CON BÙ NHÌN TỰ GIẬT DÂY

“Ngô Đình Diệm không muốn tổ chức tổng tuyển cử, và tôi cho rằng chúng ta nên ủng hộ ông ta trong chuyện này”

- JOHN FOSTER DULLES,
Ngoại Trưởng Mỹ(5) [(Tuyên bố của Ngoại trưởng J.F.Dulles, cho rằng Mỹ phải ủng hộ việc Diệm từ chối thi hành Hiệp định Geneva (điều khoản bầu cử toàn quốc năm 1956); được trích dẫn bởi Paul M.Kattenburg, nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại Giao, trong Vietnam: A Televison History, “America’s Mandarin”)]
Theo Hiệp Định Geneva, việc chia đôi đất nước Việt Nam được ấn định rõ ràng chỉ là tạm thời cho đến khi tổ chức một cuộc bầu cử toàn quốc. Cuộc bầu cử dự trù sẽ diễn ra hai năm sau đó (1956), đủ thời gian cho các đảng phái chính trị củng cố và tự quảng bá mình trước cử tri trong nước. Đảng cộng sản của Hồ Chí Minh ở miền Bắc kiên trì chờ đợi, trong khi đó tại miền Nam, CIA Mỹ hậu thuẫn Ngô Đình Diệm, một trí thức Công giáo; họ tin tưởng ông sẽ là một con bù nhìn hoàn hảo sẵn sàng đáp ứng mọi quyền lợi của người Mỹ. Trong lúc thịnh thời của “Chủ thuyết Domino”, đây là một việc rất hệ trọng. Hồ Chí Minh lúc này được Liên Xô và Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ, nên Mỹ cần một nhà lãnh đạo người Việt tương xứng ở miền Nam giúp Mỹ có được một chỗ đứng hợp pháp để tạo lực đối trọng với những người cộng sản.
Vậy là Phái bộ Quân sự Sài Gòn được thành lập, có thể coi như một tổ chức cố vấn. Tuy nhiên trên thực tế nó là một vỏ bọc của CIA, và một trong những nhân vật chính của tổ chức đó, Đại tá Edward Lansdale, chịu trách nhiệm lo liệu sao cho Ngô Đình Diệm được dân chúng nhìn dưới một ánh sáng tích cực.
Vào thời điểm đó, Ngô Đình Diệm là Thủ Tướng, làm việc dưới sự chỉ đạo của một con bù nhìn chính trị khác là Bảo Đại, người từng nhiều năm phục vụ cho Pháp với tư cách “hoàng đế”. Tuy nhiên Bảo Đại là một tay ăn chơi trác táng, một kẻ phàm ăn. Ông đã đốt phần lớn đời mình trong các buổi tiệc tùng ở Pháp trong khi tổ quốc ông quằn quại trong cơn hoạn lạc và đói kém. Nước Mỹ muốn rút Bảo Đại ra khỏi bàn cờ, nhưng trước khi làm được chuyện này, họ phải đối phó với những đối thủ chính trị của Ngô Đình Diệm.
