TỔ CHỨC CỦA ĐỘI QUÂN NGẦM

“Những trò tàn bạo của OAS đã mau chóng phát triển thành

những vụ ám sát các viên chức cao cấp trong chính quyền…”
- DOUGLAS PORCH
The French Secret Services(105) [(Porch, Douglas, The French Secret Services (Farrar, Strauss and Giroux, 1995))]
Để hiểu hết tầm quan trọng trong việc xuất hiện một thành viên OAS tại Dallas trong ngày Kennedy bị ám sát, đầu tiên chúng ta phải hiểu rõ OAS, không những trong những mối liên hệ của nó với tình hình thế giới đầu thập niên 1960, mà còn trong mối liên hệ với Tổng thống Mỹ trong cùng thời kỳ đó. Hiểu được điều này, chúng ta phải xem lại chút đỉnh lịch sử Pháp thế kỷ 20
Khi Charles DeGaulle và nền Đệ ngũ Cộng hoà của ông ta lên nắm quyền ở Pháp năm 1958, hai vấn đề khủng hoảng đã chờ đợi ông ta: lạm phát phi mã và chiến tranh Algeria. Đây là một cái vòng luẩn quẩn khi chiến tranh chính là nguyên nhân trực tiếp của lạm phát. DeGaulle đối phó khá tốt với lạm phát bằng cách thi hành một loạt những điều chỉnh kinh tế cũng như kêu gọi dân chúng thắt lưng buộc bụng hơn. Các kế hoạch này có hiệu quả, và thậm chí được lòng dân, nhưng vẫn còn đó mối xung đột cay đắng ở Algeria, một quốc gia Bắc Phi từ lâu đã là bộ phận của Liên hiệp Pháp – hay cụ thể hơn, đó là một nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Chiến tranh đã nổ ra từ 1954, khiến Pháp phải phái nữa triệu quân sang để giữ đất nước này trong vòng chế độ được gọi là bảo hộ của mình. Nhưng cho dù sau cùng nước Pháp không còn tin chắc vào những sự nghiệp đế quốc của mình nữa, vì dù sao họ đã bị Hồ Chí Minh đánh bại tại Việt Nam với bao thiệt hại nhân mạng và uy thế, và bây giờ chuyện tương tự có vẻ sắp xảy ra ở Algeria. Nhưng về phương diện quốc gia thì chuyện ở đây có khác đi một chút. Chính phủ Pháp trước đây, nền Đệ tứ Cộng hoà yếu ớt, đã trả độc lập trọn vẹn cho Morocco và Tunisia (hai nước bảo hộ khác của Pháp), nhưng quân đội Pháp ngày càng bất mãn đến độ Pháp đang rơi dần vào một cuộc nội chiến; nhưng khi DeGaulle lên làm tổng thống năm 1958, ông ta đã mở ra viễn tượng tốt đẹp khi cam kết giữ vững Algeria (và những mỏ dầu mới phát hiện ở nước này) trong vòng kiểm soát của Pháp. Điều này trấn an quân đội Pháp, nhưng rồi DeGaulle cảm nhận được những áp lực quốc tế. Ơû cuối thập niên 1950, “chủ nghĩa đế quốc” là một khái niệm tồi tệ, và ngày càng nhiều xu thế nhạy cảm trên toàn cầu ủng hộ khái niệm rằng mọi quốc gia phải có quyền tự trị. Có lẽ như để đáp ứng, năm 1960 DeGaulle trao độc lập trọn vẹn cho một lãnh thổ bảo hộ khác – Congo thuộc Pháp – nhưng Algeria vẫn là một điểm nóng. Bây giờ DeGaulle ở cảnh tấn thoái lưỡng nan. Một mặt ông ta bị áp lực quốc tế phải trả tự do cho Algeria, nhưng mặt khác ông phải đối mặt với quân đội mà trước đây ông đã hứa hẹn rằng Algeria sẽ tiếp tục nằm trong vòng kiểm soát của Pháp. Tuy nhiên, áp lực mạnh hơn sau đó đòi tự do cho Algeria lại xuất phát không từ ai khác mà chính là từ Tổng thống John Kennedy.
Chậm rãi nhưng chắc chắn, DeGaulle xử lý tình thế của mình, đầu tiên là đề nigh nới lỏng kiểm soát của Pháp ở Algeria, rồi đề nigh hoà đàm, và gợi ý một nền độc lập “cục bộ”. Trong khi đó chiến tranh cứ tiếp diễn (10.000 lính Pháp đã chết trong cuộc chiến) và các phần tử bản xứ khởi nghĩa hẳn đã chẳng thèm lý tới nền độc lập “cục bộ” của DeGaulle. Với họ, tự do “cục bộ” nghĩa là áp bức “cục bộ”, và họ đã quá ngán điều này. Đó là chưa kể tới công luận Pháp một khi những thống kê thương vong được công bố, dân Pháp bắt đầu ủng hộ việc triệt thoái. (Họ cũng không chịu nổi cảnh thấy con cái mình trở về trong những quan tài, y như dân Mỹ vào cuối thập niên 1960).
