Chương 4

I
Có những người sinh ra hình như để chịu đựng những hy  sinh thầm lặng, những hy sinh cần thiết cho một tình yêu đầy âu  sầu và lo lắng. Có những người lấy những lo lắng, băn khoăn do  đau khổ của người thân làm không khí sống riêng của mình, coi nó là một cái gì cần thiết như xương máu. Tạo hóa đã phú trước cho  họ cái nết bình tĩnh, nếu không, họ không sao chịu được những hy  sinh hàng ngày ấy. Tạo hóa lo xa, đã làm dịu bớt những ham  muốn, những hiếu thắng riêng của những con người đó, đã đem tất  cả tinh thần chịu đựng hy sinh một cách thầm lặng phục theo cái  nét chủ yếu của họ. Đôi khi coi họ có ấn tượng như những con  người quá lạnh lùng, quá khôn ngoan, không có tình cảm. Nghe  những tiếng kêu gọi làm rối lòng của thế giới này, họ làm ngơ, cứ bình tĩnh đi trên con đường khắc khổ của bổn phận như thể đi trên  con đường hạnh phúc tột bậc vậy. Họ hình như cũng lạnh lùng và hùng vĩ như những đỉnh núi phủ tuyết. Những lo lắng tầm thường  ở thế gian này không bén mảng đến gần họ được. Những chuyện  chạo bậy, những lời vu cáo không sao làm nhơ được áo quần trắng  tinh của họ, cũng như bộ lông trắng như tuyết của chim thiên nga  không bùn nào vấy bẩn được.
Cô bé bạn thân của Pie có đầy đủ những nét riêng của kiểu  người như vậy, những nét quý hóa mà cuộc sống và giáo dục họa  hoằn mới đào tạo nên được. Cũng như tài năng, hoặc thiên tài, đức  tính chịu đựng hy sinh này cũng là vật đặc hữu, riêng của những  con người chọn lọc, và nó biểu lộ ra rất sớm. Bà mẹ em bé mù biết  rất rõ hạnh phúc dành cho con bà nằm trong mối tình bè bạn giữa  đôi trẻ này. Cậu Mácxim cũng hiểu vậy. Cậu tưởng thế là giờ đây  đứa học trò của cậu đã có tất cả những cái mà đến nay nó vẫn  thiếu, và từ nay việc học hành của Pie sẽ tiến đều đặn êm ả, không  có gì đến quấy rối được nữa.
II
Trong mấy năm đầu Pie còn thơ ấu, cậu Mácxim nghĩ chỉ có một mình cậu cai quản mặt phát triển tinh thần của em hay ít ra  nếu sự phát triển tinh thần ấy không chịu ảnh hưởng trực tiếp của  cậu thì cũng sẽ không có một sự thay đổi, một bước tiến bộ nào của  nó không chịu sự kiểm soát của cậu. Nhưng khi em đã đến thời  quá độ khỏi tuổi thơ ấu, sắp sang tuổi thanh niên thì cậu Mácxim  nhận thấy những giấc mơ sư phạm kiêu hãnh của cậu trước kia  thật vô cùng hão huyền. Gần như mỗi tuần đều có mang lại cho  em bé mù một cái gì mới, một cái gì đôi khi thực bất ngờ. Cậu  Mácxim thấy bối rối mỗi khi cậu cố gắng tìm ra nguồn gốc một ý nghĩ hoặc một khái niệm mới nảy ra trong đầu óc của đứa cháu.
Một sức mạnh xa lạ nào đang tung hoành trong sâu xa tâm  hồn thơ ấu của em bé mù và làm bật ra những biểu hiện bất ngờ của một tinh thần đang phát triển hoàn toàn độc lập. Và cậu  Mácxim chỉ đành kính cẩn nghiêng mình trước những quá trình  huyền bí của tạo hóa đang xen vào công việc dạy dỗ của cậu. Hình  như những kích thích của thiên nhiên, những cái phát hiện bất  ngờ ấy, dành cho em bé mù những kiến thức mới mà vì mù nên  kinh nghiệm trực tiếp của bản thân em không thể nào mang lại  cho em được, và cậu Mácxim đoán thấy ở đây mối liên tục khăng  khít của những hiện tượng chủ yếu cho sinh mệnh, mối liên tục ấy  rải tung ra muôn ngàn chặng, trùm lên cả một chuỗi bao nhiêu  sinh mệnh con người.
