Vượt qua "cửa ải" vô hình

Các sĩ quan thân cận và lũ lính canh tư dinh của Đại tá Nguyễn Hữu Hạnh đều đã khá quen thuộc với ông Tám “vô tư”. Chuyện Hạnh cứu ông ra khỏi khám Chí Hòa hơn sáu năm trước đây chỉ có Đại úy Tiên và anh ruột vợ của Hạnh biết. Bây giờ Tiên đã tử trận, còn cậu em của Hạnh lại ở tận Cần Thơ. Thế nên “tung tích” của ông, bọn chúng ở đây hoàn toàn không hay biết. Chỉ biết, đấy là ông bác của Đại tá mà Đại tá rất kính trọng. Chẳng những thế, bọn chúng còn được Hạnh dặn bảo: “Ông Tám là người đã nuôi qua hồi nhỏ. Thỉnh thoảng ông có vô chơi nhà, phải đón tiếp cho thiệt chu đáo”.
Có được ưu thế như vậy nên việc ông tiếp cận Nguyễn Hữu Hạnh để cùng công tác với Bảy Lương thực hiện nhiệm vụ của mình với ông chẳng có khó khăn gì. Cũng từ khi ông được Hạnh tìm cách đưa ông khỏi nhà tù, còn Hạnh vắng nhà ba năm để sang Mỹ học tới giờ lúc mà Hạnh vừa bị mất cha, ông mới năng lui tới để chia sẻ, làm nguôi đi nỗi đau buồn của Hạnh. Mỗi lần tới, ông đều được Hạnh tiếp đón thân tình, trọng thị. Nhưng cả hai bác cháu, nhất là Hạnh đều giữ đúng quy ước trước đây là “không nói chuyện chính trị”.
Đó là điều khó khăn nhất đối với đồng chí Tám “vô tư” khi mà tổ chức đã nhất trí để đồng chí chuyển hẳn sang binh vận nhận sự chỉ đạo của Ban thông qua Bảy Lương.
- Hiện tại bên ta đang có một đồng chí tên là Huỳnh Xuân “nhập vai” Trung úy trong quân đoàn của Đại tá Hạnh, Xuân mới bị địch bắt trong vụ chuyển vũ khí cho ta do tên h3 phản bội tố cáo. Bác đặt thẳng vấn đề với Hạnh, đề nghị anh ta cứu thoát để thử lại xem lương tâm và “chí hướng” của anh ta thế nào?
Bảy Lương gợi ý bác Tám để từ việc này mà đánh giá lại Hạnh. Nếu Hạnh nhận lời và cứu được Xuân sẽ từ đó mà tiếp tục các bước sau.
- Để tôi thử xem sao - Bác Tám nhất trí với Bảy Lương và hôm sau đến chơi, bác đã đưa chuyện đó ra, đề nghị Hạnh ra tay cứu giúp.
Hạnh hơi bất ngờ, bởi lâu nay bác Tám tới chơi, trong câu chuyện trao đổi giữa hai bác cháu chỉ xoay quanh chuyện gia đình. Còn xã hội có nói đến cũng là chuyện rất chung. Tuy vậy do trước hết vì kính nể bác Tám, Hạnh đã không từ chối. Sau ít phút suy nghĩ, Hạnh nói:
- Việc này con có biết. Cùng đi nhận vũ khí rồi móc nối với du kích trao toàn bộ cho họ còn một Thiếu úy nữa, nhưng viên Thiếu úy này đã trốn thoát. Bây giờ vụ Huỳnh Xuân, tòa án binh sắp đưa ra xử? Sự vụ không còn thuộc quyền của con. Nhưng bác Tám yên tâm. Con sẽ nhờ một luật sư quen biết bào chữa cho Xuân.
Ông luật sư mà Hạnh nhờ bào chữa quả rất tài trí. Ông “gà” cho Xuân cứ giữ nguyên lời cung đổ tội cho viên Thiếu úy đã trốn thoát và làm một cái đơn kể lại đã có công tháp tùng bảo vệ cho Đại tá Hạnh mấy lần thoát chết. Hạnh đã chứng thực vào lá đơn này. Với lời cung nhất quán và công tích này. Tòa đã xử Xuân trắng án.