Landsdale bèn ra tay. Từng làm việc cho OSS (tiền thân của CIA), Lansdale là bậc thầy về chiến tranh tâm lý, và trong bản thành tích của ông có chuyện ông đã giúp nhà lãnh đạo Philippines, Ramon Magsaysay, dập tắt cuộc nổi loạn của cộng sản ở nước này. Landsdale là người hai mặt: bề ngoài ông tỏ ra mềm mỏng, hùng biện, điềm đạm, nhưng bên trong ông là con người hành động hung hăng và là bậc thầy về những trò lừa dối, những thủ đoạn dơ bẩn. Đặt chân đến Việt Nam vào tháng 6.1954, Landsdale đã gây ra một bầu không khí chống cộng dữ dội bằng cách tung ra nhiều tin đồn thất thiệt rằng Hồng Quân Trung Quốc đã đốt cháy nhiều xóm làng người Việt. Ông ta cũng thuê các thầy bói người địa phương để họ phán với khách hàng rằng ông Hồ Chí Minh chỉ có thể mang lại chết chóc và điêu tàn cho đất nước. (Người Việt Nam vốn rất mê tín dị đoan; chuyện họ đi tới gặp thầy bói gần nhà cũng phổ biến như đi chợ vậy) Landsdale thậm chí còn phịa ra những tài liệu Việt Minh giả để khủng bố dân chúng(6) [(Karnow, Stanley, Vietnam (Viking,1983)]
Tuy vậy đây chỉ là những công việc nhỏ nhặt so với thành tích bí mật đáng kể đầu tiên của Landsdale. Vào năm 1955, các đối thủ chủ yếu của Ngô Đình Diệm gồm ba phái chính trị: Cao Đài, Hoà Hảo, và Bình Xuyên. Landsdale nhanh chóng ra một đòn ngầm táo bạo: dụ dỗ những kẻ chủ mưu đi ăn chơi ở Manila. Khi các nhà lãnh tụ đối lập bắt đầu tập trung lại, Landsdale liền nhẹ nhàng lấy tiền từ quỹ của CIA đưa cho họ – mỗi người trên dưới 3 triệu đôla – để họ công khai ủng hộ Diệm(7) [(Karnow, tr 222)]. Nhiều người trong số các tay sừng sỏ này – như Landsdale đã lường trước – lập tức rút lui ôm theo đống tiền đến vùng biển Riviera của Pháp. Lòng tham mạnh hơn lòng trung thành, tất nhiên. Vậy là vấn đề đã được giải quyết.
Nhưng chưa đủ.
Giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo đã trở nên vô hại, nhưng vẫn còn Bình Xuyên, một tổ chức bán quân sự, nắm cảnh sát mật trong tay. Dưới quyền chỉ huy của Lê Văn Viễn (Bảy Viễn), trước đây là một gã côn đồ đường phố mù chữ, Bình Xuyên ban đầu chỉ là một lũ sống ngoài vòng pháp luật, những tên cướp cạn hình thành từ những toán thợ trốn chạy khỏi các hầm mỏ, đồn điền, xưởng máy, nơi họ bị người Pháp bắt làm việc như nô lệ. Tuy vậy, vào đầu những năm 1950, lũ cướp cạn này, dưới sự lãnh đạo của Bảy Viễn, đã lớn lên thành một mạng lưới tội phạm rất có tổ chức hoạt động khắp Sài Gòn. Bảy Viễn là Al Capone cuả thành phố này; ông ta cùng với giáo phái Bình Xuyên, một lực lượng 40.000 người, kiểm soát tât cả các nhà chứa, sòng bạc, ổ thuốc phiện trong vùng(8) [(McCoy, Alfred W., The Politics of Heroin: CIA Complicịty in the Global Drug Trade (Lawrence Hills Books,1991); Vietnam: A Televison History, “America’s Mandarin”)]. Ngay cả khi tung ra cả khối tiền hối lộ, Landsdale cũng không mua chuộc được Bảy Viễn, người mà nguồn thu từ buôn lậu thuốc phiện có thể biến đồng tiền hối lộ của Landsdale thành mớ bạc lẻ bỏ túi.