Thoạt tiên, thấy thế, cậu Mácxim lo lắng, cậu thấy không  phải chỉ riêng mình cậu cai quản tinh thần em bé mà tinh thần  em còn chịu ảnh hưởng của một cái gì hoàn toàn không dính dáng  đến cậu, cậu lo lắng cho số phận mai sau của đứa học trò. Cậu lo  sợ những nhu cầu mới sẽ gây cho đứa bé mù những nỗi đau đớn  mà cậu sẽ không tìm được những phương thuốc chạy chữa. Cậu cố tìm nguồn gốc những ngọn suối không hiểu vọt từ đâu ra, để lấp  chặn nó lại, cho đứa cháu mù của cậu khỏi đau khổ.
Cậu đã lầm...
Bà Ana cũng nhận thấy những hiện tượng bất ngờ ấy. Một  buổi sáng Pie cuống cuồng chạy lại bên mẹ, kêu lên:
- Mẹ ơi mẹ! Con vừa thấy một giấc mơ.
Bà mẹ buồn rầu, nghi  ngờ hỏi lại con:
- Thế con mẹ đã mơ thấy những gì? 
- Trong giấc mơ con đã nhìn thấy mẹ... mẹ và cậu Mácxim và con... con nhìn thấy tất cả... Đẹp quá, mẹ ơi... Đẹp quá!
- Thế con mẹ... còn nhìn thấy những gì nữa? 
- Con không nhớ rõ.
- Thế con có còn nhớ mẹ không?Cậu bé trầm ngâm đáp: 
- Không, không... Con quên hết cả rồi.
- Em yên lặng một  phút và nói tiếp:
- Thế nhưng con đã nhìn thấy... con đã nhìn thấy. 
Thốt nhiên em ủ rũ. Một giọt nước ứa ra nơi khóe mắt.  Đã nhiều lần Pie khóc với mẹ như vậy, và mỗi lần, em lại  càng buồn rầu lo lắng hơn.
III
Một hôm, lúc đi ngang qua sân, cậu Mácxim nghe từ phòng  khách, nơi hàng ngày Pie học nhạc, có tiếng tập đàn văng vẳng  đưa ra. Tiếng đàn tập nghe sao lạ lùng làm vậy! Có hai nốt: Thoạt  đầu giữa những tiếng đàn bấm liên tiếp nhanh như vũ bão, gần  hòa lẫn nhau, rung lên nốt nhạc cao nhất, rồi thốt nhiên, tiếp ngay  đến tiếng đàn trầm trầm, rên âm ỉ. Tò mò muốn biết ra sao, cậu  Mácxim tập tễnh đi qua sân và một phút sau, cậu vào đến phòng  khách. Cậu đứng ngẩn người ra trên thềm cửa, hết sức ngạc nhiên  trước một cảnh tượng bất ngờ.
Em bé mù giờ đây gần tròn mười tuổi; em đang ngồi trên  chiếc ghế dựa nhỏ xíu, đặt bên cạnh chân bà mẹ. Bên cạnh em,  một con cò nhà nuôi, đang vươn cổ, lắc lắc cái mỏ, con cò này  Iokhim vừa làm quà cho “cậu chủ”. Sáng nào Pie cũng mớm cho cò ăn, con chim không rời người bạn mới nuôi nấng nó. Hết sức chăm chú, Pie một cánh tay ôm chim, một tay nhẹ nhàng vuốt ve bộ lông. Bà mẹ em, mặt đỏ bừng như bị kích thích quá mạnh, đôi mắt  buồn rầu, ngón tay bà lanh lẹn bấm phím đàn, một tiếng đàn  trong và cao rung mãi không ngừng. Ngồi trên chiếc ghế đẩu, cúi  mặt về phía trước, bà băn khoăn chăm chú nhìn mặt con. Lúc tay  em Pie lướt trên đám lông trắng bóng, chạm đến chỗ màu trắng  tuyết đột nhiên bước sang màu đen huyền, thì bà Ana lanh lẹn  đưa tay bấm phím ở tận đầu ngoài mặt đàn, và lập tức một nốt  nhạc trầm rền rĩ vang âm âm trong phòng.