Sau vụ Huỳnh Xuân, mặc dầu Hạnh không bị liên lụy gì, vì việc nhờ luật sư rất kín đáo, nhưng Bảy Lương được chỉ thị của Ban sẽ không được phiền Hạnh những chuyện tương tự mà để dành “con bài” này vào những việc có tầm cỡ lớn hơn. Cũng từ đây đồng thời một câu hỏi đã được đặt ra:
“Hạnh làm việc này vì động cơ gì? Vì kính nể bác Tám. Vì đã có cảm tình với Cách mạng, bởi Hạnh biết rõ Xuân là người của ta, hay chỉ vì lòng nhân hậu muốn cứu người?”. Kính nể bác Tám thì rõ rồi. Còn câu hỏi sau cả Bảy Lương và bác Tám “vô tư” đều chưa dám khẳng định.
Phải có lời đáp chính xác cho câu hỏi này mới đi trúng được “nước cờ” tiếp theo trong phương cách lôi kéo Hạnh.
Để có lời giải đáp này, bác Tám lại phải xuất quân sau khi đã bàn bạc kỹ về phương cách với Bảy Lương. Lần này, bác tới nhà Hạnh có lợi thế là qua vụ Huỳnh Xuân, cái “quy ước” trước đây gần như đã ngầm được xóa bỏ. Hạnh không lảng tránh khi bác nói tới vài chuyện về thế sự và còn có ý muốn được thanh minh với bác về những việc bắt buộc mình phải làm theo phận sự. Nắm bắt được tâm lý đó, bác liền khéo léo gợi chuyện để Hạnh bộc lộ quan điểm của mình qua phân tích thời cuộc:
“Bác ơi, con “nằm trong chăn mới biết chăn có rận”. Sau Điện Biên Phủ, Pháp đâu có muốn rút khỏi Việt Nam. Họ đưa Bảo Đại lên làm Quốc trưởng, Nguyễn Văn Tâm làm Thủ tướng, Nguyễn Văn Hinh con trai Tâm làm Bộ Quốc phòng cùng với những tay chân thân tín của Pháp vô trong Chính phủ của Tâm chính là để còn tiếp tục duy trì quyền thống trị của Pháp ở Việt Nam. Nhưng khi đó Pháp đã thất thế lại lệ thuộc vào Mỹ nên ngày 7 tháng 7 năm 1954 Mỹ đưa Ngô Đình Diệm - Cựu đại thần thân Mỹ về nước rồi bằng nhiều mưu chước để thay thế Bảo Đại. Con ủng hộ ông Diệm vì ông ấy có “tinh thần dân tộc” đòi Pháp rút hết kể cả quân đội ra khỏi Việt Nam. Khi quân Pháp rút hết, ông ta đã dẹp tan được các giáo phái, xây dựng quân lực Việt Nam cộng hòa mạnh lên rất nhanh, có nhiều chính sách để biểu hiện là một quốc gia độc lập. Nhưng từ khi ông Diệm trở mặt rước Mỹ vô, hô hào Bắc tiến, ra luật 10/59 lê máy chém đi gây nên bao cảnh thương tâm khắp miền Nam thì bọn con hết tin. Thì ra, ông ta bài trừ “quốc trưởng” để mình lên làm “vua” theo lối độc tài, gia đình trị. Ông đuổi Pháp đi là để rước Mỹ vô và theo ý Mỹ lập hai Đảng cho có dân chủ, nhưng lại bóp chết Đảng của Phan Quang Đán. Ông và Ngô Đình Nhu - em trai ông ta đã gian manh, ác độc đến hết nói. Ông Dương Văn Minh là người có công lớn, chỉ trong một tháng đã dẹp tan phái Bình Xuyên để ông ta ngồi yên trên ghế Tổng thống, vậy mà ngay sau đó vì sợ uy tín của ông Minh, anh em ông ta đã tìm cách tước hết mọi quyền hành của ông Minh.Còn với phái Cao Đài, ông ta đã bày kế dụ được Trịnh Minh Thế ra hàng, nhưng sau đó liền bí mật cho giết Thế. Giết xong lại truy phong Trung tướng và cho làm tang lễ rất lớn rồi xây mộ bề thế ở chân núi bà Đen để lừa mị tín đồ, che mắt thế gian.
