Tưởng đã "dã tràng"

Vào hạ tuần tháng 10 năm 1969, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh dẫn một cánh quân đi tảo thanh Việt cộng ở Vĩnh Long. Cùng đi bên cạnh Hạnh là một Đại tá cố vấn Mỹ, cấp Phó của John Paul Vann - cố vấn Trưởng quân đoàn. Cuộc hành quân đã kéo dài suốt từ sáng tới chiều vẫn không gặp được Việt cộng. Thấy binh lính đã mệt mỏi và một số đã thương vong do vấp phải mìn, Hạnh ra lệnh cho rút quân. Thấy thế viên Đại tá Mỹ hậm hực hỏi Hạnh:
- Tại sao ông không hỏi ý kiến tôi khi ra lệnh rút quân?
- Tôi là Chuẩn tướng, Phó tư lệnh quân đoàn chỉ huy cao nhất trong cuộc hành quân này!
Viên Đại tá Mỹ càng tức tối:
- Ông đã giải vây cho cộng sản khi chúng ta sắp quặp được chúng!
Hạnh trừng trừng nhìn thẳng vào tên Mỹ:
- Ông không được nói năng càn bậy. Ông không thấy phía trước đó là những “ấp đời mới” mà quân chủ lực Việt Nam cộng hòa có trách nhiệm bảo vệ hay sao?
Từ lúc ấy, Hạnh không thèm nói thêm một lời nào với tên Mỹ, và khi về đến bản doanh, Hạnh đã phóng xe đến tận nhà riêng John Paul Vann trình bày và tuyên bố không cộng tác với viên Đại tá đó.
Là người thâm thúy, John Paul Vann đã cho đổi ngay viên Đại tá đó đi nơi khác, nhưng sự vụ đó cũng đến được tai Nguyễn Văn Thiệu.
Trải qua bao đời Tổng thống được Mỹ xếp đặt, tới giờ Thiệu là người giữ được chiếc ghế này lâu nhất. Cũng dễ hiểu, bởi Thiệu được Mỹ ưng ý nhất. Ngô Đình Diệm bị giết vì không chấp thuận cho Mỹ đổ quân vào miền Nam thì Thiệu đã hăng hái làm việc đó. Dương Văn Minh bị đỗ sau cuộc gặp MacNamara bởi không đồng ý ném bom phá đê sông Hồng thì Thiệu đã đồng tình với Mỹ mà cổ vũ Nguyễn Cao Kỳ cỡi máy bay vượt vĩ tuyến 17 ra ném bom Đồng Hới để mở màn cho cuộc oanh kích miền Bắc của không quân Mỹ.
Thiệu là như thế nên việc rút quân sớm và bất hợp tác với viên Đại tá Mỹ của Hạnh, Thiệu đã ghi thêm một chấm đen nữa trong lý lịch của Hạnh. Với Hạnh, Thiệu một tên lừa thầy, phản bạn, sống rất lươn lẹo này đã không ưa Hạnh ngay từ khi cùng học ở trường đào tọa sĩ quan bởi tính Hạnh cương trực lại có nhiều ưu thế hơn Thiệu. Tới khi cùng là Trung tá dưới quyền của Dương Văn Minh, Hạnh được Minh tin dùng hơn, Thiệu đã ghen ghét, nhưng lúc đó Thiệu chỉ đành chịu “ngậm bồ hòn”...
Với bản chất gian manh lại vốn ghen ghét từ xa xưa giữa hai thằng bạn đồng lứa như thế nên từ khi được Mỹ cân nhắc lên làm Tổng thống, Thiệu đã thả sức gây cho Hạnh bao nỗi thăng trầm.
Hạnh không bao giờ được làm cấp Trưởng, không được ngồi lâu ở đâu ấm chỗ và khăm nhất là Thiệu thường xuyên điều Hạnh đi làm cấp Phó cho những sĩ quan trước đây vốn là cấp dưới của Hạnh để làm nhục Hạnh. Đến lần thứ sáu này, khi Hạnh đang làm Phó cho Nguyễn Viết Thanh cai quản vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Thanh vị nể Hạnh vốn là cấp trên của mình mà trọng dụng thì Thiệu liền điều luôn Hạnh lên Tây Nguyên làm thuộc hạ cho Ngô Du - một “chúa tể sơn lâm” và trùm áp - phe khét tiếng, hoàn toàn không hợp với Hạnh.
Thế là Hạnh phải xa vùng đất mà Hạnh có thể vùng vẫy. Ở đây khi có thời cơ, Hạnh có thể có trong tay một quân đoàn để hành động hoặc ít ra cũng “ghìm chân” cả quân đoàn này lại như hồi tướng Dương Văn Minh đảo chính, lật đổ Diệm. Ngày đó, Hạnh chưa bắt tay với Cách mạng, nhưng vì yêu quý, ủng hộ Dương Văn Minh mà Hạnh đã đạo diễn cho viên Tư lệnh làm việc ấy. Bên cạnh việc phải xa vùng đất này, điều đau cay nữa với Hạnh là lên Tây Nguyên Hạnh đã không còn điều kiện để luôn lui tới đàm đạo với Dương Văn Minh mà vì sức ép của Mỹ, Thiệu đã phải cho Minh về nước, không còn phải sống lưu vong.
