Tín hiệu từ một đám tang

Trời đã phú cho Bẩy Lương có vóc dáng và gương mặt rất hợp với vai ông chủ cỡ bự người Hoa. Ông “chủ” đó càng sang trọng, đĩnh đạc hơn khi mang bộ đồ ký giả mắc tiền và cặp kiếng mát gọng vàng...
Với tướng mạo ấy cùng tấm chứng minh thứ thiệt mang tên Tống Văn Ba mà Ban Binh vận phải dứt ruột chi ra mấy cây vàng để bọn công an làm cho anh, Lê Quốc Lương đã có thêm nhiều thuận lợi để sống hợp pháp hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Anh được trao trọng trách làm đội trưởng Đội vận động sĩ quan địch, một nhiệm vụ đòi hỏi rất cao về tài trí và kinh nghiệm dầy dạn của một nhà hoạt động chính trị mang dạng tình báo. Bằng kinh nghiệm và tài trí đó, anh đã bắt mối được nhiều cơ sở trong hàng ngũ địch. Song đó hầu hết mới chỉ là sĩ quan cấp thấp, chưa có được một sĩ quan cao cấp nào mang tầm chiến lược như Trung ương Cục yêu cầu.
Đúng lúc ấy vào trung tuần tháng 10 năm 1963, Bẩy Lương nghe được câu chuyện về một đám tang khá đặc biệt ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho. Không chần chừ, anh “khăn gói” về ngay xã Kim Sơn gần xã Phú Phong tìm gặp đồng chí Sáu Rếp, một cơ sở tin cậy, đồng thời là người có quan hệ thân thiết với mình.
Quả là anh đã tìm trúng “cầu nối” để dẫn đến “mục tiêu”. Qua Sáu Rếp và bà con ở đây, Bảy Lương đã hiểu được tường tận về tình nghĩa của đám tang này.
Đây là đám tang ông Nguyễn Hữu Điệt cha đẻ của Nguyễn Hữu Hạnh, Đại tá tham mưu trưởng quân đoàn 4 và vùng 4 chiến thuật, một viên sĩ quan cao cấp của ngụy đang có nhiều quyền thế ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Xã Phú Phong của Hạnh nằm trong vùng đất này, nhưng lại là xã được giải phóng không nằm trong vùng phong tỏa của Hạnh. Chính đó là khó khăn lớn đối với viên Đại tá có nhiều quyền thế ở đây về việc thực hiện lời di chúc của cha mình.
Cha Hạnh là một người có học thuộc dòng dõi nhà nho. Ở Bệnh viện Cần Thơ trước khi nhắm mắt, ông đã trăn trối với Hạnh:
- Cha biết con là người con rất hiếu thảo. Con đã hết lòng chạy chữa cho cha. Nhưng nghiệp trời đã định, không thể cưỡng lại được số phận. Khi qua đời, cha không có mong muốn gì hơn là được về yên nghỉ ở nơi quê cha đất tổ, bên cạnh ông nội của các con.
- Thưa cha – Hạnh nghẹn ngào nói với cha – Cha cũng thể tất và biết cho con là việc này rất khó. Nhưng cha cứ yên lòng. Con xin hứa sẽ thực hiện bằng được nguyện vọng chính đáng của cha và tin rằng sẽ được hoàn tất tốt đẹp.
Nghe xong lời hứa đó, ông đã trìu mến nhìn Hạnh lần cuối cùng rồi thanh thản nhắm mắt ra đi. Còn Hạnh, Hạnh đã cho người đi tìm ngay bác Chín Quá, một người quen biết với gia đình mà Hạnh biết rõ bác là người ở phía bên kia đến nhà. Khi bác Chín Quá tới, Hạnh đã khẩn khoản thưa:
- Thưa bác, khi tới đây, chắc bác đã biết lời trăn trối và cũng là nguyện vọng tha thiết của cha tôi. Vậy tôi xin cảm phiền nhờ bác về xã Phú Phong quê tôi và cả xã Kim Sơn ở bên này sông xin phép Cách mạng cho gia đình tôi được đưa thi hài cha tôi về quê chôn cất.