Diệm, Nhu được Mỹ cưng bế đưa tận từ Hoa Kỳ về và đã làm nhiều sự kiện thất nhân tâm để Mỹ có thể “cắm rễ” sâu ở Việt Nam như thế, nhưng đến khi tỏ ra cứng đầu không phục tùng Mỹ là Mỹ giết liền.
Giết Diệm, Mỹ đưa Dương Văn Minh lên. Nhưng được mấy tháng ông Minh lại bị Nguyễn Khánh lật đổ.
Vì sao? Nội tình này con biết rõ. Cũng vì ông Minh không tuân theo ý của Mỹ. Có nhiều chuyện, nhưng để nhanh chóng truất bỏ, vị trí của ông Minh ở cái ghế này là sau cuộc gặp gỡ giữa ông Minh với MacNamara, Bộ trưởng Quốc phòng và Harkins, Đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam.
Trong cuộc gặp ấy, MacNamara đã đề nghị: “Tướng Dương Văn Minh dùng không quân của Việt Nam cộng hòa thả bom nổ chậm xuống các cơ sở kinh tế ở miền Bắc”. Ông Minh đã trả lời: “Làm như vậy hoạt động chống đối ở khắp miền Nam sẽ tăng lên”. Không chấp nhận việc đó, MacNamara lại đề nghị ông Minh: “Cho thả bom phá đê Sông Hồng”, ông Minh lại trả lời: “Sao lại làm thế. Tôi cho rằng hành động đó là vô nhân đạo, vì người dân miền Bắc bị chết đói do hậu quả vỡ đê cũng là người Việt Nam”.
Kết quả sau cuộc gặp gỡ này là Mỹ đã ra tay bằng cách đạo diễn cho Nguyễn Khánh đảo chính lật đổ ông Minh. Chín tháng sau, tướng trẻ mới 36 tuổi Nguyễn Khánh đã từng được Tay-lo khen là “Mỹ con”, “người Mỹ da vàng” lại bị Mỹ chê là võ biền, thô thiển, làm xấu mặt cả Mỹ nên Mỹ đã buộc Khánh phải trao quyền cho Phan Khắc Sửu...
Đấy, bác Tám đâu có hiểu rõ nội tình người Mỹ và các Tổng thống Việt Nam hơn con. Mỹ bỏ đô-la ra ưng ai có lợi cho Mỹ là cho lên làm Tổng thống, không ưng thì giết và phế truất đi. Trong quân đội, các cố vấn Mỹ đều là “cố nội”, hống hách, tiếm quyền, coi thường sĩ quan Việt Nam cộng hòa. Vì thế, con ghét Mỹ lắm. Chúng là ngoại bang như thằng Tây Ma-rốc trước kia đã méc-xà-lù ông nội con dẫn đến thấy bị nhục quá mà ông nội con phải tự vẫn. Nhưng con đâu có chịu chết thảm như nội con. Con sẽ tìm cách để loại trừ được Mỹ ra khỏi nước ta. Để thực hiện được chí hướng đó, con đường con đang đi là đúng. Ở đây tụi con đã tranh thủ được viện trợ Mỹ, vũ khí Mỹ, kiến thức Mỹ để rồi quật lại Mỹ. Hiện giờ tụi con đang chờ thời cơ để làm việc đó...”.
Lãnh đạo Ban binh vận đã phân tích kỹ nội dung buổi trò chuyện này và thống nhất nhận định: “Hạnh là một sĩ quan có trí thức, trình độ và có tinh thần dân tộc. Hạnh đã thấy bộ mặt thật của Mỹ, đang ghét Mỹ và những kẻ trong cùng hàng ngũ với mình đang cúc cung, tận tụy ôm chân Mỹ mà với mục đích ích kỷ đã làm những việc táng tận lương tâm với đồng bào, dân tộc để được vừa lòng Mỹ. Hạnh đang nuôi ý chí chống Mỹ và đang chờ thời cơ để hành động.
