JEAN RENE SOUETRE

“Sau DeGaulle… OAS ghét Kennedy nhất”(117)

[(The Heroin Trail)]
Jean Rene Souetre. Một quân nhân Pháp đào ngũ. Một thành viên OAS và là kẻ phản bội đối với đất nước mà trước đây hắn đã cống hiến cả đời mình. Một con người tự nguyện trở thành kẻ khởi loạn và khủng bố. Và – một sát thủ đã có mặt tại Dallas đúng trong ngày Kennedy tới Dallas?
Đó là những gì hồ sơ 632-796 cho chúng ta biết về người này. Nhưng chúng ta còn biết gì nữa về Jean Rene Souetre?
Nhiều lắm.
Việc 632-796 xác định rằng Souetre là một cựu đại uý trong quân đội Pháp, người sau đó gia nhập OAS, đã được chứng thực trong hồ sơ CSCI – 3/776.742 của CIA, với một phụ chú đầy cảnh báo. Hồ sơ này (xem Phụ lục B) nói rằng vào tháng 5.1963 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, OAS đã có một cố gắng để thuyết phục CIA giúp đỡ cho âm mưu ám sát tổng thống DeGaulle của họ. Nên nhớ rằng, vào năm 1963, OAS đang suy tàn; cơ sở hạ tầng của nó đã bị triệt hạ do chiến dịch sử dụng barbouze của SDECE – và hầu hết những kẻ giỏi nhất của OAS, kể cả các thủ lĩnh, đều đã ngồi tù vào thời điểm đó. Những kẻ còn sót lại của Đạo quân ngầm bây giờ đầy tuyệt vọng, và như hồ sơ này cho thấy, họ thậm chí còn yêu cầu CIA hậu thuẫn. Và các bạn đoán ra thành viên OAS nào đã làm việc này không? Chúng ta hãy trích dẫn hồ sơ:
“Người cố gắng thuyết phục ấy là đại uý Jean Rene Souetre…”
Souetre tới gặp một đại diện CIA với danh nghĩa “người điều phối ngoại vụ của OAS”, sau đó vị đại uý bí ẩn của chúng ta đã đề nghị rằng CIA và OAS có thể có cùng một lợi ích trong việc loại bỏ DeGaulle khỏi chính quyền và sau đó cũng đủ mạnh dạn để yêu cầu CIA “hỗ trợ vật chất và tiền bạc”. Oà, những người kiên trì không phải lúc nào cũng kiên trì. Souetre đã chơi bài liều, thử thăm dò một chuyến, nhưng CIA chẳng có lý do gì để dính líu với OAS và những hoạt động của nó, và đại diện CIA trong cuộc gặp gỡ đó đã nói rõ ràng với Souetre rằng, “…Mỹ tuyệt đối không có ý định hợp tác với bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào nhằm chống lại chính quyền hợp hiến của Pháp”. Không có gì ngạc nhiên ở đây. Lời thỉnh cầu của Souetre bị bác bỏ lạnh lùng, nhưng trước khi kết thúc buổi gặp gỡ, Souetre đã lộ ra một số thông tin lạ lùng và quan trọng”. Souetre giải thích rằng hắn ta du hành bằng nhiều hộ chiếu khác nhau, trong đó có cả một hộ chiếu Mỹ”(118). [(Tài liệu CIA: CSCI – 3/776.742 (Phụ lục B))]
Những tay tội phạm có tên tuổi, những kẻ trốn tránh pháp luật, và nhất là những tay khủng bố đã có hồ sơ thì không thể xin được hộ chiếu, tức là, xin một cách hợp pháp. Vậy mà tay tội phạm kiêm khủng bố Jean Rene Souetre này lại có “nhiều” hộ chiếu khác nhau, trong đó có cả hộ chiếu Mỹ. Sao có chuyện như thế được? Souetre tìm ở đâu ra thứ giấy tờ rõ ràng là giả đó?
