Hồi 14
CHÚT XÍU MẤT ĐẦU VÌ CHỊ DÂU

Ngày xưa ở phủ Tây An bên Tàu, có một người nhà già nhà giàu lắm tên là Sung Quý, vợ là Thang thị.
Hai vợ chồng sanh hạ đặng bốn con trai đặt tên là Hiếu, Đễ, Trung, Tín và cùng mang chữ đệm là Khắc.
Cả bốn đều thông minh, dĩnh ngộ. Người con cả là Khắc Hiếu có khả năng sắp đặt công việc và chỉ huy người làm đâu ra đó nên được cha mẹ cho cai quản gia sự. Khắc Đễ, con thứ hai, có óc doanh thương được cấp vốn đi buôn bán các nơi. Người con thứ ba là Khắc Trung học một biết mười, thi một lần đậu ngay tú tài lại có ý muốn ra làm quan nên được vợ chồng Sung Quý cho ăn học để thi cao nữa. Còn Khắc Tín người con út đã hiếu học lại được Khắc Trung hết lòng chỉ bảo thêm nên học hành cũng tấn tới vô cùng. Khắc Tín cùng một chí hướng với anh, nên hai người quý mến nhau rất mực, khi ăn ngủ lúc học tập chơi bời đều có nhau, người nọ không rời người kia nửa bước. Aâu cũng là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu vậy.
Những gia đình trong vùng có con gái đến tuần cập kê thấy Sung Quý là bậc đại phú lại có bốn con trai thẩy đều đàng hoàng chịu khó làm ăn hay chăm chỉ học hành thời đều trọng vọng vợ chồng Sung Quý với hậu ý mong được làm sui gia.
Tương Quang Quốc, một phú hộ trong phủ Tây An có con gái tên là Tương Thục Trinh và cũng là bạn thâm giao của Sung Quý, dĩ nhiên cũng ước ao con mình sánh duyên cùng cậu Tú Khắc Trung “cái cậu bảnh trai, tốt tướng, tài cao tất sau này phải đỗ đạt làm quan to” như ông thường tấm tắc nói với vợ con vậy.
Thấy vợ cũng vun vào, Tương Quang Quốc mừng lắm chờ dịp thuận tiện sẽ dọ xe, ý Sung Quý ra sao. Bởi vậy tuy nhiều người tới làm mai cho Tương Thục Trinh cậu này cậu nọ, song họ Trương cũng khéo dùng kế hoãn binh lấy cớ “cháu nọ còn nhỏ dại lắm, xin để thư thả.”
Ít lâu sau, nhân nhà có kỵ, họ Tương mời bạn qua dự tiệc. Trong lúc chén tôi chén bác, Sung Quý thấy Thục Trinh lễ phép đứng hầu rượu mới hỏi:
- Chà, cháu Thục Trinh chóng lớn quá, năm nay cháu bao nhiêu tuổi rồi bác?
- Cháu tuổi Thân. Tết này vừa 17, bác à. Aáy nó chỉ được cái lớn đầu chớ còn ngu dại lắm.
- Uùi chà, thì hãy cứ được như cháu cũng có phước chán. Aø, mà bác đã nhận lời nơi nào cho cháu chưa?
Tương Quang Quốc nhắp một hớp rượu, khà một tiếng lớn rồi mới chậm rãi trả lời:
- Chưa đâu bác à.
Một vị ngồi cùng mâm chắc là quen với cả hai đàng liền nói xen vô:
- Tôi đề nghị cháu Thục Trinh nhà này lấy cháu Khắc Trung con thứ ba bác Sung Quý đây thì đẹp đôi lắm. Thực là trai tài sánh duyên cùng gái sắc. Vả lại gái 17 lấy chồng 20 vừa lắm. Các bác nghĩ tôi nói có phải không?
- Này cô Cử Trinh, cô bảo tụi nó tiếp thêm rượu ra đây nhé.
Thục Trinh khẽ đáp: “Dạ” rồi len lỏi đi qua các bàn tiệc kêu người nhà. Thục Trinh tới mâm nào là lại được kêu một điều cô Cử, hai điều cháu Cử. Nàng tuy xấu hổ nhưng cũng thấy vui vui. Toàn phủ Tây An này đều biết hai năm nữa cậu Tú Khắc Trung sẽ đi thi Cử Nhân. Với cái tài xuất chúng của cậu, ai cũng cho là cậu phải đậu cái một, y như lần thi tú tài năm ngoái. Thục Trinh cũng tin như vậy. Dưới mắt nàng tối nay mọi người xung quanh đều đáng mến cả, nhất là ông bố chồng tương lai của nàng mới khả kính làm sao!
Ít lâu sau, Sung Quý chọn ngày lành tháng tốt cậy người mai mối tới hỏi Thục Trinh cho Khắc Trung.
Vợ chồng Tương Quang Quốc hoan hỉ nhận lời. Rồi thì lễ nhỏ, lễ lớn đều được đàng trai tuần tự tổ chức theo đúng phong tục và nhiều khi đầy đủ hơn cả sự ước mong của nhà gái. Người ta trầm trồ khen ngợi, người ta xầm xì bảo nhau: “Đám cưới này hẳn linh đình”.
Xuân qua, Hạ tới từ lâu và nay đã hầu tán. Một bữa vợ Tương Quang Quốc bảo chồng:
- Thắm thoát đã sắp sang Thu. Chẳng còn bao lâu nữa con Thục Trinh sẽ về nhà chồng. Thiếp nhớ ra mình đã quên chưa đưa con nó lên bạch với các vị Hòa thượng trên chùa Tử Vân, cho đủ lễ với bà con.
Tương Quang Quốc gật đầu đáp:
- Chút xíu nữa ta cũng quên mất chớ. Thôi nàng khá đưa con lên chùa ngay sáng nay đi, kẻo mai mốt lại mắc bận.
Tới chùa, mẹ con Thục Trinh được ba vị Hòa thượng trụ trì tại đây tiếp đón vui vẻ. Vốn ba thầy chùa này có họ với Tương Quang Quốc, vì chán nản trần tục nên thí phát quy y. bả ba vị đều trọng tuổi, đạo hạnh cao siêu tên tục là Tương Gia Ngôn, Tương Đại Hành và Tương Thới Hòa.
Lễ Phật xong xuôi, mẹ Thục Trinh nói:
- Bạch cụ, chúng tôi định đến ngày 10 tháng 8 sẽ làm lễ vu quy cho cháu đây. Để hôm đó thỉnh nhà chùa xuống chứng kiến cho cháu nó được thêm may mắn.
Hòa thượng Tương Gia Ngôn vuốt chòm râu bạc cười đáp:
- Xin bà miễn thứ cho, thiệt tình bần tăng đây không xuống dự lễ được nhưng sẽ cố gắng đến mừng cháu trước ngày cưới.
Rồi 4 người nói sang chuyện đạo giáo trong khi Thục Trinh không biết nói gì đành chắp tay đứng một bên hầu mẹ.
Chuyện vãn một hồi, mẹ Thục Trinh xin phép đi thăm vườn rau nhà chùa.