Đó là mặt tích cực ở Hạnh. Nhưng mặt tích cực đó nếu như không có chỗ dựa vững chắc và nếu Hạnh manh động sẽ bị chính kẻ mà Hạnh đang căm ghét bóp chết ngay. Chỗ dựa đó không có lực lượng nào khác là Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam. Hạnh chỉ có cộng tác với Mặt trận mới không đơn độc và mới thực hiện tốt đẹp ý nguyện của mình khi có thời cơ. Còn “đường đi” thì không thể coi là đúng. Nó chỉ là chỗ đứng tạm thời, là cơ hội để Hạnh dùng “viện trợ Mỹ, vũ khí Mỹ, kiến thức Mỹ mà quật lại Mỹ” nếu như Hạnh đã đứng trong cùng đội ngũ của nhân dân để chống Mỹ, cứu nước...”.
Từ nhận định trên đây, đồng chí Tư Chí đã gặp cùng một lúc cả Bảy Lương và Tám Thành trao tiếp nhiệm vụ cho hai đồng chí đã từng dày công xây dựng được cơ sở này. Nhiệm vụ tiếp đó, đồng chí Tư Chí đã nhấn mạnh:
Phải tiếp tục bám sát Hạnh để giác ngộ Cách mạng, chỉ ra hướng đi cho Hạnh như lãnh đạo của Ban đã nhận định và chỉ ra. Đặt thẳng vấn đề yêu cầu Hạnh cộng tác với Mặt trận dân tộc giải phóng, thực chất là với Cách mạng. Khi Hạnh đã chấp thuận sẽ từng bước đặt ra những yêu cầu cụ thể như:
- Cung cấp cho ta những tình báo quan trọng.
- Hạn chế xua quân đi càn quét ở vùng giải phóng. Nếu bắt buộc thì sẽ báo trước cho ta và huy động số quân ít nhất, trong thời gian ngắn nhất.
- Nếu cần có một “quả bom chính trị” nổ giữa Sài Gòn, sẽ sẵn sàng đi ra vùng giải phóng sau khi đã có một hành động quân sự đáng kể.
Cuối cùng và cũng là quan trọng nhất là sẽ: Sẵn sàng tham gia Chính phủ, nếu như người đảo chính là Dương Văn Minh, hoặc một người tiến bộ nào khác.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, đồng chí Bảy Lương đã phải từng bước vạch ra “đường đi nước bước” và đồng chí Tám Thành đã không biết bao lần phải tới thăm Hạnh và trò chuyện với người cháu họ của mình. Cả hai đã phải vượt qua biết bao hiểm nguy, kiên trì, lăn lộn bám sát mục tiêu suốt 5 năm trời. Từ chấp thuận một, hai yêu cầu của bác mãi tới năm 1969 khi Nguyễn Hữu Hạnh được phong hàm Chuẩn tướng, vị Phó tư lệnh quân đoàn 4 và quân khu 4 này mới hoàn toàn chấp thuận cộng tác với Cách mạng. Chỉ có yêu cầu sẽ làm “quả bom chính trị” nổ giữa Sài Gòn là Hạnh từ chối. Ông ta nói với bác Tám:
- Bác hiểu cho con. Phía sau con còn vợ và hơn mười đứa con của con. Bọn Mỹ Thiệu sẽ không để yên cho vợ con con khi con đã hành động rồi đi ra vùng giải phóng.
- Bác hiểu. Thực ra yêu cầu ấy lúc này cũng không cần thiết nữa. Cháu còn phải cần đến những việc lớn hơn nhiều.
Bảy Lương đã hoàn toàn nhất trí với ý kiến đó của bác Tám. Trải qua bao công phu, bây giờ mới kéo được Hạnh sang vòng tay của mình, từ thời điểm này anh cũng rất hạn chế đặt ra các yêu cầu đối với Hạnh. Anh thận trọng bảo vệ để dùng “con bài” này vào việc có giá nhất.
Cũng từ đây, Hạnh đã chính thức mang biệt danh là S7. Nhưng với ước mong lớn, anh đã thường quên biệt danh đó, bởi anh đã thầm đổi lại tên S7 là “Sao mai” cho Hạnh.