Cả hai mẹ con mải quá, không biết cậu Mácxim đến. Lấy lại  bình tĩnh một chút, cậu xen vào hỏi:
- Kìa chị Ana, thế là nghĩa làm sao? 
Thiếu phụ, ngước mắt, gặp đôi mắt cậu Mácxim đang chăm  chú nhìn, bà xấu hổ như người làm bậy bị chủ nghiêm khắc bắt  được quả tang.
Bà thẹn thùng, ấp úng nói: 
- Là vì... là vì... cậu biết đấy, cháu Pie nói với tôi là nó biết  được phần nào sự khác nhau giữa các màu sắc của lông cò, nhưng  cháu nó không hiểu rõ ra sao. Tôi đoan với cậu là tự cháu nó nói ra  đầu tiên, và tôi thấy nó cũng có lý.
- Vậy thì sao? 
- Vậy sao?... Không, có gì đâu! Tôi chỉ muốn giúp cháu nó một chút... tôi muốn dùng âm thanh để giảng cho cháu nó hiểu cái  khác nhau giữa các màu sắc... có thế thôi. Cậu Mác ạ, cậu đừng  giận. Tôi thấy hình như giữa âm thanh và màu sắc có một cái gì  giống nhau.
Cái ý nghĩ độc đáo ấy làm cậu Mácxim sửng sốt cả người,  thành thử thoạt đầu cậu không biết trả lời chị ra sao. Cậu bảo bà thử bấm lại mấy nốt đàn, và sau khi ngắm một lúc lâu cái khuôn  mặt căng thẳng của đứa cháu mù, cậu lắc đầu.
Khi Pie đi ra, chỉ còn hai chị em, cậu Mácxim bảo chị: 
- Chị Ana, chị không nên gợi cho cháu những vấn đề mà không bao giờ, phải, không bao giờ, chị có thể trả lời thỏa mãn cho  cháu được.
Bà Ana ngắt lời nói: 
- Nhưng chính cháu nó nói ra đầu tiên đấy chứ. 
- Thôi, cái đó không sao. Rồi nó quen với đôi mắt mù của nó.  Còn ta, ta phải làm cho nó quên không nghĩ đến ánh sáng. Với tôi,  tôi hết sức gạt hết mọi ấn tượng tự bên ngoài có thể gợi cho cháu  nó đặt ra những câu hỏi vô ích. Nếu gạt hết được những ấn tượng  ấy, cháu nó sẽ không cảm thấy nó thiếu thốn về cảm giác. Chúng  ta, chẳng hạn chúng ta có năm giác quan, chúng ta không hề đau  khổ vì không có giác quan thứ sáu... Thế nào?
Bà Ana khe khẽ đáp: 
- Có, cậu Mácxim ạ, chúng ta vẫn đau khổ! 
- Chị Ana!
Bà Ana vẫn một mực cãi:
- Có, có chứ. Chúng ta vẫn đau khổ... Chúng tathường đau  khổ vì không có được cái không thể có được...
Tuy nhiên, bà Ana cũng nghe lời em. Nhưng lần này cậu  Mácxim đã lầm khi cậu muốn gạt hết những ấn tượng bên ngoài.  Cậu quên khuấy rằng những xúc động mạnh mẽ ấy chính là do tay  tạo hóa đã đưa vào tâm hồn đứa bé.