Các vị Hòa thượng vui vẻ hướng dẫn hai mẹ con ra sau chùa. Nơi đây, trên một thửa ruộng rộng lối một sào, có một thanh niên khẻo mạnh trạc 30 tuổi, đang ra cuốc đất trồng rau.
- Người ấy ngưng việc, giở nón chắp tay xá ba nhà sư và mẹ Thục Trinh, rồi lại bắt tay vào việc như cũ nhưng cứ nhìn trộm Thục Trinh hoài.
Vị hôn thê của Khắc Trung chợt ngửng lên và nàng phát rùng mình, mặt nóng bừng khi bắt gặp cái nhìn… quá trần tục của người làm vườn.
Tự nhiên, mẹ Thục Trinh thấy không ưa thanh niên đó và bà có cảm giác đó là hung thần sẽ gieo tang tóc cho gia đình bà. Bà lựa lời hỏi các hoà thượng:
- Bạch cụ, chùa ta mướn anh làm vườn này lâu mau mà chúng tôi chưa hề gặp?
Hoà thượng Gia Ngôn đáp:
- À, người này tên là Nghiêm Huê Ngươn, mới đến làm thế anh kia bịnh xin nghỉ. Bần tăng cũng nghĩ bữa nào rảnh cho chú tiểu đưa bác ta xuống nơi bà cho biết nhà đặng sau này tiện liên lạc như anh làm vườn cũ.
Mẹ Thục Trinh đáp:
- Bạch cụ, tháng trước nhà chùa cho bắp cải ăn ngon quá. Chúng tôi xin cám ơn nhà chùa.
Hoà thượng Gia Ngôn cười nói:
- Có chút đỉnh gọi là đáp lại công quả của bà. Xin bà chớ bận tâm.
Tới đây, thấy đã gần tới ngọ, mẹ con Thục Trinh cáo lỗi ra về.
Mùa thu năm đó, lúc gió heo may lành lạnh thổi, hôn lễ được cử hành trong thể cho đôi rẻ Trung Trinh nên duyên vợ chồng.
Qua hai mùa Xuân hương mặn nồng, nay đã tới thời kỳ Khắc Trung phải tạm lìa tổ ấm lên đường vô kinh dự thi. Năm ấy trái với sự tin tưởng của mọi người, Khắc Trung thi…rớt!
Về đến nhà Khắc Trung sanh ra buồn bã rồi ít lâu sau sanh bệnh nặng, nằm liệt giường liệt chiếu mê sảng luôn.
Khắc Tín, em Khắc Trung và là con trai út của vợ chồng Sung Quý, vô phòng thăm nom anh thường ngày, nhưng Tín làm như không biết đến chị dâu. Ngay từ lúc mới về nhà chồng,Thục Trinh cũng cảm thấy Tín không ưa mình. Thoạt đầu nàng không hiểu nguyên do, mãi sau Thục Trinh mới biết là Khắc Tín có ý ghen với chị dâu, xem chị dạu như kẻ đã đoạt mất người mà Tín quý mến… y hệt cảnh mẹ chồng thù ghét con dâu đã san sẻ mất tình thương yêu của đứa con trai mà từ trước đến nay bà vẫn giữ độc quyền. Thục Trinh hết sức mềm mỏng mà chẳng được, Khắc Ti1nva64n khủng hoảng với nàng.
Bữa nay Tín đến thăm, thấy anh mệt nặng hơn hôm trước. Vì quá thương anh, Tín tự bảo:
- Anh mình hỏng thi lại đau yếu thế này chẳng qua là tại vợ hết. Nay anh ấy ốm nặng nếu cớ để bà vợ trẻ đẹp, khoẻ mạnh kia suốt ngày khi lượn ra lúc lượn vô, rồi lại đến ngồi lù lù trước mặt sợ e anh mình động lòng hoa nguyệt thêm hao tổn tinh thần ra. Ta hãy đưa anh qua dưỡng bệnh bên thư phòng mới được. Ở đó thanh tịnh hơn, may ra mới hết bịnh.
Nghĩ vậy, Tín bảo chị dâu:
- Ý em muốn đưa anh qua phòng học nằm thuốc men tĩnh dưỡng chị nghĩ sao?
Thục Trinh cũng thực tình thương chồng nên muốn giữ Khắc Trung ở lại phòng mình để tiện bề săn sóc. Nàng đáp:
- Tôi thấy chẳng tiện chút nào. Qua bên đó ai trông coi nâng giấc, thuốc men cho anh ấy? Bộ chú cho là tôi không thương chồng hay sao?
Khắc Tín toan nói hoạch toẹt ý nghĩ của mình ra song thấy bất tiện đành làm thinh bỏ đi ra, trong lòng tức dận chị dâu vô cùng. Rồi từ đó, mỗi lần có bạn đồng môn của Trung đến thăm hỏi, Khắc Tín đều bưng mặt khóc và nói:
- Anh tôi lâm bệnh đến liệt giường liệt chiếu chẳng phải vì học quá mà đến đỗi như vậy. Xưa nay biết bao anh hùng hào kiệt trên đời này đều bị hại nơi tay người đàn bà. Anh tôi đâu phải là người đầu tiên và người duy nhứt? Than ôi, thương vậy thay.
Nói đoạn Khắc Tín lại bưng mặt khóc hu hu.
Chúng bạn, thẩy đều chưa có vợ, nhìn nhau vẻ mặt nhớn nhác lo sợ. Họ ngồi than thở với nhau hồi lâu, toàn một giọng tả oán đàn bà, ghê sợ đàn bà. Đến lúc họ cáo biệt Khắc Tín ra về thời chẳng hiểu đầu óc trong trắng đầy chữ thánh hiền của các cậu thư sinh ấy nghĩ gì, chỉ biết lúc họ đi ngang sân xảy có Thục Trinh vừa trong phòng bước ra, một cậu nhanh mắt trông thấy tái mặt, sợ quá đến nói lạc cả giọng: “kìa… kìa… vợ Khắc Trung ra đó”. Các cậu khác vội ngoảnh mặt đi làm như không dám nhìn một con quái vật dữ tợn lắm, ghê gớm lắm, mặc dầu các cậu chưa hề biết nó dữ tợn ra sao và ghê gớm thế nào. Theo các cậu thì chắc chắn nó khủng khiếp lắm chẳng thế mà trong sách có nói nhiều anh hùng hào kiệt đã chết vì tay đờn bà và nay lại đến lượt Khắc Trung có lẽ cũng đến chết về tay bọn họ mất thôi.
Một cậu nhỏ tuổi nhất, dường như khiếp hãi quá nắm chặt lấy tay anh bạn lớn tuổi hơn rồi len lén núp bên anh này mà đi ra làm cho Thục Trinh đứng ngây người trố mắt nhìn đám bạn chồng mà chẳng hiểu ất giáp chi ráo trọi!
Bệnh trạng của Khắc Trung ngày càng trầm trọng, mặc dầu chàng đã được các vị danh y thay phiên nhau chạy chữa. Chiều đó, thấy chồng trở chứng như sắp chết, Thục Trinh thất kinh tất tả chạy đi kêu Khắc Tín.
Vừa gặp em chồng, Thục Trinh nước mắt tuôn rơi nói:
- Chú qua gấp coi anh làm sao ấy.
