Trở Về

    
e len lỏi giữa những lỗ thủng. Con đường bị đào khoét rậm quá. Số lỗ thủng nhiều đến nỗi đôi cánh tay ôm vô lăng của Luy hết xoay qua đến quay trả lại, quay có cái đến nửa vòng lia lịa như một người lái xe thi đoạt giải ở hội chợ. Bánh xe phải tránh những cái ổ gà chi chít. Luy quay sang tôi:
- Hôm trước ở Sài Gòn ra bị kẹt máy bay, phải đi xe đò. Khi xe tới Phan Rang, một bà hành khách hỏi người tài xế: “Đường từ đây ra Nha Trang còn mấy trăm cây số nữa ông?” Tôi đố anh, ông tài xế trả lời thế nào?
Tôi ngẫm nghĩ chưa trả lời. Luy hay đặt những câu hỏi bất ngờ, tưởng dễ mà hóa khó và nhiều khi tưởng khó tôi loay hoay moi óc tìm lời giải đáp thì câu trả lời lại quá đơn giản, gần như hiển hiện ra trước mắt. Luy cười xòa, thấy tôi đang nhíu mày.
- Thôi, tha cho anh kỳ này. Ông tài xế trả lời rằng: “Đường còn năm mươi cây số nữa”.
Tôi phản ứng:
- Đường Phan Rang - Nha Trang tới một trăm mười cây số mà.
- Đồng ý. Nhưng ổ gà lỗ thủng chiếm mất sáu mươi cây.
Luy quay mặt gần tôi cười thú vị và tôi cũng thích thú cười theo. Những nhận xét thông minh kích thích niềm vui của tôi như rượu và thuốc lá. Tôi yêu vẩn vơ anh tài xế thông minh đó.
Hồi sáng, khi mang hành lý ra xe, tôi để cái vét-tông ra ngoài, định lên đèo Ngoạn Mục là choàng vào. Luy nói:
- Đưa đây tờ báo. Mau lên.
- Làm gì? - tôi hỏi.
- Gói cái áo này lại. Gói kỹ. Anh không thể tưởng tượng con đường sẽ bụi bặm đến mức nào. Cái sơ mi của anh sẽ vàng. Cái áo vét-tông của anh sẽ mốc. Luy vừa nói vừa gói cái áo, đem bỏ trên nệm xe.
Khi đến Mỹ Ca, xe chúng tôi phải nối đuôi một cái xe chở dầu mười bánh dài ngoẵng do một quân nhân Mỹ lái. Mỗi lần phải tránh một chiếc xe đi ngược chiều, chiếc xe Mỹ đi sát vào lề đường và bụi tung lên mù trời. Chiếc xe đi ngược chiều cũng lái sát lề và cũng tung bụi phần nó. Tha hồ tung bụi, chẳng ai cấm ai. Cứ chừng mười phút là gặp một đoàn công-voa. Tiếng còi thét. Những chiếc xe nhà binh cao nghễu nghện mở đèn giữa ban ngày như dọa thân xe nhỏ nhắn của chúng tôi. Qua màn bụi dày, lờ mờ hình dáng những người lính ngồi trầm ngâm nhìn ra hông xe, nhìn ra sau xe, tay khư khư ôm súng.
Chiến tranh đã gặm nát đến cả con đường quốc lộ, con đường giao thông chính, đại động mạch của miền đất này. Ở các thôn xóm xa, sau lớp cây xanh lặng yên, sau những dãy núi trùng điệp nằm dán sát chân trời, chiến tranh ra sức tàn phá. Nhìn qua kính xe thấy có ba chiếc phản lực cơ đi thành hàng về một nẻo xa ở chân trời phương Tây. Ba chiếc tách rời ra rồi luân phiên nhào xuống. Chết chóc ở nơi đó. Sự chết từ trên cao rơi xuống, theo chiều ngang tràn xuyên qua, từ dưới đất vọt lên.
Có những đoạn đường đang được vá víu lại. Ở mỗi chặng như thế có chừng năm, sáu người phu. (...Kiểm duyệt bỏ…) Những người đàn bà và những đứa con nít đó làm việc chậm chạp âm thầm.
Trước mặt chúng tôi, chiếc xe chở dầu vẫn lầm lũi chạy. Luy định lách chạy trước nhưng cứ mỗi lần chuẩn bị thì đều thấy ở đằng trước một chiếc xe lùi lũi chạy lại. Cuối cùng anh nói:
- Thây kệ. Để cho nó chạy trước dò đường dùm mình. Cứ nhìn nó là đủ biết đoạn đường nào lồi lõm cần chạy chậm
Luy có những sáng kiến bất ngờ như vậy. Có nhiều đoạn chiếc xe chở dầu nhảy chồm chồm lên. Khi chạy lại gần, chúng tôi thấy con đường lở lói dày đặc, không có chỗ tránh. Phải chạy chậm lại. Thân xe rùn rẩy vật vã. Luy lẩm bẩm:
- Ổ gà tập trung về đại hội ở đây. Chết chết, chỗ kia nữa. Đại hội ổ gà nữa.
Có những đoạn con đường nhựa uốn lên lượn xuống như đợt sóng. Như mặt tôn dợn sóng dùng để lợp nhà. Nhờ chiếc xe chở dầu báo trước, Luy lại cho xe chạy chậm.
- Tay lái nào chạy ẩu qua đây thắng không kịp dám gãy sườn xe lắm - tôi nói. Nên mình càng biết ơn chiếc xe nhà binh chở dầu đó.
