Bên Kia Đường

    
ôi bỏ sách xuống giường. Rượu và thuốc lá chỉ còn in dấu lờ mờ, tôi suy nghĩ về trường hợp Chatterley. Nhiều uẩn ức, nhiều bức thúc, nhiều dày vò. Thân phận con người quằn quại trong những đau khổ muôn hình, người này làm khổ người kia, ai cũng là nạn nhân vừa là kẻ tác nhân gây khổ. Người đàn bà quí phái rơi vào vòng tay của anh gác rừng khỏe mạnh, người đàn bà đó có tội lỗi không? Người chồng trí thức sang trọng và phẩm cách cao quí đó có tội lỗi gì trong việc xô đẩy vợ mình phạm tội ngoại tình? Chiến tranh. Chiến tranh không phải là một người có một khuôn mặt và mang một danh tánh để nhận chịu trách nhiệm trực tiếp. Chiến tranh là một tập thể. Chiến tranh đã tàn phá một nửa cơ thể của hầu tước Chatterley biến chàng thành kẻ bất lực. Và người đàn bà lấy chồng không phải để chuyên môn làm y tá suốt đời cho chồng, do đó mà anh gác rừng thành kẻ phản bội và kẻ chiến thắng. Giã từ lâu đài, giậm xéo danh dự chức tước, xóa bỏ hết, đập nát hết, Chatterley phu nhân chỉ cần sống đích thực cho dẫu là sống đơn giản với bánh mì, nước, không khí và tình yêu.
Tình yêu. Tôi cảm nghe như có một niềm xót xa, vừa cựa mình chỗi dậy như một con trăn nằm lấp dưới bao từng lá phủ nay đột nhiên thức giấc. Nỗi phiền muộn tôi đã vỗ về cho an ổn từ lâu, nay bất ngờ vì Quỳnh và vì câu chuyện của Chatterley mà hiện hình với mọi ngõ ngách, phiền toái. Quỳnh trẻ và đẹp và khoảng cách giữa tôi và nàng khó có thể nhờ thời gian lấp bớt được. Tôi sắp đi Thủ đức. Thời gian, cuộc đời đâu còn tùy thuộc nơi tôi nữa.
Vô lý. Sao mình có thể dễ tin, dễ hy vọng ở Quỳnh?
Có phải vì mọi người đàn bà mình gặp đều khôn ngoan và tàn nhẫn nên mình tự nhiên tìm về Quỳnh như một kẻ hành nhân xông pha nắng bụi tìm về một nguồn nước mát? Quỳnh đã hiện ra trong buổi tối nay. Trước kia, Quỳnh mơ hồ, hiện diện phai mờ trong một khung cảnh bất biến: những chồng hồ sơ, hồi chuông điện thoại, những buổi sáng chào cờ, tiếng máy đánh chữ lách cách. Phi cơ ở trên từng cao. (Ừ nhỉ! Không ngờ tiếng ồn lại khó chinh phục đến thế. Khoa học chưa nuốt hết tiếng động cơ). Quỳnh mặc áo màu huyết dụ. Gió lạnh vun vút của một đêm đông làm màu áo chuyển hơi ấm vào người nhìn. Gió thổi tung phần phật tà áo về một phía và dáng quỳnh mảnh mai như một ngọn lửa vươn lên. Tiệc cưới đặt ở tầng lầu hai. Tôi gặp Quỳnh ở tầng dưới giữa lúc tôi đang nói chuyện với những bạn trai. Câu chuyện không có gì đậm đà vì quá đông người và vì có vài khuôn mặt lạ chen trong đó. Lại những chuyện động viên đi Thủ đức. Khóa 18 còn 4 tháng ra trường. Khóa 19 đang gọi. Máy phát thanh đọc tên những người có lệnh nhập ngũ, mà chưa đi trình diện, nhẫn nại đọc, trưa nào và tối nào cũng đọc. Câu chuyện của những người dưới 33 tuổi.
- Thằng Diễn vẫn cứ phây phây đi chơi phố. Khóa nó, người ta gọi đã hai tháng nay rồi. Ra-đi-ô kêu đích danh Trần Văn Diễn mà nó vẫn cứ phây phây đi chơi phố.
- Coi chừng có ngày quân cảnh hốt. Ðêm nào xe quân cảnh cũng đi rảo.
- Dám bỏ vô Quang Trung lắm.