IV
Có người nói: “Đôi mắt là chiếc gương soi của tâm hồn!”  Nhưng có lẽ đem so sánh đôi mắt với đôi cửa sổ để cho những ấn  tượng của một thế giới sáng sủa chói lọi và muôn màu tràn vào  tâm hồn thì đúng hơn. Ai là người nói rõ được bộ phận nào trong cơ  thể chúng ta lệ thuộc vào những cảm giác của mắt nhìn?
Mỗi người là một mắt xích trong chuỗi dây xích vô tận của  cuộc sống, chiếc dây này từ quá khứ xa xăm truyền qua con người  đến một tương lai vô tận. Và chẳng may, một rủi ro ác nghiệt đã muốn đóng chặt đôi cửa sổ của một mắt xích của em bé mù, làm  suốt đời em phải chìm trong đêm tối. Như vậy có phải vì thế mà tất cả những sợi dây để linh hồn phản ứng lại những cảm giác về ánh sáng, đã vĩnh viễn bị cắt đứt không? Không, cái quan năng  cảm thụ ánh sáng ở bên trong em phải còn mãi, mặc dầu nó quằn quại trong đêm tối, cái quan năng ấy phải di truyền cho thế hệ sau. Em bé mù có một linh hồn con người đầy đủ và bình thường,  phong phú đầy đủ mọi quan năng. Vì mỗi quan năng đã chứa  ngầm trong bản thân cái khao khát được thể hiện ra, cho nên  trong linh hồn tối mò của em bé vẫn bừng lên mối khao khát ánh  sáng không sao dập tắt được.
Ở đâu trong những phần sâu xa huyền bí, dưới hình thái mơ  hồ “những khả năng”, có những sức mạnh di truyền đang ngấm  ngầm sẵn sàng vọt ra để gặp tia ánh sáng đầu tiên. Nhưng đôi cửa  sổ vẫn đóng chặt. Số phận đứa bé đã an bài như thế. Không bao  giờ em được nom thấy tia sáng ấy! Cả cuộc đời em sẽ trôi trong  đêm tối!...
Và trong bóng tối đó lại đầy rẫy những ma quỷ.  Nếu em phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn lo âu, có lẽ trí  óc em đã phải bận về những nguyên nhân phiền muộn bên ngoài.  Nhưng những người xung quanh em đã lo tránh xa hết mọi nỗi lo  âu cho em. Em được sống yên ổn bình tĩnh, và nay, chính cái vắng  lặng trong tâm hồn em lại làm cái lỗi điệu bên trong của em vang  lên thêm rõ rệt. Trong cái yên lặng và đêm tối quanh em, nảy ra  cái ý thức mơ hồ da diết của một nhu cầu cần được thỏa mãn và cũng nảy ra lòng khao khát mãnh liệt tìm lối thoát cho những sức  mạnh đang tiềm tàng tận đáy tâm hồn em.
Do đó có biết bao nhiêu những dự cảm hỗn độn, biết bao  nhiêu mối hăm hở giống như những khao khát được bay bổng mà mỗi người chúng ta đã cảm thấy hồi thơ ấu, và vào trạc tuổi này,  những dự cảm, những hăm hở ấy đều được thể hiện qua những  giấc mơ kỳ lạ.
Cũng vì thế mà có những gắng công theo bản năng của khối  óc ngây thơ, và trên nét mặt em hằn lên nỗi lo lắng lúc nào cũng  như muốn hỏi han về điều gì. Những “khả năng” về hình tượng thị  giác di truyền không được dùng đến trong cuộc sống, hiện ra trong  đầu óc em như những con ma, không có hình thù, mơ hồ và tối  tăm, nó gây cho em bao gắng sức nhọc nhằn không có mục đích gì  chính xác.
Thiên nhiên bất giác đã chống đối lại với cái “trường hợp cá biệt” đã vi phạm quy luật chung của cuộc sống.