Ba Ngòi. Kinh đô của bụi. Bụi vàng. Bụi đỏ. Gió thổi cuốn bụi xoay thành cột, di chuyển trên cánh đồng. Những trại lính. Những sân máy bay. Xe ủi đất. Xe vận tải, tám bánh, mười bánh. Trên cánh đồng mênh mông khô cháy, cứ chỗ nào có bụi cuốn lên là y như có một chiếc xe nặng nhọc lầm lũi chạy. Quán giải khát chạy thành dãy dài. Kiểu nhà giống nhau, vách dựng bằng tôn màu xanh. Quán nào cũng trống vắng. Tấp nập chỉ dành về đêm, các cô chiêu đãi viên chắc giờ này còn ôm nhau ngủ. Những hộp giấy, những lon nước giải khát màu lòe loẹt bỏ vãi từng đống. Di tích sinh hoạt của những quân nhân Mỹ.
Xe phải qua nhiều trạm kiểm soát. Trên bảng đề là “kiểm soát tài nguyên”. Xe du lịch được đi thẳng, xe đò phải ngừng lại trình danh sách hành khách có ghi số thẻ kiểm tra. Thế là chỉ kiểm soát người. Người có thể được coi như là tài nguyên. Trong một nước bị tàn phá thì tài nguyên còn sót lại là con người, con người với hai bàn tay. Thỉnh thoảng có tấm bảng đề: ICE SELL HERE hoặc HERE ICE, hoặc hình vẽ một bàn tay có ngón chỉ về chữ ICE. Một người đàn bà héo hắt ngồi bên cái thùng gỗ cạnh tấm bảng. Có tấm bảng đề VEHICULES WASHING. Một hai người đang xịt vòi nước rửa xe. Người quân nhân Mỹ, - ý hẳn là tài xế, - ngồi hút thuốc bên cạnh. Khói bay lên ở nơi này, nơi kia. Luy nói:
- Tụi Mỹ nó có cái tật hay đốt. Chẳng biết đốt cái gì mà cứ ngày nào cũng có chuyện để đốt. Hễ thấy Mỹ là thấy khói đốt.
- Giấy bọc, hộp bìa cứng. Chắc chắn không phải là những tài liệu cần hủy bỏ.
- Anh có nói tôi mới nhớ. Việc thủ tiêu tài liệu cũng đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật khoa học. Hãng thầu của tôi đã có lần được giao phó việc xây những cái hầm tinh vi để đặt lò đốt tài liệu. Tài liệu vừa là giấy, vừa là phim. Hàng tấn tài liệu như vậy, không phải dễ mà đốt cho cháy tiêu, đốt cho thật mau, đốt cháy tan tành không còn chút dấu vết.
Xe qua trạm kiểm soát của quân đội Mỹ và quân đội Đại Hàn. Những con mắt dò hỏi. Căn cứ theo tiêu chuẩn nào mà tin để cho qua hay nghi để giữ lại? Những người lương thiện cũng hồi hộp. Nếu người lính canh đó bắt xuống xe, giữ lại chỉ một mình mình ở giữa miền hoang vu này thì mình sẽ đối phó làm sao? Giải thích trình bày bằng thứ ngôn ngữ nào?
Tháp Chàm. Đầy dẫy những Snack bar và tiệm giặt. Tên cửa tiệm là những tên Hoa Kỳ: Mickey bar, Melody bar, Ohio laundry service… Chữ viết nhiều kiểu, nhiều màu lòe loẹt chói chang: xanh dương, xanh lá cây, đỏ, da cam, vàng. Mỗi song cửa một màu, mỗi lá sách một màu. Người Mỹ thích màu lòe loẹt hay người Việt ta tưởng vậy? Tôi nghĩ đến những cái chuồng bồ câu sơn phết nhiều màu, vẽ vời rằn ri để dụ những con chim.
Đi qua con đường quốc lộ số 11, tâm hồn tôi chợt thấy âm u. Con đường kỷ niệm. Những thôn xóm yên lặng nằm hai bên đường như chưa bao giờ biết đến sự đổi thay. Mái nhà xám đen và vách đất cũng xám đen. Đồng Mé. Luy nói:
- Miền này hồi nhỏ tôi có ở, nhưng ở mãi trong xóm sâu kia. Xung quanh là người Thượng. Ở đây đặc biệt có những khoảng đất mọc đầy cà chua. Tha hồ hái, hái không hết. Lại có những khoảng đất mọc đầy ớt. Người Thượng họ không hái trái ớt đem về nhà mà họ nhổ luôn cả cây ớt. Lấy lá ớt làm rau ăn luôn.
Thật là những người sung sướng - tôi nghĩ.
- Vùng này có nhiều trăn. Hồi đó ông già tôi hay đặt mua trăn để lột da gửi xuống Sài Gòn. Người Thượng bắt trăn đem đến bán. Khi tập trung chừng được mươi con mới mổ một lần.
- Mổ lấy da rồi còn thịt làm gì?
- Thịt cho đồng bào Thượng. Họ đem về chặt khúc phơi khô ở trụ hàng rào. Tha hồ ruồi và ong đến bâu, đục khoét, xâu xé.