Và chính là Diệm, chứ không phải Landsdale, mới là người có hành động kế tiếp làm kinh ngạc Phái bộ Quân sự Sài Gòn. Cho tới lúc này, Diệm trông chẳng có gì hơn một người với bộ dạng thấp đậm, mặc bộ vét trắng và hay có nụ cười vô thưởng vô phạt. Sức mạnh thực sự của ông ta bây giờ mới bộc lộ, và với sự trợ lực của Ngô Đình Nhu, em trai ông – cầm đầu một đảng phái chính trị rất mạnh – ông quyết định tuyên chiến với Bình Xuyên. Landsdale tìm mọi cách ngăn cản ý định này (ông ta nghĩ rằng Diệm không thắng được), nhưng khi thấy Diệm không lay chuyển, Landsdale phải làm tham mưu cho Diệm. Kết quả còn ngạc nhiên hơn chính hành động. Tháng 4 và tháng 5 năm 1955, các lực lượng của Diệm giao tranh ác liệt với quân đội Bảy Viễn trên các đường phố Sài Gòn. Năm trăm người chết tại chỗ, toàn bộ các quận nội thành đổ nát thành những đống gạch vụn, và 20.000 thường dân mất nhà cửa, nhưng kết thúc cuộc giao tranh, Diệm là người chiến thắng(9) [(Karnow)]. Tất cả những đối thủ chính trị chủ yếu của ông bây giờ đã bị vô hiệu hoá hoàn toàn.
Sự hiên ngang, đầu óc tổ chức và trù liệu của Diệm đã đủ gây ấn tượng mạnh cho chính quyền Eisenhower, khẳng định một lần nữa Diệm là con bù nhìn thứ thiệt của họ. Và khi những đối thủ của Diệm bị khuất phục, Landsdale chỉ còn có mỗi một việc phải làm. Ông ta cần củng cố Diệm thành một lãnh tụ thực sự tại Nam Việt Nam, có nghĩa là phải đưa người nắm quyền lực chính thức (tay chơi Bảo Đại, người hiện vẫn ở trong lâu đài của ông tại Pháp để cai trị đất nước) ra khỏi bản đồ chính trị.
Ám sát thì không ổn vì quá phiêu lưu mà hối lộ cũng chẳng được vì Bảo Đại cực kỳ giàu có. Thay vào đó, Landsdale thúc giục Diệm tổ chức bầu cử. Thoạt tiên Diệm tỏ ra hoang mang (vì là người Công giáo, ông không được đa số tín đồ Phật giáo biết tiếng), nhưng Landsdale hứa sẽ có nhửng biện pháp bảo đảm mà chỉ ông ta mới làm được. Quên dân chủ đi – tráo trở và gian lận hiệu quả hơn nhiều, mà trong chuyện này Landsdale rất tài giỏi. Ông ta đem hết các ngón nghề xảo quyệt ra để dàn dựng một cuộc bầu cử. Các thùng phiếu đã được dồn đầy phiếu sẵn. Cử tri bị cưỡng bức thậm chí bị đe doạ. Landsdale còn cho in hai loại phiếu khác nhau, đánh vào tâm lý mê tín dị đoan của dân chúng: phiếu bầu cho Diệm có màu đỏ (tượng trưng cho vận may) và phiếu bầu cho Bảo Đại màu xanh lục (tượng trưng cho điềm xấu). Cuối cùng, Diệm đắc cử với trên 90 phần trăm phiếu bầu, và tại nhiều quận huyện, ông còn nhận được nhiều phiếu hơn số cử tri ở đó(10) [(Karnow)].
Chế độ của Diệm bắt đầu như vậy, và một sức mạnh kỳ lạ từ người đàn ông thấp nhỏ, cứng cỏi này sẽ sớm toả lan khắp miền Nam Việt Nam. Giờ đây, khi đã là tổng thống hợp hiến, ông liền bổ nhiệm Nhu em trai ông vào chức vụ cố vấn và giám đốc mật vụ. (Rốt cuộc thì ai cũng biết Nhu là người nắm quyền lực thực tế sau lưng Diệm và đó quả đúng là một quyền lực nhơ nhuốc). Tuy vậy vẫn còn một trở ngại trước khi Diệm có thể áp đặt quyền cai trị trên khắp đất nước.
Hiệp định Geneva.