Lúc thịnh thời, OAS đã thu nạp được một số những chuyên viên được huấn luyện tốt nhất trong quân đội. Không chỉ có các binh sĩ chiến đấu mới gia nhập OAS, mà còn có sĩ quan tình báo, nhân viên hậu cần, bảo trì và tình báo, và xin hãy nhớ, còn có cả nhân viên SDECE trong OAS. Lý do duy nhất giải thích chuyện các sát thủ OAS thoải mái đi lại giữa Algeria và Pháp chính là điều chúng ta đang bàn tới đây. Bất kỳ một tổ chức quân sự hữu hiệu nào cũng có những phương tiện phản gián để chế tạo những giấy tờ giả nhưhg rất đáng tin cậy. Cũng như OSS, CIA, KGB, GRU, MI6, và các cơ quan tương tự, từ lâu đã chế những giấy tờ giả cho nhân viên của mình, OAS cũng đã làm như vậy; nếu không các đơn vị khủng bố của họ hẳn đã phải bơi qua Địa Trung Hải để vào đất Pháp. Hoàn toàn cũng có thể rằng Souetre đã có được mọi giấy tờ giả cần thiết từ OAS để hắn có thể làm công việc của mình. Cũng cần nói thêm rằng các giấy tờ giả có khả năng nhất trong việc lọt qua mọi biện pháp kiểm tra là những giấy tờ mang tên một người khác có thật. Như chúng ta biết qua 632-796 (và những hồ sơ khác sau đó) rằng Souetre có thể đã dùng tên giả. Xem lại dòng đầu của 632-796, bạn sẽ thấy nó đề cập đến những tên khác của Souetre: Michel Roux và Michel Mertz. Cả Roux và Mertz rõ ràng là những con người có thật (như chúng tôi sẽ chứng minh sau), và vì chúng ta đã biết rằng Souetre có “nhiều hộ chiếu khác nhau”, nên có thể cho rằng hắn ta đã dùng những giấy tờ chứng minh hắn ta là một người khác “có thật”. Đây là một lý lẽ rất quan trọng khi chúng ta nhớ lại rằng Souetre được ghi nhận là đã ở Dallas trong ngày Kennedy bị bắn chết. Phương cách để hắn ta nhập cảnh vào Mỹ cũng rất đáng quan tâm, vì lẽ Souetre có nhiều hộ chiếu, kể cả hộ chiếu Mỹ.
Nhưng đó cũng chưa phải tất cả thông tin về Souetre mà hồ sơ thứ nhì này đem lại cho chúng ta. Chúng ta biết được rằng Souetre đã phục vụ dưới quyền chỉ huy của “Thiếu tá Pierre Sergent”, điều này càng chứng thực lai lịch của hắn, vì Sergent là một trong những tay OAS cuồng tín từng tiếp tục đánh phá kể cả lúc lãnh tụ của họ, Tướng Salan, đã bị bắt giữ. Chúng ta biết rằng Souetre sinh ra ở “tỉnh Girondin của Pháp” ngày 15.10.1930 (như thế hắn 33 tuổi vào năm 1963). Chúng ta biết rằng hắn đã trốn khỏi trại giam nhốt đầy thành viên OAS năm 1961 (cùng lúc đó các barbouze của SDECE đã xâm nhập vào một trại giam OAS và đã thu lượm được tin tức về một âm mưu ám sát DeGaulle). Sau cùng, chúng ta biết được rằng “hắn ta bị coi là có dính líu trong một âm mưu ám sát DeGaulle”(119). [(Tài liệu CIA: CSCI – 3/776.742)]
Nếu điều đó chưa đủ lạ lùng, mời bạn trở lại với 632-796, tài liệu đầu mối cho mọi sự. “Tháng 1 hắn ta đã nhận được thư của một nha sĩ tên là Alderson sống tại 5803 Birmingham, Houston, Texas”. Bạn có thể tin chắc tay nha sĩ này đã bị điều tra và phỏng vấn, không những bởi nhân viên Bộ tư pháp mà còn cả những cá nhân nữa. Sau khi chuyên gia văn khố Mary Ferrell nối ráp xong những mẫu rời của hồ sơ này trước khi nó được giải mật, bà đã nói chuyện này với nhiều ngườ trong cộng đồng nghiên cứu Kennedy, trong đó có J.Gary Shaw, đồng giám đốc của Trung tâm thông tin về vụ ám sát JFK tại Dallas và là tác giả của nhiều cuốn sách thú vị về đề tài này(120) [(Benson)]. Biết được thông tin trên, Shaw đã tìm ra và phỏng vấn ông nha sĩ ấy qua điện thoại vào ngày 5.10.1977. Tên đầy đủ của ông nha sĩ là Larry M. Alderson đã cư ngụ ở Houston, Texas như 632-796 đã đề cập. Bạn có thể thấy toàn văn bản ghi lại buổi phỏng vấn cũng như bản ghi nhớ phỏng vấn ở Phụ lục D, nhưng chúng tôi muốn trích ở đây vài đoạn để phân tích.