Cầu Tân Mỹ. Chòi canh cao bay phất phơ lá cờ. Một người lính ngồi ôm súng nhìn không gian chập chùng đồi núi. Lô cốt. Trại lính. Hai mươi năm trước đi ngang qua đây cũng đã thấy chòi canh, lô-cốt và trại lính. Người dân không có thì giờ nghỉ ngơi. Hai mươi năm đủ để đào tạo một thế hệ. Người lính đang ngồi trên chòi canh đó có thể là con của người lính tôi đã gặp hai mươi năm trước, đứng canh gác cầu này. Các thế hệ kế tiếp nhau đã chuyền cho nhau tiếng nói và cây súng. Nước chảy dưới cầu. Những đồi cát nằm im giữa lòng sông.
Luy chợt hỏi:
- Đã mấy năm nay anh không lên Đà Lạt bằng đường ô tô?
Tôi lẩm nhẩm làm con tính trừ.
- Sáu năm.
- Sáu năm! - Luy la to lên, ngạc nhiên như anh vụt thấy một con tê giác đi nghênh ngang giữa đường Lê Lợi.
Luy sẽ ngạc nhiên đến mức nào nữa nếu tôi nói đúng sự thật? Sự thật là: không phải sáu năm mà đã mười năm rồi. Mười năm là khoảng thời gian đủ để biến đổi một đời người. Từ ngày Bảo mất đi, tôi không muốn trở lại thành phố này. Những con đường, những đồi thông sẽ nhắc đến những ngày cũ. Luy nói:
- Sắp đến Krong Pha. Quãng đường này ít bảo đảm hơn hết.
Krong Pha. Giang san của củi rừng. Chỗ nào cũng có cành cây. Củi khô nằm ngổn ngang. Tự nhiên thấy thèm một mồi lửa. Những cành củi đó sẽ cháy rần rật tỏa ra một sức mạnh khủng khiếp. Những cây dầu nhỏ mọc rải rác. Lá to như tai voi. Krong Pha, ải địa đầu của ánh nắng nhiệt đới. Từng nhóm ba, bốn người phu lục lộ sửa đường ngồi tụ họp trên những thân cây ngã, trên những đống củi. Màu áo nâu mốc và màu da khô sạm, hòa hợp với màu lá, màu vỏ cây khô. Từng đoàn xe xuôi ngược vút qua và cuộc đời những người ngồi đó như đứng dừng lại một chỗ, buồn và tối. Những vùng đời không có lối chảy tựa hồ những vũng nước tù hãm.
Xe leo lên đèo. Những vòng cua liên tiếp. Cuộc leo đèo nhẫn nại trì chậm. Không khí bắt đầu mát ở ngoài xe, tôi giơ cánh tay ra ngoài, thò đầu ra ngoài. Cây thông đầu tiên! Những bụi dương xỉ xanh tươi đầu tiên. Mũi xe uốn lượn theo con đường quanh co. Đèo Ngoạn Mục. Thông mọc dày hơn. Rừng tranh cao. Đơn Dương. Hồ nước Đa Nhim. Thành phố không thay đổi bao nhiêu. Những khu vườn rau nhỏ lắp vào khe thung lũng hẹp. Giàn su-su xanh mát. Con đường này, những ngày đầu kháng chiến tới nay tôi hay đi. Tôi còn nhớ rõ những đoạn đường tắt xuyên qua sườn núi.
Trạm Hành. Hiệu buôn của người Hoa kiều vẫn một màu trắng bẩn, cũ kỹ như ngày tôi gặp nó đầu tiên. Chắc chắn cái quầy hàng vẫn nằm im chỗ cũ, vẫn những hộc đựng thuốc Bắc, những ngăn tủ bày cao đan hoàn tán, nhang và giấy tiền vàng bạc, mì bún, xà phòng, bóng đèn, guốc dép… Cảnh và vật chịu đựng với thời gian dai sức hơn người. Nhà bà Bohner! Còn đâu nữa những ngày tôi ngồi ở ban công nhìn xuống rừng núi chập chùng dưới tầm mắt mình. Nơi đây tôi đã sống những ngày buồn. Bao nhiêu năm tháng đã trôi qua. Tôi muốn tìm một cái gương để soi nhìn bóng mình. Tôi muốn nhìn lại bóng dáng mình bước những bước cô đơn trên con đường heo hút này, trên lối đi trải đầy lá ngo rụng này, trong khu vườn nhỏ mọc rải rác những bụi cà phê, những thân hoa anh đào, hoa hương mộc. Xa lạ và cách biệt biết bao giữa hai bức ảnh đó.
Cầu Đất. Đồi chè nối tiếp. Những bụi chè tròn trịa xanh mướt nằm khoảng cách đều đặn. Con đường lại lên xuống quanh co. Rừng thông và rừng thông. Những ngôi nhà bằng ván. Má phúng phính màu hồng rám nắng của những cô gái. Áo len choàng trên vai những người đàn bà. Con đường vui vì tấp nập. Nhà liên tiếp và người đông đảo.
Trại Mát. Chợ, xe ba bánh, cửa hàng tạp hóa. Nhiều người tập trung trước một hiệu buôn gạo, tay cầm thẻ gia đình. Nếp sống đặc biệt của thành phố. Thành phố đã bắt đầu. Đại lộ Trần Hưng Đạo: Biệt thự. Biệt thự. Dấu vết sáng tạo của người Pháp, khung cảnh của Auvergne, Gascogne. Người Pháp đã kịp thời xây dựng một thành phố Đà Lạt trước khi ra đi. Không một thành phố ở trung châu nào nhắc nhở đến họ mạnh mẽ cho bằng Đà Lạt.
Luy có việc phải đi thẳng Sài Gòn. Nhàn mừng rỡ khi tôi gõ cửa bước vào nhà.