Khắc Tín vất bút xuống bàn, xô ghế đứng dậy, xẵng giọng bảo chị dâu:
- Hôm trước bảo chẳng nghe, nay sắp chết còn gọi làm gì?
Nói vậy chứ Tín cũng hấp tấp đến phòng Khắc Trung. Thục Trinh uất hận về câu nói của em chồng lắn nhưng lúc này nàng cũng không thiết phân trần gì nữa nên đành nuốt giận lặng lẽ đi sau.
Thấy đôi mắt của Trung đã thất thần, Tín ôm lấy anh khóc òa lên. Khắc Trung nước mắt ràn rụa, run rẩy nắm tay em, rồi thu hết tàn lực bảo Tín rằng:
- Anh nghe trong người đã kiệt sức, chắc không qua khỏi hôm nay. Thế là anh đã cướp cọng cha mẹ, phụ cả anh em… Em ráng thi cử đỗ đạt kiếm chút quan quyền cho cha mẹ được hả dạ lúc vãn chiều xế bóng…
Trung ngưng lại, thở hổn hển một hồi rồi nhìn em và vợ lắc đầu nói tiếp:
- Anh ân hận nửa đường đứt gánh để lại vợ còn non trẻ, thiệt thà… Tín… em hãy nghĩ đến anh mà lo cấp dưỡng tử tế cho chị… Thục Trinh… em ở lại… hầu hạ mẹ cha…
Khắc Trung nói đến đây thì lả ra, đôi môi nhợt nhạt mấp máy một lúc rồi ngưng hẳn… Mắt Trung dại dần, dại dần…
Khắc Tín và Thục Trinh cùng xô lại lay gọi ầm ỹ nhưng Khắc Trung vẫn cứ lịm dần, lịm dần rồi… đi hẳn. Thế là vườn trần bay mất một anh tài đương độ thanh xuân, đương mùa hoa thắm.
Thục Trinh lăn ra đất la khóc thảm thương. Khắc Tín cũng gục đầu bên giường nức nở mãi không thôi. Vợ chồng Sung Quý hay tin chẳng lành vội chạy tới, thấy đứa con yêu dấu đã ra người thiên cổ thời đứt ruột, đứt gan khóc than khôn xiết sự tình.
Khắc Tín lo tống táng tử tế cho Khắc Trung rồi tuân theo lời trối trăn của người anh ráng lo học hành và cấp dưỡng cho chị dâu thật là chu đáo nhưng tuyệt đối không thèm giáp mặt vì vẫn oán hờn Thục Trinh cho rằng vì nàng mà anh y chết.
Vợ chồng Sung Quý muốn tránh cho con dâu cảnh trông vật cũ tưởng đến người xưa mà thêm đau khổ, mới sai dọn căn lầu gần đấy cho Thục Trinh và đứa tớ gái là Cúc Hương qua bên đó ở.
Còn căn phòng của vợ chồng Thục Trinh lúc trước được sửa sang lại thành phòng nghỉ cho bạn bè, bà con ghé chơi.
Thấm thoát đã tới tuần bốn chín. Bố mẹ chồng Thục Trinh sai lập đàn cầu cho đứa con bạc phước sớm siêu sinh tịnh đồ, nhưng không mời các Hòa thượng (bà con với sui gia) ở chùa Tử Vân mà lại thỉnh mấy nhà sư khác tới tụng kinh niệm Phật.
Thục Trinh lại một phen vật mình than khóc thảm thương. Suốt tuần ấy nàng không chịu ăn uống chi, khi sụt sùi, lúc nức nở, một mình một bóng âm thầm đau đớn nơi chốn khuê phòng, thân hình tiều tụy, sắc đẹp tàn phai.
Tới tuần bách nhật của Khắc Trung, mọi ngườingười càng lo sợ cho Thục Trinh. May nhờ bố mẹ chồng lo khuyên giải lại đến bố mẹ đẻ vỗ về an ủi mãi Thục Trinh mới vơi bớt cơn sầu, chịu cơm cháo đều đều, nhờ đó mà bình phục dần dần và xem ra lại có phần đẹp đẽ hơn nữa. Nàng lấy việc thu vén giang sơn nhà chồng để khuây khỏa nỗi buồn. Nàng nói năng dịu dàng đi đứng khoan thai nên mọi người càng thương mến.
Mỗi khi thiếu phụ trẻ đẹp dịu hiền ấy cất tiếng khóc người chồng tài hoa mà mệnh yểu, thời ai cũng phải mủi lòng rơi lệ.
Qua năm sau, cận ngày giỗ đầu của Khắc Trung, Tương Quang Quốc đem lễ vật sang nhà sui gia lập đàn tràng để tế rể hiền tỏ lòng thương nhớ người bạc phận. Tương Quang Quốc được Sung Quý tiếp đón niềm nở và rước vào tạm nghỉ tại phòng của vợ chồng Thục Trinh khi trước. Họ Tương sai đứa cháu đến chùa Tử Vân rước ba thầy chùa cùng họ đến tụng kinh siêu độ.
Chẳng ai hiểu tại sao, Khắc Tín lúc ấy từ thư phòng đi lại nghe thấy vậy, bỗng dưng nởi giận, chẳng giữ phép tắc chi cả, lớn tiếng nói thẳng với Tương Quang Quốc rằng:
- Ông làm chi ba cái điều đó, đã vô ích mà còn gieo họa cho người khác. Thôi xin dẹp đi cho tôi nhờ.
Tương Quang Quốc tức giận bỏ về phòng, gọi Thục Trinh đến mà hỏi rằng:
- Ta cúng rể ta, cớ sao thằng em chồng con nó lại không bằng lòng?
Thục Trinh đáp:
- Nó giận con từ lâu rồi cha à. Nguyên khi trước, y cứ đòi đưa chồng qua thư phòng dưỡng bệnh. Con chẳng chịu nên y oán hờn từ đó. Cha có biết không, y còn tệ đến nỗi không thèm nhìn mặt con từ một năm nay và y cũng chẳng chịu cấp dưỡng điều độ cho con như chồng con trối trăn lúc lâm chung. Nó ăn ở tệ thế đấy. Xin cha đừng buồn phiền vì con người không tốt ấy nữa.
Tương Quang Quốc nghe nói vậy lại còn giận Khắc Tín hơn nữa.
Lát sau, gia sư vào báo ba vị Hòa thượng có Nghiêm Huê Ngươn quẩy gánh kinh kệ và mõ chuông theo hầu đã tới. Tương Quang Quốc liền ra rước vô phòng bàn tính công việc.
Nhờ có của lại sẵn gia nhân nên đàn chay được thiếp lập nhanh chóng, và cuộc lễ khởi sự đúng ngọ để sẽ chấm dứt vào buổi tối như đã dự liệu. Tang quyến cùng bà con cô bác đã tề tựu đông đủ. Ba vị Hòa thượng tiến ra hành lễ.
Theo đúng phong tục, Thục Trinh bận đồ tang chế ngồi sau bàn thờ vong linh khắc Trung đặt bên trái bàn thờ Phật.