Nhìn chung, cuộc phỏng vấn của Shaw đã xác nhận một điều gì đó bao hàm trong 632-796, hồ sơ này nói rằng Alderson nhận thư của Souetre; vậy là đã có mối liên hệ gì đó giữa Souetre và Alderson. Họ là bạn bè chăng? Nếu vậy, họ trở thành bạn trong hoàn cảnh nào? Họ có phải bạn làm ăn không? Có thể họ đã có liên hệ xa xôi hay gián tiếp nào đó chăng? Có thể có mối quan hệ gì giữa Souetre, một tay khủng bố người Pháp và có thể là kẻ ám sát, với Alderson, một nha sĩ ở Texas?
Cuộc phỏng vấn của Shaw trả lời vấn đề quan trọng này ngay lập tức. Hoá ra Souetre và Alderson đã là bạn của nhau – Alderson biết Souetre “rất rõ”, ông ta khẳng định như thế và theo dõi cuộc phỏng vấn chúng ta biết được họ trở thành bạn bè như thế nào. Họ là “dân lính tráng” theo cách nói nào đó. “Khi tôi biết anh ta”, Alderson nói, “thì tôi đang là sĩ quan an ninh làm việc chung với anh ta tại Pháp và tôi đã sống với anh ta”. Nói cách khác, Alderson và Souetre đóng quân trong cùng một trại tại Pháp, tại một cứ điểm phối hợp nơi quân nhân Mỹ làm việc chung với quân nhân Pháp. Sau đó, Alderson quay về đời sống dân sự ở Texas, nhưng vẫn còn liên lạc với Souetre trong nhiều năm, gửi thiệp Giáng sinh cho nhau và chắc có cả thư từ nữa. Nhưng không có bất kỳ thư từ nào với Souetre cho Alderson biết rằng Souetre đã đào ngũ và gia nhập OAS; mà ông ta biết điều đó qua bà vợ Souetre, người mà Alderson cũng có trao đổi thư từ. “Nhưng anh ấy {Souetre}, tôi độ rằng, cũng đã bỏ vợ luôn”, Alderson nói với Shaw. Vợ Souetre là một phụ nữ đẹp xuất thân từ một gia đình làm rượu vang giàu có ở miền nam nước Pháp. “Tôi đã không nghe tin tức gì của bà suốt nhiều năm”’ Alderson nói, nhưng “…bà ta chính là người cho tôi hay rằng anh ta đã bỏ quân đội Pháp và đã đi vào hoạt động ngầm để cứu lấy Algiers”.
Alderson cũng cho chúng ta mô tả nhân dạng Souetre: “Anh ta dễ coi, cao, mặt hơi có góc cạnh, theo như lần cuối tôi được gặp. Anh ta có tóc hơi quăn, màu nâu sẫm, một tay dễ coi, đẹp trai đấy”(121). [(Từ “Telephone Interview with Dr.L.M.Alderson and J.Gary Shaw – October 5, 1997; 4:30 pm” (Phỏng vấn bác sĩ L.M.Alderson và J.Gary Shaw qua điện thoại – 5.10.1977; 4:30 chiều) (Phụ lục D))]
Nhưng ngày hôm sau, 6 tháng 10, Alderson lại được phỏng vấn nữa, và qua bản ghi nhớ về cuộc phỏng vấn, ta thấy Alderson cho biết thêm:
Souetre vào khoảng 25 tuổi ở đầu thập niên 1950.