- Anh mới lên hả? Sao không đánh điện cho cho em biết để em đi đón? Anh đi bằng Air Việt Nam hả?
Hoa cắm ở bàn xa-lông, ở bàn ăn. Màu tím của hoa lai ơn gói những nỗi buồn đậm. Nhiều rèm ở khung cửa sổ. Da mặt Nhàn trắng mát khi tôi đứng lại gần cầm bàn tay nàng đưa ra bắt. Nhàn là bạn của tôi và của Bảo.
- Trông anh trẻ ra so với hồi em xuống thăm anh năm ngoái.
Tôi cười:
- Nếu cảm tưởng đó không vì xã giao mà có thì là vì khí hậu của miền cao nguyên. Khí hậu cao nguyên làm cho người ta trẻ đi. Thắt ca-vát và mặc com-lê vào thì con người có hy vọng đẹp thêm vài chục phần trăm.
- Em không xã giao đâu. Cái lý do thứ hai có lẽ đúng.
Năm ngoái, Nhàn xuống miền nhiệt đới thăm tôi. Mồ hôi và ánh nắng làm mệt nhoài con người, làm tóc râu bơ phờ, làm tia mắt lơ đãng. Tôi hỏi:
- Hữu đâu?
- Ở với vợ hai. Em cho Hữu tự do ở với vợ hai.
- Mấy đứa nhỏ?
- Cho ở nội trú hết. Em ở một mình. Thong thả như một con chim.
Không phải là một con chim có hạnh phúc, tôi nghĩ vậy. Gia đình này tan rã chỉ vì giàu, giàu gấp ráp, vội vã, bất ngờ. Đang buôn thua bán lỗ, tôn sắt chất đống nghẹt kho thì chợt vật giá lại cao vọt lên, hàng họ khan hiếm. Tha hồ kiếm tiền. Tiếp theo sau, tiền đẻ ra tiền và cặp vợ chồng này trở thành mười lần triệu phú. Hữu chạy theo đàn bà, bao gái nhảy, chiếm đoạt vợ người khác. Khi thành công được trong địa hạt tài chánh, người đàn ông thường tăng thêm tự tin để xông xáo vào các địa hạt khác. Có người thì nhảy ra làm báo. Có người thì chợt thấy mình có nhiều kiến thức chính trị nên nhất định ứng cử vào Hội đồng Tỉnh, vào Quốc hội. Những tấm danh thiếp được lật đật in lại, ghi thêm chức vụ mới. Địa hạt ái tình thì dành chung cho mọi người. Đồng tiền làm cho họ đẹp đẽ và hoạt bát. Đàn bà cũng vậy. Nhàn có mặt trong những buổi tiếp tân, những party và Nhàn có nhiều nhân tình. Họ bình đẳng với nhau trong việc hưởng thụ và đồng ý xé nát gia đình ra làm hai mảnh.
Nhàn nhường phòng cho tôi ngủ đêm hôm đó.
- Để em ngủ bên phòng kia. Cho anh ngủ trong một phòng đàn bà để lấy hên. Có lẽ anh sẽ mau lấy vợ, nhờ đó.
Quả thật tôi đã khó ngủ trong một căn phòng đàn bà, có cái gì dịu ngọt, mê ảo làm xao xuyến tâm hồn tôi. Hàng dãy áo dài treo trên mắt. Thắt lưng, áo eo lại làm tôi nghĩ đến một vòng tay đang siết chặt. Những bộ pyjama màu hồng, màu vàng cổ viền đăng ten hay thêu những cành hoa, đóa hoa trên ngực. Bàn phấn thấp và mặt gương sáng dọi lại hình tôi. Chi chít những lọ nước hoa trên bàn. Tôi mở lọ nước hoa oeillet. Mùi thơm quen thuộc. Ngày trước, trên lối đi trước sân nhà tôi thích nhất là những cành oeillet màu hồng. Oeillet có nhiều màu: trắng, vàng, tím, hồng. Đẹp nhất là hoa màu tím chen từng nét trắng, ở miền trung châu trồng được và được gọi tên là hoa cẩm nhung hay cẩm chướng. Nhưng chỉ có hoa màu hồng là thơm. Một lọ nước hoa nhỏ xíu đã bong mất nhãn hiệu. Mùi thơm cay. Tôi nhớ đến mùi hoa linh lan. Lọ phấn. Thỏi son. Lược và bàn chải tóc. Giày mule màu trắng. Xắc tay.
Màn hoa kéo ở khắp cửa sổ. Mùi phấn thơm nơi gối. Đèn giường tỏa ánh sáng ấm. Tôi lắng tai nghe tiếng động xung quanh, ngoài đường. Chỉ có sự im lặng. Những vật gần gũi với tôi: áo, chăn, rèm cửa, lọ nước hoa thì rộn ràng cất tiếng, thứ tiếng nói lặng lẽ, tiếng khơi động, tiếng thúc giục, tiếng an ủi. Tôi lăn qua trở lại trên giường. Tôi nằm úp mặt xuống gối. Những dáng người, những khuôn mặt lẫn lộn quay cuồng trong óc khiến tôi không thể nhắm mắt. Tôi đứng dậy ra đập cửa phòng Nhàn:
- Em cho anh ngủ một phòng trần trụi đơn sơ hơn. Anh quen như vậy rồi.
Nhàn khoát tay:
- Không được. Không được. Thói quen đó đã hại anh. Phải tập cho quen trở lại không khí đàn bà. Anh về phòng đi. Bonne nuit.