Tới lúc thỉnh vong, Tương Quan Quốc kêu Thục Trinh mà bảo:
- Các Hoà thượng đây là hàng thúc bá của con vậy con nên ra trước bàn vong linh mà lạy, không hề chi.
Thục Trinh nghe lời cha dạy đến ngồi trước bàn thờ Khắc Trung mà khóc ròng. Thế rồi tiếng cha khóc con, em khóc anh, vợ khóc chồng, nổi lên như sóng cồn. Người sụt sùi, kẻ nức nở, chỗ thì âm thầm rơi lụy, chỗ thì kêu gào thảm thiết. Tất cả hoà với tiếng tụng kinh ê a của thầy chùa, tiếng mõ dồn dập, chốc chốc lại điểm tiếng chuông rền rĩ ngân vang, tạo nên một bầu không khí ai oán, thê lương.
Khách bàng quan bỗng giật mình mở mắt trước quyền uy tối thượng của đấng Tạo Hoá. Thì ra, từ kẻ cùng đinh đến người quyền quý cao sang trong xã hội, chẳng ai thoát khỏi vòng sinh, lão, bệnh, tử vậy.
Trước sự đau thương của gia đình Thục Trinh, những tưởng bất kỳ ai, dù không là thân thích, cũng phải bồi hồi, thấy cảnh ngậm ngùi thay…
Vậy mà có kẻ chẳng những đã dửng dưng mà lại còn đem lòng ham muốn Thục Trinh, con của gia chủ đồng thời là bà con bậc thầy của mình! Chính là tên Nghiêm Huê Ngươn.
Vâng, tên này chẳng phải là người đứng đắn, hàng ngày tới lui nơi cửa thiền, cuốc vườn, trồng rau phụ giúp nhà đặng đổi lấy miếng cơm và chút tiền nong tiêu xài, nhưng tối lại về nhà thường hay kết bạn với phường vô loại, chơi bời đàng điếm.
Sau ngày được trộm ngắm sắc đẹp tuyệt vời của Thục trinh, bữa nàng lên chùa trước khi lấy chồng, nay lại nghe đồn Thục Trinh ngày càng xinh đẹp hơn trước, Huê Ngươn đã nhiều lần kiếm cách đến gần đặng coi hư thực ra sao mà chẳng được. Cho nên, sáng nay khi thấy chú tiểu đau không theo hầu các Hoà thượng đến hành lễ ở nhà thục Trinh được, Huê Ngươn liền xin quẩy dùm nhà chùa gánh kinh kệ, mõ chuông. Được các nhà sư thuận nhận, Huê Ngươn xẹt chạy về nhà (một căn nhà nhỏ, y ở một mình, không vợ con,anh em) lục rương lấy một ve thuốc nước giắt vào người rồi trở lại chùa sửa soạn gánh gồng đi theo ba nhà sư.
Giờ phút này, đứng cách Thục trinh chưa đầy mười bước, Huê Ngươn mê mẩn ngắm nhìn thiếu phụ góa bụa, trẻ đẹp đang nức nở khóc chồng trước bàn thờ vong.
Huê Ngươn vuốt mồ hôi trên trán, rồi lẩm bẩm:
- Lời đồn quả không sai. Trong cơn đau khổ, nàng còn đẹp như vầy, hơn cả lần gặp trước, thời lúc vui tươi nàng còn đẹp đến chừng nào nữa đây!
Hắn lần tay vào túi soát lại chai thuốc rồi từ từ lẻn ra ngoài chỗ hành lễ. Hắn đưa mắt nhìn xung quanh. Sân trước, nhà sau vắng hoe, Huê Ngươn liền phóng thẳng lên lầu mà lúc trước hắn trông thấy Thục Trinh và nữ tỳ Cúc Hương đi xuống.
Hắn lẻn vô phòng góa phụ quan sát một lát rồi lại dông xuống, trở về chỗ cũ dán mắt nhìn Thục Trinh.
Trông điệu bộ Huê Ngươn, Khắc T1in đã nghi tên này có tà ý chi đây song vì phải ngồi lại dự lễ nên không thể theo dò hắn được.
Buổi lễ cầu siêu cho Khắc Trung vẫn tiếp diễn. Huê Ngươn giả bộ chạy lăng xăng phụ giúp nhưng thực ra là để dò xét đường đi lối lại trong khắp khu nhà.
Đến chiều tối lễ tất thì Huê Ngươn cũng đã hoạch xong chương trình hành động.
Chờ lúc mọi người dùng bữa vừa xong, sắp qua tuần nước và ăn bánh trái, Huê Ngươn xin phép về trước. Hắn dư biết gia chủ có lệ hườn công nhà chùa, nếu hắn chờ lúc mọi người cùng ra về, nhà chủ sắp đồ tiễn các vị sư, tất nhiiên y phải về cùng thì hỏng hết kế hoạch còn chi.
Hắn đoán trúng. Quả nhiên khi thấy hắn đòi về trước, và các Hoà thượng ưng thuận, Tương Quan Quốc bảo ngay Huê Ngươn:
- Thôi để lát nữa tôi cho gia nhân quẩy dùm gánh đồ về chùa cho. Nhưng bác hãy khoan, để tôi gởi chút bạc hươn công đã.
Nói đoạn ông kêu Thục Trinh:
- Con lên phòng lấy bạc hườn công nhà chùa và bác này.
Hoà thượng Tương Gia Ngôn xua tay nói:
- Chỗ bà con với nhau xin ông mĩen cho.
Tương Quang Quốc đáp:
- Bạch cụ, ba ngài là bậc tu hành và lại chỗ thân thuộc. Nếu không nhận, tôi cũng không giám nài ép, nhưng còn bác này (trỏ Huê Ngươn), là người ngoài xin cho phép hườn công.
Thục Trinh vừa ra tới. Tương Quan Quốc biểu con lấy 5 chĩ bạc đãi Huê Ngươn.
Thục Trinh cầm bạc trao cho Huê Ngươn. Huê Ngươn ngây người ngắm nhìn bàn tay búp măng, trắng nuốt của mỹ nhân. Rồi hắn lặng lẽ cúi đầu chào mọi người và bước xuống thềm ra sân.
Lúc này trời đã tối hẳn. Huê Ngươn giả bộ thủng thẳng đi ra qua vườn. Chừng dòm lại thấy không ai đi theo, hắn liền lủi vào lùm cây rồi lần tới chân lầu Thục Trinh. Thấy cửa mở, hắn cả mừng dọt lên thang, lỏn vô phòng Thục Trinh rồi trèo tuốt lên trình nhà ngồi dòm xuống.
Phòng này rộng rãi, có kê một cái giường, một cái án thư, và một cái tủ nhỏ. Góc phòng có mấy cái rương lớn đựng quần áo, tư trang của Thục Trinh.
Huê Ngươn ngó tới ngó lui rồi hắn đánh đu theo trình nhà tới ngồi vào chỗ trông ngay xuống các rương.
