Hãy an nghỉ Abdul Rahim

    
- Doucement méchant! Doucement méchant!
Abdul Rahim nhắc lại hai chữ ấy, cười thú vị vừa ôm chầm lấy tôi. Rồi nói sang tiếng Việt:
- “Hung bạo một cách dịu dàng”, có thật đó là ý kiến của… you? (1 )
(Abdul Rahim nói chuyện với tôi thường bằng tiếng Pháp nhưng đến chữ Vous (2 ) là anh hay quên nói lẫn sang tiếng Anh)
- Thật lắm. Tôi cho rằng Abdul Rahim là một người dịu dàng. Chắc chắn mọi người cũng nghĩ như vậy.
Abdul Rahim quay lại cô Ái Hoa.
- Cô coi, tôi không hung bạo như cô nói, tôi “hung bạo một cách dịu dàng”, - ông Long bảo vậy.
Câu chuyện xảy ra một buổi chiều khi tôi ghé lại hiệu Thanh Mỹ. Tôi gặp Abdul Rahim nơi đó. Ý hẳn là anh nói đùa sao đó với cô Ái Hoa, - tên cô bán hàng, - và bị cô tặng cho một chữ méchant (3 ). Thấy tôi bước vào, anh phân bua với tôi ngay và tôi giải hòa bằng chữ “một cách dịu dàng” để làm vừa lòng cả hai người. Ái Hoa đẹp hơn sự đòi hỏi của một chân bán hàng. Không hiểu do những hoàn cảnh nào mà nàng nhận đứng bán cho hiệu này. Ngày nàng chưa đến, hiệu sách này sống uể oải như một con bệnh mắc chứng thiếu máu. Những tủ hàng đứng yên lặng soi bóng vào nhau như ở trong một bức tranh tĩnh vật. Nàng hiện diện ở đấy ngày nào không rõ, chỉ biết là từ ngày đó, thanh niên tỏ ra lưu ý đến sách báo nhiều hơn trước. Thật lịch sự là con người thưởng thức nghệ thuật. Người ta ghé lại nhìn những sản phẩm tinh thần bày la liệt trên mặt tủ, chọn vài ba cuốn và nhã nhặn đưa cho Ái Hoa bọc giấy bóng, gói trong giấy màu. Có đủ thì giờ để Ái Hoa dò hiểu trình độ trí thức của người đối diện qua những cuốn sách gáy dày và chữ in dày đặc. Ái Hoa biết cười nhẹ nhàng với một nhóm sinh viên hải quân, biết nhận lời khen của mấy anh sinh viên không quân. Thanh niên tóc bồng, học sinh tú tài, sĩ quan bộ binh vào ra tấp nập, nhất là những chiều thứ bảy, những sáng chủ nhật. Tóm lại, một người như thế khiến tôi không thể vì Abdul Rahim mà làm phật lòng.
Tôi đứng lật xem những tờ Jours de France. Bìa láng in nhiều khuôn mặt tươi cười của những vua và công chúa các nước châu Âu cưới hỏi nhau. Các nước dân chủ giàu có ưa chõ mắt nhìn vào cuộc đời riêng tư của các vua chúa, vua tại vị và phế đế lưu vong. Công chúa và hoàng tử cũng được các ống ảnh trìu mến đặc biệt. Còn xa lắm mới tới cái ngày mà số vua trên thế giới chỉ rút lại còn có năm: vua nước Anh và bốn ông vua trong cỗ bài các-tê.
Abdul Rahim chọn tờ Newsweek và tờ Times. Anh đứng cạnh tôi, đẫm thấp nhưng chắc chắn như một tảng đá. Đặc biệt là đôi lông mày dài cắt cạnh nhọn như một lưỡi mác. Da đậm màu, không phân biệt được vùng chân râu.