Câu chuyện không có gì vui. Màu xám của chiến tranh bao trùm lên khuôn mặt, dáng người và sự vật được gợi ra.
Quỳnh bỡ ngỡ đứng nhìn chung quanh. Người đàn bà ngồi ở quầy có đôi môi dày bôi đỏ như máu. Chiếc áo kỳ pủ thật mỏng in hình hoa màu nóng che không hết những mảnh da thịt trắng mát tròn lẳn. Ba quân nhân ngoại quốc ăn ở một góc. Ðến một gia đình người Việt đông con. Ðứa nhỏ mang theo cả quả bóng và chạy luồn sau quả bóng giữa những bàn chân ghế và chân người. Hai thương gia béo phệ chầu hai bên một chai rượu chắc là đắt tiền. Hai điếu xì gà to như hai con mực ống.
Trên vách, những người đàn bà đẹp ngậm thuốc lá Capstan, Mélia trong những bức tranh.
Quỳnh đi lại gần tôi.
- Ông Huy có bận đón ai ở đây không?
- Không. Cô có điều chi cần?
- Ông đưa tôi lên phòng tiệc đi.
Tôi hơi ngạc nhiên vì lời đề nghị và nhớ rằng mình vừa khiếm nhã đối với người đàn bà. Ðứng nói chuyện với nhau để một người đàn bà tự tìm đường đi một mình, người lịch sự không ai như vậy. Nhưng sở dĩ tôi không đưa Quỳnh đi lúc nãy, là tôi sợ người ta hiểu sai cái cử chỉ của tôi, kéo nó ngang hàng với một sự tán tỉnh thô bỉ. Vả lại, có bao nhiêu bạn đồng nghiệp bảnh trai của tôi kia, họ đưa Quỳnh đi thì xứng hợp biết bao. Chàng Thanh hào hoa, đi làm luôn luôn thắt ca vát và thay sơ mi mỗi ngày một kiểu. Chàng Huấn danh ca của đài phát thanh địa phương, có mái tóc ép sấy đúng kiểu. Chàng Thuận chủ nhân của một chiếc 2CV, giáo sư khiêu vũ của các cô bạn chưa chồng. Tôi tự sắp mình vào hàng thứ bảy thứ tám trong bản danh sách những người đàn ông có mặt. Tôi nói:
- Nếu cô cho phép. Xin mời cô đi trước.
Nhưng Quỳnh không chịu bước trước và chúng tôi thành ra đi cạnh nhau.
- Ông đã biết cô dâu chưa?
- Tôi có quen.
- Ðẹp không ông?
- Có lẽ điều ấy cô nên hỏi chú rể.
- Lẽ tất nhiên là chú rể khen đẹp. Tôi hỏi ý ông mà.
- Tôi biết vậy. Nhưng tôi có cho đẹp hay không thì cũng vô ích thôi. Vả lại, cô sẽ được thấy cô dâu trong mười lăm phút nữa.
Những bước thang uốn vòng quanh. Những tấm gương lớn đặt ở lối đi phản chiếu bóng hai người. Thân Quỳnh mảnh mai. Bóng tôi mặc áo quần dạ xám lấp vào những chỗ eo của thân nàng.
Lan và Thái, -cô dâu và chú rể- đón chúng tôi ở cầu thang. Áo Lan lóng lánh như kim tuyến, tôi không biết chắc đó là hàng gì. Chưa sống cạnh một tủ áo đàn bà, chưa bị nó hành hạ trong những ngày gần Tết, ngày Nô en, tôi thường lẫn lộn thứ hàng hai trăm đồng một áo với thứ hàng tám trăm đồng. Kim cương hột xoàn cũng vậy. Khi nào võng mô nhức nhối nhận một tia sáng loé thẳng, nhọn và sắc như một mũi kim dài phát xuất từ một mặt nhẫn, một vòng đeo tay, tôi thường giật mình nhìn người đàn bà có phép lạ đó và lẩm bẩm định giá "năm trăm ngàn đồng". Không căn cứ vào tiêu chuẩn nào hết mà chỉ là một con số tượng trưng. Ý hẳn có nhiều lúc tôi đã bị thủy tinh đánh lừa. Nhưng chắc chắn là Lan không đeo thủy tinh đêm nay. Ngày thường đi làm nàng có những thói quen rất đỗi "học trò" là đeo những chiếc vòng tay bằng nhôm, bằng thiếc mỏng mảnh mạ vàng lóng lánh, năm bảy chiếc một lần tréo vào nhau, choàng lẫn nhau rung rinh theo cánh tay đưa. Tôi không tìm thấy giá trị mỹ thuật của món trang sức giá năm bảy đồng một chục như thế. Có phải vì quen mắt vì muốn tránh một nỗi vắng vẻ cô đơn mà con người tìm bè bạn ở nơi vòng cổ tay của mình? Lan đeo đồng hồ đắt tiền cạnh những chiếc vòng nhảm nhí đó.