Năm 1956 đến nhanh cùng với đòi hỏi của hiệp định là tổ chức bầu cử tự do trên toàn Việt Nam, cả miền Nam lẫn miền Bắc, cho phép dân chúng chọn lựa một người lãnh đạo cho một quốc gia thống nhất. Lúc này Landsdale và tổ chức CIA của ông không kiểm soát được tình hình miền bắc để có thể phá hoại cuộc bầu cử. Diệm và Landsdale đều hiểu rất rõ rằng với một cuộc bầu cử toàn quốc chính thức như vậy, Hồ Chí Minh hầu như chắc chắn chiến thắng nhờ sự ủng hộ của nông dân đang chiếm phần lớn dân số(11) [(Sheehan, Neil, A Bright Shining Lie (Vintage,1989))]. Hoàn cảnh xem chừng rất khó khăn, nhưng có một lối thoát nhanh, và đó là lối thoát được Mỹ hoàn toàn tán thành.
Được Landsdale đảm bảo mọi việc sẽ trôi chảy, Diệm chỉ có việc từ chối thực hiện Hiệp định Geneva, từ chối tổ chức tổng tuyển cử. Cần gì một cuộc tổng tuyển cử chứ? Ông ta đã thắng cử một lần rồi, tổ chức thêm một lần bầu cữ nữa là cho phép những kẻ bất đồng chính kiến có thêm sức mạnh trong thời gian quyền lãnh đạo bị bỏ ngỏ.
Diệm đang là người lãnh đạo quốc gia này, và với tư cách một kẻ chống cộng chưa ra mặt, Diệm hẳn nhiên được nước Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ. Trong khi miền Bắc được Liên Xô viện trợ, thì việc Mỹ hậu thuẫn miền Nam Diệm coi cũng công bằng.
Bây giờ Diệm được tự do sử dụng quyền lực của mình trên khắp Nam Việt Nam. Thoạt đầu trong ván bài này, Mỹ chỉ nhìn thấy hai màu trắng và đen. Diệm là người chống cộng, do đó Diệm phải được hậu thuẫn. Nhưng điều mà chúng ta không nhận thấy lúc bấy giờ là Diệm không hiện hữu chỉ với hai màu trắng và đen – ông ta xám xịt, và khi những năm 1950 trôi qua, bản chất thật của ông ta bắt đầu lộ rõ. Chính tinh thần Công giáo cuồng tín của ông đã làm ông thay đổi thái độ. Người ta đã vẽ sai lệch cuộc xung đột Việt Nam như là cuộc xung đột giữa Chủ nghĩa cộng sản và Dân chủ, trong khi sự thật hầu như không phải vậy.
Xung đột tôn giáo mới là xung đột dễ thấy nhất. Nam Việt Nam là đầm lầy của mâu thuẫn. Tín đồ Phật giáo chiếm phần lớn dân số, trong khi tín đồ Công giáo chỉ chiếm khoảng mười phần trăm. Tuy nhiên ngay sau khi lên nắm quyền, Diệm cho lấp đầy các chức vụ chủ chốt trong chính quyền bằng các thành viên của gia đình và những người thân khác theo đạo Công giáo. Trong giai đoạn ông gọi là “cải cách điền địa”, những dinh điền tốt nhất được giao cho người theo đạo Công giáo, trong khi những người nông dân theo đạo Phật bị đẩy ra những vùng đất kém màu mỡ. Phân bón và thuốc trừ sâu loại tốt – nằm trong chương trình viện trợ của Mỹ – nhanh chóng tìm đường đến với người theo đạo Công giáo, còn người theo Phật giáo chỉ được nhận những thứ phế phẩm hoặc đã bị cắt xén. Ơû miền Nam Việt Nam, các ngân hàng đều nằm trong tay người Công giáo, nên chỉ có người Công giáo mới được quyền vay ngân hàng. Người Công giáo rất dễ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, còn người theo đạo Phật thì cố mà quên nó đi. Đây là cách mà Diệm khởi sự cai trị đất nước, và những kiểu bất công như thế này sẽ gây nên những làn sóng chống Diệm để rồi cuối cùng trở thành tai hoạ lớn nhất dành cho ông tổng thống.