Quen anh trong trường hợp nào, tôi hiện không còn nhớ rõ. Có lẽ nhiều khi ghé vào hiệu Mohammed để mua vải và nghe anh nói tiếng Pháp trả lời mà hóa ra quen chăng. Tiếng Pháp hiện nay heo hút xa vắng như một kỷ niệm. Khắp nơi người người ta nói tiếng Anh. Abdul Rahim đứng bán hàng cho hiệu này và khi tôi quen với anh thì anh cho biết rằng chủ hiệu là người em ruột của anh. Người chủ hiệu mặt mũi khôi ngô béo tốt và cử chỉ nhã nhặn lịch sự. Abdul Rahim không có cái dáng dấp phú hộ đó. Anh đơn giản thô mạt hơn nhưng lại ý vị đậm đà hơn. Nhìn khuôn mặt anh tôi thấy cái chiều sâu của sự suy tưởng. Đó là một khuôn mặt chứa đựng hơi nặng nề, chậm chạp bởi vì không chịu khuôn sáo tầm thường. Giữa nhiều khuôn mặt tinh ranh láu vặt, giữa những cái môi mỏng ba hoa thì sự trì trọng của Abdul Rahim thật có một sức quyến rũ kỳ dị. Abdul Rahim nói chậm rãi bởi vì tiếng Pháp của anh không giàu lắm. Đã vậy, anh lại không bao giờ nói về những đề tài nhảm nhí như thời tiết, vật giá mua bán, nếp sinh hoạt của thành phố, thời sự trên mặt báo. Thường thì chừng sau ba bốn câu xã giao, anh đã nhẹ nhàng kéo tôi về một nẻo suy tư nào đó với anh, về một chân lý, một tư tưởng triết học. Lịch sử Ấn Độ dày quá khứ và quá khứ đó dày tư tưởng.
Mỗi năm đến mùa kiết hạ an cư, Abdul Rahim lên chùa ở hẳn hai tháng. Anh đọc sách, ngồi Thiền và lúc hạ san thấy người hơi gầy đi. Tôi có nhiều lần tự hỏi về ý nghĩa của một cuộc sống thánh thiện như vậy. Abdul Rahim không nói chuyện về đàn bà và dường như tránh nói về đàn bà. Anh ăn chay trường. Không uống rượu không hút thuốc. Anh từ khước mọi thú vui vật chất của cuộc đời. Chọn sống thoát ngoài khuôn khổ của xã hội bình thường, chỉ nghĩ đến Quá khứ và Tương lai, một Quá khứ gieo Nhân và một Tương lai gặt Quả. Nghĩ đến tu hành để thoát vòng sinh tử luân hồi, thật là điều không dễ đối với một người có đủ khả năng hưởng thụ.
Mùa hè 1960 tôi có việc ra ở Qui Nhơn nửa tháng. Thành phố thấp và nóng, mang nhiều sắc thái của thời kháng chiến vừa qua. Một cái hội trường thành phố kiến trúc giống như cái máy ra-di-ô, nơi lưu diễn của các ban cải lương. Khán giả đa số mặc áo bà ba. Tiếng guốc khua lốc cốc trên đường nhựa. Buổi chiều người ta ùa ra đường ngồi hóng mát. Trên con đường phố buôn bán độc nhất, bước hối hả những người đàn bà da mặt sạm, già trước tuổi. Xe jeep nhà binh, chỗ nào cũng xe jeep nhà binh. Đàn bà mặc áo màu ngồi hãnh diện trên xe Jeep nhà binh. Rải rác mới có một vài chiếc xe du lịch. Tôi gặp Abdul Rahim, bất ngờ, nơi cái thành phố khô cằn này.
- Quelle surprise! (4 ) You ra đây hồi nào?
- Mới được năm ngày. Còn Abdul?
- Bốn tháng.
Tôi mời Abdul Rahim vào một hiệu bán nước trái cây và ở đó tôi được biết là Abdul Rahim hiện đang làm việc cho nhà binh Hoa Kỳ. Câu chuyện trao đổi mất đi sự thoải mái (...Kiểm duyệt bỏ...). Hơn nữa, thà Abdul Rahim mặc quân phục để người ta dễ phân biệt được anh, đằng này anh vẫn sơ-mi trắng quần dacron màu tối như mọi người thường dân đi lại nhan nhản ngoài phố.
- Sao? Ở nơi thành phố nhỏ của chúng ta có gì thay đổi?
Tôi nhún vai.
- Mọi người vẫn sống đều đặn, không cần biết đến ai hoặc biết quá nhiều về một vài người liên hệ. Còn Abdul Rahim, cuộc sống của Abdul ở đây có dễ chịu không?
- Lúc nào cũng thế.