Ðêm nay Lan cài một mảnh vương miện trắng lóng lánh lên mái tóc, dấu hiệu cô dâu. Khuôn mặt thanh tú xứng đáng với một sự trang trọng có đôi chút kiểu cách.
Lan tiến đến cầm tay Quỳnh:
- Xin mời chị vào.
Rồi nàng nghiêng mình chào tôi, tự nhiên như khi chào một người bạn đàn ông trung bình. Không có một chút rụt rè, hồi hộp chút nào. Làm như tôi không phải là người đã từng hôn nhiều lần hôn trên đôi môi tô son đó. Làm như nàng không phải là người đã từng nép trong cánh tay tôi mà thỏ thẻ: "Em muốn chúng mình sẽ có một đứa con gái đầu lòng và em đặt tên là Mai Chi. Sao em yêu cái tên Mai Chi lạ." hoặc "Em thích căn phòng của chúng mình sẽ quét vôi màu xanh nhạt và rèm cửa một màu xám, chũng nhạt. Y như căn phòng của Nữ hoàng Elizabeth". Tôi không biết đích xác màu tường và màu rèm của nữ hoàng và tôi nghĩ rằng nếu một tuần sau nàng đổi ý kiến muốn tường và rèm cửa giống màu của căn phòng Tổng thống Phi luật tân tôi cũng sẽ không phản đối.
Lạ thật. Người đàn bà có một loại thuốc tẩy tinh vi có thể xóa hết mọi dấ u vết tình cảm trên tâm não của họ.
Nàng nói:
- À! Anh Huy. Cám ơn anh đã đến. Anh Thái, đây anh Huy. Làm thơ hay một cây.
Làm thơ! Tôi đã thành thật và ngu si, - thành thật có họ hàng với ngu si trong nhiều trường hợp - viết bốn câu thơ để tả nỗi khắc khoải nhớ nàng rồi cặm cụi ngồi chép gởi cho nàng. Nàng đọc thơ, cánh mũi phập phồng. Có thể vì tự ái được mơn trớn, nhưng hôm nay thì rõ ràng là nàng đang chế diễu tôi.
Tôi bắt tay Thái, mỉm một nụ cười vừa phải rồi nện mạnh gót giày xuống sàn nhà để bước theo sau Quỳnh. Tôi gửi theo gót giày những lời căn dặn giận dữ: Bận sau đừng dại như thế nữa. Dại lắm. Với đàn bà, chỉ nên dùng tiếng nói để biểu lộ tình cảm mà thôi. Khẩu thuyết vô bằng. Chớ dại mà ghi bằng chữ viết.
Quỳnh đi thẳng lại một ở Ban mê thuột đem xuống bán. Tước bỏ giá trị linh thiêng, món hàng thương mại này được lùa về nằm ngổn ngang ở chợ Đầm, chợ Xóm Mới, bằng lòng với giá mười lăm đồng, mười đồng, rồi năm đồng một củ. Trong khi đó thì những bác tài xế Lăm-bết-ta chửi thề trở lại. Thời thế cạnh tranh mật ít ruồi nhiều, chạy một chuyến có được hai chục bạc đã là may lắm. Đậu xe ở đầu chợ Thành để nhặt những bà nội trợ xách giỏ đi chợ về, mỗi bà chỉ trả một đồng để đi hai cây số mà trên xe phải chịu bộn bề những giỏ, những xách, những vịt, những gà, heo con, bầu bí lổn ngổn. Bác tài xế hôm nay vừa định “de” xe vào chợ thì thấy bóng ông cảnh sát đứng lù lù đó, tay lăm le quyển sổ và bút chì chờ biên phạt nên nhấn ga cho xe chạy vút tới. Bao nhiêu tức giận bác trút vào đôi cánh tay cử động hung bạo, và đôi mắt nhìn khoặm xuống, vào cái xương hàm bạnh ra. Thuận hối hả đã đi nhằm cái xe hục hặc này.