Nhàn mỉm cười vừa khép cửa. Trong bộ áo ngủ màu vàng, nàng đầy đặn như một đóa hoa thược dược.
Sáng hôm sau khi ngồi điểm tâm, tôi hỏi:
- Em đề nghị anh đi thăm ai trước?
- Quý và Tân.
- Tân đổi đi Pleiku rồi mà?
- Vừa được cho về Đà Lạt.
Tôi đến thì Quý và Tân đi lễ chưa về. Huyền chạy ra mừng:
- A! Cậu mới lên. Tháng trước cháu viết thư cho cậu, cậu có nhận được không?
- Được.
- Sao cậu không trả lời cháu?
- Quên mất. Vả lại, cậu định lên Đà Lạt thì viết thư trả lời làm gì cho dư việc?
Huyền không kịp đợi tôi hỏi thăm kết quả học hành, đã vội xoắn hỏi tôi về những điều nó thắc mắc trong thư.
- Cậu nghĩ xem cháu có nên yêu thằng Ninh như nó đợi chờ không?
- Cứ để mặc cho nó đợi chờ, cậu nghĩ vậy.
- Nhưng cháu sợ nó không đợi chờ lâu được. Lũ con trai thường không nhẫn nại.
- Nếu nó không nhẫn nại được thì càng là một cớ để mình đừng yêu.
Câu trả lời xem chừng không làm cho Huyền bằng lòng. Tôi chậm rãi bật diêm đốt thuốc vừa liếc nhìn nó loay hoay ngồi không yên trong chiếc xa-lông rộng.
- Huyền chỉ có một mình thằng Ninh?
- Không. Cháu có khối thằng. Thằng Đức sinh viên văn khoa. Thằng Tri sinh viên kinh tế. Thằng Duyệt sinh viên trường võ bị. Ba thằng chia nhau những ngày nghỉ lễ của cháu.
- Sao lắm thế.
- Cháu cũng không biết nữa. Tại tụi nó đó. Cháu không ưa hẳn thằng nào nên cháu phải đi chơi cả ba đứa. Lắm lúc thấy cũng mỏi.
- Đã thế lại còn tuyển thêm một thằng thứ tư?
- Để thỏa mãn tính kiêu ngạo. Thằng Ninh bảnh trai và nhà giàu. Bố nó có lần làm Tổng trưởng dưới thời ông Nguyễn văn Xuân hay ông Trần văn Hữu gì đó.
Nó có nhiếu bồ đẹp và quý phái lắm ở bên Grand Lycée. Đi chơi với nó cũng là một lối trang sức.
Câu chuyện không làm tôi thoải mái. Huyền mới học seconde. (1 ) Tôi nghĩ rằng thành phố này phải trí thức hơn cái lối làm tình ái ồn ào đẫm mồ hôi của những đô thị lớn, của những tỉnh miền nóng. Ở những nơi đó người t a mặc áo hở cánh tay, hở, cổ; da lưng, da bụng hiện qua lớp vải mỏng trong suốt và thịt nổi cuồn cuộn làm bật tung những chiếc khuy áo. Ở những thành phố xô bồ đó, không khí sặc mùi da thịt. Người ta sống gần nhau quá, sát vách sát rào, chung chia từng mảnh sân hẹp từng khối không khí đứng theo chiều cao. Đà Lạt không khêu gợi dục vọng. Áo che kín đáo. Da tươi mát không đẫm mồ hôi. Không hiểu bị ám ảnh nào mà tôi có thành kiến rằng mồ hôi hay khơi dậy dục vọng. Tôi xoay mình gián tiếp tỏ một sự mệt mỏi và bảo Huyền:
- Còn quá sớm để nói chuyện đó với Huyền. Huyền mới mười sáu tuổi. Phải mọc thêm năm phân chiều cao nữa.
- Cậu lạc hậu cũng như ba cháu. Thời bây giờ không thể sống theo quan niệm của ông Khổng tử. Ông Khổng tử có lý vào thời của ông ta. Nửa thế kỷ trước, Maurice Dekobra đã mặc áo pull over cho ông Khổng tử rồi. Nửa thế kỷ! Bao nhiêu là cách biệt. Nhưng được, thôi để nói chuyện về cậu. Má cháu có để dành cho cậu một cô đẹp lắm.
- Tên?
- Phương Lan.
- Nghề?
- Tốt nghiệp Quốc gia Hành chánh. Hiện làm ở tòa Đô sảnh.
- Tuổi?
- Ba mươi hai. Đẹp. Hiền lành.
- Cám ơn má cháu, nhưng cậu không tin tưởng lắm. Đây không phải là người đầu tiên mà má cháu để dành cho cậu. Vả lại, tháng Năm không phải là tháng hạp để nói chuyện hôn nhân. Có lẽ chúng ta đi một vòng quanh hồ thì dễ chịu hơn.
Hồ hắt từng hơi gió lạnh. Dãy cây bách không lớn hơn bao nhiêu. Lá nhọn hay trái nhọn, cành non bọc vảy chi chít như thế nào, tôi cũng vẫn không lưu ý nhìn kỹ. Tôi chỉ nghĩ rằng chúng đã đứng ở đó ngày xưa và bây giờ chúng vẫn còn đứng đó, xoa dịu một nỗi bồi hồi nào trong hồn tôi và sự hiện diện của chúng làm tôi yên tâm. Những người đã cùng tôi thường đi trên đường này và những người tôi hay nghĩ đến khi đi thơ thẩn trên đường này bây giờ còn ai? Bảo từ trần đã mười năm. Chị Mai theo người yêu tập kết ra Bắc. Phương lấy chồng hiện làm quận trưởng quận… quận gì? Đức Trọng? Khánh Dương?… Những tên quận nhiều quá, lẫn lộn. Thérèse làm cô giáo ở một tu viện. Thời gian bôi những nét xám trên khuôn mặt của họ.