Ừ! Abdul đã gián tiếp nhắc tôi. Anh là một tảng đá chắc chắn, khó lòng mà gió, mưa, nóng, lạnh có thể làm xao xuyến được. Huống chi, bên trong cái cơ thể rắn chắc đó, tinh thần của anh xem ra như cũng kiên cố chẳng kém. Đôi con mắt sáng, bình tĩnh của anh, đó là sự bình tĩnh của mặt nước hồ im lặng phản chiếu vòm trời thêu thùa mây trắng và cành cây lá cỏ mọc ở ven bờ. Đó là sự trang nghiêm đầy khí lực của mặt biển màu tím ngoài khơi, giữa trưa khi nước óng ánh như dầu đặc. Xung quanh tôi, những cặp mắt thường xao xuyến, dao động, mỏi mệt. Cuộc sống khó khăn, nhiều phiền toái, nhiều bất trắc làm con người lo lắng rụt rè. Những cử chỉ không dứt khoát, không đích xác. Cái nhìn lướt lờ đờ trên những mục phiêu di chuyển. Người ta không biết mình muốn gì, mình nên làm gì và cái gì dành cho phần mình.
Abdul Rahim nói:
- Nước của ông hiện đang trải qua những cơn sốt dân quyền rất đỗi trầm trọng.
- … Như mọi nước Á Phi còn thấp kém - tôi tiếp lời. Như một đứa trẻ phải chịu những cơn sốt mọc răng.
- Còn nặng hơn cái ví dụ của ông. Còn nặng hơn.
Abdul Rahim đưa mắt mơ màng nhìn ra xa.
- Tôi đồng ý (...Kiểm duyệt bỏ...) Đã đến lúc quần chúng không chịu nổi nữa cái sức nặng của vị “cứu tinh dân tộc”, của “người thuyền trưởng tài ba” đang đè lên vai họ.
Xung quanh chúng tôi có những người lặng lẽ nhấm nháp ly nước mãng cầu tây, nước cà-rốt. Có người mang kính đen ngồi trầm ngâm. Thật không phải là nơi tốt để bày tỏ chính kiến, nhất nữa, đây là một tỉnh nhỏ. Nên tôi nói lừng chừng:
- Người ta sẽ gặt những gì mà họ gieo.
- Nhưng nếu họ gieo hạt giống tai họa ngay vào mình thì mình khó lòng ngồi bình tĩnh đợi chờ kết quả.
Tôi nhìn Abdul Rahim đợi anh giảng giải. Anh nói nhỏ:
- Tuần trước tôi bị một bọn người ném đá và xông vào hành hung.
- Họ có nói vì cớ gì không?
- Không.
- Anh có đi thưa nhà chức trách?
- Có. Nhưng nhà chức trách chỉ ậm ừ ghi nhận sự việc mà không hứa hẹn can thiệp gì hết. Từ ngày đó, tôi ít đi ra đường, sợ sẽ có những vị hành hung nữa.
Tôi lặng yên suy nghĩ. Sự hành hung đang thịnh hành ở khắp nơi. Lẽ phải bị vũ lực áp chế. Rồi vũ lực áp chế vũ lực. Không ai muốn nghe tiếng nói của ai nữa. Đấm, đá, vỏ chai, thanh sắt, gậy gộc hùng biện hơn lời nói. Thời đại của bắp thịt và sự bạo tàn. Tôi bảo Abdul.
- Để hôm nào rảnh tôi ghé lại ông Tỉnh trưởng trình bày trường hợp của anh. Có lẽ ông Tỉnh trưởng biết rõ điều đó.
- You có quen ông Tỉnh trưởng?
- Đó là một người bạn học cũ.
Ninh hiện làm Tỉnh trưởng ở đây. Một người bạn làm ở Khu Công chánh bảo tôi:
- Ninh hiện làm Tỉnh trưởng Bình Định.
- Sao anh biết?
- Nó vừa thi lấy bằng lái ô-tô. Tôi vừa đọc hồ sơ xong.
Mấy ngày ở Qui Nhơn tôi có ý muốn ghé lại thăm Ninh. Nhiều người khuyên đừng. Không mấy ai muốn đến thăm một bạn cũ khi người đó có chút ít chức vụ. Nhưng tôi nghĩ khác: Hắn sẽ thủ thế khi mình đến thăm hắn. Chắc chắn là hắn nghĩ rằng mình đến nhờ vả gì đó. Hắn sẽ cố sức giữ khoảng cách với mình và hắn sẽ hối hận khi thấy mình bắt tay thong dong ra về, không đòi hỏi gì khiến hắn phải cố gắng hết.
