút khỏi niềm lo âu, và rồi cho chắc ăn, Văn Khải không nói gì, vẫn nắm tay tôi bước sang đường khi đã nhìn kỹ hai bên không có chiếc xe nào đang phóng tới. Lúc ấy đầu óc tôi lộn xộn bao ý nghĩ trong cái nắm tay rất thân mật ấy. Tôi không dám nhìn Văn Khải, lại càng sợ hãi trong nỗi vui mừng khôn tả. Không hiểu sao đã qua bên kia đường rồi mà anh vẫn nắm tay tôi không chịu buông ra. Chúng tôi cùng bước lên bờ cát ấm đi gần lại chỗ các anh chị đang tập họp nói cười. Cách một khoảng xa trong tầm mắt nhìn, Văn Khải mới chịu buông tay ra. Anh không nhìn tôi, cũng chẳng nói gì, tiếp tục bước lên phía trước như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Cả buổi chiều hôm ấy tôi ngồi bên Văn Khải cùng các anh chị ăn uống, hát hò, và đốt lửa bên sông Columbia. Tinh thần tôi phấn khởi một cách lạ kỳ. Tôi hát hò muốn đứt gân cổ cho thoát đi những niềm vui trào dâng. Văn Khải lúc ấy cũng đang học đánh đàn guitar. Đôi lúc anh dành lấy cây đàn gẩy vài nhịp trông giống như một anh chàng nghệ sĩ phong lưu phiêu bạc. Và tôi ngồi bên cạnh anh, lắc lắc cái đầu hát rất ngu ngơ theo tiếng đàn rời rạc của anh. Ánh lửa hồng ở giữa soi sáng từng gương mặt. Đôi má tôi ửng hồng dù gió từ bờ sông mỗi lúc lại mang hơi lạnh ùa vào bờ. Đêm ấy tôi rất vui. Mọi người chung quanh ai cũng vui. Tôi nhìn Văn Khải trong nụ cười rạng rỡ mà nghe lòng ấm dần.
Kỷ niệm ấy ở bên Văn Khải là kỷ niệm đẹp nhất giữa hai người chúng tôi. Suốt đời này tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên được.