Chị đàn bà bế con nhỏ thuộc loại hiền lành nhút nhát chắc thường bị mẹ chồng và hàng xóm ăn hiếp nên quen tính rụt rè, không dám lên tiếng bảo xe chạy chậm lại mà chỉ xoay qua quay lại liên tiếp để giữ cho đứa con khỏi bị xốc. Anh thanh niên thì vừa nhịp chân vừa huýt sáo bản nhạc “Cầu sông Kwai”. Thật là khéo chọn nhạc khúc. Ngồi trong xe mà có cảm tưởng như mình đếm bước rộn ràng đi vào rừng chặt gỗ làm cầu thật, Thuận thì đánh đu cả hai tay vào thanh sắt đóng ở mui xe như một con vượn sắp sửa chuyền cành. Chú “ết” người nhỏ thó tuổi chừng mười bốn, mười lăm cứ từng chặp thò miệng ra sau xe nhổ một bãi nước bọt.
Xe chạy băng băng. Leo dốc. Qua cua. Vượt lên cầu. Những ông nhà quê đứng tuổi đi xe đạp nai nịt ống quần như lính lệ, luống cuống tránh dạt vào lề đường, ngã chúi trên bờ cỏ, quay mặt lại chửi nói gì đó. Xe vẫn lầm lũi bỏ chạy. Quá ngôi đình xã Diêm An, chợt chú “ết” la lên:
- Tốp! Tốp! Có người đón xe. Tốp!
Bác tài xế hãm phanh một cách khó nhọc. Mọi người quay lại nhìn ra sau xe. Cách hơn trăm thước một người đàn bà mặc áo dài đen cắp nón hăm hở chạy tới. Bác tài rà rà cho xe chạy lui. Thuận ngạc nhiên thấy người đàn bà có lòng ái mộ một chuyến xe như vậy. Đường này đâu phải thiếu xe? Cứ năm phút là có một chuyến. Việc gì phải te tái chạy đuổi theo hàng trăm thước thế kia? Khi xe lui lại gần thì người đàn bà dường như hết thở nổi. Đó là một bà nhà quê chừng bốn mươi tuổi. Da mặt tuy rám nắng nhưng hồng hào. Hoa tai vàng, quần lĩnh Mỹ A: bà này thuộc hạng khá giả ở thôn quê. Bà không lên xe vội mà đứng dưới đường bảo bác tài:
- Nhờ ơn bác cho xe vô con đường rẽ kia. Nhà tôi ở gần đó. Tôi có đứa con nhỏ bị bệnh phải đưa đi nhà thương.
- Không được, - bác tài quay ra trước xe vặn vặn tay lái dáng như sắp sửa rồ ga cho xe chạy. - Đợi xe sau mà đón.
- Tội nghiệp tôi mà. Đứa nhỏ tôi nó trúng gió nặng quá.
- Tôi phải đưa hành khách về Nha Trang. Trễ giờ của người ta sao được?
- Nhờ ông làm ơn làm phước. Nhà tôi ở gần kia. Ngay con đường rẽ vô đó. Con tôi nó bị trúng gió…
Người tài xế nhíu mày không trả lời. Chị đàn bà bế con tay nắn bóp hai bàn chân nhỏ của đứa bé. Im lặng. Chợt người thanh niên cất tiếng nói:
- Trễ năm, mười phút cũng không sao. Bác chịu khó vô chở giúp người ta. Con người ta cũng như con mình.
Người đàn bà tươi tỉnh nét mặt, tiếp lời ngay.
- Dạ. Tội nghiệp tôi mà, con tôi cũng như con bác.
Bác tài xế dáng chừng chỉ đợi một câu nói ưng thuận của một người hành khách và sự im lặng của những người kia để bác quyết định. Bác nói:
- Thật phiền quá. Thôi, bà lên xe đi.