Tôi chọn chiều thứ bảy đến thăm Ninh, thú vị nhìn những người lính gác long trọng xét hỏi giấy tờ, bắt khai lý do vừa kín đáo dò xét. Thật không có gì dễ chịu cho bằng mình đem cái bình thản vô ưu của mình ra đối đãi với cái hoài nghi khắc khoải của kẻ tiếp mình, đem cái thong dong bất cần của mình ra trả lời cái nghiêm trang “quốc gia trọng sự” của kẻ sinh ra với cốt cách chuyên làm thuộc hạ cho người khác.
Ninh tiếp tôi ở phòng khách rộng. Hai mươi năm xa cách nhưng đúng là khuôn mặt đó. Chúng tôi gợi những kỷ niệm hồi còn học chung ở lớp Nhì, lớp Nhất. Cảnh vật ngày xưa hiện ra trong óc tôi rõ ràng đến từng kẽ lá, từng cành cây, từng cái lá khô, từng con chim chào mào đong đưa mổ quả keo xanh. Ninh dè dặt khi bắt đầu câu chuyện, thụ động trả lời nhiều hơn là đặt câu hỏi. Nhưng khi thấy tôi cười nói thong thả, anh biết là tôi không nghĩ gì đến cái chức vụ của anh hết, anh khỏi phải lo lắng gì nữa hết và anh bắt đầu nói chuyện tự nhiên. Khi nghe tôi nhắc đến tên mấy cô bạn: Hồ thị Yến, Hồ thị Xê, Nguyễn thị Nhạn… thì anh toe toét ra cười.
- Ừ! Mấy cô bạn xinh xắn của mình, chả biết bây giờ chồng con ra thế nào. Anh còn nhớ cáichân có tật của cô Yến không?
- Nhớ hoài. Một người có vẻ mặt đẹp đẽ dịu dàng như thế mà chỉ vì cái chân có tật…
Anh chợt cười to rồi thủ thỉ tâm sự:
- Nè, không chừng hồi đó mình có yêu thầm một trong mấy cô cũng nên.
Câu chuyện đang vui thì tôi giã từ Ninh. Anh mời ở lại nhưng tôi không nhận, anh mời năng ghé lại chơi trong thời gian tôi còn ở lại Qui Nhơn nhưng tôi không hứa chắc. Tôi không muốn đến một lần thứ hai vì những gì êm đềm trong sạch đều đã nói rồi. cái đẹp vốn phải hữu hạn. Gặp nhau nhiều, chúng tôi sẽ phải nói đến chính trị, hành chánh… và chắc chắn là trong những địa hạc đó chúng tôi sẽ phải nói dối, nói nhảm và nói khoác. Những người thành công thường no đầy tự mãn. Trạng thái sung túc đó thể hiện nơi Ninh trong cái cười mềm, trong tia mắt nhìn tròn no an ổn.
Nhưng hôm nay vì trường hợp Abdul Rahim mà tôi sẽ phải gặp Ninh trở lại. Đúng là một điều khó chịu vì mình sẽ không nói chuyện thong dong và cười to như lần trước. Nhưng chưa gặp Ninh thì tôi nhận được điện tín gọi về gấp. Tôi đành gọi điện thoại cho Ninh, nhờ Ninh coi lại trường hợp của Abdul Rahim.
Mãi thật lâu về sau tôi mới gặp lại Abdul Rahim. Có cái gì tươi vui rạng rỡ ánh trong tia mắt của anh. Chúng tôi được ngăn cách với Quá khứ bằng một cuộc đảo chính và có lẽ cuộc đảo chính đó đã lọc bớt những vẩn bụi nặng nề trong cái không khí xã hội chúng tôi sống. Con người đi lại vung tay thoải mái hơn và mắt nhìn cũng chững chạc hơn. Qua nhiều người nói, tôi biết Abdul Rahim đã hoạt động mạnh dạn trong phong trào lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm và có lẽ do đó mà anh bị ném đá và hành hung ở Qui Nhơn. Tôi không nhắc đến chuyện cũ.
- Abdul Rahim hiện vẫn còn làm việc cho nhà binh Hoa Kỳ?
- Bây giờ làm ở Quân y viện.
- Đó là một công việc tương đối tốt. Cố gắng chữa lành những vết thương do chính mình gây ra.
- Vâng. Chỉ tương đối tốt. Vì sự sửa chữa không đi kịp sự tàn phá. Con người say sưa tàn phá, để hết tâm lực vào sự tàn phá.