Đã hiểu được nguồn gốc và biết Hạnh là người rất có tình nghĩa với làng xóm quê hương, ai cần gì Hạnh cũng sẵn sàng giúp đỡ, bác Chín liền vui vẻ nhận lời và hối hả đi ngay. Lúc trở về, bác đã vui mừng thông báo cho Hạnh:
- Cách mạng ở cả hai xã đều đã chấp nhận đề nghị của Đại tá, nhưng có yêu cầu...
- Dạ, yêu cầu thế nào xin bác cho biết.
- Yêu cầu này chủ yếu cũng vì người quá cố là phía quốc gia không được hành quân, ném bom, bắn phá trong khu vực này suốt ba ngày tang lễ.
- Tôi không có toàn quyền, nhưng yêu cầu này sẽ thực hiện được, bởi tôi nghĩ ông Thiếu tướng tư lệnh quân đoàn 4 và vùng 4 chiến thuật chắc chắn sẽ chấp nhận đề nghị của tôi.
Hạnh đáp lời bác Chín Quá xong liền cầm bút thảo ngay đơn gửi lên Tư lệnh quân đoàn. Trong đơn có đoạn viết: “Trước khi nhắm mắt, ba tôi có trăn trối lại yêu cầu tôi chôn ông bên cạnh mả ông nội tôi ở quê nhà; xã Phú Phong, quê tôi hiện nay đang thuộc khu vực của Mặt trận dân tộc giải phóng kiểm soát. Vậy tôi đề nghị thiếu tướng, tư lệnh cho ngừng mọi cuộc hành quân ném bom và bắn phá khu vực này trong ba ngày tang lễ để linh hồn ba tôi được yên tĩnh...”.
Đúng như Hạnh dự đoán. Viên Thiếu tướng tư lệnh vốn trước đây đồng khóa với Hạnh và hiện nay lại rất kính nể tham mưu trưởng của mình nên đề nghị của Hạnh được phê duyệt ngay. Theo như viên sĩ quan được Hạnh cử đến gặp Tư lệnh thì sau khi đọc đơn xong, viên tư lệnh đã gọi ngay tham mưu phó phụ trách tác chiến của quân đoàn lên để thực thi lệnh “ngừng hoạt động...” này.
Nguồn tin ấy cũng qua bác Chín được truyền ngay đến các đồng chí lãnh đạo của Phú Phong. Thế nên khi thi hài của cha Hạnh được vợ con Hạnh đưa tới bên kia sông, Chín Úa và Ba Dinh, cán bộ của xã đã sang đón để cùng với cô Năm em gái út của Hạnh quá giang. Lúc xe tang sang đến xã Phú Phong cả Chủ tịch xã cùng một số bộ đội giải phóng lại cùng tiễn đưa người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Hạnh chỉ tiễn biệt cha qua cổng bệnh viện. Vợ con Hạnh cũng chỉ đưa tiễn ông Điệt đến bên này bờ sông, việc còn lại trao cho cô Năm. Nhưng cả gia đình Hạnh đều rất yên lòng và xúc động trước tình cảm của xóm làng, quê hương đối với cha mình. Họ không ngờ đám tang người cha viên đại tá đang ở phía quốc gia chống đối lại Cách mạng mà chỉ vì cha mình là người con của làng xã quê hương, muốn được gửi xương cốt ở quê hương lại được chính quyền Cách mạng và bà con ở quê hương tiễn đưa đông đảo đến thế. Hầu như cả xã, nhà nào cũng có người đi tiễn đưa và dự lễ an táng ông Điệt.
Theo tục lệ ở đây, ba ngày phải mở cửa mả cho linh hồn người chết được siêu thoát. Lễ mở cửa mả phải có vàng hương, hoa trái để cúng ký. Và phải có một con gà giò để thay người thân nhất kéo gà chạy ba vòng quanh mả, xong thả gà ra, nó vào nhà ai, nhà nấy được phước và được cả gà.