Tình thế chẳng cho DeGaulle lựa chọn gì khác ngoài việc tiến tới đề nigh trả độc lập hoàn toàn cho Algeria, và một khi quân đội Pháp biết được tin này, họ xem đó là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Ban đầu chính sự ủng hộ của quân đội đã đem DeGaulle lên chức tổng thống, rồi bây giờ họ cảm thấy mình bị ông ta đâm sau lưng.
Từ đó dẫn tới việc thành lập OAS – Đội quân ngầm – dẫn đầu bởi những cựu binh trong chiến tranh Algeria và Tướng Raoul Salan rất được lòng quân đội. Salan đã khuyến khích các quân nhân bất mãn tham gia chống lại sự phản bội của DeGaulle. Họ là những người quốc gia cánh hữu cực đoan, và quan điểm của họ là họ đã chiến đấu và chết ở Algeria từ 1954, và nếu DeGaulle rút khỏi Algeria, thì 10.000 lính Pháp chết ở đó là đã hy sinh mạng sống vô ích. Hơn nữa, OAS tin rằng Pháp chỉ tự làm suy yếu chính mình khi trả tự do cho các lãnh thổ bảo hộ. Họ đã mất Đông Dương, Morocco, Tunisia và Congo, và bây giờ họ sắp mất nốt lãnh thổ hải ngoại cuối cùng.
Kế hoạch của Salan là chọn một lập trường quân sự mạnh chống lại chính phủ DeGaulle, và ông ta hy vọng rằng toàn quân đội – cả ở Algeria lẫn ở Pháp – sẽ ngã theo lập trường của ông ta và sau đó lật đổ DeGaulle.
Tháng 4.1961, OAS bắt đầu hành động. Salan và đội quân ngầm tiến hành đảo chính và nắm quyền kiểm soát thủ đô Algeria là Algiers. Nhưng điều Salan kỳ vọng nhất – sự ủng hộ trọn vẹn của quân đội Pháp – đã không hề xảy ra. Lực lượng DeGaulle phản công và chiếm lại được Algiers. Salan và đồng sự phải bỏ trốn.
Nhưng cuộc xung đột không hề chấm dứt.
Cuộc đảo chính thất bại nhưng Salan, một bậc thầy chiến thuật từng trải qua ba cuộc chiến, vẫn kiên trì tiếp tục những nổ lực chống lại vị tổng thống ngày xưa ông ta từng ủng hộ mà nay lại rất căm thù. Năm kế tiếp, OAS tiến hành một cuộc chiến tranh khủng bố nhắm vào các lực lượng trung thành với DeGaulle, quân khởi nghĩa Algeria và những phe cộng tác với người Algeria nói chung. Chiến dịch khủng bố tỏ ra rất hiệu quả, và khảo sát vấn đề này là điều rất quan trọng. Quân của Salan là những kẻ cực kỳ bảo thủ, những người sống sót trong cuộc chiến Algeria, nhiều người trong bọn họ đã chiến đấu trên mảnh đất này trong nhiều năm. Họ là những người được huấn luyện tốt nhất, những người dày dạn chiến trận nhất, những người quen thuộc nhất với lãnh thổ và văn hoá Algeria và là những người gắn bó nhất với quyền lợi của Pháp tại đây. Rất nhiều những người lính trẻ ban đầu tới Algeria để chiến đấu vì tổng thống đã mau chóng rời doanh trại để về nước trong những túi nhựa đựng xác. Họ là miếng mồi ngon dễ bị thu hút vì kỹ năng tiêu diệt đối phương rất tinh xảo của OAS. Cảnh hỗn mang xảy ra sau đó cũng nhanh chóng; OAS hình như có khả năng huỷ diệt và tàn sát một cách hoàn hảo. Họ đánh bom các toà nhà, đánh cắp vũ khí và quân dụng, cướp ngân hàng để gây quỹ hoạt động, và với những tay bắn tỉa thiện xạ, họ có thể ám sát các quan chức bất cứ lúc nào. Thậm chí họ còn có những chuyên gia chống khởi loạn, một đơn vị chiến tranh tâm lý, và một mạng lưới tình báo riêng rất hữu hiệu với nhiều cảm tình viên trên đất Pháp. Chẳng bao lâu sau họ đã có thể tiến hành chiến dịch khủng bố ngay tại Paris.
Với OAS, DeGaulle rơi vào vị trí yếu thế nhất trong sự nghiệp chính trị của mình. Chuyện đảo chính quân sự trên qui mô toàn quốc có vẻ như sẽ xảy ra trong nay mai. Trong khi đó, dân Pháp cảm thấy hoang mang và lo sợ. Làm sao mà vị tổng thống cựu anh hùng thời chiến này lại trở nên yếu thế như vậy trước một nhóm người mà báo chí gọi là bọn ngoài vòng pháp luật? Tồi tệ hơn, OAS còn bắt đầu thành công trong việc xâm nhập vào quân đội tại chính quốc với lời hô hào lật đổ ông tổng thống phản bội đã nói dối với dân chúng và làm nhục nước Pháp.
Và rồi, Salan cùng những tay khủng bố của mình bắt đầu theo đuổi những hành động liều lĩnh nhất.
Họ bắt đầu với những kế hoạch ám sát DeGaulle(106) [(Tóm lược về cuộc xung đột Algeria và sự hình thành và sự hoạt động của OAS, xem Encylcopaedia Britannia, Salan, Raoul (Albin-Louis); Porch)].