Tôi bảo Huyền:
- Đây là cầu ông Đạo. Đố Huyền biết vì sao gọi là cầu ông Đạo không?
Huyền lắc đầu.
- Vì ngày xưa chỗ góc kia là Tòa Quản đạo. Bây giờ Tòa Quản đạo bị phá đi để chỗ làm con đường vào chợ, để chỗ xây những dãy nhà dù đó. Nơi chợ mới, trước kia là vườn rau của đồn lính khố xanh.
- Cậu thuộc kỹ lịch sử của thành phố này quá.
- Đâu có được như vậy? Đó mới chỉ là một giai đoạn. Thành phố này chỉ già bằng một đời người. May ra còn lại một vài cụ già đã từng lên đây khai phá theo chân ông Yersin.
Chợ bày bán nhiều hoa. Trên tầng lầu tấp nập theo kiểu chợ Bến Thành. Những người đi lượn trong đó xa cách với tôi quá. Họ ồn ào, vui vẻ, hoạt động. Họ đang làm chủ cái thành phố này. Và tôi có cảm tưởng lạc lõng giữa họ. Một người đàn bà giẫm lên chân tôi và xuýt xoa xin lỗi. Tôi chỉ mỉm cười vừa phải, thiếu hẳn nhiệt tình mà tôi có thể trao cho một người đàn bà đẹp và lịch sự như thế trong một trường hợp tương tự. Cái cảm tưởng lạc lõng đó không rời tôi khi tôi đi theo những con đường quanh chợ. Các con đường đều đã thay tên. Không còn nữa, những tên đường Thống chế Foch, đường Lacaze, đường Annam, đường Cầu Quẹo. Vài hiệu buôn còn sót lại từ ngày xưa: Vĩnh Chấn, Chic Changhai, Phúc Thái Lai…, nhưng sự rộn rịp và người đứng bán hàng đều đã thay đổi.
Huyền cười chào những thanh niên đi ngược chiều. Họ mặc quần chật, tóc lòa xòa và đeo gương lớn. Aùo len thùng thình. Huyền giới thiệu sau khi họ đi qua. “Thằng Hợp sinh viên Văn khoa… Thằng Lý sinh viên Sciences Po… (2 )
Đà Lạt có một món trang sức mới: trường Đại học. Chữ “sinh viên” làm đẹp câu đối thoại. Mọi người đều có phương tiện để vươn lên. Ai cũng có, hoặc một người con “sinh viên”, hoặc một người quen “sinh viên”, một người khách hàng “sinh viên”. Bắp sú, xà-lách-xoong, cà-rốt, hoa mõm sói không làm cho người ta hãnh diện.
Đêm Đà Lạt mời mọc nghỉ ngơi. Đóng kín cửa lại, cắt đứt mọi giao thiệp với cảnh vật bên ngoài. Tôi mở cửa ra ban-công. Sương xuống ướt sũng sàn xi măng. Sương từng giọt từ mái bếp tôn lộp độp rơi xuống mặt đất. Giọt nước mắt của Đêm. Những người buồn chắc sẽ đỡ cô đơn khi đêm tối cùng chung chia giọt nước mắt với họ.
Mười giờ tối đêm trước, khi ngồi uống cà phê ở hiệu Cà phê Tùng, Nhàn hỏi:
- Anh không có ý định trở về sống ở Đà Lạt?
Tôi gạt tàn thuốc để có thì giờ suy nghĩ.
- Ở chỗ nào rồi cũng như nhau, tôi trả lời. Cũng bất tiện như nhau. Anh đã chán ngấy cái thành phố của anh nhưng không vì thế mà dễ lên ở đây được. Những chán ngấy như những lớp bụi. Chúng nó chụp lên ta mỗi ngày một ít, cho đến một ngày nào đó ta sẽ đồng hóa với bụi.
Nhàn cười:
- Bọn em ở đây thì đồng hóa với sương mù, sương mù làm lạnh con người.
- Đó không phải là trường hợp của em. Trong em có một lò lửa dữ dội. Coi chừng những đám cháy.
Nhàn đập vào vai tôi và tôi gọi bồi tính tiền. Đi trong đêm lạnh thấy vừa vui vừa buồn. Thành phố như một bức tranh treo trước mắt. Nhà ở từ lũng sâu leo từng bực từng bực lần lên tới đồi cao. Ánh đèn dăng theo, chi chít. Đêm không nghe tiếng súng. Ở dưới miền xuôi khó có thành phố nào mà đêm không nghe đại bác nổ ì ầm và súng máy lạch tạch hàng tràng dài. Con đường uốn cong theo chân đồi. Cây, lá, cỏ. Tôi vụt cười vì một ý nghĩ vừa trở lại trong óc. Nhàn hỏi:
- Anh cười gì?
- Vì một chuyện nhảm nhí thô tục không tiện nói ra.
- Anh cứ làm bộ mãi.
- Ừ thì nói. Hồi chiều đi trên đường Hùng Vương anh chợt có ý nghĩ: ở Đà Lạt đi đường nào cũng có thể tiểu bậy được. Sẵn sàng có bụi cây và lá cỏ đồng lõa với mình.