Việt Cộng.
Việt Cộng không nhất thiết là cộng sản; họ chỉ là những người nổi dậy chống lại sự thiên vị của Diệm dành cho thiểu số người Công giáo, một lực lượng du kích đáng gờm buộc quân đội của Diệm phải đối phó thường xuyên. Chính vì áp bức nhân dân mình Diệm đã tạo ra kẻ thù nguy hiểm nhất cho ông ta, và cũng chính kẻ thù này sẽ sớm phát động một cuộc chiến tranh rộng lớn chống lại chính quyền Ngô Đình Diệm(12) [(Encyclopedia Britannica, Ngo Dinh Diem)]
Mỹ giúp đỡ nhiều về nhân sự và trang bị vũ khí cho tổ chức Dân Vệ của Diệm, nhưng thay vì dùng các đội quân này bảo vệ dân chúng khỏi tay Việt Cộng, Diệm lại dùng để bảo vệ Dinh Tổng Thống và các dinh thự nơi các thành viên gia đình và/ hoặc những người Công giáo được bổ nhiệm đang làm việc. Diệm hiểu rất rõ vai trò quyền lực của ông được người Mỹ dựng lên – thật vậy, nước Mỹ cần Diệm để duy trì thế mạnh chống chủ nghĩa cộng sản. Lúc ấy người Mỹ chậm hơn ông ta, và người Mỹ không biết cách thay đổi suy nghĩ cho thích hợp. Mặc dù nhiều quan chức ngoại giao trong chính quyền Eisenhower không hề ủng hộ Diệm (đặc sứ John Collins bị triệu hồi vì đã công khai nói thẳng những ác cảm của ông ta về Diệm), sự nhất trí chung vẩn là, dù Diệm không phải là nhà lãnh đạo quốc gia đáng tin cậy, ông ta vẫn là lựa chọn tốt nhất lúc này. Một câu nói cho thấy thái độ của Nhà Trắng, Tốt, chúng ta đã đưa gã đàn ông đó lên nắm quyền, bây giờ chúng ta cần phải tính toán sao cho có lợi nhiều nhất từ việc này. Nước Mỹ sẽ rất mất mặt nếu họ thay đổi thái độ về Diệm lúc đó.
Và Diệm biết điều này.
Diệm và em trai ông thích vũ khí và vật chất mà người Mỹ viện trợ cho họ nhưng họ sử dụng chúng theo ý riêng, không nghe theo lời khuyên của người Mỹ, điều này cũng được áp dụng cho quân đội của Diệm (Quân đội Việt Nam Cộng Hòa) – họ bị cấm không được nhận lệnh từ các chỉ huy của Mỹ(13) [(Sheehan]), hay thậm chí bị cấm xem xét những đề nghị tác chiến. Như thế là không khôn ngoan, vì Mỹ tinh thông về chiến sự hơn Quân đội Việt Nam Cộng Hoà nhiều. Thay vào đó, từ rất sớm Diệm đã sử dụng các lực lượng quân sự và cảnh sát của mình để truy lùng, bắc bớ và giết sạch những người Việt Minj “ở lại” (không tập kết ra bắc). Trong cuốn sách best-seller tại Mỹ và được giải thưởng (và gây sốc) A Bright Shining Lie (Lời nói dối toả sáng) của Neil Sheehan, một nét kinh khủng trong thái độ của Diệm đã được bộc lộ. Diệm coi tất cả những người “ở lại” hoặc cựu Việt Minh đều là “ác hoạ”. Diệm ra lệnh bắt giam bất cứ người nào chỉ vì lý do nghi ngờ – không cần xét xử, không cần điều tra. Đối với Diệm, bị