Xe nổ, chạy vài chục thước rồi rẽ vào con đường làng. Đường đắp đất, nhô lên thụt xuống, xe phải chạy rất chậm. Hai bên đường là vườn, là lũy tre. Xe không đậu ở cổng thứ nhất, cũng không đậu ở cổng thứ nhì. Con đường bỏ xóm nhà ở, đi vào giữa cánh đồng hẹp. Hai bên là ruộng. Lúa thời con gái xanh mướt. Một con mương dẫn thủy nhỏ chạy dọc theo con đường. Xe nhô lên thụt xuống. Tiếng máy rì rì rồi rống lên từng chặp. Từ nãy giờ Thuận im lặng. Anh ngồi đưa mắt nhìn người thanh niên. Nét mặt hiền lành và tâm hồn dễ thường cũng vô tư như bản nhạc vẫn tiếp tục được huýt sáo. Thuận ngượng đến xấu hổ khi nhớ đến lời của anh ta nói lúc nãy:
- Con người ta cũng như con mình.
Đáng lẽ câu nói đó phải do mình nói - Thuận nghĩ. Người thanh niên chắc chắn là chưa có con. Khuôn mặt non, chân râu mới lờ mờ như lông tay. Trong khi đó mình đã làm cha, đã từng nhiều lần cúi mình xuống giường bệnh của con hồi hộp nghe tiếng thở khò khè hoặc hổn hển, tay rờ trán rờ chân xem nóng lạnh.
Mình đã từng chạy quáng quàng đi mời thầy thuốc, đã từng bế con ngồi trong xe để đến phòng mạch bác sĩ. Những đêm thức trắng ôm con trên tay hay ngồi cạnh giường con, những dòng nước mắt lặng lẽ chảy vì lo sợ và vì thương cho con phải một mình chiến đấu với cơn đau. Những kỷ niệm ấy dồn dập về trong óc Thuận và bóp mạnh ở tim.
Đáng lẽ câu “Con người ta cũng như con mình” là câu phải do mình nói, - Thuận cứ lặp lại ý nghĩ đó. Mình ích kỷ muốn xe chạy thẳng về nhà cho sớm, bỏ người đàn bà đó lo lắng hồi hộp trên đường. Mà nào sáng nay mình có bận việc gì cho cam? Về đến nhà vào khoảng mười một giờ, rửa mặt nằm nghỉ đến mười hai giờ ăn trưa. Về sớm hay chậm mười lăm phút, nửa giờ, điều đó không có lợi có hại thực tế gì cho mình hết. Nhưng mà chỉ vì mình có quyền, với năm đồng bạc, bắt buộc người lái xe chạy thẳng nên mình thích sử dụng quyền đó thôi. Mình không muốn ai động chạm đến nó. Không hẳn là vì ích kỷ, bởi trên thực tế nó có mang lại ích lợi gì cho mình đâu. Có lẽ đó chỉ là cái lối bủn xỉn vụn vặt của một con người mang nhiều ẩn ức, nhiều bực bội, chịu đựng nhiều thiệt thòi, nhiều sự bất công nên khăng khăng bám giữ những quyền lợi nhỏ nhặt nào còn sót lại.
Thuận thở dài nghĩ tiếp. “Có lẽ tại mình phản ứng quá chậm. Mình cũng muốn giúp đỡ người đàn bà đó, nhưng mình chưa kịp nói…”
Chợt thấy xe nhảy vồng lên làm Thuận giật mình. Người đàn bà ngồi trước mặt đưa một ngón tay chỉ vào túi áo sơ mi của anh:
- Tờ giấy bạc của ông sắp rơi ra kia.
Thuận vội cúi xuống, thấy tờ giấy năm đồng nhoi mình lên gần rời khỏi miệng túi. Anh đưa ngón tay đẩy nó rơi sâu xuống đáy túi. Mỗi khi lên xe, bao giờ anh cũng chuẩn bị tờ giấy năm đồng bỏ ở túi áo sơ mi để khỏi lục lọi ví khi xuống xe. Anh nói:
- Cám ơn bà.
Người đàn bà mỉm cười và quay sang bắt chuyện với chú “ết”:
- Trời mới tháng Giêng mà nắng quá.
- Bà ở còn xa không?
- Lại cái nhà đằng kia. Cái nhà ở đằng đầu đường, đứng đây ngó thấy đó.
Thuận vừa nhận sự tử tế của người đàn bà. Điều đó làm anh thêm ngượng. Ai cũng tốt ở xung quanh anh. Người thanh niên. Và bây giờ đến người đàn bà có đứa con bị trúng gió nặng. Đáng lẽ với mối lo phiền to lớn đó, người đàn bà uể oải không muốn nói gì, không muốn giúp đỡ cho ai hết. Có ai bắt buộc bà phải nhìn thấy tờ giấy bạc suýt rơi của anh đâu? Bà có thể thấy nhưng lại bỏ nhìn chỗ khác. Còn cả ba người nữa trong xe mà. Trách nhiệm đáng để dành cho những người rảnh rỗi tâm tư kia. Ấy thế mà bà vẫn ân cần đối với người lầm lì ngồi trước mặt.