- Abdul hiện có những dự định gì trong óc?
- Đợi ngày đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ. Hi vọng được học Y khoa cho đến khi tốt nghiệp.
- Xin khen ngợi và cầu chúc Abdul thành công.
Tôi năng gặp Abdul Rahim trong giai đoạn anh chờ đợi này. Nơi gặp thường là cái lối đi hẹp bao quanh chiếc bàn to xếp đầy những sách báo ngoại quốc. Có nhiều hôm mệt mỏi, tâm hồn đầy ưu tư và đôi mắt thiếu ngủ, tôi bắt tay Abdul Rahim vừa soi bóng mình trong đôi tròng mắt sáng ngời trong nụ cười rộng nở của anh. Tôi thèm thuồng cái sức khỏe vững chãi đó.
Mùa Thu năm ngoái một chiếc phi cơ oanh tạc rơi giữa một thị trấn đang yên ổn làm ăn. Năm sáu căn phố bị sập. Những trái bom còn mang theo chưa thả hết rơi nằm theo xác phi cơ rồi rải rác nổ dần. Nhiều người háo kỳ chạy đến xem bị chết trong vụ nổ này. Quân cảnh chận các ngả đường. Xe Hồng thập tự rít còi chạy vùn vụt về ngả bệnh viện. Gia đình nào cũng lật đật kiểm soát con cái mình xem có còn đủ số không. Người ta lo lắng chạy đến trường học xem con mình có ngồi ở đó không. Người ta hồi hộp chờ đến giờ tan sở xem chồng mình có về với đầy đủ chân tay không. Những tin đồn chạy dài khắp các nẻo phố. Số nạn nhân mỗi giờ mỗi tăng thêm. Ngoài những xác người mất đầu mất chân, người ta còn thấy nhiều mảnh xương mảnh thịt vụn không biết của ai. Sáng hôm sau tôi được tin Abdul Rahim đã chết trong tai nạn đó và tìm không ra xác. Nơi xảy ra tai nạn xa chỗ ở của anh. Bốn giờ chiều ngày thứ sáu lại không phải là giờ đi dạo. Nhưng anh được rảnh buổi chiều đó, anh đi đến nhà bạn chơi khác với thường lệ và tai nạn vồ lấy anh.
Abdul Rahim không còn nữa. Cái năng lực thể xác và tinh thần đó đã phút chốc không còn nữa. Tôi mường tượng thấy anh đang đi trên lề phố quen thuộc, anh đang đứng vững chãi, đẫm thấp trước một cửa hiệu bán vải và nụ cười của anh nở ra cùng một lúc với bàn tay thân hữu anh đưa ra.
- Bonjour Monsieur Long. Comment allezvous? (5 )
Rõ ràng là tiếng nói của Abdul Rahim, tiếng nói không lầm-lẫn-với-ai-được của anh và đôi môi chu lại để nói những âm “ou”.
Cái chết vội vã của Abdul làm tôi xao xuyến nhiều ngày. Tôi chưa có thêm một người bạn đã vội mất một người bạn. Sự mất đó làm tôi cảm thấy tâm hồn mình chợt nghèo đi, có một khoảng trống làm tôi mất thăng bằng như chiếc phi cơ đang bay chợt gặp một lỗ không khí. Dẫu không tò mò tìm hiểu cuộc đời riêng tư của anh nhưng tôi tin rằng anh có một nhân cách cao hơn mức trung bình.
Chừng nửa năm sau ngày anh mất, bỗng một hôm vô tình mà tôi nghe người nhắc đến tên anh. Abdul Rahim và tôi vốn không có bạn chung. Cô Ái Hoa là người độc nhất mà tôi có thể gợi chuyện về anh thì đã bỏ hiệu sách đi lấy chồng rồi. Không thể ngày ngày nhìn bìa những cuốn sách in hình đàn bà khỏa thân, in hình những cặp tình nhân quấn quít ôm nhau hôn mà có thể sống cầm cự trong cảnh gối chiếc. Người gợi chuyện về Abdul Rahim tôi không ngờ lại là một cô bạn nhí nhảnh: Liên. Nàng nói trước:
- Cấm có chiều thứ Bảy nào là không gặp anh đi mài gót giày trên vỉa hè.