Vừa yên vị, hắn rút ra một gói gạo và chai thuốc nước. Hắn nghiên nghiêng cái đầu, tay giơ cao ve thuốc nhìn kỹ lại nhãn hiệu. Nơi trình nhà hắn ngồi hơi tối vì ánh sáng ngọn bạch lạp đặt trên án thư không đủ sức chiếu tới. Tuy nhiên hắn cũng nhìn rõ 5 chữ nho đen quen thuộc trên nền giấy đỏ: “Dương cấu hiệp ta dược”. Hắn cất ve thuốc rồi gục gặc cái đầu, miệng nở một nụ cười khả ố.
Hồi lâu sau, nữ tỳ Cúc Hương lên làm giường cho cô chủ xong rồi lại xuống ngay.
Tiếng trống cầm canh thong thả điểm hai tiếng khô khan và cộc lốc. Có tiếng động nơi chân thang và tiếng cửa đóng. Phút sau Thục Trinh khoan thai bước lên phòng. Thay quần áo xong, nàng thổi tắt ngọn bạch lạp rồi lên giường nằm.
Mọi người trong nhà cũng đều đi nghỉ cả. Tứ bề yên lặng. Màn đêm bao trùm trên vạn vật. Gío heo may lành lạnh thổi.
Bỗng từ các rương quần áo của Thục Trinh phát ra những tiếng động nhỏ, nghe như tiếng chuột gặm rương mà cũng có thể nghe như tiếng hạt gạo ai rắc từ cao xuống mặt gỗ.
Tiếp theo có tiếng sột soạt trên trình nhà rồi tiếng chuột rúc.
Chà, chuột đâu mà phá dữ vậy kìa. Thục Trinh miệng “suỵt suỵt” liên hồi. Lũ chuột lại càng làm dữ hơn. Chúng chạy rần rần trên xà nhà, cắn nhau chí choé rồi lại kéo nhau xuống gặm rương tanh tách. Chết thật,nó cắn hết quần áo mất thôi.
Có tiếng lục đục trong giường Thục Trinh, rồi có tiếng chân nàng đi ra phía án thư. Nàng đập đá lửa chan chát để châm đèn cầy. Lũ chuột như hoảng sợ im bặt.
Thục Trinh đốt được đèn liền cầm lại bên rương đồ, coi sự thể ra sao. Khi nàng đang lom khom bên các rương thì nhanh như cắt, Huê Ngươn ở trên trình nhà rưới chất nước đựng trong chai vào người nàng.
Vì mải coi đồ, Thục Trinh không để ý nên bị thuốc thấm vào người mà không hay biết gì…
Chừng đến khi tên khốn kiếp Huê Ngươn từ trình nhà tuột xuống và ôm đại lấy Thục Trinh thì nàng cũng không còn tự chủ được nữa…
Thì ra tên ác ôn ấy đã dùng tà dược khiến người góa phụ bị vết bùn nhơ.
Thương thay cho nàng Thục Trinh đoan trang, hiền hòa mà cũng lại giận thay tên Huê Ngươn đốn mạt, ác tâm.
Gà vừa gáy sáng thì thuốc mê cũng dã. Thục Trinh mới biết mình mắc mưu kẻ gian dâm. Nàng uất hận, cắn lưỡi tự tử chết liền.
Lát sau, tên Ngươn cũng bừng tỉnh dậy vội vã sửa lại quần áo rút lui. Hắn lấy gói bạc 5 chỉ đặt lên bụng Thục Trinh làm vật tạ ơn rồi trèo qua cửa sổ chuyền xuống mái nhà dưới thoát ra khỏi nhà rồi dông mất dạng.
Khi mặt trời đã lên khỏi ngọn tre mà vẫn chưa thấy Thục Trinh xuống lầu, gia nhân trong nhà ngỡ rằng nàng mệt mỏi vì cuộc lễ hôm trước nên không ai để ý. Tương Quang Quốc ngủ đậu lại nhà sui gia, cũng nghĩ như vậy.
Hồi lâu sau, con Cúc Hương thấy cô chủ ngủ quá muộn thò tay mở cửa lên lầu kêu. Nó vào phòng cất tiếng gọi. Không nghe chủ trả lời, nó tiến đến bên giường, vén mùng dòm vô thấy Thục Trinh nằm chết từ hồi nào, thi thể lõa lồ, miệng ứ máu, mắt mở trừng trừng.
Con Cúc Hương hãi quá vùng bỏ chạy xuống lầu, mặt xanh như tàu lá chuối.
Nó kiếm Khắc Hiếu và Khắc Tín báo tin chẳng lành này.
Hai anh em liền hô gia nhân chạy theo lên thì thấy quả thực Thục Trinh đã chết rồi.
Khắc Hiếu (anh cả) vội lấy vải phủ lên thi hài em dâu và sai người nhà khiêng gấp xuống đặt nơi phòng dưới. Gói bạc 5 chỉ rơi từ bụng Thục Trinh xuống sàn, con Cúc Hương trông thấy liền lượm lấy, giấu vào trong người.
Tương Quang Quốc nghỉ ở phòng rể cũ nghe tin sét đánh, lật đật chạy đến.
Trước cái chết thảm thương của đứa con gái đã quá đau khổ này, ông đứng lặng người một lúc, nỗi đau thương hiện trên nét mặt. Tuy ông không khóc nhưng trông ông ai cũng biết là lúc này ông như người chết đứng.
Những giọt lệ như lui trở lại và rơi vào trong tâm ông. Sự đau khổ của ông đến thế là cùng cực.
Thấy ông run rẩy đứng không vững người ta vội dìu ông về phòng nghỉ. Được một lát, chừng ông xúc cảm ban đầu dịu bớt, ông ngồi dậy ăn vận chỉnh tề rồi đi thẳng ra đường.
Gặp gia nhân đói hỏi, ông nghiến răng, quắc mắt đáp:
- Con ta cắn lưỡi mà chết chắc là bị hãm hiếp nên giận quá mà liều thân. Thằng Tín hãm hại con ta chớ còn ai nữa. Ta phải đi cáo quan.
Nói đoạn ông dồn bước đi mau về nhà nói qua cho vợ con biết rồi lấy giấy bút viết đơn cáo Bao Công.
Đơn rằng:
“Con tôi là Trương Thục Trinh lấy Khắc Trung. Hẳng may chồng nó chết. Em chồng tên là Khắc Tín vốn có tính dâm ô, toan nài con tôi làm điều thương luân bại lý, con tôi trinh tiết chẳng chịu, nó đem lòng oán ghét từ lâu này muốn làm nhục con tôi.
“Bữa qua, nhân có đàn chay cúng vong Khắc Trung, y thấy con dâu tôi mệt, bèn vô hãm hiếp. Bị nhục, con tôi cắn lưỡi, tử tiết.
“Cúi xin thượng quan đem gươm ba thước, sớm định chánh pháp ngũ hình cho con tôi được ngậm cười nơi chín suối”.
Làm đơn xong, Tương Quan Quốc đem đến nạp cho Bao Công.
Phút chốc, tin nàng Thục Trinh cắn lưỡi tự vẫn vì bị em chồng hãm hiếp bay ra khắp vùng và sắp bắt Khắc Tín để hỏi tội.
Bắt được tin này, Khắc Tín xấu hổ vô cùng liền đến trước bàn thờ anh, đốt đèn thắp nhang khóc lóc một hồi vì quá uất hận nên hộc ra bát máu tươi và ngất đi.