Cho nên mặc dầu cậu Mácxim đã cố hết sức tìm cách để tránh mọi “ấn tượng bên ngoài” cậu cũng không thể kìm hãm nổi  cái thôi thúc tự bên trong của một nhu cầu chưa được thỏa mãn.  Có lo xa, cậu giỏi lắm cũng chỉ không đánh thức sớm cái nhu cầu  đó, không làm tăng thêm quá sớm nỗi đau khổ của đứa cháu mù.  Còn ngoài ra, số phận bi thảm của đứa trẻ cứ tiếp diễn với mọi hậu  quả đau xót của nó.
Cái số phận ấy nó cứ lừng lững lại gần như một đám mây  đen sẫm. Càng lớn lên, một mặt cái bản chất linh hoạt của em  càng kém dần, khác nào ngọn sóng lúc rút lui, một mặt cái tâm  trạng sầu muộn u uất của em càng phát triển và ảnh hưởng đến cả thể chất em. Hồi nhỏ, gặp bất kỳ một cảm giác dù nhẹ nhàng hay  mạnh mẽ, em thường thốt ra tiếng cười vui vẻ, cái cười hồn nhiên  ấy nay chỉ họa hoằn mới thấy hiện trên môi. Cười, vui, khôi hài,  những cái ấy em thấy khó hiểu. Trái lại, những cái buồn bã mập  mờ, những cái u uất mơ hồ trong cảnh vật miền Nam, trong bài  hát dân gian, em hiểu và nắm được rất dễ dàng. Mỗi khi nghe  tiếng “nấm mồ trong thảo nguyên thầm thì với gió”, nước mắt em  lại trào ra và em thường thích thơ thẩn ngoài cánh đồng lắng nghe  những tiếng thì thào của đồng nội.
Càng ngày em càng thích được ở một mình những chỗ quạnh  hiu. Vào những lúc rảnh rang em hay thơ thẩn dạo chơi một mình.  Gia đình cũng không ai đi theo, để em được yên tĩnh. Ngồi trên mô  đất ngoài thảo nguyên, trên ngọn đồi ven sông, hay trên tảng đá quen thuộc, em chỉ nghe thấy tiếng lá cây rì rào, tiếng cỏ thầm thì  hoặc tiếng thở dài nhè nhẹ của làn gió. Tất cả những âm thanh ấy  sao khéo ăn nhịp với tâm trạng em đến thế. Trong mức độ hiểu  biết được về thiên nhiên của em, thì chính ở đây em đã hiểu thiên  nhiên hơn hết. Thiên nhiên không giày vò em với những vấn đề vừa chính xác, vừa không sao giải đáp được. Gió lùa vào tận trái  tim em, những ngọn cỏ như thì thầm với em những lời dịu dàng tỏ lòng thương hại. Và khi tâm hồn em tràn ngập cái nhịp nhàng êm  ái của cảnh vật xung quanh và mềm dịu lại bởi những cái vuốt ve  ấm áp của thiên nhiên, thì em thấy có một cái gì nó trào lên trong  lồng ngực, nó tỏa rộng ra và lan khắp cơ thể em. Những lúc ấy, em gục mặt xuống đám cỏ tươi còn ẩm sương, lặng lẽ khóc, nhưng  những giọt nước mắt ấy không có chút gì là sầu thảm. Đôi khi em  cầm ống tiêu, lơ đãng thổi mấy khúc mơ màng, diễn tả tâm tình  em và cái không khí vô cùng yên tĩnh của cánh thảo nguyên.
Cho nên hơi có một tiếng người đến khuấy động những giờ phút say đắm này là em thấy khó chịu và đau đớn. Gặp những lúc  ấy, em chỉ chia sẻ nỗi lòng được với một tâm hồn chí thiết, hết sức  gần gũi. Thế mà em chỉ có một người bạn thân cùng tuổi là cô bé tóc vàng hoe ở trại bên cạnh.