Thuận tự xét mình và thấy mình dù sao cũng đã xấu tính một cách đáng giận.
Con đường hẹp lại. Xe chạy rì rì tránh những mô đất.
- Sao lâu tới vậy? Nhà bà ở chỗ nào? Bộ bắt xe tôi chạy tới chân núi Đồng Bò sao? - Tiếng bác tài xế gắt gỏng bực bội.
- Nhờ ơn bác cho xe chạy tới cái nhà kia mà. Cái nhà có đứa nhỏ đứng ngoài sân đó.
Quả ở đầu xóm có một ngôi nhà ngói cũ kỹ nơi đó một đứa gái nhỏ đứng ở gốc đu đủ chong mắt nhìn ra xe. Chắc nó nôn nóng đợi má nó về để đưa đứa em bệnh đi nhà thương.
Xe dừng lại trước cổng. Người đàn bà nhảy phóc xuống, nhưng không đi thẳng vào cổng mà lại te tái đi nhanh về ngả khác. Bác tài hỏi to:
- Chớ không phải nhà của bà ở đây sao?
- Không phải. Nhà tôi ở… xích xích vô trong xóm kìa.
Bác tài dơ hai tay lên trời, nguyền rủa những gì không ai nghe rõ. Chịu không được không khí nóng hừng hực ở mui xe dọi xuống, mọi người nhảy xuống xe. Chỉ có chị đàn bà be con ngồi lì, nét mặt thất vọng rõ rệt. Chị phải lấy nón quạt lia lịa cho đứa nhỏ. Những người đàn ông lợi dụng thì giờ chia nhau đứng tiểu ở các bụi cây. Chú “ết” tiểu loãng xoãng xuống mương nước. Người thanh niên đứng gần bác tài nói chuyện gì đó nhưng dáng chừng câu chuyện rời rạc. Thuận đếm bước dưới bóng cây vú sữa đứng sát bên đường.
Gió thổi mát. Nắng vàng rung rinh. Những đứa nhỏ trong xóm tập trung lại đứng bên xe nhớn nhác nhìn, trong khi các con mắt nôn nóng chong chong nhìn về cái ngõ xóm sâu thăm thẳm rồi mất hút sau vòng rẽ. Thuận tưởng tượng thấy một đứa nhỏ nằm quấn trong khăn kín mít và do người mẹ nặng nhọc bế đi ra. Cũng có thể là đứa con lớn hơn nằm trên cái võng, cũng quấn kín trong một chiếc chăn dạ và do hai người khiêng. Người mẹ chạy hơ hãi một bên. Nhưng tha hồ cho anh tưởng tượng, con đường vẫn vắng ngắt, mịt mù. Thỉnh thoảng có những bóng người hiện ra nhưng đều là những bóng con nít hiếu kỳ chạy ra coi một chuyến xe bất thường. Bác tài xế sốt ruột đi cùng cậu “ết” vào thẳng trong xóm.
Anh thanh niên đi theo. Thuận không thấy bực mình vì bị mất thì giờ mà thấy lòng mình thanh thản. Có lẽ do anh bớt hối hận khi nhìn người thanh niên không còn giữ vẻ mặt hăng hái như lúc nãy. Bác tài thì chắc chắn là đang hối tiếc vì sự dễ dãi nhẹ dạ của mình. Trễ cả chuyến xe. Thuận đang mê mải nhìn một bầy cá rồng rồng dỡn nước thì có nhiều tiếng người ồn ào làm anh quay lại. Bác tài xế dẫn đầu đi ra. Đến anh thanh niên. Chú “ết”. Người đàn bà lúc nãy. Một cô gái chừng mười bốn tuổi. Một bầy trẻ con. Không thấy cái võng khiêng. Không có một cái chăn dạ xám quần sùm sụp một đứa bé bị trúng gió nặng. Anh sốt ruột cất tiếng hỏi:
- Chớ đứa nhỏ trúng gió nặng đâu?