Souetre là nhà ngữ học có thể nói lưu loát tiếng Anh mà không nặng giọng Pháp; hắn ta còn nói được tiếng Tây Ban Nha và Đức.
Hắn ta ăn mặc sắc sảo và thu hút phụ nữ.
Hắn ta quen biết với “mọi chính khách Pháp”
Hắn cao khoảng 1,9 mét, nặng hơn 85kg.
Như thế ta có bức tranh rõ hơn về nhân vật này, về thể chất và có tính chủ quan. Người sĩ quan tận tụy nhưng là một ông chồng không tận tụy đến thế. Một người được mô tả là cao ráo, da ngăm, đẹp trai, hấp dẫn phụ nữ và là người ưa giao tế, quen biết “mọi chính khách Pháp”(122). [(“Memorandum of Interview by J.Gary Shaw with Dr.Lawrence M.Alderson, D.D.S.,” 6.10.1997 – 4:00 chiều.)]
Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là chuyện khi Shaw nói rằng hồ sơ 632-796 đã xác định Souetre có mặt ở Dallas trong ngày JFK bị bắn và Souetre đã bị trục xuất ít lâu sau đó thì Alderson biết ngay về chuyện đó.
Làm sao ông ta biết?
Nhân viên FBI bắt đầu “bám đuôi” Alderson ít lâu sau khi Kennedy bị ám sát, và sau cùng đành thôi trò này và trực tiếp thẩm vấn ông nha sĩ. Xin nhớ rằng, cuộc phỏng vấn của Shaw xảy ra năm 1977, nhưng lần thẩm vấn của FBI thì xảy ra “ngay sau vụ ám sát” và họ tuyên bố rằng họ đã tiếp xúc với Alderson vào lúc đó “bởi vì có một tấm thiệp giáng sinh cũ đã bốn hay năm năm mà ông này đã gửi cho Souetre”(123). [(Sđd)]
Điều này có nghĩa rằng FBI đã biết chuyện Souetre có mặt ở Dallas ngày 22.11.1963, và vụ trục xuất hắn ít lâu sau đó – vài tháng trước khi hồ sơ 632-796 của CIA tiết lộ sự kiện rằng người Pháp (vào tháng 3 năm 1964) có hỏi thăm FBI về việc trục xuất và nơi đến của Souetre.
Đây là một tiết lộ quan trọng đến mức chấn động, và chúng tôi sẽ bổ sung bằng một điều còn quan trọng chấn động hơn trong chốc lát nữa đây.
Hiển nhiên, điều mà FBI muốn biết nhất là liệu Alderson có biết chi tiết vụ trục xuất Souetre ở Dallas hay không, lý do là FBI, ngay sau vụ sát hại JFK, đã coi Souetre là thủ phạm tình nghi! Chúng ta biết điều này vì Alderson đã nói với Shaw: “Họ cảm thấy rằng Jean biết ai, hoặc chính anh ta không chừng, đã ám sát Kennedy”(124) [(“Telephone Interview with Dr.L.M.Alderson and J.Gary Shaw – October 5, 1997; 4:30 pm”)].
Aø, thật là lạ. FBI coi Souetre là thủ phạm tình nghi nhưng họ đã không đề cập điều này với Uỷ ban Warren?
Hơn nữa, Alderson cũng nói với chúng ta rằng chính ông ta đã báo cáo những điều mình biết về Souetre cho “Tiểu ban”. Ông ta không nói đích xác đó là Tiểu ban nào nhưng chúng ta có thể cho rằng ông ta không nói tới một công ty xe lửa. “Tôi chưa từng nghe tin gì từ cuộc điều tra”, Alderson nói với Shaw, “tôi đoán có lẽ tôi đã tiếp xúc với một Tiểu ban đã bị giải thể không còn hoạt động nữa hoặc, cho dù họ có tồn tại hay không thì tôi cũng không biết, họ đã trải qua bao rắc rối khó khăn trong năm rồi hay đại khái như thế”(125). [(Sđd)]
Cái tiểu ban duy nhất từng trải qua khó khăn rắc rối trong thời kỳ này là Tiểu ban Hạ viện về Những vụ ám sát. Thực ra, họ không bị giải thể năm 1977 nhưng bất kỳ ai cẩn thận theo dõi hoạt động của tiểu ban này qua báo chí chắc chắn đã e rằng nó bị giải thể khi thấy rằng liên tục có người phản đối sự tồn tại của nó vì lý do ngân sách và những rối loạn đấu đá nội bộ không ngừng giữa các thành viên. Điều bác sĩ Alderson nói ở đây là ông ta đã báo cáo thông tin về Souetre cho Tiểu ban Hạ viện về Những vụ ám sát. Ông ta cũng nói với tiểu ban đó rằng FBI đang điều tra về Souetre – và đã xem tay này là thủ phạm tình nghi – ngay sau cái chết của JFK.