Cả nhà xúm lại chạy chữa hồi lâu, Khắc Tín mới hồi dương dần dần, miệng ú ớ, hai tay giơ ra như muốn nắm ai trong cơn ác mộng.
Mẹ Khắc Tín hốt hoảng gọi Sung Quí:
- Ông ơi, con nó sắp đi kìa, tay nó đang bắt chuồn chuồn rồi ông ơi.
Nói đoạn bà oà lên khóc. Sung Quí chẳng biết làm thế nào hơn đành hô gia nhân đi giục lương y tới gấp.
Mọi người còn đang bối rối thì vừa may vị lương y đã chống gậy đi vào. Sau khi bắt mạch cho Khắc Tín, ông ta mở hồ lô lấy thuốc mài ra rồi đổ vào miệng con bịnh. Đoạn ông khoác tay bảo mọi người:
- Xin các ông các bà lui cả ra. Cậu ấy uất ức quá mà sanh ra như vậy. Không sao đâu, sắp tỉnh bây giờ.
Quả nhiên lát sau Khắc Tín thở dài một tiếng lớn rồi mở mắt nhìn mọi người. Người anh cả là Khắc Hiếu hỏi em:
- Vừa rồi chú mê sảng luôn miệng kêu… Ngươn… Ngươn… anh chẳng hiểu chú nói gì.
Khắc Tín giọng mệt mỏi đáp:
- Em mơ thấy hồn anh Khắc Trung về bảo kẻ hãm hại chị Thục Trinh là tên Nghiêm Huê Ngươn.
Người anh cả hỏi lại:
- Nghiêm Huê Ngươn nào, em biết không?
Có, là thằng cha quẩy đồ bữa qua đó, anh nhớ không?
Khắc Hiếu gật đầu không nói chi.
Vừa lúc ấy phía ngoài có tiếng quân lính hô ầm ỹ, mọi người thất sắc chưa biết tính sao thì lính đã vô tới nhà đưa trát của Bao Công ra lệnh bắt Khắc Tín giải về Nha để hỏi tội hãm hại Thục Trinh.
Thiệt rủi cho Khắc Tín, chưa qua nạn này đã rơi vào nạn khác.
Phần vợ chồng Sung Quí hiền lành phước đức, những tưởng hoè quế đầy sân, an hưởng tuổi già, ai ngờ đất bằng nổi sóng, trong vòng chưa đầy một năm mà con cái lớp chết, lớp đi tù, mang tai, mang tiếng. Thiệt là hoạ vô đơn chí. Khắp vùng ai cũng lắc đầu ái ngại.
Khắc Tín bị lính dẫn tới trước công đường. Bao Công nhìn người thư sinh một lúc rồi chậm rãi nói:
- Đã là kẻ theo đòi chữ nghĩa thánh hiền, sao người chẳng biết giữ mình mà còn dám loạn luân khiến người ta xấu hổ mà tự vẫn chết.
Khắc Tín lễ phép đáp:
- Thưa thượng quan, oan cho kẻ này, dám xin xét lại.
Bao Công cau mày cầm đơn cáo tố của Quang Quốc giơ lên và bảo Khắc Tín:
- Có đơn của cha Thục Trinh cáo người cưỡng hiếp con ông ta khiến nàng hổ thẹn mà tự tử. Trông bộ vó người thế kia, chắc không kham nổi một trận đòn của ta.
Ta ban cho người một ân huệ: Cho người tự khai đi.
Nói đoạn ông truyền lính điệu Khắc Tín ra bàn ngoài cho ngồi làm tờ tự thú.
Khắc Tín ngồi vào bàn, cầm bút viết liền ba chữ “Đơn khiếu oan” rồi cắm đầu thao thao viết tiếp đại ý như sau:
Thưa thượng quan
1. Chị dâu tôi bị kẻ dâm ô hãm hiếp nên tự vẫn để giữ vẹn lòng trinh tiết với anh tôi. Đó là điều đáng kính. Nhưng tôi trách chị tôi sao chẳng chờ tố cáo kẻ hãm hại rồi hãy chết cũng chưa có muộn. Nay chị chết gấp quá, danh dự chị vẹn toàn nhưng để khổ cho tôi khi không bị hàm oan.
2. Tương Quang Quốc thấy con chết thảm thương, xót xa tấc dạ, muốn tìm ngay ra thủ phạm đặng rửa hờn cho con. Di9ều đó là phải,ai nào cấm đoán nhưng đáng lẽ ông ta phải dọ hỏi cặ kẽ trước khi tố cáo mới khỏi cáo nhầm.
3. Tôi một dạ thờ anh kính chị, ra vô không hề giáp mặt chị dâu đã một năm nay, lửa chẳng gần rơm, sao bảo tôi dâm ô cho đặng?
4. Xét cho kỹ, kẻ hại chị dâu tôi, chắc là tên Nghiêm Huê Ngươn.
Bởi các lý lẽ trên xin thượng quan minh xét cho.
Bái bút
Khắc Tín
Lính đưa Khắc Tín trở lại trình Bao Công. Bao Công cầm bút son phê lia lịa một hồi trên lá đơn của Khắc Tín. Đoạn ông ngửng đầu lên gọi lính dẫn Tương Quang Quốc vào đối chất.
Bao Công hỏi Quan Quốc:
- Người tố cáo Khắc Tín hãm hiếp Thục Trinh, chớ chẳng hay vì lý do gì vậy? Theo lời của bị cáo đây, y không hề giáp mặt chị dâu từ một năm nay thì sao lại có chuyện dâm ô này được?
Quang Quốc đáp:
- Thưa thượng quan,hắn tuy chẳng phải đứa dâm ô song y cố tình hãm hiếp con tôi vì hắn biết con tôi tiết hạnh, tất sẽ tự vẫn. Như thế y trả được mối thù.
Bao Công hỏi:
- Y có mối thù cho với chị dâu vậy?
- Nguyên hồi rể tôi còn sống, đang nằm trị bịnh nơi phòng riêng của hai vợ chồng, thì Khắc Tín nằng nặc đòi con tôi phải rời anh y qua dưỡng bịnh nơi thư phòng. Con tôi chẳng chịu, y đem lòng oán hận từ đó nên sau này mới bức hại cho con tôi giận mà chết để rửa mối hờn ngày trước.
Bao Công quay ra hỏi Khắc Tín:
- Có đúng là ngươi đoài như vậy mà chị dâu người chẳng thuận phải không?
- Dạ, đúng vậy. Tôi muốn cho anh tôi qua thư phòng đặng thanh khiết dưỡng bịnh cho chóng lành. Anh tôi chết, tôi có oán giận chị tôi thiệt nhưng thực tình tôi không có trả thù như vậy. Kẻ dâm ô chắc là Nghiêm Huê Ngươn…
Quang Quốc vung tay, cắt lời Khắc Tín:
- Người ta đến chưa được một ngày, làm sao mà biết được con tôi ở phòng nào mà làm bậy. Vả lại người ta ra về trước, mọi người đều trông thấy. Thưa thượng quan, tên này khai man xin quan min xét.
Bao Công hất hàm hỏi vặn Khắc Tín:
- Nhà ngươi có gì làm bằng chứng không dám đổ tội cho người khác?