Trong những tháng ngày ảm đạm của Hạnh hồi cuối năm 1973 này, bác Tám “vô tư” lại phải lặn lội lên tận Tây Nguyên để “thăm chơi” với Hạnh. Hạnh cũng thấy đỡ cô đơn và vui hơn khi bác nói cho Hạnh biết những chuyển biến quan trọng của chiến cuộc đang rất có lợi cho Cách mạng khi quân Mỹ đã phải rút hết về nước theo Hiệp định Pa-ri. Cũng qua gợi ý của bác mà Hạnh đã yên tâm và có những kế sách để thực hiện ý nguyện của mình từ vùng đất Tây Nguyên này.
Nhưng Hữu Hạnh lần nữa lại “bất hạnh”. Khi “đốm lửa” lần này vừa le lói lên thì cả một thùng nước đã dội xuống. Ngày 15 tháng 5 năm 1974 Hạnh đột nhiên nhận được quyết định về hưu do Thiệu ký khi Hạnh mới ở tuổi 48.
Cuối tháng 5 khi bác Tám về Cần Thơ thấy Hạnh nhàn nhã ở nhà đã lạ. Càng lạ và cũng đã sững sờ khi Hạnh chìa ra các quyết định này. Bảy Lương và cả các đồng chí lãnh đạo Ban binh vận đều không khỏi buồn. Anh than phiền với bác Tám: “Vậy là công lao của anh em binh vận mình bao năm, giờ thành công cốc!”.
Nhưng đó chỉ là suy nghĩ khi anh vừa bị một cú sốc mạnh. Sau cú sốc này không lâu từ phân tích thời cuộc anh đã thấy và đúng lúc ấy, các đồng chí lãnh đạo của Ban đã chỉ thị cho anh: “Phải động viên S7 giữ vững tinh thần, bình tâm chờ đợi thời cơ mới. Theo xu hướng của thời cuộc có nhiều khả năng Dương Văn Minh sẽ trở lại chính trường. S7 phải luôn luôn sẵn sàng “nhảy vào cuộc” khi Dương Văn Minh lên nắm quyền ở dinh Độc Lập”.
Cũng như mọi khi, Bảy Lương không trực tiếp gặp Nguyễn Hữu Hạnh. Việc truyền đạt về phân tích tình hình và chỉ thị “sẵn sàng nhảy vào cuộc” cho Hạnh lại do bác Tám đảm nhiệm. Chính Hạnh khi chưa gặp bác Tám lần này cũng tự thấy: Do thất bại liên tiếp về quân sự, do uy tín, ảnh hưởng và lực lượng của Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam ngày càng lớn mạnh do sức ép mạnh mẽ của dư luận cả trong và ngoài nước đòi Thiệu phải thay đổi chính sách, chấp nhận các yêu cầu của lực lượng hòa hợp, hòa giải dân tộc và lên án mạnh mẽ Thiệu về tội tham nhũng buôn lậu mà Thiệu đang rất lúng túng. Còn Mỹ từ khi cho Dương Văn Minh về nước, tuy rằng không ưa ông Minh, nhưng bây giờ thấy ông Minh đang có nhiều uy tín cả trong giới quân sự và dân sự, Hoa kỳ đã hé mở rõ chủ định sẽ dùng Minh làm “con bài dự trữ” để thay thế Thiệu khi Thiệu đã hết vai trò... Hạnh nói với bác Tám:
- Con sẽ làm theo như ý bác. Về hưu con cũng có thuận lợi là được tự do và có thời gian. Với chế độ đãi ngộ cấp tướng, con về vẫn còn được cấp xe hơi, vẫn còn có lính hầu, lính bảo vệ, lính lái xe, từ nay con sẽ năng lên Sài Gòn thăm viếng ông Minh để tình nghĩa vừa là thầy vừa là bạn giữa ông ấy với con ngày càng thắm thiết hơn.
- Các cụ ngày xưa đã nói: “Trong cái rủi lại có cái may”. Biết đâu việc về hưu của anh lại là một cơ hội tốt. Anh nên tận dụng hết lợi thế đang có của mình.