Và tiểu ban không hề trở lại với ông ta.
Thay vì thế, Tiểu ban đã quyết định bỏ qua thông tin quan trọng này. Giống như Tiểu ban đã bỏ qua khám phá của Robert Groden, chuyên gia về ám sát, vốn cho rằng các ảnh chụp khám nghiệm tử thi JFK là ngụy tạo(126). [(Groden, The Killing of a President)]
Giống như Uỷ ban Warren đã bỏ qua hàng lô hàng lốc bằng chứng hoàn toàn khác với báo cáo cuối cùng của Uỷ ban.
Cái kiểu mánh lới tránh né và che giấu này thì chẳng có gì mới trong cung cách của chính quyền khi giải thích cho công chúng hiểu điều gì đã thực sự xảy ra tại Dallas ngày 22.11.1963 đó. Nhưng bây giờ, nó đúng là điều ai cũng dự đoán được.
Trở lại với Souetre, chúng ta đã nghe những điều Alderson đã nói năm 1977, và chúng ta hiểu những hàm ý khủng khiếp sau đó, rằng FBI đã Souetre như một kẻ có tham dự vào vụ ám sát JFKmà không nói một lời nào về chuyện này cho các giới chức thẩm quyền. Bây giờ ta hãy trở lại với đoạn đầu của 632-796, hồ sơ chính thức đầu tiên cho chúng ta biết Souetre là một tay khủng bố tại Dallas vào buổi chiều ngày xảy ra vụ ám sát và sau đó bị trục xuất khỏi Mỹ. Hồ sơ 632-796 tiết lộ rằng vào ngày 5.3.1964, người Pháp đã dò hỏi ở văn phòng tuỳ viên pháp lý ở Paris, và nó cũng cho ta biết rằng tình báo Pháp (SDECE) cũng đã dò hỏi FBI tại New York – về Souetre. FBI đã tiến hành điều tra ngay.alderson nói rõ ràng với FBI chuyện ông ta quen với Souetre lúc nào (1953), và ở đâu (Patette Malioun gần Rheim, Pháp)(127) [(Tài liệu FBI 105-128-529, ngày 6.3.1964)]. Hồ sơ này đề ngày 6.3.1964 – ngày hôm sau đó – và từ đó ra đời một loạt hồ sơ FBI khác: điều tra Alderson, điều tra các tên giả của Souetre, điều tra các chuyến bay dân dụng có thể đã chở trục xuất Souetre. Những hồ sơ đó không cho chúng ta nhiều chi tiết lắm, nhưng chúng chứng thực rằng trong khi Uỷ ban Warren còn đang làm việc, thì FBI đang điều tra về Souetre.
Có lẽ FBI đã báo cáo những điều họ biết về Souetre và trục xuất hắn cho Uỷ ban Warren, và nếu như vậy thì chính uỷ ban đã ém nhẹm bằng chứng này. Chuyện này là lỗi của bên này hoặc bên kia thôi. Chúng ta biết có một tay khủng bố bị trục xuất ra khỏi Dallas ngay sau vụ ám sát chấn động nhất lịch sử Mỹ, và có rất nhiều phần tử trong chính quyền Mỹ biết chuyện này và không bao giờ nói ra với công chúng Mỹ. Và nếu như thế chưa đủ tệ, chúng tôi lại có bằng chứng rõ ràng rằng một cơ quan nào đó trong chính phủ Mỹ đã tiến hành vụ trục xuất đó(128) [(Hurt)]. Nói cách khác, chính chính phủ Mỹ đã bí mật đưa Souetre ra khỏi lãnh thổ Mỹ.