Bác tài gượng cười giơ một ngón tay chỉ ra đằng sau. Người thanh niên im lặng. Thuận chẳng hiểu ý họ muốn nói gì. Khi đoàn người đi lại gần xe, anh mới chợt hiểu. Người bị trúng gió nặng là cô bé mười bốn tuổi đó. Cô bé béo người đẫm thấp. Dáng đi vững vàng, không có triệu chứng bệnh hoạn nào cả. Tuy vậy người mẹ vẫn chốc chốc đi lùi lại đằng sau để trông chừng.
Mọi người lên xe. Bà mẹ xuýt xoa cầm cánh tay con đẩy lên xe, còn tay kia thì để hờ chuẩn bị bế. Miệng nói nhẹ và cặp mắt dịu:
- Con coi chừng. Bước lên rai rải. Con.
Cô con gái hẩy cánh tay mẹ vừa lẩm bẩm:
- Bà này!
Đôi lông mày nhíu lại tỏ dáng không bằng lòng. Rồi cô bước một bước dõng dạc lên xe, xoay người lại, ngồi gọn gàng. Người mẹ bước lên theo, ngồi bên cạnh. Một giỏ mây đặt kề bên đùi để lộ những trái cam mới hái, cuống lá tươi xanh chen với những cái trứng gà. Thực phẩm bổ dưỡng cho bệnh nhân.
Xe rồ máy. Lần đi ra thật khó khăn vì phải tránh một bầy trâu. Những con trâu nặng nề ngước cặp mắt hoang dại lên nhìn rồi huơ cặp sừng cong đe dọa. Thân hình chắc nịch đó, cái cổ vững vàng đó, cặp sừng nhọn sắc đó như chỉ cần sấn tới, quất ngang một cái là cỗ xe nhào chổng vó xuống ruộng lầy ngay. Vượt quá được bầy trâu thì lo tránh một lũ học sinh ôm sách vở chạy quáng quàng trên đường về nhà. Nhìn lên cô gái ngồi đó, lũ học trò chỉ trỏ.
- A, “bà” Dậu. Bà Dậu đi lăm-bết-ta.
- Bà Dậu lũ bay ơi.
- Ngon ghê hả? Hôm qua bà Dậu không đi học.
- Chết! Tránh… Thầy…
Lũ học trò đứng dạt ra sát ven đường. Một người trạc hăm lăm tuổi mặc sơ mi trắng đầu trần đi một chiếc xe đạp sáng loáng. Một chồng vở sách buộc ở sau xe. Lũ học trò cất mũ. Người con gái liếc nhìn qua ông thầy giáo, đỏ mặt cười bẽn lẽn rồi quay vào trong xe. Bà mẹ hỏi:
- Ông thầy giáo phải không con?
Người con gái ấm ớ:
- Ông nào ở đâu…
- Tao nhớ ông thầy giáo mà. Chủ nhật tuần trước tao nhớ ông thầy có lại thăm cha mày mà.
Người con gái lắc đầu nhíu mày tỏ dáng không muốn nghe nói.
Xe khó nhọc vượt ra hết con đường xóm. Đến quốc lộ, Thuận nhìn đồng hồ. Hơn hai mươi phút để đi đón người “bị trúng gió nặng” này.
Xe trở về con đường quốc lộ băng băng mở tốc lực như người tù nay được giải phóng, gặp lại bạn cũ gặp lại tình nhân, tha hồ thao thao cười nói. Gió nồm thổi vùn vụt, vùn vụt vào cửa xe. Chị bế con nhỏ xoay trở mọi cách để cầm nón che gió cho con. Cô Dậu thì mặt mày tươi tỉnh hẳn lên, trút bỏ những nét bần thần lúc nãy.
Áo bà ba ni-lông mỏng dính sát vào da, in rõ đôi vai tròn và cánh tay vạm vỡ. Da mặt hơi rám nắng một chút và có ửng hồng nơi đôi gò má. Tóc kẹp trễ xuống lưng nên có nhiều sợi bay lòa xòa trước trán. Thuận không giấu được nụ cườikhi nhìn cô Dậu đang ngồi ưởn mặt ra gió, thò đầu ra ngoài cửa xe đón gió, sung sướng tươi tỉnh nhận gió mát tràn trề như một bông chuối nước nở đỏ ở ven bờ lạch, vật vã dưới sức đùa giỡn của gió đồng lồng lộng thổi không dừng.