Khắc Tín bình tĩnh đáp:
Thưa thượng quan, ngay khi được tin ông này (chỉ Quang Quốc) vào đơn nơi thượng quan tôi vì oan nên uất quá thổ huyết rồi ngã ra bất tỉnh. Trong lúc mê man, tôi gặp hồn Khắc Trung. Hồn anh bảo tôi rằng:”Kẻ dâm ô chính là Nghiêm Huê Ngươn đó, em à”. Hồn tôi níu áo anh tôi mà chẳng đặng…
Khắc Tín chưa dứt lời, Bao Công đã vỗ án quát rằng:
- Người to gan thực. Dám đem chuyện ma quỷ kể ra đây để mong huyễn hoặc ta. Lính đâu, nọc cổ tên này ra đánh hai mươi roi cho ta.
Lính dạran xúm lại lôi Khắc Tín ra đánh đủ 20 roi thiệt đau.
Thế là cậu thư sinh bỗng dưng mắc hoạ đến đỗi thịt rơi, múa chảy. Khắc Tín vừa khóc vừa kêu: “Oái anh Khắc Trung ơi! Vong hồn anh có linh thiêng sao chẳng phù hộ độ trì cho em, để em mắc nạn thế này anh ơi”.
Bao Công cười gằn nói:
- Hồn anh ngươi nếu có linh hiển sao chẳng về báo mộng cho ta. Lính đâu, đem hạ ngục tên này cho ta, mai ta sẽ định liệu.
Khắc Tín bị dẫn đi khỏi, Bao Công bảo Trương Quang Quốc lui về. Đoạn ông cho đòi hai thám tử đắc lực nhất vô mà phán rằng:
- Hai người chia nhau tra cho rõ về gia cảnh nhà Sung Quý, tánh tình hạnh kiểm của Khắc Tín và Thục Trinh ra sao. Cần phải coi rõ xem có thiệt Khắc Tín không thèm nhìn mặt Thục Trinh không hay là y bày trò như vậy để che mắt thiên hạ. Muốn biết rõ phải dọ xét nơi bọn gia nhân, nhất là bọ nữ tỳ của Thục Trinh.
Bao Công ngưng một lát để suy nghĩ rồi nói tiếp:
- Mặt khác phải theo dõi điều tra cho kỹ về Nghiêm Huê Ngươn, tên làm vườn ở chùa Tử Vân, coi thử tánh hạnh nó ra sao và thù oán chi với bố con Khắc Tín không mà sao mà Khắc Tín chút tội cho nó? Ráng lo cho sớm nghe. Nếu cần thì lấy thêm người mà làm cho lẹ nhưng phải hướng dẫn cho nó hiểu chưa?
Hai thám tử vâng dạ rồi lui ra. Lúc bấy giờ trời đã xế chiều. Đến tối, ngót mười lính công sai dưới sự chỉ huy của hai thám tử lục tục kéo về Nha báo cáo kết quả cuộc điều tra.
Suốt đêm đó Bao Công đốt đèn ngồi nghiên cứu hồ sơ vụ án Thục Trinh. Ông đọc tới đọc lui so lời khai của Khắc Tín với Phúc trình của thám tử. Đọc mãi rồi ông lại ngồi bóp trán suy nghĩ. Ngồi chán ông lại đứng dậy chắp tay sau lưng đi đi lại lại nơi công đường, ra chiều suy nghĩ lắm.
Hồi lâu sau, ông trở lại ngồi trước án thư cầm bút viết vài chữ rồi lại thôi. Ông nhíu đôi lông mày sâu róm, lẩm bẩm nói:
- Hừ lạ quá. Vụ này thiệt là khó xử. Thục Trinh cắn lưỡi tự tử chết trên giường ngủ trong phòng y thị, thi thể lõa lồ.
Như vậy có 2 giả thuyết. Một là nàng thuận tình dâm ô rồi sau có chi trái ý đó nên giận hờn mà tự tử chết. Hai là nàng bị cưỡng hiếp, chống cự không lại bèn cắn lưỡi chết luôn.
Bao Công lại đứng dậy đi đi lại lại một lúc rồi lại lẩm bẩm nói một mình:
- Có lẽ giả thuyết thứ nhất đúng. Nàng thuận tình dâm ô sau vì một chuyện chi đó mà tự tử. Nếu thế thì thủ phạm là Khắc Tín nếu không thì cũng phải là người mà Thục Trinh quen biết. Còn giả thuyết thứ hai không vững lắm. Nếu bị kẻ lạ mặt cưỡng hiếp thì sao nàng không la lên? cho là không kịp la hay vì cớ gì không la được thì sao mùng mền không bị xô lậch, không có dấu vết một sự kháng cự dù là tối thiểu. Vả lại theo quần áo kiểu cách cởi bỏ ra thì quyết chẳng phải là nàng bị bất ngờ rồi.
Nếu thủ phạm là Nghiêm Huê Ngươn dễ thường nó có tà thuật chắc. Vụ này khó xử thiệt.
Bỗng Bao Công ngừng lại, cất tiếng gọi lính hầu:
- Bây đâu, đi kêu gấp hai thám tử lên cho ta hỏi mau.
Lát sau, hai thám tử hấp tấp đi vô công đường. Bao Công hỏi:
- Các ngươi có điều tra kỹ về Khắc Tín và Thục Trinh đấy chứ?
Một thám tử đáp:
- Dạ, thưa kỹ lắm. Gia nhân đều khai là Khắc Tín giận không thèm giáp mặt chị dâu gần một năm nay. Vả lại y là người đàng hoàng, đứng đắn.
Bao Công hỏi:
- Thục Trinh ngủ trên lầu một mình phải không?
- Dạ, phải.
- Còn con nữ tỳ Cúc Hương?
- Dạ, nó ngủ ở nhà dưới.
- Thục Trinh có biết chữ không?
- Dạ theo lời gia nhân thì nàng vẫn tự tay ghi sổ sách.
- Cửa dưới lầu có đóng lại ban đêm được không?
- Dạ, có nhưng có thể mở từ bên ngoài được.
Bao Công giật mình trợn mắt hỏi:
- Ngươi nói sao?
- Dạ, có cửa nhưng cửa có thể mở từ bên ngoài ạ.
Bao Công quát:
- Thế sao không ghi vào phúc trình. Mai sớm đi bắt con Cúc Hương về đây cho ta hỏi nghe chưa?
Hai thám tử lủi mau ra thì Bao Công đã gọi giật lại và dặn thêm rằng:
- Nhớ để nó dậy rồi hãy bắt. Chỉ khám sơ sơ chung quanh chỗ nó nằm mà thôi. Nhưng phải trông cho kỹ đừng để nó kịp vứt bỏ một thứ gì nó giắt trong người ra như thư từ chẳng hạn.
Hai thám tử dạ ran rồi lui ra. Bao Công cũng trở về phòng ngủ.
Chẳng biết đêm đó ông có mộng thấy hồn Khắc Trung hay không chỉ biết sáng sau, ông lấy hồ sơ coi lại từ sớm rồi tự bảo: “Vụ này phải tra khéo mới xong”. Nghĩ vậy ông truyền cho dẫn Khắc Tín lên.