nghi ngờ coi như là có tội. Những ai không bị bắn công khai sẽ bị tra tấn liên tục để họ khai ra thêm danh tánh những “tội nhân” khác, cứ thế tiến trình này tự nó kéo dài không dứt. Một người bị tra tấn khai ra vài cái tên, vậy là những người này bị bắt và bị tra tấn. Đàn bà chịu đựng gánh nặng tồi tệ nhất: họ bị cưỡng hiếp và tra tấn, vì cưỡng hiếp được xem là một phần của thủ tục thẩm vấn. Hậu quả là có hàng ngàn người Việt Nam bị giết chết, và trên 100.000 người khác bị giam giữ trong các trại tập trung(14) [(Sheehan)]
Người ta có thể nhìn thấy ở đây một khuôn mẫu. Tra tấn, cưỡng hiếp, các trại tập trung? Diệm bức hại những người Việt Minh ở lại nhưng không hoạt động y hệt cách mà Hitler đã bức hại người Do Thái. Diệm nặn ra kẻ thù từ những con người không xâm hại gì đến mình, rồi thanh trừng họ một cách hệ thống và tàn bạo. Nhưng nếu Diệm là Hitler của Nam Việt Nam, thì Nhu là Himmler. Nhu điều hành mật vụ (quả thưc, theo lệnh của Nhu, mật vụ tiến hành một cách hăng hái việc thẩm vấn, tra tấn, và cưỡng hiếp như vừa kể trên) mà hiểu theo nghĩa nào đó nó là quân đội riêng của Diệm và Nhu – na ná như SS lúc đầu là lực lượng vệ sĩ của Hitler. Nhưng khi những người ở lại đã bị khuất phục, Diệm thấy cần phải tạo ra một vật tế thần mới để tấn công, nhằm làm cho dân chúng thấy rằng ông ta đang bảo vệ họ khỏi tay kẻ thù, dù là kẻ thù tưởng tượng. Diệm là tín đồ Công giáo sốt sắng, lập dị; năm 1950, trước khi trở thành Thủ Tướng của Nam Việt Nam, ông từng sống ở Đại chủng viện Maryknoll bang New Jersey (tại đây, tình cờ ông gặp và gây ấn tượng đúng lúc cho ông nigh sĩ trẻ, táo bạo bang Masschussetts tên là John F.Kennedy), cầu nguyện, suy gẫm, và nghĩ chuyện sống đời tu hành(15) [(Hersh, Seymour M., The Dark Side of Camelot (Little Brown, 1977)]. Rõ ràng ông ta đã từ chối viễn cảnh này để tham gia vào chính trị nhưng tuy vậy ông ta vẫn sống độc thân; và sau này trở thành tổng thống, ngay cả khi ra lệnh hành quyết hàng loạt và ném hàng chục người vào các trại tập trung, ông vẫn dự thánh lễ gần như hàng ngày. Cho đến cuối đời, và bất kể mọi sự chết chóc và bất hạnh do mình gây ra, Diệm cũng như toàn thể gia đình vẫn tự cho họ là những tín đồ Công giáo tuyệt đối thuần thành.
Những nhận thức kỳ dị của một con người kỳ dị. (Được biết lòng mộ đạo của Diệm chịu ảnh hưởng phần lớn từ người anh cả của ông, Ngô Đình Thục, người về sau trở thành tổng giám mục và Hồng y của Vatican ở Nam Việt Nam. Thục sẽ là người chủ mưu trong nhiều hành động và những quyết định chính trị gây tranh cãi vào những năm đầu thập niên 60).