Nhàn “xì”:
- Đàn ông các anh… Nhảm nhí hết sức.
- Đúng. Vừa cao siêu vừa nhảm nhí. Nhưng phải lang thang trên những con đường của các thành phố miền xuôi: Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng… mới thấy những bụi cây lá cỏ, những khúc quanh liên tiếp của con đường Đà Lạt là quí.
Những ngày tiếp theo, tôi lùng tìm các bạn cũ còn sót lại. Chị Ngưỡng tiếp tôi trong một căn phòng ngổn ngang đồ đạc. Câu chuyện không rứt ra khỏi giai đoạn vợ chồng chị bị Pháp lùa bắt ở Karom. Bây giờ chị đã có bốn đứa con lớn, đứa đầu thi Math Elem. Do lời mách của chị, tôi đến tìm thăm anh Năm Hiển. Một cái biệt thự bằng gỗ xám có nhiều cánh cửa sổ mục nát. Cỏ dại mọc rối ngoài sân. Một tấm bảng ghi chữ “coi chừng chó dữ” và hình vẽ một con chó đang nhe răng thè lưỡi. Vài đứa nhỏ đang cãi nhau dưới hiên. Nghe tôi hỏi, một đứa chỉ xuống bờ hồ: “Ổng ngồi câu cá dưới đó”.
Năm Hiển gặp tôi không mừng rỡ. Mặt dài và móp lại. Trông mắt lờ đờ như làm bằng thủy tinh. Tình cảm nơi anh chết rồi chăng? Anh không còn mang một chút di tích quá khứ nào cả. Không còn anh Năm Hiển nghệ sĩ của những ngày xưa, cầm đầu ban nhạc và ăn chơi hết mình. Trước mắt tôi là một khuôn mặt mệt mỏi, một thân người chống chọi đã đuối sức. Tôi lỏng lẻo bắt tay anh, hẹn sẽ trở lại nhưng tôi biết chắc là tôi đang nói dối. Tôi không đủ can đảm gặp lại anh.
Tôi buồn bã đi ngược lên con đường Rue de France. Có vài ngôi nhà mới cất. Có vài đoàn người đi trên đường này. Ngôi nhà ngày xưa tôi ở bây giờ cho Mỹ kiều thuê. Hàng cây mimosa lớn trội che khuất mái bếp. Không ai thèm hiểu cái gì đang đè nặng trên hồn tôi. Mười năm dĩ vãng có trọng lượng của nó. Tôi đang đi trong sự thờ ơ vô tình của cảnh vật và của người xung quanh. Chỉ còn có Nhàn. Nhàn bảo tôi:
- Anh còn nhớ thằng Sách không? Trong đoàn chạy giặc của tụi mình, nó bé nhất bọn đấy.
- À, nhớ rồi. Hồi chạy xuống Gò Đền nó cũng phải giã gạo thuê. Tội nghiệp, nó nhỏ người, nặng đâu lối ba bốn mươi ký lô, leo đứng trên cần cối, cần cối chẳng thèm nhúc nhích.
Nhàn cười ngon lành.
- Bây giờ nó biến đổi ra thế nào?
- Vẫn cứ bé oắt như xưa. Có vợ rồi. Hai con. Làm dưới sở Địa dư.
- Anh Duy?
- Anh Duy thì ngon lành. Làm đến đại tá. Nhưng lại bị liên lụy vào một vụ đảo chính hụt, bị xử tử vắng mặt hay khổ sai chung thân gì đó, em không nhớ rõ. Nhà cửa bị tịch biên.
- Chưa đến nỗi nào. Làm chính trị thì cốt giữ sao cho khỏi bị cắt mất cái đầu. Còn tù tội thì cứ tha hồ.
- Thằng Đinh tội nghiệp hơn. Nó mới chết ở mặt trận An Lão. Lấy vợ trễ, sáu đứa con còn nhỏ.
Chỉ những người chết là bị thiệt thòi hơn hết. Hay ngược lại, là được thong thả hơn hết. Hôm mới lên, người mà tôi lẳng lặng đến thăm đầu tiên là ông Tự. Tôi tìm đến dãy nhà gỗ tối tăm. Ông Tự làm cai Lục lộ chuyên sửa ống nước. Tôi hỏi một em nhỏ đứng chơi gần đó:
- Gia đình ông Tự có còn ở đây không em? Em có biết ông Tự không?
- Dạ có biết. Nhưng gia đình ông đã dọn đi lâu rồi.
- Em biết hiện giờ ông ở đâu không?
- Dạ. Dọn về Phi Dàng. Ông Tự chết ba năm nay rồi. Vợ con ông dọn về ở Phi Dàng.
Tôi cám ơn em nhỏ và lủi thủi ra về. Bao nhiêu hăng hái rụng xuống khi cuộc đi thăm đầu tiên không có kết quả. Sau chừng mười năm xa cách, câu hỏi thăm có thể được trả lờigọn lỏn bằng chữ “chết”. Tôi đem nỗi buồn đó ra nói với Nhàn. Nhàn bảo:
- Ông Tự bị điên phải đem đi Biên Hòa. Tại uống rượu nhiều quá. Bà Tự lại ngoại tình, có con với người khác.
- Sau khi ông chết?
- Không. Ngay lúc ông còn sống.