Ta chỉ có thể nghĩ ra một tình huống tồi tệ hơn tình huống này, đó là FBI đã biết về Souetre trước khi Kennedy bị ám sát. Điều này không hậu thuẫn cho những qui kết nói rằng FBI đã nhận được tin báo về một âm mưu ám sát JFK trước khi Kennedy thực sự bị giết sao?(129). [(Phim JFK của Oliver Stone mô tả rõ ràng rằng một ghi chú viễn ký được chuyển tới Văn phòng tiền phương của FBI tại New Orleans ngày 17.11.1963, nói rằng FBI đã biết về mối đe doạ ám sát JFK tại Dallas. Tiểu ban Hạ viện gạt bỏ thông tin này với lý do rằng người tuyên bố ban đầu, thư ký an ninh FBI, William S.Walter, đã nói dối (Summer) cho dù nhà nghiên cứu Mark Lane tìm được bản sao văn bản viễn ký đó nhờ Luật Tự do Thông tin (Benson). Một số nhà phản bác tuyên bố rằng bản viễn ký là ngụy tạo cho dù không có bằng chứng nào cho tuyên bố đó)].
Dĩ nhiên điều đó là rất có thể. Đó sẽ là một tiết lộ kinh hoàng vì nó sẽ chứng tỏ rằng Bộ Tư pháp không chỉ biết về một âm mưu ám sát JFK mà còn biết một kẻ ám sát có thể có dính líu đến âm mưu này – một kẻ ám sát mà tên của y không phải là Lee Harvey Oswald. Nó sẽ chứng tỏ rằng hoặc Bộ tư pháp Mỹ đã tham gia vào vụ sát hại JFK (điều này chúng tôi không tin) hoặc họ đã được cảnh báo phải ngăn chặn vụ mưu sát này và đã không làm được chuyện đó vì không đánh giá đúng tầm quan trọng của nó hoặc vì bất tài bất lực và rồi tìm cách ém nhẹm những sự kiện để tự bảo vệ cho mình, để “giữ lấy cái mạng mình”, có thể nói như thế (điều này chúng tôi tin).
Thế là quá rõ, nhưng để chứng minh kịch bản này, chúng ta phải chứng tỏ rằng FBI đã biết về Souetre trước vụ ám sát, đúng không? Trong cuốn Reasonable Doubt của Henry Hurt, tác giả đã nói rõ rằng: “không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy FBI đã liên lạc với Alderson trước khi họ nhận được dò hỏi thông tin từ phía người Pháp”. (ngày 5.3.1964)(130). [(Hurt)]
Chúng ta hãy mổ xẻ tỉ mỉ. Trừ khi họ muốn đào đến chân tơ kẽ tóc, thì lý do duy nhất khiến FBI có thể đã điều tra về Alderson là nhằm xác minh ông ta biết gì về Souetre. Do đó, việc FBI đã điều tra Alderson trước khi xảy ra vụ ám sát JFK có thể chứng minh rằng họ đã quan tâm về Souetre trước khi xảy ra sự vụ. Và cuốn sách của Henry Hurt đã nói với chúng ta rằng không có bằng chứng nào hậu thuẫn cho khả năng này.
Được rồi…
Hồ sơ FBI 105-120510-2 chứng tỏ rằng FBI đã thực sự điều tra Alderson… vào ngày 4.4.1963 {xem phụ lục C}.
Tức là hơn bảy tháng trước khi xảy ra vụ ám sát(131). [(Tài liệu FBI 105-120510-2, ngày 8.4.1963. tài liệu này xác định rằng FBI đang tích cực tìm kiếm thông tin về Alderson. Nó viết: “Houston được yêu cầu xác minh gia đình Alderson, và khi thông tin này được chuyển tới, FBI được yêu cầu đưa ý kiến, nếu có, liệu thông tin này có thể được cung cấp cho nguồn nói trên không” (xem Phụ lục C))]