Và rồi, vào những năm cuối của thập niên 50, một vật tế thần mới đã được chọn: những người theo đạo Phật. Sự bất công và áp bức của Diệm dành cho những người theo đạo Phật, thành phần đa số ở Nam Việt Nam đã thực sự bắt đầu khi ông lên làm tổng thống; giờ chỉ lập lại một cách khôn khéo hơn thôi. Khi 900.000 người Công giáo Việt Nam được phép rời bỏ miền Bắc vào miền Nam (theo một điều khoản trong Hiệp định Geneva), Diệm liền cấp cho họ đất trồng trọt và công việc tốt hơn những người theo đạo Phật từng sống ở đó trước(16) [(Karnow)]. Những năm đầu thập niên 60 là khoảng thời gian tồi tệ đối với những người theo đạo Phật. Chính quyền Ngô Đình Diệm hoàn toàn không để ý tới những khó khăn của họ. Họ thờ tổ tiên, quân đội của Diệm ồ ạt kéo tới bắt họ phải đốt bàn thờ, cải đạo sang Công giáo nếu không sẽ lãnh nhiều hậu quả(17) [(Vietnam: A Televison History, “America’s Mandarin”)]. Biết rằng văn hoá Phật giáo là rất phức tạp và chi li, Diệm và Nhu thậm chí đã trắng trợn hơn nữa trong việc thể hiện sự thù ghét của mình đối với Phật giáo. Trong tín ngưỡng Phật giáo, không có gì được giữ gìn thiêng liêng hơn nghĩa trang, và không có gì quan trọng về mặt tinh thần nhiều hơn là việc chôn cất người chết đúng cách. (Suy cho cùng, tín đồ Phật giáo rất sùng kính người chết; đối với họ, người chết là thần thánh). Và theo tín ngưỡng này không có gì được coi là bẩn thỉu, tàn ác, và ghê tởm hơn việc báng bổ thần thánh nơi nghĩa trang vì không có gì thiêng liêng hơn một nấm mồ. Cho nên có thể tưởng tượng được sự căm ghét của người Phật giáo ở Nam Việt Nam khi quân đội và cảnh sát quốc gia, theo lệnh của Diệm, bắt đầu báng bổ và ra sức đào bới các đài liệt sĩ Việt Minh và các khu mộ Phật giáo(18) [(Sheehan)], rồi đái lên đó, thậm chí còn chặt đầu, chặt chân tay các thi thể. Đối với tín đồ Phật giáo, cảm giác của họ chẳng khác gì người Công giáo phát hiện thấy chính quyền của họ ra lệnh đào xác các giáo hoàng lên, băm nhỏ, và đái lên đó cho ướt đẫm.
Chiếc ghế tổng thống càng vững chắc Diệm càng trở nên càn rỡ – hay điên rồ, như nhiều người sẽ nghĩ như thế. Tước bỏ những cơ hội bình đẳng cho người theo đạo Phật và đào bới mồ mả của họ thì cũng vui trong một lúc, nhưng đến đầu thập niên 60 Diệm và Nhu quyết định đẩy lòng thù hận đối với những con vật tế thần lên cực điểm.
Chế độ vừa mới theo đuổi hành động quân sự chống lại những tàn dư lặng lẽ của Việt Minh, giờ thì hành động đó nhắm trực tiếp vào dòng máu của niềm tin Phật giáo ở Nam Việt Nam, và vẫn một kiểu giống nhau bao gồm việc hành hình, tra tấn, và tống giam vào các trại tập trung.
Tất cả xuất phát từ một con người mà Lydon Johnson từng nhắc tới như là “Winston Churchill của Châu Á”(19)
[(Tư liệu tổng quát trong chương 3 và 4 về việc đàn áp Phật giáo của Diệm, những vụ tự thiêu, bất ổn dân sư gia tăng, các tuyên bố của bà Nhu, vân vân, đã được trình bày rõ trong nhiều tài liệu sử hiện đại. Nhưng chúng tôi khuyên các độc giả có quan tâm nên đặc biệt tham chiếu Vietnam: A Televison History, “America’s Mandarin” và các tác phẩm xuất sắc Vietnam: A History của Stanley Karnow; và A Bright Shining Lie của Neil Sheehan, cùng nhiều tác phẩm khác nêu trong thư mục)].