Bao Công nhìn Khắc Tín từ đầu đến chân rồi ôn tồn nói:
- Ta cũng tin là có quỷ. Lời khai của ngươi xem ra cũng nghe được.
Rồi ông đột ngột hỏi Khắc Tín:
- Con nữ tỳ Cúc Hương là thế nào với Thục Trinh?
- Dạ nó là cháu họ.
- Thế nó có dễ sai không?
- Dạ, nó cũng dễ bảo.
- Ơø… thế ngươi có hay sai khiến nữ tỳ của chị dâu không?
- Dạ không. Người của chị thì chị sai. Tôi có người của tôi.
- Ưø phải. Thế chị dâu ngươi có biết chữ không?
- Dạ có.
- Sao biết?
- Dạ, anh tôi nói và sau này sổ sách chị dâu tôi giữ.
- Bây giờ ai cất giữ sổ sách ấy?
- Dạ chị dâu tôi cất giữ lúc còn sống, nay chắc còn ở trên phòng.
Bao Công hỏi tới đây thì lính vào bẩm đã giải nữ tỳ Cúc Hương về tới Nha. Bao Công ra lệnh đem Khắc Tín trở về ngục thất rồi cho đòi con Cúc Hương vô.
Lần đầu tiên bị gọi đến trước mặt quan thì lại đụng ngay phải Bao đại nhơn, mặt sắt đen sì, mắt long lanh dữ tợn, con Cúc Hương hồn vía lên mây. Nó chỉ dám nhìn trộm Bao Công có một lần rồi cúi gầm mặt xuống, ríu ríu bước theo người lính đến trước mặt quan.
Bao Công hỏi:
- Ngươi là Cúc Hương cháu của Thục Trinh, vẫn đi theo hầu cô chủ phải không?
- Dạ phải.
- Chủ có hay sai đưa thư cho ai không?
- Dạ… không.
Bao Công ngờ rằng Cúc Hương không hiểu thư là cái gì và có thể Thục Trinh gởi thư dưới hình thức khác nên ông hỏi lại:
- Chủ có hay sai giấu đồ gì vào túi bảo đem đưa cho ai không?
Con Cúc Hương hốt hoảng nghe không ra, tưởng Bao Công biết nó có giấu gói bạc 5 chỉ lượm được ở phòng Thục Trinh nên hoảng hốt, mặt tái xanh, tay cứ giữ túi áo bên phải.
Bao Công lấy làm lạ liền sai lính khám người nữ tỳ Cúc Hương thì lòi ra gói bạc 5 chỉ nó giấu trong túi.
Bao Công mở gói bạc ra coi rồi quát hỏi:
- Sao mày có gói bạc này? Mau khai ra, đừng để ta phải tra khảo.
Cúc Hương thất kinh, vội khai:
- Dạ, gói bạc này tôi thấy rớt từ mình cô chủ xuống lúc người ta khiêng xác chủ tôi xuống lầu. Tôi trông thấy nên lượm lấy.
Bao Công hỏi:
- Chủ mi hay có tính để bạc bừa bãi như vậy không?
- Thưa không. Cô tôi cẩn thận và ngăn nắp lắm. Mỗi khi chi tiêu món gì, cô tôi đều vô sổ ngay tức thì.
- Bữa đó chủ mi có lấy bạc ra làm gì không?
- Thưa không… à, dạ thưa có. Lúc tối cô tôi theo lệnh thân phụ có lấy bạc xuống để hườn công cho Nghiêm Huê Ngươn.
Bao công sai lính cấp tốc dẫn con Cúc Hương về phòng Thục Trinh lấy sổ sách đem về Nha.
Bao Công lật sổ ra coi thấy chữ Thục Trinh ghi xuất 5 chỉ bạc hườn công cho Nghiêm Huê Ngươn.
Ông liền một mặt cho đòi Tương Quang Quốc đến, một mặt cho lính đi bắt Nghiêm Huê Ngươn.
Lát sau Tương Quang Quốc lật đật đến hầu.
Bao Công hỏi:
- Ngươi có biểu con gái lấy bạc hườn công cho ai… không?
- Dạ có, tôi tính hườn công nhà chùa nhưng ba vị Hòa thượng không nhận chỉ có Nghiêm Huê Ngươn lãnh 5 chỉ bạc đền công thôi.
Bao Công dạy đưa Quang Quốc ra ngoài chờ.
Hồi lâu sau, lính giải Nghiêm Huê Ngươn về tới.
Bao Công chỉ mặt tên Ngươn mà quát rằng:
- Làm sao dám hãm hiếp con gái Quang Quốc?
Nghiêm Huê Ngươn đáp:
- Thưa Thượng quan, đâu có. Họ vu oan cho tôi.
- Vậy thì gói bạc 5 chỉ gia chủ hườn công đâu?
- Dạ còn để ở nhà.
Bao Công quát:
- Nói láo. Thế gói bạc 5 chỉ nào để trên bụng Thục Trinh đây?
Vừa nói Bao Công vừa rút gói bạc ra bàn:
Huê Ngươn hoảng sợ, líu cả lưỡi nhưng vẫn cố cãi:
- Thưa… thưa… không phải bạc ấy.
Trông điệu bộ luống cuống của Huê Ngươn, Bao Công càng nghi tợn. Ông quát vang như sấm:
- Bây đâu, vật thằng này ra đánh cho nó một trận xem nó còn chối cãi nữa thôi.
Lính dạ ran, xúm lại lôi Huê Ngươn ra đánh đập tơi bời.
Huê Ngươn chịu đòn không thấu lạy van rối rít:
- Xin ngừng tay, xin ngừng tay tôi xin thú nhận.
Bao Công ra lệnh cho lính vãn ra đoạn ông hỏi:
- Phải mai đã cưỡng hiếp Thục Trinh không?
- Dạ thưa có gian dâm nhưng nàng thuận tình.
- Mi tới lui lâu mau?
- Dạ thưa lần đầu.
Bao Công vỗ án la:
- Quân này láo thiệt. Mi định qua mặt ta nữa sao. Dùng tà thuật gì khiến Thục Trinh chịu thất tiết với mi thì mau khai ra, chớ để ta phải dùng cực hình tra tấn.
Huê Ngươn đành cung khai hết sự thật và y thú nhận đã dùng thuốc mê để Thục Trinh mất tự chủ. Nhưng y quả quyết Thục Trinh còn sống lúc y trốn ra. Rồi y xin Bao Công khoan dung.
Bao Công cười gằn đáp:
- Tội mi nặng lắm. Làm sao tha đặng những quân háo sắc lại xảo quyệt như mi, nói dối ra về để ẩn náu trong phòng người ta lại trữ sẵn thuốc mê tưới vào mình góa phụ đặng thỏa thú tánh. Y theo phép nước luật vua, mi phải bị chém bêu đầu giữa chợ để răn bá tánh.
Nói đoạn Bao Công truyền tống giam Nghiêm Huê Ngươn vào khu tử tù để chờ ngày đền tội ác. Ông ra lệnh trả tự do cho Khắc Tín và phạt Tương Quang Quốc về tội vu cáo.