Ông Tám cổ vũ Hạnh - Ông không ngờ rằng sự mong đoán ấy đã nhanh ứng nghiệm bằng việc ông tới gấp để truyền đạt chỉ thị của Ban cho Hạnh khi ta đã mở màn chiến dịch mùa xuân 1975 bằng chiến thắng vang động giải phóng Buôn Ma Thuột. Khi ông tới Cần Thơ, Thiệu vừa ra lệnh cho quân ngụy rút khỏi Tây Nguyên. Trong những ngày này không khí ở Sài Gòn đang sôi động đòi Thiệu phải từ chức. Tại Pháp, một nhân vật cao cấp trong Chính phủ Pháp đã gặp bí mật Trần Văn Đôn. Đôn bay về Sài Gòn gặp hai Đại tướng Dương Văn Minh và Trần Thiện Khiêm và Tướng Minh cùng với Khiêm đã ra tuyên bố đòi Thiệu từ chức. Nguyễn Bá Cần và Nguyễn Văn Hảo Thủ tướng và Phó Thủ tướng cũng công khai ủng hộ tuyên bố của Minh - Khiêm, nhưng Thiệu vẫn không chịu, chỉ nao núng. Bác Tám đặt ra cho Hạnh một loạt câu hỏi:
- Quân ngụy còn khả năng chiến đấu tới đâu?
- Còn, nhưng coi như đã “gẫy xương sống” khi đã phải rút chạy, bỏ mất Tây Nguyên.
- Tụi nó giải thích Phước Long bị ta chiếm là do chậm trễ trong việc điều quân cứu viện, ý kiến anh thế nào?
- Sạo! Tụi nó đâu còn lực lượng để cứu viện. Bộ Tổng tham mưu có hai sư dù và thủy quân lục chiến để làm tổng trù bị thì cả hai đang mắc kẹt nằm ở Quảng Trị và An Lỗ - Thừa Thiên. Còn cánh biệt động quân là lực lượng bảo vệ Sài Gòn thì đâu dám điều đi.
- Thiệu có buộc phải rút lui không?
- Nếu Thiệu rút, tụi nó kể như hết. Muốn Thiệu rút nhanh phải có áp lực mạnh, nhất là áp lực về quân sự. Nếu có áp lực của Quân giải phóng trên các ngã đường vào Sài Gòn sẽ thúc đẩy ngụy quyền mau sụp đổ.
- Ai sẽ lên thay Nguyễn Văn Thiệu?
- Con rất mong ông Dương Văn Minh, song chưa chín muồi.
- Vì sao?
- Vì người Mỹ chưa bỏ phiếu ngay cho ông, bởi chê ông không biết làm chính trị lại thân Pháp và có em ruột là Đại tá Việt cộng, mặc dầu ông được lòng cả phái quân sự và dân sự. Họ vẫn đặt ông Minh là “con bài quan trọng” trong “bàn cờ”, nhưng chỉ chịu đưa ông lên khi không còn ai hợp hơn. Ngoài ra Thiệu không muốn giao quyền cho ông.
- Vì sao?
- Vì Thiệu đã “làm tình, làm tội” ông Minh. Trao quyền, Thiệu sợ ông sẽ trả thù khi Thiệu ra đi cần phải có một chuyến máy bay riêng chở vàng bạc châu báu đã vơ vét được qua 10 năm cầm quyền và cầm đầu các vụ buôn lậu.
- Bao giờ anh đến gặp ông Minh trong dịp này?
- Con sẽ lên gặp ngay khi ông lên cầm quyền.
Ông Tám tỏ ra hài lòng trước những câu trả lời của Hạnh. Ông coi đây như là buổi “kiểm tra” cuối cùng trước khi trao nhiệm vụ cho “Sao mai” vào trận. Tới lúc này ông mới truyền đạt chỉ thị của lãnh đạo Ban binh vận qua Bảy Lương mà ông đã tiếp nhận được cho Hạnh.
- Tình hình chiến sự trong cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam đang diễn biến rất “mau lẹ”. Cuộc chiến hoàn toàn có khả năng sẽ kết thúc như anh đã hiểu. Thiệu phải ra đi là điều tất yếu. Mỹ dù không ưa, nhưng sẽ không thể cưỡng lại việc đưa Dương Văn Minh lên thay thế. Đây sẽ là thời cơ tốt cho anh tận dụng “lợi thế” để thực hiện ý nguyện của mình. Bởi thế theo chỉ thị của Ban binh vận, khi ông Dương Văn Minh lên cầm quyền, anh phải gấp lên ngay giành lấy vị trí quan trọng xúc tiến việc đầu hàng của ngụy quyền càng nhanh càng tốt, cố tránh đổ máu. Chúng ta đã cùng “trồng cây”. Bây giờ ngày “hái quả” sắp đến. Mong anh hãy vượt qua được những thử thách cuối cùng để giành được thắng lợi lớn nhất.
- Dạ thưa bác, nếu có được thời cơ như bác cháu ta mong muốn, con sẽ gắng sức hoàn thành xuất sắc sứ mạng của mình để xứng đáng với công lao và lòng mong đợi của các bác và các anh.
Hạnh hứa với bác Tám, hai ánh mắt đầy hy vọng cùng gặp nhau và chưa bao giờ hai bác cháu cùng xiết chặt tay nhau như lần này.