- Để cho xứng với em. Mỗi lần ra phố là y như gặp em nên anh chẳng biết trong hai chúng ta ai đi nhiều hơn. Nào! Hãy báo cáo thành tích tâm tình của em trong tháng này.
- Yêu lăng nhăng, lai rai, bình thường. Như gió mậu dịch thổi bình thường trên biển Nam hải. Còn anh?
- Tất cả đều ở Điều kiện cách, Conditional. Lên phòng anh ngồi nói chuyện cho đỡ mỏi chân. Anh đi bộ từ bốn giờ đến giờ.
Liên bước chân theo sau tôi. Mưa rào xuống một trận hùng hồn khi tôi rót nước cam vào ly mời nàng.
- Câu chuyện của em hay của Trang của Dung gì cũng đều giống nhau - tôi nói. Đó là chuyện những nàng con gái thích yên những đàn ông hoàn toàn: đẹp trai, khỏe mạnh, học giỏi, anh hùng và… giàu. Sở thích giống nhau nên họ phải tranh giành nhau những người đàn ông tốt số. Cuối cùng chỉ có một nàng được, còn những nàng kia xông xáo đi mở những chiến dịch khác.
- Anh nói quá. Chính tụi đàn ông đi lùng bọn em.
- Cả hai giống, đực và cái đều bình đẳng trong sự săn đuổi này. Em có đi xem một ông thầy bói? Hắn ta sẽ cho em những liền thuốc an thần.
- Có. Em có rủ con Trang đi coi ông thầy Lò Vôi.
- Kết quả?
- Cũng theo kiểu Conditional như anh. À, này anh, ông thầy nói rằng em lấy chồng năm nay không được, vì bị linh hồn một người chết ám ảnh. Người đó đã yêu em...
Gương mặt Liên trầm ngâm.
- Em nghĩ rằng đó là linh hồn Abdul Rahim.
- Abdul Rahim?
- Em chắc vậy.
- Abdul Rahim yêu em?
- Em chắc vậy. Yêu thầm thôi. Abdul không dám nói.
- Đó không phải là một người đàn ông nhút nhát.
- Khi yêu thật tình thì người đàn ông nào cũng nhút nhát rụt rè như nhau. Anh, em nghĩ rằng lúc nào anh cũng có thể nói “anh yêu em” với bất cứ người nào. Bởi vì anh yêu lăng nhăng, yêu vờ vịt, yêu chơi bời. Abdul Rahim thì không.
- Abdul Rahim thánh thiện ai cũng…
Liên ngắt lời:
- Tình yêu không phải là thánh thiện sao? Những bậc Thánh đều yêu. Anh có thấy gỗ, đá thành Thánh bao giờ chưa?
- Nhưng Abdul…
- Abdul Rahim có những nỗi buồn và anh đều thổ lộ cho em nghe. Ba má anh sinh nhiều con và anh là đứa con ít được thương nhất. Anh lớn lên mang cái mặc cảm…
- … của một đứa con bị bạc đãi.
- Gần như vậy. Abdul bảo với em rằng khi anh sang Mỹ được rồi thì anh sẽ vận động cho em cũng được sang. Em sẽ học ngành điều dưỡng.
- Còn tình yêu?
- Tình yêu không nói ra lời nhưng mà em có thể đọc được trong mắt nhìn, trong giọng nói, nhất là trong mắt nhìn.
Từng cơn gió mát lùa vào phòng. Nước trên tàng cây me rơi lộp độp xuống mặt đất từng hồi mỗi khi có cơn gió mạnh ào tới. Liên giã từ tôi và tôi lẳng lặng đưa nàng xuống sân.
Tôi lẩm nhẩm suy nghĩ:
Hãy an nghỉ, Abdul Rahim. Hãy ngủ yên giấc ngủ vĩnh cửu của anh. Cái thân tứ đại vốn là giả hợp, anh đã có lần nói với tôi như vậy và chắc là anh không tiếc. Liên nó đang nghĩ đến anh và nó đang yêu anh đó. Lúc sống, anh không dám hỏi và chắc là nó cũng không trả lời. Nhưng hôm nay anh không còn nữa và do đó nó đang lặng lẽ yêu anh.
Chú thích:
(1) Ông, anh (tiếng Anh)
(2) Ông, anh (tiếng Pháp)
(3) Hung bạo
(4) Thật bất ngờ. Anh ra đây…
(5) Xin chào ông Long. Ông mạnh khỏe chứ? (tiếng Pháp)