Tôi nhớ lại khuôn mặt của người đàn bà ấy. Ngoại tình hay chính chuyên, khuôn mặt ấy không mang dấu hiệu rõ rệt. Tôi nhớ bà mê đánh bài tứ sắc, ngày nào cũng có một sòng bài thường trực trong nhà. Có thể con đường ngoại tình xuất phát từ sòng bài. Nhưng cũng không bảo đảm lắm.
Những buổi chiều ở Đà Lạt thật buồn. Mùi nhựa ngo cháy thơm trong bếp pha với hơi sương lạnh nhắc tôi nhớ đến những ngày hồi cư, những ngày chạy giặc phiêu lưu ở Cầu Đất. Trạm Hành. Mùi nhựa ngo dính liền với buổi chiều, với sương mờ đục, với hơi lạnh ẩm ướt.
Hôm giã từ Đà Lạt, Nhàn ra tận bến xe tiễn. Sương ướt ngọn cỏ.
- Anh về gấp quá. Đáng lẽ phải ở chơi cả tháng. Chả mấy khi lên.
- Anh sẽ lên, nghỉ Hè sau.
- Nghỉ Hè! Một năm nữa.
Tôi giật mình. Một năm nữa! Sao tôi có đủ can đảm đợi chờ một năm nữa? Làm như cuộc đời người dài hàng sáu trăm, bảy trăm lần khoảng thời gian đó. Tôi sẽ làmgì trong khoảng thời gian đợi chờ? Sống thật? Sống bơ phờ qua ngày? Tôi nhìn ánh mắt sáng của Nhàn và tự nhiên thấy thêm nghị lực.
- Anh sẽ lên, sớm hơn. Vào dịp lễ Quốc khánh, vào dịp Nô en hay vào dịp Tết.
Khi tôi ngồi yên trên nệm xe đưa mắt nhìn ra thì thấy Nhàn lau nước mắt.
Xe rồ máy, chạy chầm chậm. Nhàn đứng yên đó. Chúng tôi không còn ở tuổi vẫy tay. Dãy cây bách. Bờ hồ. Tôi quay lại nhìn, tôi quay ra xa. Bóng Nhàn nhỏ dần. Loang loáng cảnh vật chạy lui. Biệt thự. Biệt thự. Những bồn hoa. Khi xe vượt quá đầu dốc, khi Đà Lạt khuất khỏi tầm mắt nhìn, tôi ngồi yên như một người cam chịu số phận.
Tiếng máy nổ dòn. Nệm xe nhún nhịp nhàng qua những chỗ lồi lõm. Bóng tôi hiện ra trên mặt kính cửa. Áo nỉ màu tối. Nét mặt đăm chiêu. Nghỉ Hè năm sau! Tôi chợt nhớ đến một hình ảnh quen thuộc, một hình ảnh trong cuốn phim Amour d’espionne mà tôi đã xem, cách đây lâu lắm. Chuyện xảy ra trên một toa xe lửa chạy về miền biên giới Pháp - Đức. Một cô nữ sinh được cha đón về quê để nghỉ lễ Pâques (2). Cùng ngồi trong toa, nàng để ý một người đàn ông đứng tuổi nét mặt nghiêm trang ngồi đăm đăm nhìn ra cảnh vật bên ngoài cửa sổ. Tay ông ôm bó hoa huệ trắng bọc trong giấy bóng. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, cô lại thấy người đàn ông đó ngồi chung toa xe với mình, ngồi đúng vào chỗ cũ, cũng ôm bó hoa đó, cũng nét mặt nghiêm nghị buồn đó, cũng cái mũ dạ, cũng bộ quần áo nỉ màu tối. Cô gái tò mò hỏi cha ý nghĩa có một sự xuất hiện lặp lại đúng kỳ như vậy. Người cha thì thầm kể chuyện cho con nghe và những hình ảnh quá khứ hiện lên màn ảnh lần lượt theo câu chuyện kể.
Người đàn ông đó, trước đây là một sĩ quan do thám người Anh. Ông sang hoạt động tại Đức, cố đánh cắp một bản đồ tham mưu của Hoàng đế Uy-liêm. Một nữ phản gián Đức được chỉ định theo dõi ông ta. Họ lừa nhau, họ dò xét nhau, họ quyết tâm đánh bại nhau. Nhưng đồng thời, bằng những bước nhỏ âm thầm, tình yêu đã đến với họ. Trong những giây phút quyết liệt cuối cùng, người đàn bà phải chọn lựa. Hoặc phải thanh toán người mình yêu, hoặc chịu chết để giúp cho chàng thoát. Nàng đã chọn giải pháp thứ hai.
Chiến tranh kết liễu. Hận thù xóa đi. Người đàn ông còn sống sót, hàng năm cứ đến ngày lễ Pâques đáp tàu từ Anh quốc vượt qua bể Manche, lên tàu lửa đi về biên giới đến viếng mộ nàng, một bó huệ trắng trên tay. Bao nhiêu xúc cảm bồi hồi, bao nhiêu êm đềm xót xa đã ghi trên nét mặt u buồn đó khiến cô nữ sinh phải lưu ý.
Tôi lên Đà Lạt không mang theo một bó huệ trắng nhưng trong tiếng động cơ êm êm một điệu, qua những cái lắc lư nhịp nhàng trên nệm xe, tôi có cảm tưởng tôi chính là người đàn ông trầm lặng kia hàng năm trở về khung cảnh cũ để âm thầm nhớ lại những kỷ niệm đã cùng sống với một người.
Chú thích:
(1) lớp đệ nhị
(2) Khoa chính trị học
(3) Lễ Phục Sinh

Xem Tiếp: ----