Tình bạn giữa hai em ngày một thắm thiết, và đây là một  thứ tình bạn có trao đổi. Nếu Êvơlin đềm lại cái bình tĩnh dịu  dàng, cái vui vẻ êm đềm và làm cho Pie hiểu được sắc thái mới của  cuộc sống xung quanh thì Pie cũng truyền lại cho Êvơlin... nỗi đau  khổ của mình. Hình như buổi gặp gỡ chú bé lần đầu đã để lại  trong trái tim đa cảm của Êvơlin một vết thương sâu. Rút lưỡi dao  ra sẽ làm cô bé mất máu mà chết. Ngay từ lúc làm quen với Pie  trên ngọn đồi trong thảo nguyên, Êvơlin đã cảm thấy vô cùng đau  đớn vì thương xót bạn và từ đấy, gặp mặt Pie đã trở thành một  nhu cầu mà em không thể nhịn được. Em có cảm giác rõ rệt là xa  Pie, vết thương của em sẽ vỡ ra, em sẽ đau đớn thêm bội phần, thế là em chạy lại với người bạn nhỏ, luôn luôn ân cần săn sóc đến bạn  để làm dịu bớt những đau khổ của chính mình.
VI
Một chiều thu êm đềm, hai gia đình ngồi đông đủ ở trước cửa  nhà chuyện trò, ngắm bầu trời vằng vặc sao và cái nền xanh ngắt  sâu thẳm sáng lấp lánh. Cũng như mọi bận, Pie đứng gần Êvơlin,  bên cạnh bà mẹ.
Mọi người ngừng chuyện trong một lát. Bốn bề vắng lặng  như tờ, chỉ thỉnh thoảng có mấy tàu lá thì thầm với nhau rồi im  bặt.
Thốt nhiên, một ngôi sao sáng lóe từ bầu trời sâu thẳm vọt  ra, vạch trên nền trời một vệt sáng và bỏ lại đằng sau một dải lân  tinh dần dần tắt hẳn.
Mọi người ngẩng mặt lên nhìn. Bà Ana ngồi sát bên Pie, nắm  tay con, bà thấy em rùng mình quằn quại. Pie quay lại, nét mặt  cảm động, hỏi mẹ:
- Cái gì thế hở mẹ? 
- Một ngôi sao sa đấy con ạ.
Pie trầm ngâm nhắc lại:
- A, phải... một ngôi sao... con biết rõ...
Bà nghi ngờ, buồn rầu hỏi:
- Làm sao con lại biết được, hở con?
Êvơlin xen vào nói: 
- Có, có. Anh ấy nói thực đấy. Anh ấy biết vô số cái “như  thế”...
Càng ngày Pie càng tế nhị trong cảm giác. Điều này chứng tỏ em sắp đến cái tuổi khủng hoảng, cái tuổi quá độ từ thời niên  thiếu bước sang tuổi thanh niên. Nhưng trong khoảng đó, em vẫn  bình tĩnh lớn đều. Người ta có ấn tượng như em đã cam chịu cái số phận hẩm hiu, và nỗi buồn rầu bằng phẳng lạ lùng, không hy  vọng, không sôi nổi, xót xa, mối buồn đó đã trở thành cái nền cho  cuộc sống của em và lúc này như có dịu đi đôi chút. Nhưng đấy  cũng chỉ là một cuộc hoãn chiến ngắn ngủi. Hình như tạo hóa cố ý dành những giai đoạn nghỉ ngơi ngắn ngủi ấy cho cái cơ thể non  yếu có đủ thời giờ mạnh mẽ thêm lên để chuẩn bị đương đầu với  một trận phong ba mới. Chính trong những cơn lặng gió tạm thời  này, có biết bao nhiêu là vấn đề mới đang chồng chất và chín mùi,  chỉ một va chạm là tất cả cái thế quân bình bên trong đều rung  chuyển, khác nào mặt biển đang phẳng lặng gặp cơn sóng gió đột  nhiên nổi lên.
--------------------
1 Primo: thứ nhất (tiếng La tinh).
2 Secundo: thứ hai (tiếng La tinh).