Cô Năm đã xin ở lại để làm việc này. Nhưng Hạnh muốn được vĩnh biệt cha lần cuối cùng trúng ngày “mở cửa mả”, nên lại qua bác Chín Quá đề nghị với chính quyền xã Phú Phong. Lần nữa nguyện vọng của Hạnh lại được chấp nhận với điều kiện không có trực thăng vũ trang bay kèm.
Tất nhiên, Hạnh hoàn toàn chấp nhập điều kiện đó và Hạnh đã bằng chiếc trực thăng bay ba vòng trên mộ cha mình. Đấy cũng là ba vòng mà không gian hoàn toàn yên tĩnh, không có một tiếng súng đạn nào để Hạnh được ngắm lại nơi chôn nhau, cắt rốn của mình từ trên cao một cách yên ả và lắng sâu nhất...
Nghe đồng chí Sáu Rếp kể lại toàn bộ diễn biến về đám tang như vậy, Bẩy Lương rất phấn chấn. Anh thầm cám ơn các đồng chí và đồng bào ở hai xã Phú Phong và Kim Sơn đã xử sự rất cao thượng, nghĩa tình. Việc làm đó làm sao lại không tác động đến lương tâm của sĩ quan, binh lính ngụy mà ở đây, trước hết là Đại tá Nguyễn Hữu Hạnh. Rõ ràng là các đồng chí và bà con ở đây đã thấm nhuần về công tác binh vận - mũi giáp công thứ ba tiến công địch của Đảng ta. Họ đã tranh thủ thời cơ và làm việc này rất tế nhị. Cũng từ đây, Bẩy Lương thấy: rõ ràng đại tá Nguyễn Hữu Hạnh có nhiều nét khác biệt so với các sĩ quan cao cấp khác của ngụy quyền hiện tại. Anh quyết định phải tìm hiểu kỹ để có thể “bắt rễ” ngay viên Đại tá này nên liền hỏi Sáu Rếp:
- Ngoài bác Chín Quá, anh có biết ai là người đằng mình có quan hệ mật thiết về gia tộc với Đại tá Hạnh không?
Sáu Rếp suy nghĩ một lát và đôi mắt chợt sáng lên:
- Tôi nhớ ra rồi. Có một người là bác họ của Hạnh.
- Ai vậy?
- Đồng chí Tám Thành tức Nguyễn Tấn Thành có biệt hiệu là Tám “vô tư”. Tám Thành đã từng là Huyện ủy viên được Hạnh rất quý trọng và nghe đâu năm 1956, chính Hạnh đã cứu ông Tám “vô tư” ra khỏi nhà giam ở khám Chí Hòa (1).
- Chà, tuyệt quá! Vậy bây giờ anh Sáu biết ông Tám ở đâu không?
- Lâu lắm rồi, tôi không biết tin tức về ổng. Chỉ biết sau lần được ông Hạnh cứu ra đến năm 1961 ông Tám lại bị bắt vô tù lần nữa. Mà anh biết không? Ông Tám “vô tư” này có tìm thấy cũng không dễ gì tiếp cận được đâu.
Bẩy Lương hơi hẫng người. Nhưng anh không thất vọng liền động viên Sáu Rếp:
- Cái “đầu mối” anh vừa chỉ ra cho tôi rất quý. Bằng bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải tìm cho ra “đầu mối” này. Anh tiếp tục dò tìm ở đây. Tôi về Sài Gòn để báo cáo với các đồng chí lãnh đạo và tìm ông Tám qua các cơ sở ở trên đó. Ba hôm nữa tôi sẽ trở lại đây. Khi ấy mong sẽ nhận được ở anh những tin mới nhất về ông Tám “vô tư”.
Sáu Rếp gật đầu và xiết chặt tay Bẩy Lương. Nhưng anh không để cho Bẩy Lương ra khỏi nhà ngay. Anh giả đò dạo bước ra đường, xong mới báo hiệu cho Bẩy Lương trở về Sài Gòn bằng lối sau nhà mình.
---
(1) Đồng chí Nguyễn Tấn Thành tức ông “Tám vô tư” là cha đẻ của đồng chí Nguyễn Tấn Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo hiện nay.